Your Adsense Link 728 X 15

P04: Đi theo nguyện vọng bằng chính đôi chân mình

Posted by Eddy Lê Giang 11/6/10 0 nhận xét
Đi theo nguyện vọng bằng chính đôi chân mình  

Sự xuất hiện của cô gái Hà Nội Ninh Thị Tuyết, một bác sĩ trẻ, trên một nông trường ở vùng rừng núi nam Tây nguyên dễ khiến nhiều người chú ý và thắc mắc: Tại sao cô lại chịu từ bỏ thủ đô để đến một miền xa hoang vắng?
Thật ra năm 1987, sau khi tốt nghiệp Đại học Y ở Hà Nội, Tuyết đã vào với anh chị ở Sài Gòn và cũng có người mách cho cô nước đi ngắn gọn, miễn là gia đình chịu tốn kém một chút. Tuyết không chọn giải pháp đó. Cô muốn bước vào đời một cách hợp pháp.
Sâu xa hơn, từ nhỏ đến lớn Tuyết chỉ sống trong những môi trường chật hẹp. Cô muốn thử một lần đi xa để xem người ta sống như thế nào và cô cho rằng trong cuộc hành trình đó cô sẽ được rèn luyện nhiều mặt hơn. Thế là giữa năm 1988 cô đặt chân đến Tây nguyên.
Rừng núi Tây nguyên không là một nửa cảnh Sài Gòn, lại không thể là một nửa cảnh Hà Nội. Những ngày đầu tiên Tuyết cứ ngỡ ở đây khó tìm thấy mặt trời bởi những cơn mưa rừng cứ kéo dài bất tận. Và nỗi buồn nhớ nhà, nhớ bạn bè cũng dai dẳng không kém gì những cơn mưa. May mà có công việc. Miền rừng núi này rất cần bác sĩ nên Tuyết có khối việc để làm.
Theo dõi chặt chẽ việc uống thuốc chống sốt rét mỗi tháng một lần (bệnh sốt rét vốn dĩ là chuyện thường ngày ở đây)... Tìm cách cắt cơn sốt rét ác tính ở một người nào đó... Khám, điều trị những bệnh thông thường... Cấp cứu những bệnh tật, tai nạn đột xuất bất kể giờ giấc... Ngoài việc chăm lo sức khỏe cho cán bộ công nhân viên nông trường, Tuyết còn chữa bệnh cho cả bà con quanh khu vực.
Chị Nguyễn Thị Khương ở xã Quảng Tân cho biết: “Chị Tuyết lên đây đỡ cho bà con trong vùng biết bao. Hồi trước, ai có bệnh gì phải đi ba, bốn cây số ra xã... xin giấy giới thiệu, rồi lại ra khám bệnh ở ngã ba Kiến Đức, rất vất vả. Có khi thuốc lại không có đủ. Còn bây giờ tất cả giải quyết ngay tại chỗ”... Bệnh sốt không “chọc thủng được tuyến phòng bệnh ở Nông trường 6”.
Sự tin cậy của bà con xung quanh, những giò lan rừng của bệnh nhân gửi tặng... đó là những điều được Tuyết nhắc đến bằng một cái tên chung: hạnh phúc nghề nghiệp. Cuộc đời, dù trong hoàn cảnh nào, có bóng dáng hạnh phúc người ta dễ sống biết bao. Tuyết cũng thế, cô bắt đầu đi vào những thú vui bên lề của cuộc sống nơi nông trường: cùng bạn bè đi vào các thôn người dân tộc chơi, xách cần câu ra hồ câu cá, lên đồi ngắm cảnh thiên nhiên, xuống “nhà thủy tạ” khiêu vũ...
Một buổi sáng, khi đột nhập vào “thư phòng” của cô bác sĩ trẻ này, tôi bắt gặp trong mớ hành trang mà Tuyết mang từ thành phố lên có hai quyển sách chuyên môn hồi sức nội khoa, cấp cứu nhi khoa.
Thúy Liễu, cô bạn gái của Tuyết, cho biết thêm ngoài việc ôn luyện nghề nghiệp, Tuyết còn có chương trình tự học Pháp văn mỗi ngày. Đúng là cô bác sĩ này quyết tâm thực hiện nguyện vọng của mình: sống và làm việc ở Thành phố Hồ Chí Minh - nơi mà một bác sĩ trẻ muốn “làm ăn” được phải giỏi chuyên môn.
Thông thường, do yêu cầu của công tác quản lý hành chính xã hội, việc tự ý chuyển đổi hộ khẩu theo ý muốn riêng thường khó được dư luận ủng hộ. Nhưng riêng trong trường hợp và cách làm của cô bác sĩ trẻ này cần có một cách nhìn ngược lại.
LƯU ĐÌNH TRIỀU
================================================================
“Huyền thoại Đào Mai”

