Your Adsense Link 728 X 15

P04: Muộn

Posted by Eddy Lê Giang 8/6/10 0 nhận xét
Bây giờ đây khi con gái tôi đã lên mười tuổi, xinh đẹp ngoan ngoãn và giỏi giang, tôi mới thấy mình may mắn vì ngày đó tôi đã không đặt cho con cái tên là Bất Hạnh hay Trường Hận hoặc Căm Thù gì đó, mà trong nỗi tuyệt vọng tơi bời tôi đã buồn bã điền vào tờ giấy chứng sanh bốn chữ: Ngô Phan Luyến Thương.
“Anh chỉ muốn em thuộc về anh để chứng minh tình yêu em dành cho anh mà em cứ tiếc thì thôi… Anh là con trai, nếu chỉ để thỏa mãn thì anh kiếm đâu mà chẳng được. Tại anh yêu em nên anh mới…” Quang còn nói thêm những gì, tôi cũng không nhớ nữa. Chỉ nhớ lúc đó tôi rất sợ anh giận, anh sẽ không yêu tôi, thậm chí anh sẽ đi tìm người khác.
Vậy là tôi nhìn anh, khẽ gật đầu và nhắm mắt lại (không biết Quang có thấy không vì đêm đó là một đêm ba mươi mà vườn nhà anh thì rộng, toàn chôm chôm được trồng xỉa tiền (*) nhau, những cây chôm chôm hẳn đã hơn hai mươi năm tuổi, thân to, tán rộng, lại nhằm ngay mùa cây đang cơi đọt, lá ken dày). Nhưng tôi thì cần thiết gì chuyện đó. Bởi vì lúc ấy tôi chỉ toàn nhắm mắt thôi mà. Cũng vì nhắm mắt nên tai tôi nghe rất rõ mọi thứ (tôi mới hiểu ra tại sao người mù rất thính tai). Tôi nghe tiếng gió.
Gió thì thầm trên ngọn cây, gió sột soạt trong đống lá khô dưới cái hà lãng, gió mơn man trên đám cỏ, gió liếm láp da thịt tôi trống trải. Tôi nghe tiếng con cá quảy dưới mương vườn, nghe tiếng dế ri ri ngoài bụi cây, tiếng vặn mình è è của con tắc kè trong căn nhà hoang. Tôi nghe tiếng trống ngực Quang dội thình thịch, nghe rất rõ những âm thanh rạo rực phát ra kèm theo tiếng thở anh dồn dập (những âm thanh lần đầu tiên tôi mới nghe thấy) và… cuối cùng là tiếng thảng thốt của một con chim cú mèo đúng vào lúc Quang ghìm người lại rồi đổ ập xuống. Con chim cú làm tôi giật mình (chắc vậy).
Tôi hoảng hốt bấu vào lưng Quang và chỉ dám mở mắt ra khi  anh đã mặc lại quần áo cho tôi và tự mặc lại quần áo cho mình. Rồi anh hôn tôi, nụ hôn có vẻ như cập rập, bối rối (điều này mãi về sau tôi mới nhận ra), nhưng tôi vẫn thấy ngọt và thơm. Lần đầu tiên tôi biết nụ hôn ngọt và thơm, biết da thịt con trai săn và ấm, biết tim con trai đập nhanh và mạnh, hơi thở con trai nồng và say.
Và cũng lần đầu tiên từ khi trở thành thiếu nữ tôi biết quan tâm chờ đợi kỳ kinh của mình. Một ngày, hai ngày rồi một tuần, hai tuần...Cắm cái que quickstick vào trong ly nước tiểu mà tay tôi cứ run lên bần bật. Cả người tôi mướt rịn mồ hôi, lạnh toát. Hình như khi nhắm mắt con người ta cảm thấy an toàn hơn. Bởi người ta sẽ không thấy cái gì đang đến với mình từ mọi phía.
Vậy là tôi nhắm mắt lại, đếm thời gian trôi qua bằng chính nhịp đập của trái tim mình. Lạ kỳ thay, tim tôi thì đập rất nhanh mà thời gian lại trôi qua rất chậm. Một phút… hai phút… rồi năm phút… tôi từ từ mở mắt ra. Trước mắt tôi, hai vạch màu hồng thắm bình thản nằm sóng đôi nhau trên cái que thử. Tôi quị xuống sàn gạch ướt, cái que rơi khỏi bàn tay tôi bủn rủn. Nước mắt ứa ra, tôi chạy đi tìm Quang. Anh ôm tôi trong tay, hơi anh ấm và ngực anh êm, anh vỗ về tôi như đứa trẻ bị ăn hiếp:
- Em ngoan nào! Ngày mai mình đi bệnh viện. Anh hứa là sẽ cẩn thận không để xảy ra như vầy nữa.
