Phần 02: “Luật xe ôm” - Nguy hiểm chực chờ trong đêm
23/6/10
0
nhận xét
Đậu xe ở bến nào chỉ được đón khách ở bến đó. Chẳng hạn trên cùng một đoạn đường Kinh Dương Vương có tới hàng chục bến, khi khách không đồng ý giá, bỏ đi, phu xe không được rề theo chèo kéo vì coi chừng lấn sang lãnh địa bến khác.
Khu vực bến xe miền Tây có đội ngũ xe ôm hùng hậu, gồm ba đội với tổng số trên dưới 200 người, do bến xe quản lý, mặc đồng phục xanh lơ. Trong đó đội 1 được gọi là “nhà vua” với trên 100 người, được đón khách trong phạm vi xe khách đỗ, còn đội 2 là “cận thần” với gần 50 người, chỉ được đón khách trong phạm vi từ khu vực cửa vào bến. Riêng đội 3 có quân số gần 50 người chỉ hoạt động từ 17 giờ hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau. Lằn ranh để phân biệt giữa đội “cận thần” và “nhà vua” là cái barie đặt ngay cổng với luật hẳn hòi: khi khách không đi xe của “nhà vua” thì mới đến lượt “cận thần” mời chào và cứ “lọt sàng xuống nia”: khi khách bỏ qua bên kia đường thì mới đến lượt dân “quốc tế” như tôi. Thật khó mà chen chân vào giới “nhà vua” và “cận thần” vì hoạt động của họ đã đi vào nền nếp, nhân sự ổn định, ít khi nhận thêm người.
Dân chạy xe “quốc tế” còn có qui luật riêng, một thành viên mới gia nhập như tôi, ngoài việc “chào sân” một chầu nhậu thì tùy theo vị trí bến có khách nhiều hay ít mà phải chung chi một khoản “phí nhập bến” từ vài trăm đến vài triệu đồng. Anh Hùng nói: “Nếu bến ở các khu công viên, các chợ, bến xe thì phí nhập bến ít nhất cũng 2-3 triệu đồng và phải có người giới thiệu, bảo lãnh. Số tiền này chia cho “chủ bến” một phần ba, số còn lại chia cho các anh em trong bến gọi là quỹ phòng khi hữu sự đau ốm có cái mà chăm lo.
Sang trọng và dữ dằn nhất là loại xe ôm “quý tộc” chuyên chở em út cho các nhà hàng, khách sạn ở các khu trung tâm. Muốn vào giới này thì “phí” ít nhất cũng 5-10 triệu đồng. Nhưng theo anh Hùng thì không nên dây dưa với bọn xe ôm “quý tộc” vì thực chất chạy xe ôm với họ chỉ là phụ, cái chính là bảo kê, chăn dắt gái gú, thậm chí kiêm luôn trấn lột mấy ông khách hảo ngọt.
Tưởng cái nghề bèo bọt này ai làm cũng được, nhưng chỉ mới sau năm ngày ra ngồi ở bến dưới trời khi nắng chang chang, khi mưa như trút nước mà tôi đã sạm người đến héo quắt, miệng, mũi, mắt lúc nào cũng lợn cợn cát bụi. Không có khách thì buồn nhưng gặp khách là mấy chị buôn gà, vịt từ quê lên lại sợ, nào là cần xé, túi xách phải chở hết, thậm chí chiếc cần xé to đùng vậy mà bắt phải để phía trước, phân vịt, gà tung khắp người. Có hôm một chị còn kêu chở gần chục chú heo mọi, phân heo trây trét đầy người đến ba ngày sau vẫn còn nặng mùi. Một đại ca còn bảo: “Nghề này là vậy, tao còn chở cả xác chết nữa kìa!”…
==============
Đường phố về khuya vắng lặng, từ hôm giá xăng lên mấy anh trong bến của tôi ít đi rảo tìm khách mà thường về sớm, vì bặm trợn như Thành mà có ngày rảo hết cả lít xăng kiếm được người khách nào đâu. Cái oi nồng mấy hôm nay bỗng dưng bị xua tan bởi một cơn giông.
