Your Adsense Link 728 X 15

03: Tay Trắng Làm Nên

Posted by Kenny Phạm 24/7/10 0 nhận xét
Chương 5
ĐỌC SÁCH
Tôi muốn nhắc những bạn trẻ phàn nàn hồi nhỏ học hành dở  dang rằng sự học ta đã hấp thụ được, dù nó thô sơ tới đâu nữa,  cũng không thể làm trở ngại cho sự thành công của ta được.
Thế kỷ mười chín đã quá đề cao kiến thức, tôn sùng kiến  thức. Những nhà trí thức siêu quần thời đó cho rằng kiến thức có  ảnh hưởng lớn nhất trong đời sống. Mà thực ra, một nền giáo dục  tiếp thu được của người khác có thể bất tiện cho ta hơn là có lợi.  Một thanh niên xông vào đời đừng nên mắc cỡ rằng không có bằng  cấp đại học trong tay.
Đành rằng sự đào tạo thanh niên trong các ngôi trường khả  kính đó, cũng có giá trị chứ không phải không, nhưng phải là  người có óc tìm tòi mới tránh được nguy hại lớn lao của nền giáo  dục đại học: nguy hại đó làm cho thanh niên đang ở tuổi mà đầu óc  rất dễ bị ảnh hưởng, chỉ tôn trọng, mê say mỗi một phương diện  của tri thức mà khinh bỉ tất cả những phương diện khác.
Thực ra, có kiến thức là nhờ có tư cách, mà thành công không  phải là nhờ có kiến thức. Điều quan trọng là một người phải tự ý  muốn học hỏi thêm vì như vậy sự hiểu biết mới thực là của mình.
Đành rằng một em bé hoặc một thiếu niên phải nhờ thầy chỉ  bảo cho tất cả những điều mình có thể học được. Tôi nhìn nhận giá  trị của nền giáo dục đại học theo lối cổ và tôi còn khuyên các bạn  trẻ nên tiếp thu nó nữa. Hồi còn đi học những bạn nào có tinh  thần, có cao vọng, có óc mạo hiểm có thể nắm lấy tất cả các cơ hội  học hỏi thêm. Nhưng nếu bạn nào khó ghi nhớ được những lời giáo  sư ngồi từ trên bục cao truyền xuống như truyền một giáo điều thì  bạn đó cũng đừng nên vội thất vọng. Trái lại, có thể còn lấy làm  vinh hạnh rằng có nhiều danh nhân cũng như mình, chẳng hạn  ông Churchill, một vĩ nhân của Anh, hồi nhỏ chẳng đã làm cho  thầy giáo thất vọng đấy ư?
Sự giáo dục của tôi thô thiển lắm. Một người thời nay khó mà  tưởng tượng được đời sống trong làng Newcastle vào khoảng 1880.  Chỉ có vài khoảnh nhỏ là trồng trọt được, bốn bề là rừng hoang,  một con sông rộng mênh mông chảy qua. Suốt nửa năm, mặt đất  phủ băng và tuyết, và con sông Miramichi cuốn những tảng băng  ra tới tận ngoài vàm. “ở đây mưa chỉ như bụi trắng mà biển thì  không khác gì đá xanh”. Vào cái mùa đó và trong những điều kiện  như vậy, tất nhiên sự học không được đều đặn, buổi học buổi nghỉ.
Cho nên, ít khi tôi được thầy dạy, nhờ đọc sách và tiếp xúc  với người khác mà tôi có được chút kiến thức. Chính sự đọc sách  mới là cái nguồn của kiến thức. Điều quan trọng là đọc những sách  mình thích đọc chứ không phải là đọc những sách người khác  khuyên mình nên đọc. Đọc sách chỉ có lợi khi nào những điều  trong sách thâm nhập vào trí óc ta được.
Phải đọc nhiều, đọc đủ loại, như một người có bao tử bằng  thép, nuốt cái gì vào cũng tiêu hóa được hết.