Nhưng rồi, một lần khác, tôi lại sợ Quang giận, lại sợ anh sẽ không yêu tôi, sợ anh bỏ đi tìm người con gái khác. Tôi lại nhìn anh, khẽ gật đầu và nhắm mắt lại… Đó là đêm trước hôm anh lên thành phố chuẩn bị nhập học.
- Ngày mai anh đi sớm phải không?
- Ừ!
- Vậy rồi chừng nào anh về?
- Đây đó có bao xa. Chừng vài ba tuần anh sẽ về thăm nhà, thăm em.
- Anh lên đó cảnh thành phố cái gì cũng đẹp cũng sang, anh đừng quên em nha.
Anh cười chọc quê tôi:
- Em tính hát tuồng Lan và Điệp hả?
Tôi mắc cỡ dụi đầu vào ngực anh:
- Nhưng chừng nào thì mình cưới nhau anh?
- Ừ! thì bề gì cũng phải chờ anh ra trường chứ, phải không?
- Anh đừng bỏ em nghe.
Lần cuối cùng tôi nhìn thấy hai cái vạch màu hồng quen thuộc là  vào một buổi chiều khi tôi sửa soạn ra cầu bắc đón Quang trở về trên chuyến xe tốc hành từ thành phố. Đó là mùa hạ cuối cùng trong cuộc đời cắp sách của anh. Cũng như bao nhiêu lần trước, anh ôm tôi trong tay, vỗ về:
- Em ngoan nào, ngày mai mình đi bệnh viện. Anh đã bảo em cẩn thận rồi mà.
- Em cũng không biết. Nhưng em sợ lắm. Anh đã tốt nghiệp ra trường rồi, mình cưới nhau đi. Anh hứa như vậy mà phải không?
- Còn phải chờ anh kiếm việc làm đã chứ. Cưới nhau bây giờ lấy gì mà nuôi nhau. Em ngoan đi, một lần này nữa thôi.
Không phải là lần đầu tiên, nhưng không hiểu sao hôm ấy tôi hồi hộp lạ lùng. Ngồi một mình trong phòng chờ đợi (cũng như mấy lần trước Quang không theo tôi vào bệnh viện vì sợ gặp người quen), cách một tấm vách ngăn, tôi tựa đầu vào thành ghế, nhắm mắt lại (hình như khi nhắm mắt con người ta cảm thấy an toàn hơn, bởi người ta sẽ… hình như ý này tôi đã nói rồi…). Cũng vì nhắm mắt nên tai tôi nghe rất rõ mọi thứ (tôi mới biết người mù… hình như ý này tôi cũng đã nói rồi mà…).
Tôi nghe tiếng cởi quần áo sột soạt, tiếng dao kéo khua loảng xoảng trên cái mâm inox, tiếng rên hư hử của bệnh nhân, tiếng vỗ về khe khẽ của vị bác sĩ. Tôi nắm chặt  hai bàn tay lại như thể không như thế thì hai cánh tay kia sẽ vuột khỏi tôi. Lần đầu tiên, tôi nghĩ về Quang, thấy không yêu không ghét. Một chị ngồi bên cạnh nhìn tôi hồi lâu rồi cất giọng dè dặt:
- Mặt em xanh quá. Em có sao không?
Tôi lắc đầu. Một ý nghĩ thoáng qua, tôi mở điện thoại tìm messaging. Tay tôi run run lướt trên bàn phím: “anh toi don em ve”. Nhấn nút send và không đợi tín hiệu trả lời, tôi lao ra cổng bệnh viện, đứng chờ anh dưới cơn mưa mùa hạ dai dẳng. Điện thoại Quang đã hơn mười lần xọc vào tai tôi cái âm thanh đáng nguyền rủa: ò e í…
Người ta hay ca ngợi người phụ nữ Việt Nam với nhiều đức tính tốt đẹp trong đó có lòng vị tha. Tôi tự nhận mình là người đàn bà có tấm lòng khoan dung độ lượng, ít ra là với bản thân tôi, vì tôi đã biết tự tha thứ cho mình, tha thứ những lỗi lầm một thời tuổi trẻ nông nổi, dại khờ và cả tin của một đứa con gái quê mùa ít học. Và chắc tôi sẽ luôn nghĩ mình là một phụ nữ hết lòng vị tha, nếu như không có một ngày tôi gặp lại Quang.
Anh  nhìn tôi ngỡ ngàng. Quang của mười năm xa cách, trở nên bệ vệ, phong trần tự tin và lịch lãm trong vai trò là một CEO của công ty mà tôi mới vừa được tuyển dụng.
