03: Phút Nhìn Lại Mình
24/7/10
1
nhận xét
Phút nhìn lại mình - Khởi đầu (tt)
Những ai biết dành một phút nhìn lại mình sẽ có cơ hội điều chỉnh và giúp hiện tại của mình tốt hơn lên.
- Thế còn Người khác thì sao ạ? – Chàng trai tò mò – Làm thế nào chỉ trong một phút mà vẫn có thể nhận ra và quan tâm đến cái tôi của người khác?
- Chú, cháu và những người khác đều như nhau thôi, đều có cái tôi của riêng mình. Chú luôn tôn trọng và đánh giá cao những người biết yêu quý bản thân. Cũng như chú, cháu hãy thử dành một phút để tự hỏi câu hỏi tương tự: Liệu cháu có thể làm gì khác để giúp mình cảm thấy tốt hơn lúc này không?
Chỉ mình cháu mới có câu trả lời. Không ai giúp cháu được. Và chúng ta, ai cũng có quyền và xứng đáng để một lúc nào đó đặt bản thân mình lên trên những người khác. Và chỉ bằng cách quan tâm đến bản thân, ta mới có thể học được cách quan tâm đến người khác.
- Nhưng làm sao có thể chia sẻ với tất cả mọi người? Phần Chúng ta ấy? Hình như yêu cầu đó là quá cao so với khả năng mỗi người?
- Để làm được điều đó, mỗi người chúng ta cần phải nỗ lực. Mọi người phải tự đặt ra những câu hỏi: Có phải vì quá quan tâm đến bản thân mà mình đã có những đòi hỏi quá đáng, vượt quá mức thân tình, với những người xung quanh? Hay là mỗi người cần phải biết quan tâm người khác nhiều hơn? Có như vậy, mối quan hệ giữa con người với nhau mới có cơ hội được cải thiện và trở nên tốt đẹp hơn.
- Cháu thấy có vẻ như mọi chuyện quá đơn giản? – Chàng trai hỏi, vẫn với giọng đầy hồ nghi.
- Vì trong một phút ngắn ngủi đó, cháu có cơ hội tự nhìn lại bản thân, đánh giá thái độ của mình. Rồi tự khắc, sự nhạy cảm và trực giác sẽ giúp cháu tìm ra những giải pháp thích hợp.
Việc bỏ ra một phút, vài lần trong một ngày, cũng giống như việc cháu phải dừng lại trước ngã tư khi gặp đèn đỏ. Dừng lại khi đèn đỏ là một việc cần thiết mà ai cũng phải tuân thủ nếu muốn đến nơi an toàn. Cháu đã bao giờ bị bệnh nặng phải vào bệnh viện chưa? À, cũng có ý nghĩa lắm đấy. Nhiều người đã khuyên chúng ta nên có một đôi lần nằm trên giường bệnh ở bệnh viện. Hơi mâu thuẫn phải không? Ai lại khuyên mình phải vào bệnh viện. Nhưng thật sự có ích đấy. Cháu có cảm nhận được điều gì khi ở trong hoàn cảnh như vậy không?
- Hồi mới tốt nghiệp, có một lần cháu bị ốm nặng, sốt cao phải vào bệnh viện. Ở đấy thật tĩnh lặng, thời gian trôi qua rất chậm theo nhịp rơi của những giọt nước từ chai truyền dịch. Không gian yên tĩnh đến mức cháu có thể suy nghĩ về mọi việc và mong có những người bạn thân vào thăm để được trò chuyện. Cảm giác của cháu lúc đó là mình đang được chăm sóc. Có phải vậy không?
- Đúng một phần. Trong khoảng thời gian buộc phải nằm một chỗ yên tĩnh đó, con người mới có dịp suy ngẫm về cuộc sống, về những việc mình đã làm, về những mối quan hệ với người khác, về con đường mình đang lựa chọn một cách sâu sắc hơn. Để từ đó có những cảm nhận mới, những điều chỉnh, thay đổi cần thiết. Có nhiều người xem đó chính là điểm dừng cần thiết và hữu ích của cuộc sống, cũng cần thiết như vài chục giây dừng khi gặp đèn đỏ tại một ngã tư vậy.