Bất kỳ người nào, dù trí óc bình thường, cũng có thể tự luyện  cho mình một khả năng lựa chọn sách, nghĩa là luyện cái giám  thức. Có những cuốn phải liệng vào sọt rác, có những cuốn nên giữ  kĩ để đọc lại, sự lựa chọn loại sách tuỳ mỗi người.
Khi một người đã thích một loại sách nào hợp với mình thì là  người đó đã có giám thức rồi mà tự mình không hay, và tất nhiên  chẳng cần ai bắt buộc, người đó sẽ tìm tất cả loại sách ấy để đọc.
Có vài môn học và nhiều thanh niên cho là cần thiết để  thành công trong công việc kinh doanh. Trước hết là môn toán rồi  tới môn ngoại ngữ. Môn toán cao học không thực là cần thiết cho  sự thành công, nhưng có điều những người nắm vững môn toán  cũng chính là những thành công trong lĩnh vực kĩ nghệ và tài  chính.
Tôi tiếc rằng tôi đã được đào tạo trong nghề kinh doanh tại  một lục địa mà trong sự giao thiệp trên thương trường, người ta  chỉ dùng mỗi một ngôn ngữ từ Bắc cực tới vịnh Mexico. Thành thử  tôi mù tịt về những sinh ngữ khác.
Tôi cho rằng sinh ngữ là môn quan trọng nhất cần phải biết  để thành công trong việc kinh doanh, nhưng ý kiến của tôi có thể  sai vì tôi không biết chút gì về sinh ngữ, như tôi đã nói.
Nhưng suy đi tính lại thì thị trường mới thực là trường đào  tạo nhà kinh doanh. ở đó, một thanh niên có lương thức có thể tìm  hiểu cá tính của các hạng người và nhờ vậy tự lập được một cái  thang giá trị trong giới kinh doanh.
Kinh nghiệm sẽ cho thanh niên đó thấy rằng không phải vì  thiếu những tri thức về lí thuyết mà người ta thất bại trong cuộc  mạo hiểm là đời sống đâu.
Cách đây đã lâu, Huân tước Bickenhead hỏi tôi định cho các  con trai tôi học trường nào. Tôi đáp rằng chưa hề nghĩ mà cũng  không quan tâm tới vấn đề đó. Ông tỏ vẻ ngạc nhiên vô cùng.
Nguyên nhân chính của sự thờ ơ đó là tôi thầm tính rằng trẻ phải làm chủ vận mệnh của nó và chỉ có nó mới làm chủ vận mệnh  của nó thôi. Nếu nó muốn thành công trong ngành văn học hoặc  trong một ngành nào khác thì nó cứ đọc sách, đọc cho thật nhiều,  cho tới khi óc mở mang đủ phân biệt được cái xấu và tốt, cũng như  một người sành rượu chỉ nhìn qua một thứ rượu nào đó cũng nhận  được là rượu ngon hay không.
Có thể rằng người đọc sách và người uống rượu chỉ dùng trực  giác mà nhận định được sách này hay, rượu này ngon chứ không  đưa ra được một lí lẽ khách quan nào. Nhưng không phải vì vậy  mà sự phán đoán của họ sai. Khi họ bảo “Cuốn sách đó viết hay”,  “Thứ rượu này dở” thì ta có thể tin họ được.
Cho nên tôi muốn khuyến khích những thanh niên không có  bằng cấp trung học hay đại học quyết chí thành công trong việc  kinh doanh. Theo tôi nghĩ, có một cái nguy hại là học đường  thường đào tạo một hạng thanh niên “tiêu chuẩn”. Một người có cá  tính mạnh mẽ phải biết tự đào tạo lấy chứ không trông mong  nhiều ở học đường.
Rất có thể rằng tới lúc hành động, hạng người có cá tính  mạnh mẽ thắng hạng người “tiêu chuẩn”.
