P05: “Con sãi ở chùa” sẽ thôi “quét lá đa”
11/6/10
0
nhận xét
Thời xa xưa, câu ca dao đó là một tiên đoán về tương lai tiên định của một lớp con trẻ: con nhà quyền thế rồi lại tiếp tục cảnh thế quyền, con nhà dân dã nghèo khó rồi lại tiếp tục vị trí cùng đinh...
Thời đại hôm nay, “lời tiên tri” trên có thể vẫn còn đúng ở một số trường hợp: cha mẹ có quyền thế, với của cải đỡ đầu, “các cậu ấm, cô chiêu” quý tộc mới hiên ngang bước vào đời một cách thênh thang, êm ái. Nhưng còn những “con sãi ở chùa” mà không chịu thúc thủ trước hoàn cảnh thì sao?...
Trong buổi tập thể dục ở trường ngày 13-4-1991, em Phạm Hoàng Vân Hạc (13 tuổi, lớp 7A2 Trường Đoàn Kết, quận 6) bị ngất xỉu. Lý do: Hạc suy dinh dưỡng từ nhỏ, sức khỏe không khá hơn chút nào ở tuổi thiếu niên do hoàn cảnh quá túng thiếu, khó khăn của gia đình. Cha Hạc, nhân viên hợp đồng ở Công ty Ăn uống dịch vụ quận Sáu. Mẹ là giáo viên cấp II. Thu nhập hai người vỏn vẹn 160.000 đồng cho một gia đình có bốn miệng ăn.
Mẹ em phải bày bán cà phê trước nhà. Xóm nghèo, đường nhỏ, khách ít, quán cà phê quá vắng, thu nhập thêm không là bao. Dù sức khỏe yếu kém nhưng ngoài giờ học hằng ngày Hạc vẫn phải phụ bán cà phê và giúp mẹ trông em nhỏ. Tình cảnh ấy, nếu Hạc học kém cũng chẳng có gì đáng nói. Đáng ngạc nhiên Hạc lại là học sinh xuất sắc năm năm liền ở cấp I và là học sinh giỏi hai năm lớp 6, lớp 7. Không những thế, em còn là học sinh giỏi văn (lớp 7) cấp quận. Sự nghèo khó không trì kéo được sự say mê, quyết chí học tập của em...
Trong danh sách ứng cử viên học bổng chương trình “Bảo trợ tài năng trẻ”, tại các tỉnh thành miền Nam nhiều thiếu niên cũng gặp hoàn cảnh khó khăn chẳng kém Hạc. Và thật đáng ngợi khen biết bao, khi ở lứa tuổi 10, 11, 12... các em đã có những nỗ lực vượt bậc không kém người đã trưởng thành.
Gia đình Phan Thị Nguyên Thủy lên vùng kinh tế mới (Hưng Lộc, Thống Nhất, Đồng Nai) từ năm 1975 đến nay. Nhà cách quốc lộ ba cây số, đường đến trường phải qua ba ngọn đồi, lội qua ba con suối. Mưa lầy, nắng bụi để đến trường thật vất vả biết bao. Thủy tâm sự: “Mỗi lần đi về cực như vậy, thấy chữ nghĩa như văng mất hết”. Có hôm mưa to, phải đợi nước suối xuống, Thủy và các bạn mới về nhà được. Cha mẹ suốt ngày ở rẫy, không còn hơi sức, thì giờ kèm Thủy học hành.
Vậy mà suốt ba năm lớp 6, 7, 8 Thủy luôn đứng đầu lớp. Ở lớp 5, Thủy đi thi toán cấp quận và đoạt giải... Năm tới Thủy sẽ vào lớp 10, sẽ phải lên huyện học. Đường về rồi sẽ dài thêm hơn 20 cây số. Nhưng Thủy vẫn quyết tâm đeo đuổi việc học và sẽ học tới cùng.
Trong chuyến đi về các tỉnh nhằm tìm hiểu cụ thể hoàn cảnh của từng em, chúng tôi chú tâm tìm hiểu động cơ học tập nơi các em. Tuổi còn nhỏ, phần đông các em chưa thể lý giải rành rẽ nỗ lực học tập của mình. Nguyễn Thị Thanh Hiền (lớp 9 Trường cấp II Thủ Thừa, Long An), học sinh giỏi văn cấp tỉnh Long An trả lời ngắn gọn: “Nhà nghèo, nhưng em không muốn học kém các bạn”.
Còn Nguyễn Yên Ngọc (lớp 8A1 Trường cấp II Mỹ Thới, Long Xuyên, An Giang), học sinh giỏi từ lớp 1 đến lớp 8, ngượng ngập: “Tại em thích học...”. Học, học thật giỏi là say mê của Ngọc, như say mê thú nhảy dây mà Ngọc vẫn thường chơi. Riêng em Nguyễn Thị Bắc (14 tuổi, ở xã Mỹ Xuyên, Long Xuyên) vừa học vừa phụ bán sinh tố với mẹ, thì có vẻ chững chạc, người lớn trước tuổi: “Em muốn có nhiều kiến thức...”.