Chàng trai chợt hiểu:
- Vậy hóa ra việc dừng lại và xem xét sẽ giúp ta tránh khỏi tình trạng di chuyển quá nhanh, căng thẳng để rồi “đâm sầm” vào các vấn đề và tự làm mình tổn thương?
- Đúng thế! Khi biết dừng lại, chúng ta sẽ có nhiều cơ hội lựa chọn: đi tiếp con đường hoặc đổi hướng, hay làm bất cứ điều gì khác mà ta cảm thấy là tốt nhất cho mình.
Cũng nhờ vậy mà chúng ta có thể nhận ra những việc mình làm đã gây ảnh hưởng đến người khác như thế nào. Làm như vậy là không những chúng ta đang quan tâm chính mình mà còn quan tâm đến người khác nữa đấy.
Phút nhìn lại mình, cho riêng mình đã trở thành nguyên tắc sống bình dị và giá trị với những ai biết sống, biết trải nghiệm. Ban đầu, với vốn sống của mình, chú rất tự tin và nghĩ rằng chẳng việc gì mình phải cần đến một phút như vậy; chú sống một cuộc sống rất sôi động, bản lĩnh, nghĩ là làm. Nhưng sau này, chú nhận ra: chỉ với một phút nhìn lại mình, chúng ta sẽ nhận ra được điều gì là tốt nhất cho bản thân, sẽ biết cách tự điều chỉnh mình. Nhờ thế, trong mọi tình huống, chú luôn tìm được câu trả lời – câu trả lời xuất phát từ trái tim, từ lương tâm.
Người bác sĩ tiếp tục giải thích:
- Hãy quay lại thời điểm khi vừa mới nhận biết được tầm quan trọng của sự tôn trọng chính mình. Qua một thời gian, khi đã học được cách quan tâm đến bản thân, chúng ta sẽ bước sang một giai đoạn mới: biết quan tâm đến người khác và chia sẻ với tất cả mọi người. Cháu sẽ hiểu ra rằng phải có đủ ba yếu tố trên thì bản thân chúng ta mới tìm được sự cân bằng trong tinh thần và nhờ vậy, sống hạnh phúc hơn.
- Có cách nào được như thế nhỉ? Ý cháu là…
- Sẽ dễ thôi khi chúng ta biết rõ mình cần phải làm gì. Dựa trên nguyên tắc phút nhìn lại mình, chú tìm ra được rất nhiều điều mới. Chỉ có điều là chú phải cố gắng làm sao để mình luôn nhớ và áp dụng nguyên tắc đó thường xuyên hơn.
Khi làm điều gì đó cho bản thân, chú – và chú nghĩ người khác cũng thế – cảm thấy mình đang được yêu thương, tôn trọng.
Dĩ nhiên, mỗi người có một cách yêu thương bản thân riêng, không ai giống ai, miễn sao mình thấy thoải mái với cách của mình là được... Điều này cũng thú vị lắm đây! Nhiều lúc, cháu muốn quan tâm mình theo cách này nhưng người khác lại không thích như vậy, có khi còn phủ nhận cách của cháu. Và cũng không phải lúc nào cháu cũng quan tâm mình theo cùng một cách. Hoàn cảnh sẽ khiến cháu tìm ra những cách thức khác nhau để tự giúp mình. Riêng chú, chú thay đổi hàng tuần đấy, có điều, chú luôn bắt đầu theo cùng một cách – bằng một câu hỏi: “Mình phải làm gì đây để tự giúp bản thân mình tốt hơn?”.