Muốn có một bút pháp thì chỉ có cách đọc sách cho nhiều, đọc  những sách mình thích. Muốn sành rượu thì không có gì bằng nếm  thật nhiều thứ. Không có gì tập cho ta quen công việc kinh doanh  bằng cách thực hành nó, thực hành ngay từ hồi trẻ, nửa vì thích,  nửa vì muốn có kinh nghiệm.
Con người tạo ra vận mệnh của mình chứ không phải là để  cho nó lôi cuốn. Vậy ta có thể thắng nền giáo dục ta đã hấp thụ  được. Ta phải tự đào tạo lấy ta.
Thiếu những lí thuyết căn bản thì vẫn có thể tiến trên đường  đời được.
Thanh niên nào cũng có cơ hội để làm nên sự nghiệp miễn là  chịu quyết chí làm việc, dành dụm một số vốn, sống điều độ, tránh  thói ngạo mạn và thói sợ sệt, can đảm đương đầu với các cuộc  khủng hoảng, không hề sờn lòng. Lại phải biết thận trọng khi cất  cánh bay bổng, dù có là một thiên tài thì cũng không được trái  những luật an toàn.
Bí quyết để tạo nên quyền lực là biến nhiệt tâm hồi trẻ  thành kinh nghiệm và kiến thức. Tôi đã chỉ cho bạn một con  đường tắt để thực hiện điều đó.
Tôi đã trải qua tuổi trẻ. Bây giờ tôi đã có kinh nghiệm. Tôi  tin rằng thanh niên có thể đạt nguyện vọng của mình được nếu  nhiệt liệt muốn thành công. Tôi cũng tin rằng chỉ cần một chút  kinh nghiệm buổi đầu là tránh được những vực thẳm mà những kẻ  táo bạo nhất thường gặp trên con đường kinh doanh của mình.
Do kinh nghiệm bản thân mà tôi tin chắc những điều tôi mới  biết đó.
 
Chương 6
CÁCH ỨNG BIẾN
Tài ứng biến là hình thức đơn sơ nhất của khả năng sáng  tạo. Nó là nghệ thuật đọ sức với sự bất ngờ, lợi dụng những hoàn  cảnh bất ngờ.
Thanh niên nào muốn thành công phải tập cho thuần nghệ  thuật đó, thuần tới mức nó trở thành một phản ứng tự nhiên, óc  mình lúc nào như cũng đợi thời cơ, không bao giờ bị hoang mang,  lạc nẻo khi gặp một tình thế chưa hề tính trước.
Khả năng ứng biến có một vị trí lớn trong nghệ thuật sống.  Trong nghệ thuật thành công về doanh nghiệp, nó còn quan trọng  vô cùng.
Tôi nhiệt liệt khuyên các bạn trẻ học cách ứng biến nếu  muốn thành công.
Những tấm gương tôi đưa ra dưới đây đều là những nhân vật  trong chiến tranh, như vậy không phải là vì tôi cho rằng thanh  niên ngày nay cần chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh dã man và  vô lí nữa. Trái lại, tôi rất mong họ được sống trong cảnh thái bình.  Nhưng trong chiến tranh có nhiều vấn đề xuất hiện một cách  thình lình, mạnh mẽ, cho nên dùng làm thí dụ để nêu gương thì  không gì bằng.
Thanh niên nào muốn tập ứng biến nên nghiên cứu trước hết  đời Huân tước Winston Churchill. Hầu hết mỗi hành động của ông  trong thời chiến đều có tính cách ứng biến.
Cuộc chiến đấu của nước Anh chống xâm lăng là một bản  anh hùng ca nhờ tài ứng biến của một số người, nhờ tài khéo léo  nắm cơ hội, nhờ những sự quyết định của cá nhân và nhờ những  phương tiện ứng phó kịp với hoàn cảnh. Lúc đó ai cũng tin rằng  quân Đức từ bờ biển Pháp thế nào cũng ồ ạt qua xâm chiếm nước  Anh; làm sao ngăn chặn chúng được?
