Your Adsense Link 728 X 15

Phần 09: Chuyện của cựu "Hoa hậu nhà thổ"

Posted by Kenny Phạm 23/6/10 0 nhận xét
Từng hành nghề khắp các khu đèn đỏ, cuộc đời của Pornpit Puckmai, “hoa hậu nhà thổ” ở Chiang Mai, đã trải qua biết bao nhiêu sóng gió nhưng Pornpit đã vượt qua nghịch cảnh và trở thành một trong những người đồng hành, giúp đỡ những cô gái từng là đồng nghiệp của mình.
Nhiều người Thái còn biết đến Pornpit như là một nhà hoạt động xã hội nổi tiếng nhất vương quốc này.
Pornpit Puckmai, trưởng văn phòng của tổ chức Empower tại Chiang Mai, trông vẫn khá xinh và rất vui tính khi tiếp xúc với chúng tôi. “Từng nếm trải những khổ cực, tủi nhục và bất công của nghề kỹ nữ nên bây giờ tôi muốn được chia sẻ, hỗ trợ cho các cô gái bất hạnh” -  Pornpit thổ lộ. Pornpit ra đời trong một trong gia đình nghèo, đông anh em ở khu ổ chuột của thành phố du lịch Chiang Mai, tuổi thơ của chị gắn liền với những ngày đi làm thuê cùng mẹ ở khắp phố xá Chiang Mai sau giờ học. Vào thời điểm này, ở Thái Lan đã bắt đầu bùng nổ “công nghệ tình dục”, lôi kéo nhiều cô gái trẻ vào nghề bán thân mua vui cho thiên hạ. Học xong trung học nhưng không thể học tiếp đại học vì gia đình quá khó khăn, Pornpit còn phải chia tay với mối tình đầu, chấp nhận làm sex worker để lo toan cho gia đình.
Theo Pornpit, hầu hết những cô gái trẻ ở Thái khi lọt guồng máy của “công nghệ tình dục” đều không khỏi ngỡ ngàng đến ê chề vì bị bọn chủ nhân các nhà thổ, hộp đêm bóc lột triệt để dù họ đều biết trước những nỗi đắng cay, nhục nhã của nghề bán xác thân. Đã thế, chẳng có ai quan tâm, bảo vệ quyền lợi thật sự cho họ. “Đem thân xác cho thiên hạ dày vò mà lúc nào cũng phải trang điểm lộng lẫy, nở nụ cười trên môi - Pornpit bảo - Thật kinh khủng khi chúng tôi chỉ là một cái máy, một con búp bê, tâm hồn luôn bị đánh cắp…”. Nỗi tủi nhục ấy cứ đến với Pornpit mỗi khi cô ngồi trong lồng kính, được đánh số thứ tự cho khách mua dâm chọn lựa như một món hàng.
Ngoài 40% được hưởng từ số tiền chi ra của khách, các cô phải chấp nhận những luật “ngầm” đầy khắc nghiệt của thế giới nhà thổ, chẳng hạn các khoản phạt đi trễ, giao tiếp với khách kém, rồi tiền xếp số thứ tự, tiền ưu tiên đi khách… nộp thêm cho giới chủ. Cách đây ít lâu, đã từng có một cô gái bán dâm ổ khu phố đèn đỏ bị xe tải cán chết trên đường trở về nhà. Những người trong cuộc biết rất rõ đó là sự trừng trị của giới chủ dành cho người dám phản kháng, đòi thưa kiện họ. Cô gái mới 17 tuổi này đã đòi kiện chủ nhà thổ vì bắt cô một đêm phải đi khách đến mười lần cho đến khi đủ 400 lần nhằm bù lại số tiền mà họ đã mua cô, khi đó mới cho cô nhận tiền chia.
Những đồng tiền kiếm được từ công việc bán mình, nếu không bị ăn chặn, phần được gửi về cho gia đình, phần trang trải cho bản thân còn lại tiêu xài vào phấn son, cờ bạc…; đến khi quá tuổi phải giải nghệ thì các sex worker vẫn là kẻ tay trắng, trong khi muốn trở lại với cuộc sống bình thường chẳng dễ chút nào. Pornpit đã từng chứng kiến không ít trường hợp các “sex worker” khi đau ốm, bệnh tật, thậm chí có con nhỏ đã bị các chủ nhà thổ thẳng tay thải bỏ; và cô đã dự không ít đám tang của nhiều đồng nghiệp qua đời vì AIDS. Từ nỗi đau, nỗi nhục của chính bản thân và trước những gì được chứng kiến mỗi ngày, cô bắt đầu suy nghĩ và rồi quyết định phải làm lại cuộc đời.
Sau khi đến với Empower, Pornpit đã dùng khoản tiền kiếm được trong những năm hành nghề mại dâm để tiếp tục học đại học và chọn chuyên ngành hoạt động xã hội. Tốt nghiệp, Pornpit trở về Chiang Mai hoạt động và được giao phụ trách văn phòng của tổ chức này tại quê nhà.
Tất cả thời gian làm việc cho Empower trong hơn chục năm qua của Pornpit là trở lại khu đèn đỏ, đến các nhà thổ, quán bar, tìm hiểu tâm tư, và những nỗi khó khăn của các sex worker, vận động, kêu gọi các nhà hảo tâm, từ thiện giúp đỡ họ. Các sex worker gọi Pornpit là “người gõ cửa âm thầm” vì cô luôn có mặt bên cạnh họ những lúc khó khăn nhất. Họ được Pornpit và những người trong tổ chức Empower hướng dẫn các kỹ năng sống, sinh hoạt, phòng chống bệnh tật cũng như ốm đau. Nhưng quan trọng hơn hết là những đêm âm thầm gõ cửa của Pornpit đã giúp họ hiểu rõ giá trị sống, giá trị bản thân để từ đó định hướng lại tương lai của mình.
Ngày mà Pornpit được chính phủ Thái Lan trao giải thưởng nhân quyền năm 2005 vì những thành tích xuất sắc trong việc bảo vệ nhân phẩm của các cô gái hành nghề mại dâm ở Thái Lan là một ngày đặc biệt. Hàng trăm sex worker ở khu Patpong và khắp nơi trên đất Thái Lan tìm đến chúc mừng cô, niềm tự hào và người bạn chia sẻ, động viên họ trên bước đường tìm lại tương lai của mình.
Nhưng theo Pornpit, cuộc chiến bảo vệ sự công bằng, đi tìm tương lai cho các cô gái bán dâm vẫn còn dài và gian nan lắm, trong đó định kiến xã hội là rào cản lớn để các cô trở lại đời thường sau này.
Hiện Empower có trên 4.000 thành viên sinh hoạt thường xuyên ở các CLB và những lớp học do tổ chức này mở. Văn phòng chính được đặt tại “phố đèn đỏ” Patpong từ hơn 22 năm qua và Empower đã phát triển thêm 8 trung tâm ở các TP lớn của Thái Lan và không chỉ là một nơi nơi chuyên tổ chức các hoạt động hỗ trợ nghề nghiệp, giáo dục…mà còn là nơi họ tập hợp, sinh hoạt, tương trợ, chia sẽ vui buồn lẫn nhau, cùng học các kỹ năng sống, phương pháp phòng chống các bệnh tình dục lây lan… 
VŨ BÌNH và các phóng viên báo TUỔI TRẺ
==================================
Trường đại học của Sex Worker
Các khóa đào tạo về giáo dục, kỹ năng sống và những ngành nghề chuyên môn liên tục được mở ra cho hàng ngàn cô gái mại dâm khắp Thái Lan của  Empower được báo chí Thái gọi là “trường đại học dành cho các sex worker” đã nổi tiếng khắp châu Á.
Với uy tín của tổ chức này, những giấy chứng nhận được đóng dấu của Empower sẽ là một tấm giấy thông hành làm lại cuộc đời của cá sex worker.
Chúng tôi theo Pornpit Puckmai, đến tham dự một buổi học của các sex worker tổ chức tại Bangkok vào buổi sáng, vì chiều tối là thời gian hành nghề của các cô gái bán dâm. Một buổi học kéo dài bốn tiếng, các cô học năm ngày trong tuần, chương trình phổ cập văn hóa các cấp tùy theo trình độ học vấn trước đây của đối tượng, ngoài ra các cô còn được học Anh văn, học các kỹ năng sống, các bộ luật và những vấn đề về nhân quyền, các phương pháp phòng chống HIV/AIDS, cũng như được đào tạo những nghề phổ thông như may vá, tin học văn phòng, đánh máy chữ… Sau giờ học chính khóa là các buổi sinh hoạt, giao lưu giữa các học viên về kỹ năng nói tiếng Anh, cùng chia sẻ với nhau những vui, buồn trong cuộc sống…
Một khóa học như vậy thường kéo dài trong vòng 12-24 tháng và được mở liên tục. Giảng viên là các nhà xã hội học, các bác sĩ, giáo viên của các trường dạy nghề nổi tiếng nhất, các trường cao đẳng - đại học ở Thái Lan, họ dạy tự nguyện, không thù lao bởi uy tín xã hội của Empower. Với sự thừa nhận và hỗ trợ của chính phủ, sau khi cầm tấm bằng chứng nhận tốt nghiệp các khoá học do Empower tổ chức, các sex worker có thể đăng ký học tiếp tại bất kỳ các trường đại học nào công hoặc tư nhân khắp Thái Lan hoặc được ưu tiên nhận vào làm việc ở các nhà máy, xí nghiệp... Theo Pornpit, chương trình học này được mở đã 17 năm qua không một ngày ngừng nghỉ.
Lớp học mà chúng tôi ghé vào nằm gần khu Patpong để “thuận tiện và thu hút các cô gái đang hành nghề ở đây”, một tình nguyện viên giải thích như vậy. Trên 100 cô gái trẻ đang chăm chú nghe giảng viên đứng lớp giảng về các bộ luật liên quan đến quyền con người và những kỹ năng sống với thế giới xung quanh. Ban ngày, trở lại với đời thường, không ngồi dưới ánh đèn màu nhấp nháy, không trang điểm, phấn son lòe loẹt, trông các cô  trẻ trung và dễ thương hơn rất nhiều.
Surinamalat, một học viên cho biết, khóa học này giúp cô hiểu được những giá trị của cuộc sống và có một sự định hướng về cuộc sống hiện tại cũng như tương lai của chính bản thân. “Gái bán dâm cũng phải có những quyền lợi của con người. Chúng tôi cần được sống, cần được bảo vệ quyền lợi như những người khác”, Surinamalat tự tin nói. Từ Phang Nga, một tỉnh miền Nam nước Thái, Surinamalat đến Bangkok khi mới 14 tuổi, và từng trôi dạt qua nhiều nhà chứa, hộp đêm ở khu đèn đỏ. Surinamalat nói: “Mặc dù làm công việc mà xã hội cho là thấp hèn, nhưng chúng tôi vẫn cần được sự đối sử công bằng. Lớp học này đã giúp tôi hiểu được điều đó và quan trọng hơn hết là giúp cho chúng tôi biết nghĩ đến tương lai của mình”. 
======================
Ngã rẽ cho ngày mai
Tại “trường đại học của sex worker”, những người đồng cảnh ngộ đã có cơ hội cùng ngồi với nhau, cởi mở nỗi lòng và tìm được sự đồng cảm, tìm được những tình bạn thật sự.
Chaladony, bạn thân cùng lớp của Surinamalat, chuyên làm vũ công thoát y cho các hộp đêm ở Patpong, cho biết: nếu không có lớp học này thì những người làm nghề như cô không thể tìm được những tình người thật sự.
Chaladony kể, cách đây hơn một tháng, cô và những người bạn cùng lớp đã góp được một số tiền hơn 30.000 baht để giúp cho mẹ của  Surinamalat đi mổ van tim. “Tội nghiệp, bao nhiêu năm hành nghề, con bé chẳng dư giả gì. Khi đến lớp học mới biết tình cảnh của Surinamalat, thế là chúng tôi cùng quyên góp để giúp cô ấy”.
Giống như Chaladony, hầu hết học viên đều có cùng một mục tiêu tương lai: sau khi hoàn thành chương trình học ở đây sẽ học tiếp lên đại học đểlàm lại cuộc đời. Chaladony luôn động viên Surinamalat “Nếu thiếu tiền đi học thì tụi chị sẽ gom lại cho em vay. Em chỉ mới 18 tuổi, tương lai còn rất dài”.
Hàng năm, các chương trình học của Empower đã thu hút khoảng 2.000 gái mại dâm tham gia. Hết khoá này đến khóa khác. Nhưng con số các cô gái tiếp tục học lên đại học như Pornpit tính ra cũng chỉ đến vài trăm, dẫu chưa phải là nhiều nhưng cũng là một điều rất đáng mừng vì “ít ra chúng tôi cũng đã góp phần đưa được nhiều con người đã đi lạc hướng về với xã hội” - Pornpit bảo vậy. Có hàng trăm “sex worker” khác sau khi tốt nghiệp đại học đã trở về làm nhân viên, tình nguyện viên cho Empower.
Saithong, một sex worker ở Patpong giải nghệ được sáu năm nay, đã tốt nghiệp khoa nữ công gia chánh đại học, hiện là chủ một xưởng may ở ngoại ô Bangkok. Cô có một cô gia đình hạnh phúc với hai con và người chồng cũng là doanh nhân. Saithong nói: “May mắn là tôi còn tìm được một ngã rẽ cho mình. Còn biết bao nhiêu cô gái khác đang trong guồng máy của công nghệ tình dục thì tương lai của họ vẫn là một câu hỏi chưa có lời đáp”.
Và những nhân viên, tình nguyện viên của Empower lại đêm đêm tìm xuống phố đèn đỏ vì nơi đó còn bao thân phận chìm nổi đang cần đến họ…
VŨ BÌNH – DUY BÌNH

