Your Adsense Link 728 X 15

P03: Để quên đi một người - Chiếc ô trong mưa

Posted by Eddy Lê Giang 11/6/10 0 nhận xét
Để quên đi một người 
Thầy tốt nghiệp trước trò ba khóa. Năm 3, trò gặp thầy trong buổi đón tân sinh viên. Thầy nhận lớp chủ nhiệm mới, nhìn trò lạ lẫm.
- Lâu lắm không gặp em.
- Dạ. Thầy...
Thầy ngửng lên sửng sốt nhìn trò, ngơ ngác và xa cách.
- Thầy hả?
- Dạ...
- Ừ...
Trò lỉnh xuống cuối hội trường, len lén nghe thầy phát biểu nhận lớp mới. Hai năm?  Ba? Hay lâu hơn nữa mới có thể quên được những điều người ta từng dựng lên như trò chơi xây lâu đài cát?
Trò đứng nghiêm trang trước thầy, giữa đống bàn ghế và dây nhợ nhằng nhịt.
- Muốn gặp em một chút...
- Có gì không thầy?
- Không. Nhưng...
- Để hôm khác thầy hen. Em phải dọn hội trường trả cho lớp học chính trị buổi chiều.
- Ừ. Hôm khác vậy.
Thầy dấn bước bắt kịp các giảng viên khác. Trò nuốt ực một khối không khí khô khan qua thanh quản. Thấy khó khăn, và mệt nhọc như vừa phải bước qua một điều tiếc nuối khủng khiếp lắm.
Thầy trợ giảng ở lớp trò buổi đầu. Trò còn đang ở Phan Thiết chưa về. Buổi thứ hai, trò cắm đầu vào cái máy cuối lớp viết bài về biển. Thầy đứng trước mặt, đằng hắng khẽ khàng.
- Thế giới bên ngoài nhiều hấp lực ghê, em nhỉ?
Trò nháy đại vào một cửa sổ web bên dưới, che trang word đã viết gần xong.
- Không nhiều lắm đâu thầy. Nhưng nếu chịu khó tìm thì cũng không ít.
Ánh mắt thầy đứng sững trên sống mũi hênh hếch của trò. Có khi người ta không ngờ được rằng, có những thứ lâu như vậy mà vẫn không thay đổi được. Cũng có những hình ảnh giấu kỹ, lật qua lật lại sau vô vàn những lần dọn dẹp mà vẫn không phai mờ được, cho dù bụi phủ nhiều, và ở những chỗ bị nằm yên đôi khi khiến lòng người thấy trống trải.
Trò ngồi đợi thầy đóng cửa văn phòng dưới Văn khoa. Quán cũ. Những người qua lại nhiều khi cũng cũ kỹ, nhưng có lẽ lâu không gặp khiến trò có cảm giác có cái gì đó sáng láng hơn. Trò duỗi những ngón tay dài, gõ nhịp nôn nóng trên mặt bàn. Vẫn không khí thâm thấp, mờ tối và đầy nhạc. Nhưng hình như những người bồi bàn đã mang những khuôn mặt nạ mới, chủ quán đứng sau quầy thu tiền và điều chỉnh nhạc cũng có những đường nét khang khác. Thầy vẫn chưa xuống. Trò bối rối hơn, khi những người đi lại lạ lẫm lượn lờ quanh mình. Cảm giác... Chỉ là cảm giác thôi mà!
Thầy kéo ghế rột roạt trước mặt làm trò giật mình.
- Đợi anh lâu không?
- Dạ, không lâu lắm thầy...
- Ở đây không cần gọi thầy đâu.
- Dạ.
- Em vẫn uống như cũ?
- Dạ. Không. Cho em trà nóng. Em bị đau họng.
- À... Một trà. Một đen đá.
Trò khúc khắc ho, cho lý do viêm họng có vẻ thật.
- Thầy khỏe không?
- Khỏe. Như em vẫn thấy. Và cũng đừng gọi thầy nữa. Nghe già quá! - Giọng thầy trách móc.
- Em xin lỗi...
- Xa lạ. Và hơi cằn cỗi.
- Em không có ý đó đâu thầy.
- Không có ý đó. Nhưng có lẽ sự thật là như vậy đó. Anh... Thầy không bao giờ xanh trẻ kịp với em nữa.
- Thầy à...
Cà phê tới. Những ngụm trà vàng lợt tắc nghẹn trong cuống họng. Có lẽ cơn đau họng bịa đặt làm trò đau. Đau ở đâu đó trong vòm họng, trong thanh quản. Dốc ngược ly trà, nỗi đau vốc thẳng từ đáy ly, chạy vụt vào tim. Im lặng, thênh thang giữa tiếng guitar lưng tưng nhảy từng nốt nhạc điệp khúc. Thầy nhìn xoay một bên vai của trò, đăm đắm về một góc xa mờ vô vọng.
- Muốn gặp lại em một lần, thử lại cảm giác của lòng mình. Lúc tưởng tượng về em trong cuộc gặp gỡ, thầy bật ra được nhiều thứ cảm xúc lạ lùng và mãnh liệt. Nhưng ngồi bên cạnh em, thầy không biết nói gì nữa...
