Your Adsense Link 728 X 15

Phần 01: Lời giới thiệu - Phố đèn đỏ

Posted by Kenny Phạm 23/6/10 0 nhận xét
Phóng sự – ký sự trên báo luôn thu hút người đọc bởi đó những câu chuyện nóng hổi của cuộc sống muôn mặt được ghi chép lại, đặc biệt là với sự can dự trực tiếp của tác giả – người phóng viên vào chính câu chuyện.
Để có được những phóng sự, ký sự trong tập sách này (đã đăng nhiều kỳ trên báo Tuổi Trẻ), phóng viên Vũ Bình và các đồng nghiệp của anh đã vào nhiều vai khác nhau: từ người chạy xe ôm, người bán vé số dạo đến anh cửu vạn thồ hàng vùng biên giới và cả vai một người bệnh tâm thần. Họ còn đến nhiều vùng đất khác nhau, từ hoang mạc Ninh Thuận khô khốc đến những làng biển buồn thiu các tỉnh miền Tây Nam bộ; từ các làng cười ngộ nghĩnh xứ Bắc đến những cộng đồng người Việt đang ăn nên làm ra trên đất bạn Lào; từ xứ sở của những phụ nữ Karen cổ dài ngoằng đến khu phố đèn đỏ Patpong nổi tiếng ở Thái Lan.
Chỉ bằng sự thâm nhập thực tế cuộc sống, người viết mới khám phá những bí ẩn chưa được biết đến, tìm thấy những phận người trôi dạt theo dòng đời vô định, chứng kiến bao cảnh ngộ thương tâm bên cạnh những tiếng cười sảng khoái, những tấm gương thành đạt ở xứ người...  Chính từ nguồn vốn cuộc sống dồi dào ấy, các tác giả đã chắt lọc để làm nên những trang viết sống động, nặng trĩu những nỗi đau đời mà cũng chứa chan tình người dẫu trong những hoàn cảnh thật khốn khó.
Chỉ khi đi cùng những người du mục chăn thả gia súc trên hoang mạc nắng gió, người viết mới biết được “nhiều gia đình (du mục) phải đi mỗi ngày cả 40 – 50 km. Không ai có thể nhớ được mình đã di chuyển bao nhiêu cây số trong đời cùng với các đàn bò, đàn dê, đàn cừu, nhưng có người đã làm nghề này đến nửa thế kỷ rồi...” (Đi cùng du mục), hay khi nhập vai cửu vạn mới hay “có những người đến đây làm cửu vạn cả chục năm nhưng cũng chẳng tiết lộ với ai về thân phận của mình, bao năm cũng không về quê và cũng chẳng có ai lên thăm họ. Đến khi gặp tai nạn lìa đời thì anh em chỉ biết ghi trên bia mấy dòng...” (Cửu vạn vùng biên). Từ phố Patpong kinh doanh tình dục, phóng viên tìm được cô cựu “hoa hậu nhà thổ” nay đang tích cực chống lại căn bệnh thế kỷ AIDS và giúp đỡ những cô gái đang lội trong bùn nhơ (Phía sau “phố đèn đỏ”). Và chỉ sống cùng những người đi bán vận may thì tác giả mới có được cái tổng kết rất đắt “Cuộc đời người đôi khi cũng giống như tấm vé số: hên, xui, may rủi, biết đâu mà lường. Quan trọng là biết cưu mang, đùm bóc lấy nhau trên những nẻo đường tìm kế sinh nhai như tâm niệm của những người đi bán ước mơ mà tôi đã gặp” (Đi bán giấc mơ triệu phú).
Không chỉ có giấc mơ triệu phú, những giấc mơ được sống đầy đủ, được sống hạnh phúc, được sống tốt đẹp hơn có ở khắp các trang sách của tập phóng sự – ký sự này.
NGUYỆT CẦM
=====================
Đời xe ôm
Xe ôm là một nghề không cần đào tạo, bất cứ ai cũng có thể “hành nghề”, nhưng đó là một nghề nguy hiểm với 10% các vụ trấn cướp là án mạng. Có sống nhiều ngày trong giới xe ôm lam lũ này tôi mới hiểu ra đằng sau gió bụi đường phố là những câu chuyện xúc động, có khi đầy nước mắt…
Chỉ cần khoác lên người bộ quần áo cũ, một chiếc mũ bảo hiểm, đôi dép nhựa,  tôi đã có thể lên đường hành nghề xe ôm. Vậy mà mọi chuyện không hề đơn giản: nghề nào cũng có “luật” của nó cho dù đó là một nghề hạ bạc nhất.
Ngày đầu ra xe