- Hết giờ làm việc anh mời em đi uống cà phê. Anh muốn mình nói chuyện với nhau một chút, đã lâu rồi không gặp, được không em?
- Anh nghĩ tôi và anh còn có gì để nói với nhau sao? Nếu anh muốn giải thích vì sao ngày đó anh bỏ rơi tôi thì xin lỗi tôi không có nhu cầu.
Mặc dù trả lời Quang như vậy nhưng tôi vẫn đi cùng anh vì một chút hiếu kỳ và cái chính là tôi muốn chứng tỏ mình, tôi muốn cho Quang thấy tôi bây giờ sau mười năm không phải chỉ đứng dậy mà còn đi tới.
Chọn một góc ngồi sát ô cửa kính trong Skyview, Quang kêu cho tôi một cam vắt không đường và cho anh một cà phê đá (cám ơn anh vẫn còn nhớ sở thích này của tôi). Từ trên tầng thứ mười ba của Diamond Plaza nhìn xuống, một góc Sài Gòn vừa lên đèn hiện ra huyền ảo, lung linh bởi sắc màu. Mảng thảm xanh rờn mà Công viên 30/4 trải ra giữa lòng thành phố làm cho đêm Sài gòn dịu dàng một thoáng hoang sơ.
Thành phố này với tôi từ lâu đã là nơi cưu mang, nâng đỡ và chia sớt vui buồn. Tôi ơn Sài Gòn, ơn mảnh đất đã cho tôi một cuộc đời thứ hai. Sài Gòn giống như một tòa lâu đài có hai cánh cổng. Cánh cổng trước mở ra một thế giới đầy quyền lực với đủ sự hào nhoáng, sành điệu. Và một cánh cổng sau là chốn dung thân của những phận đời cơ cực nhọc nhằn, lặn lội mưu sinh. Mười năm trước, tôi đã một mình bước qua cánh cổng sau của Sài Gòn.
Trái đất thì tròn nhưng Sài Gòn muôn nẻo, tôi lang thang trên khắp các ngả đường lật mặt từng người đàn ông lên để tìm Quang đến mỏi mòn kiệt sức. Đã có một lần tôi nghĩ đến cái chết, bỗng dưng tôi đưa tay sờ lên bụng mình rồi nghĩ đến số phận. Hôm ấy ở bệnh viện, chỉ cần tôi nán lại một vài phút nữa thôi thì cái sinh linh bé nhỏ này đây đã không còn cơ hội có mặt trên cõi đời này nữa. Chắc chắn số phận đã dành tặng nó cho tôi. Thế là tôi quyết định sống.
Ngày trở dạ, một mình tới bệnh viện sinh con, một mình ôm con trở về nhà trọ. Nhìn gưong mặt thiên thần bé bỏng đang mê giấc trong tay, tôi thấy ở đó một sức mạnh vô biên và tôi biết từ đây tôi sẽ không cô độc trên đường đời. Chị chủ nhà trọ là một người đàn bà nhân hậu, cám cảnh mẹ con tôi chị hay qua lại hỏi xem tôi có cần giúp gì không. Một bữa, chị sang chơi nhằm lúc tôi đang cho con bú, con bé ngoạm đầy vú mẹ, trân mình nuốt ừng ực, trán vã mồ hôi. Chưa hết sữa một bên vú, nó đã no nê ngủ thiếp ngon lành. Bên vú còn lại, sữa chảy ròng ròng. Chị chắt lưỡi:
- Chèn ơi, em mát sữa ghê, sữa chảy vầy uổng quá. Chẳng bù con gái chị mới sanh có bốn tháng mà đã mất sữa. Hỗm rày nó đi làm, chị tập cho thằng nhỏ bú bình, chưa quen, cu cậu quậy dữ quá. Hay chị ẵm thằng nhỏ qua em cho nó bú thép với nghe.
- Dạ! Nếu chị không chê em rất sẵn lòng.
- Quí quá chớ chê nỗi gì. Em thiệt tình…
Cùng với Luyến Thương thằng bé lớn nhanh bụ bẫm khoẻ mạnh, tôi được trả công bằng miễn phí tiền nhà, cũng không phải lo bữa ăn cho đến khi hai đứa nhỏ tới tuổi cai sữa mẹ. Tội nghiệp Luyến Thương, vừa sinh ra đời đã biết san sẻ gánh nặng áo cơm với má. Nó xinh đẹp, dễ thương như vậy nhất định phải được sống tử tế ăn học đàng hoàng. Nghĩ là làm, tôi gởi nó vào nhà trẻ, ban ngày đi phụ quán cơm, ban đêm tới trung tâm giáo dục thường xuyên học bổ túc. Luyến Thương được nhà trường tội nghiệp cho theo má vào lớp.