Tình thế yên hay nguy hoàn toàn do phi cơ Anh làm chủ  được không phận hay không. Muốn làm chủ không phận thì phải  có nhiều phi cơ khu trục. Rốt cuộc Anh đã thắng trận đó nhờ tài  năng và lòng hi sinh của phi công, đành rồi, nhưng cũng là nhờ  chính phủ đã biết liệng vào sọt giấy tất cả những kế hoạch đẹp đẽ  để chế tạo cấp tốc nhiều phi cơ mà đối phó kịp với hoàn cảnh. Nếu  cứ ngồi đó mà nghiên cứu kế hoạch thì nhất định là thua; nhờ chế  tạo phi cơ mới thắng được.
Đầu thế chiến, quân đội Anh thua trên lục địa (tức Pháp, Bỉ),  mất nguồn tiếp tế thực phẩm. Kĩ nghệ hàng không cần nhất là  nhôm. Mà lúc đó không còn nhận được chất bauxite, một thứ  quặng nhôm nữa. Ba phần tư số sắt, thép nhập cảng và đại đa số  quặng sắt đến từ châu Âu qua đường lục địa đã bị quân Đức  chiếm, Anh làm sao đương đầu với cuộc khủng hoảng đó được?
Bằng mọi cách phải tìm những nguồn tiếp tế mới, tạo những  đường chuyên chở mới, để nhập cảng nhôm, sắt, thép. Đã mất thị  trường châu Âu thì phải tìm nguồn hàng ở thị trường châu Phi và  châu Mỹ.
Tháng chạp năn 1941, Churchill đòi “có được thêm nhiều khí  cụ để làm việc”. Ông ấy có đợi người ta thành lập một cơ quan  không? Ông ấy có tin ở máy móc không? Có bắt Bộ Quân nhu phải  làm việc theo đúng những nguyên tắc hành chính không? Tuyệt  nhiên không. Ông qua Washington tìm kiếm khí giới và tàu cho  lục quân và thuỷ quân Anh. Và ông dắt tôi đi theo.
Tới Washington, chúng tôi thấy rằng người Mỹ đã thiết lập  cả một chương trình sản xuất. Họ đã nghiên cứu kế hoạch cực tỉ  mỉ, coi trên giấy, ra vẻ đồ sộ lắm. Các kế hoạch đó đóng lại thành  tập rất đẹp đẽ, có tài liệu còn đem in nữa, thật là tuyệt khéo,  không còn chê vào đâu được.
Nhưng trong cái công trình lí thuyết đẹp đẽ đó, có một điểm  không ổn: là kế hoạch không hợp với nhu cầu của các nước Đồng  minh.
Nhiệm vụ của tôi là giải thích cho Chính phủ Mỹ hiểu điều  đó. Tôi phải chứng minh rằng Chính phủ Washington sản xuất khí  giới theo khả năng vĩ đại của Mỹ, chứ không phải theo những suy  tính tỉ mỉ của các nhà chuyên môn lập kế hoạch.
Muốn vậy thì Chính phủ Mỹ phải bỏ lề lối cũ đi mà ứng biến  theo một đại quy mô chưa từng thấy mới được.
Tạp chí của chính quyền: Industsial Mobilisation for war  (Động viên kĩ nghệ cho chiến tranh) ghi lại nỗi xúc động mà chúng  tôi đã gây ra ở Washington. Chúng tôi bất chấp những nghi thức  ngoại giao, lặp đi lặp lại hoài quan điểm của chúng tôi với các nhà  lãnh đạo ở toà Bạch ốc, với ông Phó Tổng thống và trong tất cả các  cuộc tiếp xúc khác.
