Your Adsense Link 728 X 15

P02: Ngã ba - Mơ về làng Giữa

Posted by Eddy Lê Giang 11/6/10 0 nhận xét
Anh kể thêm về quê anh, về gia đình anh đi! Để mấy hôm nữa về đó, em đỡ bỡ ngỡ. Không biết đây là lần thứ mấy trong buổi tối, Nguyệt ngước mắt nài nỉ Khanh. Anh chỉ khẽ vòng tay qua vai cô, giọng trầm ấm, nửa buồn, nửa dửng dưng! Có gì mà kể, em! Nói trước, anh sợ em… ngán, không muốn về. Anh nói rồi thôi, quê anh nghèo lăm.
Nguyệt xịu mặt. Khanh ngắt ngang lời cô, giọng cô tươi vui hơn chút ít.
- Thôi nào! Sốt ruột gì cơ chứ, còn có gần một tuần nữa chúng mình về rồi. Chắc chắn mẹ anh vui lắm. Nghe anh kể, mẹ cứ bảo có em về làm dâu rồi chết cũng yên lòng. Mẹ chỉ mơ có con dâu là cô giáo thôi đấy.
Nguyệt khúc khích cười:
- Anh lại kể xấu em với mẹ chứ gì?
Rồi cô thảng thốt:
- Em chưa xin phép bố mẹ, tuần sau chúng mình đi rồi. Lỡ bố mẹ không đồng ý cho em đi…
Khanh bật cười:
- Chờ em có mà đến tết tây. Cứ nước đến chân rồi mới nhảy. Hôm trước anh đã hỏi ướm ý các cụ rồi, hỏi cả anh Quân nữa, mọi người không phản đối đâu. Thậm chí, anh Quân còn bảo…
- Anh ấy bảo sao?
Khanh ngập ngừng:
- Rằng “Tụi mày yêu nhau bao năm rồi, sao giờ mới tính chuyện cho Nguyệt về ra mắt. Lẽ ra phải tiến hành từ lâu rồi kia”.
Nguyệt giật tay Khanh, giận dỗi:
- Đấy nhé, không phải mình em nghĩ thế. Anh thì lại cứ chần chừ. Hay là…
- Hay là sao…
Nguyệt ngồi im, đầu hơi cúi, mái tóc mềm xõa trên vai, vài sợi tóc bay trên má Khanh buồn buồn. Không hiểu Nguyệt đang nghĩ gì? Chắc cô đang lo đến chuyện về quê “ra mắt” gia đình và họ mạc nhà anh. Khanh chợt thấy nhớ nhà, nhớ mẹ đến cồn cào. Mẹ anh mới ngoài năm mươi tuổi, mà mái tóc đã bạc tới một phần hai. Mỗi lần anh về nghỉ, kể chuyện Nguyệt bà lại giục “Sao con không đưa con bé về chơi? Đã yêu thương nhau, còn ngại ngần nổi gì?”. Cũng có lần hỏi xong, bà lại ngồi lặng đi hồi lâu, rồi mắt rơm rớm nước: “Nhà mình nghèo thế này, quê mình khổ cực thế này, biết người ta có ưng không? Người thành phố sướng từ trong trứng sướng ra…”.
Khanh chỉ biết xót xa nhìn mẹ. Chắc hẳn trong óc bà, người thành phố là những gì cao quí lắm. Cả làng anh chỉ có nhà ông Vị có con làm ngoài thành phố. Thi thoảng vợ chồng con cái họ về chơi, làng lại xôn xao lên. Người thành phố khác xa với người làng anh. Lũ trẻ con cứ lằng nhằng bám theo những “người thành phố” nhà ông Vị. Những người lớn lại trầm trồ, vì nỗi con dâu ông Vị đi đôi giày gót cao và nhọn hoắt thế mà không ngã, rồi sao cổ và tay cô ta đeo nhiều vàng đến thế, ngay cả đứa con gái út mới tí tuổi đầu cũng đã được đeo vàng.
Có lần mẹ còn nửa đùa nửa thật bảo anh “Con cố học thành tài, ra được thành phố, đón mẹ ra. Ở thành phố một ngày là mẹ cũng mãn nguyện rồi”. Ngày đó, Khanh đã “vâng” thật hồn nhiên. Anh còn nhớ mình từng cao giọng nói với lũ bạn cùng làng rằng “Tao sẽ học lên đại học, tao sẽ ra thành phố ở”. Có đứa đã tròn xoe mắt phục lăn. Thậm chí thằng cu Mít còn mon men bảo: “Ra thành phố, rồi anh mua cho em cái ôtô nhựa nhé”. Khanh hào phóng hứa với tất cả lũ bạn.
