Your Adsense Link 728 X 15

02: Tay Trắng Làm Nên

Posted by Kenny Phạm 24/7/10 0 nhận xét
Chương 3
COI CHỪNG CÁC THÀNH KIẾN !
Trong thế giới hiện đại, muốn thành công lâu bền thì phải  biết sống điều độ. Các nhà hoạt động đều biết rằng hi sinh sức  khoẻ tức là hi sinh tuổi thọ của mình, mà mỗi năm có một giá trị  lớn trong đời sống của ta. Cho nên họ biết tự vệ, không để kẻ thù  tấn công.
Sự can đảm về tinh thần một phần do trí óc mà một phần  cũng do bao tử. Thiếu sự can đảm đó, nhà kinh doanh chỉ là hạng  rất tầm thường. Cho nên sự điều độ là một trong những bí quyết  để thành công.
Trước hết, tôi nhiệt liệt khuyên những thanh niên có cao  vọng nên ít uống rượu. Tôi không muốn rằng luật pháp quy định  phong tục, nhưng điều tôi nói đây không phải vô căn cứ đâu;  không một người nào có thể thành công lớn được nếu mang cái tật  rượu chè be bét; nhưng một nhà kinh doanh mà gia nhập hội  chống uống rượu thì cũng khó thành công được.
Xã hội hiện đại phức tạp buộc chúng ta phải biết điều độ.  Khoa học tiên tiến đem lại những điều kiện sống với nhiều phương  tiện dành cho con người. Chúng ta không thể từ chối những tiện  nghi đó.
Con người vừa làm chủ vừa là nô lệ những máy móc mình  dùng như điện tín, điện thoại, máy ghi âm. Trong cảnh ồn ào bất  tận ở nơi làm việc, muốn giữ cho sự phán đoán được sáng suốt,  thần kinh được thăng bằng, tinh thần được thảnh thơi thì phải  biết tự chủ, nghĩa là tự kiểm soát được mình và sống có điều độ.  Đó là cái giá mà ta phải trả cho khoa học.
Tôi cũng tha thiết xin thanh niên phải kiểm soát và điều tiết  thái độ, cử chỉ, ngôn ngữ và công việc của mình nữa. Nhất là phải  tránh thái độ ngạo mạn vênh váo.
Thái độ đó phát sinh ra sao? Ban đầu, một thanh niên nhờ  hoạt động mà bắt đầu có địa vị trong xã hội rồi có vẻ coi thường  những người khác. Thế là đã khởi sự xuống một cái dốc nguy hiểm  rồi đấy.
Thái độ đó không phải là thói tự đắc, vì tự đắc là tự đánh giá  một cách đúng hay sai quyền hành cùng trách nhiệm của mình;  cũng không phải là thói tự đại, tự phụ vì tự đại tự phụ là tự cho  mình những đức mà mình không có.
Thái độ ngạo mạn, vênh váo còn nguy hiểm hơn những tật đó  nhiều. Nó là cảm giác cho rằng chỉ mình mới có tài năng, còn  chung quanh toàn là những kẻ ngu ngốc, vậy thì chỉ cần làm theo  ý mình, bất tất phải quan tâm tới quyền lợi, cảm xúc của kẻ khác:  họ buồn, giận, mủi lòng cũng mặc họ.
Hồi trẻ ta thành công mà chỉ làm thương tổn lòng tự ái của  một người thôi, thì tới tuổi xế bóng ta sẽ có cả trăm kẻ thù bất  động đái thiên với ta đấy.
Họ sẽ đem những lỗi nhỏ lỗi lớn của ta, từ những lỗi thiếu tế  nhị, giám thức, lỗi quen áp chế, tới lỗi diệt thần tượng cũ để dựng  thần tượng mới, mà tấn công ta.
Trong lúc hăng hái tranh đấu cho công việc làm ăn, ta không  để ý tới những cái đó, cũng như trên chiến trường, hăng tiết chém  giết nhau, người ta không để ý tới vết thương của địch. Nhưng rồi  kẻ bại trận nhớ lại hết và uất hận ngấm ngầm về thái độ ngạo  mạn của kẻ đã thắng mình.
