Your Adsense Link 728 X 15

Trưởng thành từ hy vọng - kỳ 5

Posted by Kenny Phạm 8/4/12 0 nhận xét
Kỷ niệm xa xưa nhất của tôi về mẹ tôi là sự vắng mặt của bà. Cái ngôi nhà tường sơn trắng đứng im lìm. Mặt trời treo trên bầu trời xanh không một đám mây. Bên kia bãi cỏ màu xanh là con đường, bên kia con đường là cánh đồng lớn đầy gốc rạ đã cày xới.
Không một dây giăng hay hàng rào, cũng không một mương rãnh nào phân cách chúng. Về sau này, dãy cỏ bị xén gợi cho tôi nhớ lại thung lũng San Joaquin, vùng đất trũng sâu nơi có nhiều trang trại, đổ dốc xuống phía sau California giống như chỗ hõm nơi xương sống của người đàn ông đang nằm.
Tôi không phải là một em bé, mặc dù tôi chỉ mới lớn lên thành một thằng nhóc. Phải có người chăm sóc cho tôi. Tuy nhiên sự việc không phải như thế. Nếu như ai bảo tôi nói tại sao tôi lại ở đây, tôi không nhớ. Tôi chỉ nhớ rằng tôi đành phải chờ đợi.
“Mẹ sẽ trở lại tìm con,” mẹ tôi đã nói như thế, vừa quỳ xuống hôn tôi. “Mẹ sẽ trở lại với con. Andy, mẹ hứa. Mẹ sẽ trở lại.”
Nếu như tôi đã trả lời những câu hỏi như thế tại trường, nếu như tôi nói ra sự thật và chân thực như lòng tôi mong muốn, tôi phải nói gì đây? Tôi bắt đầu từ đâu? Mọi điều nên bắt đầu từ mẹ tôi.
Mẹ lớn lên tại đồng bằng phía đông Colorado, nơi đây là miền đất cuối cùng của Trung Tây nước Mỹ tiếp giáp dãy Rocky Mountains. Tại ngôi nhà trệt bụi bặm nằm gần Colorado Springs, Mẹ biết đến ngọn Pikes Peak – mà đỉnh của nó mang tên Zebulon Pike – tên một người đàn ông da trắng, sau khi phát hiện ra đỉnh núi đã cố chinh phục nó nhiều lần nhưng thất bại và mất tích từ đó. Gần một thế kỷ về trước, Katherine Lee Bates, một cô giáo người Anh đến từ trường Wellesley College, đã dùng xe ngựa lên đến đỉnh, bảo rằng cô đã trông thấy Cổng Trời và viết quyển Nước Mỹ xinh đẹp khi cô trở về thị trấn.
Gia đình của mẹ tôi nối tiếp từ những trang trại “đất đai khô cằn” dưới bóng của đỉnh núi, nơi đây sự sống tùy thuộc vào những trận mưa ngắn hạn và sự thông minh kiên cường của con người. Gia đình tôi khá giả nhất là khi ông cố ngoại tôi nhận được một mảnh đất cằn cỗi mà sau đó ông để gia tài cho bà ngoại tôi, Katherine Reese. Bà tôi kết hôn với một người đàn ông lớn hơn bà một thế hệ, rồi ông tử trận vào Thế chiến Thứ nhất.
Ông để lại cho bà hai đứa con: mẹ tôi, lúc này vừa tròn sáu tuổi, và cậu tôi khoảng ba tuổi. Cơ quan phúc lợi trẻ em tại địa phương đề nghị đưa bọn trẻ vào trại trẻ. Trong thất vọng, bà lập gia đình lần thứ hai với một người đàn ông, ông này ngay sau đó bán miếng đất của bà để đầu tư vào dầu hỏa. Khi việc làm ăn thất bại, người chồng thứ hai của bà Katherine rời bỏ gia đình. Bà ngoại tôi đã hai lần sai lầm trong cuộc đời, điều đó mang đến cho bà đau khổ nhiều hơn là hạnh phúc. Con gái và con trai của bà ra vào trại trẻ trong khi bà đã làm hết sức mình để giữ cho được tuổi thơ của hai con.
Khi mẹ tôi, Hope, được mười sáu tuổi, mẹ gặp Wade – một người lính hai mươi mốt tuổi đóng quân ở một trong những căn cứ quân sự gần đó. Theo lời của bà Katherine, Wade là một người đàn ông thô bạo, yêu mẹ tôi một cách ích kỷ.
