P03: Ngã ba - Nước mắt làng Giữa
11/6/10
0
nhận xét
Nguyệt cứ ngồi vẽ ra biết bao tình huống mà hội đồng phản biện có thể đưa ra để tự trả lời. Thấy Nguyệt lo lắng quá, mẹ cô cũng không ngủ được dù cố gắng nhắm mắt.
Thấy mẹ chốc chốc lại mở choàng mắt nhìn về phía mình, Nguyệt áy náy: “Con để đèn sáng quá, mẹ không ngủ được à?”. “Không phải thế, mẹ thấy con lo lắng nên…”. Nguyệt gấp sách sà đến bên giường: “Đâu có, con chỉ muốn chuẩn bị cho kỹ hơn thôi. Các thầy ở tổ lý luận văn học của con khó tính lắm. Ở tổ khác bao giờ điểm luận văn cũng cao hơn tổ lý luận. Họ được mười thì tụi lý luận chỉ được có chín thôi. Thầy hướng dẫn con với thầy phản biện chính lại luôn bất đồng quan điểm mới khó lựa”.
Rồi cô tặc lưỡi “Mà thôi, mặc kệ, không nghĩ đến luận văn nữa. Mai tám giờ nhưng con vẫn phải đến sớm, không biết tụi trong ký túc đã lo cắt chữ, rồi mua hoa chu đáo chưa. Các thầy tổ lý luận khó tính lắm mẹ ạ”. “Thế thì con đi ngủ đi. Mười một giờ rồi còn sớm sủa nỗi gì nữa”. Nguyệt buông màn, nhẹ nhàng nằm xuống bên mẹ. Mẹ cô rất muốn vuốt tóc con gái như ngày xưa, nhưng bà không thể điều khiển nổi đôi tay đã bắt đầu co quắp của mình. Bà chỉ biết xót xa thở dài nhè nhẹ.
Có nằm liệt một chỗ thế này mới thấy mình bé nhỏ và yếu đuối biết bao. Có những lúc bà thấy cạn hết nghị lực sống, thấy thời gian còn lại của cuộc đời mới thừa thãi, vô vị và tẻ nhạt biết bao. Bà gắng gượng chỉ vì Nguyệt. Con bé yêu mẹ bằng thứ tình yêu xả thân, sẵn sàng hi sinh mọi thứ thuộc về mình để bù đắp cho mẹ. Bà còn biết Nguyệt không chỉ đối với mẹ như thế, mà với bất cứ người thân nào cô cũng sống hết mình. Nhưng trong sâu thẳm linh cảm của người mẹ, bà run sợ trong ý nghĩ rồi đời con mình sẽ khổ. Những người chỉ biết quên mình như Nguyệt có khi lại phải khoác trăm nghìn day dứt thiệt thòi.
Nguyệt nhắm mắt mà không ngủ được. Tự nhiên cô cứ có cảm giác âu lo. Không hẳn là lo chuyện sáng mai bảo vệ luận văn thế nào. Chưa bao giờ cô rơi vào tâm trạng bồn chồn thế này. Nguyệt muốn trò chuyện cùng mẹ cho nhẹ lòng nhưng cô sợ làm mất giấc ngủ của mẹ, đành thôi. Cô lại nghĩ đến Khanh, đến làng Giữa bé nhỏ và lam lũ của anh. Gương mặt từng người trong gia đình Khanh lần lượt hiện lên trong óc Nguyệt. Cô nhớ nhất là thằng Chiến. Nhớ từ nước da đen cháy của nó đến vóc dáng còi còi, hàm răng sâu đến một phần ba. Cô nhớ đến cả giọng điệu láu táu và vui nhộn của thằng bé. Bên thằng Chiến, chẳng ai cảm thấy buồn…
Đang miên man suy nghĩ, Nguyệt chợt giật mình bởi tiếng chuông điện thoại réo vang. Nguyệt cầm máy, còn nghe mẹ lẩm bẩm: “Ai gọi thế không biết”. Cô ngạc nhiên khi thấy đầu máy bên kia là Khanh: “Nguyệt hả? Anh đây!”. Cô bật lên: “Sao anh gọi khuya thế?”. Khanh hối hả: “Chiều nay anh phải đi có chút việc bận. Vừa về thì tụi trong phòng bảo anh có điện thoại từ lúc 4 giờ chiều ở quê gọi ra. Tụi nó bảo mọi người nhắn anh phải về ngay, bằng mọi giá”. Nguyệt bàng hoàng: “Có chuyện gì nhỉ?”. “Anh về đây – giọng Khanh trở nên run run – anh chỉ sợ có chuyện gì chẳng lành. Mai em bảo vệ tốt nhé!”. Nguyệt vội vã: “Khoan đã, anh về bằng gì? Khuya rồi. Hay là…”. “Không, anh thấy lo lắng lắm. Anh đi xe máy với thằng Trung. Nó đang đến rồi. Thôi nhé!”.