Tôi phải chiến đấu với Tổng thống Roosevelt, tấn công ông  liên tiếp bằng thư từ, thuyết minh; trong các cuộc hội đàm riêng,  tôi ráng chứng minh cho ông thấy rằng phải bỏ mọi kế hoạch đi  mà xông vào con đường sản xuất quy mô khổng lồ mới được. Cuộc  vận động của chúng tôi hăng hái tới mức tất cả Washington phải  tham dự vào, cả những nhật báo nữa, gây một sự kích thích mạnh  trong mọi giới.
Lí lẽ tôi đưa ra đều dựa trên kinh nghiệm bản thân của tôi.  Tôi cho rằng nước Mỹ năm 1942 có thể sản xuất một mình được:
45.000 xe thiết giáp, 17.700 đại bác chống chiến xa, 45.000 đại bác  phòng không, 24.000 phi cơ khu trục, và nhiều chiến cụ khác nữa.
Các nhà chuyên môn lập kế hoạch la lên, bảo tôi có điên  khùng mới đặt vấn đề như vậy.
Không nghi ngờ gì nữa, nếu Tổng thống Roosevelt không có  óc thực tế để nhận thấy giá trị đề nghị của chúng tôi rồi chấp  thuận nó thì người ta đã theo chương trình của các kế hoạch gia đó  rồi. Và nếu chủ trương của các kế hoạch gia trong phòng giấy đó  mà thắng thì Đồng minh đã không thắng được Đức năm 1945.
Nhờ Tổng thống Roosevelt mà người Mỹ chấp nhận dự tính  của chúng tôi về khả năng sản xuất. Người ta lập ngay một  chương trình chế tạo cần tới hàng tỉ Mỹ kim rồi đưa qua Quốc hội  biểu quyết. Nhờ chương trình đó mà chúng ta mới đè bẹp quân  địch được về phương diện võ bị.
Rốt cuộc chẳng những người Mỹ thực hiện được mà còn vượt  chương trình sản xuất đó nữa. Phương pháp ứng biến đã thắng  thủ tục kế hoạch.
Thời bình cũng như thời chiến, hễ gặp cơn nguy, thì luôn  luôn phương pháp ứng biến tỏ ra có hiệu quả đặc biệt. Người nào  bị cột chặt vào thủ tục thì chưa chiến đấu đã thua rồi vì bỏ phí quá nhiều thì giờ để suy nghĩ và do đó, bị biến cố vượt mất. Người biết  ứng biến đã lựa xong được một chiến thuật mới mà kẻ giữ thủ tục  vẫn chưa xét xong các khía cạnh của vấn đề.
Nhưng chỉ nên ứng biến trong khi còn kịp thắng được tình  thế. Theo thủ tục hành chính cho tới khi mọi việc đã hỏng, rồi hi  vọng rằng lúc đó còn có thể ứng biến để lật lại tình thế như một  phép mầu là hi vọng hão. Phải biết ứng biến kịp thời từ khi những  khó khăn đầu tiên mới xuất hiện. Lúc đó, dễ diệt chúng lắm, để  muộn thì không sao thắng chúng được nữa.
Người nào biết quyết định mau mắn, rồi lại biết mau mắn bỏ  những quyết định đó nếu thấy nó không có kết quả tốt thì gặp  những tình thế ghê gớm nhất, cũng có thể lợi dụng nó được.
Biết ứng biến mau mắn, chuyển họa thành phúc thì nhất  định là thành công.
Vậy phải coi chừng những con người có tinh thần cứng nhắc,  cố chấp. Con người ngồi êm ái trong chiếc ghế bành rồi vui vẻ trình  bày tại sao việc này không làm được, việc kia làm không được thế  nào cũng thua con người đại đởm, chịu khó tìm cách làm cái việc  không thể làm được đó.
Nói cách khác: bạn nên coi chừng đấy, đừng mắc cái chứng  thư lại. óc quá chú trọng tới giấy tờ, nguyên tắc hành chính là kẻ  thù của óc quyền biến.
Các nhà tổ chức luôn luôn có khuynh hướng tổ chức quá mức  mà sự tổ chức quá mức, quá tỉ mỉ đưa xí nghiệp tới sự sụp đổ.