Trò xoay đáy ly, thảng thốt cười. Những tiếng thầy khó nhọc và khô khan còn treo lơ lửng trong không khí.
- Vậy không gặp nhau có tốt hơn không thầy?
- Có thể sẽ tốt hơn. Nhưng sẽ buồn hơn.
Nhạc tắt lịm trên ánh nắng chiều nhợt nhạt buông thả. Thỉnh thoảng trong một không gian ít người và hiu hắt thế này, trò lại sợ. Sợ cảm giác mê mải của buổi chiều thầy hôn trò qua mặt bàn, qua những lớp không khí đặc mùi quán xá níu chặt tay chân trò. Khi đó thầy còn là anh sinh viên năm cuối, mơ ra trường sẽ làm phóng viên ở một tờ báo lớn.
Trò mới vô trường những tháng ngày đầu tiên, ước ao rằng được học giỏi như thầy, được nhiều người ngưỡng mộ và xuýt xoa như thầy. Ngày đó trò thường háo hức lẽo đẽo theo thầy cặm cụi ở mấy giá sách ngang dọc mang máng mùi giấy mốc cũ trong phòng tư liệu. Thầy chúi mũi vào những trang giấy ngả màu chi chít chữ. Trò ôm sách thở dài, ngao ngán nhìn ngước lên những lối đi hẹp dài giữa hai giá sách.
- Anh ơi, em khó thở.
- Hả?
Thầy ngửng lên, cuống quýt lướt qua đồng hồ và những dòng chưa đọc. Nhìn lên đôi mắt lờ đờ mệt mỏi của trò, thầy hấp tấp đặt vào một miếng đề can hình chữ nhật, trả lại cuốn sách lên lỗ hổng. Ánh mắt thầy bối rối dịu dàng sau cặp kính cận loang loáng ánh sáng nhập nhoạng buổi chiều.
- Để mai anh quay lại đọc tiếp.
- Dạ.
Trò hăm hở gật đầu, lôi thầy đi phăng phăng qua những khoảng không hẹp và dài chỉ vừa chỗ cho một người rưỡi. Trò bước chân ra hành lang trước, hít hà những hơi dài khoan khoái.
- Chiều mai không học, em sẽ lên đọc tiếp với anh.
Thầy cười, ngoái nhìn những khung cửa đổ đầy sinh viên tan học. Trò hí hửng giữa ánh sáng không khí, không ngừng líu lo về những kế hoạch ngày mai. Thầy kéo trò vào quán.
- Chờ thưa người chút em. Giờ mà chen nhau thì mệt chết.
Trò thả cặp xuống chiếc ghế trống, nhìn những dòng người chen nhau ở những bãi gửi xe, rồi lần lượt đổ đầy ra hai cổng trường chật hẹp. Thầy gọi cà phê, một cho thầy, một cho trò, cần mẫn cắm cúi pha. Những tiếng đá chạm ly thìa lanh canh lọt thỏm trong không khí hỗn loạn phía bên kia hàng rào như tiếng kim khí thoát ra giữa một cuộc sụp đổ lớn, lạc lõng lạnh lòng. Bất giác trò thở ra, nhìn vào đôi kính cận của thầy.
- Ngày nào cũng ngồi rịt trong phòng đọc, anh không mệt à?
- Thỉnh thoảng. Nhưng nhẹ nhàng hơn không khí hỗn tạp bên ngoài này nhiều. Em thấy chán hả?
- Một chút thôi. Em thích chạy nhảy một chút...
- Vậy sao còn cố bám trụ với anh?
- Em không biết. Có lẽ ở đó cũng bình yên hơn bên ngoài...
Trò cúi mặt, mân mê hình ông già tuyết trên móc khóa. Bỗng dưng có cảm giác không khí quanh mình đông đặc hết lại. Những âm thanh hỗn loạn bên ngoài rì rầm, rì rầm nhỏ dần rồi lịm hẳn. Thầy cúi hôn trò bên hai ly cà phê chưa kịp chạm môi.
Trò học ở Thủ Đức, những ngày không có lớp lếch thếch vác cặp lên quận 1 loanh quanh với thầy trong thư viện. Càng về cuối năm, thầy càng bận bịu trong kho sách dày sụ và bám mùi khó chịu đó. Trò giận.
- Anh chẳng có gì gọi là dành cho em hết.
Thầy ôm sách, ngửng lên, gương mặt chìm trong khoảng trống tranh sáng tranh tối.
- Anh bận một thời gian thôi. Một thời gian nữa rồi những chuyện này cũng sẽ kết thúc.
Thầy bẹo má trò, nhăn nhó khổ sở. Trò nũng nịu xốc lại balô.
- Em biết rồi. Anh đọc tiếp đi. Em về.
