Your Adsense Link 728 X 15

P04: Tháng đầu tiên…Tịt

Posted by Eddy Lê Giang 8/6/10 1 nhận xét
 Tháng đầu tiên…
Đã đến lúc phải đóng tiền ăn cho mẹ chồng rồi. Chẳng biết phải đóng bao nhiêu. Hỏi các chị trong công ty, mỗi bà một ý. Kinh tế mỗi nhà một khác nên cái khoản tế nhị ấy mỗi người một ý riêng thôi.
Bọn con gái chưa chồng đương nhiên cũng như mình dạo nọ. Đi làm có bao nhiêu thì đắp vào thân, biếu bố mẹ đẻ được bao nhiêu thì biếu, có hỏi thì chúng nó biết trả lời mình ra sao.
- Tao bảo này, vợ chồng mày nghèo, chỉ ăn có một bữa ở nhà, lại đi làm cả ngày, tối về có tí thì đi ngủ. Tính ra có mấy tiếng ở nhà. Chắc mỗi đứa năm trăm!
- Mà có khi chúng nó còn chẳng buồn bật đèn ấy chứ, giảm trừ được khoản tiền điện, ba trăm thôi, em ạ!
- Ừ, đứa nào da đen là đều ngại bật đèn cả!
- Ha... ha... ha...
Mấy bà chị tệ bạc luôn biến mọi câu chuyện về một vấn đề mà… tất cả chúng ta đều hiểu. Tự dưng cả hội đồng cố vấn cười ha hả vì vấn đề không thắp đèn.
- Thế thắp đèn ngủ thì nộp bao nhiêu các bà ơi? Các bà bậy bạ quá, để cho mấy đứa kia chúng nó còn lấy chồng chứ.
- Ôi trời, bọn này bây giờ khôn lắm, không tồ như chúng tao ngày xưa đâu.
- Ha... ha... ha...
Sau hai ngày tham khảo ý kiến bạn bè, cô dì chú bác...
- Anh đưa tiền cho mẹ nhé!
- Thôi, em đưa đi.
- Anh buôn cươi nhỉ, anh la  con trai mẹ cơ mà. Em ngại lắm. Sao việc gì động đến tiền anh đều đùn cho em thế?
- Em đưa đi (chàng kéo dài giọng ra điều khó chịu.
Chàng vẫn luôn là thế, cái gì ngại là trốn tiệt).
Nói rồi chàng biến mất, chối bỏ trách nhiệm gửi tiền ăn. Chàng vẫn tệ như thế. Từ ngày lấy chàng, chưa thấy chàng che chở gì cho mình cả. Chàng cứ để mặc mình trước mọi cơn gió mới. Những cơn gió mà dù mạnh hay nhẹ cũng khiến mình loạng choạng, lơ quơ không biết bấu víu vào đâu, vì cái mái che là chàng chạy mất tiêu rồi.
Thôi chết, thế nhỡ sau này có bão thì sao? Không lẽ mình vẫn chỉ có một mình thôi sao?
Thụt thò mãi ở cửa bếp, chỉ khi mẹ ngước mắt nhìn lên mình mới dám bước vào. Lạ thật, dạo con gọi mẹ bằng bác ấy sao tự nhiên thế. Đến nhà là Lý Thông cười nói tưng bừng, chuyện trò bả lả nghe chừng vui tươi. Rồi còn vào bếp nấu hộ con bạn cái gì cũng ra dáng nữa chứ. Vậy mà về làm dâu được một thời gian rồi, đứng ở cửa bếp cũng sợ, nhìn thấy mẹ chồng cũng sợ. Căng thẳng vô cùng.
- Mẹ!
- Ờ, cô đi lên nhà đi, xuống đây làm gì?
- Mẹ ơi, tháng này vợ chồng con mới cưới, chưa có nhiều. Anh Hậu còn lo tiền làm ăn nữa, nên... (ngập ngừng không nổi, mình cười trừ). Con biết bố mẹ vất vả vì chúng con, nên đáng lẽ chúng con phải đóng góp nhiều hơn... Mẹ ngửng mặt lên nhìn mình chằm chằm làm mình bối rối. Mẹ lắng nghe xem con bé rườm rà này nói những gì. Mình căng thẳng! Có lẽ những lần tập thuyết trình cho buổi hội thảo hoặc đứng lớp giảng cho các khóa đào tạo nhân viên mới ở công ty cũng không đến nỗi như thế này. Chẳng lẽ "tắt đài" ngay lúc này à? Lại tiếp tục lí nhí bài nói dở dang thôi:
- Nhưng thôi, chắc bây giờ còn thiếu bao nhiêu thì bố mẹ cho bọn con. Rồi sau này...
- Thôi được rồi, nộp tiền ăn chứ gì?
- Dạ... ơ... vâng.
Bài diễn văn còn chưa nói hết. Bao nhiêu sự chuẩn bị còn chưa thể hiện, ấy vậy mẹ đã hiểu ý mà cắt ngang sự run rẩy của mình. Sự cắt ngang ấy làm mình im tịt đến ngơ ngác. Chẳng biết phải nói tiếp cái gì cho mẹ nghe.
Thôi chết, quên sạch những gì mình còn chưa nói, mình ngại ngùng đưa mẹ cuộn tiền gập làm bốn đang giấu trong tay. Mẹ ơi, may mà mẹ hiểu ý!
Lần đưa tiền tháng sau…
Mình đã thành ma cũ. Đỡ lo lắng và trơ hơn nhiều. Nộp cho mẹ gấp rưỡi lần trước, có lẽ vì thế mà tự tin lên không? Chẳng có bài diễn văn nào cả, ngắn gọn mà sao tình cảm ơi là tình cảm:
- Mẹ, mẹ...
- Gì thế?
- Tiền về... tiền về... mẹ ơi!
- Ừ, ừ, tiền về... tiền về. May quá, dạo này tao thua hết cả tiền. Thế này là được rồi!
Mình hả hê sau khi chuyển khoản cho mẹ đúng lúc.
Mẹ vẫn vui như mọi khi. Cuộc sống mà, rồi sẽ thích ứng hết thôi.

