Your Adsense Link 728 X 15

P02: Mùa sầu đông trổ hoa - Trốn để được tìm thấy

Posted by Eddy Lê Giang 11/6/10 0 nhận xét
Mùa sầu đông trổ hoa 
Nơi tôi trọ ở cuối con đường đá sỏi và quen em bởi mỗi ngày qua lại chiếc cổng có giàn hoàng lan hoa vàng. Em thường cười và nheo mắt tinh nghịch khi thấy tôi cọc cạch chiếc xe đạp cũ mèm, hoen gỉ, rồi gọi: “Này, chàng Đôngkisốt, hôm nay không đến lâu đài...”.
Chả là, tôi dạy thêm sinh ngữ cho các cậu ấm cô chiêu ở những nơi cần quản thúc giờ giấc các quí tử trong biệt thự ven sông. Một lần, chiếc xe giở trò bệnh hoạn bung xích.
Tôi thở dài cuốc bộ ra đầu đường vừa nhẩm tính thời gian lên lớp, vừa canh cho kịp đến kèm hai cô nương và cũng vừa thò tay lục lọi kiếm tiền đi xe ôm thì:
- Này nhóc!
Tôi ngẩng lên. Em rà xe sát cạnh, hếch mũi, buông giọng:
- Cho quá giang đoạn đường, tội nghiệp hiệp sĩ!
Tôi cười. Chuyền túi xách đeo bên người sang tay lái khi em dịch chuyển chỗ ngồi. Vừa đi, tôi vừa quan sát em qua kính chiếu hậu. Khuôn mặt có vẻ hiền hiền thêm nốt ruồi nơi cằm lẹm tạo vẻ tinh quái mỗi khi nheo mắt. Em khẽ đập vai: Ê...
- Gì?
- Chú ý lái xe, cấm nhìn nghe nhóc!
Lại cười trừ và gật cho đến trường. Em bước xuống nheo mắt nhìn tấm bảng và dãy băngrôn quảng cáo chằng chịt, phán thẳng:
- Chào sư phụ, nơi này loa giấy hơi nhiều, bai nhé!
Tôi hơi uất nhìn theo bóng em khuất dần trên con đường xanh bóng cây, lung linh những giọt nắng.
Em ngồi kề bên, chiếc xích đu xoay nhè nhẹ và tiếng hát nho nhỏ. Khoảng vườn đầy bóng cây qua ánh trăng mười sáu với hương dạ lan thoang thoảng, tĩnh lặng. Tôi nhìn em, nhỏ nhắn tóc xõa ngang vai mặt ngước ra phía đường thấp thoáng bóng người qua lại. Tôi hỏi:
- Ê nhỏ!
- Gì nhóc?
- Thế nhỏ tên gì?
Em không nói. Yên lặng một thoáng rồi chỉ ra hàng cây ven đường:
- Đố nhóc biết cây gì?
- Sầu đông.
- Gì nữa?
- Thầu đâu!
Em bật cười khúc khích do kiểu gọi tên loại cây quê tôi rồi lắc đầu nhẹ: “Gì nữa?”.
Tôi ậm ờ “Xoan”, em gật: “Ừ, tên đó”. Một tuần làm quen tôi được biết tên em và bên ngoài hàng sầu đông đã bắt đầu trổ hoa trắng xen cùng màu tím dìu dịu.
Xoan học y năm ba khi tôi đã năm cuối của sư phạm ngoại ngữ. Vào lúc rảnh với xe cà tàng đã được sửa lại, cả hai lang thang cùng khắp. Mũ bêrê xanh da trời, quần jean bạc nước biển, thêm chiếc áo lửng và cũng chẳng son phấn. Xoan hòa nhập nếp sống của những đứa con trai xa nhà đi học như tôi. Cũng khoái ngồi cơm bụi, uống tí cà phê độn bắp và sửa lưng thẳng thừng khi bị đùa quá đà. Bọn bạn gọi Xoan: “Công chúa lộn sòng”. Còn Xoan thì im lặng gật gù dõi mắt nhìn theo giề lục bình trôi nổi và buồn buồn nhìn những người cào hến trên bãi sông lúc chiều buông tím sẫm.
