Trưởng thành từ hy vọng - kỳ 3
8/4/12
0
nhận xét
Hãy tin chắc cả hai chúng ta sẽ dễ chịu.” Ông mỉm cười, nghiêng xuống gần hơn, kéo dài giọng. “Tôi là kẻ dốt nát. Nhưng tôi biết tôi có những đặc quyền” đoạn cúi xuống gần hơn nữa. “Chúa ban cho tôi mà, phải thế không?”
Tôi bối rối. Mắt tôi nhìn xuống cái rãnh bằng bê tông ở dưới chân. Được lắm. Bác sĩ Frankenstein. Trước cái giọng nói làm cho tôi bối rối như một đứa trẻ, tôi thầm bảo. Ông đã thắng. Giờ hãy lấy chìa và mở cửa.
Dường như nghe lời nói thầm của tôi, Carlton đưa xâu chìa khóa lên ngang bụng, chọn một chìa trong cả hơn chục chìa. “Đây, tôi nghĩ cái này đúng là nó.” Ông ta lắc lắc cái chìa trước mặt tôi giống như một cai ngục trước tù nhân.
“Cám ơn, bác sĩ. Bác sĩ thử xem sao.”
“Thế sao, tôi rất hân hạnh, ông Bridge ạ.” Ông ta quay lại chỗ cửa, tra chìa vào ổ khóa. “Như tôi đã nói, bao giờ các vị đến đây, chúng tôi cũng sẵn sàng hợp tác hết mình.”
Liếc qua vai ông ta, tôi thấy cổ tay ông vặn nhẹ và e ngại ấn về phía trước. “Tôi có thể tự lo liệu tại đây, cảm ơn bác sĩ.”
Ông ta dùng cánh tay đẩy mạnh cánh cửa, làm bật tung thanh gài. “Tôi biết ông có thể ‘tự lo liệu’ tại đây, ông Bridge à. Nhưng tôi biết ông cũng không phiền nếu tôi đi cùng ông,” ông ta bước né qua một bên, giữ cho cánh cửa mở để cho tôi vào. “Xin mời, ngài luật sư.”
Chen người giữa ông và khung cửa, tôi bước vào trong. Con đường hầm vắng lặng, từ mặt đất bốc lên mùi ẩm mốc. Tôi thu mình lại, cảm thấy lạnh sau khi chịu đựng cái nóng ở bên ngoài. “Máy điều hòa làm cho nơi đây lạnh phải không?”
Carlton không trả lời, đóng sập cửa sau lưng.
Tôi bước tới trước, đến một hốc tường không cửa sổ, đoạn dừng lại trước một dãy các cánh cửa rộng, màu tối. Carlton vẫn đứng ở bậc cửa, lắc lắc xâu chìa khóa. Tôi rẽ qua hành lang trước mặt và nghe hơi thở của chính mình. “Làm đúng theo pháp luật.” Tôi tự nhủ. “Hành động như một luật gia. Bọn họ biết hai chúng tôi đến đây, nhằm thực thi đúng theo pháp luật.”
Đi chừng vài thước, tôi ngoái lại và đặt một câu hỏi như một luật gia. “Bác sĩ Carlton, tôi muốn mọi việc cho rõ ràng. Ông vừa bảo với tôi rằng đây là tầng hầm duy nhất nằm bên dưới Trung tâm, đúng không?” Hành lang làm tiếng nói của tôi to hơn, nhưng câu hỏi có vẻ yếu ớt, gần như vô vọng.
Carlton trả lời, giọng uể oải và buồn chán, “Tôi đã nói với ông rằng tôi sẽ chỉ trả lời các câu hỏi của ông khi có mặt ông Henson, luật sư của tôi. Ông ta làm cố vấn cho tôi, và tôi biết ông ta đã báo cho ông rằng...”
Một thoáng tự tin, tôi ngắt lời ông ta. “Ông Henson không phải là luật sư của ông trong vấn đề này. Ông Henson là luật sư của Tiểu bang Alabama. Theo tôi biết, ông không có luật sư ở nơi này, ngoại trừ ông thuê riêng cho ông.”
Nhưng những lời nói của tôi dường như vô nghĩa. Đứng chắn cái hành lang chỉ có một lối thoát, ông ta im lặng mỉm cười, nụ cười của kẻ chiến thắng.
Tôi bắt đầu bước xuống con đường hành lang, tiếng giày của tôi gõ nhẹ lên những tấm gạch vuông màu sáng. Tôi chầm chậm mở từng cánh cửa, bước vào trong bóng tối, bật đèn và đưa mắt nhìn vào.
“Các phòng đều trống rỗng thế này à?”
“Đó chẳng phải là điều ông cần tìm sao, hở ông Bridge? Đó là nghề của ông. Tôi có chuyên môn của tôi. Chẳng phải thế sao?”