Sau này, ước mơ ra thành phố học đại học thôi thúc anh cả trong bữa ăn, giấc ngủ. Anh là đứa con đầu tiên của làng đỗ vào đại học, bõ công bao tháng ngày vượt sông đi học đầy khổ cực, hiểm nguy. Hôm anh đi, mẹ khóc nấc lên. Bà khóc vì sung sướng nhiều hơn vì sắp phải xa con. Từ ngày Khanh vào đại học, mẹ anh trở thành tấm gương cho các bà mẹ ở làng, anh trở thành tấm gương cho lũ trẻ các nhà. Sắp đủ 4 năm từ ngày anh xách túi ra đi làng vẫn chưa có thêm một sinh viên nào. Ngay lũ em anh, ba đứa thì đã có hai đứa bỏ học giữa chừng. Hôm vừa rồi, thằng cu Chiến út ít viết thư lên bảo: “Em muốn nghỉ học lắm rồi. Mỗi lần trời mưa, đi học cực lắm. Có hôm đò suýt bị lật, sách vở rơi hết xuống sông”. Đọc thư em trong góc lớp mà Khanh rơi nước mắt. Anh cũng chẳng dám khuyên nó câu nào.
Biết đôi vai gầy của mẹ có còn cáng đáng được nữa không? Cái Nụ mười bảy tuổi đã nhấp nhổm lấy chồng. Mơ ước lớn nhất của nó là được một lần mặc váy cưới, giống như các cô dâu trên phim ảnh. Có lần Khanh chót hứa: “Bao giờ đi  làm, anh sẽ gắng dành dụm đủ tiền cho mày thuê váy cưới trên thị xã về”. Tưởng con bé vui, ai dè nó trề môi ngấm nguýt: “Chờ anh đi làm có mà em thành gái già à?”, mặc dù đến lúc Khanh ra trường, nó cũng vừa đủ tuổi để có thể đăng ký kết hôn. Vừa tết năm ngoái, dành dụm được ít tiền, con bé rủ lũ bạn gái cùng làng ra thị xã chụp ảnh. Nó xúng xính trong váy cưới, áo dài, quệt thêm tí son phấn, tóc xõa ra, gài bông hoa giả, thế mà đem ảnh về làng khoe, đố ai nhận ra.
Cái Nụ treo ngay ảnh lên tường, bị mẹ anh chửi cho như tát nước vào mặt. Bà bảo: “Con gái con đứa, đú đởn vừa vừa thôi, ảnh uôm cái nỗi gì. Không cất đi, tao xé ra thì đừng có trách”. Nó khóc ti tỉ, gỡ xuống. Đợi lúc nguôi nguôi, mẹ anh mới tỉ tê: “Nhà nghèo thì giữ lấy nếp nghèo. Con đừng đua đòi kẻo xóm giềng cười chê. Con gái mà mang tiếng đua đòi thì nhà nào dám rước. Với lại, chúng mày chưa chồng mà dám mặc áo cưới để chụp ảnh, nó bó duyên có mà chết già”. Nghe ra, cái Nụ thôi không hậm hực, nhưng thỉnh thoảng, nó vẫn lén lấy mấy tấm ảnh ra ngắm với vẻ háo hức, say mê. Có lẽ điều nó mơ ước nhất là được trở nên xinh đẹp và sang trọng như trong ảnh.
Đưa Nguyệt về nhà, Khanh quay trở lại ký túc xá. Cả phòng đã ngủ. Cửa khép hờ. Khanh đưa tay tìm công tắc điện. Bị chói mắt, thằng Hải giường trên trở mình quay mặt vào tường, càu nhàu bằng giọng Nghệ An đặc sệt “Mi đi mô mà về muộn rứa?”. Phòng sáu đứa, hôm nay chủ nhật, chúng nó đi đâu hết, còn mỗi thằng Hải ở nhà. Khanh tống xe vào góc phòng, tắt điện. Nhưng lên giường rồi mà mãi anh không ngủ được. Tiếng thằng Hải giường trên ngáy như sấm, tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ báo thức trên bàn càng làm anh thêm trằn trọc.
