Your Adsense Link 728 X 15

Trưởng thành từ hy vọng - kỳ 7

Posted by Kenny Phạm 8/4/12 0 nhận xét
Tôi không hề nghe tiếng gõ nhẹ tại cửa trước. Tiếng gõ nhẹ có thể không nghe thấy nếu như bà không bất thình lình đưa mắt nhìn lên và lắng nghe tiếng âm thanh buổi tối. Nghe tiếng gõ cửa lần thứ hai, bà uống vội một hớp nước trong ly của mình, đoạn đẩy cái ghế ra xa bàn, đứng dậy đi ra, tôi nối gót theo sau.
“Cháu yêu, ổn cả mà.” Bà đặt tay lên vai tôi, ra dấu cho tôi đứng yên. “Bà chỉ đi một phút.” Tôi nhìn bà đi ra hành lang.
Bà nhìn qua lỗ nhỏ ở cửa một vài giây. Hai tiếng tách tách của then cài bật lên vang khắp phòng. Cánh cửa kêu crắc một tiếng và mở ra, tiếng xích cửa kêu loảng xoảng
“Tôi rất tiếc đã làm phiền bà, bà Katherine” – Tôi nhận ra tiếng của ông chủ nhà – “nhưng có ai đó gọi điện thoại cho bà. Cô ta nói cô ta gọi từ Los Angeles.” Ngay tức thì, tôi bỏ mặc spaghetti, đứng lên khỏi ghế, phóng nhanh ra cửa.
“Bà có muốn nghe không?” Ông hỏi vọng qua khe hở giữa cửa và bức tường.
“Ồ, dĩ nhiên rồi. Cám ơn ông.” Bà đóng cửa, kéo sợi dây xích ra khỏi lỗ, rồi lại mở cửa. Ông ta bước lên cầu thang và trở lại căn hộ của mình để lấy cái điện thoại. Bà nhìn tôi, hy vọng.
Điện thoại vào buổi tối hiếm khi xảy ra. Hầu như các cao ốc trong khối không có dây điện thoại, ngoại trừ vài người trong số láng giềng của tôi chi thêm một số tiền để gắn điện thoại cho căn hộ của mình, đồng ý trả tiền phục vụ tháng – như bà tôi đã cho biết – dù có xài điện thoại hay không. Bà tôi thì không làm như vậy.
Ông bà Gordie có điện thoại, và những buổi sáng khi tôi bị bệnh hay bà có việc phải đi làm trễ, bà qua nhà Gordie để gọi nhờ đến trường hoặc đến ông chủ tại Sinclair. Nếu như ông bà Gordie không có nhà hoặc còn quá sớm, bà chạy đến điện thoại công cộng ở góc đường – trong túi áo chuẩn bị sẵn đồng mười xu. Ông và bà chủ nhà tình nguyện giúp chúng tôi gọi và nhận điện thoại, bằng cách mua một sợi dây điện thoại thật dài đủ để kéo từ căn hộ của vợ chồng ông đến cửa căn hộ chúng tôi.
Chủ nhà lại xuất hiện tại hành lang, tay cầm điện thoại và ống nghe. “Vợ tôi nghĩ đó là con gái của bà. Tôi có thể để nó tại đây?” Ông cúi xuống và đặt điện thoại xuống sàn nhà. “Cám ơn. Cho tôi gửi lời cám ơn bà nhà.” Bà tôi bước vội tới, biết rằng mỗi phút gọi điện thoại rất tốn tiền.
“Không có chi, bà Katherine. Chỉ có điều dùng xong thì xin bà mang lên giúp cho.” Chủ nhà nói, và sau khi nhận thấy tôi đứng ngay sau khung cửa. “Andy, cháu thích đến trường không? Xe buýt mới đưa học sinh chạy có tốt không?”
Tôi toét miệng cười háo hức.
“Thế là tốt.” Ông nhìn bà tôi, một nụ cười nóng ruột hiện lên trên gương mặt bà. “Andy là một cậu bé ngoan, phải không?”
Bà gật đầu.
