05: Bạn Trẻ Và Kỹ Năng Sống
26/7/10
1
nhận xét
Khả năng giải mã và làm chủ cảm xúc là một trong bảy tiêu chí đánh giá chỉ số EQ - chỉ số xúc cảm. Đây là chỉ số quy định sự thành đạt về lối sống trong cuộc đời, là khả năng hòa nhập với gia đình và cộng đồng.
Dân gian có câu “Giận quá mất khôn”. Thế nhưng các trạng thái cảm xúc vui, buồn, phẫn nộ trong mỗi chúng ta vẫn diễn ra hàng ngày. Có ai dám quả quyết rằng mình chưa từng nổi giận bao giờ? Quan trọng hơn là làm sao “nhận diện” được bản chất của cơn giận và làm chủ được cảm xúc đó?
Giải mã cảm xúc
Phần lớn những cảm xúc tiêu cực của mỗi người đều bắt nguồn từ cuộc sống thường nhật và đặc biệt là trong mối quan hệ giữa người với người; đó có thể là sự nóng giận của cấp trên khi cấp dưới làm sai việc, hoặc đó là sự ganh tỵ, đố kỵ giữa các đồng nghiệp với nhau… và nếu không biết cách “giải mã” cảm xúc của đối tượng, những mối quan hệ mà chúng ta thiết lập được sẽ trở nên mong manh và dễ đổ vỡ.
Thành công của một cá thể là sự dung hòa các mối quan hệ mà cá nhân đó tạo ra. Có người tuy năng lực bình thường nhưng vẫn thành công vì họ biết quan sát, tìm hiểu và giải mã tâm trạng của đối tượng trong các mối quan hệ, rồi vận dụng những thời điểm thuận lợi để đưa ra những quyết định thích hợp. Thường họ vận dụng hai chiến lược: “biết người biết ta” và “tiến lùi đúng lúc”.
Vậy, làm sao ứng dụng các kỹ năng trừu tượng này vào thực tế cuộc sống, khi mà những cung bậc của “hỉ, nộ, ái, ố” vẫn diễn ra hàng ngày? Chúng ta dễ dàng nhận biết những trạng thái cảm xúc đơn giản như khi đói, cơ chế phản xạ theo bản năng và cảm giác đói xuất hiện; hay khi thấy một người khác phái mà mình yêu thích, cảm giác hưng phấn tràn về thúc đẩy việc làm quen, tiếp cận. Nhưng có các trạng thái cảm xúc diễn biến phức tạp khó nhận biết vẫn tạo ra những hành vi tương ứng.
Phạm Minh T., nhân viên trẻ của một công ty marketing, trong thời gian gần đây bỗng trở nên khác thường, anh luôn có cảm giác bất an và không thể tập trung làm việc. Nguyên nhân chính là do mối quan hệ trục trặc giữa T. và sếp. T. tâm sự: “Mình không hiểu làm sao dạo này sếp rất hay nổi nóng với mình và các đồng nghiệp, hễ sai một chút thôi cũng bị chửi cả buổi, cứ như thế thì mình làm sao có tinh thần làm việc được chứ”.
Nhưng thực ra, T. đâu biết rằng sở dĩ sếp “bất thường” như thế là do gia đình sếp có những vấn đề nên mới có thái độ cư xử như vậy. Rõ ràng là nếu T. nhạy bén để nắm bắt nguyên nhân thì anh đã không quá lo lắng và căng thẳng như thế.
Có thể nguyên nhân dẫn đến sự bất hòa trong mối quan hệ không nhất thiết bắt nguồn từ chính hai người trong cuộc, nhưng có thể bắt nguồn từ một mối quan hệ khác của một đối tượng, để rồi sự bất hòa “vãng lai” đó tiếp tục “xâm nhập” vào các mối quan hệ khác. Chính vì thế, người trong cuộc luôn phải tỉnh táo, nhạy bén để tìm ra nguyên nhân của nó.
Ngay cả trong tình cảm nam nữ cũng thế, có những anh chàng suốt cả ngày đêm mất ăn mất ngủ vì không biết liệu nàng có “mở cửa lòng” với mình hay chưa? Những phỏng đoán, trăn trở dường như chiếm hết tâm trí anh ta. Tuy nhiên, thật ra, có những khi “người ấy” đã bật đèn xanh lâu lắm rồi mà chàng lại chẳng nhạy bén để nhận ra.