Trong máy chỉ còn những tiếng “tút… tút…” dài. Nguyệt sững sờ… Mẹ cô cũng hốt hoảng: “Thằng Khanh gọi à? Có chuyện gì đấy con?”. “Con không biết, anh ấy nhận được điện báo phải về quê ngay. Anh ấy đi luôn bây giờ…”. Nghe giọng Nguyệt lạc hẳn đi, mẹ cô vội an ủi: “Chắc có vấn đề gì quan trọng, nhưng không lo con ạ. Có khi là chuyện vui cũng nên”. “Con không nghĩ thế… Hay là… có ai bị làm sao?”. “Bậy nào, con đừng nghĩ linh tinh. Thôi, đi ngủ đi. Đằng nào cũng không thể biết ngay được. Chờ nó lên đã”. Nguyệt thấy chân cứ rủn ra, khuỵu xuống. Cô ngồi ngay xuống đất, vẫn chưa hết bàng hoàng.
Khanh và Trung về làng Giữa ngay bây giờ. Đi xe máy có nhanh chắc cũng gần hai tiếng đồng hồ. Mà đò nào người ta còn thức để chở cả hai qua sông? Càng nghĩ, Nguyệt càng thấy rối bời. Nhận ra mẹ đang lo lắng nhìn mình, cô lại gắng leo lên giường nằm cạnh mẹ, ruột gan như có lửa đốt bên trong.
Lần thứ hai trong đời Nguyệt biết thế nào là thức trắng đêm vì âu lo và hốt hoảng. Lần thứ nhất là khi mẹ cô bắt đầu phải nằm liệt giường sau trận ốm dài, không đi lại được. Tưởng mình không qua khỏi, bà gọi chồng con đến dặn dò mọi chuyện. Nguyệt khóc như mưa như gió. Đến khi không còn nước mắt, cô chỉ nấc lên tức tưởi. Suốt cả đêm nằm bên mẹ Nguyệt không tài nào chợp mắt. Cô chỉ khư khư nắm lấy bàn tay mẹ như thể sợ mình buông ra, mẹ sẽ đột ngột biến đi… Lần này đầu óc cô quay cuồng, mụ mị trong biết bao tình huống giả thiết.
Đến khi đồng hồ báo thức réo chuông, Nguyệt bật dậy thật nhanh. Cô tưởng lầm đó là chuông điện thoại. Khi định thần lại, Nguyệt thở dài thất vọng. Đầu óc cô cứ ong ong, trống rỗng, chân bước đi thậm thõm như trên mây. Có một đêm không ngủ mà người cứ như người đi mượn của ai, hốc mắt trũng sâu. Mẹ không biết Nguyệt thức trắng đêm qua. Cô vào buồng tắm, rửa mặt rất lâu, trang điểm kỹ lưỡng mà vẫn lộ ra vẻ mặt bơ phờ và quầng mắt mỏi mệt hốc hác.
Gửi xe xong, Nguyệt hối hả lên giảng đường. Đúng tám giờ, các thầy trong tổ lý luận văn học đến. mấy đứa lăng xăng hét nhau pha nước. Vừa cầm cái phích ra đến cửa lớp, Nguyệt đã khựng ngay lại. Trung lao từ cầu thang lên, mặt bơ phờ. Nguyệt cuống quít hỏi dồn: “Anh Khanh đâu hả anh Trung? Sao lên sớm thế? Có việc gì không?”. Trung tựa lưng vào tường thở hổn hển một lúc. Nguyệt giậm chân sốt ruột: “Sao hả anh?”. Giọng Trung đầy âu lo: “Em bảo vệ chưa?”. “Chưa. Bây giờ các thầy mới đến, chắc phải mười lăm phút nữa. Thế…”. Trung xua tay: “Em đừng hỏi bất cứ câu gì, để anh thở đã. Em bảo vệ thứ mấy?”. “Thứ năm”. Trung trợn mắt: “Xin đổi lên thứ nhất đi, xong rồi anh em mình còn phải đi”.
