Phần 06: Nói ngang như làng cua
23/6/10
0
nhận xét
Gặp mấy đứa trẻ đang chơi bắn bi trước sân đình làng, tôi hỏi thăm: “Các cháu có phải dân làng Phụng Pháp không?”. Một cậu bé gương mặt lém lỉnh trả lời: “Vừa là Phụng Pháp vừa không Phụng Pháp ạ”. “Sao lạ vậy?”. “Vì chúng con là dân làng Cua ạ”. Tới khi hỏi thăm đường: “Từ đây đến nhà trưởng thôn còn xa không cháu?”. “Vừa xa lại vừa gần chú ạ”. Tôi bắt đầu cảm thấy bực mình. “Đường thì vẫn thế thôi. Nhưng chú đi chậm thì xa, đi nhanh thì gần”. Đám trẻ hò reo khi tôi mắc lỡm chúng.
Ghé vào nhà trưởng thôn Hoàng Văn Chính hỏi về “bí quyết” nói ngang của người làng Cua, ông Chính lắc đầu: “Tôi có phải là người làng Cua đâu mà hỏi”. Tôi chưng hửng: “Vậy trưởng thôn dân làng nào?”. Trưởng thôn lại tỉnh bơ: “Dân làng này chứ làng nào”. Rồi ông Chính cười khà khà, nâng cốc trà: “Tôi từng đi bộ đội, làm ruộng ở bên Bắc Ninh nên vừa là người Phụng Pháp lại vừa không. Tôi thích trả lời sao cũng được, dân làng Cua là như vậy đấy!”.
Ông Chính kể mới tháng trước, có một gia đình từ làng khác đến Phụng Pháp dạm hỏi vợ cho con trai mình, nhưng nói chuyện với bên nhà gái được nửa buổi thì bực mình quá phải bỏ về. Ông bố kéo cậu con trai ra cổng: “Chẳng cưới xin gì nữa. Nhà gì mà nói ngang như cua ấy”. Hỏi ra mới biết khi vừa đến bên nhà gái, ông bố chàng trai chào hai ông bà sui gia tương lai: “Dạ, chào anh chị”. Bố cô gái bắt bẻ ngay: “Sao lại là anh chị. Biết tuổi vợ chồng tôi thế nào mà xưng hô anh, chị?”. Một lúc sau, có cụ già từ ngoài vườn bước vào nhà, bố chàng trai hỏi nhỏ bố cô gái: “Cụ là bố vợ hay bố đẻ của bác thế?”. “Bố vợ đấy nhưng lại là bố đẻ”. “Bố vợ là bố vợ, bố đẻ là bố đẻ chứ ”. “Bố vợ tôi nhưng là bố đẻ của em vợ tôi!”.
“Nhiều vụ làm ăn, cưới xin, dạm hỏi suýt dở dang vì cách nói chuyện của dân làng Cua đấy. Nhưng nói ngang như cua là truyền thống xưa nay của làng này rồi, không bỏ được”- ông Chính bảo. Ngay dân làng Cua đi nơi khác cũng bị nhận ra ngay vì cách nói làm người nghe tức sôi cả ruột. Nhưng nếu đã biết người làng Cua và cách nói ngang của làng này thì sẽ không còn bực mình nữa, như lời ông Chính: “Cách nói ngang của dân làng Cua chủ yếu chỉ để khôi hài, tếu táo cho vui cả làng thôi”.
Cụ Hoàng Ân, 76 tuổi, một trong những người được dân làng tôn là “sư tổ” món nói ngang làng Phụng Pháp, bảo: “Theo sử sách thì ngày xưa làng có cua ngon nổi tiếng, nấu canh cua tiến vua nên được gọi làng Cua. Nhưng nguyên nhân sâu xa còn vì cách nói ngang từ hàng ngàn năm nay của dân Phụng Pháp mà làng có tên làng Cua. “Nói ngang như làng Cua” trở thành thành ngữ không chỉ của xứ Bắc Giang mà còn lan ra khắp Bắc bộ.
