Your Adsense Link 728 X 15

03: Bạn Trẻ Và Kỹ Năng Sống

Posted by Kenny Phạm 26/7/10 0 nhận xét
Tự tin - chìa khóa cơ bản của thành công



Cho đến thời điểm hiện nay, không thể phủ nhận tầm quan trọng của sự tự tin. Nuôi dưỡng sự tự tin cũng như thể hiện được sự tự tin của mỗi cá nhân là một trong những đòi hỏi khá quan trọng mà mỗi con người cần đáp ứng.

Cái “giá” của sự tự tin

Trong một cuộc tuyển dụng, ứng viên tự tin hơn sẽ là ứng viên chiến thắng. Thế nhưng, không nhất thiết bạn phải tự tin trước người khác mà trước hết bạn phải tự tin với chính mình. Một trong những điểm yếu mà các nhà tuyển dụng thường khai thác để “đánh rớt” bạn là bạn không thể hiện được sự tự tin của mình trong cuộc phỏng vấn đó, bạn để lộ ánh mắt rụt rè và thái độ tự ti.

Nhiều ứng viên là sinh viên mới ra trường tìm việc đã không đủ can đảm nhìn thẳng vào nhà tuyển dụng để trả lời một cách rốt ráo và dứt khoát những câu hỏi như: Bạn có yêu thích công việc này hay không? Bạn có tin chắc rằng bạn đảm nhận được công việc này? Vì sao bạn thích hợp với vị trí này trong công ty chúng tôi?...

Ngay cả một câu hỏi đơn giản để trắc nghiệm về sự tự tin nhưng khá nhiều bạn trẻ vẫn “rụt rè”: Bạn đề nghị mức lương bao nhiêu? Chắc chắn rằng chẳng có nhà tuyển dụng nào với một quan điểm hiện đại lại có thể chấp nhận tuyển dụng những nhân viên đáp lí nhí trong miệng với câu nói: “Bao nhiêu cũng được” kèm theo ánh mắt xấu hổ, nhút nhát...

Không có sự tự tin, bạn sẽ rất dễ thất bại trong một cuộc thi tuyển; không có sự tự tin, bạn không nghĩ rằng mình sẽ làm được việc ấy, điều đó đồng nghĩa với việc bạn đã bỏ qua rất nhiều cơ hội... Biết thể hiện sự tự tin, trước hết bạn sẽ chiến thắng được chính mình và sau đó có thể chiến thắng được những áp lực và những thách thức xảy đến.

Nhiều cá nhân đã thành công trong cuộc sống khi phát hiện chính mình cũng có thể làm được việc rất lớn lao mà trước đó tưởng chừng bản thân mình không thể vươn tới được.

Nghệ thuật nuôi dưỡng sự tự tin

Hãy biết nuôi dưỡng sự tự tin một cách thường xuyên trong cuộc sống hàng ngày của bạn. Hãy bắt đầu bằng những công việc rất giản đơn trong cuộc sống và khi hoàn thành, bạn sẽ cảm thấy mình cũng là người có ích, bạn cũng cảm thấy mình không phải là người bỏ đi... Sự tự tin đã được ươm mầm và lớn dậy... Bạn thấy mình là người chưa tự tin?

Nếu đúng thì hãy thẳng thắn thừa nhận để chúng tôi giúp bạn. Có đến hơn 70% cánh tay đồng loạt đưa lên một cách nhanh chóng và thẳng thắn. Thực nghiệm rất giản đơn mà không ít bạn trẻ và cả những người không tin vào chính mình vẫn mắc phải. Có thể lý giải hết sức giản đơn, nếu bạn thực sự không phải là người tự tin, sao bạn dám thẳng thắn thừa nhận. Ngay cả bạn thực sự gặp khó khăn ở một vài lĩnh vực hoặc rất nhiều lĩnh vực thì chí ít bạn đã rất tự tin với chính mình rằng bạn không tự tin lắm.

Đương nhiên, trong số những người không giơ tay trong thực nghiệm, không ít người rất tự tin ở chính mình nhưng cũng không loại trừ một số người không dám thừa nhận mình không tự tin hoặc rất không tự tin.

