Your Adsense Link 728 X 15

P03: Mùa gió chướng

Posted by Eddy Lê Giang 8/6/10 0 nhận xét
Thà chống xuồng qua bên kia sông, mua một xị đế với con khô sặc lò tho, lựa chỗ khuất bóng cây gừa de ra mé sông, nó lấy mũi dầm lách qua sợi dây luộc buộc chỗ be xuồng thọc mạnh xuống sình nghe cái éc, neo xuồng lại.
Một mình Thà ngồi uống nỗi đau ngược vào trong bụng. Nào giờ có biết uống rượu đâu, cho nên mới lưng chai nó đã nằm xải lai dưới khoang xuồng. Chừng tỉnh dậy, trăng nhuộm vàng cả một khúc sông. Ngó qua bên kia bờ, thấy ánh đèn măngxông còn sáng giới, lại nghe tiếng đờn ca rôm rả, nó biết đám cưới chưa tan.
Đứng trước cái cảnh trời nước mênh mang giữa đêm khuya thanh vắng, người bình thường còn nôn nao bổi hổi cõi lòng, huống gì một thằng đang thất tình tan nát con tim như Thà. Nó ngồi bó gối  nhìn trời nhìn đất nghĩ ngợi  mông lung.
Nghĩ thương ông già nó suốt tháng quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Cả cuộc đời lẽo đẽo theo sau đuôi con trâu. Mấy năm mặc không cũ cái áo bà ba vải tám. Còn má nó tuổi mới ba mươi đã nách bốn đứa con. Đẻ chưa đầy tháng, nửa đêm lội dọc mé sông mò từng con hến.
Đang nghĩ tới đây, hổng biết thằng nào bên đám cưới bắt chước giọng Út Trà Ôn mùi rệu: “Sông sâu bên lở bên bồi, tình anh bán chiếu trọn đời không phai!”. Tự nhiên lòng dạ thằng Thà giống hệt có ai lấy kim xăm nát như người ta xăm củ gừng trước khi xên mứt. Trong giây phút cám cảnh phận mình ấy, bỗng nhiên nó nhớ đứt ruột mái tóc dài thoảng mùi bông bưởi, nhớ màu da bánh mật với đôi mắt lá răm lúng la lúng liếng của con Hường, người con gái đang bận áo cô dâu đứng kế thằng Phúc - chú rể đáng băm vằm kia, cái thằng bạn đã cùng Thà trải qua một thời thơ ấu với biết bao kỷ niệm buồn vui sướng khổ trên cái doi đất cheo leo này.
Nhưng nghĩ cho cùng thằng kia đâu có lỗi gì. Chỉ tại Thà mặc cảm nhà nghèo nên thương thầm nhớ trộm không dám nói ra, mà cũng tại má nó nữa, chớ chi mỗi lần đưa thằng Út ngủ bả đừng có một câu hát hoài “Ví dầu nhà dột cột xiêu. Muốn đi nói vợ sợ nhiều miệng ăn”…  Nghĩ tới nghĩ lui, chịu hổng thấu, nó rút cây dầm lên nghe cái ọt dạo dạo xuống nước rồi vít mũi xuồng đâm thẳng ra vàm Cai Tổng bơi riết… bơi riết...
Xúc động bởi tấm chơn tình của anh bán chiếu, rồi nghĩ mình cũng na ná như vậy, cũng ôm một mối tình trọn đời không dễ gì phai, thằng Thà dông tuốt vô Cà Mau mua chục đôi chiếu bỏ xuống xuồng bơi vô mấy xóm trong rao bán. Ai có tiền nó lấy tiền. Ai có lúa nó đổi lúa. Lúa đem vô nhà máy chà ra gạo, bơi về chợ Cà Mau đong lại cho bạn hàng.
Tính ra một vốn bốn lời. Bỏ nghề bán chiếu nó day qua làm hàng xáo. Nhưng cái thân đàn ông con trai ở một mình cũng giống như có cái đăng mà không có cái đó, nên tiền kiếm được bao nhiêu sạch nhách bấy nhiêu. Thà quyết định quay về. Ai có tha hương mới biết cái tình quê nó lạ lắm, nó như núm níu bước chân người ta bắt phải quay trở lại.
Thà trở về đúng vào mùa gió chướng, mới hay má nó đã qua đời. Đêm thao thiết trở mình nghe tiếng gió, tiếng tàu dừa quơ ràn rạt, hương lúa trổ đòng thơm mùi con gái, nghe tiếng chày quết bánh phồng thình thình, tiếng mái dầm khua lõm bõm, Thà giật mình bấm đốt ngón tay, buông tiếng thở dài “Sắp tết!”. 
