Your Adsense Link 728 X 15

Phần 03: Nhân quả

Posted by Kenny Phạm 23/6/10 0 nhận xét
Nắng kinh khủng khi chị bước ra khỏi tòa án. Vài chiếc xe Honda rề lại mời chào nhưng chị lắc đầu. Miệng khô đắng, chị bước chông chênh như người sắp ngã qua phía bên kia đường. Nơi ấy có một quán nước vỉa hè.
Phía sau chị, người đàn ông từng đầu ấp tay gối một thời đã ngoắc một chiếc xe ôm và leo lên. Chị nhìn theo, lẩn thẩn nghĩ: “Trông anh ta chẳng có vẻ gì vừa ly hôn cả”. Nghĩ xong, chị giật mình. Không biết nhìn mình, người ta có biết mình vừa ly hôn không?
Người bán hàng bưng ra một ly nước dừa. Chị uống ừng ực một cách thèm thuồng. Vẫn chưa hết khát, chị gọi thêm một ly nữa.
Nắng quá. Mái tôn sẽ nóng bỏng, hắt hơi nóng sầm sập xuống nhà, nơi ba đứa con chị nằm ngủ còng queo trên chiếu. Chiếc chiếu duy nhất anh để lại.
Chiều hôm qua, anh đã dọn sạch mọi thứ:
- Cô bảo không cần tôi, chắc cũng không cần đến những thứ tôi đã sắm. Nếu ly hôn, tôi sẽ lấy tất cả đi.
Chị chán chường, khinh bỉ gật đầu:
- Anh muốn gì cứ lấy.
Chị không ngờ, chỉ sau một tiếng đồng hồ bỏ đi, lúc quay lại, anh đem thêm hai người nữa, khuân hết mọi thứ ra ngoài.
Ba đứa trẻ nhớn nhác, tụm vào nhau mếu khóc trong tay em gái chị. Còn chị, chị chỉ ngồi im. Đến lúc anh bảo hai người đàn ông khiêng tấm nệm và tháo chiếc giường ra, chị chợt kêu lên:
- Anh có còn là người không? Chiếc giường đó của các con anh nằm mà.
Anh cười khỉnh:
- Thì mẹ nó sẽ mua cái khác cho chúng nó.
Chị lặng người.
Anh không chỉ đem đi chiếc giường và những vật dụng anh mua. Sự nhẫn tâm của anh vô giới hạn. Đến nỗi khi chiếc xe hàng rồ máy đi rồi, gian nhà nhỏ trống rỗng chỉ còn lại một cái chiếu và ít chén bát, nồi niêu trong bếp. Em gái chị đưa đôi mắt buồn hiu nhìn quanh rồi bật khóc. Ba đứa trẻ thấy dì khóc, oà lên khóc theo. Nước mắt chị cũng chưc trào, nhưng chị cố nén lại: “Khóc cái gì? Nín hết đi!”.
Đêm hôm ấy, mấy mẹ con chị nằm ôm nhau trong chiếu. Đứa em gái trải báo ra nền nhà. Không có chăn, chị lấy những chiếc áo len, áo bông, đắp cho con và em. Khi tất cả đã yên giấc, chị mới âm thầm khóc một mình.
Buổi sáng. Chị nấu nồi cơm nhỏ, dặn em gái:
- Hôm nay chị lên tòa, chắc về trễ. Em cho các cháu ăn rồi dỗ tụi nó ngủ nhé.
Thế rồi chị quày quả bước đi.
Trước tòa, anh bảo:
- Tôi sẽ nuôi một đứa.
Chị kêu lên:
- Không. Tôi sẽ nuôi hết. Anh không được tách chị em chúng ra.
Tòa bảo:
- Các con còn nhỏ, được xử sống với mẹ. Cha có nhiệm vụ cấp dưỡng hàng tháng.
Anh khăng khăng:
- Nếu không để tôi nuôi một đứa, tôi sẽ không ký giấy ly hôn.