Mặc dù trái với ý bà, Mẹ vẫn giao du với Wade gần một năm. Mẹ bỏ học vào giữa năm lớp Mười. Sau cùng, với một hành vi đầy thách thức, Mẹ thành hôn với Wade tại phòng đăng ký kết hôn của thị trấn, một tuần sau khi mẹ được mười bảy tuổi.
Sau khi giải ngũ, Wade thuyết phục mẹ tôi rằng họ có thể đi khắp thế giới với chiếc xe Chevrolet có kéo toa xe phía sau. Hai người rời Colorado, trong nhiều tháng họ đi du lịch bụi nhiều nơi trong nước Mỹ. Khi đến Missouri, họ gọi cho bà Katherine để báo tin tôi đã ra đời, một baby có mái tóc vàng hoe có vẻ giống Wade hơn là giống mẹ. Họ nói rất vui và ở lại nơi nào mà họ thích, ban đầu họ dùng số tiền tiết kiệm mà bà Katherine cho, sau đó là những tờ séc giả. Khi đến Bakersfield, California, họ bị bắt do lừa đảo ngân hàng. ở tuổi hai mươi, họ bị giam giữ trong nhà tù. Tôi chưa đầy bốn tuổi, được gửi về sống với bà ngoại, lúc đó bà đã chuyển về Chicago.
Giống như bà ngoại Katherine trước kia, mẹ Hope đã chọn lầm người. Sau khi ra khỏi nhà tù, Mẹ định cư tại Los Angeles, vẫn để tôi sống với Bà ở Chicago, không trở về với cha tôi và đòi ly dị. Trên băng ghế trong công viên, Wade đồng ý ly dị, nhưng ra điều kiện: Nếu như mẹ tôi kiên quyết bắt tôi, không để bà Katherine nuôi nữa, Wade tuyên bố thẳng thừng hằng tháng chỉ sẽ đưa mẹ một số tiền nho nhỏ để nuôi tôi.
Ngoài số tiền đó ra không có một số tiền trợ cấp nào khác. Hai người không có bất cứ tài sản nào để phân chia. Wade tuyên bố sự thỏa thuận giữa cha và mẹ là sự thỏa thuận riêng tư, không có sự can thiệp hoặc cưỡng chế của tòa án. Nếu như người vợ trẻ khước từ lời đề nghị của ông, nếu như bà yêu cầu nhiều hơn, nếu như bà nhờ luật pháp can thiệp, Wade nhắc nhở bà, có hay không có phép của luật pháp, ông cũng sẽ bắt con.
Qua kinh nghiệm của bà ngoại, mẹ tôi hiểu rằng người phụ nữ có thể dễ dàng mất con như thế nào. Mẹ đồng ý với điều kiện của Wade, và ngược lại, cha từ bỏ mọi yêu sách liên quan đến tôi. Thế là mẹ tôi giữ lấy đứa con mình yêu thương và tách khỏi người đàn ông mà mình khinh bỉ. Tuy nhiên ngay khi Wade đã ra đi, mẹ tôi vẫn luôn lo sợ mất tôi. “Con hãy coi chừng,” mẹ dặn tôi. “Có thể có người đến bắt con đi".

“Đã đến giờ dọn dẹp gọn đồ đạc,” bà Gordie gọi to át cả tiếng ồn của chiếc tivi nằm đầu kia phòng khách. Nằm trên sàn nhà gần ghế xô-pha, tôi ngước nhìn lên, nhận ra gian phòng đã tối sầm. “Bà cháu bảo bà sẽ đến đây lúc sáu giờ mười lăm.
Cháu không định cho bà chờ đấy chứ?” Trên đầu gối của tôi là món đồ chơi LEGO mà bà Gordie và chồng đã tặng tôi như là món quà sớm nhân dịp lễ Giáng sinh và một số khủng long bằng plastic, ngang bụng có mang nhãn hiệu SINCLAIR OIL – thứ mà bà Kate của tôi thường để trong túi xách của bà và lôi ra cho tôi mỗi khi bà đi làm về.
Dáng bà Gordie xuất hiện trên lối vào nhà bếp, “Nào, nhanh lên cháu yêu.” Bà nhìn đồng hồ để trên nóc tivi. “Bà cháu đến ngay bây giờ. Cho đồ đạc vào ba lô đi. Học mẫu giáo có nghĩa học chơi, đúng không?” Bà chỉ tay đến chỗ mớ viết chì bị gặm nham nhở và các chữ cái in rô-nê-ô mà tôi đã lôi ra và quăng bừa bãi bên cạnh cửa ra vào. Tôi rùn vai trước cái đám lộn xộn và nhìn bà Gordie biến trở lại trong nhà bếp, để cho chồng ở lại trông chừng tôi.
