07: Hạnh Phúc Không Khó Tìm - Tập 1
22/7/10
0
nhận xét
Liệu bạn có đòi hỏi người khác một cách vô lý?
Cứ như thể vợ tôi luôn luôn trông mong một điều gì đó tuyệt vời hơn và có vẻ như những gì mà tôi đã làm cho cô ấy chẳng có một ý nghĩa nào cả!”.
Người vợ ấy đã mong đợi người khác phải đáp ứng cho mình quá nhiều thứ. Thậm chí, những điều cô ấy mong đợi cũng không rõ ràng, cụ thể, nên dù người chồng đã cố gắng làm nhiều điều vì cô, cô vẫn luôn cảm thấy thất vọng. Chính mong muốn mơ hồ, cao xa đó đã giết chết những niềm hạnh phúc trong hiện tại mà lẽ ra người vợ có thể cảm nhận được. Thậm chí, nếu cô có nói thẳng những gì mình muốn với người chồng thì sau khi đã được đáp ứng, cũng chưa chắc cô đã cảm thấy hạnh phúc. Chúng ta cứ mải mê nghĩ tới những thứ ở tận đâu đâu, mà quên đi việc thưởng thức những điều bất ngờ, thú vị đang đến ở hiện tại. Rất nhiều khi, chúng ta không hạnh phúc chỉ vì không biết cảm ơn những gì mình đang có, không nhận ra mình may mắn như thế nào qua những gì mình đã nhận được từ cuộc sống.
Có thể bạn sẽ nói rằng, chúng ta sống thì phải có quyền đòi hỏi. Đúng, chúng ta có quyền đòi hỏi, nhưng nếu thiếu sự thấu hiểu thì chúng ta sẽ giống như đứa trẻ vòi vĩnh cha mẹ khi vào siêu thị. Những đứa trẻ chưa biết suy nghĩ nên nhiều khi đòi hỏi những điều nằm ngoài khả năng đáp ứng của cha mẹ. Còn chúng ta là những người đã trưởng thành, chúng ta đủ nhận thức để hiểu rằng trong cuộc sống, không phải những gì mình mong muốn đều có thể thực hiện được. Chúng ta không thể đòi hỏi người khác phải đáp ứng mọi ý thích của mình được. Một thái độ lúc nào cũng chỉ biết đòi hỏi như vậy là hết sức vô lý! Nó làm cho chúng ta trở nên vô tâm, ích kỷ, hẹp hòi, và không thể cảm nhận được thế nào là hạnh phúc cuộc sống.
Vậy nên, muốn sống hạnh phúc, chúng ta cần biết điều chỉnh bản thân mình. Thay vì cứ đòi hỏi người khác phải đáp ứng những mong muốn vô lý của mình, bạn hãy tự điều chỉnh và tìm cách đáp ứng những mong muốn của người khác. Một cô gái đẹp chỉ biết đòi hỏi người yêu tặng những món quà thời thượng, đắt tiền, hợp sở thích thì chắc chắn cô sẽ chẳng bao giờ có được cảm giác hạnh phúc. Vì mối quan hệ này sớm hay muộn cũng khó tránh khỏi một cuộc chia tay . Nếu cô gái biết điều chỉnh ý thích của bản thân, biết quan tâm một chút đến mong muốn của người yêu thì chẳng những cô cảm thấy mãn nguyện mà tình yêu của họ cũng sẽ đi đến bến bờ hạnh phúc!
Có một cách nữa để bạn tự điều chỉnh những mong muốn vô lý của mình, đó là: thay vì cứ trông chờ người khác làm việc này, việc kia cho mình, bạn hãy tự bắt tay vào thực hiện những điều bạn mong muốn. Điều làm ta hạnh phúc nhất chính là điều ta thật sự mong muốn và có thể tự làm lấy. Một khi bạn dồn tất cả tâm huyết vào một việc gì đó, bạn sẽ tràn đầy cảm hứng để thực hiện nó. Mọi hành động của bạn phải dựa trên những giá trị sâu xa, đích thực mà bạn theo đuổi trong cuộc sống. Thay vì đòi hỏi các đồng nghiệp phải nhớ đến sinh nhật của mình, tại sao bạn lại không chủ động tổ chức bữa tiệc sinh nhật nho nhỏ và mời mọi người trong công ty cùng chung vui? Hành động đó của bạn dựa trên giá trị sâu xa là mang đến một không khí vui vẻ, đầy kỷ niệm cho tất cả mọi người, đồng thời, tăng thêm tình đoàn kết, gắn bó giữa các nhân viên trong công ty…
Tóm lại, bất cứ khi nào cảm thấy thất vọng vì người khác đã không làm bạn hài lòng, thì trước hết, bạn phải nghĩ rằng, tốt nhất là mình không nên đòi hỏi người khác. Sau đó, bạn hãy suy nghĩ về những gì mình thật sự mong muốn trong cuộc đời. Và thay vì thụ động chờ đợi người khác làm thay, bạn hãy bắt tay vào thực hiện ngay mong muốn của mình. Và rồi, hạnh phúc cuộc đời bạn sẽ được nhân lên gấp bội, nếu bạn biết quan tâm đến những mong muốn chính đáng của người khác.