Trò rồ ga khi xe chạy tới ngoại thành. Đôi khi bất giác ngoái nhìn lại, ngỡ rằng gương mặt của thầy cũng đang ở ngay phía sau lưng. Trò buồn, nhưng vẫn ngưỡng mộ và kỳ vọng thầy như một thần tượng. Người khác yêu cần trực giác, cảm tính, và những mối liên hệ, tin nhắn, gặp gỡ lằng nhằng. Trò chỉ đơn giản bằng lòng với những điều trò tin và nghĩ về thầy. Chỉ có vậy thôi.
Khi đứng tán dóc với trò trong ngày trò nhập học, thầy nói rằng trò có quá nhiều bướng bỉnh để có thể làm một nghề trầm lặng. Thầy báo trước, mai mốt báo chí sẽ khổ sở với một phóng viên như trò. Khi ấy trò chỉ cười trừ. Sau này trò cũng chỉ biết cười trừ. Nhưng hình như nỗi quan ngại của thầy nhiều hơn sau mỗi lần dẫn trò đi viết bài. Một lần, trong chuyến tàu nửa đêm về từ Nha Trang, thầy đã đứng tần ngần bên cửa lên xuống, một tay gạt gió bên tai trò, nói nghèn nghẹt trong những luồng gió ngược.
- Nghề nào cũng cần sự cố gắng có giới hạn em ạ. Đôi khi anh sợ sự ngang tàng lạnh lùng của em...
Tàu đi qua khúc quanh, nghiến vào đường ray sàn sạt. Những chuỗi âm thanh cuối cùng trong câu nói của thầy rơi hẫng trong tiếng gió ào ào, nghiến vụn dưới thân tàu 14 toa.
Những chuyến đi của trò dày lên, nỗi buồn cũng dài thêm khi khoảng trống giữa thầy và trò càng ngày càng không lấp đi được. Nó không đơn giản chỉ là một vết nứt sơ sài có thể gắn lại bằng keo dán.
Thầy ra trường, đi làm hơn nửa năm rồi quay lại khoa. Ngày gặp gỡ đột ngột trong khuôn viên trường làm trò sửng sốt đến độ muốn chạy trốn.
- Anh làm gì ở đây?
- Anh xuống gặp các thầy cô trong khoa. Có lẽ... anh sẽ về dạy tại trường.
- Vậy hả?
- Ừ.
- Mai mốt gặp anh là phải gọi bằng thầy rồi.
Thầy trò cười xòa, rủ nhau đi uống cà phê. Quán vẫn cũ, nhưng những ngày cũ đã không còn. Trò nhìn vào những đồ đạc sơ sài bày biện trên bàn và quanh bốn bức vách. Mắt thầy vẫn sáng và đầy đặn thương yêu sau lần kính cận. Nhưng có lẽ ký ức về những nụ hôn và những lần hẹn hò cũ cũng đã mờ mịt như bị phủ một lớp sương. Một lớp sương không dày nhưng bao phủ được hết thảy.
Có lẽ, tại con người ta lớn lên, những khúc xạ hình ảnh qua đôi mắt và tâm hồn của họ cũng thay hình đổi dạng. Trò không thể đứng yên với hình ảnh thầy ngày qua ngày cần mẫn trong thư viện, rồi đều đặn lên lớp kêu học trò của mình phải đi và viết thật nhiều. Trò cười khảy, mỗi khi nghĩ đến đó, rồi tự thấy chua chát khi những gì thầy để lại trong trò còn quá đầy và quá dày.
Những ngày đi xa, ngắm nhìn thế giới và viết lách, trò cứ tưởng như có bàn tay oan nghiệt nào cắt xén, dứt từng mảng lớn những hình ảnh về thầy trong lòng trò ra. Thỉnh thoảng cảm giác đó khiến trò ngộp thở, như bị một cơn đau tim. Những cơn đau triền miên như một người bị bệnh kinh niên. Nó còn nghiền nát, còn vụn vỡ khi nào trò còn thở, tim trò còn phập phồng thở những nhịp tha thiết níu lấy cuộc sống bên ngoài...
Ngày xưa, thầy dắt trò đi những bước đầu tiên nhìn ra thế giới, để chỉ ra rằng những thứ thuộc về thế giới ấy không phải là hoàn hảo, và cũng không chỉ là phù du. Thầy mở cho trò một cánh cửa khép hờ, nhưng không bao giờ thầy còn đủ sức để đóng cánh cửa ấy lại được nữa. Đôi khi cũng giống như yêu một người, đã đi qua họ rồi, nhưng để quên đi vĩnh viễn thì lại không bao giờ có thể. Thầy nói rằng, rất có thể trò đã sai lầm khi đặt niềm tin và tình yêu đầu tiên vào một người như thầy. Trò lặng lẽ khóc. Không có tình yêu nào là sai lầm đâu thầy ạ. Có chăng chỉ là cách chúng ta bám víu để phủ nhận chúng đi thôi.
Đôi khi cần tự đặt cho mình những giả thuyết và viễn cảnh, như cách chúng ta yêu một người và tưởng tượng ra những điều sẽ nói khi không còn yêu người ta nữa. Đôi khi dạy nhau yêu thương được, nhưng mỗi người phải tự học cách từ bỏ, sao cho không làm đau mình và tổn thương những người đã từng được yêu thương.