Nó ngoan ngoãn nằm bên cạnh ngủ ngon lành cho má học. Mỗi khi thấy mình đuối sức, tôi nhìn con, nghe giọng nói, tiếng cười là bao khó nhọc tiêu tan. Đó là những ngày tôi có thể vừa học vừa làm mỗi ngày hai mươi tiếng, có thể ăn mì gói liền tù tì trong hai tuần lễ. Khi Luyến Thương vào học lớp ba thì tôi cũng vừa tốt nghiệp đại học.
Tôi đang nghĩ không biết có nên kể cho Quang nghe câu chuyện của mười năm bắt đầu từ cái ngày mưa dai dẳng đó không. Tôi muốn xem anh sẽ phản ứng như thế nào khi biết tôi đã rời khỏi bệnh viện trước khi cô y tá kịp gọi tên mình. Tôi muốn anh chứng kiến một tôi hoàn toàn khác xưa, kiên cường, thành đạt và hãnh tiến.
Tôi muốn cho anh thấy bỏ rơi tôi là một sai lầm lớn nhất trong cuộc đời anh. Không phải tôi nhận lời đi cùng với anh vì mục đích ấy hay sao? Trong khi tôi còn chưa kịp nhận ra tôi xa lạ với chính mình thì anh lên tiếng, giọng ngập ngừng:
- Em uống nước đi. Em sống sao rồi?
Tôi nhìn Quang, ngạc nhiên trước câu hỏi nghe thật đơn giản như một lời thăm hỏi của hai người bạn bình thường lâu ngày mới gặp. Một cái gì đó giống như sự hụt hẫng, hay là nỗi thất vọng ê chề, khiến tôi tức nghẹn, tôi trả đũa :
- Tôi sống thế nào tới bây giờ anh mới muốn biết sao? Trước đây, tôi sống như  thế nào thì tôi cũng đã sống qua rồi. Còn sắp tới, tôi chưa sống tới nên làm sao biết được.
Có lẽ Quang bất ngờ trước thái độ của tôi. Anh lúng túng, dè dặt.
Tôi cũng thấy mình cần thoát ra khỏi tình cảnh này:
- Xin lỗi, tôi chợt nhớ ra tôi có cái hẹn. Cám ơn anh, xin phép anh tôi về trước.
Tôi tuột xuống đất, đi lang thang dọc phố. Tôi cần lấy lại cân bằng trước khi trở về nhà, nơi con gái đang chờ tôi. Sài Gòn không có mùa đông, chỉ có một chút lạnh se se của thời khắc giao mùa. Gió liu riu đủ để những chiếc lá trên tán me già kia thầm thì với nhau về những điều bí ẩn của cuộc sống và đủ để làm ngọn lửa trong lòng tôi dịu lại.
Không phải từ lâu tôi đã không còn sân si với quá khứ rồi sao. Tôi về đến nhà, con gái đang ngồi chơi xếp hình với cu Bin (thằng bé đã từng bú chung với nó hồi nhỏ), chị chủ nhà ngồi xem tivi đang hát cải lương tuồng Lan và Điệp. Thấy tôi về chị xởi lởi:
- Thấy tối quá mà em chưa về, chị với cu Bin qua chơi cho bé Thương đỡ buồn.
Thương chạy lại ôm tôi nói chen vào:
- Con đã nói với cô Hai rồi, con không sợ đâu, con rất “kiên cường”  mà cô Hai không tin đó má.
Chị Hai chủ nhà và tôi cùng cười xòa vì cách nói của Luyến Thương. Bây giờ tôi và chị đã giống như ruột thịt. Mười năm, dãy nhà trọ đã không biết bao nhiêu lần tiễn người đi, đón người về. Tôi vẫn gắn bó với nơi đây và xem nó như ngôi nhà của chính mình, bởi rất nhiều lẽ, nhưng trên hết là vì ở đây tôi đã tìm thấy sự ấm áp thâm tình mà chị Hai đã dành cho hai má con tôi. Thấy tôi từ trong nhà tắm bước ra, chị nhìn tôi một lượt từ trên xuống và dừng lại nơi khuôn ngực đầy đặn nhấp nhô đằng sau làn vải mỏng tanh của chiếc đầm ngủ màu hồng nhạt. Chị ý nhị đưa tay tắt truyền hình (vì biết tôi không thích tuồng Lan và Điệp) rồi nheo mắt:
- Mày vậy mà cứ ở một mình hoài phí của trời quá. Tao thấy còn muốn động lòng… ham.
- Chị nói nghe ghê thấy bà. Thời buổi này hai người cùng phái mà nhìn nhau quá một giây là có vấn đề rồi chứ đừng nói còn “phát biểu cảm tưởng” kiểu đó.