Tòa bảo:
- Cho phép anh chị hội ý, thương lượng cho ngã ngũ rồi báo cho tòa biết.
Chị nài nỉ anh:
- Anh thương con thì đừng tách chúng ra.
Anh phun một hồi khói thuốc vào mặt chị:
- Cô muốn nuôi hết cũng được, nhưng trong giấy tờ phải ghi tôi nuôi một đứa. Bao giờ tôi thích, tôi sẽ đến đón nó.
Mắt anh nheo lại một cách đểu cáng:
- Hay thôi, đừng ly hôn nữa, về sống lại với nhau vậy?
Chị rùng mình.
Thế là, trên tờ quyết định ly hôn, ghi anh nuôi một đứa, chị hai đứa. Khi tòa hỏi phần tài sản, anh mau miệng: “Chúng tôi sẽ tự thỏa thuận”. Chị có cảm giác hết sức buồn nôn nhưng cố nén. Bước ra khỏi phòng xử, anh vừa đi vừa huýt gió. Xuống phía dưới cầu thang, anh chận chị lại, bảo:
- Kiếm thằng nào giàu giàu một chút, lấy tiền của nó mà nuôi con tôi nhé. Cô còn đẹp chán, không khó để kiếm chồng đâu.
Nói xong, anh cười một cách khả ố rồi quẹo vào toilet.
 Chị cũng vội vã chạy vào toilet nữ. Giờ đây, chị có thể nôn rồi.
===========
Chị không thể không ly hôn anh. Cuộc hôn nhân của chị đã sai lầm ngay từ đầu. Khi chị sinh đứa con đầu tiên, anh đã lộ rõ bản tính háo sắc bằng hành động cặp kè với người khác ngay trước mặt chị.
Anh bảo, đàn ông cần chuyện đó, chị sinh nở không đáp ứng anh được thì phải chấp nhận để anh đi giải quyết bên ngoài. Lúc ấy, chị còn trẻ quá. Chị mới mười chín tuổi. Mẹ anh lại khuyên nhủ: “Đàn ông thằng nào không vậy? Nó nói thiệt còn hơn nó giấu sau lưng mình”. Chị đành lặng im.
Hai năm sau, chị lại sinh đứa thứ hai. Mãi khi đứa nhỏ được gần ba tháng, mẹ chồng chị mới đến nhà. Bà đến không phải để thăm dâu, thăm cháu, mà để bảo con trai:
- Mày xuống Bình Dương rước con Kiều với thằng nhỏ lên đây đi. Tao sẽ biểu vợ mày hợp thức hóa nó.
Chị bật ngửa khi biết anh đã có  đứa con trai với một cô vũ nữ trước khi cưới chị. Mẹ chồng chị bảo:
- Con không đẻ con trai được thì phải chấp nhận cho chồng con rước con nhỏ kia về cho nó làm nhỏ. Mày vẫn là vợ lớn, nắm quyền trong tay, mất mát gì?
Nhìn đứa con còn đỏ hỏn trong tay, chị ứa nước mắt, gật đầu đi với chồng và mẹ chồng xuống Bình Dương để rước người phụ nữ ấy và đứa cháu đích tôn về. Thế nhưng, cô vũ nữ đã cười vào mũi họ:
- Ai nói nó là con, là cháu của mấy người? Làm ơn để tụi tôi yên đi.
Lên xe, mẹ chồng chị nhiếc:
- Có miệng mà không biết nói một câu.
Chị bật khóc. Anh bảo mẹ:
- Chắc đứa sau là con trai. Má làm gì dữ vậy?