Thầy đã từng dạy trò cầm bút, dạy cách yêu một người, dạy cả cách hôn để người ta không quên mình được. Nhưng thầy không dạy trò cách thức để quên đi một người mà không phải đớn đau.
Để mai trên sân trường cất câu chào: “Thầy ơi!” bỗng thấy lòng quặn thắt.

TIÊU SA
================================================================
Chiếc ô trong mưa 

1. Chiều nay Bankstown lại mưa. Không ào ào, không sấm chớp và cũng chẳng bất chợt như mưa Sài Gòn nhưng không hiểu sao rất buốt. Chiếc ô vẫn xếp gọn ghẽ nơi góc phòng.
Ngày trước, mỗi khi nhìn thấy ai đó che ô đi dưới những tán cây, tôi ước gì mình giống thế để là thiếu nữ dịu dàng. Trong trí tưởng tượng của tôi, một cô gái tóc dài, váy trắng, áo trắng và giày cũng trắng, cầm chiếc ô, là hình ảnh của một thiếu nữ đẹp mà tôi luôn ước muốn đó là mình. Cô gái sẽ đứng đợi một lúc cho đến khi có một chàng trai đến và cả hai cùng đi dưới mưa. Bên dưới chiếc ô ấy là một cặp yêu nhau.
Vậy mà mùa mưa về, tôi lại cố tình không nhớ. Tôi thích cảm giác đứng trước tòa building chờ mưa tạnh để tự mình có cớ không vội vã. Tôi chỉ mỉm cười nhẹ nhàng khi thấy một cô gái đi trong mưa với chiếc ô xinh xắn. Ý nghĩ đi trong mưa cùng một chàng trai chỉ còn là một vệt rất mờ trong ký ức. Như anh, người yêu cũ của tôi trước khi tôi đi du học, cũng chỉ là một cái gì rất xa xôi...
2. Tôi qua Úc đã gần tám tháng nhưng vẫn chưa có một người bạn thân, phần vì trường tôi học không có người Việt, phần vì tôi sống khép mình. Trong mắt tụi sinh viên quốc tế, tôi là đứa khó gần với cái mặt nghiêm - ít cười và có vẻ mệt mỏi.
Có một cô sinh viên người Việt như tôi nhưng cô ấy lại không bao giờ nói tiếng Việt. Ngày tôi mới vào trường vài tháng, tôi đã chủ động làm quen với cô ấy vì vẻ ngoài châu Á của cô. Khi tôi tự giới thiệu mình là người Việt Nam, cô ấy nhìn tôi một lúc rồi mới nói khẽ: “Me too!”. Tôi ngạc nhiên và mừng rỡ vô cùng nhưng cô ấy nghiêm mặt: “Tuyệt đối không được nói với ai chuyện này. Vy không thích!”.
Cô bảo rằng lúc cô mới sang, học ở trường trung học, khi cô nói mình là người Việt, bạn bè đã cười nhạo, rằng người Việt toàn làm những nghề thấp hèn mà chẳng ai chịu làm, người Việt mê đi nước ngoài vì nghèo đói. Lúc ấy cô đã bật khóc. Sự tủi nhục cho bản thân thì ít mà nỗi lòng tự ái dân tộc thì nhiều. Một khoảng thời gian cô bị cô lập bởi một nhóm “xã hội đen” trong lớp. Thế là cô chuyển trường và từ đó về sau cô chỉ sử dụng tiếng Anh, nói mình là người Trung Quốc.
Chẳng thể trách móc được ai khi những điều họ nói có phần đúng. Nhưng tự nhiên tôi lại thấy cô ta hèn nhát. Nếu là tôi, sẽ chẳng bao giờ tôi chuyển trường. Sao không thử một lần nói lên những điều mình nghĩ hơn là để người khác nghĩ sai về mình! Có lẽ vì chuyện ấy mà tôi không thể nào chơi thân với cô ta được, mặc dù tôi thèm muốn có một người bạn Việt Nam biết bao.
3. Tôi bắt đầu đi làm thêm ở tiệm giặt ủi của một phụ nữ góa chồng. Bà rất tốt, ít ra không đến nỗi vắt kiệt sức người làm thuê như nhiều chủ khác tại Bankstown. Tôi làm sáu giờ một ngày. Khi nào rảnh là chạy đến lao vào đống quần áo, bột giặt và thuốc tẩy. Lúc đầu tôi từng nghĩ mình sẽ chẳng thể nào làm công việc này lâu được. Chỉ là tôi muốn giết thời gian. Tôi không muốn mình có những khoảng trống để suy nghĩ, nhớ nhà, nhớ kỷ niệm những ngày ở Việt Nam...
Vậy mà rồi tôi vẫn tiếp tục công việc của mình cho đến nay đã là hơn sáu tháng. Ngẫm lại thấy lời cô bạn người Việt nói cũng đúng, tụi sinh viên cùng lớp chẳng ai ngoài tôi chịu ngồi làm công việc này cả.