Đứng ở khung cửa giữa đường xuống hành lang, tôi hỏi Carlton, giọng hơi bực: “Đây có phải là nơi bọn trẻ gọi là TCT?”
Đang cắm mắt xuống đất, ông ta ngước nhìn lên, nhún vai.
“Đây đúng là một dãy gian phòng trống.” Tôi lẩm bẩm. Ngại bị đưa ra ngoài, tôi quay lưng lại với Carlton, sẵn sàng bỏ đi.
Thế nhưng ông ta lại bối rối trước hành động của tôi. Ông hiểu lầm tôi đã phát hiện ra điều gì đó.
“Chỗ nào mà chúng tôi giữ bọn trẻ thì chúng tôi gỡ cửa luôn.” Carlton bỗng nhiên nói to.
Ngạc nhiên, tôi nhìn lại lần nữa. Đằng kia, ở cuối hành lang, tôi đã nhận ra cái mà ông ta ngỡ rằng tôi không thể nào bỏ sót: một tia sáng chiếu xuống nền nhà.
“Chúng tôi giữ chúng đúng theo cung cách thực hiện của ngành y, và dĩ nhiên, đúng theo điều lệnh đã đưa ông và bà chuyên gia đó đến đây,” ông ta nói lớn khi tôi đi đến bậc cửa để ngỏ.
Ánh đèn mờ mờ cho thấy tấm lưng của một đứa bé đang ngủ, mặc đầy đủ quần áo, nằm trên một tấm đệm, tay ôm quả bóng. Cậu bé mặc áo T-shirt rộng thùng thình, quần jean, vớ thể thao màu trắng. Tay cậu gầy khẳng khiu và trắng bệch tựa như que củi. Mùi hôi do không tắm rửa của kẻ đang ngủ lan tỏa trong không khí chung quanh cậu.
Cậu bé cựa quậy, đoạn ngồi bật dậy. Trong tích tắc, cậu quan sát kẻ mới đến tại cửa, rồi lùi vào góc xa hơn của tấm đệm.
“Không sao đâu. Không có gì đâu,” tôi nhỏ nhẹ, sau đó bước qua thềm cửa, tiến lại gần cậu bé. “Chú xin hứa, không có gì đâu. Không sao đâu.”
===
Tôi đứng lại gần cậu bé, nhặt cái mền đơn và đưa cho cậu. Nó không cầm lấy mà thu hai gối lên ngực, hai tay ôm chặt chân, hai bàn tay đưa lên che mặt. Xương cùi chỏ nhọn hoắt gần như thòi ra khỏi da. Những vết thẹo chằng chịt trên đôi tay và lên đến tận tay áo.
Vài vết thương đã khô, tróc da, có màu trắng, những vết khác còn mới thì dày cộm và có màu xam xám. Các vết mới toanh thì còn rướm máu, máu nâu và lên vảy. Hàng chục đứa trẻ ở bên trên cũng bị như thế. Cậu bé thấy cái nhìn của tôi vội cụp mắt xuống nhìn đôi vớ.
Cậu bé trạc mười ba, mười bốn tuổi. Những mụt mụn đầu tiên đã lốm đốm trên trán; tóc mai phủ xuống hai má. Tuy nhiên, việc đoán tuổi của trẻ em ở các trại cứu tế – đặc biệt con trai – là rất khó khăn. Bọn chúng phần lớn thời gian ở bên trong nhà nên xanh xao khác thường. Chúng thường gầy gò, nhỏ con hơn nhưng đứa trẻ khác cùng lứa tuổi. Sự khốc liệt trong môi trường trung tâm này thì không thể phủ nhận; nơi này nuôi dạy chúng, cách ly cái nhìn của chúng với thế giới bên ngoài, làm cho chúng ngây thơ đến đáng kinh ngạc, khiến chúng không biết đến mọi sự kêu ca.
Tôi đưa mắt nhìn khắp phòng. Sau khi ban điều hành di dời cánh cửa, họ dọn sạch căn phòng giống như kẻ trộm chuyên nghiệp. Những cánh cửa nhà vệ sinh bị giỡ đi. Bên trong, những ngăn kéo của tủ bị lấy đi, thanh treo quần áo cũng không còn. Phía trên nó, tấm mành sáo long ốc vít từ khung cửa sổ hẹp màu xám buông lòng thòng từ trần xuống tận sàn tầng hầm. Tôi nhìn lại thằng bé, nó vẫn ngồi bất động.
Tôi đặt tấm mền lên trên nệm, rồi ngồi xuống nền nhà, đối diện với thằng bé, thận trọng giữ khoảng cách vừa đủ giữa tôi và nó.
Bắt đầu từ đâu? Nói gì đây?
