Your Adsense Link 728 X 15

Phần 04: Người đàn bà bí ẩn

Posted by Kenny Phạm 23/6/10 0 nhận xét
Ra khỏi tòa án, tôi đi giữa mẹ và em gái. Đầu óc nhẹ tênh, tôi như chiếc bong bóng chực bay lên trời. Em gái tôi huyên thuyên: “Mình đi ăn gì đi. Đúng rồi, em biết một hàng bán món Huế rất ngon. Đi nhé?”. Mẹ tôi cau mặt: “Ăn uống gì? Về nhà cho chị còn nghỉ”. Em gái tôi kêu lên: “Còn khối thời gian cho chị ấy nghỉ.
Mẹ cứ làm cho mọi chuyện căng thẳng thêm làm gì? Xong cả rồi”. Ừ, thì phải, xong cả rồi. Bỗng nhiên tôi không nén nổi cái cười mỉm của mình. Chữ nghĩa hay thật. Chỉ cần một từ đã gói gọn cả cuộc đời đã qua của tôi. Đúng hơn, là cuộc đời làm vợ của tôi.
Ngoái lại nhìn tòa án một lần nữa, tôi nói với mẹ và em gái: “Hai người về trước đi. Con sẽ về sau”. Mẹ ái ngại: “Con đi đâu bây giờ?”. Tôi cười: “Con muốn đi uống cà phê. Một mình thôi. Mẹ yên tâm, con không sao đâu”. Em gái tôi gật đầu: “Ừ, ở Hồ Con Rùa có quán cà phê hay lắm. Chị ra đó mà ngồi. Chừng nào cần em đón thì gọi, nhé?”. Tôi nói: “OK”.
Quán cà phê vắng lặng, chỉ có tôi và một đôi tình nhân ngồi tận góc trong, chụm đầu vào nhau rì rầm. Tôi chọn bàn sát cửa sổ, ngồi xuống.
Nhắm mắt lại, tôi lắng nghe sự trống rỗng bò dài trong cơ thể. Thật lạ. Sao chẳng có cảm giác gì nhỉ? Lẽ ra tôi phải vui thật vui chứ? Như đêm qua tôi đã tưởng tượng rằng sau khi tòa tuyên bố quyết định cho ly hôn, tôi sẽ nhảy lên vì sung sướng. Tôi sẽ nhìn thẳng vào mặt con người đó và cười khinh thị: “Hoan hô tự do”, để xem y có phản ứng gì? Y càng tức tối, tôi sẽ càng sung sướng. Nhưng không. Khi vị thẩm phán bảo: “Sự hòa giải bất thành. Tòa đồng ý cho anh chị ly hôn”, tay chân tôi đều tê dại. Hình như trên cả người tôi, chỉ còn đôi mi hoạt động. Qua những cái chớp mắt, tôi thấy y cũng đứng cứng đơ, hai tay buông xuôi như hai khúc gỗ. Tiếng người thư ký vang lên khiến y và tôi cùng giật mình: “Tuần sau anh chị đến lấy quyết định”. Khi chuyển người đi ra, tình cờ tôi và y lại đối mặt. Dù tôi đang choáng váng nhưng vẫn nhìn thấy một giọt nước lấp lánh trên khóe mắt của y. Y nhìn tôi đúng một giây bằng con mắt đó rồi rảo bước ra ngoài.
Có lẽ giờ này y đã về đến nhà. Căn nhà một thời đã là tổ ấm, nơi tôi và y chia sẻ mặn nồng. Nhưng đó cũng là nơi y phản bội tôi bằng cách đem một người phụ nữ khác về trong khi tôi đi vắng. Y đã thề những lời thề độc địa nhất, rằng y không làm điều gì có lỗi với tôi, rằng đó là một người bạn học cũ lỡ độ đường cần chỗ ngủ. Y nghĩ tôi là loại người ngu đần gì chứ? Khi thành phố có hàng ngàn khách sạn, nhà trọ, chỉ một vài chục ngàn cũng có được chỗ nghỉ ngơi. Y bảo cô ta đang xuống tinh thần vì chuyện gia đình, cần được động viên, an ủi. OK, được. Vậy thì cho tôi biết tên, biết địa chỉ cô ta đi. Tôi muốn tự mình xác minh mọi việc. Y bảo không. Y bảo tôi phải tin y, đừng làm ầm ĩ lên như thế. Tôi muốn điều gì y cũng bằng lòng, chỉ duy nhất một điều không cho tôi biết cô ấy là ai.