Có đôi lần xong việc sớm, đi bộ ra trạm xe lửa, tôi lại miên man suy nghĩ không hiểu vì sao mình quyết định ra đi khi đã là sinh viên năm 3 của một trường đại học danh tiếng. Vì anh? Nếu là vì anh thì có lẽ tôi là một đứa con bất hiếu và ích kỷ nhất trên đời. Tôi vì trốn tránh nỗi đau mà rời xa gia đình để ra đi. Còn vì tương lai? Tương lai của tôi sẽ thế nào? Một cô gái Việt Nam thấp bé đầy tự ti vào bản thân. Lúc ở Việt Nam, tôi vốn đã là một người có chiều cao thấp hơn so với lũ bạn, vẫn thường hay bị gọi là bé Tí hon. Sang đây, tôi lại càng trở nên dị biệt. Liệu rằng sau khi tốt nghiệp, có công ty nào chịu nhận tôi vào làm không.
4. Sau kỳ nghỉ lễ, tôi phải làm báo cáo nhóm môn quản lý 100. Tôi vào nhóm của ba bạn nam: một ở Nam Phi, một Bangladesh và một còn lại là một gã tôi không đoán chắc được ở đâu. Cậu ta có mái tóc vàng nhưng đôi mắt đen rất châu Á. Khuôn mặt mang một vẻ mặt lạnh lùng khó hiểu và không hề tỏ ra mình là một người thân thiện. Tên hắn là Jim. Ngay từ lần đầu gặp gỡ, tôi  có cảm tình với hai bạn kia bao nhiêu thì tôi ghét hắn bấy nhiêu. Thô bỉ, ra vẻ công tử, chỉ biết “tận hưởng cuộc sống”... là những gì người khác đánh giá khi gặp hắn.
Khi nhóm họp để giới thiệu về bản thân, một bạn đã hỏi: “Bạn là người Hoa?”. Tôi nhấn mạnh: “Tôi không phải người Hoa. Tôi là người Việt Nam!”. Và Jim đột nhiên lên tiếng: “Hầu hết người châu Á trông giống người Hoa!”. Tôi tức và cãi: “Tại sao bạn không nói người Hoa trông giống người châu Á?”. Tôi nhìn thẳng vào mắt hắn như chẳng sợ điều gì. Hắn nhìn tôi là lạ. Sau đó, theo lời mấy bạn trong lớp tôi mới biết Jim là người Trung Quốc lai Pháp và được sinh ra ở Mỹ.
Hắn không đến nỗi quá tồi như tôi nghĩ. Chẳng ai tẩy chay tôi, tôi vẫn đi học và làm việc theo nhóm với hắn. Chỉ có điều hắn luôn là kẻ trêu chọc tôi: “Hey! A tiny girl” (Ê! Cô gái bé xíu!) hoặc “Too small, too strange!” (Quá nhỏ, quá lạ!), và đám  bạn của hắn phá lên cười. Những lần như thế, tôi chỉ im lặng và tiếp tục công việc của mình.
Một lần tôi bị sốt, cổ họng đau rát mà vẫn đến trường học. Giờ giải lao, lại tiếp tục nghe điệp khúc cũ: “Too small, hey child!” và những tiếng cười quái ác. Chẳng hiểu sao lúc ấy tôi lại quay sang nhìn thẳng vào mắt hắn một lúc và không cách nào kềm lại dòng nước mắt lăn dài. Tôi không hiểu vì sao mình lại yếu đuối như vậy, vì trước đây chưa bao giờ tôi phải khóc vì một chuyện đại loại như thế. Tôi chạy nhanh ra cửa rồi bắt xe lửa về thẳng nhà. Hắn không đuổi theo, lũ sinh viên xì xầm.
Suốt khoảng thời gian ngồi trên xe lửa, tôi cứ khóc mãi như vậy. Để rồi sau khi bình tĩnh tôi lại thấy ngại. Không biết ngày mai tôi gặp hắn thì sẽ như thế nào.
Tối đó, Jim gọi điện cho tôi. Ngần ngừ mãi đến cuộc gọi thứ ba tôi mới bắt máy. Jim xin lỗi tôi, Jim nói không biết rằng tôi đang bệnh, mãi đến khi tôi quay sang thấy mặt tôi đỏ gay và đôi mắt đờ đẫn mới biết tôi bị sốt. Hắn bảo hắn cũng không có nhiều bạn, muốn làm bạn với tôi nhưng không biết phải nói thế nào nên đã cố tình trêu chọc tôi. Rồi hắn kêu tôi đi bác sĩ, đừng ỷ lại vào sức khỏe. Tôi không hiểu sao Jim lại giải thích nhiều như vậy.
Cũng không hiểu vì sao trong tối đó, tôi và Jim lại có thể tâm sự nhiều điều cho nhau nghe về bản thân, gia đình... đến hơn ba giờ sáng mới đi ngủ. Sau đêm đó, tự dưng tôi thấy mình không còn ghét Jim nữa. Sáng ra, tôi dậy trễ. Thay đồ và vội vã đến trường, chạy lạch bạch lên cầu thang thì thấy Jim cũng y như tôi, hai đứa đột nhiên nhìn nhau cười.