Phần 08: Những người đồng hành trong đêm

Posted by Kenny Phạm 0 nhận xét
Chúng tôi được giới thiệu đến cuối khu đèn đỏ, nơi có một căn nhà nhỏ mà các cô gái làm việc ở Patpong đều biết đến. Đó là văn phòng của tổ chức Empower, một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động vì quyền lợi của những người bán dâm tại Thái Lan.
Bà Chantawipa Apisuk, người sáng lập ra Empower kể: ban đầu đây chỉ từ một câu lạc bộ Anh văn dành cho các cô gái hành nghề bán dâm ở Patpong, rồi cảm thông tình cảnh bi đát và luôn bị giới chủ chà đạp mà các cô phải chịu đựng, bà cùng những nhà hoạt động xã hội Thái quyết định thành lập một tổ chức hỗ trợ, giúp đỡ họ và Empower ra đời từ đó.
Cứ đến giờ cao điểm vào “ca” của những cô gái bán dâm thì cũng là lúc các nhân viên, tình nguyện viên của Empower chia nhau xuống phố; xâm nhập vào tận các quán bar, CLB thoát y vũ để tìm hiểu, tiếp cận, kịp thời giúp đỡ cho các cô gái ở khu đèn đỏ. “Chúng tôi gọi họ là những “sex worker”, những người chấp nhận làm công việc lao động tình dục vì lý do này hay lý do khác; nhưng hầu hết do cuộc sống khó khăn, đưa đẩy họ vào công việc khốn khổ, nhục nhã này khiến họ có những nỗi niềm rất cần được sẻ chia, giúp đỡ…” - bà Chantawipa cho biết.
“Đừng nhìn những gương mặt tươi tỉnh, khiêu gợi của họ sau lồng kính kia mà nghĩ rằng họ chỉ là những con búp bê vô cảm. Đằng sau sự hào nhoáng của con phố Patpong là những phận đời đầy nước mắt” - Nooti , một tình nguyện viên Empower, nói.
Chúng tôi theo Nooti phóng xe sang bên kia sông đến khu Somdet Phra vào lúc 2 giờ sáng. Căn phòng trọ của các sex worker lung linh ánh nến. Ba cô gái đang ngồi quây quần bên chiếc bàn với một chiếc bánh sinh nhật cắm nến và một ít thức ăn nguội. Hai chai Remy Martin đều đã cạn quá nửa. Các cô đã khá say. Hôm nay là sinh nhật thứ 21 của Sarila, cô gái làm ở hộp đêm Electric bar. Trong trang phục áo pull, quần jean, trông cô xinh xắn như một nữ sinh viên. Trò chuyện một lúc, chúng tôi mới biết Sarila hóa ra là sinh viên thật. Quê ở tận tỉnh biên giới Mae Hong Son xa xôi, hiện cô đang học năm thứ 3 ngành quản trị kinh doanh tại một trường đại học ở Bangkok.
Cha mẹ Sarila mất sớm, gia đình chỉ còn hai chị em cô. Ngoài giờ học ban ngày, ban đêm Sarila buộc phải làm cái nghề bán thân để có tiền trang trải học phí và lo bữa ăn cho mình cũng như phải gửi về nuôi cô em gái còn đi học ở quê nhà. Bobumi, ngồi cạnh Sarila, có thân hình chuẩn của một người mẫu, đến từ vùng nông thôn tỉnh Nong Khai ở đông bắc Thái. Cô đã trở thành một sex woker khi mới 15 tuổi. Chính cha mẹ ruột Baboumi đã “bán” cô cho một nhóm ma cô chuyên đi săn lùng các thiếu nữ ở vùng nông thôn để đưa về Bangkok kinh doanh thân xác. Vậy nhưng bốn năm nay, Bobumi vẫn gửi tiền đều đặn về quê lo cho cha mẹ già. Bobumi đang theo học phổ cập văn hóa vào ban ngày do tổ chức Empower mở cho các sex worker.
Thành viên còn lại của bữa tiệc sinh nhật này là một cư dân Bangkok, 23 tuổi, đã chia tay với chồng hai năm nay. Thất nghiệp, không đủ tiền nuôi con nên cô chấp nhận làm công việc này một thời gian để tìm việc khác. Con cô, đứa trẻ 2 tuổi đang nằm ngủ ở góc phòng. Bữa nào đi khách qua đêm, người mẹ trẻ này lại nhờ các bạn “đồng nghiệp” hay các tình nguyện viên trông con giúp… Các cô đều xem những tình nguyện viên Empower là chị em trong gia đình mình.
VŨ BÌNH và các phóng viên báo TUỔI TRẺ
====================
Giữa vòng xoáy không lối thoát
Nakyramy, một sex worker từng làm việc ở một tụ điểm body massage ở Patpong ví von rằng, quãng thời gian hành nghề ngắn ngủi của các cô giống như một ngôi lóe sáng rồi vụt tắt. Dù có nổi tiếng đến mấy, kiếm được tiền bao nhiêu rồi cuối cùng cũng tay trắng.
Không ít người trong số họ kết thúc cuộc đời trong nghèo đói, bệnh tật và sự rẻ rúng của xã hội. “Chỉ mới vài năm trước, tôi từng là hoa khôi của con phố này. Có đêm kiếm được hàng ngàn USD. Nhưng những đồng tiền đó được dùng vào những canh bạc, thuốc lắc và ma túy để rồi nó giết lần giết mòn tuổi xuân của tôi” - Nakyramy thú nhận. 
Không có việc làm lại nghiện ma túy, Nakyramy phải sống bằng những đồng tiền vay mượn xem như bố thí của các “đồng nghiệp” cũ. Mới đây, cô phát hiện ra mình bị nhiễm HIV khi có đứa con trai đầu lòng với một người đàn ông lớn tuổi, xa lạ. Naktramy bảo rằng, cô muốn có một đứa con để hủ hỉ khi tuổi về già mà không cần đứa bé có cha. “Bây giờ đã chấm hết tất cả, không còn chút hi vọng ở tương lai. Tôi cảm thấy rất có tội với con mình vì đã gieo cho con một căn bệnh hiểm nghèo khi nó mới lọt lòng mẹ”- Nakyramy nghẹn giọng.
Theo tình nguyện viên Nooti, cái vòng đời lẩn quẩn nghèo đói – ô nhục của các sex worker khiến không ít những đứa con gái của họ lại tiếp tục trở thành gái mại dâm khi đến độ tuổi trưởng thành. Bởi chúng là kết quả của những cuộc tình thoáng qua của các sex worker hay là nạn nhân đáng thương từ các gia đình tan vỡ mà người mẹ rồi sa chân vào nhà thổ. Hầu hết những đứa trẻ ấy thiếu sự quan tâm, chăm sóc của người mẹ.
Như Tata Simon, vừa tròn 18 tuổi, quê ở Chiang Rai, làm việc ở hộp đêm Bell ở khu Patpong, đã “nối nghiệp” mẹ được ba năm nay. Tuổi thơ của  Tata là những ngày sống vất vưởng trong sự cưu mang của bạn bè cùng nghề với mẹ. Kể với chúng tôi, Tata nói cô vẫn con nhớ rất rõ những lần chứng kiến mẹ mình đi về nhà cùng những gã đàn ông xa lạ trong trạng thái say mèm... Khi không thể hành nghề được nữa, mẹ của Tata được nhận làm lao công quét dọn cho chính hộp đêm bà từng làm gái làng chơi. Một lần, trong trạng thái say xỉn bà bị xe hơi tông chết. Tata lại chọn cái “nghề” của mẹ để mưu sinh.
VŨ BÌNH và các phóng viên báo TUỔI TRẺ
===================================
Nơi cứu vớt những trẻ thơ bất hạnh
Bà Prakong Vithaysai là bác sĩ khoa dị ứng và miễn dịch học thuộc bệnh viện Đại học Y dược thành phố Chiang Mai.
Vào thời điểm đại dịch HIV/AIDS bùng phát tại Thái Lan những năm đầu thập kỷ 1990, bệnh viện nơi bà làm việc hầu như không có trang thiết bị và con người phục vụ cho việc điều trị, tuyên truyền chống lại căn bệnh thế kỷ này.
Vậy mà ngày nào bệnh viện cũng phải đón nhận những đứa trẻ vô thừa nhận bị mẹ vứt bỏ ngay khi vừa cất tiếng khóc chào đời. Đau lòng hơn, hầu hết các cuộc xét nghiệm máu để thử HIV các cháu bé đều cho ra kết quả dương tính. Số trẻ ra đời nhiễm bệnh cứ đông thêm như chính số lượng gái mại dâm chuyên nghiệp cũng đang bùng phát giai đoạn này để kịp phục vụ “công nghệ du lịch tình dục” ở Thái Lan.
Không thể để mặc những sinh linh nhỏ bé ấy, bà Prakong đã xin phép ban giám đốc bệnh viện được tự tay chăm sóc những đứa bé bất hạnh. Bà đã làm những công việc mà các bác sĩ khác không dám đụng tay tới: lau máu, rửa rốn, bón thức ăn cho bé... Sau mấy năm trời bà sống bên giường bệnh của những đứa trẻ nhiễm HIV/AIDS, câu chuyện “bà tiên” Prakong đã bắt đầu được thế giới biết đến.
Câu chuyện này đến tai một triệu phú người Thụy Sĩ. Sau nhiều lần thư từ qua lại với bà Prakong, triệu phú có tấm lòng nhân ái đó đã quyết định bay đến Chiang Mai trực tiếp trao cho bà Prakong một khoản tiền lớn để bà có thể thực hiện mơ ước lớn nhất đời mình là thành lập một quỹ hỗ trợ trẻ mồ côi bị nhiễm HIV/AIDS. Số tiền này cộng với khoản tiền do Prakong và chồng bà quyên góp trong nhiều năm đã giúp hình thành Support the Children Foundation (SCF) - tổ chức hỗ trợ trẻ mồ côi và trẻ nhiễm HIV/AIDS lớn nhất Thái Lan, chính thức ra đời từ ngày 2-9-1992.
Những đứa trẻ vô thừa nhận, phần đông là con của các sex worker đã giải nghệ cũng như đang hành nghề ở các nhà thổ của Thái Lan được đưa về nuôi dưỡng trong bốn ngôi nhà biệt lập, được SCF mua ở trung tâm thành phố Chiang Mai. Chúng được cung cấp thuốc điều trị, được các bác sĩ và y tá chăm sóc hàng ngày, được học hành vui chơi như những đứa trẻ bình thường khác. Bà Parkong cùng các nhân viên của mình còn tìm được nhiều bà mẹ của các đứa bé để giúp họ một số vốn hay tìm cho họ một công việc mưu sinh như trồng nấm, nuôi heo…, tạo điều kiện cho họ ổn định cuộc sống để từ đó có điều kiện quay lại thăm con mình.
Hôm chúng tôi đến thăm SCF, ở đây không còn đứa trẻ nào vì qua sự vận động của SCF chúng đã được các gia đình có tấm lòng nhân hậu ở Chiang Mai nhận về làm con nuôi. Ngôi nhà nay đã trở thành văn phòng liên lạc thư tín của SCF nhưng vẫn còn dấu vết của vườn trẻ ngày nào: những chiếc xe đạp trẻ con trong khu vườn nhỏ trước nhà, những con thú nhỏ bằng gỗ, vài chiếc giường trẻ xinh xinh và trên tường dán đầy các bưu thiếp do các bé gửi tặng Prakong vào các dịp lễ.
Tổ chức SCF đã trở thành nơi tư vấn, giúp đỡ và ngăn ngừa HIV/AIDS đối với các cô gái bán dâm. Các nhóm tình nguyện viên của SCF đã mở hàng ngàn chiến dịch tuyên truyền chống HIV/AIDS. Bản thân bà Prakong cũng đã từng đi đến tận các nhà thổ, hộp đêm để vận động các sex worker sử dụng bao cao su. “Giúp các cô gái bán dâm phòng chống, ngăn ngừa ngay từ đầu hiểm họa HIV/AIDS là giúp giảm đi những đứa trẻ đã bị đánh mất cả tuổi thơ, cuộc đời vì hậu quả mà mẹ chúng gây ra”, bà Prakong kết luận.
VŨ BÌNH và các phóng viên báo TUỔI TRẺ

Phần 07: “Nói giễu Kẻ Xe, nói khoe Kẻ Chối"

Posted by Kenny Phạm 0 nhận xét
Hai làng Kẻ Xe và Kẻ Chối chỉ cách nhau một cánh đồng cùng thuộc địa bàn Việt Yên, tỉnh Bắc Giang nhưng lại là “kỳ phùng địch thủ” của nhau về tài biệt tài ăn nói.
Mỗi khi người của hai làng này gặp nhau thì chắc chắn sẽ có những trận “đấu võ mồm” đến độ có hẳn một câu thành ngữ truyền từ bao đời nay: “Nói giễu Kẻ Xe, nói khoe Kẻ Chối”.
Ngôi chợ nằm giữa Kẻ Xe và Kẻ Chối không chỉ là nơi buôn bán của người dân hai làng mà còn được xem là nơi giao lưu, thi thố tài ăn nói để phân “tài” cao thấp của người dân hai bên. Hầu như ngày nào ở ngôi chợ này cũng diễn ra những trận “thư hùng” nẩy lửa của các bà, các ông và cả những đứa trẻ con “đấu võ… mồm” với nhau.
Buổi sáng ngồi ở quán trà xanh trước cửa chợ, một ông người Kẻ Chối khoe với ông bạn người Kẻ Xe: “Thằng con trai tôi mới làm cái nhà, cả thiên hạ này không nhà ai bằng”. Ông Kẻ Xe thủng thỉnh giễu lại ngay: “Phải, ông chả nói chúng tôi cũng biết không nhà ai bằng được, vì có ai thèm đến đo nhà của nó đâu mà biết”.
Trong chợ, không khí “thi đấu” cũng sôi động không kém. Một bà bán cá người Kẻ Chối đang ngồi khoe với bà bán rau người Kẻ Xe rằng bà ta có người chị ở Mỹ về cho nhiều chiếc mũ rất đẹp: “Cái mũ tôi đội hôm kia là mũ của Ý, đội hôm qua là mũ của Pháp, còn cái đội hôm nay là mũ của Anh”. Bà Kẻ Xe đáp lại: “Không phải, cả ba hôm bà đều đội một thứ mũ là mũ “nổ” đấy chứ”.
Ông Đoàn Văn Mỹ ở làng Kẻ Xe nói: “Người nơi khác đến nghe dân hai làng chúng tôi nói chuyện giễu cợt nhau, cứ ngỡ người hai làng có tư thù gì với nhau. Thật ra, hai làng trước nay liền kề, gốc gác dân hai làng là họ hàng, bà con với nhau cả. Truyền thống xưa nay của người làng Kẻ Chối là nói khoe, tức là bất kể chuyện gì cũng đều được “bốc thơm”, thổi phồng lên để chứng tỏ sự hơn người về mọi mặt của bản thân mình. Ngược lại, người Kẻ Xe cứ mở miệng ra là thế nào cũng có câu giễu cợt người khác. Thế mà vui”.
Đang nói chuyện, có một bà bên làng Kẻ Chối qua nhà ông Mỹ gửi thiệp cưới, mời đi dự đám cưới cậu con trai của bà ấy. Nhân thể, bà ta khoe ngay cô con dâu của mình: “Ông biết mặt nó rồi đấy. Nó mau mắn lắm ông ạ. Lúc nào mặt nó cũng tươi như hoa, lúc no cũng vậy, lúc đói cũng vậy, đúng là “Dù no, dù đói cho tươi. Cái miệng em cười đói cũng như no”. Ông Mỹ gật gù: “Ừ, con dâu bà mặt tươi thật. Cả lúc đang ngủ tôi biết nó cũng cười. Răng nó vẩu chìa mà”.
Người Kẻ Xe và Kẻ Chối hay khoe khoang, khích bác, xỏ xiên nhau là vậy nhưng trai gai hai làng lại rất mê nhau. Nhiều cặp cũng nhờ những lần “đấu võ mồm” rồi thích nhau, yêu nhau và cưới nhau. Vợ chồng ông Hải cũng nên duyên chồng vợ từ những “hội thi nói giễu”. Bà là người Kẻ Xe còn ông người Kẻ Chối. Ông Hải có ba anh trai. Anh cả làm y tá khoa nội, anh thứ hai làm y sỹ khoa răng hàm mặt ở bệnh viện tỉnh, anh thứ ba bán thịt lợn ở chợ huyện. Khi mới quen nhau, ông tự hào khoe với bà: “Hai người anh trai của anh đều thành đạt, làm trưởng khoa cả. Anh cả làm trưởng khoa nội, anh kế làm trưởng khoa răng hàm mặt. Bà đáp ngay: “Nhà anh có đến ba người làm trưởng khoa đấy chứ?”. “Không, anh thứ ba ở nhà bán thịt thôi. “Anh ấy chả làm trưởng khoa “răng hàm lợn” ở chợ huyện là gì?”- bà cười tủm tỉm. Nói kháy nhau như vậy nhưng rồi cũng nên duyên chồng vợ.
Tương truyền ông tổ nói khoe của làng  Kẻ Chối và bà tổ nói giễu của làng Kẻ Xe cũng từng yêu nhau nhưng vì gia đình ngăn cản nên dang dở. Sau đó, hai người mới lập ra hai “trường phái” nói giễu, nói khoe đối đáp với nhau thật ăn ý để mãi nhớ nhau. Ông Hải kể, tháng trước vợ chồng ông cưới vợ cho con. Được hơn tuần lễ, ông nhận xét: “Đứa con dâu tôi chọn thật ý tứ, đẹp người, đẹp nết. Vừa mới về mà công việc trong nhà, ngoài vườn đều đâu ra đấy, không thể chê được”. Bà vợ đáp ngay: “Ông khéo chọn lắm. Nhưng nó làm sao ấy, hễ khi nó nhìn ông thì tôi tưởng nó đang nhìn tôi. Khi nó nhìn tôi thì nó lại bảo đang nhìn chồng nó. Thì ra nó mắt lác, ông thật khéo chọn người lắm…”.
VŨ BÌNH – QUỐC HỘI
=========================
Phía sau "Phố đèn đỏ"
Khu “phố đèn đỏ” (redlight district) Patpong ở Bangkok, Thái Lan, vốn nổi tiếng về “công nghệ tình dục” với hàng trăm nhà thổ, sân khấu sexy show cuốn theo thân phận hàng ngàn cô gái bán thân xác mua vui cho thiên hạ. Phía sau sự cuồng loạn của một trung tâm ăn chơi hàng đầu thế giới là những vòng tay âm thầm chia sẻ, cứu vớt những mảnh đời đáng thương của bao cô gái trẻ đến từ khắp các miền quê đất Thái…
Con đường trụy lạc
TTO - Chiều xuống, khi các văn phòng công sở, nhà máy, công ty ở thủ đô Bangkok đóng cửa là lúc con phố Patpong bắt đầu rực sáng những ánh đèn màu nhấp nháy, mở màn cho những cuộc vui đến quá nửa đêm.
Nằm ở trung tâm Bangkok, Patpong là những con đường nhỏ dài chỉ vài trăm mét cắt ngang hai con đường Silom và Suriwong, với hàng trăm quán bar, tụ điểm massage, quán karaoke ôm, thoát y vũ với những bảng hiệu bằng tiếng Thái, tiếng Anh, tiếng Hoa, tiếng Nhật đi kèm hình ảnh các cô gái ăn mặc hở hang trong đủ các tư thế mời gọi.
Chúng tôi thả bộ trên đường Silom, nơi các cô gái mặc đồ hai mảnh nhỏ xíu tràn xuống đường “tiếp thị” với tấm bảng ghi dòng chữ “2000 baht/ lần tàu nhanh!”. Đúng 8 giờ tối, các quán bar vào giờ cao điểm, những sân khấu trình diễn sex show mở màn, bên trong hằng trăm cô gái trẻ thoát y 100% đang uốn éo trên bục nhảy theo điệu nhạc kích động. Sacly, người bạn Thái đi cùng chúng tôi, cho biết: khu Patpong được sự kiểm soát của chính quyền, các cô gái hành nghề ở đây đều phải được chủ chứa khai báo, đăng ký với chính quyền và được khám sức khỏe định kỳ hàng tháng. Người nào không đăng ký sẽ bị trục xuất và chủ chứa vi phạm có thể bị phạt từ vài trăm ngàn đến cả triệu baht. Hàng đêm, cảnh sát tuần tra thường xuyên ở con phố này. Sự kiểm soát không dừng ở đó; một cô gái massage ở hộp đêm Queen cho tôi biết ở đây có hệ thống camera theo dõi khách và nhân viên ngay cả lúc đang “hành sự”!
Gần sáng, những chiếc đèn đỏ nhấp nháy tắt dần. Những cô gái trẻ từ các nhà thổ, hộp đêm xuống đường đón taxi để đi với khách làng chơi hoặc họ khoác tay nhau đi dọc phố trở về nhà; trông họ nhợt nhạt, mệt mỏi, bơ phờ…
VŨ BÌNH và các phóng viên báo TUỔI TRẺ