Một lần, Xoan đến tìm tôi khi tôi đang “rèn” hai cô chiêu trong biệt thự ven sông. Cô chủ lớn ra mở cửa nhìn từ gót đến đầu “Công chúa lộn sòng” rồi mời vào trên lối đi trải sỏi. Tôi tạm ngừng để xuống thì các cô chiêu liền bá vai, ôm cổ ngả ngớn. Thoáng nhíu mày, Xoan lẳng lặng trao tôi cuốn sách đang cầm rồi từ biệt ra về. Một ngày, hai ngày cánh cổng có giàn hoàng lan khép kín.
Đến ngày thứ ba, buổi tối nơi vườn nhà, Xoan im lặng trên chiếc xích đu không còn đong đưa. Một chập, khẽ nói: “Anh làm hiệp sĩ thích không?”. Tôi đưa chùm sầu đông hết hoa đang ra quả căng mọng bảo Xoan cắn thử. Tôi cũng cắn. Đắng chát, tê tê đầu lưỡi, Xoan nhăn mặt. Tôi nói: “Đắng lắm. Nhưng biết làm sao, sinh viên xa nhà đứa nào…”. Xoan vội bịt miệng và đặt nhẹ bàn tay ấm nóng lên tay tôi trong gió rì rào.
Thành phố nơi tôi trọ học đổi mùa và đêm đêm gió lạnh rú rít thổi đến khi bầu trời đen thẫm không vì sao sáng. Tôi đang dịch bản tin cho ba Xoan để kịp lên khung báo và việc đi rèn đã giao cho đứa thất nghiệp khác. Qua các tờ báo Xoan đưa lại, tôi biết quê nhà đang có lũ đầu mùa. Xoan từng mở to mắt lắng nghe tôi kể những cơn lũ ào ạt, sôi réo cuồn cuộn cuốn phăng tất cả trong dòng nước bạc và cũng nhấn chìm tất cả khi ra giữa dòng với gió buốt căm căm và mưa đổ mịt mùng.
Sau lũ, vườn nhà xơ xác, đồng ruộng bị cát và phù sa lấp kín, trơ cỏ. Xoan run run nắm tay tôi, cô bé y khoa hay châm chọc thiên hạ và cả tôi cũng chẳng tha với đủ ngôn từ: “Chàng chăn trâu trìu mến” hay “Gã bù nhìn thương yêu”. Đang miên man nhớ thì có tiếng gõ dồn dập. Tôi vứt viết chạy vội ra cửa. Nam ào ào giơ cao bức điện thở dồn: “Đọc đi Hải”. Tôi đọc vội tờ giấy vi tính không dấu: “Về gấp, mẹ mất khi bão. Cậu Sáu”.
Tiếng Nam âm u bên tai: “Đi. Thằng Khải mua vé tàu trên ga”. Nó lục lọi, xới tung, nhét lấy nhét để rồi quàng tay sang tôi đưa ra cửa và quay vào dắt chiếc xe đạp cà tàng dìu tôi lên yên rướn người đạp thẳng. Sân ga sáng choang ánh điện, nhóm bạn đưa vội lên tàu. Nam vuốt tóc cài lại áo và nhét vào túi tôi vật gì cồm cộm, nhắc nhở: “Bình tĩnh đi Hải”. Tàu hú còi giục giã, chuyển dịch và loang loáng ánh điện. Tôi bật khóc.
Quê nhà trơ trọi với ba cơn bão cùng hai cơn lũ đi qua. Lũy tre bao bọc bờ sông rũ rượi, vàng úa và chằng chịt những mẫu vật sót lại treo lủng liểng bay phần phật theo gió. Phía bên dưới nước vẫn đỏ ngầu cuồn cuộn chảy trong chiều mờ tối. Con mực hực lên khi có người lạ và nhận ra tôi nó khẽ rít.
Để cho cha hiện ra nơi khung cửa xiêu vẹo đến bên bật khóc, đứa em gái choàng thức chạy ra ôm chặt: “Anh Hai về, mẹ ơi”. Hôm sau, tôi lên đồi vắng, những nấm mộ mới lại xuất hiện trải dài trong sương sớm. Phía xa, dòng sông Ba vẫn mênh mang chảy uốn khúc quanh những khóm lau rập rờn, không hề cảm nhận mùa lũ đi qua.