Nhưng hơn cả là anh nghĩ đến mẹ, đến Nguyệt. Nay mai đưa Nguyệt về thăm, chắc mẹ anh phải xuýt xoa: “Sao mà con bé xinh đến thế”. Hàng xóm nhà anh chắc sẽ sang chật nhà để xem mặt “cô con dâu thành phố nhà bà Vọng”. Rồi người ta sẽ khen anh giỏi, sẽ ngay lập tức có người lấy anh làm gương cho con cái một lần nữa. Lũ thanh niên trong làng sẽ nhìn anh và Nguyệt mà nuôi mơ ước. Còn cha anh nữa, dưới suối vàng hẳn người cũng mát lòng. Mẹ cứ kể đi kể lại rằng trước lúc nhắm mắt cha anh cứ dặn đi dặn lại bà hãy cố nuôi các con ăn học cho dù có khổ sở đến đâu. Ông còn bảo bà hãy thương các con, đừng có sang ngang lần nữa. Người thiên hạ, họ chẳng yêu thương con mình đâu…
Mỗi lần nhắc đến chuyện này, mẹ anh lại cười, dù mắt ầng ậc nước. “Rõ là ông ấy dở chết. Chứ tao đã ngoài bốn mươi, lại một đống con, có động rồ mà đi bước nữa”. Năm bố Khanh mất, thằng cu Chiến mới lên bốn, cái Nụ lên bảy còn cái Khánh lên mười. Thế mà đã mười năm trôi qua. Mười năm ấy, Khanh không nguôi mơ ước về một cuộc sống khá hơn, đỡ cực nhọc, vất vả hơn cuộc sống ở làng.
Năm kia, cái Khánh lấy chồng. Chồng nó là một cậu thợ xây làng An Hạ bên kia sông. Hôm đưa dâu, mẹ cứ đứng bên này sông khóc sụt sùi. Xóm giềng an ủi: “Con gái lớn phải lấy chồng chứ! Giữ nó ở nhà với mình cả đời được à? Rồi bà sẽ nguôi thôi”, thì mẹ anh lại bảo: “Tôi khóc vì mừng đấy chứ!”. Mà mừng thật. Cái Khánh thoát được khỏi làng Giữa là một may mắn cho đời nó. Còn ở trong làng là còn trong cái vòng luẩn quẩn khổ cực, đói nghèo… Rồi Khanh lại nghĩ ngay đến Nguyệt, không hiểu Nguyệt sẽ nghĩ gì khi đặt chân lên mảnh đất làng anh? Không hiểu hình ảnh anh trong mắt Nguyệt có thay đổi không khi cô về thăm làng Giữa.
Cũng có lần Khanh bộc bạch nỗi lo lắng ấy với Trung. Trung chỉ gạt phắt đi mà rằng: “Mày cạn nghĩ hơn cả đàn bà. Nguyệt không phải người như thế. Yêu nhau mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội cơ mà! Huống hồ là cái sông cỏn con quê mày. Suy cho cùng, mày ra trường cũng có quê ở đâu mà lo”. Biết thế, nhưng Khanh vẫn không nguôi thấp thỏm. Anh vừa sốt ruột chờ đến ngày được dẫn Nguyệt về quê ra mắt mẹ, lại vừa thấy ngại ngần, lo lắng. Chẳng hiểu Nguyệt có rõ tâm trạng của anh lúc này?
Càng nghĩ lan man, càng thấy khó ngủ. Khanh muốn dậy viết bài nhưng lại ngại ánh đèn đánh thức Hải. Từ ngày nhận việc làm thêm ở một tòa báo trong thành phố, Khanh luôn là người thức khuya nhất phòng. Có tuần bài vở ngập đầu, anh phải thức trắng đêm. Gặp nhau, Nguyệt cứ xót xa bảo: “Anh tham công tiếc việc vừa vừa thôi”, còn tụi trong phòng mệnh danh anh là kẻ “cày khỏe hơn trâu”. Khanh đang nuôi hi vọng sau khi tốt nghiệp, được nhận về báo này. Ông tổng biên tập là đồng hương với anh, cứ xuýt xoa khen: “Dân làng Giữa mà bứt lên đi học được như cháu là giỏi lắm, có chí lắm”. Qua hơn một năm cộng tác, Khanh đã chiếm được cảm tình của rất nhiều người trong tòa soạn. Con đường đời trước mặt anh đang đỡ gập ghềnh, heo hút hơn.
