Your Adsense Link 728 X 15

P03: Lời "giao lưu" cuối cùng gửi Nguyễn Kiều Liên

Posted by Eddy Lê Giang 11/6/10 0 nhận xét
Nguyễn Kiều Liên - giáo viên, điều hành Câu lạc bộ Tình yêu - hôn nhân, đã vĩnh viễn ra đi trong một buổi chuẩn bị cho các bạn trẻ giao lưu tình cảm.
Mùa mưa cách đây bốn năm, tôi quen với Nguyễn Kiều Liên, một giáo viên ở Trường Phổ thông cơ sở Tân Quy Tây, huyện Bình Chánh. Hồi ấy Câu lạc bộ Tình yêu - hôn nhân (Nhà Văn hóa Thanh niên) vừa mới thành lập và Kiều Liên là một trong những thành viên đầu tiên.
Thoạt nhìn, xem chừng Kiều Liên không phải người có thể làm hạt nhân các loại sinh hoạt câu lạc bộ. Vóc người gầy yếu, lối nói chuyện không hoạt bát cho lắm... khiến Kiều Liên dễ trở thành một thành viên chìm lẫn trong tập thể. Nhưng năm tháng trôi qua đã khẳng định ngược lại...
“Các bạn ơi, mình có ý kiến như thế này nha...”, “Các bạn ơi, buổi sinh hoạt hôm nay chúng ta sẽ trao đổi về đề tài...”. Giọng nói của Kiều Liên không sôi nổi, song lại mềm mại và rất phù hợp với một câu lạc bộ trao đổi những quan hệ tình cảm. Hồi ấy, câu lạc bộ còn sinh hoạt vào mỗi thứ sáu hàng tuần, từ 19 giờ. Dù nhà ở tận Gò Vấp, khá xa Nhà Văn hóa Thanh niên, và bận công tác hằng ngày, phải đi lại nhiều rồi, song có những đêm, buổi sinh hoạt đã tan từ lâu, phần đông các bạn đã ra về mà Kiều Liên vẫn còn ngồi nán lại bàn tiếp công việc với ban điều hành câu lạc bộ.
Một lần, tôi đùa: “Liên ốm yếu mà vẫn chịu miệt mài như thế này, “sung” quá vậy!”. “Công việc vui, thú vị nên quên luôn cái mệt”. Liên cười, nụ cười hiền từ. Rồi câu lạc bộ mở rộng hoạt động, tìm đến những tập thể bạn bè mới ở các vùng xa, Kiều Liên vẫn tích cực đeo bám...
Lần đi giao lưu với nông trường Thanh niên xung phong ở Duyên Hải, sau cuộc hành trình đó tôi thấy Kiều Liên có vẻ bơ phờ lắm, vậy mà đò vừa cập bến lại thấy chị xăng xái nhảy lên, tìm gặp các anh thanh niên xung phong bàn bạc việc bố trí ăn ở cho anh chị em. Đêm ấy, bên ánh lửa trại bập bùng, Kiều Liên lại hát một lúc hai bài, vẫn với chất giọng mượt mà tình cảm của mình...
Khi giao lưu kết bạn phát triển gần như một phong trào của tuổi trẻ thì công việc của câu lạc bộ ngày càng nặng nề hơn. Công bằng mà nói, với vai trò trưởng ban điều hành và trước yêu cầu nâng cao chất lượng của loại hình sinh hoạt mới này, khả năng riêng của bản thân Kiều Liên tuy có nhưng chưa đủ sức đáp ứng trọn vẹn. Song cái hay của Kiều Liên là biết bù đắp sự thiếu hụt đó bằng cách dựa vào chất xám của các bạn trong ban điều hành, của các nhà chuyên môn.