TTO - Lòng vòng qua nhiều nẻo đường, tôi quyết định tấp xe vào lề đường Kinh Dương Vương, cạnh bến xe miền Tây. Còn đang xớ rớ chưa tìm được chỗ đậu thì một người phụ nữ lớn tuổi từ bến xe đi ra, hỏi: “Về Lăng Cha Cả bao nhiêu tiền vậy chú?”. “Dạ… cho con… 20.000 đồng…”, tôi ngần ngừ, nói đại.
Bà khách chưa kịp mặc cả thì “bốp !” một cú tát như trời giáng vào giữa mặt tôi kèm theo tiếng chửi thề: “Đ.M, ở đâu tới đây mà giựt mối vậy mậy?” - một gã cao to đen thui chỉ vào mặt tôi. “Dạ, em xin lỗi… em không cố ý…”. “Cố ý cái gì, Đ.M tao đập chết mẹ, qua đây tao làm việc coi!”. Lúc này tôi mới định thần nhìn về bên góc đường đối diện, ở đó có một “bến” xe ôm với ba bốn người nhìn về phía tôi như muốn ăn tươi nuốt sống. Tôi dắt xe đi lại phía họ, ấp úng mở lời: “Em mới từ dưới quê lên... Chưa kiếm đươc việc làm. Mấy anh thương cho em vào bến kiếm sống với…”.
Một người trạc chừng 40 tuổi, có vết thẹo trên má trái, hất hàm nói: “Mày tìm chỗ khác đi, bến này khách ít, nhiều tài làm gì tới mày?”. Tôi lí nhí định tháo lui thì người lớn tuổi nhất trong nhóm lên tiếng: “Thôi, cho thằng nhỏ nhập bến đi , nhưng tối nhớ chào sân mấy anh nghen mậy…”.
Ngày đầu tiên “vào bến” từ 12 giờ trưa chờ đến gần 3 giờ chiều mới đến lượt “tài” của mình. Cuốc đầu đưa khách về bùng binh Cây Gõ, tôi được 10.000 đồng. Chập tối, vừa định mua một ổ bánh mì gặm cho đỡ đói thì có khách. Một người đàn ông vừa từ Rạch Giá lên gọi đi quận 9, các “đại ca” đã đi hết, tôi chưa ước tính được độ xa của quãng đường thì ông khách cất tiếng: “Ba chục đi hôn?”. Tôi gật đầu khi nghĩ quận 9 là ở xa lộ Hà Nội, vậy mà khi tới Long Trường, gần chợ Nhỏ, quận 9 , ông khách vẫn khăng khăng chưa tới, hóa ra còn phải đi gần chục cây số nữa, vòng vèo qua hàng chục con hẻm ổ voi, ổ gà mới đến nơi. Một cuốc xe 30.000 đồng tôi đi gần hai tiếng đồng hồ!
Về lại bến, cả nhóm đại ca xe ôm đã tề tựu chờ “tân binh”. Chúng tôi kéo ra quán cóc làm lễ chào sân với ruợu đế, hột vịt lộn ngay bên hông bến xe. Những người coi bặm trợn vậy mà chỉ mới vô có hai xị đã trở nên thân thiện. Anh Nguyễn Văn Hùng, người tốt bụng đã nhận tôi vào bến, dân xe ôm chuyên nghiệp nuôi vợ bị bại liệt và hai con nhỏ, hỏi cuốc xe tôi vừa đi về kiếm được bao nhiêu, khi nghe tôi nói ba chục, anh chửi lớn: “Đ.M, mày chạy kiểu này có nước bán xe ôm mà chạy xích lô quá, xăng lên ào ào, đi quận 9 ít nhất cũng phải bốn chục. Mày phá giá kiểu này anh em chịu sao thấu! Đời tụi mình cực như phu xe ngày trước, phải tính toán ghê lắm mới sống được”. Còn người đánh tôi lúc sáng lại có cái tên phúc hậu - Huỳnh Đức Thành, cũng là người có học vấn cao nhất trong bến. Thành có bằng cử nhân quản tri kinh doanh, từng làm cho một công ty TNHH bên quận Bình Tân nhưng rồi công ty giải thể, hùn hạp làm ăn thì thua lỗ, nợ nần ngập đầu, gia tài chỉ còn có mỗi chiếc xe Trung Quốc để chạy xe ôm nuôi mẹ già trong một căn nhà trọ bên phường An Lạc. Thành đưa ly rượu và vỗ vai tôi: “Đừng buồn nghe. Qui luật ở đây là vậy, tao mà rề qua bến khác cũng bị ăn đục như thường!”. Thành kể ba năm xe ôm anh đã phải đụng độ gần 20 trận, có trận đánh người ta mà cũng có lúc bị người ta đánh mềm xương và có lần phải vào bệnh viện nằm hơn hai tuần lễ.
VŨ BÌNH và các phóng viên báo TUỔI TRẺ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Popular Posts

Blogger news

About




Powered by  MyPagerank.Net

Academics Blogs
Bookmark and Share

Blog Archive