Cái tên Đào Mai bắt đầu “nổi” trước đám đông, trên mặt báo từ năm 1986, qua cuộc thi hùng biện ở Nhà văn hóa Thanh niên “Sức mạnh của chúng ta là ở chỗ nói thật”.
Bao năm trôi qua, cô gái này vẫn trung thành với cách tìm kiếm sức mạnh mà mình đã chọn. Mùa thu 1990, cái tên Đào Mai lại nổi lên qua cuộc thi “Điểm sáng quanh tôi”. Phần thi giới thiệu, Đào Mai tạo tranh luận sôi nổi. Một số bạn băn khoăn: vài hành động của Đào Mai khó tin là có thật... Bạn khác lại ví von: “Chuyện kể về Đào Mai, nghe như là huyền thoại!”...
Trong lai lịch của Đào Mai có một chi tiết gây thắc mắc: năm 1979, Mai học một lúc hai trường đại học: Tài chính - kế toán và Bách khoa. Thời ấy, làm gì có chuyện thi nhiều trường một lúc mà Mai đậu và được học ở hai nơi. Chẳng qua bạn thêu dệt để thổi phồng hình ảnh Đào Mai.
Thế mà lại là chuyện có thật 100%. Hồi ấy, mùa hè 1978 có hai cô bạn thân, cùng tên Mai, vừa giã từ quê nhà lên Sài Gòn thi đại học. Rồi cả hai cùng tình nguyện phục vụ chiến trường biên giới Tây Nam. Một trong hai người đã không còn trở lại. Thương, nhớ bạn, khi về lại thành phố Đào Mai đã nảy ra ý tưởng kỳ quặc: đi học thay cho bạn.
Mỗi ngày, Mai học liên tục hai nơi, sáng Đại học Bách khoa, chiều Đại học Tài chính - kế toán cho mình. Được đâu một năm, Đại học Bách khoa phát hiện “Mai giả” và đuổi khỏi trường... Rải rác trong phần đời đã qua của Đào Mai, còn có những dẫn chứng khác về việc Mai sống có tình với bạn bè.
Bích Vân, phường 12, quận 3, nhớ hoài có đêm hơn 10 giờ khuya, Mai đến, nằng nặc kéo qua nhà một bạn trong tổ công tác xã hội của Mai (tổ 2, đội Công tác xã hội Thành đoàn) ở cầu chữ Y. Nhà bạn ấy vừa có người thân bị mất, sáng mai chôn sớm, Mai lại nghe tin muộn nên giờ phải cố đi cho bằng được để kịp chia buồn. Đêm đó, mãi tới hai giờ sáng Mai mới chịu về. Tình cảm của Mai dành cho bạn bè trong tổ công tác xã hội đều ghi nhận.
Trong chuyến đi công tác ở huyện Duyên Hải (Cần Giờ), khi nhìn thấy một gia đình sống trong chòi rách nát, suốt một ngày nhịn đói vì không còn lấy hạt gạo để nấu cháo, trên gương mặt Mai chỉ biểu lộ sự thương cảm bình thường như bao đội viên khác. Nhưng rồi sau đó, Mai lặng lẽ ra phía sau chòi, buông thả sự kìm nén, mặc cho những giọt nước mắt lăn dài. Đến lúc bạn bè tìm ra, Mai ôm chầm lấy bạn nghẹn ngào: “Dân mình sao nghèo khổ đến thế!”.
Vì cuộc đời còn nhiều đồng loại bất hạnh mà buổi sáng Mai đứng trên giảng đường uy nghiêm thì buổi chiều Mai lại cầm cả ngàn tờ vé số lang thang đi bán, gây quỹ tình thương. Cùng với các bạn trong tổ công tác xã hội, Đào Mai thường xuyên đến với các em bé bụi đời, thất học ở bến xe miền Đông, các bạn mù ở Trường Nguyễn Đình Chiểu...