Sự năng động, nhiệt tình, chặt chẽ trong khâu tổ chức thực hiện, phối hợp với sức mạnh của người khác giúp Kiều Liên điều hành tốt sinh hoạt của câu lạc bộ. Những địa chỉ đơn vị giao lưu mới, những thành viên mới trong câu lạc bộ càng phát triển. Hình thức sinh hoạt cũng phong phú hơn: giao lưu về đêm trong quán cà phê, giao lưu theo nhóm lứa tuổi, trại giao lưu ở Thủ Đức, Đà Lạt...
Tất cả, ít nhiều đều có dấu ấn Nguyễn Kiều Liên. Có lần tôi tò mò hỏi chị: Ở cái tuổi ba mươi chín chắn, sao Kiều Liên vẫn say mê với các loại hình sinh hoạt vốn thích hợp nhiều với lứa tuổi còn mộng mơ, bay bổng này? Kiều Liên trả lời thật gọn: “Mình ưa hoạt động xã hội. Hơn nữa sinh hoạt này giúp mình biết thêm cách xử thế, rèn luyện tác phong dạn dĩ, linh hoạt...”.
Sau ngày đi trại giao lưu ở Đà Lạt về, Kiều Liên qua tòa soạn tìm tôi, không gặp, có nhắn giấy lại: “Cần gặp anh gấp để bàn chương trình giao lưu của Đoàn Liksin ngày 26-8 và trại 2-9 ở Thủ Đức. Hẹn gặp anh tại tòa soạn sáng thứ tư 23-8...”. Lời hẹn đó không thành. Tối thứ ba 22-8, Kiều Liên đạp xe vào sân bay, bàn với Đoàn Phòng không 367 về chương trình ngày trại 2-9. Khoảng 20 giờ chị đạp xe ra về và bị một chiếc xe Honda tông phải, ngã xuống đất, va đầu vào nền đường đá...
Buổi sáng đưa chị về nghĩa trang, có đông đảo bạn bè trong Câu lạc bộ giao lưu - kết bạn và cả những cá nhân, đơn vị có mối quan hệ với câu lạc bộ. Không ít bạn gái đã không cầm được nước mắt ở những giây phút chia tay cuối cùng với chị. Đào Lệ, cán bộ Nhà Văn hóa Thanh niên phụ trách mảng giao lưu, thì ngẩn ngơ: “Biết đến bao giờ mới tìm được một người vừa nhiệt tình vừa có năng lực như Kiều Liên...”.
Riêng tôi không khỏi sững sờ khi biết rằng Kiều Liên đã góp sức vun đắp cho mối quan hệ tình cảm của bao người, còn bản thân chị lại chịu một nỗi đắng cay về tình cảm riêng mà ít ai hiểu thấu để giúp đỡ. Kiều Liên nói với tôi rằng chị đã có một tổ ấm gia đình, nhưng thật ra thì ngược lại...
Và cũng vì Kiều Liên rất ít nói về cái riêng của mình nên mãi đến sau hai năm quen chị, tình cờ nhìn vào lý lịch trích ngang trong danh sách ứng cử vào ban điều hành tôi mới biết từ lâu chị đã là một đảng viên. Người đảng viên trẻ ấy luôn thể hiện vai trò của mình ở tính cách: năng nổ, nhiệt tình và luôn đi đầu trong mọi công tác. 