Rồi tôi lại ngồi kề bên, ghé tai chị:
- Em vừa mới gặp lại ba bé Thương.
Chị tròn mắt nhìn tôi thì thào:
- Thiệt hả? Rồi sao?
- …Vậy đó. Chắc em đi kiếm chỗ khác làm quá chị.
- Hai năm nay em cứ đi làm tạm bợ chỗ này chỗ nọ, giờ mới được tuyển vào một công ty danh giá lại đúng với chuyên môn em nghĩ dễ dàng mà có cơ hội vậy sao. Việc họ họ làm, việc mình mình làm, thủng thẳng rồi tính tiếp.
- Dạ.
- Thôi khuya rồi chị về cho cu Bin ngủ.
Một tháng sau đó tôi không thấy Quang lần nào nữa. Anh có việc phải ra nước ngoài. Cuối năm việc công ty bề bộn. Tôi không có nhiều thời gian dành cho mình. Tôi xếp lại những ý nghĩ loanh quanh về Quang. Trần gian  bao la, biển người vô tận, làm sao mà tôi lại gặp Quang đúng vào lúc tôi đang bắt đầu công việc thuận lợi và tốt đẹp như vậy. Sao tôi lại về đúng chỗ của anh mà không phải là một nơi nào khác cơ chứ. Lại còn Luyến Thương nữa, nó là đứa trẻ có cá tính.
Từ bé, Luyến Thương luôn được tôi chỉ cho thấy những đứa con phải sống trong gia đình có người cha vô trách nhiệm, nát rượu, bê tha, bạo lực là như thế nào. Tôi luôn kể cho nó nghe về tấm gương học giỏi thành đạt của những đứa bé mồ côi cha. Tôi không thích người ta trầm trọng hóa vấn đề không cha của một đứa trẻ. Tôi  muốn con gái tôi nghĩ có cha hay không có cha điều ấy đối với một con người không có gì là nghiêm trọng lắm. Không có cha vẫn tốt hơn có một ông bố không ra gì. Luyến Thương tiếp thu rất tốt.
Nó chưa bao giờ hỏi tôi về người đàn ông đã dự phần vào công việc tạo ra nó. Nhưng đó là khi tôi nghĩ không bao giờ hai má con tôi còn gặp lại Quang trong suốt cuộc đời này. Còn bây giờ thì người cha bằng xương bằng thịt của con tôi đang ở ngay đây. Tôi phải làm gì bây giờ?
Quang về, mang theo thắng lợi lớn về một hợp đồng với nước ngoài. Lễ tổng kết cuối năm kết hợp với ăn mừng sự kiện trọng đại đó, được tổ chức thật hoành tráng ở một nhà hàng sang trọng . Sau phần nghi thức, là thời gian dành cho cuộc liên hoan. Người ta chúc tụng hoan hô, tâng bốc nhau lên tới tận mây xanh. Thức ăn được lần lượt mang ra sực nức đủ thứ mùi vị. Sâm banh khui lốc bốc. Tiếng cốc chạm nhau. Những ly bia sóng sánh sắc vàng. Tôi đưa mắt tìm Quang, anh lẫn giữa đám đông vây quanh, và chìm trong những âm thanh ầm ào huyên náo. Tôi dắt tay con gái ra ngoài.
Hai mẹ con ngồi xuống cạnh hồ cá trong hoa viên nhà hàng. Luyến Thương thích thú ngắm say sưa những chú cá đủ màu sắc đang lượn lờ dưới mặt nước phản chiếu ánh đèn lung linh. Gần đó có một phụ nữ mặc chiếc váy hoa bên ngoài phủ một lớp voan mỏng dài tận gót, phía trên hở một mảng vai rộng, đẹp kiêu sa và quyến rũ. Đôi mắt với rèm mi dài và suôn làm cho gương mặt phúc hậu của chị đượm vẻ buồn hiu hắt. Chị rời chiếc ghế đá kê dưới gốc cây sứ già đi lại phía chúng tôi. Chị cười thật tươi, nhưng vẫn không đủ làm cho gương mặt rạng rỡ hơn lên một chút:
- Con gái cô phải không? Sao hai mẹ con ra về sớm vậy?
Tôi nghĩ đó là một câu xã giao hơn một lời thăm hỏi nên  chỉ khẽ gật đầu đáp lại mà không nói gì. Chị  ngồi xuống cạnh bên nhẹ nhàng đưa tay vuốt tóc Luyến Thương, con bé ngẩng lên nhìn chị mỉm cười. Tôi thoáng thấy trong mắt chị ánh lên một thứ tình cảm lạ lẫm, một cái gì đó như muốn vỡ oà  lại như  muốn dồn nén. Chị ngước nhìn tôi không giấu được cảm xúc:
- Cháu dễ thương quá.