Tuổi thiếu niên là tuổi các em bắt đầu biết mơ ước và không ít em đã hiểu ra học tập là điều kiện cần thiết để chắp cánh cho mơ ước. Trần Lê Kha (12 tuổi, thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp cấp I, tỉnh Cửu Long 1989 - 1990, thủ khoa kỳ thi đệ nhất đẳng taekwondo của Sở Thể thao Cửu Long) mơ rất bình thường: “Học thật giỏi để đủ sức...chữa bệnh suyễn cho mẹ...”.
Kha còn mơ được như Nguyễn Thụy Song Hà (tài năng trẻ Thành phố Hồ Chí Minh về võ thuật, đồng thời là sinh viên y khoa) được đi thi đấu quốc tế đem huy chương về cho Cửu Long và cho đất nước.
Say mê, cần mẫn học tập, dám ước mơ... tất cả đã giúp các em không bằng lòng với hiện tại của mình. Cho dù Trần Lê Kha đã nhiều phen nghẹn ngào khóc bên giường mẹ, khi mẹ lên cơn suyễn không tiền mua thuốc; Nguyễn Thị Thanh Hiền rầu rĩ vì thèm mua một quyển sách mới mà không có tiền hoặc mặc cảm của Mai Thị Mỹ Phương (12 tuổi, huyện Hòa Thành, Tây Ninh), khi cầm vé số đi bán mà gặp bạn bè cùng lớp đang tung tăng dạo chơi...
Dẫu sao mặc lòng, trên một quãng đường với cặp sách trên tay, các em đã tự chứng tỏ được mình. Những gian khổ vất vả hôm nay, mai này rồi sẽ được đền bù. Không quá lạc quan, chúng tôi vẫn tin rằng tương lai những trẻ em nghèo - những “con sãi ở chùa” nhưng hiếu học - sẽ không thể lại là cảnh quét lá đa.
Những kết quả học tập hôm nay đang là các nấc thang để các em vươn tới những cảnh đời sáng đẹp hơn. Và nếu được xã hội quan tâm chăm sóc, chắc chắn lời tiên đoán năm xưa sẽ trở nên lỗi thời với các em, bởi các em xứng đáng được phần thưởng của những bà tiên hiện đại.
LƯU ĐÌNH TRIỀU
=========================================================
Những "nhà lãnh đạo" chưa qua tuổi 18
Đêm trăng trên bãi biển Non Nước (Đà Nẵng) thật đẹp. Một nhóm bạn trẻ ngồi bệt dưới cát, say sưa đàn hát, hết bài này sang bài khác.
Người đàn là Huỳnh Minh Sơn, bí thư Đoàn Trường PTTH Phan Châu Trinh (Đà Nẵng). Kèm hai bên Sơn là Trần Ngọc Quang, bí thư Đoàn Trường Phổ thông trung học Lê Hồng Phong (Thành phố Hồ Chí Minh) và Bùi Thu Huệ, ủy viên Ban chấp hành Đoàn Trường PTTH Phan Đình Phùng (Hà Nội).
Cả ba đều ở tuổi 17, đang chuẩn bị lên lớp 12 và vừa quen nhau trong Hội nghị cán bộ Đoàn trường học và Hội Sinh viên Việt Nam.
Sơn cho biết: “Đàn hát là một “tài lẻ” mà người cán bộ Đoàn học sinh cần có để dễ hòa nhập với đoàn viên thanh niên”. Nhưng tại hội nghị, cùng với ba bí thư Đoàn trường khác: Nguyễn Thị Hồng Thủy - phổ thông trung học số 1 Vĩnh Linh (Quảng Trị), Trần Vũ Tài - Trường Phan Đăng Lưu (Nghệ Tĩnh), Lê Thị Thiệu Hạnh - phổ thông trung học Sa Đéc, các bạn đã gây được sự chú ý mạnh mẽ không chỉ ở “tài lẻ”.
Họ đã báo cáo hoạt động Đoàn của trường một cách rất sinh động: tổ chức câu lạc bộ theo sở thích, trại giao lưu, thi bí thư chi đoàn giỏi, làm văn nghệ dưới hình thức sân khấu hóa... Đáng kể hơn là trước những câu chất vấn hóc búa của các anh chị, những nhà lãnh đạo Đoàn trẻ tuổi này rất bình tĩnh và bản lĩnh trong đối đáp.