Nguyệt lờ mờ đoán ra chuyện gì đó bất ổn. Cô thoáng tái mặt đi: “Vâng, nhưng anh phải…”. “Không nhưng gì cả. Nghe anh đi. Nửa tiếng nữa anh quay lại”. Trung lại lao xuống cầu thang như chạy trốn. Nguyệt suýt khóc. Cô cứ thấy bủn rủn cả chân tay trong một linh cảm chẳng lành. Khanh đâu? Sao Trung đến đây có một mình? Rồi còn đòi chở cô đi đâu nữa… Thấy Nguyệt cứ đứng trân trân ở cửa lớp, Lan Anh chạy ra: “Sao không xuống lấy nước đi. Phải pha ấm trà”. Nguyệt dúi cho Lan Anh cái phích, chẳng nói thêm câu gì. Lan Anh le te xách đi. Dãy hành lang nhộn nhịp. Hôm nay có tới ba tổ cùng bảo vệ. Bao nhiêu anh chàng tay ôm hoa, mặt ngơ ngác, ngó nghiêng. Chắc đến để cổ vũ và chúc mừng bạn gái.
Nguyệt đánh bạo đến chỗ thầy tổ trưởng: “Em xin lỗi thầy, thầy có thể cho em bảo vệ đầu tiên được không ạ?”. Thầy Hùng lấy ngón tay trỏ nâng cặp kính lên nhìn Nguyệt rồi lại nhìn vào tờ danh sách trước mặt: “Nguyệt hả? Sao phải xin bảo vệ đầu?”. Nguyệt nói như sắp khóc: “Thưa thầy… gia đình em… hôm nay có việc, bảo vệ xong em phải về ngay”. Thầy Hùng nhìn lại vẻ mặt đang nhợt đi của Nguyệt: Chuyện buồn hay sao mà lo lắng thế? Thôi được. Nhưng phải tuyệt đối bình tĩnh đấy. Tôi cho bắt đầu ngay bây giờ”. Đến lúc này Nguyệt mới thật sự cảm thấy cuống. Bao nhiêu chữ nghĩa bay biến đâu sạch. Cô lập cập mở cặp lấy bản tóm tắt.
Trình bày và trả lời câu hỏi xong, Nguyệt hấp tấp đi như chạy từ bục xuống dưới, cô chỉ kịp dặn lại Lan Anh: “Lúc nào xong, nhớ ghi điểm cho tao. Tao xin phép thầy Hùng rồi”. Trung chờ ngay cửa. Nguyệt vừa ra, anh đã cầm tay cô lôi tuột xuống cầu thang. Trung dừng lại ở chân cầu thang tầng 1, nhìn thẳng vào mắt Nguyệt: “Bình tĩnh nhé!”. Nguyệt đã thấy choáng thật sự: “Anh nói đi!”. “Thằng Chiến nhà Khanh đã…”. Nguyệt giật nảy người, lạc giọng “Thằng Chiến sao cơ?”. Giọng Trung cũng nghẹn lại: “Đò đắm… Tám đứa tất cả, toàn tụi học sinh…”.
Chưa bao giờ Nguyệt chứng kiến một đám tang lớn và thảm khốc đến thế. Cả làng Giữa trắng khăn tang và dậy tiếng khóc. Tám chiếc quan tài sơn đỏ chót được đưa ra đồng cùng một lúc. Tám bà mẹ rũ rượi ngất lên ngất xuống và các ông bố ngồi như đá tảng trước hiên nhà. Tục lệ ở đây bố mẹ không được đi đưa tang con cái. Mỗi quan tài có duy nhất một vòng hoa, những vòng hoa trắng đến lạnh người, đến xót lòng.
Nguyệt về làng Giữa trong tâm trạng hoảng loạn vô cùng. Suốt dọc đường về cô chỉ nghĩ đến thằng Chiến, đến chiếc xe bọ xít ngộ nghĩnh của nó cùng lời hẹn: “Bao giờ được nghỉ hè, chị về đây! Em sẽ cho chị xem chúng em đua xe. Vui cực kỳ". Khi xe dừng ở bên này sông, Nguyệt không đủ can đảm bước lên đò. Cô cứ run lên bần bật. Có vẻ Trung cũng hơi sờ sợ. Gửi xe máy xong, anh cố trấn an Nguyệt bằng giọng run run: “Cố lên em, Khanh nó đang rất cần em”.
