Your Adsense Link 728 X 15

05: Hạnh Phúc Không Khó Tìm - Tập 1

Posted by Kenny Phạm 22/7/10 0 nhận xét
Tác hại của thói ghen tỵ
“Thật sai lầm khi lúc nào ta cũng luôn nghĩ người khác hạnh phúc hơn ta.”
 Yiddish

Rachel chuẩn bị bước sang tuổi 35. Những dịp sinh nhật ở tuổi này thường là lúc mỗi người tự nhìn lại mình. Vâng! Rachel nghĩ, ở độ tuổi này, cô đang có một công việc, một người chồng và một đứa con. Trong khi đó, cô bạn Lana của cô thì hoàn toàn khác. Cô ấy có một sự nghiệp tiến triển nhanh chóng và trở thành một người giàu có, nổi tiếng trong lĩnh vực nghề nghiệp của mình.
Rachel đã tâm sự với tôi: “Khi nhìn thấy Lana như vậy, em có cảm giác như mình là một kẻ thất bại. Em sẽ chẳng bao giờ đạt được những thành công như cô ấy”. Sau đó ít lâu, vợ chồng Rachel mời tôi đến dự bữa tối cùng họ. Ở đấy, tôi gặp Lana. Chúng tôi có dịp ngồi trò chuyện về cuộc sống. Lana nói với tôi: “Chị biết không, nhiều lúc em rất buồn. Ước gì em được như Rachel, có một gia đình đầm ấm và một đứa con kháu khỉnh để em được chăm sóc…”.
Thế đấy! Chúng ta thường cứ mải nhìn vào người khác rồi nghĩ rằng họ hạnh phúc hơn mình rất nhiều, trong khi chúng ta đâu biết rằng, chính họ lại đang rất khao khát những gì mà chúng ta đang có, nhưng nào có được đâu! Thế thì, một thái độ sống đúng đắn nhất là hãy sáng suốt nhận ra mình đang hạnh phúc như thế nào, và hãy tận hưởng những gì mình đang có, hơn là so sánh một cách vô lý với người khác.
Đáng buồn là thói quen “đứng núi này trông núi nọ” khá phổ biến ở nhiều người. Nó khiến chúng ta chỉ nhìn thấy những bất lợi, khó khăn trong hoàn cảnh sống của mình rồi nghiêm trọng hóa chúng lên. Bên cạnh đó, chúng ta cũng hay để tâm đến cái vỏ thuận lợi bề ngoài của người khác rồi tô vẽ thêm, phóng đại thêm. Chúng ta đâu biết khi làm như vậy là đã tự phá hỏng rất nhiều niềm hạnh phúc của chính mình. Tôi đã nghiệm ra rằng, thật là vô ích khi cứ mất công so sánh một cách vô lý hoàn cảnh sống của ta với hoàn cảnh sống của người khác.
Có hai cách để tránh thói quen so sánh vô lý đó. Thứ nhất, phải thường xuyên tự hỏi: “Mình là ai?”. Một người bạn của tôi cứ hay so sánh mình với những nữ tỷ phú. Tôi đã nói cho cô ấy hiểu rằng, chỉ có khoảng 5% phụ nữ ở Mỹ mới có thể đứng trong những người giàu có đó mà thôi, còn lại hầu như phụ nữ trên khắp hành tinh này đều là những người có mức thu nhập và cuộc sống bình thường. Phải tự biết được giá trị của mình thì mới có thể tránh được sự so sánh với bản thân mình. Chính cách nhìn mới mẻ này đã giúp cô ấy tránh được những muộn phiền không đáng có và sống hạnh phúc hơn.
Nhiều người khuyên rằng, phải biết nhìn xuống những người kém may mắn hơn để thấy rằng mình vẫn còn may mắn và hạnh phúc! Lời khuyên đó thật sáng suốt, vì nó giúp ta biết nghĩ đến người khác, đồng cảm với những hoàn cảnh cùng khổ hơn là chỉ biết so sánh một cách vô lý để rồi chẳng bao giờ thỏa mãn được lòng tham của mình.
Có một ông A nọ nói với ông B rằng: “Tôi lấy làm mừng vì tôi không phải lo lắng quá nhiều về việc kiếm tiền như ông C, ông D,…”.  Ông B nghe vậy liền bảo: “Tôi thì ước gì mình có thể kiếm được nhiều tiền như ông C, ông D,…”. Bạn hãy thử đoán xem, người nào có cuộc sống hạnh phúc hơn? Rõ ràng ông A là người cảm thấy mãn nguyện trong cuộc sống hơn.