“Tháng Hai sắp tới là sinh nhật cháu. Sáu tuổi có nghĩa cháu đã lớn rồi đấy. Một trong những đứa lớn nhất lớp.” Bên kia cửa bà Gordie la to trong khi tôi bắt đầu miễn cưỡng tháo rời từng bộ phận bộ đồ chơi LEGO. Do biết tôi quá nên bà la to một lần nữa để hối thúc tôi. “Nhưng đến trước ngày sinh nhật của cháu, cháu cũng biết, có thể còn những món quà khác cho ngày lễ Giáng sinh.”
Gia đình Gordie sống bên kia đường nhà bà tôi, nếu như tôi nhớ không lầm. Mỗi buổi xế trưa, khi xe buýt của trường thả tôi xuống cuối khu nhà, bà hoặc ông Gordie – đôi khi cả hai – luôn đứng sẵn ở đấy, kiên nhẫn chờ đợi tôi.
Ông Gordie nghiêng mình khỏi ghế xô-pha để xem tôi có làm theo lời vợ ông nói hay không. Dưới chân tôi, bức tường đồ chơi LEGO đã được tháo rời, những viên gạch của nó bị gỡ ra thành mảnh nhỏ có thể xếp gọn vào hộp giày đặt ở phòng treo áo khoác cạnh cửa ra vào. Những con khủng long kích thước bằng cái túi áo vẫn còn nguyên. Tôi lén liếc nhìn ông Gordie, ông vẫn theo dõi sự chú tâm của tôi... Một nụ cười lướt qua khuôn mặt của ông. Ông ngả người lên ghế xô-pha và mở tivi xem chương trình xế chiều.
“Cháu có muốn uống phần xô-đa còn lại không?” Ông ngước mắt nhìn lên và hỏi, vẫn ngồi yên trên ghế xô-pha. Bàn tay ông đưa lên khỏi tay dựa, lắc lắc cái chai RC COLA còn lại phân nửa đoạn đưa lên môi. Tôi nắm lấy, nhưng ông giật lại từ tay tôi. Tôi giật lại, thế là ông cười to. Khi tôi giật đến lần thứ ba, ông bỏ cuộc. “Đừng làm đổ nhé, nếu không cả hai chúng ta cùng bị trừng phạt đấy, ta có thể báo trước như thế.” Sau khi dùng hai tay nắm chắc chai xô-đa, tôi ghì mạnh đáy chai xuống tấm thảm dơ bẩn nằm giữa ghế xô-pha và tôi.
Căn hộ của chúng tôi tại Lincoln Park nằm ngay phía Bắc khu phố chính Chicago, vài chiếc xe lửa từ Loop đến dừng lại tại đó. Bà tôi làm thư ký cho hãng Sinclair Oil tại Loop. Vào buổi chiều, bà cố làm cho xong việc trước năm giờ, đôi khi bỏ ăn trưa cho kịp giờ. Vào mùa Hè, trên đường về nhà, lợi dụng lúc trời còn sáng, có khi bà đi mua sắm chút đỉnh.
Nhưng vào mùa Đông mặt trời lặn sớm, bà đi thẳng về nhà, không ưa đi một mình vào buổi tối. Bà Gordie thường chế nhạo bà về chuyện đó. “Ối. Trời ơi, Katherine, sống thoải mái một chút đi! Ai nhồi nhét vào con người tâm hồn già cỗi, âu lo thế? Cô bao nhiêu tuổi rồi? Ba bảy, hay ba tám?”
Bà tôi lắc lắc đầu, không né tránh trước câu hỏi tế nhị đó, bà trả lời nho nhỏ, “Tôi à, bốn mươi ba.”
Vào cuối những năm sáu mươi, khi bà tôi và tôi đến đây, sự phồn thịnh vùng phụ cận của Lincoln Park bắt đầu xuống dốc. Những dãy nhà gạch đỏ, nơi mà chúng tôi và gia đình Gordie sống, đã bị phân chia, rồi lại phân chia, thành những ngôi nhà tập thể, nơi đó cả nửa tá gia đình chen chúc nhau sống trong khoảng không gian mà trước kia trong những năm thịnh vượng chỉ một gia đình sinh sống.
ANDREW BRIDGE

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Popular Posts