Làng Giữa đông đúc hơn mọi ngày bởi có nhiều người bên kia sông đến thăm viếng những gia đình có con bị nạn. Đã hai ngày nay trẻ con làng Giữa nghỉ học. Và tất cả các bậc cha mẹ đều nói như dao chém đá, rằng họ quyết không cho con mình sang sông đi học nữa. Nhà Khanh cũng đông nghẹt những người. Nguyệt nhận ra đó là tấm ảnh của Chiến chụp hôm tết, tay đeo đồng hồ mượn của anh, đầu đội mũ lưỡi trai lệch, cười khoe cả hàm răng vừa sún vừa sâu. Lần trước cô về, thằng bé đã lôi tấm ảnh này ra khoe. Thế mà bây giờ nó thành ảnh thờ. Đến lúc đưa thằng Chiến ra đồng, Nguyệt không kìm được, cô bật khóc nức nở. Trung đi bên cạnh, dúi cho cô một chiếc khăn mùi xoa cũng đã ướt một góc. Tám đám tang đi cùng một lúc. Không kèn trống, chỉ có những tiếng khóc thất thanh rồi nghẹn lại, nấc lên tức tưởi.
Từ nhà ra nghĩa địa của làng, Nguyệt không nhìn thấy Khanh. Chỉ đến lúc nghe tiếng hô hạ huyệt, mới thấy Khanh òa lên ngay bên cạnh. Trung đỡ Khanh, mắt rơm rớm nước. Nguyệt không dám len vào vòng trong để chứng kiến giây phút vĩnh biệt tê tái ấy. Tiếng khóc của cái Nụ xát muối vào lòng mọi người: “Ơi em ơi là em ơi. Thế là em bỏ chị, bỏ anh, bỏ mẹ thật rồi…”. Không thể hiểu Nụ lấy đâu hơi sức mà khóc to đến thế. Từ lúc về, Nguyệt thấy Nụ khóc suốt, vừa khóc vừa kể lể, rồi lại gào lên đau đớn. Hạ huyệt xong mọi người tản về dần.
Nguyệt, Trung, Khanh và Nụ ngồi sát cạnh nấm đất vừa đắp, mùi cỏ tươi bị xới vẫn còn ngai ngái. Nụ thôi gào lên mà chỉ sụt sùi nho nhỏ. Khói hương nghẹn lại quẩn quanh. Không thể tin được rằng Chiến đang nằm đây, dưới lớp đất dày và vĩnh viễn lặng câm, vĩnh viễn không bao giờ mọi người còn được nhìn thấy nó. Cho đến tận lúc này Nguyệt vẫn chưa hết bàng hoàng… Bốn người lặng im, không ai nói với ai câu nào. Chỉ đến khi nắng nhạt, mọi người vế hết, Trung mới đứng lên: “Thôi, muộn rồi, về đi…”. Nguyệt đưa mắt nhìn khắp nghĩa địa. Tám ngôi mộ trẻ con liền nhau. Tám vòng hoa trắng đến rưng rưng… Cả lũ lầm lũi đi. Tự nhiên Nguyệt thấy lạnh người. Đây là lần đầu tiên cô đi đưa tang. Vẫn biết đời người có sinh có tử, mà sao lúc đối mặt với sự chia lìa vĩnh viễn thế này, trong lòng vẫn thấy đau đớn và hốt hoảng đến thế. Lần đầu tiên Nguyệt thật sự thấm thía sự ghê sợ của cái chết.
Đêm, làng Giữa nghẹn trong khói hương và những tiếng khóc nỉ non. Nguyệt sợ, sợ từ tiếng động nhỏ nhất đến ngọn gió mang mùi hương trầm đâu đó. Nụ trải chiếu giữa sân. Nguyệt cố thu người ngồi giữa mà vẫn mang cảm giác ớn lạnh. Không hiểu sao cô không thể dứt khỏi những ám ảnh về thằng Chiến. Có lẽ nào nó vĩnh viễn không còn. Tối tăm thế này, nó nằm lại ngoài đồng, dưới đất sâu. Chỉ nghĩ đến thế thôi, Nguyệt đã muốn khóc òa. Mẹ Khanh không ăn tối, nằm khóc lặng lẽ trong màn từ chiều. Khanh ngồi bó gối, bất động. Một lát sau, Nụ cũng bỏ vào nhà.