Nhà không có đàn bà, chái bếp trống huơ. Con mèo mướp chê tàn tro lạnh đêm đêm sang nhà hàng xóm tìm chỗ ấm thân. Cái lò tráng bánh không biết tự bao giờ thành ổ cho gà đẻ trứng. Thương bàn tay anh đàn ông vụng về, xót thằng bạn số phần hiu quạnh, thằng Phúc cho con Hường qua gói giùm mấy đòn bánh tét, quết cho vài chục bánh phồng, kho giúp nồi thịt heo, muối sẵn mấy cây dưa cải…
- Anh Thà đi đâu mà biệt tăm biệt tích mấy năm trời dữ vậy?
- Tui vô trong Cà Mau.
- Mần giống gì ở trỏng?
- Có mần gì đâu. Tui đi để quên…
- Quên cái gì? Rồi anh có quên được hôn?
- Quên cái gì tui cũng hổng biết. Mà rốt cuộc có quên được gì đâu.
- Anh trả lời kiểu gì trớt quớt vậy?
- Thì đó, trớt quớt…
Hường bặm môi, nó nhón chân nắm chặt cái quai đảo mạnh chảo nếp xào trên bếp chuẩn bị gói bánh.
Những tưởng bỏ đi bốn năm trời cái tình của thằng Thà đối với con Hường đã nguội. Dè đâu gặp lại, Thà như hột lúa giống khô quắt khô queo trong bồ giờ gặp nước nứt nanh bung vỏ. Ba mươi sáu chước nó đã dùng chiêu bỏ chạy rồi. Không xong. Giờ biết làm sao đây trời!
- Mưa rồi kìa. Sao anh ngồi thừ đó? Chạy ra quơ mấy tàu lá vô để ướt.
Ông trời dã man thiệt, tháng chạp mà mưa. Hổng hiểu nổi (thiệt ra, chỉ có con người phàm tục ở cái chỗ nhân gian đầy lộn xộn này mới hổng hiểu, chớ ông trời ổng mà ra tay làm cái gì thảy đều có ý đồ riêng của ổng). Mưa bất thình lình, con Hường sợ thằng Thà gom lá không kịp, nó lật đật bắc chảo nếp xuống chạy ra gom phụ.
- Sao không lấy cái nón đội lên, ướt lạnh làm sao? - thằng Thà nói trống không.
- Mưa lắt rắt mà ướt át gì. - con Hường cũng trả lời trống không.
- Để lá tui rọc cho. Khăn nè lau đi. Nước mưa thấm vô ngực bệnh đó.
Hường nhìn xuống chỗ ngực áo nó bị nước mưa bết dính vào. Nó bối rối. Thằng Thà làm như mải mê rọc lá. Nhưng tình thiệt là nó đang rọc vô tay, máu nhểu từng giọt. Hường hoảng quá, buông khăn chụp ngón tay thằng Thà đưa lên miệng. Trống ngực thằng Thà dội binh binh. Con Hường nhắm mắt lại nút miết...
Chừng nghe ngộp thở đuối sức, Hường quảy đạp hai chân làm mấy xấp lá chuối rớt xuống đất nghe cái sạt. Nó thảng thốt, cảm giác như có cái cối đá đang xoay tròn nghiền nát cơ thể nó. Nó cong người lại như con tôm nằm trên lửa. Hai tay quờ quạng bấu víu vào khoảng không bơ vơ. Ông trời nhìn thấy ráo trọi, ổng cười cười hất nguyên một xô nước xuống tối mặt tối mũi.
Hường về tới nhà trời cũng vừa nhá nhem tối. Thằng Phúc ra mở cửa:
- Cơm anh nấu rồi, em tắm rồi ra ăn.
- Thôi! Anh bới một tô ăn đi. Em ăn bên nhà anh Thà rồi. Em đi tắm cái đã.
Thằng Phúc thấy hình như  nó còn vụng về hơn cả thằng Thà. Chiên có con cá mà cũng để cho khét lẹt đắng nghét. Giờ bưng tô cơm vít hoài nuốt không vô. Nghe tiếng xối nước ào ào trong nhà tắm, Phúc thấy thương vợ quá, nhưng nghĩ lại thấy thương mình hơn. Nó vô buồng nằm ngó lên nóc mùng nghĩ ngợi lan man. Chừng đã lâu không thấy vợ vô, nó lên tiếng:
- Hường ơi! Em vô anh nói chuyện này, cái gì để đó mai làm. Người tính hổng bằng trời tính đâu.
