Your Adsense Link 728 X 15

Âm phủ - kỳ 4

Posted by Kenny Phạm 8/4/12 0 nhận xét
Viện Bảo tàng Highfield là một cái hốc vinh quang -một kho chứa đồ hết xài để thành phố đỡ mất công đổ rác. Bản thân tòa nhà của viện là tòa thị chính trước đây, được cải biên thành viện bảo tàng bằng cách bày biện lung tung mấy hộp kiếng cũ kỹ y như những thứ chứa bên trong.
Ngồi trên cái ghế nha sĩ cọc cạch của thế kỷ trước, Tiến sĩ Burrows ăn bánh mì, dùng một cái mâm bày những bàn chải đánh răng hồi đầu thế kỷ hai mươi làm mâm đựng bữa ăn của ông. Ông vừa gặm khúc bánh mì trét sốt trứng kẹp xúc xích ỉu xìu vừa lật tờ The Times, ra vẻ không bận tâm tới những dụng cụ liên quan đến răng cỏ cáu bẩn nằm bên dưới, những thứ mà dân chúng địa phương hiến tặng cho viện bảo tàng thay vì liệng thùng rác.
Trong những căn phòng chung quanh sảnh đường chính mà Tiến sĩ Burrows đang ngồi, cũng bày biện nhiều món đồ tương tự, những thứ đỡ-mất-công-người-quét-dọn. Góc “Bếp Bà Nội” triển lãm một tập hợp phong phú mấy cái đồ đánh trứng, đồ lẩy hột táo, và đồ gạn bã trà. Một cặp máy cán là đời Victoria gỉ sét đứng kiêu hãnh bên một máy giặt hiệu Old Faithful Electric đã ngoẻo từ thập niên 1950, bây giờ tung tẩy bụi bặm một cách huy hoàng không khác thời vàng son từng chơi đủ loại bột giặt.
Góc “Tường Đồng hồ” đúng là tuyệt vời vì chất đời thường của nó. Đúng, cũng có một vật bắt mắt – một cái đồng hồ tranh thời Victoria có vẽ trên mặt kiếng cảnh một nông dân đang kéo cày – nhưng chẳng may mặt kiếng lại bị bể, và một miếng kiếng hơi to bị mất đúng ngay chỗ lẽ ra là cái đầu của con ngựa cày. Chung quanh cái đồng hồ này có trưng bày khá tỉ mỉ các thứ đồng hồ lên giây và đồng hồ điện treo tường thịnh hành vào thập niên 1940 và 1950 trong ánh sáng èo uột của đèn chao nhựa mờ đục. Chẳng cái đồng hồ nào còn chạy, bởi vì Tiến sĩ Burrows đâu có rảnh ở đó mà sửa chúng.
Highfield là một phần của thành phố London, nhỏ hơn, và đã trải qua thời giàu có, hình thành như một khu dân cư nhỏ từ thời người La Mã chiếm đóng, còn trong lịch sử cận đại thì khu vực này từng phình lớn nhờ ảnh hưởng của cuộc Cách mạng Công nghiệp. Tuy nhiên, chẳng có mấy chứng tích của quá khứ phong phú đó được lưu trữ trong cái viện bảo tàng bé tí, và khu vực này được thể hiện như hiện thực ngày nay: một sa mạc những nhà ở hai-trên-hai-dưới, những cửa hàng lèng èng không thuê nổi chỗ kinh doanh ở trung tâm.
Tiến sĩ Burrows, quản thủ viện bảo tàng, kiêm luôn thuyết trình viên, ngoại trừ ngày thứ bảy, là ngày mấy người già ăn lương hưu được bố trí trực nhật ở cứ điểm này. Lúc nào bên hông Tiến sĩ Burrows cũng kè kè một cái cặp da nâu đựng vô số tạp chí và những cuốn sách giáo khoa đọc nửa chừng cùng mấy cuốn tiểu thuyết lịch sử.
Bởi vì đọc là cách Tiến sĩ Burrows làm cho hết ngày, thỉnh thoảng giải lao bằng một giấc ngủ ngắn, và hơi quá thỉnh thoảng là những lúc hút thuốc lá liên tục trong “Kho Sách”, một kho chứa lớn chất đầy nhóc những hộp bưu thiếp và hình ảnh gia đình bị lãng quên, chúng sẽ chẳng bao giờ được đem ra trưng bày vì không có chỗ.