Nghe lời anh, chị có bầu thêm lần nữa. Biết đâu đứa con trai sẽ giúp anh bỏ thói trăng hoa, ở nhà làm một người chồng, người cha đàng hoàng? Khi nằm trên bàn đẻ, chị cầu Trời khấn Phật cho chị một đứa con trai. Suốt chín tháng qua, chị đã khăng khăng không chịu đi siêu âm. Anh bảo: “Đi siêu âm để biết trai hay gái. Nếu là gái nữa thì bỏ đi”. Giống như bỏ một con gà, một con vịt vậy. Chị không chịu. Ngày đêm, chị ôm ấp sinh linh trong bụng, thầm thì với nó: “Con thương mẹ, đừng là con gái nghe con”. Thế nhưng, Trời Phật đã không nghe lời cầu khẩn của chị.
Ôm con trong tay, chị khóc ròng. Em chị vào bệnh viện thăm, ẵm theo hai đứa nhỏ:
- Chị ơi, cho em ở lại đây luôn. Em không về nhà đâu.
Ánh mắt con bé hoảng hốt, lo sợ. Chị điếng người. Anh thú vật vậy sao? Con bé chỉ mới mười bốn tuổi. Chị cố gạn hỏi:
- Anh ấy có làm gì em không?
Con bé lắc đầu, khóc òa:
- Chưa. Em cầm con dao. Ảnh bỏ đi, nhưng em sợ lắm!
Ra tòa, anh trơ tráo nói:
- Tôi yêu vợ tôi. Tôi không muốn ly dị.
Chị ngồi khóc ngoài thềm khi tòa xử cho thử thách ba tháng. Người thư ký phiên tòa dắt chiếc xe đạp đi qua, đứng lại:
- Sao chị chưa về, còn ngồi đây?
Chị ngước đôi mắt đỏ sọng lên nhìn:
- Cô ơi, làm ơn…
 Nghe chị kể xong mọi chuyện, người thư ký trách:
- Sao hồi nãy trước tòa chị không khai hết ra. Giờ muốn giúp chị cũng khó lắm, phải chờ qua ba tháng.
Chị khóc:
- Vậy mẹ con em sẽ xin vô chùa ở, không ở chung với anh ta nữa. Người thư ký ái ngại lắc đầu.
Có lẽ mủi lòng vì hoàn cảnh của chị, cô thư ký đã làm hết sức. Một tuần sau, tòa đưa giấy mời hai vợ chồng lên. Cầm tờ giấy, anh chửi thề:
- Mẹ, bắt đi tới đi lui hoài!
Quay qua chị, anh bảo:
- Cô muốn ly hôn, tôi đồng ý. Có điều cô sẽ ra khỏi nhà tay trắng, không được đem theo bất cứ món gì trừ áo quần. Tôi sẽ lấy tất cả những gì tôi đã sắm. Đồng ý thì mai lên tòa, tôi sẽ ký.
 Chị gật đầu. Thế là một tiếng sau, anh đưa người về dọn tất cả đồ đạc đi, chỉ để lại một chiếc chiếu, trước kia vẫn dùng để ngồi ăn cơm.
============
Anh biến mất tích, như viên sỏi quăng xuống đáy hồ sâu. Bản án ly hôn bắt anh cấp dưỡng cho các con mỗi tháng sáu trăm ngàn. Thế nhưng suốt từ lúc ly hôn xong đến khi các con chị đã trưởng thành, chị không nhận được một xu nào từ anh.
Những tháng đầu tiên thật cực khổ. Chị xin giúp việc ở một tiệm phở, mỗi ngày chúi mặt chùi rửa hàng trăm chiếc tô váng mỡ. Hàng bán xong, chị còn phải phụ quét dọn, lau chùi. Hai bàn tay trắng trẻo, mềm mại của chị, chẳng mấy chốc đã chai sần, nổi gân. Không hề gì. Miễn là chị nhìn thấy ba đứa con sởn sơ, mạnh khoẻ. Em gái chị cũng trổ mã con gái, mắt biếc, môi hồng dù ăn uống đạm bạc, cực khổ. Nó cương quyết không chịu đi học nữa, bảo là không đành lòng nhìn chị bươn chải một mình. Vừa trông cháu, nó vừa nhận may gia công, nhận đan giỏ, thêu thùa. Nhìn em, chị chảy nước mắt. Không biết đời em sau này có khổ như đời chị hay không?
