09: Phút Nhìn Lại Mình
24/7/10
1
nhận xét
Muốn được sống trong yêu thương, bạn hãy học cách yêu thương người khác
Bà quay lại nhìn anh và nói:
- Đã có bao giờ cháu thấy tình yêu người khác dành cho mình là đủ không?
Chàng trai im lặng. Bà biết đây là một câu hỏi khá tế nhị và khó trả lời nên cũng không hỏi thêm nữa. Thay vào đó, bà lại tiếp tục chuyện của mình:
- Khao khát được yêu của cô rất mãnh liệt, ai cũng thế thôi. Nhưng chính điều đó đôi khi lại không hay lắm – nói đúng hơn là không tốt cho chúng ta.
- Sao lại thế cô?
- Cháu có nhận thấy là việc muốn được yêu sẽ khiến cho chúng ta trở nên dễ bị phụ thuộc vào người khác không? Và như thế thì hạnh phúc của ta tự nhiên lại nằm trong tay họ. Cháu không thể nào điều khiển được cái gì không thuộc về mình.
Trước khi hiểu rõ điều này, cô đã từng sống mà không quan tâm đến bản thân cũng như cảm giác của mình lắm. Nhất là trong tình yêu, một thứ tình cảm thiêng liêng và có sức mạnh nhất của con người. Cô cho rằng sẽ có người khác, như chồng cô chẳng hạn, sẽ quan tâm, chăm sóc và yêu cô – thay cho cô.
Cháu thấy đấy, cũng như một số người, cô luôn mong người khác sẽ dành cho mình sự yêu thương. Cô còn tự đặt ra một số các tiêu chuẩn để xác định xem tình cảm mà người ta dành cho cô ở mức độ nào – đã có thể gọi là yêu thương đúng nghĩa hay chưa? Rồi cô bắt đầu so sánh tình yêu của người khác dành cho cô dựa trên tiêu chí đó. Một cách vô thức, cô đã cho điểm và xếp loại tình cảm của họ.
Chàng trai cười tinh nghịch:
- Cháu nghĩ chắc đa số họ không đủ điểm phải không?
- Cháu nói sao? Không đủ ư?
Không nghe chàng trai trả lời, hình như anh đang mãi suy nghĩ về một điều gì khác, bà nói tiếp:
- Thế đấy! Khi cô quá quan tâm đến tình cảm của người khác dành cho mình thì cô lại càng thất vọng và có cảm giác mình không được yêu thương.
Chàng trai như bừng tỉnh. Tại sao trước kia, anh chưa bao giờ nghĩ đến điều này nhỉ? Chậm rãi, anh tiếp lời cô, bằng những ý tưởng mình vừa mới khám phá được:
- Và chính cảm giác không được ai yêu thương đó sẽ khiến chúng ta hành động như một người không biết yêu thương. Chúng ta không muốn đặt tình yêu của mình vào ai cả.
- Đúng vậy! – Người phụ nữ khẳng định – Đã không biết bao lần cô bị tổn thương vì điều này. Rồi cô hoặc lại rút lui khỏi mối quan hệ, hoặc là trở nên khó gần và dễ giận dữ.
Chàng trai lại tiếp lời:
- Và một khi mình đã hành động như một người không biết đến yêu thương thì sẽ cản trở người khác yêu thương mình. Có thể họ cảm thấy khó gần…
Càng suy nghĩ, chàng trai càng thấy rõ được những khía cạnh mới về yêu và được yêu. Có lẽ anh đã bắt đầu có một cái nhìn khác hơn về hai điều này.
- Khi nhận ra sự khác biệt giữa yêu và được yêu thì có lẽ… yêu là cách tốt nhất tránh cho mình bị tổn thương. Đó cũng là một cách yêu thương mình đấy nhỉ?
Nghe anh nói vậy, người vợ bác sĩ mỉm cười. Bà nói tiếp những suy nghĩ của mình:
- Nhận ra được điều đó rồi, cô chẳng còn phải dành nhiều thời gian vào việc cố gắng lấy lòng hay chiếm tình cảm của người khác nữa. Thời gian của cô bây giờ chủ yếu là để yêu thương người khác, quan tâm đến bản thân và chăm sóc gia đình. Sau khi học cách tự tìm niềm vui cho chính mình, cô đã có thể đứng bên cạnh chú để động viên chú, và ngược lại, chú cũng vậy. Cả hai dần dần trở thành chỗ dựa tinh thần cho nhau.
- Cháu có thể được biết về những việc mà cô đã làm cho chú không – như một người bạn tinh thần ấy?