Nguyệt bần thần ngồi trước đống áo quần. Theo kế hoạch cô sẽ về chơi nhà Khanh ba ngày. Chỉ có ba ngày thôi, nhưng cô đã trăn trở từ mấy hôm nay rằng sẽ ăn mặc thế nào, mua những quà gì cho mọi người. Khanh bảo: “Làng Giữa của anh là một trong những làng nghèo nhất miền Bắc Việt Nam”. Nguyệt trề môi không tin, Khanh lại buồn buồn: “Anh không nói dối em đâu, thật đấy”, làm cô lại phải vui vẻ. “Thì em tin, nhưng nghèo hay giàu thì ảnh hưởng gì mà anh bận tâm nhiều thế”.
Qua lời kể của Khanh, Nguyệt gắng hình dung ra quê anh. Làng Giữa thực ra chỉ là một doi đất được bổi trong sự giao thoa của bốn dòng sông, sông Cầu – sông Thương – sông Lục Nam – sông Đuống, để rồi từ đó lại tách ra hai con sông nữa là sông Kinh Thầy và sông Thái Bình. Khanh cũng đã từng mở bản đồ, chỉ cho Nguyệt quãng Lục Đầu Giang quê anh.
Làng Giữa như một ốc đảo giữa mênh mông sông nước, rộng chừng ba cây số vuông. Vào mùa mưa bão, nước sông dâng cao, làng anh bị cô lập hoàn toàn. Năm nào nước cả, tháng bảy, tháng tám âm lịch nước dâng ngập đến ngang nhà, còn năm nước thấp, ngoài sân cũng lõm bõm ngang mắt cá. Người dân làng Giữa toàn sống chung với nước. Phương tiện duy nhất để ra khỏi làng là những chiếc thuyền nan mỏng mảnh. Khanh còn kể làng anh có những cụ già cả một đời chưa hề sang đến bên kia sông, chỉ quẩn quanh trong làng, mở mắt ra là thấy bốn bề sông nước.
Nghe Khanh kể, Nguyệt lại thêm háo hức. Từ nhỏ, cô ít khi được đi xa. Đến lúc mẹ bị bệnh, phải nằm một chỗ, cô càng hay quẩn quanh bên mẹ. Bao nhiêu lần lớp tổ chức tham quan du lịch là bấy nhiêu lần Nguyệt vắng mặt. Cô không muốn xa mẹ, không muốn để mẹ buồn vì thiếu sự chăm sóc của mình, dù chỉ một ngày. Bao nhiêu lần bố và anh Quân đòi thuê người giúp việc, Nguyệt đều gạt đi, tự nhận về mình phần chăm sóc mẹ. Anh Quân nhăn mũi bảo: “Mày có chăm mẹ được cả đời không? Còn phải đi lấy chồng nữa chứ! Dễ thường mày khiêng mẹ theo? Cứ làm như ngoài mày ra thì không ai đủ tiêu chuẩn phục vụ mẹ?”. Nguyệt nửa đùa nửa thật bảo: “Có chứ. Bao giờ anh lấy vợ, em sẽ trao trả chị dâu nghĩa vụ ấy”. Ai ngờ anh Quân xị mặt: “Có đứa nào nó dám lấy tao khi biết mẹ như thế? Thời nay, con dâu phải hầu mẹ chồng chỉ là điều không tưởng”. Nguyệt nghẹn họng nhìn anh.
Có những lúc cô cảm thấy anh Quân xa lạ với mình, cứ như thể không phải anh em ruột. Là phó phòng kinh doanh của Công ty vật tư, anh sống bận rộn và lạnh lùng, như thể tất cả các mối quan hệ chỉ là đối tác, bạn hàng. Không hôm nào anh có mặt ở nhà lúc ban ngày. Có khi suốt cả tuần anh cũng chẳng đáo qua phòng thăm mẹ một lần, đợi Nguyệt phải nói như van, anh mới vội vã lao vào bên mẹ, hỏi han vài câu nhạt thếch rồi đi. Cùng một nhà, nhưng mẹ ở tầng trên, anh Quân tầng dưới, cứ khoảng mười giờ đêm anh về lại cầm điện thoại nhấn chuông ầm ĩ lên phòng mẹ, chỉ hỏi: “Mẹ ngủ chưa?”. Sau Nguyệt bảo: “Vào giờ mẹ ngủ, anh lại gọi điện, toàn làm mẹ mất ngủ thôi. Từ mai gọi sớm hơn đi”. Anh thủng thẳng “Sớm hơn thì tao đã về nhà đâu. Gọi di động để mà đốt tiền à?”. Thế là từ hôm sau, thói quen gọi điện của anh lên phòng mẹ chấm dứt.