Làm công cho quán phở được hai năm, chị dành dụm được một số tiền nhỏ. Sang chiếc xe cà phê, nước ngọt, chị xin đứng bán ở vỉa hè ngôi trường mẫu giáo của con chị. Vừa bán hàng, chị vừa âu yếm nhìn các con vui chơi trong trường. Nỗi cực nhọc cũng theo gió bay đi.
Khi con chị vào học cấp 2, chị không còn bán cà phê, nước ngọt ở vỉa hè nữa. Chị đã thuê được một mặt bằng để bán cơm tấm hàng ngày. Không ít người đến ăn để ý đến bà chủ trẻ. Vâng, chị vẫn còn trẻ lắm, và đẹp nữa. Chị chưa bước đến tuổi bốn mươi. Em gái chị đã đi lấy chồng nhưng vẫn về bán hàng phụ chị. Nó khuyên: “Coi ai tốt, đi bước nữa đi chị. Nhà mình giờ cũng tạm yên rồi”. Chị lắc đầu. Một lần sang ngang là quá đủ. Cứ nghĩ đến ngày xưa là chị lại rùng mình.
Thế rồi, bất ngờ chị gặp anh.
Anh vào quán, gọi một dĩa cơm tấm rồi cúi đầu ăn ngấu nghiến. Cả chị và em gái đều không thấy anh. Chỉ đến khi cô gái phụ việc đến quầy nộp tiền, cười khúc khích, bảo: “Cái ông kia, ăn như đói cả tháng”, cả hai chị em mới ngửng đầu lên, tò mò nhìn.
Chị rủn người. Em gái chị cũng sững sờ buông rơi cái muổng. Dù đã nhiều năm trôi qua, dù hình dạng anh thay đổi, chị vẫn không thể quên được con người tàn nhẫn đó. Nhưng tại sao anh lại sa sút đến như vậy? Anh mặc một chiếc áo cũ, vá chằng vá đụp. Chiếc quần kaki bạc màu cũng vá hai miếng trên đầu gối. Gương mặt sạm nắng hốc hác, râu ria tua tủa, trông anh già hơn số tuổi bốn lăm của mình. Anh vừa ăn hết dĩa cơm, vét sạch đến láng bóng chiếc dĩa. Như còn thòm thèm, anh quay người lại, gọi: “Cho miếng cơm cháy đi”.
Chị thụp người xuống, lánh mặt sau quầy, nhưng anh đã nhìn thấy. Anh sựng lại một chút rồi đứng bật dậy, kêu lên: “Hạnh!”.
Sau khi ly dị, anh bán hết đồ đạc, lấy thêm của cha mẹ một số tiền rồi đi vượt biên. Chuyến đi không thành. Anh mất sạch. Trở về nhà cha mẹ, anh muốn lấy thêm một ít nữa nhưng cha anh không cho. Đợi một hôm ông bà đi xóm, anh cạy tủ, lấy hết số vàng bạc dành dụm của ông bà rồi bỏ đi.
Sống cuộc đời giang hồ tứ xứ, khi hết tiền, anh cặp với một cô gái điếm, làm vệ sĩ cho cô ta mỗi ngày. Quen thói xài hoang, lại không bỏ tật trai gái, anh bị cô gái điếm đuổi ra khỏi nhà chỉ với bộ quần áo dính da, sau khi cho đàn em dằn mặt anh một trận.
 Anh bảo: “Đó là lần đầu tiên, tôi nghĩ đến quả báo”.
Lê bước tàn tạ trở về với ý định xin lỗi cha mẹ, anh điếng người khi biết tin cha đã qua đời vì đứt mạch máu ngày anh bỏ nhà ra đi. Mẹ anh cũng lên cơn tai biến, liệt nửa người, lúc tỉnh, lúc mê. Nhưng mỗi khi bà tỉnh, đều gọi anh vào, thều thào: “Đi kiếm con Hạnh. Xin lỗi nó cho má”.