- Cám ơn chị đã khen. Chị là khách mời? (nhìn cách ăn mặc của chị tôi áng chừng như vậy).
- Tôi đi cùng nhà tôi, anh Phan Quang đó.
Thì ra, đây chính là tình địch của tôi. Tự nhiên tim tôi đập mạnh và nhanh đến nỗi tôi phải đưa tay lên giữ nó lại.
- Xin lỗi. Tôi mới vào làm nên chưa được biết chị. Chị thông cảm.
Chị không trả lời tôi, ánh mắt chị dịu dàng chứa chan tình cảm, chị nhìn Luyến Thương như là ngắm nghía, như là tận hưởng. Thì ra, Luyến Thương mới chính là nguyên nhân khiến chị bắt chuyện làm quen với tôi. Tôi thăm dò:
- Anh chị có mấy cháu ?
Chị lắc đầu cười, nụ cười như cố:
- Chúng tôi không có con cô ạ!
Tôi bị bất ngờ trước câu trả lời của chị đến nỗi không biết nói gì để đừng trở thành vô duyên. Tôi vụng về lấp liếm:
- Có nhiều khi do chậm con đó chị. Tôi còn biết có người đến năm, sáu năm mới sinh con.
Chị chừng đã quen với kiểu an ủi lấy lệ như vậy:
- Chúng tôi lấy nhau đã mười năm rồi đó chứ.
Đã thấy mọi người lần lượt đi ra, trong kia chắc tiệc đã tàn. Tôi vội vã chào chị để tránh một cuộc chạm mặt, nhưng không kịp. Quang đến bên vợ:
- Mình về thôi em.
Ánh mắt anh chạm vào tôi, một thoáng thật nhanh đủ cho người đàn ông từng trải như anh đẩy lên đầu những cảm xúc của con tim. Anh nhìn tôi xa lạ:
- Chào em. Tôi đưa bà xã về trước.
Tôi nhìn theo anh, ứ nghẹn. Rồi tôi sẽ cho anh biết anh cũng có một đứa con, nó là khát khao cháy bỏng của cuộc đời anh, lớn hơn cả sự nghiệp, tài sản, địa vị mà anh hiện có, và nó đang ở trong tay tôi. Một quyết định mà trước đây mấy phút tôi còn chưa nghĩ tới.
Tôi mang ý nghĩ ấy vào cả trong giấc ngủ. Sáng dậy, còn thấy hai bàn tay mình nắm chặt. Tôi xòe tay ra cho mọi thứ lọt qua kẽ ngón. Còn lại nỗi đau đớn, hờn ghen và tủi phận, tôi úp mặt vào gối khóc nức nở, khóc tự nhiên, khóc như… người ta vẫn thường khóc khi cần khóc, khóc rũ rượi, khóc mềm người ra, bao nhiêu nước mắt bị nuốt ngược vào trong suốt mười năm (mười năm tôi không cho phép mình khóc) giờ được dịp tuôn ra.
Trong khoảnh khắc, tôi nhận ra chính tôi, không cố lên gân, không cố ra vẻ. Và khi chính thật là mình thì tôi không thể chối cãi được: tôi vẫn còn yêu Quang biết chừng nào. Tôi không thể chối cãi được, tôi cũng từng khát khao có một người đàn ông đi bên cạnh cuộc đời mình. Cũng từng  nghĩ về người cha cho mọi đứa trẻ trên đời, dù đó là một ông bố không hoàn hảo.
Trong khi tôi đang loay hoay với suy nghĩ đó thì Quang vẫn kiên trì với những cuộc hẹn gặp không bao giờ được tôi đáp lại, những tin nhắn không bao giờ được tôi trả lời, mặc dù ngày tôi vẫn thường xuyên mở email chờ thư, đêm vẫn đều đặn đợi nghe âm báo tin nhắn, tôi đọc thấy ở đó nguyên vẹn sự thương yêu và tin cậy. Tôi biết mình đã tha thứ cho anh.  
Sinh nhật lần thứ mười một của Luyến Thương. Buổi sáng, chị Hai giúp tôi đi chợ mang về mấy món thức ăn đã được Luyến Thương và cu Bin lên thực đơn từ tối hôm trước. Thấy tôi đang lui cui cắt tỉa mấy nhánh cát tường để cắm vào lọ, chị lên tiếng:
- Sao giờ này em chưa đi lấy bánh?
- Em dặn đằng cửa hàng lát nữa họ mang lại cho mình rồi chị.
- Ừ, vậy cũng tiện.
Rồi chị ngồi xuống bên tôi ra vẻ bí mật:
- Luyến nè. Hồi sáng bé Thương dặn chị mua cho nó ba cây nến.