Cô ta là ai mà y bênh vực, giữ gìn còn hơn bản thân y nữa?
=============
Tôi dọn sang nhà mẹ. Mặc kệ y năn nỉ, dỗ dành, tôi không thể trở về nơi ấy. Tôi không thể ngủ trên chiếc giường có hơi hướm của một người đàn bà khác.
Mẹ tôi thở dài khi tôi kể chuyện, bảo: “Cái gì tha thứ được thì tha thứ, đừng làm to chuyện, chỉ thiệt thân”. Em gái tôi phản đối: “Mẹ nói gì vậy? Tha thứ để lần sau chị con vắng nhà, anh ấy lại tiếp tục dẫn người khác về à?”. Nó bảo: “Chị phải cứng rắn lên. Chừng nào anh ấy khai thật, lúc đó hẵng hay”.
Tôi nói điều đó với chồng tôi. Y im lặng, đầu cúi gục xuống. Giọng y như một tiếng than: “Sao em không chịu tin anh? Anh đã bảo đó là sự thật”. Trước sau, tên tuổi người đàn bà ấy vẫn ẩn kín trong lòng, y nhất định không chịu nói ra. Em gái tôi lắc đầu: “Ngoan cố quá. Điệu này chắc ăn phải bùa mê thuốc lú gì rồi”. Mẹ tôi mắng nó: “Mày chỉ đổ dầu vào lửa”. Tôi thẫn thờ: “Mẹ không thấy nó nói có lý sao?”.
Thấm thoát, tôi dọn sang nhà mẹ đã được gần một năm. Y vẫn kiên nhẫn, rất kiên nhẫn, lạ lùng thế, mỗi ngày đều đến thăm hỏi, để lại nhiều thứ quà bánh cho tôi. Mẹ bảo: “Con định hành hạ nó đến bao giờ?”. Em gái tôi nhăn mặt: “Mẹ nói gì mà lạ thế?”. Mẹ lại bảo: “Cứ phải biết rõ người ấy là ai mới được sao? Chỉ làm khổ mình thêm chứ ích gì? Quên đi không được à?”. Em gái tôi nhìn chằm chằm vào mặt mẹ: “Thế mẹ có quên được chưa mà bảo chị ấy phải quên?”.
Câu hỏi khiến mẹ lặng người đi. Bà đứng dậy bỏ đi lên lầu. Tôi mắng em gái: “Mày quá đáng lắm. Sao lại dằn vặt mẹ như thế?”. Em gái tôi ngồi lọt thỏm trong lòng ghế, mặt ỉu xìu: “Tại sao phụ nữ cứ phải khổ vì đàn ông?”.
Hăm ba Tết, chồng tôi mang bánh trái sang biếu mẹ. Y bảo cần nói chuyện với tôi cho rõ ràng. Thì nói. Trên sân thượng, y hỏi tôi: “Em có muốn anh thề độc không? Nếu anh có gì đó với người ta, cho xe cán chết anh đi”. Tôi cười: “Thần thánh nào chứng cho lời thề vớ vẩn đó?”. Y nổi giận: “Em xem cái chết của anh là vớ vẩn à? Sao em lại cạn tàu ráo máng vậy?”. Tôi nhướng mày: “Chà, anh còn quát lên với tôi sao? Hay nhỉ?”. Hai vai y rũ xuống trong bóng chiều sụp tối: “Anh phải làm sao để em quay trở lại nhà? Em hành hạ anh như thế chưa đủ sao?”. Sao y lại có thể nói lên câu nói đó? Ai hành hạ ai? Lòng tái tê oán giận, nhưng giọng tôi lạnh tanh, không cảm xúc: “Anh không chịu nổi thì mình ly dị đi”.
Nói xong, tôi giật mình. Y cũng có vẻ sửng sốt. Ngồi thẳng lưng lên, y trân trối nhìn tôi: “Cái gì, ly dị ư?”. Y bật khóc.
Nhưng, cho đến khi tòa gửi giấy báo mời ra hòa giải lần một, y vẫn không tiết lộ tên người phụ nữ đó. Khi nộp đơn ra tòa, tôi chỉ vì tự ái và muốn dùng nó làm nước cờ cuối cùng để thúc đẩy chồng thú nhận “tội tình”. Tôi đã nghĩ trong bụng, chỉ cần y nói ra, tôi sẽ bỏ qua tất cả. Mỗi ngày, tôi đều chờ nghe tiếng chuông điện thoại, hy vọng y sẽ gọi cho mình. Mỗi ngày, tiếng chuông ấy vẫn bặt tăm. Lòng tôi quằn quại vì đau khổ. Y quả thật đã hết yêu thương tôi rồi.