Nhiều năm trôi qua, khi mà có vẻ như mọi sự đều đã rơi vào  lãng quên, chính kẻ thắng cũng chỉ còn lờ mờ nhớ những chuyện  trước kia, thì thình lình bị một kẻ mình tưởng là thân thiện với  mình, đập mình một cách bất ngờ.
Như bị kẻ ném đá sau lưng, người đó lảo đảo, la lên: “Tại sao  hắn bỗng xuất hiện từ bóng tối để đánh tôi? Tôi có làm gì hắn  đâu?” Rồi cố tìm trong dĩ vãng, mới sực nhớ ra rằng, đã từ lâu lắm  mình có lần tỏ ra ngạo mạn - lúc trẻ mình tự cho là có quyền như  vậy - và bây giờ, về già, phải trả giá cho những lỗi lẫm của mình  hồi trẻ.
Một số thành kiến cũng là dấu hiệu của tinh thần thiếu điều  độ.
Thói có thành kiến còn tai hại hơn thói ngạo mạn, vì thói  ngạo mạn chỉ xuất hiện sau khi mình đã thành công ít nhiều rồi,  và như vậy còn có chút lí do, chứ thói có thành kiến thì chẳng đợi khi đã thành công rồi mới có. Thói quen thành kiến cơ hồ như do  di truyền, do lây những người chung quanh mà ta mắc cái tật đó  nặng từ hồi nhỏ; muốn diệt được nó phải trải đời và nhận định cho  đúng rồi cương quyết tự cải.
Vì vậy óc thành kiến là một tật rất lớn. ảnh hưởng của nó  còn tai hại hơn tất cả những tật khác nữa.
Nó có tính cách phá hoại óc phán đoán của ta, làm cho óc ta  hóa hẹp hòi. Diệt được nó thì cũng như gỡ được một cái gông cùm  ghê gớm cho tâm hồn ta.
Không diệt được nó thì nó có thể mỗi ngày mỗi cứng mạnh  lên và biến thành tật bướng bỉnh mà không có gì nguy hiểm bằng  định kiến. Không có gì ngốc bằng tuyên bố: “Ông muốn nói gì cứ  nói, ý tôi đã định, không bao giờ tôi đổi ý đâu”. Thường thường  người ta đưa lí lẽ đó ra để che đậy một sự thất bại rõ rệt của mình.
Con người bướng bỉnh đâu có nhìn thấy được sự thực. Họ  không để ý tới biến cố, lịch sử, thời đại, không để ý tới người ngoài  đường. Con người có định kiến luôn luôn chỉ dùng mỗi một tiêu  chuẩn để xét tất cả những biến chuyển trên thế giới, hoàn cảnh  trong vũ trụ.
Người nào thành công thì không có định kiến, mà biết tuỳ  theo cảnh, sửa đổi ý kiến của mình, nhờ có một lương thức luôn  luôn tỉnh táo.

Chương 4
LÀM SAO TRỪ ĐƯỢC TÍNH SỢ SỆT
Không có đức can đảm, thì không ai có thể đi xa trên con  đường thành công được.
ở đây tôi không muốn nói tới sự can đảm về thể chất của các  dũng sĩ trên chiến trường, mà tôi muốn nói về một đức hiếm có  hơn, đức can đảm về tinh thần.
Đức này khác hẳn tính bướng bỉnh, cố chấp vì bướng bỉnh, cố  chấp nhiều khi chỉ là hình thức của thói hèn nhát. Biết bao sự nhu  nhược do thói bướng bỉnh mà ra.
Có những kẻ cố bám một cách tuyệt vọng vào một công việc  làm ăn nào đó với hi vọng điên cuồng rằng, nhờ Trời Phật phù hộ,  thất bại sẽ đột nhiên chuyển thành thắng lợi. Họ hi vọng hão  huyền sẽ có những ngày tươi đẹp hơn, mà chính trí óc họ bảo họ  rằng những ngày đó không khi nào tới đâu.
Thái độ đó không phải là can đảm, cũng không phải là bướng  bỉnh; nói thẳng ra, nó là thái độ ngu xuẩn. Khi lí trí ra lệnh cho ta  bỏ một trận tuyến nào đi để bắt đầu lại một vị trí khác, mà ta cứ  ương ngạnh không chịu nghe thì không phải là ta có tinh thần can  đảm mà chính là ta nhút nhát về trí tuệ đó.