Hường bước vô giở mùng nằm xuống cạnh bên. Thấy chồng làm thinh miết, nó hồi hộp tính hỏi  nhưng lại lo lắng không biết chuyện gì nên thôi.
Không ai biết vì sao thằng Thà lại bỏ xứ ra đi lần nữa. Người thì nói mấy năm ở Cà Mau chắc nó có vợ ở trỏng. Kẻ lại đồn rằng nó thiếu nợ bị người ta tìm tới xứ để đòi, sợ mang xấu nên bỏ đi. Chỉ có con Hường là biết tại sao. Có điều nó không ngờ thằng Phúc cũng biết. Nó không ngờ cũng phải, bởi cái bữa ông trời cười cười hất nguyên xô nước xuống tối mặt tối mũi, thằng Phúc đứng ngay sau liếp cửa nhà thằng Thà chớ đâu, ổng còn hổng thấy (là do bữa đó vô tình thấy trời mưa nó chống xuồng đem cái áo mưa qua tính rước vợ về).
Không ai ăn rồi ở không đi bàn chuyện thiên hạ, nhưng ngặt nỗi trong thiên hạ lại không ngớt chuyện phải bàn. Cũng như chuyện con Hường lấy chồng bốn năm không đẻ. Bà già chồng nó đi ra đi vô mắng chó chửi mèo. Thằng Phúc thương vợ, cũng muốn nghe lời người ta đi khám bác sĩ coi thử ra làm sao. Nhưng sợ nếu lỗi tại con Hường thì vô tình làm cho vợ nó phải gánh thêm áp lực “cây độc không trái gái độc không con”. Còn nếu như lỗi tại nó thì làm cái thằng đàn ông mà không có khả năng truyền giống còn đâu là sĩ diện. Nó lần lữa mãi… Vậy rồi, cuối cùng con Hường cũng có thai.
Hơn  chín tháng sau ngày thằng Thà bỏ đi, con Hường trở dạ sinh con. Thằng Phúc lính quýnh chạy tới chạy lui láng lình cả một khúc hành lang nhà bảo sanh. Chừng nghe tiếng trẻ oe oe, nó nhào vô nựng nịu con Hường rồi xoay qua mân mê đứa nhỏ, nói thầm trong bụng: “Con của vợ mình đẻ là con mình. Thây kệ”.
Đêm đó con Hường thấy bụng đau nhoi nhói, Phúc an ủi vợ: “Chắc là đau bụng máu, anh thấy hồi đó má sanh thằng Út cũng bị như vậy”. Nói rồi nó lấy chai nước nóng ủ trong cái khăn lông lăn qua lăn lại trên bụng vợ. Bụng con Hường ngày càng đau. Hừng sáng, lúc cô mụ tới thăm thì con Hường đã đuối sức.
Ghe chở nó lên bệnh viện tỉnh vừa ra tới đầu vàm, nó leo lét nhìn chồng như muốn nói điều gì. Thằng Phúc ghé sát tai vào miệng vợ. Con Hường cố lấy hết sức nói mấy câu gì đó không ai nghe rõ, chỉ thấy thằng Phúc kịp gật đầu: “Anh biết rồi,  anh hứa… anh hứa” trước khi vuốt mắt cho vợ…  Ghe quay trở về.
“Mới bước đầu tháng mười mà chướng non đã liu riu. Điệu này năm nay mưa dứt sớm đây”. Câu nói bâng quơ không biết của ai, có lẽ để làm cho không khí bớt yên ắng thê lương, không dè thằng Phúc gào lên: “Mưa gió gì tháng chạp mà còn mưa. Trời ơi là trời…”. Nó úp mặt vô ngực vợ khóc rống. Mọi người nghĩ nó quá đau lòng nên nói sảng. Cái máy Yanmar xả hết tốc lực, mũi ghe chồm lên  rồi lao đi. Sương sớm đậu trên mấy vạt bần bị ngọn  chướng non liu riu thổi phà ra lãng đãng.
- Con nhỏ đó là con. Ba thương nó ở vậy làm chuột trống nuôi con (ba tuổi con chuột mà)… đúng chưa? Một năm ba kể cho con nghe chuyện này chắc chừng tám lần mà hai mươi năm như vậy ba nhắm coi, có tối dạ như đêm ba mươi cũng thuộc lòng, chứ đừng nói thông minh học giỏi như con gái của ba. À! Mà hồi chiều ba biểu con chuẩn bị mai hai cha con mình về quê, quê nào vậy ba?