Y đến tòa án sau tôi. Ngồi trước mặt vị thẩm phán, chúng tôi tránh không nhìn nhau. Y bảo: “Tôi không muốn ly dị. Đó là ý của vợ tôi. Cô ấy hiểu lầm”. Tôi bảo: “Chúng tôi đã ly thân một năm nay. Ly dị chỉ là thủ tục”. Vị thẩm phán quyết định: “Về suy nghĩ thật kỹ. Ba tháng sau trở lại”. Đêm hôm đó, y gọi điện, bảo: “Em có thể về nhà mình một lần không?”.
Căn nhà vẫn y như ngày tôi bước chân đi. Nước mắt tôi chực ứa ra khi nhìn tấm ảnh cưới treo trên tường. Ở đầu giường, trong phòng ngủ cũng có một tấm. Đó là tấm ảnh tôi thích nhất. Trong ảnh, y đang hôn lên mũi tôi. Cái mũi mà y luôn khen xinh như mũi một con mèo. Y đã làm gì với người đàn bà đó trên chiếc giường của tôi, trước tấm ảnh của tôi? Nỗi hờn ghen tưởng đã nguôi ngoai sau một năm xa cách, đã bùng trở lại. Tôi đẩy bật y ra khi y bước đến định ôm tôi vào lòng: “Anh đừng giở trò đó ra với tôi”. Y quỳ thụp dưới chân tôi, khóc: “Anh chỉ yêu một mình em. Tại sao em không chịu tin anh?”. Tôi gào lên: “Nếu anh muốn tôi tha thứ, hãy nói tên người đó ra”. Y bảo: “Anh không thể. Người đó đã chết rồi. Hãy để họ được yên”. Tôi hét: “Nói láo. Nói láo. Nói láo”. Rồi tôi đứng vụt dậy, bỏ chạy ra ngoài đường, vừa chạy vừa khóc như một con điên.
Cái Tết trôi qua nặng nề và buồn thảm, cho dù ngoài mặt tôi vẫn thản nhiên nói cười. Y đã khóa cửa nhà, giao chìa cho mẹ và bỏ đi xa. Y bảo không chịu được cảnh đón Tết một mình. Mẹ tôi thở dài: “Mẹ khuyên nó về quê ăn Tết với chú dì, nhưng nó bảo không muốn hai cụ bên ấy buồn vì thấy nó về một mình”. Em gái tôi bĩu môi: “Kịch”. Mẹ tôi cáu: “Con khốn nạn kia. Mày chỉ muốn gia đình chị mày tan nát mới chịu im mồm phải không?”. Em gái tôi khẽ nhún vai: “Con chỉ nói sự thật”. Mẹ tôi cầm chiếc rổ quăng vào người nó: “Xéo ra chỗ khác. Đến phát điên vì mày”. Tôi bảo: “Mẹ đừng thế. Chuyện của con, con tự quyết định. Lời nói của người khác không ảnh hưởng gì”. Mẹ thở dài, ứa nước mắt.
Lần hòa giải thứ hai không thành. Chồng tôi vẫn cự tuyệt việc ly dị. Chúng tôi lại trở về, suy nghĩ thêm ba tháng nữa.
Lần thứ ba. Một ngày trước khi lên tòa, y gọi điện rủ tôi đi chùa: “Anh muốn thắp nhang cho bố”. Trong y có vẻ trầm tĩnh và gầy đi rất nhiều. Lòng tôi đau quặn, nhưng khi y quay người lại, tôi cố làm mặt dửng dưng. Y bảo: “Ngồi xuống đây một chút đi em”. Cầu thang đi qua một khung cửa sổ mở rộng, nơi có tàn cây hoa sứ nghiêng mình như một chiếc dù, khoe những cánh hoa nuột nà tỏa hương thơm hắc. Y thò tay ra cửa sổ, hái một cành nhỏ, khẽ mỉm cười: “Mau quá. Năm ngoái nó mới chạm đến thành cửa thôi, em nhớ không?”. Tôi bảo: “Anh muốn gì thì cứ nói hẳn ra”. Vẫn mân mê cánh hoa sứ trong tay, y quay hẳn người lại nhìn tôi bằng đôi mắt đăm chiêu: “Trước khi bố mất, anh đã hứa với bố rằng sẽ chỉ đem lại hạnh phúc cho em, sẽ thay bố làm một người trưởng gia đình để lo cho mẹ và Tú được đầy đủ. Cho đến giờ phút này, anh vẫn giữ lời hứa đó. Trước vong linh của bố, anh chỉ xin em thông cảm cho anh. Anh không nói ra được điều em muốn biết là có nỗi khổ của anh, nhưng anh khẳng định mình không làm điều gì có lỗi cả. Em bỏ qua chuyện này đi. Vợ chồng mình sẽ vui vẻ, hạnh phúc như xưa, em nhé?”.