Rồi tùy tình huống, tùy cách suy nghĩ và hành động, chú sẽ tìm thấy câu trả lời phù hợp. Từ đó, cách nhìn nhận vấn đề, cảm nhận cuộc sống, thái độ ứng xử, kể cả suy nghĩ của chú cũng sẽ thay đổi theo
Chàng trai hỏi, giọng không giấu được vẻ tò mò:
- Chú kể một vài việc cụ thể đi!
- Dạo đó, khi chú không thể tìm đâu ra thời gian cho riêng mình, chú cảm thấy rất khó chịu. Chú dành một phút để đi tìm câu trả lời. Cuối cùng, chú nghĩ, thà rằng mỗi ngày mình dậy sớm hơn một tiếng để có thời gian làm những gì mình thích, còn hơn là cứ ôm mãi nỗi bực dọc trong lòng.
Nói đến đây, ông ngưng lại một lúc và mỉm cười:
- Nhưng mà… chú không thể nào thực hiện được. Buổi sáng đầu tiên, chú không thể nhấc mình ra khỏi giường sớm hơn vì quá mệt mỏi. Trong cơn buồn ngủ, chú tự hỏi: “Chẳng lẽ mình chịu thua sao?”.
Thế rồi chú cũng dậy sớm được, nhưng chỉ hơn 15 phút so với bình thường. Đó là tuần đầu tiên. Tuần thứ hai, chú lại dậy sớm hơn tuần đầu 15 phút. Cứ thế cho đến hết tuần thứ tư thì chú đã thực hiện được điều mình muốn: dậy sớm hơn lúc trước một tiếng đồng hồ – và chú coi đó như là phần thưởng cho sự cố gắng của mình.
Anh hỏi:
- Trong một tiếng đồng hồ đó chú làm gì vậy? Cháu có cảm giác một tiếng là rất lâu.
- Có lẽ cháu hiểu hơi sai vấn đề. Thời gian bao nhiêu không quan trọng, chủ yếu là nhờ đó mà chú thấy mình đang được quan tâm đúng mức.
Ông nhấn mạnh:
- Thực ra, vấn đề không phải cháu đã làm gì, mà chính là ở những thay đổi cháu tạo được. Chỉ bằng những việc nhỏ thôi, chúng ta vẫn có thể xoay chuyển được tình thế. Cách của chú là đặt câu hỏi. Nếu đang trong một tình thế gấp gáp, mơ hồ hay bế tắc, câu hỏi chú tự đặt ra cho mình sẽ là: “Sự việc này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến một vài năm tới?”.
Đến đây thì chàng trai gật đầu tỏ vẻ đã hiểu:
- Vâng, cháu nghĩ là chú sẽ cảm thấy bình tĩnh hơn, vì tự câu hỏi đó đã giúp hé mở phần nào hướng giải quyết vấn đề. Cũng có thể nhờ đó mà chú nhận ra được có vài việc không đáng phải suy nghĩ hay bận tâm nhiều. Những kiểu công việc như vậy thường hay được chúng ta khoác cho vẻ ngoài cấp bách và quan trọng, nhưng thực ra thì không phải thế.
Ông bác sĩ thừa nhận:
- Cháu đúng đấy! Và thường thì sau khi tự hỏi mình câu đó, chú lại quay sang cười vào những lo lắng ngớ ngẩn của mình. Vừa tránh đưa ra những quyết định tệ hại, vừa được thoải mái tinh thần. À, nói đến chuyện cười … Có lần, chú vô tình nghe được một đoạn hài kịch trên đài phát thanh. Phải nói là nó hóm hỉnh và buồn cười thật. Chú cười đến gập cả người và thế là, tự nhiên mọi lo lắng biến đi đâu hết. Sau lần đó, chú quyết định tìm mua vài cái đĩa hài, một tập truyện cười để sẵn trên xe. Không gì thú vị bằng vừa lái xe, vừa được cười.