Suốt ba năm qua, anh đạp xích lô, nuôi mình và nuôi mẹ. Anh đạp xe khắp ngả đường, chỗ nào cũng hỏi thăm. Về xóm cũ, người ta bảo chị dọn nhà đi đã lâu, không tin tức gì. Anh cầu khấn Trời Phật cho anh được gặp lại chị và các con, dù chỉ một lần.
- Tôi xin Hạnh. Hạnh có thể đưa các con đến thăm bà nội chúng không? Bà yếu lắm rồi, nhưng tôi hiểu bà chỉ nấn ná sống để được gặp Hạnh.
Em gái chị bật kêu:
- Gặp làm gì? Nếu hồi đó chị em tôi với mấy đứa nhỏ bị bịnh tật, đói rách mà chết, giờ này lấy ai mà gặp mấy người?
Anh cúi gầm mặt, hai vai rũ xuống. Chị bảo:
- Thôi anh về đi. Chuyện đó tôi còn phải hỏi ý mấy đứa nhỏ nữa. Lâu nay, tụi nó chẳng biết gì về cha, về ông bà nội cả. Giờ đột ngột bảo đến, tôi sợ tụi nó bị sốc.
Khi anh đã đi, chị ngồi tần ngần một lúc lâu. Chị không thể ngờ sau khi ly hôn với chị, đời anh lại xảy ra nhiều biến cố như thế. Em gái chị phản đối:
- Kệ họ đi chị. Bao nhiêu năm qua, mình coi như không có họ, giờ cũng vậy đi. Hơi sức nào dính líu đến loại người đó nữa.
Chị im lặng. Chính chị là người muốn chôn chặt quá khứ đau buồn nhất, nhưng không hiểu sao, khi nghe anh nói về bà mẹ liệt giường, thoi thóp sống để chờ được gặp mình, lòng chị chợt nhói đau.
Đêm ấy, chị gọi các con lại:
- Mẹ muốn kể cho các con nghe một chuyện...
Anh xuống tóc ngay trong đám tang của mẹ. Chị và ba đứa con gái đứng im lặng sau quan tài. Khi nhìn thấy chị và ba đứa cháu nội, mẹ anh nấc lên một cái. Hai giọt lệ ứa ra trong hốc mắt sâu hoắm. Bà không nói được lời nào, cứ nắm chặt tay chị cho đến lúc trút hơi thở cuối cùng.
Mặc cho em gái phản đối, chị vẫn cho các con thọ tang. Cả chị cũng đội một vành khăn trên đầu. Nghĩa tử nghĩa tận, huống gì cả bà lẫn anh đều nhận ra lỗi của mình.
Tang ma xong, anh quỳ trước mặt chị:
- Tôi xin lỗi Hạnh. Mong Hạnh sẽ tha thứ. Ngày mai tôi vào hẳn trong chùa. Ngôi nhà này, mẹ tôi đã di chúc để lại cho các cháu. Mong Hạnh nhận cho linh hồn mẹ được siêu thoát. Tôi rất cám ơn.
Quay sang ba đứa con gái, anh bảo: “Ba xin lỗi”, rồi ôm mặt khóc rưng rức.
Đứa con gái út, đứa bé bị ruồng bỏ từ trong bụng, đưa tay đỡ cha dậy. Nó bảo:
- Mẹ và tụi con đã tha thứ cho ba rồi. Ba cứ yên tâm sám hối.
 Đúng một trăm ngày mẹ anh mất, chị và các con bán căn nhà thừa kế, gửi hết tiền vào quỹ chăm sóc trẻ mồ côi.
PHẠM THỊ NGỌC LIÊN

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Popular Posts

Blogger news

About




Powered by  MyPagerank.Net

Academics Blogs
Bookmark and Share

Blog Archive