Cũng vì thói ghen tỵ mà một số người có thái độ ứng xử rất vô lý. Thấy có người mặc một cái áo đẹp giống như mình, họ tỏ vẻ khó chịu. Thấy người khác mua sắm được một vật dụng hay một tiện nghi mới nào, họ cũng săm soi để ý. Rõ ràng, đó là một thói quen ứng xử kỳ quặc! Bỏ tật ghen tỵ đi, chúng ta sẽ biết quan tâm đến những đau khổ của người khác, giúp đỡ họ, tự nguyện tìm cách giảm thiểu hố sâu ngăn cách giữa người với người trong cuộc sống. Và khi sống được như vậy, cuộc đời ta nhất định sẽ có những thay đổi đáng kể và cuộc sống của người khác cũng sẽ được thay đổi đáng kể.
Cách thứ hai để tránh thói quen so sánh với người khác, đó là: chúng ta hãy thành thật khi nói về cuộc sống của chính mình. Nhiều người mắc bệnh than thở mỗi khi có ai đó hỏi về cuộc sống của mình. Nào là “Dạo này tôi khó khăn quá!”, “Không biết rồi sẽ sống làm sao đây?”, “Kiếm tiền khó lắm!”, “Không biết bao giờ cuộc sống mới tạm ổn định”,… Những câu than thở như thế vô tình làm cho ta lúc nào cũng nghĩ hoàn cảnh của người khác luôn thuận lợi hơn mình, và mình thì bao giờ cũng kém may mắn và vất vả hơn người khác. Suy nghĩ đó thật tai hại cho ta trong cảm nhận hạnh phúc cuộc sống. Một số người khác, trái lại, lúc nào cũng tìm cách che đậy, hoặc khoác lác về những điều họ không hề có. Chẳng hạn, khi có ai hỏi về tình hình công việc, họ luôn nói: “Tuyệt vời! Mọi chuyện tốt lắm!”. Cách nói này dùng để tự động viên mình thì không sao, nhưng khi được sử dụng trong giao tiếp xã hội nhiều quá, lâu dần sẽ tạo thành thói quen, làm cho chúng ta chẳng bao giờ dám thú nhận là mình đang gặp khó khăn. Cho nên, khi phải đương đầu với khó khăn, chính thái độ thành thật, chia sẻ với những người mà mình tin tưởng, sẽ khiến chúng ta cảm thấy hạnh phúc hơn. Đừng bao giờ quên rằng, cuộc sống luôn chứa đựng cả thuận lợi và khó khăn, cả hạnh phúc và buồn khổ. Do đó hãy đón nhận nó! Cuộc đời mỗi người như một dòng sông không ngừng chảy, không ngừng biến đổi theo hoàn cảnh và thời gian. Điều kiện thuận lợi không phải lúc nào cũng sẵn có, và hoàn cảnh bất lợi không phải là không thay đổi được. Chúng ta phải hiểu điều đó để có một thái độ sống thích hợp, đừng bao giờ so sánh hay ghen tỵ một cách vô lý với người khác.
Việc đọc tiểu thuyết tình cảm sướt mướt hay những tạp chí lá cải về thời trang, điện ảnh… cũng ảnh hưởng rất tai hại cho chúng ta trong việc tìm kiếm một cuộc sống hạnh phúc. Những mối tình lãng mạn đẹp như mơ, những câu chuyện đồn thổi về các ngôi sao ca nhạc, minh tinh màn bạc, những chuyện thêu dệt về cuộc sống đời tư của họ… làm cho nhiều bạn trẻ lầm tưởng rằng các “ngôi sao” ấy luôn là những người may mắn và hạnh phúc hơn mình. Một số người thường hay so sánh bản thân mình với sự giàu có, nổi tiếng của các “ngôi sao”, để rồi cảm thấy mình sao mà tầm thường, nhỏ bé, bất hạnh đến thế! Lại có những bạn trẻ cố tìm cách bắt chước kiểu tóc, kiểu ăn mặc, dáng đi đứng của “thần tượng” mà không biết rằng, rất nhiều “ngôi sao” cũng mong có được một cuộc sống giản dị, bình yên, cũng khao khát một tình yêu đích thực như bao người bình thường khác.
Tóm lại, thêm một bí quyết nữa để bạn sống hạnh phúc, đó là: Hãy biết quan tâm đến những người bất hạnh hơn mình, luôn ý thức được giá trị của bản thân cùng với những gì mình đang có, thưởng thức cuộc sống của mình và tuyệt đối không bao giờ so sánh một cách vô lý với người khác.
Nguồn: Hạnh phúc không khó tìm   - First News và NXB Tổng hợp TPHCM