Còn cháu, chú nhớ hồi trước, mỗi lần gặp, chú đều thấy cháu có vẻ lặng lẽ, trầm tư. Nhưng giờ thì hình như cháu vui vẻ hơn thì phải?
- Đúng ạ! Cháu may mắn gặp được một người bạn khá là vui tính. Trong những sự việc nhỏ hàng ngày, trong nhận xét, bình luận, anh ấy đều có thể tìm thấy sự khôi hài. Bọn cháu cùng làm một công việc như nhau, cùng chịu một áp lực nhưng chẳng khi nào cháu thấy anh ấy cuống lên như cháu cả. Cách sống của anh ấy đã gián tiếp dạy cho cháu một bài học về giá trị của nụ cười
Có lần, khi cháu đang rất chán nản, anh bạn đó đã đến và tìm cách an ủi cháu. Nhưng cháu nói là muốn tự mình giải quyết lấy vấn đề, xin đừng ai xen vào chuyện của cháu. Anh ấy liền bảo: “Cũng không sao cả. Mà này, chỗ nhà cậu có cái… nhà kho nào không đấy?”. Cháu nói là có. Thế là anh ấy la lên: “Hay quá! Vậy là cậu có được một nơi lý tưởng rồi đấy!”. “Để làm gì chứ?”, cháu hỏi.
Chú có tưởng tượng được là anh ấy trả lời thế nào không? “À, để cậu tự giải quyết. Chui vào đấy, ăn mặc thật chỉnh tề vào, khóa trái cửa lại rồi kiếm một góc nào đó mà ngồi cho đàng hoàng. Rồi tự mà giải quyết!”. Cháu rất buồn cười với lời trêu chọc đó. Nhưng mà có lúc mệt quá cháu đã chui vào góc nhà kho đó thật đấy.
Ông bác sĩ bật cười:
- Chà, xem ra thì chú còn khá hơn cháu đấy! Chú còn có thể nhờ đến mấy cái băng hài chứ không như cháu, phải dùng đến một xó trong nhà kho.
Chàng trai thừa nhận:
- Nói cho cùng, học được cách cười với bản thân cũng là một cách hữu hiệu để giúp mình thư giãn.
- Tốt hơn nữa là có thể tự cười vào mình, trong mọi lúc, vào tất cả những sai lầm, những dại dột, nói chung là vào những gì thuộc về con người mình, giống như thừa nhận con người thật của mình. Cũng khó đấy. Đôi lúc chú vẫn phải dùng đến vài “mẹo vặt” nữa đấy.
- Sao cơ?
- À, khi nào chú thấy mình quá nghiêm túc, chú tưởng tượng đâu đó trên cao đang có một vị thần nhìn xuống và biết tỏng mọi suy nghĩ trong chú. Vì các vị thần vẫn thường phải coi sóc người trần mà. Rồi chú thấy ông ta cười phá lên và nói với một vị thần khác: “Này cậu! Đừng đọc báo nữa. Có vụ này hay lắm! Lại đây mà xem truyền hình trực tiếp! Hãy nhìn một tên luôn ra vẻ ông cụ non đang làm cái gì dưới kia kìa. Trông hắn ta tỏ vẻ nghiêm nghị đến tếu quá đi mất! Hắn ta ở dưới trần mà trông còn nghiêm túc hơn cả thần thánh chúng mình tu luyện hàng trăm năm trên này nữa. Thật là uổng phí cho đời hắn! Quá uổng phí! Phải chi mình được ở dưới trần như hắn ta thì…”.
Chàng trai không nhịn được cười. Trong đầu anh hiện ra cảnh ông bác sĩ đang lúng ta lúng túng đối phó với những tràng cười chế giễu của hai vị thần hóm hỉnh. “Mình sẽ nhớ câu chuyện vui này”, anh tự nhủ.
- Khi cười được hoặc khi cảm thấy mình đã làm được gì đó cho bản thân, chú rất thoải mái – Vị bác sĩ lại tiếp tục – Để chú nói thêm cho cháu nghe vài cách thư giãn của chú.