Chui rúc giữa những đồ triển lãm bám đầy bụi và những kệ trưng bày cũ kỹ bằng gỗ gụ, ông gác chân lên bàn, đọc như điên trên cái nền âm thanh của kênh Radio 4 phát từ một cái đài bán dẫn được một người dân địa phương đầy thiện chí cống hiến cho viện bảo tàng.
Ngoại trừ những lúc năm thì mười họa có mấy thầy trò thèm đi một chuyến thực tế ở địa phương trong lúc thời tiết ẩm ướt, chẳng có mấy khách thăm viếng cái viện bảo tàng này, mà nếu có thì xem xong cũng chẳng mấy ai muốn trở lại.
Tiến sĩ Burrows, cũng giống nhiều người khác, ban đầu nhận công việc này như một trạm dừng chờ thời vận. Mà không phải là ổng không có thành tích học thuật đáng nể: một bằng cấp về lịch sử, sau đó là một bằng cấp khác về khảo cổ, và tận cùng bằng đỉnh cao tiến sĩ. Nhưng thời buổi không có mấy chỗ trống ở các trường đại học London, lại có con nhỏ ở nhà, ông tình cờ phát hiện công việc ở viện bảo tàng ở Highfield Bugle, bèn gởi hồ sơ xin việc, thầm nghĩ là thà làm đỡ việc gì đó cho nhanh.
Khi người ta cho ông trông nom viện bảo tàng, ông nhận công việc và thầm nghĩ mình sẽ tìm một công việc khác hợp sở trường hơn trong tương lai gần. Và, như đã xảy ra với nhiều người khác, sự an toàn của đồng lương lãnh đều đặn mỗi tháng khiến cho mười hai năm trôi qua một cái vèo và người ta tiêu tan mọi ý muốn tìm kiếm một công việc khá hơn.
Thành ra, ông giờ đây, với bằng Tiến sĩ về cổ vật Hy Lạp, áo khoác bằng vải len xù màu sậm có những miếng vá phong cách “giáo sư” ở hai cùi chỏ, ngồi ngao ngán nhìn bụi lắng xuống những đồ trưng bày cũ kỹ, đau đớn nhận ra bụi cũng đang lắng xuống chính cuộc đời ông.
Ăn hết ổ bánh mì, Tiến sĩ Burrows vò miếng giấy gói bánh thành một cục rồi nghịch quăng nó vô một cái sọt giấy bằng nhựa màu cam làm từ thập niên 1960 đang được trưng bày trong khu vực “Nhà bếp”. Ông quăng không trúng, cục giấy chạm vành miệng giỏ rác, văng ra, rớt xuống sàn gỗ.
Ông thở ra một cái đầy thất vọng rồi với lấy cái cặp, lục lọi tìm kiếm đến khi lôi ra được một thanh sô-cô-la. Đó là món ăn chơi khoái khẩu mà ông tính để dành cho buổi xế trưa, cho mỗi ngày có chút hương vị. Nhưng bữa nay ông cảm thấy đặc biệt não nề và đành buông lỏng cho thói hảo ngọt, xé giấy gói thanh sô-cô-la ra và cắn một miếng to.
Ngay lúc đó, chuông cửa reo leng keng và cụ Oscar Embers lộc cộc đi vào trên đôi nạng. Cụ già nguyên kịch sĩ tám chục tuổi này đã hình thành được một niềm say mê bảo tàng, và đăng ký thỉnh thoảng trực buổi trưa thứ bảy, sau khi hiến tặng cho kho lưu trữ bộ chân dung “Tiêu điểm” có chữ ký của cụ.
Thấy cụ già sắp sà vào mình, Tiến sĩ Burrows vội ngốn nuốt một miệng đầy sô-cô-la, nhưng nhận thấy mình có hơi ép năng lực tiêu hóa của bản thân. Trong lúc còn nhai trệu trạo, ông nhận thấy cụ già hưu trí, vẫn còn sáng suốt minh mẫn, đang tiếp cận mình bằng tốc độ quá nhanh. Tiến sĩ Burrows đã nghĩ đến chuyện lỉnh qua phòng làm việc của riêng mình, nhưng bây giờ thì trễ quá rồi. Ông đành ngồi yên, hai má phù lên như má chuột đồng khi ông cố nhe ra nụ cười.