Để nhận biết được các trạng thái cảm xúc, điều cơ bản chúng ta phải quan sát diện mạo, nét mặt, ánh mắt, điệu bộ, tư thế và cách nói năng của đối phương. Bên cạnh việc quan sát, để hiểu được trạng thái cảm xúc cần thông qua cả việc trò chuyện nữa. Trên phương diện quan hệ yêu đương, nếu một cô gái “phải lòng” chàng trai trong bối cảnh cả hai người đang ở giữa đám đông, những biểu hiện cảm xúc của cô gái rất dễ nhận biết, ánh mắt luôn hướng về “đối tượng”.
Cô cười nhiều hơn bình thường và luôn có những cử chỉ duyên dáng nhằm tạo sự chú ý. Thái độ bồn chồn thông qua các hành vi nghịch các món trang sức cũng là một biểu hiện đáng yêu. Điều đó “tố cáo” tim cô gái đang loạn nhịp và cô cần giải tỏa theo cách đó. Tín hiệu “đèn xanh” đã bật lên cho đối tượng.
Việc phán đoán cảm xúc trong các mối quan hệ với đối tác làm ăn phức tạp và khó khăn hơn rất nhiều. Bởi họ là những đối tượng đã có kinh nghiệm và bản lĩnh thương trường. Nhưng không vì thế mà họ không biểu lộ một sơ suất nào. Đôi khi ánh mắt, nét mặt hay nói nôm na là “thần sắc” sẽ nói lên thực tế tâm trạng.
Vì vậy, để giải mã được cảm xúc của một người trong mối quan hệ thì ngoài kiến thức, kinh nghiệm cũng cần có sự quan sát tinh tế và ít nhiều đòi hỏi độ nhạy cảm của người trong cuộc.
(còn nữa)
HUỲNH VĂN SƠN
Khi cảm xúc vượt khỏi tầm kiểm soát
Cuộc sống hiện đại đầy cạnh tranh, áp lực và thử thách khốc liệt buộc chúng ta phải đối mặt với các chứng bệnh của thời đại là stress, trầm cảm, cáu gắt và dễ nóng giận.
Khi cảm xúc vượt khỏi tầm kiểm soát, bạn không chỉ phá vỡ các mối quan hệ, đánh mất các cơ hội tốt đẹp mà còn gây hại cho sức khỏe. Chính vì lẽ đó, bạn cần phải kiềm chế cảm xúc tiêu cực, nôn nóng của bản thân mình.
Một trong những vấn đề được đa số các bạn trẻ bàn tán rất sôi nổi là “Làm thế nào để làm chủ được cảm xúc?” Thứ nhất, cảm xúc tiêu cực nếu không nhìn nhận đúng bản chất thì không thể tự mất đi. Thứ hai, nếu giấu kín nó trong lòng, đến một lúc nào đó nó sẽ tự bùng cháy. Thứ ba, nếu không biết cách tạm gác lại, cảm xúc tiêu cực sẽ đeo đẳng và hủy hoại chính bản thân mình.
* Truy tìm thủ phạm
Sáng nay, bạn không thể tập trung vào làm việc, nỗi buồn mơ hồ xâm chiếm bạn. Bạn càng cố giấu, càng cố che đậy thì cảm xúc càng ùa về choán hết tâm trí bạn. Như vậy, trốn tránh không phải là cách chế ngự cảm xúc. Bạn giấu đầu này, nó sẽ “lộ” ra đầu khác. Cách tốt nhất để chế ngự cảm xúc là nhìn thẳng vào nó, tìm ra nguyên nhân gây ra nó. Thay vì cứ chìm đắm trong nỗi buồn bạn nên truy tìm thủ phạm xem Ai? chuyện gì? đã khiến cho bạn buồn như thế.
Điều gì xảy ra đối với bạn nếu bạn cứ thể hiện cảm xúc như vậy? Sau khi tự vấn, rất có thể bạn chợt phát hiện ra việc không đạt được học bổng và bị mẹ la nặng lời là nguồn cơn của tâm trạng sáng nay hoặc do bị sếp la mắng ngay đầu giờ đã làm cho bạn mất đi tinh thần làm việc của một ngày mới.
N. T. M., sinh viên một trường đại học tâm sự: “Bạn cũng có thể đối diện với sự bất công, thất bại. Không ít lần bạn phải đối diện với sự bực tức, phẫn nộ trên con đường đi tìm sự công bằng và quyền lợi chính đáng của mình. Nhưng liệu sự phẫn nộ của bạn có hóa giải được vấn đề hay chỉ làm mọi việc tệ thêm?