Cụ Ân nói: “Đã là cua thì phải ngang. Nói ngang sao cho người ta thấy hợp lý, không cãi được mà lại phát cười thì mới là “bí quyết” của người làng Cua”. Nghệ thuật nói ngang làng Cua còn ở chỗ phải ứng khẩu thật nhanh, trong mọi tình huống đều có thể đối đáp, trả lời ngay được. Lạ một điều là dân Phụng Pháp quanh năm gắn bó với đồng ruộng, con trâu, cái cày, học vấn phần lớn đều khá thấp vậy mà nghệ thuật nói ngang về câu chữ rất “sành điệu”. Dân có học của các làng khác sang nói ngang không lại ra về mà “tâm phục, khẩu phục”.
Trong đình làng Cua hiện vẫn còn những tấm bia cổ ghi lại những điển tích, những câu chuyện, “bí quyết” nói ngang được lưu truyền từ bao thế hệ của làng. Theo cụ Ân, để những “bí quyết” nói ngang của làng Cua không bị thất truyền, dân làng có “hương ước” thỏa thuận với nhau rằng, dù đi đâu, làm công việc gì thì vẫn phải giữ “truyền thống nói ngang”. Cứ nghe cách nói ngang là biết biết họ hàng, thôn xóm. Nhưng tùy nơi, tùy vùng, tùy đối tượng tiếp xúc mà cách nói ngang được “cách tân” cho hợp lý. Cụ Ân và những người cao tuổi trong làng đang sưu tập và ghi lại thành những cuốn sách về nghệ thuật nói ngang và những cách nói tiêu biểu của người trong làng.
Buổi tối, tôi theo anh Chính ra sân đình tham dự hội diễn hát chèo và hội thi “nói ngang mừng xuân” của làng. Ngồi cạnh chúng tôi là hai chị em gái. Xem diễn văn nghệ một lúc, cô chị hỏi cô em: “Muốn về chưa?”. “Em vừa muốn về vừa muốn ở. Buồn ngủ quá, vừa muốn về ngủ cho sướng mắt, vừa muốn ở xem văn nghệ hay quá”. Cô chị nhẹ nhàng đáp: “Thì cứ ở đây, vừa xem vừa ngủ, được cả hai đàng”. Cả hai chị em cùng phá ra cười.
VŨ BÌNH và các phóng viên báo TUỔI TRẺ
==============
Bực mình với Can Vũ
Dân làng Can Vũ (Quế Võ, Bắc Ninh) nói chuyện rất ôn tồn, nhỏ nhẹ và có vẻ như rất thật thà. Chỉ có điều người khác nghe xong mà không phát cáu, nổi xung thiên thì không phải là người Can Vũ.
Làm cho người khác bực mình một cách có văn hóa là một nghệ thuật ở vùng quê này. Điển hình như giai thoại đã quá quen thuộc với dân trào lộng khắp nước: có người lạ tìm đường đến làng Can Vũ hỏi “Còn mấy cây số đến làng?”, dân làng đáp: “Tôi có phải cán bộ lâm nghiệp đâu mà hỏi cây với cối”.
Nhưng theo cụ Nguyễn Văn Khuyên, một trong những bậc lão gia chuyên “nói tức” của làng Can Vũ: “Nói tức là xưa rồi, bây giờ người làng từ người già đến trẻ con còn biết hát tức, nghĩa là hát quan họ giao duyên để chọc tức người khác. Rồi cụ hát luôn: “Mình về em mà chẳng muốn cho về. Ở thêm dăm bữa để mà nghe em trêu đùa”.
Nói tức hay hát tức được người dân làng Can Vũ tự hào khoe là nghệ thuật “nói tức giao duyên”. Nói khiến người ta phát cáu, sôi ruột, sôi gan vì tức nhưng lại nói với phong thái ôn tồn, nhỏ nhẹ, trông rất thật thà, chân thật. “Nói tức mà nhẹ nhàng như hát. Người ta bực bội mà vẫn phải cười vui vì mình nói quá hợp lý mới là cái độc đáo của người Can Vũ chúng tôi”- cụ Khuyên bảo vậy.