Từ hôm đó, ngày nào tôi cũng nhận được những cú phone và tin nhắn của Jim hỏi tôi đang làm gì, ăn chưa, đang ở đâu...  Cảm giác có được một người bạn quả là một điều hạnh phúc lớn ở thành phố buồn tẻ này.
5. Thứ ba là ngày tôi đi làm. Tan học là tôi chạy tất tả ra trạm xe lửa. Dạo ấy trời Sydney lạnh kinh khủng. Bảy giờ tối mà cứ ngỡ như đã khuya lắm, tôi mệt mỏi lơ ngơ ngồi đợi xe lửa. Tự dưng thấy ấm áp sau lưng, quay lại thấy Jim đang đứng từ bao giờ và cởi cái jacket đưa cho tôi, còn Jim thì vẫn mặc cái áo ngắn tay dưới cái rét 7 độ C.
- Sao Jim không mặc áo đi, trời lạnh!
- Không cần, Jim khỏe lắm, thấy mát mẻ!
Tôi im lặng. Jim cũng im lặng. Hai đứa ngồi ở đó mà chẳng nói được câu nào cho đến khi tôi chuẩn bị lên xe lửa. Jim nhoẻn miệng cười và bắt tay tôi, bảo rằng khi nào về đến nơi nhớ nhắn tin cho Jim biết để an tâm.
Tối đó, Jim lại gọi điện. Jim  đề nghị đưa đón tôi vì từ nhà hắn qua nhà tôi chỉ mất có mười phút  đi xe hơi và vì... từ ga xe lửa lội bộ về nhà tôi gần nửa tiếng và hơi vắng. Jim bảo Jim không an tâm. Từ đó, lúc nào hai đứa cũng đi cùng nhau. Mối quan hệ giữa chúng tôi diễn ra tốt đẹp đúng mức bạn bè. Chưa bao giờ vượt qua giới hạn, thậm chí chỉ là một cái nắm tay.
Trong một lần chở tôi về, Jim bảo tôi cùng chơi một trò chơi nhỏ, Jim hỏi, tôi trả lời nhanh, không được suy nghĩ. Jim hỏi về gia đình, bạn bè... xong, câu cuối Jim hỏi: "Bạn có biết là tôi thích bạn không?". Tôi hơi bất ngờ  và đáp:  "Không". Jim bảo tiếp: “Và bây giờ bạn biết rồi đó”. Tôi hỏi Jim "Thích" là gì... Jim nói đó là “hình thức đầu tiên của tình yêu”. Và Jim bảo sẽ chứng minh cho tôi thấy điều đó.
Hôm ấy là một ngày  trăng tròn, đẹp lắm, Jim đã chở tôi đi vòng vòng mấy con đường yên tĩnh có nhiều cây to. Sau đó Jim dừng lại và bảo tôi đợi một lúc. Jim ra ngoài và tìm gì đó ở cốp xe. Và tôi bất ngờ khi Jim vừa ôm đàn guitar, vừa hát. Giọng của Jim thật ấm và nhẹ nhàng. Tối hôm đó khi đã về nhà, tôi lại thấy nhớ Jim một cách lạ lùng. Một cái gì rất kỳ diệu, thân thương cứ len lỏi trong trái tim tôi suốt đêm hôm ấy.
6. Jim tặng tôi một chiếc ô màu đen, bảo rằng trời Bankstown dạo này dễ mưa, nên mang một cây ô theo. Những lần thấy tôi đứng đợi mưa, Jim đến gần và che ô cho tôi, không quên trách móc sự đểnh đoảng của tôi. Tôi chỉ cười và cùng bước đi với Jim dưới những cơn mưa lạnh buốt. Chiếc ô tôi có mang theo nhưng không bao giờ mang ra dùng vì biết sẽ có Jim đến. Đã thật lâu rồi tôi không đi dưới mưa cùng ai từ ngày chia tay anh trước đây.
Jim bảo rằng Jim ấn tượng về cô gái Việt Nam thấp bé nhưng “ngang như cua” là tôi. Jim thấy thích cách tôi trả lời Jim và muốn thử khám phá xem một cô gái như tôi có gì đặc biệt.
Chúng tôi tiếp tục có những khoảng thời gian thật vui vẻ cùng nhau. Nhưng tuyệt nhiên tôi vẫn chưa dám nói gì thêm với Jim về tình cảm của mình. Tuy nhiên tôi biết Jim là người đã giúp tôi có thể lấy lại niềm tin sau bao nhiêu đổ vỡ. Tôi từng nghĩ mình sẽ chẳng bao giờ yêu ai được nữa khi lòng tin đã bị xói mòn quá nhiều. Nhưng Jim đã làm tôi tin rằng đừng bao giờ khép lòng mình lại khi cuộc sống vẫn còn tiếp diễn.