Phần 06: Nói ngang như làng cua

Posted by Kenny Phạm 0 nhận xét
“Nói gì mà ngang như… cua, bực cả mình”. Nhiều người đã vừa bực mình lại vừa tức cười khi nói chuyện với dân làng Cua hay làng Phụng Pháp, xã Tân Mỹ, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Làm cho người khác tức cành hông mà vẫn phải phì cười, đó là cái “duyên” của người Phụng Pháp.
Gặp mấy đứa trẻ đang chơi bắn bi trước sân đình làng, tôi hỏi thăm: “Các cháu có phải dân làng Phụng Pháp không?”. Một cậu bé gương mặt lém lỉnh trả lời: “Vừa là Phụng Pháp vừa không Phụng Pháp ạ”. “Sao lạ vậy?”. “Vì chúng con là dân làng Cua ạ”. Tới khi hỏi thăm đường: “Từ đây đến nhà trưởng thôn còn xa không cháu?”. “Vừa xa lại vừa gần chú ạ”. Tôi bắt đầu cảm thấy bực mình. “Đường thì vẫn thế thôi. Nhưng chú đi chậm thì xa, đi nhanh thì gần”. Đám trẻ hò reo khi tôi mắc lỡm chúng.
Ghé vào nhà trưởng thôn Hoàng Văn Chính hỏi về “bí quyết” nói ngang của người làng Cua, ông Chính lắc đầu: “Tôi có phải là người làng Cua đâu mà hỏi”. Tôi chưng hửng: “Vậy trưởng thôn dân làng nào?”. Trưởng thôn lại tỉnh bơ: “Dân làng này chứ làng nào”. Rồi ông Chính cười khà khà, nâng cốc trà: “Tôi từng đi bộ đội, làm ruộng ở bên Bắc Ninh nên vừa là người Phụng Pháp lại vừa không. Tôi thích trả lời sao cũng được, dân làng Cua là như vậy đấy!”.
Ông Chính kể mới tháng trước, có một gia đình từ làng khác đến Phụng Pháp dạm hỏi vợ cho con trai mình, nhưng nói chuyện với bên nhà gái được nửa buổi thì bực mình quá phải bỏ về. Ông bố kéo cậu con trai ra cổng: “Chẳng cưới xin gì nữa. Nhà gì mà nói ngang như cua ấy”. Hỏi ra mới biết khi vừa đến bên nhà gái, ông bố chàng trai chào hai ông bà sui gia tương lai: “Dạ, chào anh chị”. Bố cô gái bắt bẻ ngay: “Sao lại là anh chị. Biết tuổi vợ chồng tôi thế nào mà xưng hô anh, chị?”. Một lúc sau, có cụ già từ ngoài vườn bước vào nhà, bố chàng trai hỏi nhỏ bố cô gái: “Cụ là bố vợ hay bố đẻ của bác thế?”. “Bố vợ đấy nhưng lại là bố đẻ”. “Bố vợ là bố vợ, bố đẻ là bố đẻ chứ ”. “Bố vợ tôi nhưng là bố đẻ của em vợ tôi!”.
“Nhiều vụ làm ăn, cưới xin, dạm hỏi suýt dở dang vì cách nói chuyện của dân làng Cua đấy. Nhưng nói ngang như cua là truyền thống xưa nay của làng này rồi, không bỏ được”- ông Chính bảo. Ngay dân làng Cua đi nơi khác cũng bị nhận ra ngay vì cách nói làm người nghe tức sôi cả ruột. Nhưng nếu đã biết người làng Cua và cách nói ngang của làng này thì sẽ không còn bực mình nữa, như lời ông Chính: “Cách nói ngang của dân làng Cua chủ yếu chỉ để khôi hài, tếu táo cho vui cả làng thôi”.
Cụ Hoàng Ân, 76 tuổi, một trong những người được dân làng tôn là “sư tổ” món nói ngang làng Phụng Pháp, bảo: “Theo sử sách thì ngày xưa làng có cua ngon nổi tiếng, nấu canh cua tiến vua nên được gọi làng Cua. Nhưng nguyên nhân sâu xa còn vì cách nói ngang từ hàng ngàn năm nay của dân Phụng Pháp mà làng có tên làng Cua. “Nói ngang như làng Cua” trở thành thành ngữ không chỉ của xứ Bắc Giang mà còn lan ra khắp Bắc bộ.
Cụ Ân nói: “Đã là cua thì phải ngang. Nói ngang sao cho người ta thấy hợp lý, không cãi được mà lại phát cười thì mới là “bí quyết” của người làng Cua”. Nghệ thuật nói ngang làng Cua còn ở chỗ phải ứng khẩu thật nhanh, trong mọi tình huống đều có thể đối đáp, trả lời ngay được. Lạ một điều là dân Phụng Pháp quanh năm gắn bó với đồng ruộng, con trâu, cái cày, học vấn phần lớn đều khá thấp vậy mà nghệ thuật nói ngang về câu chữ rất “sành điệu”. Dân có học của các làng khác sang nói ngang không lại ra về mà “tâm phục, khẩu phục”.
Trong đình làng Cua hiện vẫn còn những tấm bia cổ ghi lại những điển tích, những câu chuyện, “bí quyết” nói ngang được lưu truyền từ bao thế hệ của làng. Theo cụ Ân, để những “bí quyết” nói ngang của làng Cua không bị thất truyền, dân làng có “hương ước” thỏa thuận với nhau rằng, dù đi đâu, làm công việc gì thì vẫn phải giữ “truyền thống nói ngang”. Cứ nghe cách nói ngang là biết biết họ hàng, thôn xóm. Nhưng tùy nơi, tùy vùng, tùy đối tượng tiếp xúc mà cách nói ngang được “cách tân” cho hợp lý. Cụ Ân và những người cao tuổi trong làng đang sưu tập và ghi lại thành những cuốn sách về nghệ thuật nói ngang và những cách nói tiêu biểu của người trong làng.
Buổi tối, tôi theo anh Chính ra sân đình tham dự hội diễn hát chèo và hội thi “nói ngang mừng xuân” của làng. Ngồi cạnh chúng tôi là hai chị em  gái. Xem diễn văn nghệ một lúc, cô chị hỏi cô em: “Muốn về chưa?”. “Em vừa muốn về vừa muốn ở. Buồn ngủ quá, vừa muốn về ngủ cho sướng mắt, vừa muốn ở xem văn nghệ hay quá”. Cô chị nhẹ nhàng đáp: “Thì cứ ở đây, vừa xem vừa ngủ, được cả hai đàng”. Cả hai chị em cùng phá ra cười.
VŨ BÌNH và các phóng viên báo TUỔI TRẺ
==============
Bực mình với Can Vũ
Dân làng Can Vũ (Quế Võ, Bắc Ninh) nói chuyện rất ôn tồn, nhỏ nhẹ và có vẻ như rất thật thà. Chỉ có điều người khác nghe xong mà không phát cáu, nổi xung thiên thì không phải là người Can Vũ.
Làm cho người khác bực mình một cách có văn hóa là một nghệ thuật ở vùng quê này. Điển hình như giai thoại đã quá quen thuộc với dân trào lộng khắp nước: có người lạ tìm đường đến làng Can Vũ hỏi “Còn mấy cây số đến làng?”, dân làng đáp: “Tôi có phải cán bộ lâm nghiệp đâu mà hỏi cây với cối”.
Nhưng theo cụ Nguyễn Văn Khuyên, một trong những bậc lão gia chuyên “nói tức” của làng Can Vũ: “Nói tức là xưa rồi, bây giờ người làng từ người già đến trẻ con còn biết hát tức, nghĩa là hát quan họ giao duyên để chọc tức người khác. Rồi cụ hát luôn: “Mình về em mà chẳng muốn cho về. Ở thêm dăm bữa để mà nghe em trêu đùa”.
Nói tức hay hát tức được người dân làng Can Vũ tự hào khoe là nghệ thuật “nói tức giao duyên”. Nói khiến người ta phát cáu, sôi ruột, sôi gan vì tức nhưng lại nói với phong thái ôn tồn, nhỏ nhẹ, trông rất thật thà, chân thật. “Nói tức mà nhẹ nhàng như hát. Người ta bực bội mà vẫn phải cười vui vì mình nói quá hợp lý mới là cái độc đáo của người Can Vũ chúng tôi”- cụ Khuyên bảo vậy.
Chúng tôi ghé ngang cửa hàng bán tương ớt, nước mắm gần cuối làng. Có một ông đến trước cửa hàng cầm ngược chai vẩy liên tục. Chị bán hàng đón chai, hỏi: “Bác đưa đây để cháu đong. Bác vẩy gì mà lắm thế?”. Ông vẩy chai liền bảo: “Tôi phải vẩy cho hết nước đi, vì cần bao nhiêu nước lã thì trong nước mắm của chị đã có đủ rồi”. Cụ Khuyên giới thiệu đấy là ông Định, cũng là một trong những “bậc thầy” nói tức của làng. Cụ Khuyên mở lời: “Chào chú, dạo này đi đâu mà lâu quá không gặp? Chị nhà và các cháu vẫn chịu ăn, chịu chơi cả chứ?”. Ông Định đáp ngay: “Cảm ơn cụ hỏi thăm, được cái các cháu vẫn chịu ăn, mẹ cháu vẫn chịu chơi!”.
Tương truyền rằng truyền thống nói tức của làng hình thành từ khi làng mới được một vị tướng của Thánh Gióng lập nên. Khi Thánh Gióng đi đánh giặc ngoại xâm, vị tướng này cùng với người dân làng theo phò Thánh Gióng. Đội quân nói tức của làng chuyên sử dụng “chiêu” nói tức để trêu quân giặc đến độ chúng tức ói máu quên cả đánh trận, bị quân Thánh Gióng đánh cho tơi bời.
Can Vũ nổi tiếng đến mức dân các làng khác như Đông Loan, Nội Hoàng… từng cử người sang đây xin học, xin được “tập huấn” “bí quyết” nói tức của làng. “Truyền thuyết về nói tức thì ly kỳ vậy. Chẳng biết thực hư thế nào nhưng người ta bảo làng này đứa trẻ mới sinh ra đời cũng biết khóc tức, tiếng khóc của chúng khiến người ta phải dỗ đến mệt nhoài”- ông Phái nói vậy.
Theo ông Phái, thật ra cũng chẳng có “bí quyết” gia truyền gì cả: “Hơn nhau chủ yếu ở sự nhanh trí, sắc sảo trong lúc trò chuyện, đưa người khác vào những tình huống bất ngờ và gài bẫy câu chữ khi đối đáp”. Cụ Khuyên kể, trước đây, người Can Vũ nghe tiếng làng Tiên Lục nói khoác ghê gớm nên nên tìm đến thi thố. Một ông người làng Tiên Lục khoe với ông người làng Can Vũ rằng con trai ông mới được đi theo phái đoàn của chính phủ sang thăm nước “Cu ba hay cu bốn gì đấy tôi không nhớ nhưng nghe bảo nước này ở đâu xa lắm, gần bọn đế quốc Mỹ. Ở tỉnh này chỉ có mỗi con tôi được vinh dự chọn đi”. Ông người làng Can Vũ hỏi lại: “Ông không nhớ tên nước à”. “Ừ, chả biết cu ba hay cu bốn, quên rồi”.  Cậu bé con ông Can Vũ xen vào: “Hay là cu ba rưỡi hả bác?”.
Trước khi tạm biệt làng nói tức, tôi cùng ông Phái ra chợ nhỏ đầu làng ăn sáng. Ngang hàng rau, một chị bán chanh, ớt mời: “Chú Phái ăn chanh đi ạ!”. “Không, chua bỏ mẹ”. “Chú ăn ớt đi ạ”. “Không, cay lắm”. Chị bán hàng nguýt: “Cái lão dở hơi này, chanh chẳng chua, ớt chẳng cay thì bán cho ai? Không mua thì thôi lại còn nói tức”. Ông Phái đáp lễ: “Có mà nhà chị dở hơi ấy. Người ta mua về thì cả nhà ăn, ai lại đi bảo người ta ăn, người ta không thích chứ sao?”.
Dân Can Vũ có câu “Can Vũ ăn cơm cũ, nói tức mới”, có ý nói về đời sống còn nghèo về vật chất nhưng phong phú về đời sống tinh thần. Nói tức Can Vũ được các nhà nghiên cứu nhận xét là cách nói vui, ứng tác trong đời sống hàng ngày theo kiểu nói mát, nói mỉa vừa hài hước vừa châm biếm.. 
VŨ BÌNH và các phóng viên báo TUỔI TRẺ
 

Phần 05: “Văn Lang, cả làng nói khoác"

Posted by Kenny Phạm 0 nhận xét
Những "Làng cười" Việt
“Nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”. Những câu chuyện hài hước, tiếu lâm, dí dỏm luôn gắn liền với đời sống của người Việt từ xa xưa đến nay. Có những “làng cười” lừng danh với những bí quyết gây cười “gia truyền”.
“Văn Lang, cả làng nói khoác"
TTO - “Đến Văn Lang nghe người dân trong làng nói gì cũng chớ vội cả tin, không khéo người ta nói khoác để trêu mình đấy. Làng này từ người già đến trẻ con ai cũng có tài nói khoác”. Một anh bạn “thổ địa” nói như vậy khi dẫn chúng tôi về làng Văn Lang thuộc xã Văn Lương, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ, nơi đã truyền tụng từ xa xưa câu “Văn Lang cả làng nói khoác”. Đó là một làng quê cổ kính với những đồi khoai, nương sắn và những cánh rừng cọ thơ mộng, có lịch sử hình thành đã mấy ngàn năm, gắn liền với những truyền thuyết từ thời vua Hùng dựng nước.
Chúng tôi ghé vào quán nước đầu làng, gọi cốc trà nóng, chị chủ quán đon đã mời luôn: “Em mời các bác dùng khoai dẻo của quán em đi ạ. Không ở đâu khoai dẻo bằng làng em”. “Khoai của nhà chị dẻo thế nào mà quảng cáo ghê vậy?”. “Dẻo lắm ạ. Hôm rồi mẹ chồng em ở làng bên sang chơi; chúng em luộc nồi khoai mời mẹ ăn. Cụ ăn xong cứ ngơ ngẩn, miệng mím chặt. Em cứ tưởng bà cụ nghẹn, chạy đến vuốt ngực nhưng bà cứ lắc lắc đầu không nói được. Chồng em phải cạy miệng bà cụ ra thì cụ mới nuốt đánh ực được. Nhìn lại thấy cụ chẳng còn cái răng nào. Thì ra củ khoai dẻo quá, dính chặt miệng bà cụ, đến khi cạy miệng mấy cái răng dính theo khoai, trôi cả vào bụng…”.
Tôi đang định nếm thử củ khoai dẻo ấy thì một cô gái trẻ đi bộ rẽ vào quán khóc thút thít: “Đêm qua em bị bố chồng mắng oan. Tất cả cũng vì con chó Dạng nuôi trong nhà”. “Sao thế? Kể cho chị nghe xem nào”- chị chủ quán lo lắng. “Đêm qua, con chó Dạng gặm một khúc xương chui vào gầm giường nhai rau ráu. Chồng em không ngủ được, thét đuổi chó: Dạng ra... Dạng ra. Bố chồng em nằm ở buồng ngoài vùng dậy, quát lớn: “Úi giời, bọn mày cứ tú tí như chốn không người ấy, khe khẽ chứ…”. Cả quán nước cười lăn ra…
Ông Hán Mạnh Hiểu, đội phó “Đội văn nghệ và nói khoác” của làng, cho biết: “Cách nói chuyện tếu táo đã thấm vào máu thịt của dân trong làng, người nơi khác đến nghe người Văn Lang nói chuyện là cứ ngẩn ra”.
Cụ Hán Văn Sinh, một trong những bậc thầy của làng nói khoác Văn Lang bảo, do đây là vùng trung du xa xôi, cách trở nên từ xa xưa nụ cười, tinh thần lạc quan đã là “công cụ” hỗ trợ giúp con người chống chọi lại những khắc nghiệt của thiên nhiên, các loài thú dữ, giặc ngoại xâm. Những câu chuyện nói khoác còn có tác dụng khuyên nhủ, nhắc nhở nhau từ bỏ những thói tật xấu. Nghệ thuật nói khoác của Văn Lang là ở chỗ biết quan sát, dựng truyện, biến những cái tưởng như bình thường thành những truyện cười.
Người làng Văn Lang còn thành lập hẳn một “đội nói khoác” đi lưu diễn khắp trong và ngoài tỉnh; và hàng tháng, hàng quý làng thường tổ chức các hội diễn, hội thi nói khoác để dân làng thi thố tài nghệ với nhau, từ đó chọn ra những “trạng nguyên nói khoác”. Đặc biệt, vào dịp tháng giêng âm lịch hàng năm, làng mở hội thi để chọn “Đệ nhất nói khoác Văn Lang”.
Đang nói chuyện với chúng tôi, có bà hàng xóm sang nhà mượn con dao cắt rau muống, anh Hiểu bảo ngay: “Em chả tiếc gì với bác đâu, nhưng bác dùng thì phải cẩn thận: con dao nhà em cứ là sắc hơn nước đấy. Hôm qua nhà em dùng dao thái thịt lợn, quên không rửa gác trên giàn. Con chó mực vươn cổ lên liếm thế là đứt cả lưỡi, mẩu lưỡi vẫn còn nguyên đây”. “Thế con chó đâu rồi?”- bà hàng xóm hỏi. “Thì thịt đãi khách luôn chứ sao nữa”...
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, ở VN có 16 làng cười tiêu biểu như làng Văn Lang (Tam Nông, Phú Thọ), làng Phụng Pháp (huyện Yên Dũng, Bắc Giang),làng Tiên Lục (huyện Lạng Giang, Bắc Giang), làng Trúc Ô (huyện Quế Võ, Bắc Ninh), làng Vĩnh Hoàng (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị)… Mỗi làng cười có nghệ thuật gây cười riêng như nói khoác, nói tức, nói ngang, nói giễu, nói khoe…
VŨ BÌNH và các phóng viên báo TUỔI TRẺ