Đừng để sự oán hờn gặm nhấm trái tim
“Khi ta căm ghét kẻ thù hay người khác, có nghĩa là ta đang dành cho họ quyền có thể gây cho ta mất ăn mất ngủ, ảnh hưởng đến sức khỏe và hạnh phúc của chúng ta.Kẻ thù thì khoái trá và vẫn bình thường trong khi ta lại vất vả, chết dần chết mòn. Sự bực tức, lòng căm thù của ta làm hại chính ta cả ngày lẫn đêm, chẳng khác gì phải sống trong hỏa ngục.”
 Dale Carnegie

Khi cuộc hôn nhân kéo dài suốt mười bốn năm của tôi chấm dứt, tôi đã đau khổ, tan nát cõi lòng. Đó hoàn toàn không phải là điều tôi muốn lựa chọn. Mọi thứ xung quanh tôi dường như sụp đổ, và trong tôi dâng trào một nỗi uất hận.
Chúng tôi không chỉ sống cùng nhau, mà còn là đồng sở hữu một nhà xuất bản nhỏ. Trong đau khổ và uất hận, có một điều tôi thật sự nhận ra: Tôi không muốn ly hôn, cũng không muốn từ bỏ công việc làm ăn. Suốt sáu tháng đầu sau khi chia tay, chồng tôi cảm thấy trống vắng, nhớ nhung cuộc sống gia đình, còn tôi thì cũng đủ thời gian để bình tĩnh trở lại.
Một ngày nọ, anh ấy đến văn phòng tìm tôi, cùng bàn kế hoạch làm ăn, và chúng tôi lại trở về nhà sống với nhau hạnh phúc như xưa. Kể từ đó, chúng tôi đã tìm ra phương cách để công việc đạt hiệu quả hơn trước rất nhiều. Nhà xuất bản của chúng tôi ngày càng phát triển, được nhiều tác giả nổi tiếng tín nhiệm giao bản thảo. Chúng tôi đã tiếp tục sống hạnh phúc bên nhau dưới một mái nhà cho đến tận bây giờ, khi các con đều đã khôn lớn.
Nhiều người hỏi tôi vì sao tôi có thể tha thứ lỗi lầm cho chồng mình một cách đơn giản như vậy? Trên hết mọi lý do, tôi làm như vậy vì tôi nghĩ đến tương lai các con tôi, nghĩ đến công việc của chúng tôi, chứ không chỉ nghĩ cho riêng mình. Tôi không hề muốn các con tôi phải lớn lên trong cảnh sống đau khổ của mẹ nó. Tôi không muốn các con tôi nhìn thấy cảnh cha mẹ chúng lục đục, mâu thuẫn với nhau. Tuy nhiên, để làm được điều đó, đối với tôi cũng khó khăn vô cùng. Tôi cảm thấy mình bị tổn thương rất nhiều, thậm chí cảm giác này vẫn còn kéo dài nhiều năm sau đó. Thế nhưng tôi biết điều gì là quan trọng đối với tôi trong cuộc sống. Tôi có thể dẹp những cảm giác tổn thương ấy qua một bên, rồi tìm cách vượt lên chúng.
Có lẽ không ai trong chúng ta chưa từng trải qua cảm giác bị tổn thương, đau khổ do những lỗi lầm mà người khác gây ra cho mình. Những vết thương ấy làm chúng ta đau khổ, tiếc nuối, cảm thấy mình bị xúc phạm, bị bỏ rơi, bị thiệt thòi, bị coi thường… Thật không thể nào liệt kê hết những đau khổ mà nhân loại đã phải trải qua. Ngày nào trên thế giới này cũng có những cuộc chiến tranh đẫm máu, những chuyện cướp bóc, hãm hiếp, tham nhũng, những mâu thuẫn, va chạm vì quyền lợi ích kỷ cá nhân... Muốn giải quyết được những vấn nạn này, tất cả mọi người phải cùng nỗ lực rất nhiều. Đó là chưa kể đến việc, muốn hướng tới thế giới hòa bình, xã hội tiến bộ, văn minh, còn có rất nhiều vấn đề liên quan cần phải được xóa bỏ như đói nghèo, bệnh tật, thiên tai…
Tuy nhiên, xét ở khía cạnh hạnh phúc cá nhân, nếu muốn sống hạnh phúc, chỉ có một cách là chúng ta phải biết tha thứ cho những lỗi lầm của người khác. Nếu không, cảm giác bị tổn thương sẽ ngày càng đè nặng trong lòng rồi làm cho chúng ta chết dần chết mòn bởi chính những bực tức, oán hờn do chúng ta tự tạo thêm ra cho mình. Cho nên tha thứ cho người khác không chỉ đơn giản là ta biết nghĩ đến người khác, mà trước hết là chúng ta nghĩ đến chính mình, nghĩ đến sự an lành của tâm hồn mình.