Lạ là mẹ cứ bồn chồn chờ và vẫn không ngủ được. Mười một giờ đêm Nguyệt ngồi học bài, vẫn thấy mẹ nhắc nhỏm: “Sao anh con về muộn thế?”. Cô bỏ sách, vào giường xoa lưng cho mẹ, thủ thỉ: “Anh ấy về lâu rồi, nhưng không gọi điện, vì con bảo đừng làm mẹ thức giấc”. Mẹ thở dài, buồn buồn: “Mẹ có ngủ được đâu, không có tiếng chuông điện thoại của nó lại thấy thiêu thiếu…”. Nguyệt ứa nước mắt vì thương mẹ. Bên mẹ chỉ còn có cô.
Bố cũng đi biền biệt suốt ngày đêm. Ở nhà, bố là bố nhưng đến cơ quan bố là giám đốc, là sếp của anh Quân. Bởi thế, anh luôn luôn đứng về phía bố và tìm mọi cách để bênh vực bố. Nguyệt nhớ có lần cô đã khóc lặng người đi khi nghe tin bố có người đàn bà khác, một kẻ chỉ hơn cô chừng dăm tuổi. Nguyệt tìm đến anh Quân, anh lại ráo hoảnh “Biết rồi. Có gì mà em ầm ĩ lên thế?”. Cô há hốc miệng, nhìn anh trừng trừng. Anh Quân vẫn thản nhiên: “Thì em cứ nghĩ xem, môi trường công việc của bố thế. Cũng chỉ qua đường gió thoảng thôi chứ có đá vàng son sắt gì đâu. Mà… mẹ bệnh tật nằm đấy sáu, bảy năm rồi. Em lớn rồi nên anh mới nói điều này, bố cũng là con người, là đàn ông chứ có phải gỗ đá gì cho cam. Anh em mình, và cả mẹ nữa cũng nên thông cảm cho bố”. Nguyệt không thể thông cảm theo kiểu tỉnh bơ của anh Quân, cô khóc vùi đến mấy ngày, thấy trong mình có sự đổ vỡ kinh khủng.
Mẹ đoán ra ngay. Bà cứ vỗ về cô: “Mẹ chấp nhận được, con đừng nghĩ nhiều quá. Suy cho cùng mẹ chỉ là gánh nặng. Bố con và các con phải thiệt thòi nhiều”. Nói xong bà cũng khóc. Bệnh viêm đa khớp dạng cấp đang ngày càng rút tỉa sức lực của bà. Hai bàn tay bà đang bị teo, co quắp, biến dạng. Dường như bố cũng sợ, mỗi khi vào thăm mẹ, ông chỉ kéo ghế ngồi đối diện, như thể họ chỉ là hàng xóm chứ không phải vợ chồng.
Cũng không ít lần Nguyệt gay gắt chất vấn: “Sao bố ít quan tâm đến mẹ thế?”. Ông chỉ khẽ lắc đầu, bảo: “Bố vẫn quan tâm đấy thôi. Có điều mẹ con cần yên tĩnh để nghỉ ngơi. Bố chưa để mẹ con thiếu thứ gì”. Cô trách bố thờ ơ với mẹ, thời gian chỉ dành cho công việc thì ông lại cười: “Con phải ở vào địa vị của bố, dù chỉ một ngày thôi, thì con sẽ thấy được bố phải chịu một áp lực lớn như thế nào từ phía công việc”. Bao giờ Nguyệt cũng phải thua trước những cuộc “luận đàm” như thế.
Dần dần cô buộc phải chấp nhận và quen dần với cách sống của bố và anh Quân. Gia đình có bốn người mà chia làm hai mảng. Cô thấy sợ khi nghĩ về mai sau. Đến lúc cô không bên mẹ được nữa, thì ai sẽ là người thay thế, khi bố và anh Quân chỉ như hai khách lạ giữa nhà mình. Nhưng rồi cô lại hoảng hơn khi linh cảm mẹ như một ngọn đèn sắp tắt… Có những hôm trở trời, mẹ nghiến răng chịu đau mà không nói. Những tiếng rên cố nén luôn luôn xát muối vào lòng Nguyệt. Bố và anh Quân chẳng biết đấy là đâu.