Phần 04: Lục Vân Tiên trên đường phố - Những vòng xe nuôi ước mơ

Posted by Kenny Phạm 0 nhận xét
Nhiều người bảo dân xe ôm thường thô lỗ, cọc cằn. Nhưng trong những ngày làm phu xe, tôi đã gặp bao hình ảnh tốt đẹp, bao con người đáng yêu đang âm thầm nuôi những giấc mơ ngày mai…
Anh Nguyễn Văn Hùng, người phu xe đã cưu mang tôi trong những ngày ở bến xe miền Tây cứ dặn đi, dặn lại rằng: “Nghề nào cũng phải có đạo đức của nó. Đừng vì tham tiền mà chém khách, nhất là dân vừa dưới quê lên. Nên nhớ mình cũng xuất thân từ quê ra…”. Tôi đã từng được nghe những đồng nghiệp kể chuyện anh Hùng “khai trừ” một phu xe vì dắt mối cho gái mại dâm và từng  phóng xe đuổi bắt bọn cướp giật trên đường.
Dẫn tôi về căn nhà nhỏ chỉ chừng 20 m2 trong con hẻm trên đường Lý Chiêu Hoàng, anh Hùng chỉ cho tôi xem tấm bằng khen của công an quận về thành tích bắt cướp của anh, được treo trang trọng cùng với các tấm bằng khen về thành tích học tập của hai cậu con trai đang học lớp 6 và lớp 8. Nhiều đồng nghiệp trẻ gọi anh Hùng là Lục Vân Tiên, còn anh chỉ nói đơn giản: “Thấy chuyện bất bình ngoài đường là tao không chịu nổi, phải ra tay thôi”. Vợ anh bị bại liệt, chỉ nằm một chỗ, ba cha con thay phiên nhau chăm sóc. “Khổ thì khổ nhưng không để người đời khinh khi, có người thấy mấy tấm bằng khen bảo tao háo danh, nhưng đối với mấy đứa nhỏ thật quan trọng. Cha chúng chạy xe ôm có gì mà xấu ?” - anh Hùng nói. Một lần, câu con trai anh nhặt được cái bóp của ai làm rơi trước cổng trường, trong có 800.000 đồng, cậu bé mang về khoe với cha. Anh Hùng bắt con đem vào trường nộp lại cho ban giám hiệu: “Nghèo thì nghèo, không phải của mình thì không nên lấy con ạ”.
Trong đợt tổng kết “Phong trào quần chúng tham gia bắt cướp” của quận 12, thượng tá Nguyễn Văn Liêm, phó trưởng công an quận, cho biết: “Thật bất ngờ, khi chúng tôi thống kê, cả quận có trên 1.500 người hành nghề xe ôm thì đã có hơn 200 người trực tiếp tham gia bắt cướp hay thu thập, cung cấp các nguồn tin giá trị cho công an phá án trong hai năm qua. Anh Phạm Văn Sang, ngụ khu phố 3, phường Thạnh Xuân, quận 12, chạy xe ôm ở ngã tư An Sương, đã tham gia bắt cướp đến ba lần, trong đó có lần đã lao thẳng xe vào để bắt cho bằng được bọn cướp cạn”.
=========================
Những vòng xe nuôi ước mơ
 Một buổi trưa đang ngồi chờ khách ở bến Đinh Bộ Lĩnh, tôi thấy một đồng nghiệp có tuổi móc trong bao nilông ra một quyển giáo trình đại học môn triết học Mác- Lênin. Tò mò, tôi lân la làm quen, ông Nguyễn Văn Chật, người phu xe ấy, không giấu vẻ hãnh diện: “ À, của con gái tao đó.
Nó nhờ tao mua giùm, đang đọc xem người ta viết gì trong đó. Nó mới vào đại học, tao mừng ghê!”. Cả buổi sáng ông Chật cứ nói về cô con gái mới đậu đại học với mọi người ở bến, thậm chí đến lượt xe ông cũng chẳng màng. Tôi hiểu được niềm vui lớn của người phu xe một đời lam lũ. Thật ra, ba người con lớn của ông đều đã tốt nghiệp đại học và đã đi làm, cô con gái út Nguyễn Thị Hồng vừa mới trúng tuyển vào đại học. Gần 15 năm ông khổ nhọc chạy xe ôm, vợ ông bán nước sâm ven đường, hai ông bà đưa cả bốn con vào đại học - quả là một kỳ công lớn.
Bây giờ ông Chật đã có được niềm vui riêng: căn nhà nhỏ ở ngay khu chợ An Nhơn, phường 17, quận Gò Vấp của ông đã được những người con lớn  góp tiền lương dành dụm xây lại khang trang chứ không còn dột nát như trước. Dù các con đã nhiều lần khuyên ông thôi nghề xe ôm nhưng ông vẫn tiếp tục vì không muốn nhờ vả các con: “Vả lại cái nghề đã theo mình hàng chục năm nay, nuôi cả gia đình bỏ không đành”.  
Anh Huỳnh Cường, chạy xe ôm “quốc tế” ngay tại ngã tư Lý Tự Trọng – Hai Bà Trưng, cũng đang dồn hết những đồng tiền kiếm được lo cho hai con còn đi học. Vợ anh ở nhà chăm lo cho bà mẹ già, con lớn của anh chị học trường nghề đã ra trường, hai đứa nhỏ hơn đứa học cao đẳng, đứa học phổ thông. Mấy năm trước, để có tiền cho con ăn học, anh Cường chạy xe liên tục từ sáng tinh mơ hôm trước đến nửa đêm hôm sau không nghỉ, nhiều đêm anh ngủ ngục ngay trên hè phố. Anh kể, có lần gặp phải hai tên trấn lột, chúng lục túi lấy 300.000 anh dành dụm mấy ngày để cho con đóng học phí. Lo cho con, anh nài nỉ bọn trấn cướp: “Số tiền này tui dành dụm cho đứa con gái ngày mai đi đóng học phí, không có tiền thì nó bị đuổi học…”. Không hiểu có phải vì động lòng trước nỗi khốn cùng của người phu xe mà bọn trấn cướp trả lại tiền và bỏ đi...    
Huỳnh Thu Hà, cô con gái của anh Cường đang học năm thứ nhất Trường cao đẳng Kinh tế đối ngoại, còn cậu con trai út đang học lớp 7. Anh Cường kể, ngày bé Hà thi đậu vào trường cao đẳng, gia đình anh vui như tết, anh dành cả ngày chở Hà đi một vòng khắp thành phố như một phần thưởng cho con. Từ hơn một năm nay, vị khách quan trọng nhất của anh Cường chính là cô con gái của anh. Cứ đúng 6 giờ sáng, dù khách sộp đến đâu anh cũng từ chối để đưa con gái tới trường, đến 5 giờ chiều lại lo đón con về. “Để nó đi xe đạp thì tội nghiệp và không yên tâm. Tôi thấy nhiều đứa trong trường nó cũng đi xe ôm, sao nhà có xe ôm mà không đi?” - anh Cường lý sự và cười thật to.
Tôi quyết định “bỏ nghề” sau gần ba tuần lễ cùng sống với giới xe ôm. Tôi lục túi, đếm tiền: trừ chi phí xăng cộ, bến bãi, trong khoảng thời gian ấy tôi kiếm được gần 400.000 đồng. Dự định chiều nay mời những đồng nghiệp đi làm một chầu chia tay, nhưng anh Hùng khoát tay: “Thôi thôi, chiều nay tao phải về đưa thằng nhỏ đi học thêm rồi, hôm khác đi…”.
Nói rồi anh Hùng phóng xe vào dòng người giờ tan tầm…
Ở huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương có một đội xe ôm mang tên “Đội xe ôm cứu nạn”. Những người phu xe nơi này tình nguyện đứng ra làm những người cứu nạn, cứu thương cho khách qua lại đoạn đường nguy hiểm như quốc lộ 1K, quốc lộ 1A… Đã có hơn 50 nạn nhân bị tai nạn giao thông được những phu xe sơ, cấp cứu, chở đến bệnh viện chữa trị kịp thời. Những thành viên trụ cột của đội, các anh Nguyễn Thành Hưng, Vũ Xuân Linh…, phần lớn đều ở nhà trọ, cuộc sống hết sức chật vật, bữa no, bữa đói nhưng họ vẫn quên mình vì tình người.
VŨ BÌNH và các phóng viên báo TUỔI TRẺ

Phần 03: Những giấc mơ nhỏ nhoi

Posted by Kenny Phạm 0 nhận xét
-“Vậy là được rồi chứ đòi gì nữa?” - ông Trần Văn Thái, một lão làng xe ôm “quốc tế” ở cạnh bến xe miền Đông nói vậy khi tôi than hôm qua chạy cả ngày mà chỉ kiếm được 30.000 đồng.
Ông Thái tính toán: “Ngày nào đắt khách lắm cũng cỡ bảy, tám chục là cùng. Trừ chi phí xăng cộ, tiền chợ cho cả nhà thì cũng dư được mấy đồng. Gặp bữa trời mưa cả ngày trời chạy một hai, cuốc, xem như lỗ chắc, mà dạo này xăng lên quá ai cũng rên cả…”.
Bữa cơm chiều của tôi và ông Thái tại một quán cơm bình dân dành cho cánh xe ôm trên đường Nguyễn Xí giá chỉ  3.000 đồng một đĩa, vài cọng rau xào với một miếng đậu hủ mỏng dính, lạt nhách, cơm thì khô khốc, chén canh lõng bõng toàn nước. Tôi không nuối nổi vì mệt còn ông Thái cứ xì xụp ngon lành. Ông đã sống đạm bạc như thế gần 10 năm rồi còn gì!
Gần 10 năm trước, vợ chồng ông Thái rời bỏ quê nhà miệt Cà Mau lên Sài Gòn. Không có nghề ngỗng gì, ông chạy xe ôm để trụ lại nơi đô hội nuôi vợ bệnh nan y suốt năm năm trời. Vợ ông mất vì bệnh ung thư năm 2000. Hai đứa con trai của ông Thái cũng nối nghiệp cha hành nghề xe ôm, một chạy ở bến xe Chợ Lớn, một chạy bến Nơ Trang Long. Cả gia đình xe ôm ấy, ban ngày mỗi người mỗi ngả, nữa đêm mới tụ về trong căn nhà nhỏ thuê trong một hẻm sâu hun hút trên đường Cây Trâm, Gò Vấp. Ba cha con ông Thái qui định với nhau hàng ngày sẽ cố dành dụm ra 10.000 - 20.000 đồng để cuối năm cho người con lớn lấy vợ, cô dâu tương lai cũng là một phu xe ôm! Vậy mà cái cuối năm của cha con ông Thái đã kéo dài gần ba năm rồi, hồi đầu năm ông bị đụng xe gãy chân, tiền thuốc thang đã ngốn đứt 2 triệu trong số 3 triệu đồng cha con ông đã dành dụm…
Đã hai ngày rồi không thấy ông Thái ra bến, tôi hỏi anh Minh, một đồng nghiệp trẻ cùng bến “quốc tế”, anh Minh thở dài: “Ổng lại bị tông xe nữa rồi, tội nghiệp ông già xui gì mà xui dữ vậy”. “ Sao vậy anh?”. “Ổng bị bọn choai choai quỵt tiền, còn đạp ổng té nữa chứ, tội nghiệp ông già chỉ có mấy đồng mà rước họa vào thân. Cái nghề này khốn nạn lắm, không gặp cướp cũng gặp trấn lột hay ăn quịt, tui cũng bị quịt cả chục lần rồi, may là chưa đụng cướp thôi…”. Chiều, tôi tìm đến thăm ông Thái, sâu hút trong con hẻm lầy lội  là một căn gác nhỏ rộng chỉ hơn 10 m2 vừa đủ để kê cái chiếu làm chỗ ngả lưng của ba cha con, ngoài ra hầu như không có một vật dụng nào khác có giá trị. Ông Thái bị gãy chân ngay chỗ cũ, mặt ông trắng bệt vì kiệt sức, không hề nói về vụ tai nạn mà ông chỉ than thở mà nước mắt lưng tròng: “Vậy là đám cưới thằng con lại hoãn nữa rồi, tội nghiệp nó cứ theo nghề cha, khổ thân…”.
Hôm nhập “bến” khu vực Hàng Xanh tôi rất quý ông Kỳ, người hiền lành, dễ gần, có mối nào sộp là ông nhường cho đám phu xe trẻ như tôi. Ai cũng nói ông Kỳ may mắn khi được bà chủ nhà lầu ba tầng đầu hẻm “hợp đồng” đưa hai đứa con của bà đi học, hai đứa học hai trường, mỗi tháng được trả 400.000 đồng. Để có được cái hợp đồng may mắn này, ông Kỳ buộc phải để đứa con gái ông đi bộ đến trường. Thấy ai có cái xe đạp cũ là ông lò dò đến hỏi mua, nhưng cái nào ông cũng lắc đầu: “Mắc quá, mắc quá…”. Ông nói với tôi: “Ráng chạy đến cuối năm mua cho đứa con gái cái xe đạp cũ”. Tôi cầu mong giấc mơ mua chiếc xe đạp cũ cho con gái của ông sớm trở thành sự thật...
Theo số liệu của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an TP.HCM, trong ba năm trở lại đây, bình quân mỗi năm xảy ra từ 60 - 70 vụ cướp xe ôm. Từ đầu năm 2005 đến nay đã xảy ra 32 vụ cướp xe ôm, trong đó có ba nạn nhân bị giết chết. Nghề chạy xe ôm được xem là một nghề nguy hiểm nhất trong những nghề tự do. Người chạy xe ôm thường bị đánh cướp và giết ở các địa bàn vùng ven như quận 2, 7, 9, 12, Hóc Môn, Bình Chánh…
Thượng tá Nguyễn Văn Liêm, Phó trưởng Công an quận 12, địa bàn làm điểm trong phong trào quần chúng phòng chống cướp xe ôm cho biết, các vụ cướp ngày càng hung tợn, táo bạo hơn. Gần đây, thủ đoạn mới của bọn cướp còn là dùng đối tượng nữ giả khách đi xe ôm sau đó đưa nạn nhân đến các khu vực tối, vắng để đồng bọn phục sẵn ra tay rồi tẩu thoát…
VŨ BÌNH và các phóng viên báo TUỔI TRẺ
====================
Những bông hồng trên đường gió bụi
Trong những ngày gió bụi cùng giới xe ôm, tôi phát hiện một điều: ở bến xe nào cũng xuất hiện những bóng hồng – những phụ nữ chạy xe ôm, có  những cô gái vừa mới bước sang tuổi đôi mươi. Và họ cũng quần quật với công việc lẽ ra chỉ dành cho nam giới …
Bữa đó, nhìn thấy ông khách già vừa bước ra khỏi cổng, tôi vội rà xe tới; chưa kịp cất tiếng mời thì một chiếc xe đâm xẹt vào giữa tôi và ông khách rồi một giọng nữ cất lên: “Đi đâu chú, con chở cho, con chạy xe đằm lắm, không ẩu như mấy cha nội này đâu!”. Đó là một phụ nữ trạc ngoài 30 tuổi, trông còn khá xinh với nụ cười rất tươi trên môi. Chờ chị  đưa khách đi rồi quay lại bến, tôi bước đến với giọng trách móc: “Sao chị giành khách của tôi vậy?”. Ngay lập tức chị dạy cho tôi một bài học về cạnh tranh: “Anh phải nhanh miệng hơn chứ, cứ đứng thần người ra vậy thì khó mà kiếm được khách… Khách ít, người chạy xe đông mà chậm như anh thì có mà ăn... cám!”.  Hồ Thị Oanh là tên chị phu xe ấy.
Buổi trưa ế khách, tôi mời Oanh ăn cơm chung. Chị tự giới thiệu: “Anh là lính mới chứ cả bến này ai cũng biết tôi, tôi ra xe đã được năm năm rồi, đường thành phố này tôi thuộc như lòng bàn tay!”. Vào nghề lâu như vậy nhưng Oanh không vào bất kỳ bến nào cố định, cứ làm dân “quốc tế” mà rong ruổi suốt. Gần sáu năm trước, Oanh cũng có một mái ấm gia đình khá hạnh phúc với một người chồng là con một gia đình khá giả ở Tuy Hòa, Phú Yên. Nhưng rồi người chồng nghiện cờ bạc, gia đình tán gia bại sản, Oanh quyết định chia tay, dẫn theo hai cô con gái đứa lớn 5 tuổi, đứa nhỏ sắp tròn 2 tuổi vào Sài Gòn kiếm sống. Thời gian đầu, Oanh bán bánh mì dạo, thuốc lá dạo ở bến xe nhưng thu nhập ít mà lại không ổn định. Thấy mấy anh, mấy chú chạy xe ôm có đồng ra đồng vô nên Oanh quyết định theo nghề. Như bao người phu xe nghèo khó không một đồng vốn, Oanh thuê chiếc xe gắn máy mỗi ngày 20.000 đồng.
“Thời gian đầu, tôi chỉ rước khách vào ban ngày. Chẳng dám chạy khuya khoắt vì còn con nhỏ, phần vì sợ cướp… Nhưng rồi cũng phải chạy cả ban đêm mới đủ sống. Khổ lắm, phụ nữ cực chẳng đã mới đi làm phu xe, dành dụm mãi mà vẫn chưa mua được cái xe Trung Quốc để chạy, chứ thuê xe mất đứt 20.000 đồng một ngày, đau quá!”. Mẹ chạy xe khuya khoắt, hai đứa nhỏ phải ở nhà tự lo cho nhau, đến tối khuya Oanh mới tranh thủ chạy về mua cơm hộp cho hai con. Nhiều bữa con bị sốt không dám bỏ con ở nhà một mình nên đành chở theo xe. Rước được khách thì Oanh cho con ngồi phía trước, khách ngồi phía sau, cứ thế mà đứa nhỏ cứ mê man theo mẹ đi cùng khắp.
Năm năm trời chạy xe ôm ở đất Sài Gòn, Oanh đã đối mặt với bao nhọc nhằn, cả chuyện bị gạ gẫm, sờ mó đến bị quịt tiền, trấn lột dọc đường… Tai nạn mà chị nhớ nhất là một lần gần 10 giờ đêm, một ông khách nam lớn tuổi, ăn mặc lịch sự nhờ chị chở về Thủ Dầu Một, Bình Dương. Đến đoạn đường vắng gã đàn ông bắt đầu sờ soạng rồi ôm xiết lấy Oanh. Hoảng hốt, Oanh đành buông cả tay lái làm xe ngã sóng xoài ra bên đường. Vừa may lúc đó, lực lượng dân quân địa phương đi tuần ngang, gã đàn ông lí nhí xin lỗi và đồng ý trả tiền xe rồi chuồn thẳng!
Những ngày ra xe ở khu vực bến xe miền Đông, tôi có được một đồng nghiệp nữ rất đáng quý, chị luôn chỉ dẫn cho tôi những bí quyết rước khách, cách luồn những con hẻm để đi đường tắt, tiết kiệm xăng nhất. Chị Đỗ Thị Minh đã ngoài 40, chỉ chạy xe vào ban đêm vì ban ngày chị  phải dành trọn thời gian chăm sóc cho cô con gái đang học năm thứ 4, khoa tin học Trường đại học Khoa học tự nhiên. “Trước đây chị làm nghề giác hơi, còn ổng thì chạy xe ôm, từ hồi ổng bị gai cột sống, không thể chạy nhiều, chị  mới ra xe phụ ổng…” - chị Minh tâm sự. Cả hai vợ chồng chạy vạy khắp nơi mới mua được chiếc Citi cũ, mà cũng phải trả góp tới nay vẫn còn mang nợ. Hồi mới ra xe chị Minh cũng ngại chở khách nam vì người lạ hoắc ngồi sau lưng lại ôm cứng lấy mình, nhưng rồi khách chọn mình chứ mình đâu có quyền chọn khách, chị chấp nhận chở khách nam. Do chị chạy xe khá cẩn thận nên nhiều khách buôn bán liên tỉnh tin tưởng, trở thành “mối ruột” của chị.
Tôi đến thăm nhà chị Minh, một căn nhà tình thương nằm trong hẻm sâu đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh. Trong nhà chỉ có một cái giường lót ván là nơi ngủ, ăn, sinh hoạt của cả gia đình. Ngôi nhà chật cứng vậy mà hai vợ chồng chị cũng nhín ra, dành riêng một góc học tập cho con. Mỗi chiều, sau khi chở con đi học về, cơm nước xong là chị lại cùng chồng ra bến xe miền Đông sẵn sàng cho những chuyến xe đêm.
Chị Minh nói, chạy xe đêm cực khổ và nguy hiểm nhưng được cái tiền công cao hơn ban ngày mới mong đủ tiền cho con ăn học. Tháng nào con cái ốm đau, xe cộ hư hỏng chị lại phải vay nóng để trang trải. Anh Tài, chồng chị Minh, than thở: “Lắm lúc thấy vợ chạy xe ôm khuya khoắt, đủ thứ nguy hiểm mà xót cả dạ, tui kêu bả nghỉ đi nhưng bả không chịu, cứ nằng nặc đòi đi xe phụ tôi. Bả cứ nói đời mình khổ vậy rồi chắc không khổ hơn được nữa, thôi thì ráng làm cho con cái có danh có phận với đời…”.
Chị Phạm Thị Diễm Phúc, một trong những phu xe nữ thâm niên nhất ở bến xe Miền Đông, cho biết chị từng thấy nhiều đồng nghiệp sớm bỏ nghề vì không chịu nổi cái khắc nghiệt của nghề phu xe nữ. Chồng chị Phúc cũng chạy xe ôm nhưng anh phải thừa nhận chị vợ “cày” ác chiến hơn anh; lâu lâu anh còn nghỉ vì đau ốm trong khi chị chưa một ngày rời tay lái. Câu chuyện về một phu xe nữ ở bến xe miền Đông bị bọn đạo tặc trói giữa đồng trống ở quận 12 rồi cướp xe đã làm hàng loạt chị bỏ nghề. Trong số các chị xe ôm tôi đã gặp, khá nhiều chị đã lớn tuổi và thường có chồng cùng nghề. Có chị nói: “Còn trẻ thì đố đứa con gái nào dám ra xe đón khách, mắc cỡ lắm!”. Vậy mà hôm chở khách đi tới cầu vượt ngã tư Bình Phước, tôi gặp một đồng nghiệp nữ rất trẻ chỉ mới 20 tuổi. Quê ở Cái Bè, Tiền Giang, gia đình rất nghèo, học hết lớp 9, Nguyễn Thị Hoa bỏ lên Sài Gòn kiếm sống. Ban đầu cô xin vào làm công nhân may ở Khu công nghiệp Sóng Thần nhưng lương thấp lại tăng ca liên tục, thấy mấy anh xe ôm ngày nào cũng có khách, thu nhập đều đều, Hoa cùng một cô bạn đồng hương chợt nghĩ: Sao con gái lại không thể chạy xe ôm nhỉ? Cả hai cùng dành dụm mua xe và gia nhập đội quân xe ôm đông đúc. Hành nghề mới có một năm mà cả Hoa và cô bạn gái đã gặp tai nạn khủng khiếp. Một gã bất lương đánh thuốc mê cô bạn gái Hoa, khi tỉnh dậy cô thấy mình đang nằm tại một nhà nghỉ ở Lái Thiêu. Chiếc xe Trung Quốc, cái cần câu kiếm cơm đã biến mất cùng với đời con gái! Còn Hoa bị một trận đòn ghen thừa sống thiếu chết khi chở một vị khách nam, bà vợ ông này nghi Hoa là tình nhân của chồng mình! Sau tai nạn, cô bạn bỏ đi biệt tích, Hoa vẫn tiếp tục theo nghề nhưng với một nguyên tắc: không bao giờ chở khách nam!
Giữa trưa nắng chang chang, Hoa vẫn đứng đón khách dưới chân cầu vượt, cô kể: “Em có bạn trai rồi, ảnh làm trong khu công nghiệp, ảnh không bao giờ cho ai biết bạn gái mình chạy xe ôm đâu, em cũng thấy hơi ngại ngại nhưng rồi em nghĩ nghề nào cũng tốt, miễn sao tự lo được cuộc sống cho mình là quý rồi. Em định chạy vài năm nữa dành ít tiền làm vốn ra mở tiệm uốn tóc. Tính thì tính vậy chứ chưa biết khi nào mới đủ tiền đây, xe ôm bây giờ ra nhiều quá, phải mau mồm mau miệng lắm mới bắt được người khách…”. Một người đàn bà che dù đi tới, Hoa gạt chống xe thật nhanh và rồ ga phóng tới trước cả những đồng nghiệp nam, cô nói vọng lại: “Cuốc này em đi cho, từ sáng tới giờ chưa được cuốc nào…”. Bà khách có vẻ mãn nguyện khi thấy cô xe ôm trẻ, yên lòng ngồi lên xe…
VŨ BÌNH và các phóng viên báo TUỔI TRẺ
 