- Chào ông, Roger.
Cụ Oscar hồ hởi phấn khởi chào, trong lúc tay cụ lục lọi túi áo khoác.
- Ủa, cái đó chạy đâu rồi?
Tiến sĩ Burrows nặn ra tiếng “Ờ ừm” với đôi môi mím chặt, đầu gật gù một cách sốt sắng nhiệt tình. Trong lúc cụ Oscar còn vật lộn với cái túi áo, Tiến sĩ Burrows đã tranh thủ nhai được vài cái, nhưng cụ già bỗng ngước nhìn lên, tay vẫn kẹt trong túi áo như thể cái túi kháng cự mãnh liệt. Cụ Oscar bèn tạm ngưng tra khảo cái túi một giây, nheo mắt nhìn quanh mấy bức tường và mấy kệ trưng bày.
- Không thấy sợi dây tôi đem tới vào tuần kia nhỉ? Ông có tính trưng bày nó không đấy? Tôi biết nó hơi bị sờn chỉ vài chỗ, nhưng ông biết đấy, vẫn là đồ tốt mà.
Vì tiến sĩ Burrows không trả lời, cụ nói tiếp:
- Vậy là nó không được trưng bày à? 
Tiến sĩ Burrows cố gắng chỉ về phía kho chứa bằng một cái hất đầu. Cụ Oscar, chưa từng biết ông quản thủ viện bảo tàng lại kín tiếng lâu như vậy, nhìn ông ta giễu cợt, nhưng đột nhiên mắt cụ sáng lên khi cụ tìm ra báu vật của mình. Cụ từ từ lấy nó ra khỏi túi, hai tay bụm lại đỡ cái đó, và đưa nó ra trước mặt Tiến sĩ Burrows.
- Cái này là của cụ bà Tantrumi đưa tôi – ông biết đấy, cụ bà người Ý sống ở cuối đường High ấy. Cái này được tìm thấy dưới hầm rượu nhà bà ta khi nhân viên hãng ga sửa chữa gì đó. Nó bị vùi trong đất. Một nhân viên đá phải nó. Tôi cho là chúng ta nên cho vô bộ sưu tập.
Tiến sĩ Burrows, hai má vẫn phồng, ngao ngán tự nhủ lại thêm một cái máy bấm giờ luộc trứng chưa-cổ-lắm hoặc một cái lon cắm đầu viết hết xài méo mó. Nhưng thái độ cảnh giác của ông biến mất ngay khi cụ Oscar khoát tay kiểu cách như một nhà ảo thuật, đưa lên một trái cầu nhỏ, tỏa ánh sáng dịu nhạt, hơi lớn hơn trái banh chơi gôn một tí, bị nhốt trong một cái lồng bằng kim loại có màu vàng xỉn.
- Đây là một thí dụ điển hình của một... vật phát sáng... thuộc loại...
Cụ Oscar ấp úng.
- Thật tình, đúng ra, tôi cũng không biết nó là cái gì.
Tiến sĩ Burrows cầm hiện vật, và ông mê mẩn đến nỗi quên béng cụ Oscar đang chăm chú quan sát ông nhai một miệng đầy sô-cô-la. Cụ Oscar hỏi:
- Răng cỏ hành hạ ông rồi hả? Trước đây tôi cũng thường nghiến chúng như vậy, khi chúng dở chứng. Khủng khiếp! – Tôi biết chính xác cảm giác của ông ra sao. Tôi chỉ có thể nói là tôi mừng là mình đã thu hết can đảm nhổ quách cả đám ra hết một lần. Ông biết đấy, khi quen với những cái này rồi thì cũng không đến nỗi khó chịu lắm.
Cụ thò tay lên miệng. Tiến sĩ Burrows lật đật nói:
- Ồ, không, răng tôi không sao cả.
Ông vội vàng quay đầu khỏi cảnh tượng phải ngắm nghía hàm răng giả của cụ già. Ông nuốt ực một cái mớ sô-cô-la cuối cùng trong miệng, xoa xoa cổ họng giải thích:
- Chẳng qua trời khô quá. Cần chút nước.
- Ờ... dù sao cũng nên chú ý đến răng cỏ, ông biết đấy. Biết đâu ông mắc phải cái bệnh đái đường ngu xuẩn ấy. Hồi tôi còn trai tráng, ông Roger à...