- Có nhiều việc cô chú có thể làm cho nhau lắm. Cô thì… có những lúc thấy chú khắt khe quá mức với bản thân, cô lại nhắc chú phải biết khoan dung với chính mình.
Với cô, cảm giác thoải mái nhất là khi biết chấp nhận bản thân mình, với tất cả những ưu khuyết điểm, rồi từ đó phát huy mặt mạnh, khắc phục dần điểm yếu. Cô cũng cố bảo chú làm thế. Khi chấp nhận được bản thân thì chúng ta càng dễ khoan dung với chính mình và cả với người khác. Và đau khổ cũng không thể dằn vặt mình lâu.
- Vậy chú đã phản ứng như thế nào với điều đó?
- Thường thì chú cũng bắt đầu nhìn ra vấn đề và thay đổi thái độ. Nhưng cũng có lúc, chú không thể nào vượt qua được. Những lúc đó, chú sẽ nói với cô rằng, tốt hơn hết là chú nên đi kiếm một con ngựa rồi cột nó sau lưng mình kéo đi. Như thế biết đâu chú sẽ trút được gánh nặng và nhẹ nhàng hơn. Sau vài câu bông đùa như thế, cô chú cùng cười, hay ít nhất cũng cảm thấy dễ chịu. Tiếng cười giúp tình trạng căng thẳng ít nhiều trở nên khá hơn, nhất là với chú.
Người phụ nữ tỏ vẻ hứng khởi. Khuôn mặt bà trông rất rạng rỡ. Chàng trai nhìn bà và tự nhủ: “Cô ấy tự nhiên thật! Trò chuyện với cô làm mình cũng thấy thoải mái theo”.
Bỗng một ý nghĩ xuất hiện trong đầu, anh hỏi ngay:
- Có khi nào cô nghĩ những điều cô muốn làm sẽ khiến chú không hài lòng, hay thậm chí không thích?
Chợt anh giật mình nhận ra giọng mình hơi xẵng. Không khỏi bối rối, anh khẽ đưa mắt nhìn bà, nhưng hình như bà chẳng để ý. Dù sao anh cũng mong nhận được câu trả lời.
- Dĩ nhiên là có – Người phụ nữ khẳng định – Không thể nào tránh được. Chồng cô cũng từng nói về điều này rồi. Chú đã nói: “Sự thật là người nào cũng có khuynh hướng thực hiện cho được điều họ muốn làm, vậy tại sao lại cố tình tự dối lòng là mình có thể làm khác đi?”.
Chẳng hạn như nếu một người thôi không hành động theo ý muốn của anh ta mà lại làm theo ý một ai đó, không sớm thì muộn, anh ta sẽ trở nên bực bội, thất vọng, mọi nhiệt tình sẽ tan biến hết. Rồi cuối cùng, anh ta sẽ quay sang thể hiện sự chống đối với người kia, dù anh ta có ý thức được điều đó hay không.
Cô biết điều này nghe có vẻ không hay chút nào, nhưng rõ ràng là nó có thể xảy ra. Khi cháu bỏ qua ý muốn bản thân chỉ vì muốn làm hài lòng người khác, chính điều đó sẽ làm cháu thấy khó chịu, đặc biệt trong những trường hợp cháu không ý thức được là mình đang vì người khác. Dù sao thì biết rõ là vì ai, hay vì lý do gì cũng sẽ khiến cháu dễ chấp nhận hơn.
Vì thế, để tránh những điều không hay có thể xảy đến, tốt nhất là chúng ta nên thành thật với chính bản thân mình. Hãy thử nói cho người khác biết về điều cháu muốn, rồi nếu cần, thuyết phục hay thậm chí tranh cãi với họ để cuối cùng có thể tìm ra giải pháp tốt cho cả hai.
- Vậy là, trước tiên, có thể chúng ta vì tôn trọng những mong muốn của mình mà khiến người khác không hài lòng. Nhưng sau đó, ta lại có thể vui vẻ với họ. Còn hơn là lúc đầu cố gắng làm họ vừa lòng nhưng về sau lại thầm trách móc họ.
- Đúng. Và đừng quên một điều quan trọng. Khi cháu cảm thấy vui vẻ vì người khác, hãy thể hiện niềm vui đó ra ngoài cho họ thấy. Cháu có mất gì đâu, họ thấy cháu có thể làm người khác vui thì họ cũng vui không kém.
Bất cứ khi nào chồng cô làm một điều gì đó để khích lệ hay an ủi cô, cô đều bày tỏ cho chú ấy thấy sự biết ơn của mình – theo nhiều cách khác nhau.