- Thì quê nội con chớ quê nào.
- Sao ba nói hồi chiến tranh nhà nội bị giặc bỏ bom trúng hầm chết hết rồi đâu còn ai.
- Ừ ba thì không còn ai nhưng con thì còn.
Hạnh tròn mắt nhìn ba nó. Hai mươi năm qua Phúc chưa bao giờ kể cho con bé nghe đoạn kết của câu chuyện. Hôm nay anh quyết định nói ra sự thật cũng là để thực hiện lời hứa với người đã khuất. Anh đưa cho Hạnh xem tấm ảnh nó chụp hồi mới lên ba, đầu quấn dải khăn  tang, đôi mắt mở tròn xoe ngơ ngác. Hạnh ngắm nghía hồi lâu rồi như sực nhớ điều gì, nó hỏi anh:
- Sao ba nói má chết hồi mới vừa sinh ra con mà?
Phúc không trả lời câu hỏi của con. Anh kể tiếp câu chuyện còn dở dang của hai mươi năm về trước.
Mất hết người thân, Phúc một tay ôm con, một tay ôm hũ hài cốt của vợ bỏ xứ ra đi để tránh thói đời thị phi và nỗi đau số phận. Nó làm đủ thứ công việc để nuôi con. Hai năm sau, tình cờ Phúc gặp một người cùng quê, mới hay lần Thà bỏ đi sau này là đi theo quân giải phóng và đã hi sinh cách đó không lâu. Phúc thương bạn, ngồi ôm con nhìn miết di ảnh của vợ trên bàn thờ. Nước mắt  thằng đàn ông ở vào hoàn cảnh như nó mà chảy được ra ngoài mới lạ.
Chiều đó, Phúc ra chợ mua một vuông vải trắng về quấn lên đầu con Hạnh, nấu mâm cơm cúng thằng Thà, dạy con nhỏ cầm mấy cây nhang xá xá vô khoảng không trước mặt khấn: “Con là bé Hạnh con của ba Thà, ba về nhận con phù hộ cho con mạnh giỏi mau lớn…”. Con bé lọng ngọng lặp lại lời cha, không biết cái gì khiến nó ngồi buồn rười rượi. Phúc chạy qua tiệm chụp hình kế bên kêu thợ chụp cho nó một tấm để dành sau này nó hiểu tấm lòng của Phúc, là Phúc nghĩ vậy. Trên bàn thờ Hường từ đó có thêm cái chén đôi đũa. Con Hạnh được ba giao mỗi bữa đốt  cho má hai cây nhang cho má vui, tới lớn thành quen lệ, nó chưa bao giờ hỏi ba nó về điều đó.
Đúng vào ngày sinh năm con Hạnh mười tám tuổi, Phúc đã định cho nó biết và dắt nó về quê nhận họ hàng bên nội. Nhưng anh sợ, sợ làm xáo trộn cuộc sống của nó, sợ ảnh hưởng tới kỳ thi đại học của con bé. Nhưng thiệt ra cũng có phần anh sợ cho anh. Từ lâu rồi Hạnh đã là máu thịt, là một phần đời của anh. Anh sợ biết ra anh không phải là ba ruột của nó, nó sẽ không còn thương anh như trước nữa. Biết làm vậy là thất hứa với Hường, vậy là ích kỷ nên hôm nay Phúc quyết định nói ra. Cũng một phần anh sợ mình không còn sống được bao lâu với chứng bệnh nan y mà bấy lâu anh đã cố giấu Hạnh.
Khúc sông này là nơi ba người đã sống những ngày thơ trẻ bên nhau. Nhánh bần này là nơi Hường hay ngồi vắt vẻo vỗ tay la hét cổ động cho Phúc và Thà “thủy chiến” với nhau. Tới khi cả hai thằng lỗ mũi ăn trầu cái đầu xỉa thuốc mới ấm ức phát hiện không biết Hường ở phe nào. Còn ở chỗ cây cầu bê tông bắc qua con rạch kia, ngày xưa là cây cầu khỉ có cái tay gượng bằng cây tầm vông.
Rằm tháng tám trẻ quê không có lồng đèn bánh mứt, ba đứa xin tiền má mua đèn cầy, đêm tối đốt lên gắn dọc cái tay gượng, khoái chí ngồi nhìn ánh sáng rọi xuống mặt nước lung linh như  chốn thần tiên trong mấy câu chuyện đời xưa của má. Dưới chân cầu là cái bến nước, nơi lớn lên một chút, chiều chiều Hường hay ra đó giặt đồ. Bên kia sông chỗ có cây gừa nằm ngã ngọn de ra mặt nước là nơi Thà đã neo xuồng một mình uống “quắc cần câu” bữa đám cưới của Phúc với Hường.