Tôi ngồi bên mộ mẹ đến chiều. Khi nghe tin nhiều phái đoàn đến xã. Tôi chợt nhớ Xoan, hàng sầu đông ven phố và những đứa bạn chuẩn bị mùa thi. Và Xoan đến, lúc tôi đang mơ màng trên võng. Tôi thoáng thấy bóng người hiện ra nơi khung cửa còn ẩm mốc nước ngập lâu ngày thì Xoan khóc, bấu chặt lấy tôi. Tôi vuốt tóc và ôm lấy đôi vai gầy nhỏ. Khi Xoan ngẩng lên, đôi mắt đỏ hoe với làn mi cong sũng nước nhìn tôi. Tôi lắc đầu im lặng.
Buổi chiều, thả bộ trên đồi vắng, Xoan nói khẽ: “Nhỏ đến, thấy bức điện vội lên thì đã muộn. May sao, có đoàn khám về xã...”. Qua ngõ rẽ đầu dốc có nhiều bụi sim tím, Xoan nắm lấy tay tôi: “Giờ nhỏ mới thấy tội nhóc”. Chờ nhang tàn nơi mộ mẹ, tôi đưa Xoan sang bãi soi trải vàng hoa mướp nhưng giờ là bãi cát trắng phau, chơ vơ lau sậy. Tôi chỉ soi nhà: “Mẹ hay ra đó, lúc nhỏ mình thường vượt sông thăm mẹ”. Xoan bíu vai tôi: “Ôi, nhóc”. Tôi quay lại nhìn Xoan, đôi mắt thẳm trong gió chiều lồng lộng và đăm đắm, lần đầu tiên tôi hôn nhẹ lên đó.
Đêm, dọc rìa làng trong gió heo hút và con sông nước chảy rì rào. Xoan đi sát cạnh mở ẩn trong sương với những vì sao trên đầu le lói. Rồi Xoan nhìn hàng cây trước mắt, những thân cây khẳng khiu trơ cành cụt ngọn, vươn thẳng lên bầu trời đen thẫm, hất ngược về phía hai đứa hình ảnh cô đơn trong dáng cam chịu và đẹp một cách trầm mặc của mùa đông về. Xoan dừng lại, tôi trả lời:
- Sầu đông.
- Không, thầu đâu của nhóc...
Tôi dựa vào Xoan để cảm nhận hơi thở nén chặt trong nhịp tim rộn ràng, để nghe tiếng thở dài và câu nói thoát ra trong gió:
- Về phố, học lại đi anh?
Tôi lắc đầu:
- Năm sau, anh sẽ lên...
Xoan im lặng lúc trên đầu hai đứa có những giọt mưa đổ xuống và sấm chớp đã rạch nhì nhằng đỉnh núi đá mờ mờ phía xa.
Tôi nhận thư Xoan lúc làng quê đã bắt đầu cuộc sống ổn định. Bức thư và những cánh sầu đông vàng nhạt sau những ngày di chuyển. Tôi ra rìa làng, hàng sầu đông hoa nở trắng, xen kẽ màu tím trải dài dọc theo triền sông chang nắng và như một bức thảm hiền hòa khẽ chao trong gió. Tôi đặt bàn tay chai sần lên thân cây sầu đông mà Xoan đã từng dựa vào rồi ngẩng mặt nhìn dòng sông xanh thẫm, hiền hòa uốn khúc mà nhớ Xoan với con đường đá sỏi có hàng sầu đông ven phố.
Năm sau, tôi nhập trường lúc Xoan đã ra nước ngoài hoàn chỉnh chương trình. Để năm sau và năm sau nữa khi tôi trở thành phóng viên của tờ báo do ba Xoan đảm trách thì mỗi năm Xoan luôn gửi thư về trong mùa sầu đông trổ hoa. Tôi trả lời với nhiều hư cấu định hình bởi biết rằng nơi Xoan ở, con đường đã mở rộng và hàng sầu đông cũng chẳng còn.
Tháng ba năm nay Xoan về nước.
Tháng ba mỗi năm. Hàng sầu đông vẫn trổ hoa trắng cùng màu tím nhạt trải dài nơi ngã ba sông quê nhà. 