Đôi mắt cụ Oscar dường như bừng sáng khi hồi tưởng.
- Một số bác sĩ thường kiểm tra bệnh đái đường bằng cách lấy...
Cụ hạ giọng nói xuống chỉ còn là tiếng thì thầm và ánh mắt của cụ cũng hạ xuống nhìn sàn nhà.
- nước..., ắt ông hiểu tôi muốn ám chỉ gì, để kiểm tra xem có quá nhiều đường trong đó không.
- Vâng, vâng, tôi biết.
Tiến sĩ Burrows đáp lại một cách máy móc, bởi vì trái cầu tỏa sáng dịu nhạt đang hấp dẫn ông quá sức, khiến ông chẳng còn chú ý tới tính hiếu kỳ của cụ Oscar nữa.
- Hết sức lạ lùng. Tôi dám nói liều, không kiểm chứng, rằng cái này có thể có niên đại khoảng thế kỷ thứ mười chín, cứ nhìn cách chế tác kim loại công phu... và thủy tinh tôi dám nói là chắc chắn được thổi bằng thủ công, hồi xưa... Nhưng tôi không biết bên trong là cái gì. Có thể chỉ là một thứ hóa chất phát sáng gì đó. Cụ có thử đưa nó ra ngoài ánh sáng lâu lâu hồi sáng này không, cụ Embers?
- Chưa. Chỉ giữ kỹ nó trong túi áo kể từ khi bà Tantrumi đưa nó cho tôi ngày hôm qua. Sau giấc điểm tâm thì phải. Tôi đang ăn uống theo chế độ kiêng cữ – giúp cho bộ lòng già nhuận trường ấy mà...
Tiến sĩ Burrows ngắt lời cụ đột ngột:
- Tôi thắc mắc là nó có phóng xạ không. Tôi có đọc là một số bộ sưu tập khoáng vật và đá thời Victoria ở những viện bảo tàng khác đã được thử phóng xạ. Một số mẫu vật khá dữ dội đã được phát hiện trong một mẻ thử ở Scotland – Tinh thể uranium rất mạnh mà người ta phải cách ly trong một cái hòm bọc chì. Quá nguy hiểm không thể đem ra trưng bày.
- Ôi, tôi hy vọng nó không nguy hiểm.
Cụ Oscar vừa nói vừa hấp tấp lùi lại.
- Qua nay tôi đã đeo nó kè kè bên hông... tưởng tượng nếu mà chất... gì đó tan ra...
- Không, tôi không mong nó hiệu lực dữ vậy – chắc nó chưa gây ra nguy hiểm thực sự nào cho cụ đâu, mới có hăm bốn giờ mà.
Tiến sĩ Burrows chăm chú nhìn vào trái cầu.
- Thật là kỳ lạ, có thể nhìn thấy chất lỏng chuyển động bên trong... có vẻ như nó xoáy... như một trận bão...
Ông bỗng nhiên nín bặt, rồi lắc đầu vẻ không tin nổi:
- Không, ắt hẳn là nhiệt từ lòng bàn tay tôi khiến nó biến chuyển như vậy... cụ hiểu không... phản ứng nhiệt.
- Thế này, tôi vui mừng thấy ông cho là vật đó thú vị. Tôi sẽ thông báo cho bà Tantrumi biết ông muốn giữ nó để nghiên cứu.
Cụ Oscar vừa nói vừa lùi lại thêm một bước nữa.
Tiến sĩ Burrows đáp:
- Chắc chắn. Tôi cần phải làm vài nghiên cứu trước khi trưng bày, chỉ để bảo đảm là nó an toàn. Nhưng mà ngay lúc này tôi cần thay mặt viện bảo tàng viết vài dòng cảm ơn bà Tantrumi.
Ông lục trong túi áo khoác tìm một cây viết, nhưng chẳng tìm được cây nào.
- Cụ Embers, xin chờ một tí trong lúc tôi đi lấy cái để viết.
Ông đi ra khỏi sảnh chính đi vào hành lang, loay hoay vấp phải một khúc gỗ xưa, được mấy người dân địa phương quá tích cực đào lên từ đầm lầy hồi năm ngoái, khăng khăng cho là của một chiếc thuyền độc mộc thời tiền sử.
RODERICK GORDON & BRIAN WILLIAMS

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Popular Posts