Phần 02: “Luật xe ôm” - Nguy hiểm chực chờ trong đêm

Posted by Kenny Phạm 0 nhận xét
Bài học đầu tiên mà tôi được các đại ca tập huấn là “luật… xe ôm”! Tôi thuộc dạng xe ôm “quốc tế”, nghĩa là xe ôm không ai quản lý, nhưng phải chấp hành những “luật lệ” khắc nghiệt: không được xâm phạm “bờ cõi” của nhau, nếu xảy ra phải chấp nhận… đổ máu.
Đậu xe ở bến nào chỉ được đón khách ở bến đó. Chẳng hạn trên cùng một đoạn đường Kinh Dương Vương có tới hàng chục bến, khi khách không đồng ý giá, bỏ đi, phu xe không được rề theo chèo kéo vì coi chừng lấn sang lãnh địa bến khác.
Khu vực bến xe miền Tây có đội ngũ xe ôm hùng hậu, gồm ba đội với tổng số trên dưới 200 người, do bến xe quản lý, mặc đồng phục xanh lơ. Trong đó đội 1 được gọi là “nhà vua” với trên 100 người, được đón khách trong phạm vi xe khách đỗ, còn đội 2 là “cận thần” với gần 50 người, chỉ được đón khách trong phạm vi từ khu vực cửa vào bến. Riêng đội 3 có quân số gần 50 người chỉ hoạt động từ 17 giờ hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau. Lằn ranh để phân biệt giữa đội “cận thần” và “nhà vua” là cái barie đặt ngay cổng với luật hẳn hòi: khi khách không đi xe của “nhà vua” thì mới đến lượt “cận thần” mời chào và cứ “lọt sàng xuống nia”: khi khách bỏ qua bên kia đường thì mới đến lượt dân “quốc tế” như tôi. Thật khó mà chen chân vào giới “nhà vua” và “cận thần” vì hoạt động của họ đã đi vào nền nếp, nhân sự ổn định, ít khi nhận thêm người.
Dân chạy xe “quốc tế” còn có qui luật riêng, một thành viên mới gia nhập như tôi, ngoài việc “chào sân” một chầu nhậu thì tùy theo vị trí bến có khách nhiều hay ít mà phải chung chi một khoản “phí nhập bến” từ vài trăm đến vài triệu đồng. Anh Hùng nói: “Nếu bến ở các khu công viên, các chợ, bến xe thì phí nhập bến ít nhất cũng 2-3 triệu đồng và phải có người giới thiệu, bảo lãnh. Số tiền này chia cho “chủ bến” một phần ba, số còn lại chia cho các anh em trong bến gọi là quỹ phòng khi hữu sự đau ốm có cái mà chăm lo.
Sang trọng và dữ dằn nhất là loại xe ôm “quý tộc” chuyên chở em út cho các nhà hàng, khách sạn ở các khu trung tâm. Muốn vào giới này thì “phí” ít nhất cũng 5-10 triệu đồng. Nhưng theo anh Hùng thì không nên dây dưa với bọn xe ôm “quý tộc” vì thực chất chạy xe ôm với họ chỉ là phụ, cái chính là bảo kê, chăn dắt gái gú, thậm chí kiêm luôn trấn lột mấy ông khách hảo ngọt.
Tưởng cái nghề bèo bọt này ai làm cũng được, nhưng chỉ mới sau năm ngày ra ngồi ở bến dưới trời khi nắng chang chang, khi mưa như trút nước mà tôi đã sạm người đến héo quắt, miệng, mũi, mắt lúc nào cũng lợn cợn cát bụi. Không có khách thì buồn nhưng gặp khách là mấy chị buôn gà, vịt từ quê lên lại sợ, nào là cần xé, túi xách phải chở hết, thậm chí chiếc cần xé to đùng vậy mà bắt phải để phía trước, phân vịt, gà tung khắp người. Có hôm một chị còn kêu chở gần chục chú heo mọi, phân heo trây trét đầy người đến ba ngày sau vẫn còn nặng mùi. Một đại ca còn bảo: “Nghề này là vậy, tao còn chở cả xác chết nữa kìa!”…
==============
Đường phố về khuya vắng lặng, từ hôm giá xăng lên mấy anh trong bến của tôi ít đi rảo tìm khách mà thường về sớm, vì  bặm trợn như Thành mà có ngày rảo hết cả lít xăng kiếm được người khách nào đâu. Cái oi nồng mấy hôm nay bỗng dưng bị xua tan bởi một cơn giông.
Gió giật, mưa bắt đầu rơi lất phất. Hai người đàn ông xuất hiện cạnh tôi, nói lạnh lùng: “Ê, đi quận 7 bao nhiêu?”. Nhìn hai người khách nón che khuất mặt, trên cánh tay phải của gã cao to xăm hình con rắn hổ, tôi chợt rùng mình nhớ lời anh Hùng căn dặn: “Dạo này cướp xe ôm dữ lắm, thấy an toàn hẵng đi, đứng tiếc mấy chục ngàn mà toi mạng. Đừng đi khách lạ, nhất là những đoạn đường vắng như khu đô thị mới quận 7…”. Tôi ra giá như lời từ chối: “Bảy chục!”. Không nói không rằng hai gã đàn ông leo lên xe ngay và ôm cứng lấy tôi. Bủn rủn cả tay chân, nhưng cọp đã leo lên lưng rồi làm sao đây? Tôi rú ga phóng đi trong cơn mưa trong đêm lạnh thấu xương…
Con đường như dài hơn mỗi khi hai vị khách ngồi sau thì thầm to nhỏ với nhau gì đó, cứ mỗi lần chạy ngang qua đồn công an còn sáng đèn là tôi  cố tình chạy chậm lại để xem phản ứng của hai vị khách lạ… Khi đến khu vực vắng vẻ thuộc phường Tân Thuận Tây, gã thanh niên ngồi sát vỗ vai tôi: “Dừng lại… dừng lại…”. Hai gã bước xuống xe rồi đi thẳng, tôi chạy rà theo: “Anh hai... cho xin tiền xe…”. Gã thanh niên có hình xăm quay lại, lôi trong túi  quần ra một cái ống chích, hăm he: “Trả bằng cái này được không? Tao đâm một cái là mày tiêu luôn chứ đòi tiền cái gì”. Rồi cả hai lủi vào hẻm mất dạng. Một bà ngồi bán quán cóc bên lề đường nói vọng sang: “Thôi con ơi, gặp tụi nghiện xì ke rồi, đừng giây vào làm gì, về đi…”. Tôi phóng xe đi trong cảm giác bàng hoàng…
Mang chuyện đụng đầu bọn nghiện đêm qua ra kể cho những đồng nghiệp “quốc tế” nghe, vậy mà ai cũng bảo tôi may là không gặp phải bọn cướp cạn. Anh Nguyễn Hùng Biên ghé đầu cho tôi xem một vết sẹo dài, cho biết anh may mắn sống sót sau một vụ cướp kinh hoàng một năm trước. Anh kể, lúc đó đã gần 12 giờ khuya, anh đang chuẩn bị về nhà thì có một người đàn ông trạc 40 tuổi đến thuê xe ôm về Củ Chi. Qua ánh đèn đường, anh Biên nhìn thấy một gương mặt khắc khổ, giọng nói của người miền Tây, quần áo đã cũ nhưng khá lịch sự nên anh yên tâm nhận chở đi. Sau khi thỏa thuận giá cả, người đàn ông đồng y trả 80.000 đồng. Thấy số tiền lớn trong khi cả ngày anh chỉ mới kiếm được có 20.000 đồng nên anh nhận lời. Đi đến khu vực đồng trống giáp ranh giữa Hóc Môn và Củ Chi, người khách bỗng kêu lên: “Dừng lại, rớt dép rồi…”, anh Biên vừa dừng lại thì người đàn ông lịch sự đã biến thành con quỷ dữ rút chiếc búa từ trong túi xách ra đập mạnh vào đầu anh khiến máu tuôn xối xả, anh gượng dậy chạy được vài bước rồi té xỉu bên bờ ruộng. Gần 4 giờ sáng mới có người phát hiện, đưa anh đi cấp cứu. Anh Biên bị chấn thương sọ não nằm viện gần cả tháng trời. Tiền thuốc men tiêu tốn cả chục triệu nhưng đau hơn vết thương là chiếc xe anh thuê phải vay mượn khắp nơi để đền cho chủ xe hết gần 10 triệu. Anh Biên lắc đầu: “Chạy xe ôm gần 15 năm vẫn chưa dành dụm mua được cái xe, vậy mà còn gặp cướp. Vợ tôi bảo: còn cái mạng là may để em đi bán vé số kiếm tiền trả nợ, thấy vợ cực khổ quá tôi đành phải thuê xe chạy tiếp, nợ nần chồng chất không biết khi nào mới trả xong đây…”.
VŨ BÌNH và các phóng viên báo TUỔI TRẺ