Có một lần, chủ nhà đi du lịch suốt mấy tuần liền. Một đêm, trời mưa và lạnh. Nhìn ra ngoài chỉ thấy những tán cây xào xạc, tạo nên những thanh âm buồn tẻ. Đột nhiên tôi lại thấy cô đơn kinh khủng. Không hiểu sao trong lúc đó tôi lại nhớ tới Jim và nhắn tin: “Jim, buồn và cô đơn quá!”. Jim nhắn tin bảo tôi hãy nhắm mắt và nghe ba bài nhạc mà tôi thích nhất. Khi tôi nghe hết ba bài hát đó thì có điện thoại. Jim bảo: “Làm ơn mở cửa, tôi ở bên ngoài”. Tôi ngạc nhiên mở cửa và thấy Jim đang co ro với cái áo ngắn tay. Trời rất lạnh, tôi trách Jim sao không mặc áo ấm, Jim chỉ cười và bảo vì vội quá nên quên.
Jim chỉ ngồi nói chuyện với tôi suốt một tiếng rồi về. Trước khi về, Jim hỏi tôi có thể ôm chào tạm biệt Jim một cái không. Tôi suy nghĩ một lúc rồi gật đầu. Với tôi, đó là cái ôm đầu tiên và ấm áp nhất mà suốt đời tôi không thể nào quên từ ngày sang Úc.
Jim hay dành thời gian rảnh để dạy Anh văn cho tôi. Jim chê tôi dở tiếng Anh quá, sao lại có thể học hàng top trong lớp? Tôi chỉ cười, có lẽ do người Việt Nam đã quen với việc siêng năng chăm chỉ học hành ngay từ khi mới lớp 1 chăng. Jim dạy cho tôi rất nhiều câu thành ngữ hay và những từ vựng mới. Trông một tên Jim lạnh lùng thường ngày và một Jim kiên nhẫn ngồi giải thích bằng những từ đồng nghĩa trong tiếng Anh cho tôi mà thấy khác nhau nhiều. Tôi đột nhiên phì cười mà không rõ lý do. Jim cau mày: “Tại sao bạn cười?”. Tôi lại đáp: “Bạn dễ thương quá!”. Jim đỏ mặt và không thèm dạy tôi nữa.
Những ngày nghỉ cuối tuần, tôi hay dắt Jim đi ăn phở tại một quán Việt Nam mà tôi biết. Thật may mắn khi quán này bán phở rất ngon nên tôi không phải xấu hổ giải thích: “Ở Việt Nam món này mới ngon” như tụi bạn tôi đi du học kể lại lúc tôi còn ở Việt Nam. Tôi thích cách Jim cố nói tiếng Việt chữ “phở” và điều đặc biệt là luôn muốn đọc đúng tên tiếng Việt của tôi: “Thuyên”. Cứ mỗi lần nghe Jim gọi tôi, tôi lại bật cười. Jim đỏ mặt và cứ hỏi đi hỏi lại: “Có gì sai?”. Tôi lặp lại câu nói cũ: “Bạn dễ thương quá!”.
7. Jim bảo hết học kỳ này Jim sẽ phải về nước luôn. Jim nói cha mẹ muốn Jim quay về, quản lý công ty. Dù rất buồn nhưng tôi vẫn an ủi Jim, rằng chúng ta sẽ còn gặp lại nhau. Kể từ hôm ấy, chúng tôi càng thân thiết nhau, rất hạnh phúc. Jim nói thật sự Jim không muốn xa tôi. Nghe câu nói ấy thôi tôi đã thấy ấm lòng.
Thứ bảy. Tôi lên thư viện và bỏ quên điện thoại ở nhà. Tôi đã gần như thấp thỏm không yên khi nghĩ đến  việc Jim sẽ lo lắng cho tôi thế nào khi nhắn tin và gọi điện cho tôi không được. Nhưng tôi không thể về vì phải xong bài tiểu luận sớm. Đến chiều về, tôi đã nghĩ trong đầu giải thích thế nào cho Jim và chắc chắn Jim sẽ giận tôi lắm.
Nhưng khi về đến nhà, tôi thật sự bất ngờ khi điện thoại không tin nhắn, không cuộc gọi nhỡ nào. Tôi vội vàng nhắn tin và gọi cho Jim nhưng đáp lại chỉ là sự im lặng. Từ hôm đó, tôi không nhận được tin nhắn và cuộc gọi nào từ Jim nữa. Tôi cũng không cách nào liên lạc được với Jim. Sang ngày thứ năm, tôi gặp Jim ở trường. Jim nhìn tôi cười nhẹ rồi đi thẳng, không nói chuyện cùng tôi như mọi khi. Tôi không hiểu đã có chuyện gì xảy ra, suốt buổi học tôi cứ suy nghĩ miên man nhiều điều và thỉnh thoảng lại quay sang nhìn Jim. Jim không nhìn lại tôi, khuôn mặt Jim cứng đơ như tượng.