Thỉnh thoảng, chú bỏ qua bữa ăn trưa để dành thời gian đi dạo, nhìn ngắm phố phường và mua sắm. Chú rất thích sắm những thứ lặt vặt cho mình, móc khóa, bật lửa mình thích chẳng hạn. Điều đó tạo cho chú cảm giác là mình đang được chăm sóc.
Có những đêm, sau khi rời văn phòng, chú lại một mình chạy xe dọc đại lộ, nhìn ngắm vẻ thoáng đãng của không gian về đêm. Đôi khi, chú ghé vào một quán café, quán ăn với khung cảnh rộng rãi, tĩnh lặng để tìm cảm giác trở về với mình.
Chú cũng thường tự lên kế hoạch sẽ làm gì đó cho mình vào những buổi chiều. Có lần, chú tự hứa sẽ đi thăm viện bảo tàng, dự một buổi hòa nhạc mà mình thích rồi mới quay trở lại làm việc. Chỉ cần như thế là chú có thể làm việc tốt hơn. Dần dần, chú thấy việc khám phá không gian thành phố nơi mình sống rất thú vị. Chú luôn muốn tìm hiểu những nơi mình chưa đến bao giờ. Việc này giúp chú hiểu được mình hơn, vì khi đặt chân đến một nơi nào đó mới mẻ chú lại tự hỏi: Điều gì ở nơi này làm mình ấn tượng nhất? Còn nơi nào như thế nữa không?
Thế đấy, thành phố vẫn còn rất nhiều nơi mà chú chưa biết đến, nhiều ngôi trường, cửa hàng mà chú chưa một lần ghé vào… Và chú tự hứa là sẽ dần tìm hiểu. À, mà ghé thăm một trường tiểu học giờ ra chơi cũng thú vị lắm nhé. Lúc nhìn ngắm những em bé đang say sưa vui đùa, chú nhớ lại thuở nhỏ, mình cũng hồn nhiên như vậy. Ngờ đâu khi trưởng thành, mình lại phải trải qua nhiều sóng gió. Năm tháng qua đi đã cho và để lại cho mình cái gì nhỉ?
Nhưng dù sao đi nữa thì những điều này cũng chỉ là một phần nhỏ của bí quyết phút nhìn lại mình.
Nguồn: Phút nhìn lại mình - First News và NXB Tổng hợp TPHCM
Phút nhìn lại mình - Khởi đầu (tt)
Hãy cư xử với bản thân theo cách mà bạn thực sự mong muốn cách mà bạn muốn người khác đối xử với bạn.
- Thì cháu hãy cố gắng giải quyết cho xong cái điều đang làm cháu bận tâm nhất ấy.
- Về công việc hay những mối quan hệ bình thường thì cũng không khó lắm. Nhưng còn những khía cạnh sâu sắc thuộc về tình cảm thì dù đã cố gắng hết sức, cháu vẫn không tài nào giải quyết được – Chàng trai mạnh dạn bộc bạch – Chú đừng cười cháu nhé, như việc chia tay với người yêu cháu chẳng hạn. Lỗi tại ai, cháu không muốn nghĩ tới, nhưng đôi khi, ký ức, kỷ niệm đẹp trong quá khứ lại trở thành một vết thương lớn ở hiện tại, làm ảnh hưởng rất nhiều đến cháu. Vì những gì đã qua và những gì đang diễn ra đối nghịch nhau hoàn toàn.
- Chú hiểu rồi, chuyện nghiêm trọng đấy! Đây là một vấn đề tinh tế của tâm hồn. Và cháu băn khoăn là không biết có nên giữ những ký ức, kỷ niệm đẹp đó không chứ gì?