Điều đó được chứng minh ở Liên bang Xô Viết rõ hơn ở đâu  hết. Liên bang Xô Viết tin ở chính sách thiết lập kế hoạch sản xuất  dài hạn và kiểm soát chặt chẽ từng ngành kĩ nghệ một. Chính  Xtalin kể lại cuộc đàm thoại dưới đây giữa ông và một ủy viên  nhân dân có trách nhiệm tổ chức các nông trang tập thể.
Xtalin: - Công việc gieo mạ tới đâu rồi?
Ủy viên: - Thưa đồng chí Xtalin, đồng chí hỏi về công việc  gieo mạ ư? Thì lúc này chúng tôi chỉ lo tiến hành công việc đó.
Xtalin: - Tốt, rồi sao?
Ủy viên: - Chúng tôi sẽ nghiên cứu tỉ mỉ từng tiểu tiết một  của vấn đề.
Xtalin: - Vậy thì tới đâu rồi?
Ủy viên: - Thưa đồng chí Xtalin, đương có sự thay đổi. Một sự  thay đổi quyết định.
Staline: - Rồi làm sao nữa?
Ủy viên: - Chúng tôi có thể nói rằng sẽ có một sự tiến bộ vĩ đại.
Xtalin: - Vậy thì công việc gieo mạ tiến tới đâu rồi? 
Ủy viên: - Thưa đồng chí Xtalin, tới hôm nay vẫn chưa khởi sự ạ.
Chắc chắn là các nhà tổ chức có một vai trò lớn trong hoạt  động kinh doanh của loài người. Nhưng vai trò đó không bao giờ  được coi là chủ yếu vì nếu vậy thì tổ chức sẽ hóa ra vô ích.
Người thành công bẩm sinh đã có tinh thần tổ chức nhưng sở  dĩ thành công là vì không chịu nô lệ óc tổ chức. Người đó không  khi nào kiên nhẫn chịu đựng những cuộc họp kéo dài không dứt,  trong đó người ta chỉ đua nhau múa mỏ và ngăn chặn mọi hành  động.
Người thành công cũng không cho các “kế hoạch” một giá trị  quá đáng. Kế hoạch có thể sai. Khi thấy sai, người ta lại lập những  kế hoạch mới một cách rất kĩ lưỡng để đem ra thực hiện nhưng  trước khi thực hiện phải trình lên cấp trên để được chấp thuận đã  và tới khi được chấp thuận thì tình thế đã thay đổi hẳn rồi, không  thể đem thực hiện được nữa.
Nếu phải đợi phản ứng của một cơ quan, một tổ chức, một  cuộc họp thì không thể nào đối phó kịp với một tình thế bất ngờ.
Đó là một bài học mà không bao giờ tôi quên được. Cho nên  tôi xin khẩn khoản nhắc các vị chủ xí nghiệp phải đặc biệt coi  chừng hoạt động của các phòng quản lí, đừng để họ hoạt động trái  với quyền lợi của hãng. Đặt ra phòng quản lí là để cho công việc  chạy chứ không phải để ngăn cản công việc.
Nếu ta không coi chừng thì nhân viên tổ chức đáng lẽ phục  vụ kĩ nghệ sẽ biến thành những ông chủ độc tài mất. Tới mức đó  thì xí nghiệp bắt đầu suy sụp rồi. Sự tổ chức quá mức là kẻ thù  của sự hoạt động trong công việc kinh doanh.
Trong chiến tranh, quốc gia thắng được nhờ các người chỉ  huy biết ứng biến; nhưng, các nhà tổ chức vẫn có thể giữ vai trò  quan trọng trong đời sống kinh tế. Trong hoàn cảnh đó, chính phủ thành khách hàng duy nhất, tiêu thụ tất cả những sản phẩm  trong nước. Trên thị trường không còn luật cung cầu nữa, mà mọi  sự đổi chác đều theo nguyên tắc này: giá bán bằng giá vốn cộng  thêm mấy phân lãi. Do đó mà năng xuất giảm đi, tiền công tăng  lên một cách tai hại; trong các khu vực hoạt động kinh tế, chỉ nhờ  có lòng ái quốc mà người ta hãm bớt được mọi sự quá lố.