HUỲNH THẠCH THẢO
====================================================================
Trốn để được tìm thấy 

 Cần tìm một người kiên nhẫn, biết cách chơi trốn tìm. Lương cao. Tôi đọc đi đọc lại mẩu tin đó, nghe cứ như đùa. Có nên tin vào những trang web tìm việc không nhỉ? Số nhà rõ ràng, điện thoại rõ ràng, mức lương và giờ làm việc rõ ràng…
Tôi tự cho mình là người kiên nhẫn, trốn tìm thì ai chẳng biết chơi, thế thì sao lại không thử nhỉ? Nếu là trò đùa, tôi cũng chỉ mất một ít thời gian, còn may mắn là sự thật tôi sẽ có một mức lương khá với hai giờ làm việc mỗi ngày. Quá hời còn gì?
Sau khi gọi điện để xác minh độ chính xác của mẩu tin, tôi được hẹn chiều nay đến thử việc. Mặc bộ đồ tươm tất nhất, cầm mảnh giấy ghi địa chỉ trên tay, tôi dắt xe ra khỏi nhà rất sớm. Ngày đầu nhận việc, tôi không muốn mình đến trễ vì bất cứ lý do gì.
Vòng vèo một hồi, cuối cùng địa chỉ tôi cần tìm cũng hiện ra. Đó là tòa biệt thự nằm ở cuối một con hẻm rộng và yên tĩnh, hình như đây là khu nhà cao cấp của cán bộ. Có một không khí gì đó rất riêng, trầm lặng khác hẳn cuộc sống náo nhiệt ngoài phố. Tôi dựng xe, ngắm nghía nơi mình sẽ làm việc. Kiến trúc đã cũ nhưng tòa nhà vẫn chưa nhuốm màu thời gian, chứng tỏ nó được chăm sóc rất kỹ. Ấn tượng lớn nhất là màu xanh đến mềm lòng của cây cối.
Tôi ngây người như đang đứng trước khu rừng xinh xắn. Những cây to cho bóng mát được trồng viền quanh bờ tường và lối đi trải sỏi. Hai bên hông và đằng trước nhà ngập tràn trong những bồn hoa đủ loại, đủ màu. Ngay cả những ban công và cửa sổ cũng được dây thường xuân leo kín. Tất cả có vẻ rất tự nhiên, nhưng nhìn kỹ sẽ nhận ra chúng được cắt tỉa thường xuyên. Tôi còn chưa kịp nhấn chuông thì thình lình cánh cổng lớn hé mở. Một người đàn ông đứng tuổi có khuôn mặt lặng lẽ thò đầu ra:
- Cậu đến nhận việc?
- Vâng, hi vọng cháu không đến trễ chứ?
- Không, rất đúng giờ! Có thể coi tôi là quản gia ngôi nhà này, cậu theo tôi!
Tôi dắt xe đi theo người quản gia. Ông mặc đồ làm vườn, chắc đang làm dở công chuyện. Gió rì rào luồn qua những tán cây, mát rượi. Ông quản gia dắt tôi vào phòng khách lớn rồi chỉ tay lên lầu:
- Cậu lên hết cầu thang, rẽ trái, đi thẳng đến cuối hành lang thì nhìn bên tay phải, có một căn phòng cửa gỗ màu xanh biển. Cậu cứ bước vào, cô chủ đợi cậu ở đó!
Tôi chưa kịp phản ứng thì quản gia đã biến mất, lặng lẽ như chính nét mặt của ông. Xem nào, “cô chủ” à? Hóa ra người thuê tôi lại là một cô gái! Mong rằng đó không phải là một tiểu thư đỏng đảnh, rỗi việc nên tìm cách bày trò. Tòa nhà thật kỳ lạ, có rất nhiều phòng, mỗi phòng lại sơn cửa một màu khác nhau. Nhưng tuyệt nhiên không thấy bóng người. Tôi hơi hồi hộp khi gõ cánh cửa màu xanh biển.