- Chú tài thật! Thật sự trước đây, những hồi tưởng lãng mạn đi cùng những kỷ niệm rất dễ thương đó đã động viên cháu rất nhiều. Đã có một thời gian dài, cháu nhìn cuộc đời qua lăng kính màu hồng đầy thơ mộng của mối tình đó.
Nếu giờ đây, cháu xóa bỏ những kỷ niệm ấy thì cuộc sống này với cháu sẽ là một màu xám ngắt rất đáng chán. Mà đã vậy thì cháu cũng không còn là cháu nữa. Còn nếu giữ những ký ức đó nguyên vẹn như xưa thì nỗi đau lại ập đến – bởi hiện thực và con người đã đổi thay. Chú có hiểu điều cháu đang muốn nói đến không ạ?
Vị bác sĩ với tay lấy hộp thuốc và châm một điếu. Sau một hồi trầm ngâm, ông ngước nhìn chàng trai mỉm cười, ánh mắt chợt sáng lên một tia sáng trẻ trung:
- Vấn đề của cháu thú vị thật, chứng tỏ cháu là người rất sâu sắc. Chú rất hiếm khi hút thuốc, nhưng lúc này thì phá lệ làm một điếu vậy… Việc cháu đề cập làm chú nhớ lại chuyện của chính mình.
Trước đây, mối tình đầu của chú cũng gần giống như cháu vậy, và cho đến bây giờ, chú vẫn gặp rất nhiều người cũng rơi vào trường hợp tương tự. Vào lúc đó, chú đã phải loay hoay, vất vả một thời gian dài, thậm chí còn bỏ cả công việc đi lang thang đâu đó để tìm câu trả lời. Có nên giữ nguyên vẹn hay xóa nhòa tất cả? Phải cố quên hay cần được nhớ?
Sau cùng, chú đã tự phân tích và tìm được giải pháp tốt nhất, hợp với mình nhất. Rất nhiều người đã không phân tích được để rồi cứ sống mãi trong cảm giác bị tổn thương, có lúc, họ còn thấy như đã mất tất cả. Cháu hãy chia ký ức thành nhiều giai đoạn, phần nào đẹp nhất, dễ thương nhất thì hãy giữ. Cháu có quyền giữ! Vì nó đã thuộc về cuộc sống của cháu rồi.
Và quan trọng nhất là cháu phải hiểu rằng: dù người yêu của cháu không còn như xưa nữa, thậm chí đã thay lòng đổi dạ, thì tình yêu của cháu đối với người ấy vẫn luôn còn – cho tới một thời điểm nào đó, khi mà bản chất mối quan hệ giữa hai người bắt đầu khác đi. Tình yêu là một sự cho đi, có lúc không cần nhận lại.
- Ồ! Thế mà cháu không nghĩ ra. Cháu hiểu rồi. Cháu sẽ suy nghĩ về những lời chú nói. Nhưng nếu chia tay mà do lỗi ở phía mình thì sao ạ?
- Trong cuộc sống, có những sai lầm còn có cơ hội để sửa chữa. Nhưng cũng có những lỗi lầm không thể còn cơ hội sửa chữa – chẳng lẽ lúc đó mọi người tuyệt vọng hết sao? Cách tốt nhất là chúng ta biết thành thật nhìn lại lỗi lầm của mình, để thấy lòng thanh thản hơn, rồi từ đó rút ra những kinh nghiệm thực tế quý báu, để tránh lặp lại sai lầm và cũng để nhìn lại mình rõ hơn. Cháu hãy nghĩ kỹ về điều này:
Bạn không bao giờ cảm thấy Mất đi khi yêu thương, và cho đi. bạn chỉ mất khi cố Giữ lại.
Nguồn: Phút nhìn lại mình - First News và NXB Tổng hợp TPHCM
1 nhận xét:
hay wá,mình rất thích câu:"Bạn không bao giờ cảm thấy Mất đi khi yêu thương,và cho đi.bạn chỉ mất đi khi cố Giữ lại"
Đăng nhận xét