Your Adsense Link 728 X 15

Phần 05: “Văn Lang, cả làng nói khoác"

Posted by Kenny Phạm 23/6/10 0 nhận xét
Những "Làng cười" Việt
“Nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”. Những câu chuyện hài hước, tiếu lâm, dí dỏm luôn gắn liền với đời sống của người Việt từ xa xưa đến nay. Có những “làng cười” lừng danh với những bí quyết gây cười “gia truyền”.
“Văn Lang, cả làng nói khoác"
TTO - “Đến Văn Lang nghe người dân trong làng nói gì cũng chớ vội cả tin, không khéo người ta nói khoác để trêu mình đấy. Làng này từ người già đến trẻ con ai cũng có tài nói khoác”. Một anh bạn “thổ địa” nói như vậy khi dẫn chúng tôi về làng Văn Lang thuộc xã Văn Lương, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ, nơi đã truyền tụng từ xa xưa câu “Văn Lang cả làng nói khoác”. Đó là một làng quê cổ kính với những đồi khoai, nương sắn và những cánh rừng cọ thơ mộng, có lịch sử hình thành đã mấy ngàn năm, gắn liền với những truyền thuyết từ thời vua Hùng dựng nước.
Chúng tôi ghé vào quán nước đầu làng, gọi cốc trà nóng, chị chủ quán đon đã mời luôn: “Em mời các bác dùng khoai dẻo của quán em đi ạ. Không ở đâu khoai dẻo bằng làng em”. “Khoai của nhà chị dẻo thế nào mà quảng cáo ghê vậy?”. “Dẻo lắm ạ. Hôm rồi mẹ chồng em ở làng bên sang chơi; chúng em luộc nồi khoai mời mẹ ăn. Cụ ăn xong cứ ngơ ngẩn, miệng mím chặt. Em cứ tưởng bà cụ nghẹn, chạy đến vuốt ngực nhưng bà cứ lắc lắc đầu không nói được. Chồng em phải cạy miệng bà cụ ra thì cụ mới nuốt đánh ực được. Nhìn lại thấy cụ chẳng còn cái răng nào. Thì ra củ khoai dẻo quá, dính chặt miệng bà cụ, đến khi cạy miệng mấy cái răng dính theo khoai, trôi cả vào bụng…”.
Tôi đang định nếm thử củ khoai dẻo ấy thì một cô gái trẻ đi bộ rẽ vào quán khóc thút thít: “Đêm qua em bị bố chồng mắng oan. Tất cả cũng vì con chó Dạng nuôi trong nhà”. “Sao thế? Kể cho chị nghe xem nào”- chị chủ quán lo lắng. “Đêm qua, con chó Dạng gặm một khúc xương chui vào gầm giường nhai rau ráu. Chồng em không ngủ được, thét đuổi chó: Dạng ra... Dạng ra. Bố chồng em nằm ở buồng ngoài vùng dậy, quát lớn: “Úi giời, bọn mày cứ tú tí như chốn không người ấy, khe khẽ chứ…”. Cả quán nước cười lăn ra…
Ông Hán Mạnh Hiểu, đội phó “Đội văn nghệ và nói khoác” của làng, cho biết: “Cách nói chuyện tếu táo đã thấm vào máu thịt của dân trong làng, người nơi khác đến nghe người Văn Lang nói chuyện là cứ ngẩn ra”.
Cụ Hán Văn Sinh, một trong những bậc thầy của làng nói khoác Văn Lang bảo, do đây là vùng trung du xa xôi, cách trở nên từ xa xưa nụ cười, tinh thần lạc quan đã là “công cụ” hỗ trợ giúp con người chống chọi lại những khắc nghiệt của thiên nhiên, các loài thú dữ, giặc ngoại xâm. Những câu chuyện nói khoác còn có tác dụng khuyên nhủ, nhắc nhở nhau từ bỏ những thói tật xấu. Nghệ thuật nói khoác của Văn Lang là ở chỗ biết quan sát, dựng truyện, biến những cái tưởng như bình thường thành những truyện cười.
Người làng Văn Lang còn thành lập hẳn một “đội nói khoác” đi lưu diễn khắp trong và ngoài tỉnh; và hàng tháng, hàng quý làng thường tổ chức các hội diễn, hội thi nói khoác để dân làng thi thố tài nghệ với nhau, từ đó chọn ra những “trạng nguyên nói khoác”. Đặc biệt, vào dịp tháng giêng âm lịch hàng năm, làng mở hội thi để chọn “Đệ nhất nói khoác Văn Lang”.
Đang nói chuyện với chúng tôi, có bà hàng xóm sang nhà mượn con dao cắt rau muống, anh Hiểu bảo ngay: “Em chả tiếc gì với bác đâu, nhưng bác dùng thì phải cẩn thận: con dao nhà em cứ là sắc hơn nước đấy. Hôm qua nhà em dùng dao thái thịt lợn, quên không rửa gác trên giàn. Con chó mực vươn cổ lên liếm thế là đứt cả lưỡi, mẩu lưỡi vẫn còn nguyên đây”. “Thế con chó đâu rồi?”- bà hàng xóm hỏi. “Thì thịt đãi khách luôn chứ sao nữa”...
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, ở VN có 16 làng cười tiêu biểu như làng Văn Lang (Tam Nông, Phú Thọ), làng Phụng Pháp (huyện Yên Dũng, Bắc Giang),làng Tiên Lục (huyện Lạng Giang, Bắc Giang), làng Trúc Ô (huyện Quế Võ, Bắc Ninh), làng Vĩnh Hoàng (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị)… Mỗi làng cười có nghệ thuật gây cười riêng như nói khoác, nói tức, nói ngang, nói giễu, nói khoe…
VŨ BÌNH và các phóng viên báo TUỔI TRẺ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Popular Posts

Blogger news

About




Powered by  MyPagerank.Net

Academics Blogs
Bookmark and Share

Blog Archive