Tịt
Mẹ chạy huỳnh huỵch lên gác 3 đầy giận dữ: - Cái vỏ bao bì băng vệ sinh trong thùng rác là của mày à?
- Ơ... dạ... vâ...n...g! Nhưng nó chỉ là cái vỏ túi thôi ạ? (mình lo sợ và ngơ ngác trả lời mẹ)
- Tao không nói chuyện ấy, tức là mày vẫn chưa có gì hả?
- Ơ...
- Tao lại cứ tưởng mày... Ôi giời ơi!
Đoạn thở dài ngao ngán, mẹ không giấu nổi nỗi thất vọng và giận dữ trong ánh mắt nhìn mình. Còn cô dâu bé nhỏ vừa sợ lại vừa lo!
Mẹ cũng như bao bà mẹ thương con khác, mong có cháu cho vui cửa vui nhà. Các bà cùng hội “hai số cuối” của mẹ bà nào cũng có cháu hết rồi. Chỉ có mẹ là vất vả nuôi các con ăn học, rồi đến năm 32 tuổi anh con trưởng mới đủng đỉnh đi lấy vợ. Mẹ không mong sao được.
Tối nào cũng vậy, vào lúc tiếng nhạc “xổ số ca” trên tivi rộn rã là các bà bế các cháu tụ tập. Có cô bé Chích Bông mới 2 tuổi đầu đã biết hét lên: “Kết... kết...” và chập chững đi tìm sổ  cho ba chép kêt qua. Con những đứa khác nhảy tưng tưng theo nhạc. Mẹ ngồi đó chỉ có một mình, nách không mang theo cháu nào cả. Chắc mẹ cũng buồn.
Dự định tích cóp đã rồi mới sinh em bé đã bị dập tắt thẳng thừng khi có một hôm mình đi làm về sớm la cà buôn chuyện ở bờ giếng làng. Mọi người cứ hỏi chuyện rồi có người nhìn mình với ánh mắt thương cảm, có người còn vỗ vai an ủi. Chả hiểu ra làm sao cả. Cuối cùng sau 1 tiếng đồng hồ đấu tranh khai thác, mình cũng hiểu nguyên nhân.
- Này, em nói nhỏ.
- Hả... hả... cái gì mà bí mật thế?
Mình hí hửng lắm, cô em họ chồng tỏ ra thân thiện bá vai bá cổ mình chuẩn bị lộ bí mật gì đây. Chuyện bí mật, nói thật phụ nữ nào cũng muốn nghe. Một trăm phụ nữ thì có đến một trăm lẻ một người thích thầm thì. Nhưng mấy ai giữ được bí mật.
- Mấy hôm trước ấy, mẹ chị ngồi đây nói chuyện này...
- Ừ... ừ...
- Mẹ chị kể với các bà ở đây về chị nhiều lắm. Buồn cười, bà còn bảo là chị bị tịt đấy... Ha... Ha...
- Ơ hay, sao lại thế?
Mình không thốt ra câu ấy, nhưng trong lòng bỗng chột dạ thốt lên câu ấy. Cái mặt hứng khởi đón chờ câu chuyện bị tưng hửng trong nháy mắt. Trong tiếng cười ha... ha ấy, mình biết cô em họ chỉ buồn cười các cụ già thôi.