Không có tiếng trả lời. Tôi thử đẩy cánh cửa, nó không khóa nên tôi bước vào trong. Một căn phòng xinh xắn, gọn ghẽ và ngăn nắp. Có vẻ đây là phòng làm việc hoặc phòng học, vì tôi thấy bàn viết và máy tính. Tôi nhìn quanh quẩn, chẳng có ai cả. Vậy là sao? Tôi hơi căng thẳng. Chợt phát hiện màn hình chờ của máy tính là một dòng chữ kỳ lạ “Tôi ở gần đây thôi, hãy đi tìm tôi!”. Công việc là thế này ư? Chơi trốn tìm với một người con gái chưa biết mặt - hình như tôi đang vướng phải một trò đùa giỡn nào đó?
Tôi thấy hơi bực tức trong lòng, nhưng đúng lúc dợm quay lưng bỏ về thì ánh mắt chợt bắt gặp một gấu váy con gái màu hồng thập thò qua khe chiếc tủ đứng kê cạnh cửa sổ. Được rồi, tôi sẽ tóm cô, xem cô bày trò gì nào? Tôi nhón gót đi thật khẽ về phía chiếc tủ, đếm nhẩm trong đầu từ một đến ba rồi lấy hết sức giật tung cửa tủ ra. Những thứ đập vào mắt khiến tôi đỏ bừng mặt vì xấu hổ và tức giận, vội vàng đóng tủ lại ngay.
Trong đó toàn đồ nội y con gái treo lủng lẳng, chỉ duy nhất chiếc váy dài màu hồng được cố tình nhét giấu qua khe tủ. Rõ ràng tôi đang bị đùa giỡn, lòng tự trọng của một thằng con trai bị tổn thương nghiêm trọng! Tôi xẵng giọng nói to:
-  Một trò đùa thô thiển, xin lỗi, tôi không có hứng thú!
Đáp lời tôi là tiếng sột soạt rất khẽ phía cây móc đồ gần cửa ra vào - loại dùng để treo nón và áo khoác. Có một vài chiếc áo được cố tình treo trên đó. Tôi nói “cố tình” vì chúng là những chiếc áo khoác dài kiểu măngtô của người xứ lạnh, trong khi thành phố này mùa đông cũng có thể mặc áo cộc tay ra đường. Tiếng sột soạt lại vang lên. Một chiếc áo hơi phồng lên và chuyển động nhẹ. Ra là cô ta trốn trong đó!
Tôi bước nhanh lại, giật phắt chiếc áo xuống. Đồ tiểu thư đáng ghét, tôi sẽ cho cô ta một trận mới hả dạ. Đâu phải có tiền là muốn làm gì cũng được? Grừ! Tôi bị bất ngờ té ngửa ra sàn. Con chó lông xù trắng muốt biến mất ngay sau khi để lại cho tôi một vết cào ran rát nơi bả vai. Tôi cứ ngồi thần người như thế. Đầu óc ngổn ngang về những thứ điên rồ vừa trải qua. Tại sao tôi lại vướng vào chuyện này cơ chứ? Cái nguyện vọng chính đáng là làm ra đồng tiền để trang trải việc học của một đứa sinh viên nghèo bị chà đạp thê thảm. Tôi buồn đến nỗi quên cả tức, đứng dậy lầm lũi đi về. Bất chợt tôi nhìn thấy một cây vĩ cầm rất đẹp treo trên tường.
Thuở cha còn sống, người đã kịp dạy tôi kéo được vài bản. Đã lâu lắm rồi, từ khi cha mất, tôi không chơi lần nào nữa. Tôi tháo cây đàn xuống, vuốt ve lớp gỗ quí bóng loáng, thốt nhiên rất muốn nhớ về cha bằng một đoạn nhạc ngăn ngắn. Tôi bước lại phía cửa sổ, kê đàn lên vai rồi say sưa kéo. Ráng chiều nhuộm vàng khung cửa. Mùi cây cỏ và mùi hương hoa thoảng lẫn trong mùi gió, yên bình đến dễ chịu.