“Tốt, đừng lo nghĩ gì về thời gian. Chúng tôi không đi ngủ sớm đâu.”
“Cám ơn ông.” Bà ngồi lên bậc cầu thang, chờ cho ông chủ đi lên tầng trên. Bà lấy ống nghe từ dưới chân, đưa lên nghe. Ở tầng trên, có tiếng cửa phòng của chủ nhà đóng lại. Bà chờ thêm một giây lát, tin chắc hành lang không còn ai.
“A lô, Hope à?” bà hỏi, “cháu vẫn khỏe”. Bà đưa mắt nhìn lên thang lầu. Tôi mỉm cười tươi. “Không, thời tiết không quá lạnh.” Bà dừng lời. “Sao? Mẹ không nghe con nói.” Bà nhìn máy điện thoại nằm dưới chân mình. “Mẹ không chắc...” Bà cau mày nhìn tôi, ra dấu bảo tôi vào nhà.
Tôi rút vào sau khung cửa. “Sao? Giờ mới được nửa niên học. Mẹ có cảm tưởng vừa mới ghi danh cho cháu. Ngày nghỉ ở trường chưa tới -” Bà dừng lời một lúc lâu hơn.“Con không thể chờ cho đến cuối – “Giọng bà to hơn, “mẹ hiểu, nó là con của con. Dĩ nhiên là con có mọi thứ quyền...” Bà ngưng lại, đoạn lại thử cố gắng. “Như mẹ vừa nói nó là một đứa bé.”
Tôi bò ra khỏi cửa, không để bà trông thấy. Giọng bà dịu lại, “Hope, con yêu, mẹ không chắc con đã sẵn sàng để -” Tiếng người gọi tới cắt ngang lời bà. Bà nóng nảy lắng nghe, thình lình bực dọc nói, “Có phải có Wade ở đó không? Chính nó bảo con làm như thế, phải không?” giọng nói của người gọi tới to hơn cho đến khi bà tôi ngắt lời, “Mẹ xin lỗi... Mẹ biết con không cần hắn... Mẹ cho rằng con không bao giờ làm thế... Được, mẹ nghĩ cho cháu đi là tốt hơn.”
Bà lại nhìn lên. Tôi cho rằng bà sẽ giận dữ, lại ra lệnh cho tôi trở vào nhà. Thay vì thế, bà lãnh đạm nhìn tôi, trông dường như bà không còn nghe tiếng điện thoại.
Tôi nhìn lại bà. “Bà ngoại ơi, bà có muốn cháu nói chuyện với mẹ không?”
Bà như không biết đến tôi, tiếp tục nói chuyện qua điện thoại, “Mẹ không thể. Nó đã ngủ.” Tôi nhìn bà, ngạc nhiên vì bà nói dối. Bà ngưng nói lâu hơn, càng lúc càng ít nói, đồng ý càng lúc càng nhiều hơn. Sau cùng, bà hoàn toàn ngừng nói, nhẹ đưa ống nghe cho tôi. “Đó là mẹ cháu,” bà khẽ khàng nói. “Mẹ cháu cần nghe cháu nói chúc ngủ ngon và thương yêu mẹ cháu.”
Tôi đưa ống nghe lên tai nhưng không nói gì.
Giọng nói khàn khàn của Mẹ phá tan sự im lặng. “Andy, con đó hả?”
“Vâng, con đây.”
“Con có nhớ Mẹ hứa Mẹ sẽ trở lại?”
“Vâng.”
“Khi vắng Mẹ thì con có ngoan không?”
“Có ạ”
Mẹ im lặng.
“Con có hứa là sẽ không quên Mẹ không?”
“Có”.
Tôi nhìn lên, không biết mình nên nói gì. “Cháu nghĩ mẹ cháu muốn nói chuyện với bà.” Tôi đưa ống nghe cho bà. Bà vẫn ngồi ở bậc cầu thang, cố mỉm cười. “Cháu có nói gì sai không bà?”