Nhưng...
Tự dưng... mình... thấy bị tổn thương.
Mẹ vẫn vậy. Ừ, ai chẳng vậy. Nhưng sao mẹ nỡ nói mình thế chứ. Bản thân mình còn không biết mình có tịt hay không mà.
- Ha... ha... ha...
- Sao anh lại cười? Anh càng cười, em càng buồn lắm.
- Trời ạ, em cứ như cây xấu hổ ấy. Đúng là...
Nói rồi chàng gí ngón trỏ đáng ghét vào trán mình. Gạt tay chàng ra, mình chẳng buồn kể chuyện cho chàng nữa. Kể chuyện cho chàng nghe mà chàng làm như mình kể chuyện cười ấy. Chàng không bênh mình gì cả.
- Anh biết tình hình chúng mình rồi đấy. Không lẽ mẹ nói vậy mà anh lại chế giễu em à?
- Úi giời, Hiền tịt. Ha... ha... Hiền tịt!
- Im đi, đồ tồi. Có anh tịt thì có. Trông cứ như con cò hương thế kia, tịt là cái chắc.
- Này, quên đi nhé, đây là nhà vô địch!
Nói rồi chàng gồng đôi bắp tay như cẳng cò lên mà gồng. Cái mặt cười toe toét để lộ hàm răng khấp kha khấp khểnh. Càng nhìn càng bực.
- Này anh, gồng vừa thôi kẻo đứt gân, lăn đùng ra đấy thì chết toi. Mai cả làng Đông này lại kháo nhau là Hậu vừa tịt vừa bị đứt gân bắp tay. Thật tội.
Chàng không ra vẻ nhà vô địch nữa, lẳng lặng lao ra giá sách cầm lấy vỉ thuốc của mình ném vào sọt rác.
- Thôi, anh quyết định rồi, chúng mình sẽ sinh em bé.
- Anh có nuôi nổi em không? Lương em thấp lắm đấy.
- Nuôi được.
- Anh có dỗ được con mỗi khi nó khóc đêm không?
- Ngon lành!
- Anh có biết sinh em bé phải chuẩn bị cẩn thận lắm không?
- Kệ, đến đâu tính đến đó.
- Anh có sợ em đẻ con gái không? Mà không khéo em đẻ con gái, mẹ lại lấy lá chuối lót tay đuổi em đi cũng nên.
- Con nào cũng được.
- Điêu.
- Hề... hề...
Thế là chàng vứt hẳn vỉ thuốc của mình đi rồi. Phí thật, mới uống có 10 ngày. Chàng bậy bạ thật!

NGUYỄN THỊ THU HIỀN

1 nhận xét:

Linh Linh nói...

Cuồn sách này hay quá, đây là 1 trong 3 cuốn sách mà e cho là hay nhất mà e đã từng xem.

Đăng nhận xét

Popular Posts

Blogger news

About




Powered by  MyPagerank.Net

Academics Blogs
Bookmark and Share

Blog Archive