Gió giật, mưa bắt đầu rơi lất phất. Hai người đàn ông xuất hiện cạnh tôi, nói lạnh lùng: “Ê, đi quận 7 bao nhiêu?”. Nhìn hai người khách nón che khuất mặt, trên cánh tay phải của gã cao to xăm hình con rắn hổ, tôi chợt rùng mình nhớ lời anh Hùng căn dặn: “Dạo này cướp xe ôm dữ lắm, thấy an toàn hẵng đi, đứng tiếc mấy chục ngàn mà toi mạng. Đừng đi khách lạ, nhất là những đoạn đường vắng như khu đô thị mới quận 7…”. Tôi ra giá như lời từ chối: “Bảy chục!”. Không nói không rằng hai gã đàn ông leo lên xe ngay và ôm cứng lấy tôi. Bủn rủn cả tay chân, nhưng cọp đã leo lên lưng rồi làm sao đây? Tôi rú ga phóng đi trong cơn mưa trong đêm lạnh thấu xương…
Con đường như dài hơn mỗi khi hai vị khách ngồi sau thì thầm to nhỏ với nhau gì đó, cứ mỗi lần chạy ngang qua đồn công an còn sáng đèn là tôi cố tình chạy chậm lại để xem phản ứng của hai vị khách lạ… Khi đến khu vực vắng vẻ thuộc phường Tân Thuận Tây, gã thanh niên ngồi sát vỗ vai tôi: “Dừng lại… dừng lại…”. Hai gã bước xuống xe rồi đi thẳng, tôi chạy rà theo: “Anh hai... cho xin tiền xe…”. Gã thanh niên có hình xăm quay lại, lôi trong túi quần ra một cái ống chích, hăm he: “Trả bằng cái này được không? Tao đâm một cái là mày tiêu luôn chứ đòi tiền cái gì”. Rồi cả hai lủi vào hẻm mất dạng. Một bà ngồi bán quán cóc bên lề đường nói vọng sang: “Thôi con ơi, gặp tụi nghiện xì ke rồi, đừng giây vào làm gì, về đi…”. Tôi phóng xe đi trong cảm giác bàng hoàng…
Mang chuyện đụng đầu bọn nghiện đêm qua ra kể cho những đồng nghiệp “quốc tế” nghe, vậy mà ai cũng bảo tôi may là không gặp phải bọn cướp cạn. Anh Nguyễn Hùng Biên ghé đầu cho tôi xem một vết sẹo dài, cho biết anh may mắn sống sót sau một vụ cướp kinh hoàng một năm trước. Anh kể, lúc đó đã gần 12 giờ khuya, anh đang chuẩn bị về nhà thì có một người đàn ông trạc 40 tuổi đến thuê xe ôm về Củ Chi. Qua ánh đèn đường, anh Biên nhìn thấy một gương mặt khắc khổ, giọng nói của người miền Tây, quần áo đã cũ nhưng khá lịch sự nên anh yên tâm nhận chở đi. Sau khi thỏa thuận giá cả, người đàn ông đồng y trả 80.000 đồng. Thấy số tiền lớn trong khi cả ngày anh chỉ mới kiếm được có 20.000 đồng nên anh nhận lời. Đi đến khu vực đồng trống giáp ranh giữa Hóc Môn và Củ Chi, người khách bỗng kêu lên: “Dừng lại, rớt dép rồi…”, anh Biên vừa dừng lại thì người đàn ông lịch sự đã biến thành con quỷ dữ rút chiếc búa từ trong túi xách ra đập mạnh vào đầu anh khiến máu tuôn xối xả, anh gượng dậy chạy được vài bước rồi té xỉu bên bờ ruộng. Gần 4 giờ sáng mới có người phát hiện, đưa anh đi cấp cứu. Anh Biên bị chấn thương sọ não nằm viện gần cả tháng trời. Tiền thuốc men tiêu tốn cả chục triệu nhưng đau hơn vết thương là chiếc xe anh thuê phải vay mượn khắp nơi để đền cho chủ xe hết gần 10 triệu. Anh Biên lắc đầu: “Chạy xe ôm gần 15 năm vẫn chưa dành dụm mua được cái xe, vậy mà còn gặp cướp. Vợ tôi bảo: còn cái mạng là may để em đi bán vé số kiếm tiền trả nợ, thấy vợ cực khổ quá tôi đành phải thuê xe chạy tiếp, nợ nần chồng chất không biết khi nào mới trả xong đây…”.
VŨ BÌNH và các phóng viên báo TUỔI TRẺ
0 nhận xét:
Đăng nhận xét