Hãy biết thể hiện sự tự tin khi cần thiết. Quá trình thể hiện sự tự tin của bạn có thể làm người khác rất hài lòng nhưng cũng có thể khiến một số người khó chịu. Thậm chí, một số cá nhân còn cho rằng bạn là người tự kiêu. Hãy luôn bình tĩnh và nói với bản thân rằng: tự tin thể hiện mình không phải là tự kiêu mà nếu có tự kiêu cũng không hẳn tự kiêu với người người khác mà chỉ là tự kiêu với bản lĩnh của chính mình để không cảm thấy tự ti.

Một ánh mắt nhìn thẳng, một lời nói rõ ràng, dứt khoát, một tư thế bình tĩnh, điềm đạm, một hành động khiêm nhường nhưng nhanh gọn... chứng minh rằng bạn đang tự tin. Ngay cả khi thất bại, bạn đừng đổ lỗi cho hoàn cảnh, cố gắng giải thích hay vội vàng nhụt chí. Hãy mạnh mẽ nhận trách nhiệm và tìm ra những nguyên nhân cũng như một số biện pháp để giải quyết vấn đề.

Đó chính là những biểu hiện rất chuyên nghiệp của một người biết cách làm việc cũng như có sự tự tin. Can đảm, hành động và chịu trách nhiệm có thể được xem như là công thức của sự tự tin.

Trong mỗi con người chúng ta, có hai thái độ đang tồn tại song song, đó chính là thái độ của sự sợ hãi và thái độ của sự tự tin. Nếu bạn trang điểm cho kiểu thái độ nào nhiều hơn, khéo hơn thì thái độ ấy sẽ thật đẹp đẽ và hoành tráng, rực rỡ và nhiều sắc màu, mạnh mẽ và tích cực hơn...

Hãy nhớ rằng sự tự tin không phải là món quà được thiên nhiên ban tặng, nó là sản phẩm của sự tự rèn luyện.

HUỲNH VĂN SƠN

Những kẻ cắp thời gian



Kết quả phỏng vấn về một thói quen thật “dễ thương” của hơn 150 bạn trẻ cho thấy, gần như đại đa số lựa chọn ở mức thường xuyên hoặc rất thường xuyên không dậy ngay khi chuông báo thức buổi sáng đã kêu thật to.

Hành động diễn tiến đậm chất tâm lý: coi lại giờ hoặc “xin với lòng” thêm vài phút nữa lại rất phổ biến. Cũng không ít bạn thẳng tay tắt chuông để được ngủ tiếp một cách thoải mái hơn... Từ đó có thể kết luận: Bạn chưa quản lý thời gian của mình một cách hiệu quả.

Truy tìm kẻ cắp thời gian

Quản lý thời gian hiệu quả không hề giản đơn nếu bạn chưa thể chỉnh sửa những thói quen rất “đặc trưng” của bạn trong công việc và cuộc sống. Mỗi cá nhân hoàn toàn khác nhau nhưng chính những thói quen gần giống nhau sẽ làm cho bạn mất rất nhiều thời gian. Bí quyết quản lý thời gian tưởng rằng rất phức tạp nhưng thực chất những điều cần làm lại vô cùng đơn giản.

Cái khó nhất là phải sửa thói quen của chính bạn khi những thói quen ấy lại là kẻ cắp thời gian. Nhiều bạn trẻ và kể cả một số người có tuổi vẫn lãng phí thời gian của chính mình. Thói quen tán gẫu trong công sở vẫn là căn bệnh nan y, không cần công việc có cần sử dụng vi tính hay không nhưng cứ phải “ôm máy tính” trước mặt để “ấm lòng”...

Không chỉ có thế, những thói quen khác cũng là bạn đường của kẻ cắp thời gian: mở mail nhiều lần trong ngày, chat trong lúc làm việc, dông dài và tỏ ra quá lịch sự trong giao tiếp, luôn trì hoãn những việc cần làm... Nhiều số liệu nghiên cứu cho thấy, có đến hơn 65% nhân viên trẻ có những thói quen trên trong quá trình làm việc hay tác nghiệp.

Đôi lúc trong cuộc sống và công việc, thời gian là một con số thiếu tính định lượng nếu con người không tỉnh táo. Sau đây là một thực nghiệm rất đơn giản nhưng không phải ai cũng có thể nhanh chóng thực hiện: Bạn đã sống hết bao nhiêu năm, tháng, ngày, giờ, phút, giây, khắc của chính cuộc đời bạn? Bạn còn lại bao nhiêu thời gian trong cuộc đời của chính mình? Liệu bạn có hối tiếc về những gì đã qua cũng như có kế hoạch như thế nào trong thời gian sắp tới?