Chẳng hạn một anh nhận xét: “Xem ra hoạt động giáo dục chính trị, lý tưởng cho đoàn viên thanh niên chắc chưa được gì?”. Các bạn sôi nổi vặn lại: “Chính trị, lý tưởng với tuổi học trò là gì? Là học tập, là yêu trường, yêu lớp. Hoạt động mà anh gọi là bề nổi, thực tế dẫn đến những mục đích gần gũi trên. Vậy là chính trị, lý tưởng rồi...”.
...Đêm trước ngày chia tay, tôi làm một bàn tròn tọa đàm bỏ túi với những người bạn trẻ này. Điều trao đổi đầu tiên: Là học sinh, khi làm việc với ban giám hiệu có “rét” không? Sơn thú nhận: “Sợ thì không sợ, nhưng dù sao cũng có khoảng cách về tuổi tác, vai vế. Nhất là ở trường Sơn, thầy hiệu trưởng mới về, chưa hiểu, không tin tưởng ở bí thư Đoàn là học sinh...”. Thái độ dè dặt, nghi ngờ nơi thầy cô, bạn nào cũng gặp phải, không ít thì nhiều.
Cách thuyết phục, chứng minh tốt nhất theo các bạn vẫn là bằng hoạt động, công tác. Lúc đầu chưa tạo được niềm tin thì phải khéo léo. Chẳng hạn trước hội đồng giáo viên: “Ban chấp hành tụi em muốn làm chương trình như thế này. Thầy cô xem có thể giúp đỡ tụi em không”. Và đừng quên nhờ vào sự hỗ trợ của giáo viên trợ lý thanh niên - một yếu tố quan trọng.
Về bí quyết thành công của công tác Đoàn, các bạn đề cập đến lòng nhiệt tình, cách làm việc hợp lý, chính xác, làm ra làm, chơi ra chơi. Trước mỗi buổi họp, Quang suy tính đề mục chương trình, hướng dẫn các bạn chuẩn bị trước, vào họp chỉ trình bày, trao đổi rụp rụp. Có thế mới còn thời gian cho học tập.
“Chứ là như Đoàn cấp trên thì “chết” - Mời họp bảy giờ mà bảy giờ rưỡi, tám giờ các anh chị vẫn còn rung đùi uống trà”. Hay dự một hội nghị cỡ to như thế này, sáu bạn đều hi vọng, chờ đợi học hỏi nhiều điều. Cuối cùng như lời Huệ thỏ thẻ: “Chẳng có vấn đề nào “vỡ” ra. Cứ nói chung chung, hoặc cãi qua cãi lại rồi thôi...”.
Một yếu tố thành công khác, theo những nhà lãnh đạo Đoàn nhỏ tuổi, là lôi kéo được các bạn theo mình, vừa bằng năng lực, vừa bằng tình cảm, sự gần gũi. “Thầy cô luôn muốn tụi em lúc nào cũng ra vẻ bí thư Đoàn, phải khác học sinh. Đồng ý có những lúc cần như thế, nhưng cũng lại cần những giờ phút bình thường vui đùa bên các bạn cùng lứa tuổi”. (Điều này tôi rất “thấm thía”, khi tọa đàm xong, một chiếc dép của tôi bị biến mất và Quang, Huệ “ra giá” cho tôi chuộc lại...).
Điều đáng nói ở những người bạn trẻ này là các bạn không chỉ biết lao vào làm theo kiểu “ăn xổi ở thì”. Hạnh vừa tốt nghiệp lớp 12 và mùa hè, Hạnh không phủi tay, coi như “thoát nợ”. Cô mở lớp tập huấn cho những bạn mà cô đã tính toán đưa vào đội dự bị cho Ban chấp hành mới.
Sơn cũng đầu tư sẵn người thay mình và khi “dự những cuộc họp như “ri”, em phải ghi chép cẩn thận bao kinh nghiệm, về nói lại cho Ban chấp hành... Các bạn cũng nói về ước mơ, nguyện vọng làm sao để Đoàn đừng đánh mất niềm tin trong thanh niên và lôi cuốn được nhiều thanh niên vào công tác xã hội... Làm sao tìm những nét mới cho hoạt động Đoàn...
Các bạn Sơn, Quang, Hạnh, Tài, Huệ, Thủy đã dành nhiều tâm huyết, công sức cho Đoàn. Nhưng Hội nghị toàn quốc cán bộ Đoàn trường học hơn trăm người mà chỉ vỏn vẹn có sáu đại biểu là học sinh, cán bộ Đoàn chưa qua tuổi 18, cũng là một thể hiện mất cân đối vai trò của lớp trẻ mới lớn.
Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đoàn trong độ tuổi 20? Và nhìn rộng hơn, hôm nay không gieo trồng, chăm sóc cho những “nhà lãnh đạo đoàn thể nhỏ tuổi, thì ngày mai làm sao có những thứ trưởng, bộ trưởng ở tuổi 30 như nước ngoài?”.
LƯU ĐÌNH TRIỀU
0 nhận xét:
Đăng nhận xét