Phần 01: Lời giới thiệu - Phố đèn đỏ

Posted by Kenny Phạm 0 nhận xét
Phóng sự – ký sự trên báo luôn thu hút người đọc bởi đó những câu chuyện nóng hổi của cuộc sống muôn mặt được ghi chép lại, đặc biệt là với sự can dự trực tiếp của tác giả – người phóng viên vào chính câu chuyện.
Để có được những phóng sự, ký sự trong tập sách này (đã đăng nhiều kỳ trên báo Tuổi Trẻ), phóng viên Vũ Bình và các đồng nghiệp của anh đã vào nhiều vai khác nhau: từ người chạy xe ôm, người bán vé số dạo đến anh cửu vạn thồ hàng vùng biên giới và cả vai một người bệnh tâm thần. Họ còn đến nhiều vùng đất khác nhau, từ hoang mạc Ninh Thuận khô khốc đến những làng biển buồn thiu các tỉnh miền Tây Nam bộ; từ các làng cười ngộ nghĩnh xứ Bắc đến những cộng đồng người Việt đang ăn nên làm ra trên đất bạn Lào; từ xứ sở của những phụ nữ Karen cổ dài ngoằng đến khu phố đèn đỏ Patpong nổi tiếng ở Thái Lan.
Chỉ bằng sự thâm nhập thực tế cuộc sống, người viết mới khám phá những bí ẩn chưa được biết đến, tìm thấy những phận người trôi dạt theo dòng đời vô định, chứng kiến bao cảnh ngộ thương tâm bên cạnh những tiếng cười sảng khoái, những tấm gương thành đạt ở xứ người...  Chính từ nguồn vốn cuộc sống dồi dào ấy, các tác giả đã chắt lọc để làm nên những trang viết sống động, nặng trĩu những nỗi đau đời mà cũng chứa chan tình người dẫu trong những hoàn cảnh thật khốn khó.
Chỉ khi đi cùng những người du mục chăn thả gia súc trên hoang mạc nắng gió, người viết mới biết được “nhiều gia đình (du mục) phải đi mỗi ngày cả 40 – 50 km. Không ai có thể nhớ được mình đã di chuyển bao nhiêu cây số trong đời cùng với các đàn bò, đàn dê, đàn cừu, nhưng có người đã làm nghề này đến nửa thế kỷ rồi...” (Đi cùng du mục), hay khi nhập vai cửu vạn mới hay “có những người đến đây làm cửu vạn cả chục năm nhưng cũng chẳng tiết lộ với ai về thân phận của mình, bao năm cũng không về quê và cũng chẳng có ai lên thăm họ. Đến khi gặp tai nạn lìa đời thì anh em chỉ biết ghi trên bia mấy dòng...” (Cửu vạn vùng biên). Từ phố Patpong kinh doanh tình dục, phóng viên tìm được cô cựu “hoa hậu nhà thổ” nay đang tích cực chống lại căn bệnh thế kỷ AIDS và giúp đỡ những cô gái đang lội trong bùn nhơ (Phía sau “phố đèn đỏ”). Và chỉ sống cùng những người đi bán vận may thì tác giả mới có được cái tổng kết rất đắt “Cuộc đời người đôi khi cũng giống như tấm vé số: hên, xui, may rủi, biết đâu mà lường. Quan trọng là biết cưu mang, đùm bóc lấy nhau trên những nẻo đường tìm kế sinh nhai như tâm niệm của những người đi bán ước mơ mà tôi đã gặp” (Đi bán giấc mơ triệu phú).
Không chỉ có giấc mơ triệu phú, những giấc mơ được sống đầy đủ, được sống hạnh phúc, được sống tốt đẹp hơn có ở khắp các trang sách của tập phóng sự – ký sự này.
NGUYỆT CẦM
=====================
Đời xe ôm
Xe ôm là một nghề không cần đào tạo, bất cứ ai cũng có thể “hành nghề”, nhưng đó là một nghề nguy hiểm với 10% các vụ trấn cướp là án mạng. Có sống nhiều ngày trong giới xe ôm lam lũ này tôi mới hiểu ra đằng sau gió bụi đường phố là những câu chuyện xúc động, có khi đầy nước mắt…
Chỉ cần khoác lên người bộ quần áo cũ, một chiếc mũ bảo hiểm, đôi dép nhựa,  tôi đã có thể lên đường hành nghề xe ôm. Vậy mà mọi chuyện không hề đơn giản: nghề nào cũng có “luật” của nó cho dù đó là một nghề hạ bạc nhất.
Ngày đầu ra xe
TTO - Lòng vòng qua nhiều nẻo đường, tôi quyết định tấp xe vào lề đường Kinh Dương Vương, cạnh bến xe miền Tây. Còn đang xớ rớ chưa tìm được chỗ đậu thì một người phụ nữ lớn tuổi từ bến xe đi ra, hỏi: “Về Lăng Cha Cả bao nhiêu tiền vậy chú?”. “Dạ… cho con… 20.000 đồng…”, tôi ngần ngừ, nói đại.
Bà khách chưa kịp mặc cả thì “bốp !” một cú tát như trời giáng vào giữa mặt tôi kèm theo tiếng chửi thề: “Đ.M, ở đâu tới đây mà giựt mối vậy mậy?” - một gã cao to đen thui chỉ vào mặt tôi. “Dạ, em xin lỗi… em không cố ý…”. “Cố ý cái gì, Đ.M tao đập chết mẹ, qua đây tao làm việc coi!”. Lúc này tôi mới định thần nhìn về bên góc đường đối diện, ở đó có một “bến” xe ôm với ba bốn người nhìn về phía tôi như muốn ăn tươi nuốt sống. Tôi dắt xe đi lại phía họ, ấp úng mở lời: “Em mới từ dưới quê lên... Chưa kiếm đươc việc làm. Mấy anh thương cho em vào bến kiếm sống với…”.
Một người trạc chừng 40 tuổi, có vết thẹo trên má trái, hất hàm nói: “Mày tìm chỗ khác đi, bến này khách ít, nhiều tài làm gì tới mày?”. Tôi lí nhí định tháo lui thì người lớn tuổi nhất trong nhóm lên tiếng: “Thôi, cho thằng nhỏ nhập bến đi , nhưng tối nhớ chào sân mấy anh nghen mậy…”.
Ngày đầu tiên “vào bến” từ 12 giờ trưa chờ đến gần 3 giờ chiều mới đến lượt “tài” của mình. Cuốc đầu đưa khách về bùng binh Cây Gõ, tôi được 10.000 đồng. Chập tối, vừa định mua một ổ bánh mì gặm cho đỡ đói thì có khách. Một người đàn ông vừa từ Rạch Giá lên gọi đi quận 9, các “đại ca” đã đi hết, tôi chưa ước tính được độ xa của quãng đường thì ông khách cất tiếng: “Ba chục đi hôn?”. Tôi gật đầu khi nghĩ quận 9 là ở xa lộ Hà Nội, vậy mà khi tới Long Trường, gần chợ Nhỏ, quận 9 , ông khách vẫn khăng khăng chưa tới, hóa ra còn phải đi gần chục cây số nữa, vòng vèo qua hàng chục con hẻm ổ voi, ổ gà mới đến nơi. Một cuốc xe 30.000 đồng tôi đi gần hai tiếng đồng hồ!
Về lại bến, cả nhóm đại ca xe ôm đã tề tựu chờ “tân binh”. Chúng tôi kéo ra quán cóc làm lễ chào sân với ruợu đế, hột vịt lộn ngay bên hông bến xe. Những người coi bặm trợn vậy mà chỉ mới vô có hai xị đã trở nên thân thiện. Anh Nguyễn Văn Hùng, người tốt bụng đã nhận tôi vào bến, dân xe ôm chuyên nghiệp nuôi vợ bị bại liệt và hai con nhỏ, hỏi cuốc xe tôi vừa đi về kiếm được bao nhiêu, khi nghe tôi nói ba chục, anh chửi lớn: “Đ.M, mày chạy kiểu này có nước bán xe ôm mà chạy xích lô quá, xăng lên ào ào, đi quận 9 ít nhất cũng phải bốn chục. Mày phá giá kiểu này anh em chịu sao thấu! Đời tụi mình cực như phu xe ngày trước, phải tính toán ghê lắm mới sống được”. Còn người đánh tôi lúc sáng lại có cái tên phúc hậu - Huỳnh Đức Thành, cũng là người có học vấn cao nhất trong bến. Thành có bằng cử nhân quản tri kinh doanh, từng làm cho một công ty TNHH bên quận Bình Tân nhưng rồi công ty giải thể, hùn hạp làm ăn thì thua lỗ, nợ nần ngập đầu, gia tài chỉ còn có mỗi chiếc xe Trung Quốc để chạy xe ôm nuôi mẹ già trong một căn nhà trọ bên phường An Lạc. Thành đưa ly rượu và vỗ vai tôi: “Đừng buồn nghe. Qui luật ở đây là vậy, tao mà rề qua bến khác cũng bị ăn đục như thường!”. Thành kể ba năm xe ôm anh đã phải đụng độ gần 20 trận, có trận đánh người ta mà cũng có lúc bị người ta đánh mềm xương và có lần phải vào bệnh viện nằm hơn hai tuần lễ.
VŨ BÌNH và các phóng viên báo TUỔI TRẺ