Ngày hôm trước, bà chuyên gia đã giúp tôi cách giới thiệu và cách đặt một loạt các câu hỏi. Tôi bắt đầu theo như chỉ dẫn của bà, “Chú tên là Andrew Bridge. Chú là luật sư – luật sư của cháu.” Thằng bé đưa mắt nhìn sang bên. “Chú sẽ không nói lại với bất kỳ ai điều gì cháu kể lại cho chú nghe.” Thằng bé vẫn không nói gì “Chú nói thật đấy,” tôi đã nói ngoài lời chỉ dẫn, “chú cho rằng người ta sẽ thu lại bằng cấp của chú nếu chú làm điều đó.” Căn phòng vẫn im lặng. Tôi đưa mắt nhìn qua bên, cố tìm xem thằng bé đang nhìn cái gì ở cái đốm trắng trên tường.
Bỗng nhiên, nó quay lại, nhìn thẳng vào mắt tôi. Mắt nó âm u, căng thẳng. Tôi tự ví mình như một đứa trẻ, gặp một luật sư lạ hay một nhân viên công tác xã hội, một kẻ xa lạ đến kêu gọi, bảo ban tôi hãy cẩn thận, muốn biết rõ tôi và giúp đỡ tôi. Nào, cháu hãy nói cho chú nghe về cháu... Chú nghe nói cháu rất ngoan lúc ở trường... Cha mẹ nuôi của cháu và chú rất tự hào về cháu... Chúng ta có thể đi xem xi-nê lần tới... Giờ chú phải đi, nhưng vài tuần nữa cháu có thích gọi điện thoại cho chú không?
Tôi mỉm cười với đứa bé ngồi trước mặt tôi, “Giờ cháu đã biết tên chú, thế còn tên cháu?”
“Jeff,” nó lí nhí.
Tôi gật đầu, suy nghĩ nhanh, “cháu biết không, tên người bạn tốt nhất của chú là Jeff. Các chú là bạn cùng lứa tuổi.” Tôi đã thử dùng chiêu này với ít nhất nửa chục đứa trẻ ở tầng trên. Vài đứa xoe tròn mắt, hỏi tôi đến đây có phải để giúp đỡ chúng sống tốt hơn? Nhưng đứa bé bị nhốt dưới tầng hầm này lại toét miệng cười ngờ nghệch.
Một thoáng trôi qua trước khi nó bật ra câu hỏi. “Thế chú phải đi học mất bao lâu để trở thành luật sư?”
“Bốn năm cao đẳng. Ba năm trường Luật. Cháu có muốn trở thành luật sư không?”
“Không,” thằng bé trả lời. Nó nhìn qua vai tôi, hướng mắt về phía khung cửa trống rỗng. “Bác sĩ Carlton có cùng đi với chú không?”
“Có, ông ấy đang ở cuối hành lang.” Tôi hiểu ý thằng bé. “Chú nghĩ rằng ông ta không thể nghe chúng ta nói chuyện. Nhưng nếu cháu muốn, chú có thể bảo ông ta đi chỗ khác.” Tôi nói tiếp, đưa ra lời hứa tôi có thể làm điều đó.
Thằng bé tin lời tôi, nhìn vào tấm đắp để trên nệm: “Lúc nãy ông ấy đến đây, và mang cái này đến.”
“Ông ấy tử tế nhỉ,” tôi lẩm bẩm, háo hức tiếp tục. “Cháu ở đây đã bao lâu?”
“Ở Eufaula hay ở đây?” nó hỏi, đưa mắt nhìn quanh phòng.
“Bắt đầu từ nơi này đi, ở tầng hầm này.” Tôi mỉm cười.
“Năm hay sáu ngày gì đó, có thể lâu hơn nữa. Cháu không nhớ rõ.”
Sau một cuộc kiểm tra và các ghi chú về sau này, bà chuyên viên của chúng tôi đúc kết gần ba mươi phần trăm bọn trẻ đã bị nhốt dưới tầng hầm tại cùng chỗ đó trong thời gian chúng ở tại trung tâm. Tuy nhiên, theo như bác sĩ Carlton đã nói với tôi, ông không cho rằng việc giữ những đứa trẻ dưới tầng hầm là vi phạm pháp luật. Do vậy, lý do đứa trẻ bị giữ dưới tầng hầm và thời gian bao lâu đều không được lưu hồ sơ.
“Cháu có được rời khỏi đây để ngủ hay ăn không?”
“Không,” thằng bé trả lời. “Ông Ginder ở tầng trên đưa khay bữa ăn sáng và chiều xuống.” Nó chỉ về phía nền nhà ở cửa vào phòng. “Tối, ông ấy đến tắt đèn.”
0 nhận xét:
Đăng nhận xét