Nguồn: Hạnh phúc không khó tìm - First News và NXB Tổng hợp TPHCM
Bạn có thường đau khổ vì hối tiếc?
“Phần lớn những sầu khổ đều có nguyên nhân từ chính chúng ta.”
Sophocles
Tôi chỉ mới hiểu ra điều này vào một ngày cách đây không lâu, lúc tôi có trong tay một món tiền lớn. Trong khi đó, chồng tôi lại cần mua một chiếc xe hơi mới. Chiếc xe cũ của anh đã mua cách đây mười năm. Thế là chúng tôi phải bàn bạc cùng nhau xem có nên mang hết số tiền mà mình dành dụm lâu nay để mua xe mới không? Hoặc là chúng tôi sẽ gửi ngân hàng để có một khoản tiền lãi tiêu xài mỗi tháng và vẫn tiếp tục lạch cạch với chiếc xe cũ thường xuyên phải ra tiệm sửa? Sau một hồi bàn bạc, chúng tôi bắt đầu to tiếng với nhau. Càng lúc, không khí càng nặng nề. Thật ra, tuy không ai nói nhưng trong thâm tâm, chúng tôi đều hiểu rằng mình muốn có luôn cả hai: xe mới và tiền gửi ngân hàng. Quả là thật khó để thỏa mãn được lòng ham muốn của chúng ta!
Sau đó, tình cờ tôi đọc được cuốn sách The Paradox of Choice (Nghịch lý của sự chọn lựa) của tác giả Barry Schwartz. Ông chỉ ra rằng, mỗi quyết định của chúng ta không chỉ là chọn lấy một điều gì đó, mà còn là sự lựa chọn để từ bỏ một điều khác. Nói cách khác, đó là sự cân bằng giữa các yếu tố khác nhau để đạt được sự kết hợp hài hòa tốt nhất. Các nhà kinh tế gọi đây là giá trị trao đổi, nghĩa là cái giá mà chúng ta phải trả để đạt được một lợi ích nào đó. Mỗi một quyết định lựa chọn mà chúng ta đưa ra đều có một cái giá tương ứng với nó. Đi nghỉ mát ở đảo Hawaii với những giây phút thư giãn tuyệt vời trên bãi cát vàng trong tiếng sóng biển vỗ về cũng có nghĩa là phải xa rời cuộc sống sôi động, tiện nghi ở New York… Ở lại công ty một chút để giải quyết xong phần việc còn dang dở cũng có nghĩa là bạn phải bỏ mất một khoảng thời gian hạnh phúc bên bữa cơm tối cùng gia đình. Một khi chúng ta nhận thức được rằng, bất cứ một quyết định nào đó của mình đều đi kèm với một cái giá phải trả, thì chúng ta sẽ không còn cảm thấy hối tiếc vì đã lựa chọn. Chúng ta sẽ nhìn thấy thành quả mà mình gặt hái được và hiểu cái giá mình phải trả cho thành quả đó. Chúng ta sẽ không còn ân hận hay luyến tiếc rằng tại sao ta lại không có thêm nhiều thứ khác nữa. Vì giả sử nếu ta đạt được những thứ khác đó thì ta lại không thể có được thành quả hiện tại!
Schwartz cũng chỉ ra cho chúng ta thấy, khi số lượng các giải pháp càng tăng lên, chúng ta càng dễ cảm thấy giải pháp mà mình quyết định lựa chọn là tệ hại! Ông giải thích, khi số lượng các giải pháp tăng lên, thì thời gian và sự nỗ lực tư duy để đưa ra quyết định lựa chọn cũng tăng lên, khiến chúng ta dễ rơi vào mệt mỏi hơn. Bên cạnh đó, kỳ vọng vào kết quả tối ưu càng cao thì chúng ta lại càng tiếc nuối những giải pháp không được áp dụng còn lại. Thế cho nên, đôi khi giải pháp mà chúng ta tin tưởng là tốt nhất lại chính là giải pháp dễ khiến chúng ta thất vọng nhất. Trong thực tế, tôi tin rằng những người sống ở các nước phát triển và giàu có sẽ cảm nhận hạnh phúc ở một mức độ thấp hơn so với những người sống tại các nước chậm phát triển. Đơn giản là vì ở các nước phát triển, cơ hội để người ta chọn lựa là quá nhiều!