Chị vừa nói vừa lấy trong giỏ ba cây nến mở ra cho tôi xem. Tôi ngạc nhiên:
-  Nến em đã mua rồi, mười một ngọn chứ, sao lại ba cây?
-  Chị cũng không biết mà nó dặn chị phải mua đủ ba màu vàng, xanh, hồng, còn dặn chị giữ bí mật.
- Vậy mà chị nói với em.
- Ừ hén!
Chị Hai như sực nhớ, chị cười ngất.
Mười năm qua, khách mời sinh nhật của Luyến Thương không hề thêm bớt, vẫn là chị Hai và cu Bin. Bé Thương mặc áo đầm trắng, giày trắng, vớ trắng, đội trên đầu một vòng hoa trắng trông xinh xắn như một thiên thần trong đêm thánh lễ. Nó chắp tay thì thầm cầu nguyện. Đêm vời vợi trong ánh nến lung linh. Lòng tôi ngập tràn hạnh phúc như thể bấy nhiêu cũng là quá đủ cho một đời người. Chị Hai “đại diện” cu Bin tặng quà sinh nhật cho Luyến Thương, một chú gấu bông thật to. Chị nói:
-  Chúc mừng sinh nhật Luyến Thương, cô Hai chúc con gái chóng lớn, xinh đẹp, khoẻ mạnh, học giỏi và ngoan ngoãn. Bây giờ tới tiết mục văn nghệ đi. Luyến Thương tâm sự với cô Hai có bí mật mà phải không?
Luyến Thương cười rạng rỡ, nó chạy vào trong mang ra ba ngọn nến đặt lên bàn, cúi chào điệu nghệ và nắm bàn tay lại đưa lên miệng giả làm micro:
- Sau đây ca sĩ  Luyến Thương xin hát tặng mọi người bài hát Ba ngọn nến lung linh: “Ba là cây nến vàng, mẹ là cây nến xanh, con là cây nến hồng, ba ngọn nến lung linh, la là lá la la, thắp sáng một gia đình…” Tôi như con ốc mềm muột không còn cõng nổi trên lưng mình cái vỏ cứng cáp nặng nề. Tim tôi thắt lại. Lòng tôi tan nát. Mắt tôi cay xè.
Quang từ đâu hiện ra ngang cửa, chỉ một mình tôi biết người đàn ông ấy và người phụ nữ đi bên cạnh anh là ai. Trong khi tôi còn sững sờ chưa kịp phản ứng thì chị Hai lên tiếng:
- Khách nhà mình hả Luyến? - Rồi chị quay qua hai người - Mời cô chú vào nhà.
Tôi nhanh trí níu lấy mối quan hệ đồng sự để hóa giải tình thế:
- Em giới thiệu với chị Hai, đây là sếp của em, anh Phan Quang và chị nhà. Còn đây là chị Hai chủ nhà trọ, thằng bé cháu ngoại của chị Hai, còn đây là con gái tôi.
Ngoài miệng tôi đang giới thiệu mọi người với nhau nhưng trong đầu tôi lại cố đoán xem chuyện gì sắp xảy ra. Nhưng tôi hoàn toàn không nghĩ ra được một chút gì.
Trước mặt tôi không phải là một Quang với cái vẻ đường bệ, tự tin  và khí thế. Anh e dè, bối rối, mỏng manh. Người phụ nữ tôi đã gặp một lần, hôm nay không còn nét kiêu sa diễm lệ, chị đẹp bình dị, chân phương và phảng phất buồn. Câu chuyện bắt đầu từ chị.
Chị bắt đầu câu chuyện lan man, rối rắm, lộn xộn. Và kết thúc bằng cái lần chị nhìn thấy Luyến Thương. Lập tức chị thấy nó vô cùng quen thuộc, gần gũi và yêu thương. Nó đánh thức giác quan thứ sáu trong người phụ nữ của chị. Cảm giác bất an, chị để ý lắng nghe những lời xì xầm của mọi người. Chị tìm hiểu thông tin về tôi. Chị quan sát anh, kiểm tra tin nhắn điện thoại (điều này thật dễ dàng vì anh không hề cảnh giác bởi đó không phải là thói quen của chị).
Chị không biết bắt đầu từ đâu để khởi sự cho cuộc ghen tuông này. Chị ngắc ngứ như gà mắc tóc. Nhưng chỉ cần như vậy cũng đủ cho một người đàn ông bản lĩnh như anh nhận ra vấn đề. Anh thẳng thắn thừa nhận đó là một cuộc tình thời trai trẻ mà anh đã nông nổi để lại cho bạn mình sự mất mát lớn lao và anh biết mình có lỗi. “Vậy còn…”. “Em muốn nói còn cái gì?”. Chị kịp nhận ra anh không hề biết đến sự có mặt của một đứa trẻ. Chị im lặng. Sự im lặng không làm cho lương tâm chị an nhàn. Con bé xinh đẹp là vậy, vừa gặp chị đã thấy thương quá chừng.