Câu trả lời có lẽ sẽ phụ thuộc vào mỗi người nhưng bản thân mỗi người phải đánh đuổi những kẻ cắp thời gian như thế nào mới là điều quan trọng... Thực tế cũng cho thấy, có quá nhiều người lãng phí những gì chúng ta đang có. Nếu tiền bạc bị lãng phí, bạn có thể tìm lại được; nếu cơ hội bị lãng phí, bạn vẫn có thể tìm được những thứ tương xứng nhưng thời gian là thứ lãng phí bạn không thể tìm lại hay đòi lại được.

Điều rất giản đơn là kẻ cắp thời gian rất vô hình nhưng cũng rất hữu hình: đó chính là những thói quen rất xấu của bản thân. Liệu có thể thay đổi những thóiquen đó được không và làm thế nào để quản lý thời gian một cách hiệu quả?

Quản lý thời gian là quản lý cuộc sống

Hãy hình dung rằng đối với một nhân viên chuyên nghiệp, thời gian quý giá như thế nào. Một nguyên tắc rất quan trọng khi quản lý thời gian là hãy sử dụng một cách hợp lý tối đa thời gian của chính bạn. Nếu bạn đã quy ước những khoảng thời gian của bản thân cho từng công việc cụ thể, bạn hãy cố gắng thực hiện những công việc đó một cách xuất sắc và chính xác trong khoảng thời gian dự tính, nhờ đó, bạn có thể sắp xếp cho mình khoảng thời gian thư giãn hay vui chơi hợp lý.

Sẽ thật bất công nếu chúng ta quên rằng có nhiều người quản lý thời gian của mình một cách rất hiệu quả ngay cả lúc họ ốm đau, bệnh tật. Một phụ nữ bị ung thư vẫn day dứt về những gì mình chưa thể làm được: chuyển tên chủ tài khoản cho con mình, những dự án còn đang dang dở, một món ăn ngon vừa học được chuẩn bị nấu cho chồng, mong muốn được một lần về thăm mẹ mình trong ngày sinh nhật... Đến lúc ấy, con người mới cảm thấy thời gian thật quan trọng và việc quản lý thời gian có giá trị như thế nào trong cuộc sống của mỗi cá nhân.

Để trở thành một nhân viên chuyên nghiệp hay một người “biết sống”, hãy luôn quản lý thời gian của chính mình, bắt đầu từ những thói quen hay những kế hoạch rất đơn giản như chọn lựa những công việc quan trọng để sắp xếp theo thứ tự ưu tiên vào mỗi tuần, mỗi sáng, biết nhóm những công việc cùng tính chất hoặc gần địa điểm để thực hiện việc di chuyển cho tiện lợi.

Bên cạnh đó, không thể không biết lập cho mình một khung thời gian biểu, chú ý đến nhịp điệu sinh học khi chọn việc, đặt những công cụ nhắc nhở và tuân thủ bằng cách thưởng - phạt, luôn sắp xếp bàn làm việc gọn ghẽ, giao tiếp qua điện thoại ngắn gọn và luôn ước lượng rõ ràng về thời gian - mục tiêu... Những hành động này không chỉ đơn giản là kỹ thuật mà nó còn là những thói quen tốt để mỗi cá nhân biết kiểm soát chính mình cũng như thông qua đó có thể quản lý thời gian một cách hiệu quả.

Cuộc sống luôn có những thách thức. Quản lý thời gian là một trong những yếu tố rất quan trọng để hướng con người đi đến sự hoàn thiện cũng như chuyên nghiệp trong công việc và cuộc sống. Quản lý thời gian của bạn không có nghĩa hành xác mà đó là quá trình giúp bạn có được hạnh phúc vì bạn đang chủ động để làm việc, học tập và vui chơi - giải trí. Luôn dành cho mình một khoảng thời gian cần thiết để kiểm tra công việc, xử lý những chuyện linh tinh... là những yêu cầu không thể thiếu.

Lúc ấy, bạn cảm thấy rằng mình đang làm chủ thời gian, làm chủ cuộc đời của mình chứ không phải chúng ta đang biến mình thành nô lệ của thời gian.

HUỲNH VĂN SƠN

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Popular Posts

Blogger news

About




Powered by  MyPagerank.Net

Academics Blogs
Bookmark and Share

Blog Archive