Phần 04: Người đàn bà bí ẩn

Posted by Kenny Phạm 0 nhận xét
Ra khỏi tòa án, tôi đi giữa mẹ và em gái. Đầu óc nhẹ tênh, tôi như chiếc bong bóng chực bay lên trời. Em gái tôi huyên thuyên: “Mình đi ăn gì đi. Đúng rồi, em biết một hàng bán món Huế rất ngon. Đi nhé?”. Mẹ tôi cau mặt: “Ăn uống gì? Về nhà cho chị còn nghỉ”. Em gái tôi kêu lên: “Còn khối thời gian cho chị ấy nghỉ.
Mẹ cứ làm cho mọi chuyện căng thẳng thêm làm gì? Xong cả rồi”. Ừ, thì phải, xong cả rồi. Bỗng nhiên tôi không nén nổi cái cười mỉm của mình. Chữ nghĩa hay thật. Chỉ cần một từ đã gói gọn cả cuộc đời đã qua của tôi. Đúng hơn, là cuộc đời làm vợ của tôi.
Ngoái lại nhìn tòa án một lần nữa, tôi nói với mẹ và em gái: “Hai người về trước đi. Con sẽ về sau”. Mẹ ái ngại: “Con đi đâu bây giờ?”. Tôi cười: “Con muốn đi uống cà phê. Một mình thôi. Mẹ yên tâm, con không sao đâu”. Em gái tôi gật đầu: “Ừ, ở Hồ Con Rùa có quán cà phê hay lắm. Chị ra đó mà ngồi. Chừng nào cần em đón thì gọi, nhé?”. Tôi nói: “OK”.
Quán cà phê vắng lặng, chỉ có tôi và một đôi tình nhân ngồi tận góc trong, chụm đầu vào nhau rì rầm. Tôi chọn bàn sát cửa sổ, ngồi xuống.
Nhắm mắt lại, tôi lắng nghe sự trống rỗng bò dài trong cơ thể. Thật lạ. Sao chẳng có cảm giác gì nhỉ? Lẽ ra tôi phải vui thật vui chứ? Như đêm qua tôi đã tưởng tượng rằng sau khi tòa tuyên bố quyết định cho ly hôn, tôi sẽ nhảy lên vì sung sướng. Tôi sẽ nhìn thẳng vào mặt con người đó và cười khinh thị: “Hoan hô tự do”, để xem y có phản ứng gì? Y càng tức tối, tôi sẽ càng sung sướng. Nhưng không. Khi vị thẩm phán bảo: “Sự hòa giải bất thành. Tòa đồng ý cho anh chị ly hôn”, tay chân tôi đều tê dại. Hình như trên cả người tôi, chỉ còn đôi mi hoạt động. Qua những cái chớp mắt, tôi thấy y cũng đứng cứng đơ, hai tay buông xuôi như hai khúc gỗ. Tiếng người thư ký vang lên khiến y và tôi cùng giật mình: “Tuần sau anh chị đến lấy quyết định”. Khi chuyển người đi ra, tình cờ tôi và y lại đối mặt. Dù tôi đang choáng váng nhưng vẫn nhìn thấy một giọt nước lấp lánh trên khóe mắt của y. Y nhìn tôi đúng một giây bằng con mắt đó rồi rảo bước ra ngoài.
Có lẽ giờ này y đã về đến nhà. Căn nhà một thời đã là tổ ấm, nơi tôi và y chia sẻ mặn nồng. Nhưng đó cũng là nơi y phản bội tôi bằng cách đem một người phụ nữ khác về trong khi tôi đi vắng. Y đã thề những lời thề độc địa nhất, rằng y không làm điều gì có lỗi với tôi, rằng đó là một người bạn học cũ lỡ độ đường cần chỗ ngủ. Y nghĩ tôi là loại người ngu đần gì chứ? Khi thành phố có hàng ngàn khách sạn, nhà trọ, chỉ một vài chục ngàn cũng có được chỗ nghỉ ngơi. Y bảo cô ta đang xuống tinh thần vì chuyện gia đình, cần được động viên, an ủi. OK, được. Vậy thì cho tôi biết tên, biết địa chỉ cô ta đi. Tôi muốn tự mình xác minh mọi việc. Y bảo không. Y bảo tôi phải tin y, đừng làm ầm ĩ lên như thế. Tôi muốn điều gì y cũng bằng lòng, chỉ duy nhất một điều không cho tôi biết cô ấy là ai.
Cô ta là ai mà y bênh vực, giữ gìn còn hơn bản thân y nữa?
=============
Tôi dọn sang nhà mẹ. Mặc kệ y năn nỉ, dỗ dành, tôi không thể trở về nơi ấy. Tôi không thể ngủ trên chiếc giường có hơi hướm của một người đàn bà khác.
Mẹ tôi thở dài khi tôi kể chuyện, bảo: “Cái gì tha thứ được thì tha thứ, đừng làm to chuyện, chỉ thiệt thân”. Em gái tôi phản đối: “Mẹ nói gì vậy? Tha thứ để lần sau chị con vắng nhà, anh ấy lại tiếp tục dẫn người khác về à?”. Nó bảo: “Chị phải cứng rắn lên. Chừng nào anh ấy khai thật, lúc đó hẵng hay”.
Tôi nói điều đó với chồng tôi. Y im lặng, đầu cúi gục xuống. Giọng y như một tiếng than: “Sao em không chịu tin anh? Anh đã bảo đó là sự thật”. Trước sau, tên tuổi người đàn bà ấy vẫn ẩn kín trong lòng, y nhất định không chịu nói ra. Em gái tôi lắc đầu: “Ngoan cố quá. Điệu này chắc ăn phải bùa mê thuốc lú gì rồi”. Mẹ tôi mắng nó: “Mày chỉ đổ dầu vào lửa”. Tôi thẫn thờ: “Mẹ không thấy nó nói có lý sao?”.
Thấm thoát, tôi dọn sang nhà mẹ đã được gần một năm. Y vẫn kiên nhẫn, rất kiên nhẫn, lạ lùng thế, mỗi ngày đều đến thăm hỏi, để lại nhiều thứ quà bánh cho tôi. Mẹ bảo: “Con định hành hạ nó đến bao giờ?”. Em gái tôi nhăn mặt: “Mẹ nói gì mà lạ thế?”. Mẹ lại bảo: “Cứ phải biết rõ người ấy là ai mới được sao? Chỉ làm khổ mình thêm chứ ích gì? Quên đi không được à?”. Em gái tôi nhìn chằm chằm vào mặt mẹ: “Thế mẹ có quên được chưa mà bảo chị ấy phải quên?”.
Câu hỏi khiến mẹ lặng người đi. Bà đứng dậy bỏ đi lên lầu. Tôi mắng em gái: “Mày quá đáng lắm. Sao lại dằn vặt mẹ như thế?”. Em gái tôi ngồi lọt thỏm trong lòng ghế, mặt ỉu xìu: “Tại sao phụ nữ cứ phải khổ vì đàn ông?”.
Hăm ba Tết, chồng tôi mang bánh trái sang biếu mẹ. Y bảo cần nói chuyện với tôi cho rõ ràng. Thì nói. Trên sân thượng, y hỏi tôi: “Em có muốn anh thề độc không? Nếu anh có gì đó với người ta, cho xe cán chết anh đi”. Tôi cười: “Thần thánh nào chứng cho lời thề vớ vẩn đó?”. Y nổi giận: “Em xem cái chết của anh là vớ vẩn à? Sao em lại cạn tàu ráo máng vậy?”. Tôi nhướng mày: “Chà, anh còn quát lên với tôi sao? Hay nhỉ?”. Hai vai y rũ xuống trong bóng chiều sụp tối: “Anh phải làm sao để em quay trở lại nhà? Em hành hạ anh như thế chưa đủ sao?”. Sao y lại có thể nói lên câu nói đó? Ai hành hạ ai? Lòng tái tê oán giận, nhưng giọng tôi lạnh tanh, không cảm xúc: “Anh không chịu nổi thì mình ly dị đi”.
Nói xong, tôi giật mình. Y cũng có vẻ sửng sốt. Ngồi thẳng lưng lên, y trân trối nhìn tôi: “Cái gì, ly dị ư?”. Y bật khóc.
Nhưng, cho đến khi tòa gửi giấy báo mời ra hòa giải lần một, y vẫn không tiết lộ tên người phụ nữ đó. Khi nộp đơn ra tòa, tôi chỉ vì tự ái và muốn dùng nó làm nước cờ cuối cùng để thúc đẩy chồng thú nhận “tội tình”. Tôi đã nghĩ trong bụng, chỉ cần y nói ra, tôi sẽ bỏ qua tất cả. Mỗi ngày, tôi đều chờ nghe tiếng chuông điện thoại, hy vọng y sẽ gọi cho mình. Mỗi ngày, tiếng chuông ấy vẫn bặt tăm. Lòng tôi quằn quại vì đau khổ. Y quả thật đã hết yêu thương tôi rồi.
Y đến tòa án sau tôi. Ngồi trước mặt vị thẩm phán, chúng tôi tránh không nhìn nhau. Y bảo: “Tôi không muốn ly dị. Đó là ý của vợ tôi. Cô ấy hiểu lầm”. Tôi bảo: “Chúng tôi đã ly thân một năm nay. Ly dị chỉ là thủ tục”. Vị thẩm phán quyết định: “Về suy nghĩ thật kỹ. Ba tháng sau trở lại”. Đêm hôm đó, y gọi điện, bảo: “Em có thể về nhà mình một lần không?”.
Căn nhà vẫn y như ngày tôi bước chân đi. Nước mắt tôi chực ứa ra khi nhìn tấm ảnh cưới treo trên tường. Ở đầu giường, trong phòng ngủ cũng có một tấm. Đó là tấm ảnh tôi thích nhất. Trong ảnh, y đang hôn lên mũi tôi. Cái mũi mà y luôn khen xinh như mũi một con mèo. Y đã làm gì với người đàn bà đó trên chiếc giường của tôi, trước tấm ảnh của tôi? Nỗi hờn ghen tưởng đã nguôi ngoai sau một năm xa cách, đã bùng trở lại. Tôi đẩy bật y ra khi y bước đến định ôm tôi vào lòng: “Anh đừng giở trò đó ra với tôi”. Y quỳ thụp dưới chân tôi, khóc: “Anh chỉ yêu một mình em. Tại sao em không chịu tin anh?”. Tôi gào lên: “Nếu anh muốn tôi tha thứ, hãy nói tên người đó ra”. Y bảo: “Anh không thể. Người đó đã chết rồi. Hãy để họ được yên”. Tôi hét: “Nói láo. Nói láo. Nói láo”. Rồi tôi đứng vụt dậy, bỏ chạy ra ngoài đường, vừa chạy vừa khóc như một con điên.
Cái Tết trôi qua nặng nề và buồn thảm, cho dù ngoài mặt tôi vẫn thản nhiên nói cười. Y đã khóa cửa nhà, giao chìa cho mẹ và bỏ đi xa. Y bảo không chịu được cảnh đón Tết một mình. Mẹ tôi thở dài: “Mẹ khuyên nó về quê ăn Tết với chú dì, nhưng nó bảo không muốn hai cụ bên ấy buồn vì thấy nó về một mình”. Em gái tôi bĩu môi: “Kịch”. Mẹ tôi cáu: “Con khốn nạn kia. Mày chỉ muốn gia đình chị mày tan nát mới chịu im mồm phải không?”. Em gái tôi khẽ nhún vai: “Con chỉ nói sự thật”. Mẹ tôi cầm chiếc rổ quăng vào người nó: “Xéo ra chỗ khác. Đến phát điên vì mày”. Tôi bảo: “Mẹ đừng thế. Chuyện của con, con tự quyết định. Lời nói của người khác không ảnh hưởng gì”. Mẹ thở dài, ứa nước mắt.
Lần hòa giải thứ hai không thành. Chồng tôi vẫn cự tuyệt việc ly dị. Chúng tôi lại trở về, suy nghĩ thêm ba tháng nữa.
Lần thứ ba. Một ngày trước khi lên tòa, y gọi điện rủ tôi đi chùa: “Anh muốn thắp nhang cho bố”. Trong y có vẻ trầm tĩnh và gầy đi rất nhiều. Lòng tôi đau quặn, nhưng khi y quay người lại, tôi cố làm mặt dửng dưng. Y bảo: “Ngồi xuống đây một chút đi em”. Cầu thang đi qua một khung cửa sổ mở rộng, nơi có tàn cây hoa sứ nghiêng mình như một chiếc dù, khoe những cánh hoa nuột nà tỏa hương thơm hắc. Y thò tay ra cửa sổ, hái một cành nhỏ, khẽ mỉm cười: “Mau quá. Năm ngoái nó mới chạm đến thành cửa thôi, em nhớ không?”. Tôi bảo: “Anh muốn gì thì cứ nói hẳn ra”. Vẫn mân mê cánh hoa sứ trong tay, y quay hẳn người lại nhìn tôi bằng đôi mắt đăm chiêu: “Trước khi bố mất, anh đã hứa với bố rằng sẽ chỉ đem lại hạnh phúc cho em, sẽ thay bố làm một người trưởng gia đình để lo cho mẹ và Tú được đầy đủ. Cho đến giờ phút này, anh vẫn giữ lời hứa đó. Trước vong linh của bố, anh chỉ xin em thông cảm cho anh. Anh không nói ra được điều em muốn biết là có nỗi khổ của anh, nhưng anh khẳng định mình không làm điều gì có lỗi cả. Em bỏ qua chuyện này đi. Vợ chồng mình sẽ vui vẻ, hạnh phúc như xưa, em nhé?”.
Thật tệ hại. Y lại còn đem cả người cha đã chết của tôi ra để biện minh nữa ư? Tôi đứng phắt dậy: “Anh hãy để cho vong linh bố tôi được yên. Và cả tôi nữa. Giữa chúng ta chẳng còn gì để nói”. Rồi tôi bỏ về. Y không đi theo. Bước xuống bậc thang cuối cùng, nhìn lên, tôi thấy y đứng tì trán vào bệ thờ của bố. Dường như y đang khóc phải không? Tôi cũng muốn khóc nữa, nhưng hai mắt hoàn toàn ráo hoảnh. Có lẽ nước mắt của tôi đã khô cạn mất rồi.
==================
Vậy là chúng tôi đã ly hôn. Khi tòa quyết định, mẹ tôi khóc. Em gái tôi lại bĩu môi cười khỉnh. Khi dắt tay tôi đi qua mặt y, nó vẫn giữ nguyên nụ cười ấy. Thật lạ. Có vẻ như nó còn căm ghét y hơn cả tôi nữa. Vì chuyện ly hôn của tôi mà nó và mẹ đã cãi nhau nhiều lần. Mẹ muốn tôi tha thứ cho chồng.
Nó thì không. Nó bảo: “Mẹ đã từng tha thứ bố. Nhưng cuối cùng mẹ được gì? Bố luôn nhớ thương người ta, đến nỗi bệnh mà chết. Bố có nghĩ đến mẹ đâu?”. Mẹ khóc. Tôi quát nó: “Im đi!”. Nhưng nó vẫn bướng bỉnh: “Im cái gì? Em chỉ nói sự thật. Thà ngày xưa, mẹ cứ ly dị, để bố tự do sống với người ta, có lẽ lúc đó người bố nhớ đến sẽ là mẹ. Tha thứ để rồi đồng sàng dị mộng như mẹ, em phản đối đến cùng”. Nói xong, nó hằm hằm bỏ đi. Tôi ôm vai mẹ: “Mẹ đừng chấp. Nó còn con nít lắm”. Mẹ rũ rượi: “Lỗi tại mẹ. Chỉ tội cho bố con, chết rồi mà cũng không yên”.
Tôi lạnh toát cả nguời, bàng hoàng khi nghe mẹ kể. Hóa ra Tú không phải là em cùng cha cùng mẹ với tôi. Chính bố mới là người tha thứ cho một phút lạc lòng của mẹ. Không những thế, ông còn chấp nhận Tú là con ruột của mình. Khốn nỗi, Tú càng lớn, càng giống người kia, khiến bố không chịu nổi. Ông gây gổ với mẹ, bỏ nhà đi theo một vũ nữ, ăn chơi điên cuồng chỉ vì quá yêu, quá ghen. Mẹ lặn lội đi tìm, ngồi dầm mưa trước căn nhà ông ở suốt một đêm. Gặp được bố rồi, mẹ thụp lạy dưới chân ông, bảo sẽ ôm Tú nhảy sông mà chết nếu ông không về. Mẹ còn bảo sẽ cho Tú vào viện mồ côi nếu bố không muốn nhìn thấy nó nữa. Bố đã chảy nước mắt, về nhà cùng mẹ. Bố bảo mẹ giấu kín mọi chuyện, vì Tú không có lỗi gì. Việc bố trở về nhà hoàn toàn vì chúng tôi, bởi từ hôm đó trở đi, mẹ và bố không còn chung đụng chuyện vợ chồng…
Mẹ bảo: “Tú nhìn thấy sự lạnh nhạt của bố đối với mẹ, lại thấy bố u uẩn hoài nên kết tội bố, cho rằng bố nhớ thương người đàn bà khác mà ruồng rẫy mẹ. Nhiều lần mẹ muốn nói cho Tú biết rõ mọi chuyện, nhưng bố cấm tuyệt. Trước khi chết, bố còn bắt mẹ thề nữa. Mỗi lần Tú xúc phạm bố, mẹ khổ tâm lắm. Chắc mẹ phải cãi lời bố mà nói cho nó biết thôi”.
Ôm mẹ trong tay, lòng tôi như muối xát. Tôi không biết phải an ủi, khuyên bảo mẹ như thế nào. Nhưng tôi nghĩ đến tâm trạng của Tú khi biết rõ mọi chuyện. Nó là đứa quá khích. Liệu nó sẽ làm chuyện điên rồ gì khi biết mình không phải là con ruột của bố? Tôi bảo mẹ: “Từ từ đi mẹ. Để chuyện đó cho con. Chừng nào có dịp, con sẽ nói với nó”.
Giờ ngồi đây, nhớ lại sự việc, tôi hiểu sao Tú luôn xúi giục tôi ly dị với chồng. Nó ghét sự phản bội. Tôi bị lôi cuốn bởi lòng oán hận của nó đến nỗi kiên quyết ly dị, mặc dù trong thâm tâm chỉ muốn làm lành. Nhớ đến ánh mắt tuyệt vọng của chồng, nước mắt tôi từ từ chảy. Lần đầu tiên trong suốt gần hai năm xa chồng, tôi tự hỏi mình đã làm đúng hay sai? Nếu đúng, tại sao tôi lại bị dày vò như thế? Nếu sai, tôi có thể làm gì để cứu vãn? Trong vô thức, bàn tay tôi mân mê chiếc điện thoại di động rồi mở ra. Màn hình nhấp nháy dòng chữ “Chúc em yêu một ngày tốt lành”. Tôi muốn khóc òa lên. Tại sao tôi còn chưa xóa đi dòng chữ đầy âu yếm, ngọt ngào này?
Hôm sau, chồng tôi, không, chồng cũ của tôi tìm đến nhà. Chỉ qua một đêm mà mặt mũi, râu ria y tua tủa, hốc hác thấy rõ. Mẹ tôi ái ngại bảo: “Anh ngồi xuống đi. Mẹ pha cốc nước mát cho mà uống”. Y bảo: “Cám ơn mẹ”. Tôi lặng lẽ ngồi trước mặt y, không nói lời nào. Đêm qua tôi cũng phải uống hai viên thuốc ngủ. Dù gì thì mọi chuyện đã xong, tôi không muốn suy nghĩ nữa. Y móc túi, đưa ra chùm chìa khóa nhà: “Em muốn ở hay muốn bán căn nhà đó, tùy ý. Anh không cần chia chác tài sản gì cả. Trong lòng anh, chuyện ly dị coi như không có. Em vẫn là người vợ mà anh rất yêu thương. Anh đã xin chuyển công tác, về quê làm việc và ở với chú, dì. Bao giờ em suy nghĩ lại thì nhắn cho anh biết”. Tôi hơi bất ngờ trước quyết định của y. Không hiểu sao, lời nói cứ nghẹn cứng trong họng. Đến khi thốt ra đuợc, nó lại là một câu ngớ ngẩn: “Tuần sau lên lấy quyết định ly hôn ở tòa đấy”. Y thở dài: “Em lên mà lấy. Anh không cần”. Rồi y chào mẹ, bước ra khỏi cửa.
Buổi tối, khi nghe mẹ kể lại chuyện chồng cũ của tôi đến giao chìa khóa, Tú ngửng phắt đầu lên: “Thế à? Tốt quá”. Mẹ cau mày: “Tốt gì mà tốt?”. Em gái tôi thản nhiên: “Tháng sau con làm luận văn tốt nghiệp, cần một chỗ yên tĩnh. Con sẽ dọn sang nhà đó để học”. Quay sang tôi, Tú hỏi: “Chị cũng chưa bán căn nhà đó ngay đâu, phải không? Coi như em sang đó giữ nhà cho chị vậy mà”. Tôi thẫn thờ: “ Sao cũng đuợc. Tú muốn làm gì thì làm”.
Thấm thoát cũng gần nửa năm qua. Tú đã bảo vệ luận án xong, nhưng vẫn ở lại bên căn nhà ấy. Nó bảo: “Dọn về làm gì? Rồi chị lại phải thuê người để trông, có phải phí tiền vô lối không? Cứ để em ở. Bao giờ chị bán hẵng hay”. Bán ư? Tôi không định bán căn nhà ấy. Thời gian càng trôi đi, nỗi đau về người đàn bà bí ẩn cũng nguôi ngoai dần. Tôi không còn cảm thấy nổi gai khi nghĩ về chuyện cũ nữa. Trái lại, tôi nhớ đến chồng tôi. Giờ này anh ấy ở đâu? Làm gì? Từ hôm giao chìa khóa nhà cho tôi, anh không hề liên lạc một lần. Tôi cảm thấy chua xót khi nhớ lại lời anh nói: “Chuyện ly dị coi như không có. Em vẫn là người vợ mà anh rất yêu thương”. Có lẽ anh đã quên lời nói đó rồi.
Một lần quá buồn, tôi bỗng muốn về thăm nhà cũ. Xe tắc xi thả tôi xuống ngoài đầu hẻm. Tôi đi bộ trong bóng trăng mờ nhạt, lòng bồi hồi một cách lạ lùng. Đứng trước nhà, định nhấn chuông gọi Tú, chợt thấy cửa hé mở, tôi liền bước vào. Phòng khách im ắng. Có lẽ Tú đang ở trên lầu. Con bé vô tư thật, cứ mở cửa như vầy, có ngày trộm vào khuân hết đồ cũng không biết. Tôi rón rén đi lên cầu thang, định bụng làm Tú giật mình trước khi la cho một trận vì tội trông nhà một cách thờ ơ.
Tú đang nằm trên giường ngủ. Trên mặt nó là chiếc áo pyjama của chồng tôi.
Tôi đứng như trời trồng giữa cửa phòng. Đột nhiên, như có linh tính, Tú giật mình, vùng dậy, hét lên “Ai đó?” rồi thở phào: “Chị hả? Làm em hết cả hồn”. Tôi vẫn đứng sững sờ, mắt chằm chằm nhìn vào chiếc áo pyjama. Nhìn theo ánh mắt của tôi, Tú vội quăng chiếc áo sang một bên, cười xòa: “À, em đang đi học một lớp cắt may. Học cắt áo pyjama mấy lần rồi mà không được. Lúc nãy dọn tủ, thấy cái áo này y hệt kiểu đang học nên lấy ra coi. Rồi ngủ quên mất. Ủa, mà chị sang đây làm gì? Sao không gọi điện cho em trước?”. Tôi hỏi: “ Ngủ mà để cửa mở vậy sao? Có ngày trộm nó vào khiêng đi bán luôn cũng nên”. Tú tròn mắt: “Ủa. Bộ em quên đóng cửa lại hả? Trời, chắc già đến nơi rồi nên lú lẫn. Chị sang có việc gì không? Chị em mình ra ngoài kiếm cái gì ăn nghe. Em đói quá”. Giống như một cơn lốc, Tú nhảy xuống giường, đẩy tôi ra khỏi phòng: “Chờ em thay đồ một chút”, rồi đóng ập cửa lại. Tôi đứng ngẩn ngơ trước cửa phòng rồi lững thững bước xuống thang, ngồi chờ Tú ở phòng khách. Không hiểu sao, một cảm giác kỳ lạ cứ thấp thoáng ẩn hiện trong lòng.
Trong lúc ngồi ăn, Tú lại hỏi: “Chị sang nhà làm gì?”, rồi không đợi tôi trả lời, nó nói một cách thờ ơ: “Hồi nãy chị có để ý không? Em tháo hết mấy cái hình cưới của chị bỏ vô tủ rồi. Đã ly dị mà còn treo, kỳ lắm”. Tôi cảm thấy một cục nghẹn dâng lên ngang ngực. Nuốt ực một cái, tôi nói: “Ừ”. Tú nhìn tôi lom lom: “Chị buồn hả?. Tôi chảy nước mắt, lặng im. Tú nói nhỏ: “Em xin lỗi”. Tôi bảo: “Không sao đâu. Em không cất thì chị cũng cất mà”. Sau hôm đó, tôi không về nhà cũ lần nào nữa. Tôi sợ nhìn những bức tường trống trơ, sợ không gian vắng lặng đến vô tình trong căn nhà đó.
PHẠM THỊ NGỌC LIÊN