Bỗng con chó lông xù từ đâu xuất hiện, cắt đứt đoạn nhạc của tôi bằng cách chồm hai chân trước lên bệ cửa sổ rồi sủa nhặng lên. Chắc hẳn có điều gì đó ngoài kia? Tôi thấy lạ nên thò đầu ra cửa sổ xem thử. Ánh mắt tôi giật nảy, ngạc nhiên đến lặng người. Nó vừa chạm phải một ánh nhìn trong suốt, xanh như biển. Cô gái ấy co ro trong bồn hoa rậm rì dây thường xuân, mái tóc xoăn màu hạt dẻ, làn da trắng và lạnh như sứ. Vị trí ngồi đó rất nguy hiểm! Tôi lắp bắp:
- Bạn… bạn là…
- Sa Phi! Cậu gặp may đấy, con Bito cứ tưởng cậu đánh cắp cây đàn của tôi nên mới sủa dữ thế. Thôi được, cậu đã được nhận vào làm. Ngày mai cậu đến nhận việc tiếp, còn công việc hôm nay kết thúc ở đây, cậu có thể về!
Tôi bị ám ảnh bởi tòa nhà và cô gái kỳ lạ. Ánh mắt của Sa Phi xoáy lấy tâm trí tôi. Rất mơ hồ thôi nhưng dường như tôi nhận ra một thứ ấm áp loé lên khi tôi tìm thấy cô ấy. Tôi không lý giải được điều đó và bao nhiêu câu hỏi quấn lấy tôi. Có lẽ, tôi sẽ tiếp tục công việc…
Mỗi ngày, đúng giờ và đều đặn, tôi lại bấm chuông cửa, ông quản gia mở cổng dắt tôi vào, sau đó chỉ cho tôi biết mình sẽ phải tìm Sa Phi trong căn phòng cửa gỗ màu gì. Tôi đã dần quen và không còn bực tức với những trò kỳ lạ của Sa Phi nữa, nhưng vẫn không khỏi ngạc nhiên sao cô ấy nhiều trò thế nhỉ? Nhiều lúc đã mệt nhoài tìm kiếm mà cô ấy vẫn không xuất hiện, tôi phải dùng đến hạ sách cuối cùng là kéo vĩ cầm để con Bito chỉ chỗ chủ nó. Sa Phi không trách tôi vì việc đó, cứ miễn sao tôi tìm ra cô ấy trong hai giờ làm việc. Tôi vẫn mơ hồ nhận ra điều ấm áp lóe lên khi tìm ra Sa Phi.
Chính điều ấy khiến tôi cần mẫn với công việc của mình. Sau gần một tháng làm việc, điều tôi ngạc nhiên lớn nhất là ngoài Sa Phi, ông quản gia và một bà làm bếp, tôi chưa gặp ai khác trong tòa nhà thênh thang này. Những thắc mắc đều không được giải đáp vì tôi không nói chuyện được với ai cả.
Ông quản gia và bà bếp luôn lặng lẽ với công việc của mình, chỉ xuất hiện khi cần thiết. Còn Sa Phi thì ngay sau khi được tôi tìm ra luôn nói duy nhất câu “Cậu có thể về, hẹn ngày mai!”. Chỉ đôi lần cô ấy mỉm cười với tôi, khuôn mặt trắng sứ hồng lên một chút. Nhưng cũng chỉ thế, tôi chưa kịp nói gì thì Sa Phi đã bỏ đi. Nhiều lúc tôi lẩm bẩm không biết cô ấy có thật không nhỉ?
Tôi cứ bị cuốn vào công việc kỳ lạ đó, chỉ để được nhận một điều ấm áp mơ hồ không lý giải nổi. Cho đến một ngày, khi tôi tìm ra Sa Phi đằng sau gốc hoàng lan cổ thụ cuối vườn, ánh mắt trong suốt của cô ấy nhìn tôi long lanh nước. Tôi chỉ biết nắm bàn tay bằng sứ của Sa Phi thật chặt. Nó lạnh ngắt! Tôi không nói câu gì nhưng trong lòng đã quyết định phải tìm ra lời giải đáp cho những câu hỏi của mình.