Nghĩa vụ của bố đối với mẹ chỉ là thỉnh thoảng dẫn về nhà một ông bác sĩ mới và những tờ đơn thuốc thay đổi xoành xoạch. Mẹ uống thuốc nhiều hơn ăn cơm. Nghĩa vụ của bố với Nguyệt là hằng tháng đưa tiền cho cô trang trải mọi thứ. Anh Quân cứ bảo: “Sướng nhất mày, cứ tiêu vô tư. Đầy đứa là sinh viên phải cong đuôi lên đi làm thêm”. Rồi nhân chuyện làm thêm, anh lại ngoái sang nói về Khanh khen Khanh nhanh nhẹn, thông minh: “Mày lấy nó là quá tốt rồi. Tụi tỉnh lẻ chăm chỉ lắm. Đừng có vớ mấy thằng công tử bột thủ đô, về hầu nó không xong”.
Có lúc anh còn cười hơ hớ bảo: “Kể ra có thằng em rể là nhà báo cũng lợi phết. Bọn kinh doanh như anh chỉ sợ nhất mấy bố công an, nhì là mấy bố nhà báo: “Nguyệt chán, chẳng buồn tranh luận thêm với anh. Hơi tí anh Quân lại bảo cô là “ếch ngồi đáy giếng”, rồi “Công chúa trong tủ kính”, chỉ biết ngơ ngơ với sách vở, không hiểu gì về thực tế cuộc đời. Anh còn cao giọng dạy dỗ: “Đời nó tàn nhẫn, khốc liệt lắm em ạ. May mà bên mày còn có thằng Khanh tháo vát đấy. Giá nó đừng học báo chí mà học kinh tế thì thế nào bố cũng kéo về cơ quan, đỡ lo khâu xin việc khi ra trường”.
Thấy Nguyệt cứ thừ người nghĩ ngợi, mẹ khẽ khàng “Sắp đồ xong chưa con? Sao ngẩn người ra thế? Cô giật mình: “Con thấy… lo lắm”, “Lo gì? Mà lần đầu tiên về nhà người ta, cái gì cũng phải chu đáo, ý tứ con nhé. Con đừng để lại ấn tượng gì xấu”. Nguyệt bỏ đống quần áo đang xếp dở, sà sang bên giường mẹ, và xót xa khi nhận thấy chân tay mẹ ngày càng teo đi. Tự nhiên cô buột miệng: “Mẹ này, nếu mai này… con lấy chồng thì mẹ cũng phải ở với con luôn nhé”. Mắt mẹ vui vui: “Chưa gì đã lo xa. Ở với ai mà chẳng được. Hôm trước thằng Khanh bảo khi nào ra trường xin việc xong sẽ đưa mẹ nó lên bàn chuyện cưới xin”. Nguyệt nguẩy người: “Còn lâu… Chưa gì đã…”.
Cô thấy rộn lên một niềm vui khó tả. Khanh từng bảo hai đứa ra trường xong sẽ cưới ngay. Còn nhớ hôm sinh nhật Nguyệt, trước mặt cả nhà, bố cô tuyên bố khi nào Khanh và Nguyệt cưới nhau, ông sẽ mua cho hẳn một căn nhà giữa trung tâm thành phố. Ai dè sau đó Khanh buồn buồn bảo: “Anh biết bố em rất ủng hộ chúng mình. Nhưng anh không muốn người khác nghĩ anh là kẻ cơ hội, bám lấy em để lợi dụng”. Nguyệt mắng anh là cả nghĩ, hay lo vớ vẩn, nhưng thực trong thâm tâm cô hiểu và tôn trọng lòng tự trọng của Khanh. Anh luôn muốn vươn lên bằng chính khả năng của mình, luôn muốn xây đắp cuộc sống bằng đôi tay của chính mình. Có phải cô yêu anh tha thiết cũng vì điều đó không?...
NGUYỄN THỊ VIỆT NGA

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Popular Posts

Blogger news

About




Powered by  MyPagerank.Net

Academics Blogs
Bookmark and Share

Blog Archive