Chúng tôi ghé ngang cửa hàng bán tương ớt, nước mắm gần cuối làng. Có một ông đến trước cửa hàng cầm ngược chai vẩy liên tục. Chị bán hàng đón chai, hỏi: “Bác đưa đây để cháu đong. Bác vẩy gì mà lắm thế?”. Ông vẩy chai liền bảo: “Tôi phải vẩy cho hết nước đi, vì cần bao nhiêu nước lã thì trong nước mắm của chị đã có đủ rồi”. Cụ Khuyên giới thiệu đấy là ông Định, cũng là một trong những “bậc thầy” nói tức của làng. Cụ Khuyên mở lời: “Chào chú, dạo này đi đâu mà lâu quá không gặp? Chị nhà và các cháu vẫn chịu ăn, chịu chơi cả chứ?”. Ông Định đáp ngay: “Cảm ơn cụ hỏi thăm, được cái các cháu vẫn chịu ăn, mẹ cháu vẫn chịu chơi!”.
Tương truyền rằng truyền thống nói tức của làng hình thành từ khi làng mới được một vị tướng của Thánh Gióng lập nên. Khi Thánh Gióng đi đánh giặc ngoại xâm, vị tướng này cùng với người dân làng theo phò Thánh Gióng. Đội quân nói tức của làng chuyên sử dụng “chiêu” nói tức để trêu quân giặc đến độ chúng tức ói máu quên cả đánh trận, bị quân Thánh Gióng đánh cho tơi bời.
Can Vũ nổi tiếng đến mức dân các làng khác như Đông Loan, Nội Hoàng… từng cử người sang đây xin học, xin được “tập huấn” “bí quyết” nói tức của làng. “Truyền thuyết về nói tức thì ly kỳ vậy. Chẳng biết thực hư thế nào nhưng người ta bảo làng này đứa trẻ mới sinh ra đời cũng biết khóc tức, tiếng khóc của chúng khiến người ta phải dỗ đến mệt nhoài”- ông Phái nói vậy.
Theo ông Phái, thật ra cũng chẳng có “bí quyết” gia truyền gì cả: “Hơn nhau chủ yếu ở sự nhanh trí, sắc sảo trong lúc trò chuyện, đưa người khác vào những tình huống bất ngờ và gài bẫy câu chữ khi đối đáp”. Cụ Khuyên kể, trước đây, người Can Vũ nghe tiếng làng Tiên Lục nói khoác ghê gớm nên nên tìm đến thi thố. Một ông người làng Tiên Lục khoe với ông người làng Can Vũ rằng con trai ông mới được đi theo phái đoàn của chính phủ sang thăm nước “Cu ba hay cu bốn gì đấy tôi không nhớ nhưng nghe bảo nước này ở đâu xa lắm, gần bọn đế quốc Mỹ. Ở tỉnh này chỉ có mỗi con tôi được vinh dự chọn đi”. Ông người làng Can Vũ hỏi lại: “Ông không nhớ tên nước à”. “Ừ, chả biết cu ba hay cu bốn, quên rồi”. Cậu bé con ông Can Vũ xen vào: “Hay là cu ba rưỡi hả bác?”.
Trước khi tạm biệt làng nói tức, tôi cùng ông Phái ra chợ nhỏ đầu làng ăn sáng. Ngang hàng rau, một chị bán chanh, ớt mời: “Chú Phái ăn chanh đi ạ!”. “Không, chua bỏ mẹ”. “Chú ăn ớt đi ạ”. “Không, cay lắm”. Chị bán hàng nguýt: “Cái lão dở hơi này, chanh chẳng chua, ớt chẳng cay thì bán cho ai? Không mua thì thôi lại còn nói tức”. Ông Phái đáp lễ: “Có mà nhà chị dở hơi ấy. Người ta mua về thì cả nhà ăn, ai lại đi bảo người ta ăn, người ta không thích chứ sao?”.
Dân Can Vũ có câu “Can Vũ ăn cơm cũ, nói tức mới”, có ý nói về đời sống còn nghèo về vật chất nhưng phong phú về đời sống tinh thần. Nói tức Can Vũ được các nhà nghiên cứu nhận xét là cách nói vui, ứng tác trong đời sống hàng ngày theo kiểu nói mát, nói mỉa vừa hài hước vừa châm biếm.. |
VŨ BÌNH và các phóng viên báo TUỔI TRẺ
0 nhận xét:
Đăng nhận xét