Jim phải học thêm một môn nữa nên đến hơn 7 giờ tối mới kết thúc. Tôi về sớm và ngồi ở trạm xe lửa đợi Jim như thường lệ, không quên mua một cây “tre may mắn” để tặng Jim. Tôi nghĩ vấn đề riêng của Jim chắc có lẽ khó khăn lắm nên mới khiến Jim như thế. Một tiếng rồi hai tiếng, tôi đợi mãi mà không thấy Jim đâu. Tôi nhắn tin rằng đợi Jim đã hai tiếng rồi, lát sau Jim xuất hiện, nhận cây “tre may mắn” từ tôi rồi lên xe về thẳng. Jim không chở tôi về nhà như những lần trước nữa. Tôi ngẩn ngơ mãi một lúc rồi leo lên xe lửa về nhà. Lần ấy, tôi đã khóc nức nở suốt quãng đường về. Cảm giác bị bỏ rơi khiến tôi đau hơn bao giờ hết.
Tối đó, Jim nhắn tin xin lỗi tôi, Jim bảo Jim đã có bạn gái. Cô ấy sang thăm Jim mấy ngày hôm nay. Tất cả những gì Jim đối với tôi, Jim nhận ra chỉ là sự ngộ nhận. Jim nói rằng con người ta ai cũng có những phút giây ngộ nhận. Và khi đã biết mình ngộ nhận thì phải trở về với hiện thực.
Tôi không rõ trong mối quan hệ giữa tôi và Jim, ai là người ngộ nhận. Có thể tôi, có thể Jim. Và dù người ngộ nhận là ai đi chăng nữa thì tôi vẫn thấy mình bị tổn thương. Nhưng dù sao tôi vẫn cảm ơn Jim vì Jim là người đã giúp tôi có những ngày sống vui vẻ, dù ngắn ngủi tại xứ người.
Hiện thực của tôi chỉ là một con bé Việt Nam nhỏ bé, tự ti, không bạn bè, người thân. Hiện thực của Jim là một chàng trai giàu có đã có người  yêu, rất chung thủy. Và Jim không nên là một người phản bội.
Sau sự ngộ nhận, tất cả đều phải tỉnh giấc.
Đêm đó, những niềm tin đang chuẩn bị nảy mầm cũng đã mất hết.
Tôi mỉm cười nhớ lại ngày trước lúc ở Việt Nam, anh từng bảo với tôi y như Jim bây giờ: “Tất cả chỉ là ngộ nhận!”. Có nhiều điều tôi không hiểu, vì sao có thể biết được mình đang ngộ nhận dễ dàng như anh, như Jim? Và thế nào mới là không ngộ nhận?
8. Jim về nước thật. Ngày Jim đi, tôi vẫn tiễn Jim. Jim ôm tôi và bật khóc. Tôi không khóc. Nước mắt đã rơi hết vào đêm Jim bỏ tôi lại trạm xe lửa và nhắn tin cho tôi. Jim im lặng không nói gì thêm với tôi. Tôi cũng chỉ nhìn Jim, lòng vẫn nhói đau không hiểu vì sao.
Tôi cắt tóc. Mái tóc dài đen trở nên ngắn củn. Nhìn vào gương mà tôi còn không nhận ra chính mình. Thế là cái thú ngồi chải tóc mỗi sáng thức dậy không còn. Nhưng tôi vẫn thức dậy sớm, nhìn chăm chú vào khuôn mặt buồn bã của mình và thấy đầu óc xáo trộn nhiều ý nghĩ. Bước vào lớp chợt thèm nghe tiếng trêu chọc của Jim ngày nào, nhưng không. Chỉ có đám bạn cùng lớp ngạc nhiên tiếc rẻ mái tóc dài của tôi.
Học kỳ mới lại bắt đầu. Sự chuẩn bị bài vở ngang bằng con số không trong khi giờ làm thêm tăng nhiều hơn trước. Rã rời nhìn lại năm tháng đã qua, chẳng có gì đặc biệt ngoại trừ mấy vết phỏng lốm đốm trên bàn tay. Một, hai , ba... sáu vết nằm cạnh nhau tạo nên "không gian cà phê" mà dụng cụ pha chế là mấy cái máy ủi dập hơi nước. Đúng là chẳng nghề nào dễ cả. Nhiều lúc muốn nghỉ nhưng nghĩ tới mồ hôi của ba mẹ lại thôi. Không đứa con nào có quyền dửng dưng với nỗi nhọc nhằn đó cả. Nhìn những vết sẹo đó, đôi khi lại làm tôi tự nhắc mình nhiều điều. Vì trước khi hình thành vết sẹo xấu xí, bao giờ cũng là những cơn đau.
Những lần ngồi xe lửa, tôi lại mông lung nghĩ về anh, về Jim. Ừ thôi, rồi tất cả sẽ chỉ là những vệt mờ trong ký ức...
9. Chiều nay Bankstown lại mưa. Không ào ào, không sấm chớp và cũng chẳng bất chợt như mưa Sài Gòn nhưng không hiểu sao rất buốt. Chiếc ô vẫn nằm gọn ghẽ ở góc phòng. Ngày trước, mỗi khi nhìn thấy ai đó che ô đi dưới những tán cây, trong mưa, em ước gì mình như thế để được một lần nữa là thiếu nữ dịu dàng....

HÀ THANH PHÚC

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Popular Posts

Blogger news

About




Powered by  MyPagerank.Net

Academics Blogs
Bookmark and Share

Blog Archive