Phần 03: Nhân quả

Posted by Kenny Phạm 0 nhận xét
Nắng kinh khủng khi chị bước ra khỏi tòa án. Vài chiếc xe Honda rề lại mời chào nhưng chị lắc đầu. Miệng khô đắng, chị bước chông chênh như người sắp ngã qua phía bên kia đường. Nơi ấy có một quán nước vỉa hè.
Phía sau chị, người đàn ông từng đầu ấp tay gối một thời đã ngoắc một chiếc xe ôm và leo lên. Chị nhìn theo, lẩn thẩn nghĩ: “Trông anh ta chẳng có vẻ gì vừa ly hôn cả”. Nghĩ xong, chị giật mình. Không biết nhìn mình, người ta có biết mình vừa ly hôn không?
Người bán hàng bưng ra một ly nước dừa. Chị uống ừng ực một cách thèm thuồng. Vẫn chưa hết khát, chị gọi thêm một ly nữa.
Nắng quá. Mái tôn sẽ nóng bỏng, hắt hơi nóng sầm sập xuống nhà, nơi ba đứa con chị nằm ngủ còng queo trên chiếu. Chiếc chiếu duy nhất anh để lại.
Chiều hôm qua, anh đã dọn sạch mọi thứ:
- Cô bảo không cần tôi, chắc cũng không cần đến những thứ tôi đã sắm. Nếu ly hôn, tôi sẽ lấy tất cả đi.
Chị chán chường, khinh bỉ gật đầu:
- Anh muốn gì cứ lấy.
Chị không ngờ, chỉ sau một tiếng đồng hồ bỏ đi, lúc quay lại, anh đem thêm hai người nữa, khuân hết mọi thứ ra ngoài.
Ba đứa trẻ nhớn nhác, tụm vào nhau mếu khóc trong tay em gái chị. Còn chị, chị chỉ ngồi im. Đến lúc anh bảo hai người đàn ông khiêng tấm nệm và tháo chiếc giường ra, chị chợt kêu lên:
- Anh có còn là người không? Chiếc giường đó của các con anh nằm mà.
Anh cười khỉnh:
- Thì mẹ nó sẽ mua cái khác cho chúng nó.
Chị lặng người.
Anh không chỉ đem đi chiếc giường và những vật dụng anh mua. Sự nhẫn tâm của anh vô giới hạn. Đến nỗi khi chiếc xe hàng rồ máy đi rồi, gian nhà nhỏ trống rỗng chỉ còn lại một cái chiếu và ít chén bát, nồi niêu trong bếp. Em gái chị đưa đôi mắt buồn hiu nhìn quanh rồi bật khóc. Ba đứa trẻ thấy dì khóc, oà lên khóc theo. Nước mắt chị cũng chưc trào, nhưng chị cố nén lại: “Khóc cái gì? Nín hết đi!”.
Đêm hôm ấy, mấy mẹ con chị nằm ôm nhau trong chiếu. Đứa em gái trải báo ra nền nhà. Không có chăn, chị lấy những chiếc áo len, áo bông, đắp cho con và em. Khi tất cả đã yên giấc, chị mới âm thầm khóc một mình.
Buổi sáng. Chị nấu nồi cơm nhỏ, dặn em gái:
- Hôm nay chị lên tòa, chắc về trễ. Em cho các cháu ăn rồi dỗ tụi nó ngủ nhé.
Thế rồi chị quày quả bước đi.
Trước tòa, anh bảo:
- Tôi sẽ nuôi một đứa.
Chị kêu lên:
- Không. Tôi sẽ nuôi hết. Anh không được tách chị em chúng ra.
Tòa bảo:
- Các con còn nhỏ, được xử sống với mẹ. Cha có nhiệm vụ cấp dưỡng hàng tháng.
Anh khăng khăng:
- Nếu không để tôi nuôi một đứa, tôi sẽ không ký giấy ly hôn.
Tòa bảo:
- Cho phép anh chị hội ý, thương lượng cho ngã ngũ rồi báo cho tòa biết.
Chị nài nỉ anh:
- Anh thương con thì đừng tách chúng ra.
Anh phun một hồi khói thuốc vào mặt chị:
- Cô muốn nuôi hết cũng được, nhưng trong giấy tờ phải ghi tôi nuôi một đứa. Bao giờ tôi thích, tôi sẽ đến đón nó.
Mắt anh nheo lại một cách đểu cáng:
- Hay thôi, đừng ly hôn nữa, về sống lại với nhau vậy?
Chị rùng mình.
Thế là, trên tờ quyết định ly hôn, ghi anh nuôi một đứa, chị hai đứa. Khi tòa hỏi phần tài sản, anh mau miệng: “Chúng tôi sẽ tự thỏa thuận”. Chị có cảm giác hết sức buồn nôn nhưng cố nén. Bước ra khỏi phòng xử, anh vừa đi vừa huýt gió. Xuống phía dưới cầu thang, anh chận chị lại, bảo:
- Kiếm thằng nào giàu giàu một chút, lấy tiền của nó mà nuôi con tôi nhé. Cô còn đẹp chán, không khó để kiếm chồng đâu.
Nói xong, anh cười một cách khả ố rồi quẹo vào toilet.
 Chị cũng vội vã chạy vào toilet nữ. Giờ đây, chị có thể nôn rồi.
===========
Chị không thể không ly hôn anh. Cuộc hôn nhân của chị đã sai lầm ngay từ đầu. Khi chị sinh đứa con đầu tiên, anh đã lộ rõ bản tính háo sắc bằng hành động cặp kè với người khác ngay trước mặt chị.
Anh bảo, đàn ông cần chuyện đó, chị sinh nở không đáp ứng anh được thì phải chấp nhận để anh đi giải quyết bên ngoài. Lúc ấy, chị còn trẻ quá. Chị mới mười chín tuổi. Mẹ anh lại khuyên nhủ: “Đàn ông thằng nào không vậy? Nó nói thiệt còn hơn nó giấu sau lưng mình”. Chị đành lặng im.
Hai năm sau, chị lại sinh đứa thứ hai. Mãi khi đứa nhỏ được gần ba tháng, mẹ chồng chị mới đến nhà. Bà đến không phải để thăm dâu, thăm cháu, mà để bảo con trai:
- Mày xuống Bình Dương rước con Kiều với thằng nhỏ lên đây đi. Tao sẽ biểu vợ mày hợp thức hóa nó.
Chị bật ngửa khi biết anh đã có  đứa con trai với một cô vũ nữ trước khi cưới chị. Mẹ chồng chị bảo:
- Con không đẻ con trai được thì phải chấp nhận cho chồng con rước con nhỏ kia về cho nó làm nhỏ. Mày vẫn là vợ lớn, nắm quyền trong tay, mất mát gì?
Nhìn đứa con còn đỏ hỏn trong tay, chị ứa nước mắt, gật đầu đi với chồng và mẹ chồng xuống Bình Dương để rước người phụ nữ ấy và đứa cháu đích tôn về. Thế nhưng, cô vũ nữ đã cười vào mũi họ:
- Ai nói nó là con, là cháu của mấy người? Làm ơn để tụi tôi yên đi.
Lên xe, mẹ chồng chị nhiếc:
- Có miệng mà không biết nói một câu.
Chị bật khóc. Anh bảo mẹ:
- Chắc đứa sau là con trai. Má làm gì dữ vậy?
Nghe lời anh, chị có bầu thêm lần nữa. Biết đâu đứa con trai sẽ giúp anh bỏ thói trăng hoa, ở nhà làm một người chồng, người cha đàng hoàng? Khi nằm trên bàn đẻ, chị cầu Trời khấn Phật cho chị một đứa con trai. Suốt chín tháng qua, chị đã khăng khăng không chịu đi siêu âm. Anh bảo: “Đi siêu âm để biết trai hay gái. Nếu là gái nữa thì bỏ đi”. Giống như bỏ một con gà, một con vịt vậy. Chị không chịu. Ngày đêm, chị ôm ấp sinh linh trong bụng, thầm thì với nó: “Con thương mẹ, đừng là con gái nghe con”. Thế nhưng, Trời Phật đã không nghe lời cầu khẩn của chị.
Ôm con trong tay, chị khóc ròng. Em chị vào bệnh viện thăm, ẵm theo hai đứa nhỏ:
- Chị ơi, cho em ở lại đây luôn. Em không về nhà đâu.
Ánh mắt con bé hoảng hốt, lo sợ. Chị điếng người. Anh thú vật vậy sao? Con bé chỉ mới mười bốn tuổi. Chị cố gạn hỏi:
- Anh ấy có làm gì em không?
Con bé lắc đầu, khóc òa:
- Chưa. Em cầm con dao. Ảnh bỏ đi, nhưng em sợ lắm!
Ra tòa, anh trơ tráo nói:
- Tôi yêu vợ tôi. Tôi không muốn ly dị.
Chị ngồi khóc ngoài thềm khi tòa xử cho thử thách ba tháng. Người thư ký phiên tòa dắt chiếc xe đạp đi qua, đứng lại:
- Sao chị chưa về, còn ngồi đây?
Chị ngước đôi mắt đỏ sọng lên nhìn:
- Cô ơi, làm ơn…
 Nghe chị kể xong mọi chuyện, người thư ký trách:
- Sao hồi nãy trước tòa chị không khai hết ra. Giờ muốn giúp chị cũng khó lắm, phải chờ qua ba tháng.
Chị khóc:
- Vậy mẹ con em sẽ xin vô chùa ở, không ở chung với anh ta nữa. Người thư ký ái ngại lắc đầu.
Có lẽ mủi lòng vì hoàn cảnh của chị, cô thư ký đã làm hết sức. Một tuần sau, tòa đưa giấy mời hai vợ chồng lên. Cầm tờ giấy, anh chửi thề:
- Mẹ, bắt đi tới đi lui hoài!
Quay qua chị, anh bảo:
- Cô muốn ly hôn, tôi đồng ý. Có điều cô sẽ ra khỏi nhà tay trắng, không được đem theo bất cứ món gì trừ áo quần. Tôi sẽ lấy tất cả những gì tôi đã sắm. Đồng ý thì mai lên tòa, tôi sẽ ký.
 Chị gật đầu. Thế là một tiếng sau, anh đưa người về dọn tất cả đồ đạc đi, chỉ để lại một chiếc chiếu, trước kia vẫn dùng để ngồi ăn cơm.
============
Anh biến mất tích, như viên sỏi quăng xuống đáy hồ sâu. Bản án ly hôn bắt anh cấp dưỡng cho các con mỗi tháng sáu trăm ngàn. Thế nhưng suốt từ lúc ly hôn xong đến khi các con chị đã trưởng thành, chị không nhận được một xu nào từ anh.
Những tháng đầu tiên thật cực khổ. Chị xin giúp việc ở một tiệm phở, mỗi ngày chúi mặt chùi rửa hàng trăm chiếc tô váng mỡ. Hàng bán xong, chị còn phải phụ quét dọn, lau chùi. Hai bàn tay trắng trẻo, mềm mại của chị, chẳng mấy chốc đã chai sần, nổi gân. Không hề gì. Miễn là chị nhìn thấy ba đứa con sởn sơ, mạnh khoẻ. Em gái chị cũng trổ mã con gái, mắt biếc, môi hồng dù ăn uống đạm bạc, cực khổ. Nó cương quyết không chịu đi học nữa, bảo là không đành lòng nhìn chị bươn chải một mình. Vừa trông cháu, nó vừa nhận may gia công, nhận đan giỏ, thêu thùa. Nhìn em, chị chảy nước mắt. Không biết đời em sau này có khổ như đời chị hay không?
Làm công cho quán phở được hai năm, chị dành dụm được một số tiền nhỏ. Sang chiếc xe cà phê, nước ngọt, chị xin đứng bán ở vỉa hè ngôi trường mẫu giáo của con chị. Vừa bán hàng, chị vừa âu yếm nhìn các con vui chơi trong trường. Nỗi cực nhọc cũng theo gió bay đi.
Khi con chị vào học cấp 2, chị không còn bán cà phê, nước ngọt ở vỉa hè nữa. Chị đã thuê được một mặt bằng để bán cơm tấm hàng ngày. Không ít người đến ăn để ý đến bà chủ trẻ. Vâng, chị vẫn còn trẻ lắm, và đẹp nữa. Chị chưa bước đến tuổi bốn mươi. Em gái chị đã đi lấy chồng nhưng vẫn về bán hàng phụ chị. Nó khuyên: “Coi ai tốt, đi bước nữa đi chị. Nhà mình giờ cũng tạm yên rồi”. Chị lắc đầu. Một lần sang ngang là quá đủ. Cứ nghĩ đến ngày xưa là chị lại rùng mình.
Thế rồi, bất ngờ chị gặp anh.
Anh vào quán, gọi một dĩa cơm tấm rồi cúi đầu ăn ngấu nghiến. Cả chị và em gái đều không thấy anh. Chỉ đến khi cô gái phụ việc đến quầy nộp tiền, cười khúc khích, bảo: “Cái ông kia, ăn như đói cả tháng”, cả hai chị em mới ngửng đầu lên, tò mò nhìn.
Chị rủn người. Em gái chị cũng sững sờ buông rơi cái muổng. Dù đã nhiều năm trôi qua, dù hình dạng anh thay đổi, chị vẫn không thể quên được con người tàn nhẫn đó. Nhưng tại sao anh lại sa sút đến như vậy? Anh mặc một chiếc áo cũ, vá chằng vá đụp. Chiếc quần kaki bạc màu cũng vá hai miếng trên đầu gối. Gương mặt sạm nắng hốc hác, râu ria tua tủa, trông anh già hơn số tuổi bốn lăm của mình. Anh vừa ăn hết dĩa cơm, vét sạch đến láng bóng chiếc dĩa. Như còn thòm thèm, anh quay người lại, gọi: “Cho miếng cơm cháy đi”.
Chị thụp người xuống, lánh mặt sau quầy, nhưng anh đã nhìn thấy. Anh sựng lại một chút rồi đứng bật dậy, kêu lên: “Hạnh!”.
Sau khi ly dị, anh bán hết đồ đạc, lấy thêm của cha mẹ một số tiền rồi đi vượt biên. Chuyến đi không thành. Anh mất sạch. Trở về nhà cha mẹ, anh muốn lấy thêm một ít nữa nhưng cha anh không cho. Đợi một hôm ông bà đi xóm, anh cạy tủ, lấy hết số vàng bạc dành dụm của ông bà rồi bỏ đi.
Sống cuộc đời giang hồ tứ xứ, khi hết tiền, anh cặp với một cô gái điếm, làm vệ sĩ cho cô ta mỗi ngày. Quen thói xài hoang, lại không bỏ tật trai gái, anh bị cô gái điếm đuổi ra khỏi nhà chỉ với bộ quần áo dính da, sau khi cho đàn em dằn mặt anh một trận.
 Anh bảo: “Đó là lần đầu tiên, tôi nghĩ đến quả báo”.
Lê bước tàn tạ trở về với ý định xin lỗi cha mẹ, anh điếng người khi biết tin cha đã qua đời vì đứt mạch máu ngày anh bỏ nhà ra đi. Mẹ anh cũng lên cơn tai biến, liệt nửa người, lúc tỉnh, lúc mê. Nhưng mỗi khi bà tỉnh, đều gọi anh vào, thều thào: “Đi kiếm con Hạnh. Xin lỗi nó cho má”.
Suốt ba năm qua, anh đạp xích lô, nuôi mình và nuôi mẹ. Anh đạp xe khắp ngả đường, chỗ nào cũng hỏi thăm. Về xóm cũ, người ta bảo chị dọn nhà đi đã lâu, không tin tức gì. Anh cầu khấn Trời Phật cho anh được gặp lại chị và các con, dù chỉ một lần.
- Tôi xin Hạnh. Hạnh có thể đưa các con đến thăm bà nội chúng không? Bà yếu lắm rồi, nhưng tôi hiểu bà chỉ nấn ná sống để được gặp Hạnh.
Em gái chị bật kêu:
- Gặp làm gì? Nếu hồi đó chị em tôi với mấy đứa nhỏ bị bịnh tật, đói rách mà chết, giờ này lấy ai mà gặp mấy người?
Anh cúi gầm mặt, hai vai rũ xuống. Chị bảo:
- Thôi anh về đi. Chuyện đó tôi còn phải hỏi ý mấy đứa nhỏ nữa. Lâu nay, tụi nó chẳng biết gì về cha, về ông bà nội cả. Giờ đột ngột bảo đến, tôi sợ tụi nó bị sốc.
Khi anh đã đi, chị ngồi tần ngần một lúc lâu. Chị không thể ngờ sau khi ly hôn với chị, đời anh lại xảy ra nhiều biến cố như thế. Em gái chị phản đối:
- Kệ họ đi chị. Bao nhiêu năm qua, mình coi như không có họ, giờ cũng vậy đi. Hơi sức nào dính líu đến loại người đó nữa.
Chị im lặng. Chính chị là người muốn chôn chặt quá khứ đau buồn nhất, nhưng không hiểu sao, khi nghe anh nói về bà mẹ liệt giường, thoi thóp sống để chờ được gặp mình, lòng chị chợt nhói đau.
Đêm ấy, chị gọi các con lại:
- Mẹ muốn kể cho các con nghe một chuyện...
Anh xuống tóc ngay trong đám tang của mẹ. Chị và ba đứa con gái đứng im lặng sau quan tài. Khi nhìn thấy chị và ba đứa cháu nội, mẹ anh nấc lên một cái. Hai giọt lệ ứa ra trong hốc mắt sâu hoắm. Bà không nói được lời nào, cứ nắm chặt tay chị cho đến lúc trút hơi thở cuối cùng.
Mặc cho em gái phản đối, chị vẫn cho các con thọ tang. Cả chị cũng đội một vành khăn trên đầu. Nghĩa tử nghĩa tận, huống gì cả bà lẫn anh đều nhận ra lỗi của mình.
Tang ma xong, anh quỳ trước mặt chị:
- Tôi xin lỗi Hạnh. Mong Hạnh sẽ tha thứ. Ngày mai tôi vào hẳn trong chùa. Ngôi nhà này, mẹ tôi đã di chúc để lại cho các cháu. Mong Hạnh nhận cho linh hồn mẹ được siêu thoát. Tôi rất cám ơn.
Quay sang ba đứa con gái, anh bảo: “Ba xin lỗi”, rồi ôm mặt khóc rưng rức.
Đứa con gái út, đứa bé bị ruồng bỏ từ trong bụng, đưa tay đỡ cha dậy. Nó bảo:
- Mẹ và tụi con đã tha thứ cho ba rồi. Ba cứ yên tâm sám hối.
 Đúng một trăm ngày mẹ anh mất, chị và các con bán căn nhà thừa kế, gửi hết tiền vào quỹ chăm sóc trẻ mồ côi.
PHẠM THỊ NGỌC LIÊN

Popular Posts

Blogger news

About




Powered by  MyPagerank.Net

Academics Blogs
Bookmark and Share

Blog Archive