Chàng trai thoáng thắc mắc. Anh không cho rằng việc giải quyết những mâu thuẫn về sở thích hay ý muốn lại đơn giản như vậy. Anh hỏi:
- Nhưng chẳng lẽ không bao giờ có xung đột? Nếu có thì cô sẽ giải quyết ra sao?
- Cháu nói đúng. Mâu thuẫn là không tránh được. Nhưng với việc đặt mình ngang hàng với người khác – vì cả hai đều xứng đáng được quan tâm như nhau – cháu sẽ giảm thiểu được những nguyên nhân tiềm ẩn có thể gây ra bất hòa.
Cô chú cũng có những lúc không thích việc làm hay cách cư xử của nhau. Rồi từ đó cảm thấy bấp bênh trong mối quan hệ. Những lúc như thế, mỗi người phải biết mình cần làm gì. Dừng lại và tự hỏi: “Phải tìm cách nào đó để vượt qua cảm giác này. Như thế tốt cho mình hơn, và cũng tốt cho người kia”. Nhờ vậy cô nhận ra rằng, những gì chú làm mà cô cảm thấy khó chịu thì đôi khi lại khiến cho chú vui và hài lòng, ngược lại phía chú cũng vậy. Như vậy thì có gì đáng trách đâu? Thế là cô chú lại vui vẻ với nhau.
Mỗi người, cô và chú, có những cách thể hiện tình yêu bản thân riêng, giữa cái chung của hai người. Và cô cho rằng đáng quý nhất chính là việc người này luôn sẵn sàng ủng hộ, giúp đỡ người kia thực hiện mong muốn của mình. Và tán thưởng khi người kia thành công. Ai cũng thích người kia sống thật với bản thân mình.
- Cô làm cháu nghĩ đến một bài thơ của Elizabeth Barrett Browning. Cô có biết bài này không?
Không đợi người phụ nữ trả lời, chàng trai ngâm nga:
Em yêu anh
Không phải vì anh là ai
Mà vì em được là chính mình – khi ở bên anh.
Người vợ bác sĩ thích thú vỗ tay:
- Chà, hay tuyệt! Với bài thơ này thì không cần đến lời có cánh nào khác nữa!
Nguồn: Phút nhìn lại mình - First News và NXB Tổng hợp TPHCM
Muốn được sống trong yêu thương, hãy biết cách yêu thương người khác (tt)
Vừa thấy anh bước vào cửa, ông bác sĩ đã tươi cười đứng dậy:
- Rất vui gặp lại cháu, anh bạn trẻ! Cô có nói với chú là hôm trước, hai cô cháu đã làm quen và trò chuyện với nhau rồi. Thú vị chứ hả?
- Vâng. Và cháu phải nói cô là một người khá sâu sắc và đặc biệt đấy ạ!
- Cháu nói thế, cô ấy lại “lên mặt” với chú cháu mình bây giờ! – Vị bác sĩ hóm hỉnh – Nhưng dù sao thì cũng phải công nhận là chú cháu mình đã học được nhiều từ cô ấy, phải không nào?
- Vâng. Cô chú thật hạnh phúc!
- Nhưng chắc cô ấy cũng đã kể cho cháu nghe về những lần cô chú giận nhau chứ? – Ông mỉm cười.
- Có ạ! Và cô còn chia sẻ cách giải quyết vấn đề với cháu nữa. Nhờ thế mà cháu biết được mình đã có những thái độ, cử xử không phải với vợ con. Bây giờ thì gia đình cháu đã vui vẻ và hòa thuận với nhau hơn. Nhưng có điều…
Ngập ngừng một chút, chàng trai nói tiếp:
- Nếu mọi người trong gia đình, ai cũng đều quan tâm trước hết đến bản thân mình thì sẽ ra sao... Cháu cứ ngỡ làm như vậy là ích kỷ, và cuối cùng mọi việc sẽ chẳng đi tới đâu.
- Chú sẽ giải thích cho cháu rõ hơn, qua vấn đề hiện tại của cháu. Cháu nói rằng sau lần trò chuyện với vợ chú thì cháu đã bắt đầu thay đổi cách cư xử với vợ con cháu. Vậy cụ thể là cháu thay đổi như thế nào?
- Chẳng hạn như tối qua. Sau một ngày ngập đầu với công việc, cháu rất mong được về nhà để gặp cô ấy và con gái. Cháu nghĩ là cô ấy sẽ đợi cháu về, hỏi thăm công việc trong ngày của cháu. Nói chung là dành cho cháu những lời yêu thương nhẹ nhàng...
Ông đoán:
- Nhưng cô ấy đã không làm vậy?
- Vâng, cháu hoàn toàn chẳng nhận được sự bày tỏ tình cảm nào từ phía cô ấy, không vui mừng, không hỏi xem cháu có mệt không, đã ăn tối chưa… Khi thấy cháu bước vào, cô ấy chỉ mỉm cười với cháu một cái, thế rồi thôi.