“Tại sao cháu không trở vào trong nhà?” Bà dịu dàng nói. Bỗng tiếng nói trong đường dây gọi đến tên tôi. Bà đưa tay bịt lên ống nghe, bảo nhỏ tôi, “Cháu đi ngủ đi, cháu yêu.” Tôi nhìn vào đôi mắt cam chịu của bà, mặc dù bà không thể nói ra điều ấy, tôi hiểu bà đã sẵn sàng chịu lìa xa tôi. Đứa bé mà bà đã nuôi dưỡng, giờ sắp ra đi.

Tôi về phòng mình chỉ cách cánh cửa mở chừng vài bộ. Trong khi cuộc nói chuyện vẫn tiếp tục, giọng nói của bà trở nên bình tĩnh, mặc dù nó có vẻ mệt mỏi khi bà nói lời tạm biệt và tắt máy. Khi bà lên thang lầu để trả máy lại cho chủ nhà và vợ ông ta, tôi gục ngủ, và sau khi khóa cửa, bà quên đánh thức tôi dậy để thay quần áo.
Vào một buổi sáng cuối năm, khi tôi đang học giữa chừng lớp mẫu giáo, bà tôi đưa tôi ra sân bay O’Hare. Bà lên tận máy bay, ngay cả khi tiếp viên đã cài dây an toàn cho tôi và đảm bảo với bà mọi sự đều ổn, bà vẫn chần chừ chưa chịu xuống. Khi mọi hành khách đã ngồi vào chỗ, bà khom lưng xuống, vỗ nhẹ vào đầu gối tôi và nhìn ra ngoài cửa sổ hình bầu dục.
“Bà ơi, giờ bà phải đi đi.” Tôi nói nhỏ. “Máy bay không thể chở bà,” tôi nói thêm, không biết máy bay đưa tôi đến đâu. “Không có chỗ ngồi cho bà.”
“Cháu có nhớ bà không?” Bà nói nhỏ. Bà quay nhìn tôi, mắt bà đỏ hoe. Sau đó, bà lấy lại bình tĩnh, dặn dò tôi, “Cháu nên nhớ cháu là đứa bé ngoan của chúng ta, bà và mẹ cháu.”
Tôi gật đầu, rồi nhìn bà khuất dần sau lối đi.
Nhờ cô tiếp viên hàng không khẽ lay, tôi giật mình thức giấc. Tôi nhìn chung quanh, thấy máy bay đã trống trơn. Vừa ra khỏi đường hầm cùng với người đi kèm, tôi thấy hai người phụ nữ trẻ đang đứng chờ giữa một ít người đi nghỉ lễ. Người phụ nữ cao hơn trông hơi giống tôi. Tóc vàng hoe và rám nắng, mặc quần đỏ sọc vàng, áo ngắn màu trắng tay phồng, đi giày mọi và đội nón nỉ rộng vành màu cam. Người phụ nữ kia có vẻ tự tin, ăn mặc cổ kính hơn. Tóc người ấy đen, ngắn và tém sát. Chiếc áo cổ lọ cao, sát nách – có viền và màu xanh dương sậm – để lộ hai cánh tay xanh xao, thon gọn. Bên dưới quần jean, một đôi giày bốt mềm, màu đen che kín hai bắp chân và hai bàn chân nhỏ nhắn.
Không ai nói cho tôi biết người nào chính là mẹ tôi. Tuy nhiên trước khi người ấy quỳ xuống và dang rộng đôi tay, tôi chạy đến người có nước da sậm hơn. Người ấy ôm chầm lấy tôi, thân hình nhỏ bé của bà phủ kín lấy tôi. Cái cổ cao ghì sát mặt tôi, đôi tay mát rượi ôm chặt tôi. Người kéo tôi vào sát hơn, một tay ghì vào sau đầu tôi, một tay vào mông tôi. Mùi thuốc lá và mùi mồ hôi nhè nhẹ hòa lẫn vào nhau, mùi nước hoa thoang thoảng. Tôi nghe hơi thở của người ấy trong cái cơ thể thinh lặng.