Thật tệ hại. Y lại còn đem cả người cha đã chết của tôi ra để biện minh nữa ư? Tôi đứng phắt dậy: “Anh hãy để cho vong linh bố tôi được yên. Và cả tôi nữa. Giữa chúng ta chẳng còn gì để nói”. Rồi tôi bỏ về. Y không đi theo. Bước xuống bậc thang cuối cùng, nhìn lên, tôi thấy y đứng tì trán vào bệ thờ của bố. Dường như y đang khóc phải không? Tôi cũng muốn khóc nữa, nhưng hai mắt hoàn toàn ráo hoảnh. Có lẽ nước mắt của tôi đã khô cạn mất rồi.
==================
Vậy là chúng tôi đã ly hôn. Khi tòa quyết định, mẹ tôi khóc. Em gái tôi lại bĩu môi cười khỉnh. Khi dắt tay tôi đi qua mặt y, nó vẫn giữ nguyên nụ cười ấy. Thật lạ. Có vẻ như nó còn căm ghét y hơn cả tôi nữa. Vì chuyện ly hôn của tôi mà nó và mẹ đã cãi nhau nhiều lần. Mẹ muốn tôi tha thứ cho chồng.
Nó thì không. Nó bảo: “Mẹ đã từng tha thứ bố. Nhưng cuối cùng mẹ được gì? Bố luôn nhớ thương người ta, đến nỗi bệnh mà chết. Bố có nghĩ đến mẹ đâu?”. Mẹ khóc. Tôi quát nó: “Im đi!”. Nhưng nó vẫn bướng bỉnh: “Im cái gì? Em chỉ nói sự thật. Thà ngày xưa, mẹ cứ ly dị, để bố tự do sống với người ta, có lẽ lúc đó người bố nhớ đến sẽ là mẹ. Tha thứ để rồi đồng sàng dị mộng như mẹ, em phản đối đến cùng”. Nói xong, nó hằm hằm bỏ đi. Tôi ôm vai mẹ: “Mẹ đừng chấp. Nó còn con nít lắm”. Mẹ rũ rượi: “Lỗi tại mẹ. Chỉ tội cho bố con, chết rồi mà cũng không yên”.
Tôi lạnh toát cả nguời, bàng hoàng khi nghe mẹ kể. Hóa ra Tú không phải là em cùng cha cùng mẹ với tôi. Chính bố mới là người tha thứ cho một phút lạc lòng của mẹ. Không những thế, ông còn chấp nhận Tú là con ruột của mình. Khốn nỗi, Tú càng lớn, càng giống người kia, khiến bố không chịu nổi. Ông gây gổ với mẹ, bỏ nhà đi theo một vũ nữ, ăn chơi điên cuồng chỉ vì quá yêu, quá ghen. Mẹ lặn lội đi tìm, ngồi dầm mưa trước căn nhà ông ở suốt một đêm. Gặp được bố rồi, mẹ thụp lạy dưới chân ông, bảo sẽ ôm Tú nhảy sông mà chết nếu ông không về. Mẹ còn bảo sẽ cho Tú vào viện mồ côi nếu bố không muốn nhìn thấy nó nữa. Bố đã chảy nước mắt, về nhà cùng mẹ. Bố bảo mẹ giấu kín mọi chuyện, vì Tú không có lỗi gì. Việc bố trở về nhà hoàn toàn vì chúng tôi, bởi từ hôm đó trở đi, mẹ và bố không còn chung đụng chuyện vợ chồng…
Mẹ bảo: “Tú nhìn thấy sự lạnh nhạt của bố đối với mẹ, lại thấy bố u uẩn hoài nên kết tội bố, cho rằng bố nhớ thương người đàn bà khác mà ruồng rẫy mẹ. Nhiều lần mẹ muốn nói cho Tú biết rõ mọi chuyện, nhưng bố cấm tuyệt. Trước khi chết, bố còn bắt mẹ thề nữa. Mỗi lần Tú xúc phạm bố, mẹ khổ tâm lắm. Chắc mẹ phải cãi lời bố mà nói cho nó biết thôi”.