LƯU ĐÌNH TRIỀU
==========================================================
Ngô Đình Đức: “Không thể sống mà không có niềm tin”

Lên tám là tuổi thích hợp với những hòn bi lăn trên mặt đất, cánh diều bay vút giữa trời cao... Thế nhưng với Ngô Đình Đức tám tuổi là những bước chân đi rong trên đường phố, trong xóm chợ, ở các bến xe với tập vé số cầm tay...
Cũng như nhiều bạn “đồng nghiệp” khác, Đức có một hoàn cảnh khá hẩm hiu.
Và điều đó đã được Đức ghi nhớ trong phần mở đầu quyển nhật ký của mình: “VỀ NGUỒN. Có lẽ cho đến bây giờ tôi vẫn chưa biết được mình ở đâu. Theo khai sinh ghi ở Đông Hòa Hiệp, Cái Bè, Định Tường. Và thật đau lòng, cho đến nay mình vẫn chưa biết mẹ ruột của mình là ai, chỉ biết cái tên: Đào Thị Hòa. Mình mong sau này sẽ được gặp người đó. Mình tiếp nhận được sự dạy dỗ, nuôi nấng - và nó đã hình thành tính cách của mình - từ bà nội...”.
Lên 11 tuổi bà mất, Đức tìm về ở với cha (đã có gia đình riêng). Để nuôi sống bản thân, Đức làm đủ nghề: phụ bán phở, bánh cuốn, bánh tráng nướng, nhồi bột làm bánh, vác gạo, xách nước thuê. Trong xã hội nay vẫn có nhiều thiếu niên lâm vào cảnh ngộ như Đức. Điều đáng nói là tuy bận rộn, cọ xát nhiều với đời song Đức vẫn không hư hỏng. Sống ở nhiều môi trường phức tạp, có lúc phải dựa vào một băng du đãng, nhờ họ đỡ đầu để yên ổn bán hàng ở bến xe thế mà Đức chưa một lần trộm cắp.
Đáng phục hơn: suốt tám năm dài đăng đẵng, Đức vẫn cắp sách đến trường và lên lớp đều đặn. Năm học rồi Đức là một trong hai học sinh tiên tiến của lớp 10A4 Trường Phổ thông trung học Thanh Đa. Ngoài ra Đức còn phải cáng đáng công tác Đoàn của lớp và lại rất hào hứng tham gia với tờ Mực Tím. Quả không là đơn giản. Đức đã phải rất chật vật, đấu tranh với đời, với chính bản thân mình từng ngày, từng tiết học và cũng không kém phần cay đắng.
3 giờ 30 sáng mỗi ngày, trong lúc mọi người còn yên giấc Đức đã lui cui đạp xe ba bánh đi nhận và bỏ mối nước đá cho đến 9-10 giờ sáng. Có hôm nhận hàng quá trễ phải hối hả làm, vừa xong việc là Đức ba chân bốn cẳng chạy đến trường. Đức thường bị trễ học và cũng nhiều lần ngủ gục trong lớp. Ngày bế giảng niên học rồi Đức đến trễ, cổng trường đã khóa. Đức đứng ngoài khóc ngon ơ. Có khi công việc kiếm sống căng thẳng, vừa chở đá thuê vừa mài kéo, Đức không còn thời gian ôn tập bài vở.
Trong học kỳ I, năm vừa rồi, có lần Đức bị điểm 0 môn lý vì không thuộc bài - đó là nỗi cay đắng đầu tiên trong đời đi học. Thời gian bươn chải kiếm sống không cho phép Đức sống hồn nhiên với lứa tuổi của mình. Vì vậy, ngôi trường, lớp học, bạn bè là thế giới, là phút giây cho Đức hòa nhập sống gấp, sống vội cùng những tâm trạng lứa tuổi. Vì vậy Đức hay tán chuyện nhiều và lắm lúc bị thầy cô phê bình.
Mà bạn bè nào phải ai cũng đồng cảm với Đức. Vẫn có bạn không hiểu ra nỗi buồn của Đức: ngày chủ nhật, ngày lễ, bao chàng trai, cô gái cùng trang lứa vui chơi còn Đức thì hì hục làm thêm hoặc xách cần câu đi kiếm cá. Lắm lúc Đức cũng mặc cảm về cảnh đời của mình và ôm mặt khóc thầm. Nhiều đêm cúp điện, một thân một mình nằm co ro, trằn trọc không ngủ được, Đức bỏ ra ngoài đi lang thang trong mưa. Cảnh đời chưa tận cùng khổ cực, vẫn đủ khiến Đức có lúc xa đời...
Nhưng rồi định tâm lại, Đức hiểu: “Ta vẫn cứ mơ, cứ tin đời sẽ tốt hơn, vì không thể sống mà không có niềm tin. Hãy cố yêu đời mà sống!... Không thể tụt sâu vào vực thẳm, phải cố ngoi lên...” (trích nhật ký) và Đức đã cố ngoi lên bằng nỗ lực làm việc để có đủ tiền đi học, bằng thức hôm thức khuya để học. Nghị lực bản thân, sự giúp đỡ chân tình của bà con lối xóm, của những thầy cô, bạn bè hiểu Đức là sức đẩy cho Đức ngoi lên...
Một chiều mưa, tôi tìm đến chơi tại “tư gia” của Đức. Có thể gọi là nhà không? Một diện tích khoảng 2m2, vốn là một bô rác cũ nằm dưới lô nhà cao tầng. Một bếp điện, vài cái xoong, một xô nước, một cái bàn nhỏ đủ để chiếm hết diện tích nhà. Một miếng vạt giường dựng đứng đêm đến được ngả ra nền làm giường ngủ...
Chính ở cái chỗ chật chội đó, Đức lại cười vui nói với tôi về tương lai rộng lớn: sang năm lên lớp 11, học ban ngày, khó mà đi bỏ đá thuê nên Đức dự tính sẽ đi học nghề hớt tóc. Ước mơ lớn của Đức là sẽ vào đại học. Dẫu sao con đường đi tới vẫn còn dài và không thiếu cam go, liệu Đức có thể vượt qua khó khăn, mặc cảm để đạt lấy ước mơ?
Thời gian sẽ trả lời. Tuy nhiên tôi tin, rất tin Đức sẽ thành công. Bởi tám năm căng thẳng nhất Đức đã vượt qua và cứ thế ngoi lên, cố mà ngoi lên nhé Đức!

LƯU ĐÌNH TRIỀU

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Popular Posts

Blogger news

About




Powered by  MyPagerank.Net

Academics Blogs
Bookmark and Share

Blog Archive