“Andy", giọng nói khàn khàn nhẹ vang lên, gần như buồn buồn. Tôi nhìn lên. Thấy sự e dè trong đôi mắt tôi, người ấy thả lỏng tay ra, giữ tôi đứng trước mặt, đoạn cười to trước cái nhìn của tôi. “Mẹ chờ đợi con đã rất lâu.” Mẹ lắc lắc tôi, sau đó cau mày, bắt chước sự kinh ngạc của tôi với một nụ cười. Tôi mỉm cười đáp trả, mẹ đã chinh phục được tôi. Sau đó tôi biết nói ra điều mà tôi biết phải nói, cũng là điều mà bà ngoại Kate đã dạy tôi, “Con cũng yêu Mẹ,” trước khi người đàn bà trẻ nói ra, “Mẹ yêu con.”
“Đây là dì Carol.” Mẹ nhìn qua người bên cạnh.
Người phụ nữ tóc vàng hoe mỉm cười, “Chúng ta đã nghe nói nhiều về cháu, Andy.” Dì nghiêng mình đưa tay ra.
Mẹ giựt lấy cái túi xách mà bà ngoại đã chuẩn bị cho tôi, đoạn đứng chờ bên người bạn gái. “Con yêu, hãy bắt tay dì Carol đi.”
Tôi nắm lấy tay dì Carol.
“Andy, dì rất hân hạnh được gặp cháu.” Người phụ nữ trịnh trọng nói.
“Đây có phải là nón cao bồi không?” Tôi hỏi.
“Không phải, đây là nón cao bồi dành cho con gái,” Dì vỗ vỗ lên cái nón nỉ màu cam, sau đó giở nón lên và đội lên đầu tôi.
Tôi rụt cổ, nép mình vào mẹ tôi.
“Andy,” mẹ tôi cau mày, đẩy tôi ra trước mặt hai người.
Dì Carol nhún vai, lấy nón đội lại trên đầu. Dì giành cái túi xách trong tay mẹ tôi. Sau đó cả ba chúng tôi đi xuống dãy hành lang dài, sáng sủa. Trong khi dì Carol đi lấy xe, mẹ tôi và tôi đứng im lặng bên cạnh hàng rào. Trời hơi lành lạnh, nhưng cái áo jacket bà sắm cho tôi giữ cho tôi được ấm. Dì Carol trở lại với chiếc xe Rambler màu đỏ. Xe đậu đã lâu, dì Carol phủi bụi và dọn dẹp ba cái đồ linh tinh ở băng trước. Dọn dẹp xong dì gật đầu. Mẹ nắm lấy tay tôi và chạy vòng qua đường dành cho người đi bộ
Ngồi giữa hai người đàn bà ở băng trước, tôi nhìn lên bầu trời đầy mây. Những cây cọ xếp hàng hai bên đường, thân cây trần trụi chọc thẳng lên trong không trung trước khi rủ xuống những tán lá giống như bộ lông chim xanh lục. Tôi quay sang mẹ tôi, “Trời sắp mưa hở Mẹ?” Mẹ nhìn ra ngoài cửa sổ xe.
“Nếu đúng như thế, mẹ mong trời mau tạnh. Chúng ta có thể sẽ đi Rose Bowl ngày mai. Nào, không phải xem đá bóng. Vé đá bóng đắt tiền lắm. Mình đi xem diễu hành...” Mẹ nghiêng người qua tôi, nói nho nhỏ, giọng đùa cợt. “Xem diễu hành không tốn tiền.”
Không rõ Mẹ đang nói gì về đá bóng hay diễu hành nào, tôi gật gật đầu, rồi nhìn trở lại hàng cây cọ lướt nhanh qua bên ngoài. Một lát sau, tôi buột miệng, “Chúng ta đang ở Hawaii hả?”
Mẹ tôi nhìn tôi, mỉm cười nhưng bối rối.
“Cây cọ,” tôi chỉ ra hai bên đường. “Cây cọ mọc ở Hawaii.”
Dì Carol cười to, lắc đầu. “Không, đây chắc chắn không phải là Hawaii.” Dì khịt khịt mũi. “Chào mừng cháu đã tới Los Angeles.”
ANDREW BRIDGE

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Popular Posts