Ôm mẹ trong tay, lòng tôi như muối xát. Tôi không biết phải an ủi, khuyên bảo mẹ như thế nào. Nhưng tôi nghĩ đến tâm trạng của Tú khi biết rõ mọi chuyện. Nó là đứa quá khích. Liệu nó sẽ làm chuyện điên rồ gì khi biết mình không phải là con ruột của bố? Tôi bảo mẹ: “Từ từ đi mẹ. Để chuyện đó cho con. Chừng nào có dịp, con sẽ nói với nó”.
Giờ ngồi đây, nhớ lại sự việc, tôi hiểu sao Tú luôn xúi giục tôi ly dị với chồng. Nó ghét sự phản bội. Tôi bị lôi cuốn bởi lòng oán hận của nó đến nỗi kiên quyết ly dị, mặc dù trong thâm tâm chỉ muốn làm lành. Nhớ đến ánh mắt tuyệt vọng của chồng, nước mắt tôi từ từ chảy. Lần đầu tiên trong suốt gần hai năm xa chồng, tôi tự hỏi mình đã làm đúng hay sai? Nếu đúng, tại sao tôi lại bị dày vò như thế? Nếu sai, tôi có thể làm gì để cứu vãn? Trong vô thức, bàn tay tôi mân mê chiếc điện thoại di động rồi mở ra. Màn hình nhấp nháy dòng chữ “Chúc em yêu một ngày tốt lành”. Tôi muốn khóc òa lên. Tại sao tôi còn chưa xóa đi dòng chữ đầy âu yếm, ngọt ngào này?
Hôm sau, chồng tôi, không, chồng cũ của tôi tìm đến nhà. Chỉ qua một đêm mà mặt mũi, râu ria y tua tủa, hốc hác thấy rõ. Mẹ tôi ái ngại bảo: “Anh ngồi xuống đi. Mẹ pha cốc nước mát cho mà uống”. Y bảo: “Cám ơn mẹ”. Tôi lặng lẽ ngồi trước mặt y, không nói lời nào. Đêm qua tôi cũng phải uống hai viên thuốc ngủ. Dù gì thì mọi chuyện đã xong, tôi không muốn suy nghĩ nữa. Y móc túi, đưa ra chùm chìa khóa nhà: “Em muốn ở hay muốn bán căn nhà đó, tùy ý. Anh không cần chia chác tài sản gì cả. Trong lòng anh, chuyện ly dị coi như không có. Em vẫn là người vợ mà anh rất yêu thương. Anh đã xin chuyển công tác, về quê làm việc và ở với chú, dì. Bao giờ em suy nghĩ lại thì nhắn cho anh biết”. Tôi hơi bất ngờ trước quyết định của y. Không hiểu sao, lời nói cứ nghẹn cứng trong họng. Đến khi thốt ra đuợc, nó lại là một câu ngớ ngẩn: “Tuần sau lên lấy quyết định ly hôn ở tòa đấy”. Y thở dài: “Em lên mà lấy. Anh không cần”. Rồi y chào mẹ, bước ra khỏi cửa.
Buổi tối, khi nghe mẹ kể lại chuyện chồng cũ của tôi đến giao chìa khóa, Tú ngửng phắt đầu lên: “Thế à? Tốt quá”. Mẹ cau mày: “Tốt gì mà tốt?”. Em gái tôi thản nhiên: “Tháng sau con làm luận văn tốt nghiệp, cần một chỗ yên tĩnh. Con sẽ dọn sang nhà đó để học”. Quay sang tôi, Tú hỏi: “Chị cũng chưa bán căn nhà đó ngay đâu, phải không? Coi như em sang đó giữ nhà cho chị vậy mà”. Tôi thẫn thờ: “ Sao cũng đuợc. Tú muốn làm gì thì làm”.