Phải chăng tiếng reo hò hớn hở của trẻ mồ côi ở Mầm Non I khi được chụp hình, những giọt nước mắt trào dâng của các bé Mầm Non 6 khi được các anh chị đến thăm tặng quà... đã củng cố thêm nhiệt tình cho Đào Mai. Mai cứ đi, đi hoài, nghe có công tác xã hội là đi.
Một tính cách nổi bật của Đào Mai là thấy cái gì bất công, sai trái thì bạn ấy kiên quyết đấu tranh đến cùng”. Lời nhận xét vang lên ở cuộc thi Điểm sáng quanh tôi không chút gượng ép. Là cán bộ giảng dạy của Trường Đại học Tài chính - kế toán, Mai đã nhiều lần tham gia đóng góp tích cực, mong làm sáng tỏ những nghi vấn về chế độ tài chính, việc chấm thi tốt nghiệp, việc lộ đề thi... Đó là chuyện trong phạm vi công tác.
Còn có nhiều việc gây bất ngờ cho bạn bè hơn. Nghe tin ở đường Nguyễn Du có một ổ mại dâm hạng sang, hoạt động trá hình dưới dạng quán giải khát, Đào Mai rủ một bạn gái cùng đi thám thính. Mấy đêm liền, trong lúc cô bạn gái của Mai đánh lô tô trong bụng vì sợ bọn ma cô phát hiện, đánh dằn mặt, thì Mai rất thản nhiên, vào quán uống nước hay ngồi bên lề đường giả vờ chữa xe đạp. Chắc chắn đúng ổ rồi, Mai báo cho công an...
Một đêm phát hiện có trộm trèo tường vào khu tập thể, sợ hô lên trộm chạy mất, Mai lặng lẽ bám theo. Lúc bám tay leo lên tường, bị trộm phát giác lấy cây dần đến tím tay, Mai cắn răng chịu, quyết tâm không bỏ cuộc...
Bạn bè còn nhắc đến hai chuyến đi công tác đáng nhớ về Đào Mai. Một, Dakmil. Đến nơi, Mai tách khỏi đoàn, vào lán trại sống với anh em. Sau đó về thành phố, Mai lên Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đặt vấn đề nghe nói ngân sách rót xuống cho học viên lao động cải tạo mà tại sao không đến tay anh em?...
Hai - cũng một chuyến đi cứu đói ở Duyên Hải. Đội đem xuống được một tấn gạo, song danh sách các hộ do xã xác nhận cần cứu trợ quá nhiều. Mai đề nghị đến từng nhà, xem nhà nào khó khăn thật sự. Một số anh em cho rằng làm như thế quá đáng, dễ gây mích lòng địa phương. Mai cương quyết: làm công tác xã hội thì phải tới nơi, tới chốn, không thể máy móc. Thế rồi Mai thuyết phục được vài bạn cùng cô lội mấy cây số đường ruộng, dưới trời nắng chang chang đi “kiểm tra”. Cuối cùng, nhóm đã gạch bỏ một số nhà không thật sự thiếu đói...
Những việc làm đại loại như thế của Đào Mai có rất nhiều mà theo các bạn trong tổ 2 Đội Công tác xã hội không bút mực nào tả hết. Chỉ có tiếp xúc và công tác cùng thì mới hiểu rõ. Trong số những việc ấy, xét cho cùng có nhiều việc không phải trách nhiệm của một cán bộ giảng dạy, lại càng không thích hợp với một cô gái. Song Đào Mai đã làm, kiên định và lặng lẽ. Vì như lời Mai tâm sự với một cô bạn thân: “Mình muốn góp phần cụ thể làm sạch đẹp xã hội!”.
LƯU ĐÌNH TRIỀU

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Popular Posts

Blogger news

About




Powered by  MyPagerank.Net

Academics Blogs
Bookmark and Share

Blog Archive