Theo lẽ tự nhiên, mọi vết thương trên cơ thể chúng ta đều có khả năng lành lặn trở lại. Một cành cây bị cắt đi sẽ lại mọc lên những chồi non xanh tươi. Còn vết thương trong tâm hồn, lẽ nào chúng ta cứ để nó mãi đau đớn âm ỉ? Gặm nhấm nỗi đau của bản thân tức là chúng ta đang ngoan cố chống lại quá trình lành lặn của vết thương. Tại sao chúng ta cứ phải hành hạ mình như thế? Tha thứ cho người khác chính là giải thoát cho bản thân, là cách tốt nhất để có một cuộc sống nhẹ nhàng, thanh thản.
Tôi biết có một người phụ nữ nhất quyết đòi tòa án cho chị được ly hôn với chồng. Mặc cho những lời khuyên và những lý do hòa giải được đưa ra, chị vẫn khăng khăng giữ ý định đó, vì chị không thể nào chấp nhận nổi đứa con ngoài giá thú của chồng mình với một người phụ nữ trẻ đẹp khác. Bạn thử đoán xem, sau khi tòa xử cho ly hôn, ai sẽ là người chịu nhiều thiệt thòi hơn? Chính là người phụ nữ và bốn đứa con nhỏ của chị ta. Giờ đây, chị phải sống vò võ một mình, nuôi bốn đứa con. Bốn đứa con chị phải lớn lên trong sự thiếu vắng tình yêu thương của người cha. Thế còn chồng chị thì sao? Anh ta đã kết hôn cùng người phụ nữ trẻ đẹp kia và có một cuộc sống mới rất hạnh phúc.
Có rất nhiều lời khuyên rằng chúng ta phải biết tha thứ cho người khác. Dù đây là điều rất khó thực hiện, tôi vẫn tin rằng lòng bao dung là một điều thiết yếu giúp chúng ta sống hạnh phúc. Bất cứ khi nào bạn cảm thấy khó tha thứ cho người khác, hãy bình tĩnh suy nghĩ xem điều gì là quan trọng hơn đối với cuộc sống của bạn. Và khi bạn biết hướng đến điều có ý nghĩa quan trọng đó, lỗi lầm của người khác sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn. Chẳng hạn, khi cảm thấy khó mà bỏ qua sai trái của người bạn đời, bạn bè, cấp trên, hay một người nào đó bỗng nhiên xúc phạm bạn, bạn hãy thử nghĩ đến một điều gì khác - một mối quan hệ khác, một công việc mới, một ước mơ và hướng tới nó. Bất cứ khi nào bạn hướng đến những điều cụ thể như vậy, tự nhiên bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc, nhẹ nhõm hơn rất nhiều. Và có thể bạn chẳng còn phải bận tâm đến chuyện mình có nên tha thứ hay không nữa, vì lúc này xem như bạn đã quên rồi, đã tha thứ tự khi nào rồi, những gì đã qua cũng trở thành “chuyện xa xưa” rồi! Bạn cứ tự hỏi mình xem, chắc gì trong thời gian hai, ba năm nữa, mình còn nhớ nổi những chuyện bực mình này. Cuộc đời còn biết bao điều thú vị khác đáng để bạn quan tâm hơn!
Tóm lại, bạn có tha thứ cho người khác hay không là do thái độ, lựa chọn của chính bạn. Tha thứ không chỉ đơn giản là vấn đề cảm nhận, mà còn là vấn đề của sự suy xét khôn ngoan. Nó không chỉ là vấn đề của con tim, mà còn là của khối óc. Nếu bạn biết tha thứ, nghĩa là bạn đã trưởng thành hơn một bậc, bởi trên hết, tha thứ chính là tự đem lại sự an lành, hạnh phúc cho tâm hồn mình.
Nguồn: Hạnh phúc không khó tìm   - First News và NXB Tổng hợp TPHCM

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Popular Posts

Blogger news

About




Powered by  MyPagerank.Net

Academics Blogs
Bookmark and Share

Blog Archive