Sáng hôm sau, tôi nghỉ học một buổi để đứng trước cửa nhà Sa Phi. Đợi ông quản gia lái xe chở Sa Phi đi học rồi quay về, tôi lao ra chặn trước đầu xe. Ông chỉ nhướng mày ngạc nhiên một chút rồi khuôn mặt lại trở về trạng thái lặng lẽ như cũ. Tôi đến gõ cửa kính xe rồi lễ phép xin được nói chuyện với ông về Sa Phi. Chúng tôi đi vào trong nhà và giữa khu vườn đầy gió, ông kể cho tôi nghe một câu chuyện lạ lùng…
“Sa Phi không mang trong người dòng máu Việt. Vì một lý do nào đó, con bé bị bỏ rơi trước cô nhi viện từ khi mới lọt lòng. Sa Phi lớn lên, khác biệt và lạc lõng trước những người bạn tóc đen da vàng. Con bé xinh xắn và ngoan hiền nhưng hầu như không chịu nói chuyện, chỉ thích nhất trốn vào các ngóc ngách, bụi cây để mọi người cuống lên đi tìm. Một ngày nắng đẹp, Sa Phi trốn vào bụi cúc dại rồi ngủ quên trong đó.
Khi con bé mở mắt, bắt gặp hai khuôn mặt hiền hậu đang mỉm cười với mình. Người phụ nữ nắm tay Sa Phi, hỏi con bé có muốn làm con của họ không. Đó chính là ông bà chủ tòa nhà này. Họ không thể có con nên đã nhận Sa Phi về nuôi. Con bé hạnh phúc trong vòng tay yêu thương của ba mẹ nuôi, trở thành một đứa trẻ hồn nhiên và hoạt bát như những đứa trẻ cùng lứa tuổi. Tưởng rằng cuộc đời cứ thế êm đềm trôi, ai ngờ ông bà chủ phát hiện mình bị mắc một căn bệnh truyền nhiễm hiểm nghèo.
Sau khi giao cho tôi - người quản gia thân tín - chăm sóc Sa Phi và một hệ thống các cửa hàng hoa tươi trong thành phố, họ đã bỏ đi đâu không ai rõ. Sa Phi mới có ba mẹ trong một thời gian ngắn lại trở thành đứa bé mồ côi. Cô đơn trong căn nhà lạnh lẽo thênh thang, con bé sốc nặng và lại bắt đầu đi trốn.
Khi tìm được thì nó đã lả đi vì đói. Nhà chỉ có tôi và bà bếp, chúng tôi đều đã có tuổi nên không thể suốt ngày đi tìm con bé. Cuối cùng chúng tôi nghĩ ra cách tìm một người có khả năng “tìm thấy” Sa Phi. Đã có vài người đến thử nhưng đều bỏ cuộc, chỉ đến khi cậu tình cờ làm được điều ấy. Sa Phi có vẻ đã khá lên nhiều, cậu thấy đấy, những chỗ ẩn nấp của con bé không còn khó tìm như trước nữa…”.
Giờ thì tôi đã hiểu cái điều ấm áp mơ hồ mỗi khi tìm thấy Sa Phi. Đó chính là cảm giác hạnh phúc khi sự tồn tại của mình được ai đó nhận ra, bắt gặp và giữ lấy. Sa Phi đang co cuộn trong sự cô đơn của mình. Cô ấy khao khát được ai đó tìm thấy, như đã từng được ba mẹ nuôi tìm thấy.
Buổi chiều, tôi đến sớm hơn giờ làm việc mọi hôm. Không cần phải nhấn chuông, ông quản gia đã đợi sẵn mở cổng cho tôi. Tôi men theo lối đi trải sỏi để ra vườn theo lời chỉ dẫn của ông. Sa Phi đang loay hoay trước bụi ngâu và chuẩn bị chui vào. Tôi vội chạy nhanh lại, giữ chặt bàn tay cô ấy:
- Cậu không cần trốn nữa đâu. Vì tôi đã tìm thấy cậu rồi! Cậu biết không, người được tìm thấy chưa chắc là người hạnh phúc nhất. Những người “đi tìm” như tôi và ba mẹ nuôi của cậu khi tìm ra cậu cũng thật sự hạnh phúc. Cậu hiểu không? Nếu muốn trốn, hãy để tôi tìm ra cậu, đồng ý nhé?
Ánh mắt xanh như biển xuyên thấu tôi, trong veo nước. Sa Phi mấp máy môi “Cảm ơn…” rồi nhoẻn cười. Một điều ấm áp đang len lỏi vào tôi, rất rõ ràng. Bàn tay bằng sứ đã không còn lạnh nữa… 

NGỌC NGA

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Popular Posts

Blogger news

About




Powered by  MyPagerank.Net

Academics Blogs
Bookmark and Share

Blog Archive