Nó giống Quang như đúc. Đó là một đứa trẻ, nó không dự phần vào những sai lầm của người lớn, nó cần có cha. Cũng như Quang, anh cần có một đứa con… Không. Rồi “tình cũ không rủ cũng tới”, huống gì giữa họ còn có một đứa con, sợi dây cốt nhục thiêng liêng ấy làm sao mà không nối họ lại. Chị thấy mình không đủ rộng lượng, không đủ cao thượng, bác ái và từ bi, không đủ đức tin về sự “ở hiền gặp lành”. Nhiều lần chị xua đi và không ít lần chị nghĩ đến, cứ vậy những ý nghĩ đan xen, chồng chéo, rối ren thường trực trong đầu làm chị ngột ngạt.
Chị nghĩ tới Quang, tới một đứa con mà chị không thể cho anh, tới niềm hạnh phúc vô biên của đứa trẻ tìm thấy được cha… Khi không còn loay hoay chỉ nghĩ cho riêng mình, khi mở lòng ra nghĩ đến mọi người, lòng chị thật nhẹ nhàng. Chị thấy mình hạnh phúc hơn  niềm hạnh phúc lớn lao mà chị sẽ mang lại cho Quang.
Câu chuyện dài quá, nó làm chị gắng sức, chị không khóc nhưng có đôi chỗ lạc hẳn giọng. Chị bấu chặt tay Quang. Luyến Thương hình như loáng thoáng hiểu được câu chuyện có liên quan đến nó. Riêng tôi, từ ngày gặp lại Quang, tôi biết tôi sẽ phải đối mặt với những ngày không bình yên, ít ra là với chính mình.
Nhưng quả thật sự việc xảy ra ngày hôm nay là một sự đường đột vô cùng mà tôi không xử sự nổi. Quang nhìn vợ với ánh mắt hàm ơn, tôi chịu không nổi ánh mắt ấy. “Phật dạy, lễ vật lớn nhất của đời người là khoan dung, Luyến ạ! Vì con đi em!”. Chị Hai nói với tôi, thật khẽ, nhưng cũng đủ làm Quang nghe rõ. Câu nói tiếp thêm sức mạnh và niềm tin cho anh:
- Luyến, anh biết bây giờ mọi lời nói và việc làm của anh, tất cả đều không thể chuộc lại những tội lỗi mà anh đã gây ra. Anh thật lòng xin lỗi em. Anh bất ngờ đến không tưởng tượng nổi khi nghe vợ anh kể về... con… Anh đã tức tốc chạy vào công ty xem lại hồ sơ cá nhân của em ở phòng quản lý nhân sự. Anh mới biết hôm nay là ngày sinh nhật con. Hãy vì con mà tha thứ cho anh. Cho anh có cơ hội nhìn nhận nó.
Trong khi anh nói, chị ràn rụa nước mắt như một người bị dằn vặt, khổ sở vì lâm vào cảnh tình ngang trái, nhưng gương mặt chị không vì thế mà buồn hơn. Chị cầm tay tôi khẩn khoản:
- Luyến bằng lòng nghe. Tôi xin cô.
Ánh mắt mọi người đổ dồn về phía tôi. Giờ đây, khi tất cả đã qua rồi, tôi vẫn không biết tôi đã nghĩ gì khi đó. Tôi nhìn Quang và khẽ gật đầu. Trên bàn, ba ngọn nến lung linh, lung linh. Chị Hai đưa tay vẫy Luyến Thương, con bé nãy giờ ngồi thu lu ở một góc nhà quan sát mọi người. Nó chạy lại ôm siết lấy tôi. Tôi đọc thấy trong ánh mắt con sự cầu cứu được che chở. Quang thấp thỏm cựa quậy trên ghế. Chị Hai gỡ tay Luyến Thương ra khỏi tôi, chị dắt nó lại chỗ Quang:
- Đây là ba ruột của con, con kêu ba đi.
Quang đưa tay ra. Mọi người nín thở chờ đợi cái khoảnh khắc Luyến Thương chồm tới ngã chúi vào vòng tay ôm của Quang gọi ba ơi. Vậy mà không phải. Nó nhìn Quang, rồi ngước nhìn chị Hai:  
- Con không có ba.
(*) trồng cành mắc vào nhau
NGÔ THỊ THU VÂN

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Popular Posts

Blogger news

About




Powered by  MyPagerank.Net

Academics Blogs
Bookmark and Share

Blog Archive