Khi thái bình trở lại, phải một thời gian lâu tình trạng đó  mới mất được. Các nhà sản xuất lúc đầu vẫn theo lối cũ trong thời  chiến: Định giá bán bằng giá vốn cộng cới mấy phân lãi; còn các  nhà cầm quyền cũng không vội gì từ bỏ cái uy quyền lớn của mình,  uy quyền kiểm soát kĩ nghệ. Người ta không thèm nghe lời những  kẻ đòi thay đổi tình thế, người ta bỏ qua những cơ hội mới. Các  nhà chuyên môn về kế hoạch vẫn làm mưa làm gió được trong một  thời gian.
Nhưng dần dần sự kiểm soát của chính phủ nới lỏng ra mà  năng suất trong các xí nghiệp tăng lên, kinh tế lấy lại sức. Và môi  trường hoạt động lại mở rộng cho sự tự do kinh doanh.
Còn một nguy hại nữa cũng liên quan tới sự tổ chức quá mức.  Tôi muốn nói tới cái nguy hại giao một cơ sở kinh doanh mới thành  lập cho những người rất thạo việc, “cái gì cũng biết”. Người ta  thường nghĩ rằng muốn cho một xí nghiệp thịnh vượng thì phải  tìm cho được người nào có nhiều kinh nghiệm nhất mà giao cho  việc điều khiển. Và người ta tự nhủ một con người như vậy phải là  người đã thành công trong nhiều xí nghiệp. Người ta bèn nhờ cậy  người đó điều khiển xí nghiệp mới thành lập của mình, tin chắc  rằng trước kia người đó đã thành công thì không lí gì bây giờ lại  thất bại.
Khốn nỗi, trong thực tế không luôn luôn như vậy. Nói cho  đúng thì cách làm ấy rất sai lầm. Vì áp dụng nó mà xảy ra rất  nhiều lầm lẫn và thất bại. Thường khi - tôi muốn nói rất thường  nữa - lựa một người như vậy là bạn phải chịu đựng một ông già  mệt mỏi về thể chất và tinh thần, ý kiến hẹp hòi và không muốn  bỏ lối làm việc cũ của mình. Đa số họ là những người hẹp hòi, cố  chấp, không chịu nhìn rộng ra chung quanh, không có tinh thần  ứng biến và do đó không thể đối phó với tình thế mới trong một thế  giới luôn luôn thay đổi.
Muốn mở một xí nghiệp mới thì phương pháp thích nghi nhất  là lựa những người mới, muốn vậy phải giỏi tâm lí, biết bản tính con người. Những người mới đó, có tài năng, sẽ học nghề và sẽ mau  có kinh nghiệm. Trước hết phải biết mình cần những đức nào ở  người mình sẽ giao việc, rồi mới tìm những người có những đức đó,  những đức chưa được đem thi thố nhưng chỉ đợi có dịp là phát  triển. Nếu người bạn lựa thực sự có những đức đó thì bạn có thể  chắc chắn rằng bạn là một người sung sướng và mọi việc sẽ xảy ra  như ý muốn của bạn.
Những người như vậy sẽ biết nắm lấy mọi cơ hội thuận  thiện. Họ có ích cho xã hội.
“Sung sướng thay kẻ nào tìm thấy sức mạnh ở lòng tin mà  tấm lòng hợp với chí hướng của anh. Đi qua cái thung lũng đau  khổ này, kẻ đó sẽ đào một cái giếng và các hồ sẽ đầy nước”.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Popular Posts

Blogger news

About




Powered by  MyPagerank.Net

Academics Blogs
Bookmark and Share

Blog Archive