Thất vọng quá, cháu liền bỏ ra ngoài đi dạo một lúc. Trong cháu chỉ còn nỗi chán chường. Thật ra, cháu không muốn phản ứng như thế, vì chỉ thêm mệt mỏi. Nhưng nếu cháu cứ ở lại trong nhà và nghĩ về thái độ vừa rồi của cô ấy thì chắc cháu sẽ không khỏi buồn lòng hơn.
Lúc đó, cháu đã tự hỏi: “Bây giờ, mình phải làm gì đây để tâm trạng mình trở nên tốt hơn?”.
Chàng trai im lặng một lúc rồi nói tiếp:
- Khi tự hỏi như thế, cháu chợt nhớ lại rằng, dù cô ấy không nồng nhiệt đón cháu như cháu mong đợi, nhưng hình như, cô ấy có hỏi cháu một câu: “Anh về đấy à, anh yêu?”.
- Cô ấy gọi cháu là “anh yêu” à? – Ông bác sĩ nháy mắt cười tinh nghịch.
- Vâng. Nghĩ đến đó thì cháu cảm thấy khá hơn. Đâu phải lúc nào cô ấy cũng gọi cháu thế đâu. Cháu tự nhủ mình nên về nhà và vui vẻ với cô ấy.
Cuối tuần rồi, cháu có ghé lại nhà thăm cha mẹ. Cháu nghĩ mọi người sẽ vui mừng lắm, nhưng không, họ vẫn xem tivi, đọc báo, không hề thăm hỏi gì cháu. Còn đứa em gái khi thấy cháu về thì chạy ào ra cửa, nhưng chỉ là để níu áo cháu hỏi cuống lên là có nhớ mua truyện tranh về cho nó không...
- Rồi cháu làm gì nữa?
- Cháu nhớ đến lời của vợ chú, rằng sống để yêu bao giờ cũng có ý nghĩa hơn là sống để được yêu. Cho nên cháu đã quyết định sẽ làm một việc gì đó tốt hơn cho mình, bằng cách thể hiện tình yêu với mọi người chứ không đòi hỏi mọi người phải thể hiện tình yêu với mình nữa. Và kết quả nó mang lại thật tuyệt vời.
Việc đầu tiên cháu làm là đi lại chỗ mẹ mình và khẽ ôm lấy bà. Cháu nói với bà là cháu rất hạnh phúc khi về đến nhà. Chắc chú có thể biết phản ứng của bà như thế nào. Mẹ cháu thật sự cảm động, và rồi bà nói với cháu là bà rất tiếc vì không thể quan tâm đến cháu nhiều hơn. Quả thật, trông bà có vẻ đang rất mệt.
Vị bác sĩ tiếp lời:
- Vợ cháu, mẹ cháu và những người khác cũng như cháu thôi, cũng vừa trải qua một ngày làm việc khá nặng nề?
- Vâng. Vậy mà cháu đã không nghĩ đến điều đó sớm. Nhưng cháu mừng là cháu đã hành động đúng. Nếu cháu tiếp tục giữ im lặng thì sự việc chắc sẽ hoàn toàn khác.
Ông giải thích:
- Điều quan trọng nhất của một mối quan hệ tốt, chính là sự cân bằng. Việc làm của cháu thể hiện điều đó. Chúng ta không thể đòi hỏi người khác, nhất là những người thân thiết, kể cả người bạn đời của cháu, lúc nào cũng phải nghĩ đến mình. Hành động đúng của cháu là bỏ qua một bên sự trông đợi của bản thân – rằng mọi người trong gia đình sẽ chào đón mình một cách yêu thương – và bỏ qua cả cái Tôi to lớn trong cháu nữa. Nhờ vậy mà những cảm giác bực dọc hay khổ sở cũng sẽ không còn làm cháu day dứt nữa.
Chắc cháu đã thấy những rắc rối tối qua cũng có thể dễ dàng biến thành một vụ tranh cãi hay một cuộc chiến tranh lạnh. Điều này thường xảy ra nhiều hơn trong mối quan hệ vợ chồng, khi một trong hai người, hay tệ hơn nữa là cả hai, không dành đủ thời gian để quan tâm đến bản thân. Cho nên, để tránh tình trạng đó, tốt nhất, mỗi người nên tự tìm cách quan tâm chính mình đồng thời giúp người kia quan tâm đến bản thân họ.
Nguồn: Phút nhìn lại mình - First News và NXB Tổng hợp TPHCM
1 nhận xét:
hay nhj
Đăng nhận xét