Muốn vậy, khi đối diện với một tình huống nào đó ngoài ý muốn, bạn cần tìm hiểu và mổ xẻ nó để tìm ra nguyên nhân sâu xa. Và điều đó sẽ giúp bạn bình tĩnh trở lại”. Nếu bạn tìm ra được nguyên nhân rồi thì cảm xúc tiêu cực sẽ bị “cắt đuôi” ngay tại đó và không thể tiếp tục đeo bám bạn trong những công việc khác.
* Giải tỏa cảm xúc tiêu cực
Nếu bạn nhỡ ăn phải thức ăn không còn tươi sống thì chắc hẳn bạn sẽ cảm thấy khó chịu trong bụng phải không? Cũng như vậy, cảm xúc tiêu cực cũng giống như những thức ăn không tiêu hóa được, nếu bạn để càng lâu trong suy nghĩ thì chỉ có hại cho bạn mà thôi, thậm chí bạn còn bị “nhiễm độc” và rất có thể dẫn đến tình trạng rối nhiễu tâm lý. Chính vì thế, nếu cảm thấy cảm xúc dâng tràn thì hãy tìm cách để giải tỏa chúng, điều này sẽ khiến bạn cảm thấy nhẹ nhõm để bắt đầu một công việc mới hay một ngày mới.
* Tìm cách “xả cảm xúc”
Trong cuộc sống, không nhiều thì ít, chúng ta sẽ đối diện với sự mất mát, lạm dụng và tổn thương. Làm sao biến những biến cố thành sức mạnh? Điều này quả thật khó khăn khi chính mình phải đối diện với sự mất mát và sức chịu đựng của con người lại có giới hạn. Vì vậy, hãy chia sẻ cảm xúc mất mát với những người thân yêu, tin cậy của bạn. Nếu không quen nói trực tiếp, bạn có thể dùng điện thoại, mail hoặc viết thư, nhật ký.
Những hình thức ấy sẽ giúp bạn vơi đi gánh nặng trong lòng. Chia sẻ cảm xúc là một cách rất hay để “trút bầu tâm sự” trong lòng, điều này sẽ làm cho bạn cảm thấy nhẹ nhàng hơn, thanh thản hơn vì đã tạo ra một “lối thoát” cho những trăn trở trong tâm trí. Bên cạnh đó, chính sự đồng cảm của bạn bè giúp bạn có niềm tin và cảm thấy bình yên hơn.
Khi gặp một tình huống không mong muốn như thi trượt đại học chẳng hạn, lúc đó bạn sẽ cảm thấy vô cùng thất vọng, bi quan, âu lo, thậm chí mất phương hướng. Làm sao bạn có thể thoát được trạng thái cảm xúc buồn chán ấy? Nếu không có một cái nhìn mở, một tầm nhìn tích cực và đa chiều thì bạn sẽ rất khó vượt qua được trạng thái tâm lý âm tính đó.
Giả sử nếu bạn thất bại trong kỳ thi đại học, quan trọng nhất là bạn hãy bình tâm để đối diện với sự thật và hãy hiểu rằng thất bại là sự trì hoãn của thành công chứ không có nghĩa là bạn hoàn toàn thua cuộc. Bạn nên nhanh chóng vượt qua trạng thái không tốt, chuẩn bị tinh thần để ôn thi tiếp và nuôi dưỡng hi vọng. Qua những phân tích trên, nếu bạn có một cách nhìn tích cực thì điều này sẽ cải thiện được những ý nghĩ và hành động tiêu cực.
Nhìn chung, trong cuộc sống hiện nay, bạn trẻ không thể nào tránh khỏi những tình huống, hoàn cảnh gây cho chúng ta những cảm xúc âm tính, những bực bội và thậm chí là stress, trầm cảm… Do đó, chỉ có một cách duy nhất để thoát khỏi tình trạng ấy là bạn phải tìm cách đối diện với những cảm xúc đó. Mỗi người cần phải trang bị và rèn luyện cho chính mình kỹ thuật giải mã và làm chủ cảm xúc bản thân trong cuộc sống để có được thành công thực sự.
HUỲNH VĂN SƠN
1 nhận xét:
bài viết rất hay
Đăng nhận xét