Thấm thoát cũng gần nửa năm qua. Tú đã bảo vệ luận án xong, nhưng vẫn ở lại bên căn nhà ấy. Nó bảo: “Dọn về làm gì? Rồi chị lại phải thuê người để trông, có phải phí tiền vô lối không? Cứ để em ở. Bao giờ chị bán hẵng hay”. Bán ư? Tôi không định bán căn nhà ấy. Thời gian càng trôi đi, nỗi đau về người đàn bà bí ẩn cũng nguôi ngoai dần. Tôi không còn cảm thấy nổi gai khi nghĩ về chuyện cũ nữa. Trái lại, tôi nhớ đến chồng tôi. Giờ này anh ấy ở đâu? Làm gì? Từ hôm giao chìa khóa nhà cho tôi, anh không hề liên lạc một lần. Tôi cảm thấy chua xót khi nhớ lại lời anh nói: “Chuyện ly dị coi như không có. Em vẫn là người vợ mà anh rất yêu thương”. Có lẽ anh đã quên lời nói đó rồi.
Một lần quá buồn, tôi bỗng muốn về thăm nhà cũ. Xe tắc xi thả tôi xuống ngoài đầu hẻm. Tôi đi bộ trong bóng trăng mờ nhạt, lòng bồi hồi một cách lạ lùng. Đứng trước nhà, định nhấn chuông gọi Tú, chợt thấy cửa hé mở, tôi liền bước vào. Phòng khách im ắng. Có lẽ Tú đang ở trên lầu. Con bé vô tư thật, cứ mở cửa như vầy, có ngày trộm vào khuân hết đồ cũng không biết. Tôi rón rén đi lên cầu thang, định bụng làm Tú giật mình trước khi la cho một trận vì tội trông nhà một cách thờ ơ.
Tú đang nằm trên giường ngủ. Trên mặt nó là chiếc áo pyjama của chồng tôi.
Tôi đứng như trời trồng giữa cửa phòng. Đột nhiên, như có linh tính, Tú giật mình, vùng dậy, hét lên “Ai đó?” rồi thở phào: “Chị hả? Làm em hết cả hồn”. Tôi vẫn đứng sững sờ, mắt chằm chằm nhìn vào chiếc áo pyjama. Nhìn theo ánh mắt của tôi, Tú vội quăng chiếc áo sang một bên, cười xòa: “À, em đang đi học một lớp cắt may. Học cắt áo pyjama mấy lần rồi mà không được. Lúc nãy dọn tủ, thấy cái áo này y hệt kiểu đang học nên lấy ra coi. Rồi ngủ quên mất. Ủa, mà chị sang đây làm gì? Sao không gọi điện cho em trước?”. Tôi hỏi: “ Ngủ mà để cửa mở vậy sao? Có ngày trộm nó vào khiêng đi bán luôn cũng nên”. Tú tròn mắt: “Ủa. Bộ em quên đóng cửa lại hả? Trời, chắc già đến nơi rồi nên lú lẫn. Chị sang có việc gì không? Chị em mình ra ngoài kiếm cái gì ăn nghe. Em đói quá”. Giống như một cơn lốc, Tú nhảy xuống giường, đẩy tôi ra khỏi phòng: “Chờ em thay đồ một chút”, rồi đóng ập cửa lại. Tôi đứng ngẩn ngơ trước cửa phòng rồi lững thững bước xuống thang, ngồi chờ Tú ở phòng khách. Không hiểu sao, một cảm giác kỳ lạ cứ thấp thoáng ẩn hiện trong lòng.
Trong lúc ngồi ăn, Tú lại hỏi: “Chị sang nhà làm gì?”, rồi không đợi tôi trả lời, nó nói một cách thờ ơ: “Hồi nãy chị có để ý không? Em tháo hết mấy cái hình cưới của chị bỏ vô tủ rồi. Đã ly dị mà còn treo, kỳ lắm”. Tôi cảm thấy một cục nghẹn dâng lên ngang ngực. Nuốt ực một cái, tôi nói: “Ừ”. Tú nhìn tôi lom lom: “Chị buồn hả?. Tôi chảy nước mắt, lặng im. Tú nói nhỏ: “Em xin lỗi”. Tôi bảo: “Không sao đâu. Em không cất thì chị cũng cất mà”. Sau hôm đó, tôi không về nhà cũ lần nào nữa. Tôi sợ nhìn những bức tường trống trơ, sợ không gian vắng lặng đến vô tình trong căn nhà đó.
PHẠM THỊ NGỌC LIÊN

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Popular Posts

Blogger news

About




Powered by  MyPagerank.Net

Academics Blogs
Bookmark and Share

Blog Archive