Tất cả là cảnh vật một thời trong hoài niệm của Phúc. Chớ hai mươi năm rồi sao cảnh cũ còn y vậy được. Chỉ có cái liu riu bổi hổi của ngọn chướng non là vẫn còn nguyên hơi hướm cũ. Đêm. Một chút bàng bạc của trăng suông, một chút mênh mang của mặt nước sông đầy. Phúc ôm dầm  cho xuồng trôi theo con nước xuôi. Anh ước mình giống như chiếc xuồng kia nhàn tản, an nhiên giữa trời đất bao la. Hạnh ngồi trước mũi xuồng nhưng quay mặt về phía cha. Hai cái hũ sành đựng hài cốt của ba Thà, má Hường nó cẩn thận để dưới khoang xuồng.
- Má xin ba khi nào con lớn cho con nhìn cha rồi mang tro cốt của má rải theo khúc sông này (câu này Phúc nói với con). Không biết hai người họ có gặp nhau dưới đó không (còn câu này là Phúc tự nói với mình).
- Con thấy ông nội thương con, con cũng có cảm tình với ông nội. Nội biểu, con không dám cãi. Nhưng đem tro cốt của ba Thà rắc chung xuống đây với má con thấy… thương ba…
Nỗi niềm riêng bấy lâu Phúc giấu tận đáy lòng giống như người ta giấu kỹ ngón chân đau sợ ai giẫm phải, giờ nghe con nói vậy, anh bật khóc không cầm được:
- Ba cám ơn con gái vì con vẫn thương ba. Ba không sao, con hãy yên tâm. Má con mất đi mang theo nỗi ân hận vì đã có lỗi với ba dù má không cố ý. Phải chi má biết ba đã tha thứ cho má lâu rồi. Còn ba Thà con vì nước hi sinh mà không hề biết trên đời mình đã có một đứa con gái giỏi giang xinh đẹp. Chắc dưới suối vàng nó cũng dày vò vì nỗi mình có tội với bạn. Chỉ mình ba là hạnh phúc nhất, vì ba có con. Nếu không có con thì giờ này ba bơ vơ cô độc biết chừng nào.
Xuồng trôi gần tới chỗ giáp nước, Hạnh bốc từng nắm tro cốt của má thả nhẹ theo dòng nước. Má sẽ mãi mãi theo con nước lớn ròng, nghe tiếng bìm bịp kêu, không còn than thở nhớ nhà nhớ quê nữa nha má. Dưới trăng mặt nước lờ nhờ một màu xám đục. Hạnh ôm hũ cốt của Thà lên ngần ngừ một chút rồi bước lại đưa cho Phúc. Anh không vốc từng nắm mà đưa cây dầm cho Hạnh rồi đứng dậy giơ hũ lên cao từ từ nghiêng cho tro trong hũ bay ra.
Lạ lùng thay, chướng đang rắc riu bỗng nhiên lùa qua một vòng xoáy tròn cuốn theo nắm tro cốt của Thà bay lên cao, lên cao qua khỏi ngọn bần chỗ bầy đom đóm đang chong đèn nhấp nháy rồi mất hút. Hạnh bỗng thấy sống mũi mình cay cay. Cho đến tận bây giờ nó mới mơ hồ cảm nhận được mối quan hệ thiêng liêng giữa nó và nắm tro vừa bay lên trên bầu trời kia. Nó thò tay khỏa khỏa mặt nước rồi ngước mặt nhìn lên chỗ mấy ngọn bần, thì ra ba Thà của nó cũng là một người bạn tốt.
- Ba nói cho má biết ba đã tha thứ cho má lâu rồi,  đi ba!
Phúc nhìn  chỗ hai con nước giáp nhau. Anh gật đầu, nhưng lại nói với Hường một lời nguyện khác: “Hường ơi! Em ráng chờ anh với. Mình hẹn kiếp sau nghe em”. Rồi Phúc quay mũi xuồng lại:
- Mình về thôi con. Hình như chướng sắp già rồi.
(Bến Tre, mùa gió chướng 2005)
NGÔ THỊ THU VÂN

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Popular Posts

Blogger news

About




Powered by  MyPagerank.Net

Academics Blogs
Bookmark and Share

Blog Archive