Như vậy, muốn sống hạnh phúc, chúng ta phải đưa ra quyết định lựa chọn như thế nào? Thứ nhất, Schwartz khuyên, chúng ta đừng cố lựa chọn một giải pháp hoàn hảo, mà hãy lựa chọn những giải pháp đủ tốt là được rồi! Pam, người hàng xóm của tôi, đã học được kinh nghiệm này khi cô thi tuyển vào một công ty truyền thông. Cô đã mất mấy tháng trời chọn lựa những công ty tốt nhất để quyết định nộp đơn. Thế nhưng, chỉ sau sáu tháng, cô nhận ra rằng, mỗi công ty truyền thông đều có một lợi thế và chế độ đãi ngộ riêng, nên khó mà có thể cân đo đong đếm theo cùng một tiêu chí. Giá như cô sớm nhận ra điều này thì cô đã không bỏ phí một khoảng thời gian dài đủ để rèn luyện thêm những kỹ năng cần thiết và học hỏi kinh nghiệm trước khi tham gia thi tuyển.
Thứ hai, chúng ta cần hiểu cái giá phải trả cho mỗi quyết định của mình. Khi tôi quyết định mua chiếc xe hơi, có nghĩa là tôi không còn tiền để gửi ngân hàng. Quyết định đó của tôi không phải là vô căn cứ vì thực tế cuộc sống đòi hỏi tôi phải quyết định như vậy. Nhận thức được vấn đề, tôi không còn tự oán trách hay tiếc nuối về sự lựa chọn của mình nữa. Tôi cứ đi làm bằng chiếc xe hơi mới để kiếm tiền rồi sẽ gửi ngân hàng sau.
Thứ ba, sau khi đã quyết định lựa chọn một giải pháp nào rồi thì không nên nghĩ đến những giải pháp khác. Điều này rất quan trọng, giúp chúng ta xác định được mục tiêu một cách rõ ràng. Thường thì cảm giác tiếc nuối sẽ chỉ khiến chúng ta dằn vặt bản thân vì cứ nghĩ rằng, biết đâu giải pháp khác sẽ tốt hơn cái chúng ta đang chọn lựa. Do đó, một khi đã quyết định lựa chọn một điều gì đó rồi, ta hãy cố gắng phát hiện mọi khía cạnh tốt nhất của nó, rồi tác động để nó ngày càng tốt hơn lên. Làm như vậy, ta sẽ ngày càng vững tin và mãn nguyện hơn về những lựa chọn của mình.
Sau khi quyết định mua xe mới, tôi nghĩ đến niềm vui được sở hữu một tài sản giá trị. Những ngày mưa, tôi sẽ không còn phải bực bội vì bị hỏng xe giữa đường. Tôi nghĩ đến cảm giác an tâm thoải mái khi mỗi ngày đi về trên chiếc xe mới. Tôi nghĩ đến sự an toàn của bản thân tôi và của biết bao người khác trên đường phố. Tất cả những cảm giác hạnh phúc ấy sẽ giúp tôi làm việc hiệu quả hơn rất nhiều, và chẳng bao lâu, tôi sẽ lại có tiền để gửi ngân hàng. Bạn thấy đó, khi nghĩ như vậy, cảm giác tiếc nuối trong tôi đã hoàn toàn tan biến.
Và điều cuối cùng, Schwartz lưu ý chúng ta rằng, cuộc sống thật phức tạp, mọi sự vật, sự việc đều có liên quan với nhau, đều là nguyên nhân và hệ quả của nhau. Vì thế, mỗi quyết định chúng ta đưa ra đều có khả năng làm thay đổi cuộc đời ta đến không ngờ. Càng trưởng thành, chúng ta càng nghiệm ra rằng, những quyết định ấy rất nhiều lần đã tạo nên những bước ngoặt cho cả cuộc đời mình.
Nguồn: Hạnh phúc không khó tìm - First News và NXB Tổng hợp TPHCM
0 nhận xét:
Đăng nhận xét