Nguyệt rất muốn nói một câu gì đó để phá vỡ sự im lặng nặng nề này, nhưng lại không thể cất lời. Mãi sau, Trung là người lên tiếng đầu tiên: “Thế… hôm ấy, sóng to quá, hay sao?”. Khanh vẫn không nói gì. Nguyệt có cảm giác nét mặt anh càng đanh lại. Cái Nụ lại ra, sà vào chiếu sụt sùi. “Sóng cũng vẫn thế thôi, nhưng chẳng hiểu thế nào. Có tám đứa… thì cả tám đứa… Nghe người ta bảo… tại mấy đứa trẻ con tranh nhau cái gì đấy ở trên thuyền, rồi chúng nó xô đẩy nhau, thuyền mới lật”. Nguyệt rời rạc hỏi: “Tụi nó… không… biết bơi à?”. “Biết chị ạ. Chỉ có mấy đứa lớp hai bé quá, không biết bơi. Nhưng, đò lật bất ngờ, lại giữa sông… Bác Năm lái đò kể, thằng Chiến… Thằng Chiến…”. Nụ lại bật khóc: “Nó bơi được một đoạn rồi đấy chứ… nhưng lại quay ra để cứu tụi kia… Rồi tất cả…”.
Trung hỏi như hụt hơi: “Thế đứa bé nhất học lớp mấy?”. “Con chị Vinh, mới lớp một. Hồi đầu năm học, chị ấy cứ bảo chưa cho đi học, chờ nó khoảng bảy, tám tuổi lớn hơn hẳn đi, nhưng anh ấy cứ bắt con đi học đúng tuổi”. Không ai nói gì thêm. Trong những lúc thế này, mọi lời an ủi động viên đều trở nên thừa, mọi lời an ủi động viên đều trở nên thừa. Nguyệt tìm tay Khanh, nắm chặt như xẻ chia. Suốt từ chiều tới giờ, anh chẳng nói câu nào. Trung cứ cúi mặt, mân mê mãi mảnh gạch vụn vừa nhặt được. Nguyệt vẫn có cảm giác Chiến còn quanh đâu đây, nó sắp sửa chạy ào ra, nói đủ thứ chuyện không biết mệt.
Trước khi trở lại trường, Nguyệt, Khanh, Trung ra mộ thằng Chiến thắp hương. Trời đổ mưa như trút nước, đường làng trơn trợt, Nguyệt cố bấm ngón chân xuống mặt đường mà thỉnh thoảng vẫn bị trượt, suýt ngã. Không thể thắp hương vì mưa to quá, ba đứa đứng cúi đầu lặng lẽ một lát rồi quay về. Nguyệt nhìn vào mắt Khanh, thấy được nỗi đau, thấy được sự mỏi mệt, thấy được cả những chán nản ngập tràn. Nụ đi đón ba anh em ở ngang đường, giục: “Các anh chị về ăn cơm rồi đi kẻo muộn. Trời này không tạnh được đâu”. Khanh quay sang Trung bảo: “Mày cứ về trước đi”, rồi kéo Nguyệt ra phía bờ sông. Hai đứa lùng nhùng trong chiếc áo mưa, đi lầm lũi.
Khanh nhìn mặt sông mênh mang trong làn mưa trắng xóa, rồi nhìn sang Nguyệt: “Từ bé tí, anh đã bơi trên sông này… Nó thân thuộc với anh biết bao. Đi xa anh nhớ làng Giữa, nhớ dòng sông cồn cào. Thế mà bây giờ…”. Thấy Khanh im lặng, Nguyệt lại ngước mắt nhìn anh chờ đợi. “Thế mà bây giờ… Anh chỉ muốn đi, đi thật xa và không bao giờ ngoảnh lại…”. Nguyệt thấy sờ sợ khi nhìn vào mắt Khanh. Dường như đôi mắt ấy đang trút hết mọi đau đớn lên dòng sông. Cô kéo tay Khanh: “Về anh, không mọi người lại phải chờ”. Khanh vẫn đứng như đá tảng: “Anh quí thằng Chiến nhất nhà. Không phải vì nó là con út đâu. Còn nhỏ, nhưng nó biết điều nhất. “Vâng! Em hiểu. Mình về thôi”. Nguyệt giục thêm mấy bận nữa, Khanh mới rời chỗ. Từng bước chân anh như trĩu nặng hơn.
Nguyệt ngoảnh lại nhìn dòng sông. Mưa vẫn giăng trắng xóa. Phía bờ bên kia, con đò nhỏ đang chuẩn bị rời bến. Biết bao giờ làng Giữa mới có một cây cầu? Bắc cầu qua khúc sông rộng và chảy xiết này đâu phải đơn giản. Bao đời nay người dân ở đây ra khỏi làng, hòa nhập với cộng đồng chỉ bằng con đò nhỏ. Khanh đã từng kể với Nguyệt rằng làng anh năm nào cũng có người chết đuối, nhưng phải đến bây giờ Nguyệt mới thấy điều đó khủng khiếp đến thế nào.
NGUYỄN THỊ VIỆT NGA
0 nhận xét:
Đăng nhận xét