Không thể tách rời sự can đảm và lương thức được.  Nhưng một mặt khác, quá mau mắn chịu dung hòa, cũng có thể là nhút nhát đấy. Một người có tinh thần đó cho rằng có ít mà  chắc chắn còn hơn là mạo hiểm để có nhiều.
Muốn thành công trong sự thương lượng các việc làm ăn lớn  thì phải biết theo dõi cho hợp lúc sự biến chuyển của mọi việc, sự  thay đổi của tình hình cùng quan điểm mỗi người, bạn cũng như  thù. Muốn làm ăn lớn, phải tránh xa những quan điểm cứng ngắc  của hạng người giữ đúng chủ nghĩa, nguyên tắc. óc ta phải khoáng  đạt, uyển chuyển, dễ tiếp thu những quan điểm mới, những ý kiến  khác ta.
Nhưng đức đó của nhà kinh doanh, một đức hợp với tính tình  của nghệ sĩ, có thể biến tướng mà thành nhu thuận, ai bảo sao  nghe vậy.
Lúc đó ta sẽ hóa ra nhu nhược, không bao giờ dám chiến đấu  nữa, luôn luôn tìm cách thỏa thuận với đối phương để lượm những  miếng vụn, đồ thừa người ta thí cho.
Mỗi khi qua một giai đoạn mới trong công việc làm ăn thì  thấy con đường mòn dễ đi vẫn thích thú hơn, mà con đường leo  sườn đồi gồ ghề hơn, khó đi hơn. Nếu ta cứ theo thói quen, lựa con  đường dễ đi thì óc ta không tiến mà tinh thần ta suy dần.
Có một lần tôi phải khó khăn lựa chọn: một là giữ vững cái  thế của tôi, hai là dung hòa. Hồi đó tôi còn trẻ và phải thành lập  công ty ximăng Canađa. Người muốn bán lại một cơ sở cho công ty  đòi một giá quá cao. Rõ ràng là ông ta ra giá quá cao như vậy chỉ  để có đủ tiền trả nợ thôi.
Viên chủ tịch giám đốc cơ sở giao thiệp với các nhóm tài  chính có thế lực nhất ở Canađa. Một thanh niên như tôi hồi đó mà  được lòng các ông bự ấy thì mau phát lắm, trái lại nếu bị các ông  đó ghét, thì sự nghiệp nhỏ nhoi của tôi sẽ sụp đổ liền. Mua theo cái  giá cao đó, không có hại lớn gì cho tôi cả, nhưng có hại cho người có  phần hùn trong công ty.
Nhận bao giờ cũng dễ dàng hơn từ chối. Nhất là người ta  dùng mọi áp lực để buộc tôi phải mua lại cơ sở với giá người ta đưa  ra.
Tôi từ chối. Tức thì kẻ thù của tôi dùng mọi phương tiện  mạnh mẽ vô cùng để gây ảnh hưởng xấu tới dư luận mà tấn công  tôi. Họ điều khiển chiến dịch rất khéo léo. Trước kia họ cố thuyết  phục tôi để tôi lừa gạt những người có phần hùn thì bây giờ lại  chính họ xúi giục những người có phần hùn đó tố cáo, mạt sát tôi  là đã thành lập một công ty tổ hợp.
Bây giờ tôi già rồi, có thể thú thực rằng hồi trẻ bị tấn công  một cách bất công như vậy tôi đau xót lắm. Nhưng tôi không ân  hận gì cả. Tại sao? Tại nhờ những lời chỉ trích đầu tiên tàn nhẫn  đó mà tôi hiểu đời hơn và về sau, giữ được một thái độ hoàn toàn  thản nhiên trước mọi sự tấn công độc địa.
Lại thêm, chút tia sáng le lói ở trong óc tôi cho tôi hiểu rằng  nếu lần đó tôi đã chịu nhường trước áp lực của họ thì tôi sẽ có cảm giác là chịu đầu hàng về tinh thần mà sức mạnh hoạt động của tôi  trong việc kinh doanh chắc chắn thế nào cũng giảm sút. Tôi sẽ do  thói quen mà thành thông thạo chứ không dùng lí trí nữa và sẽ  mất hết nghị lực tinh thần, vì chỉ có chiến đấu mới có được nghị  lực.
Người thanh niên nào bước vào lĩnh vực kinh doanh cũng sẽ  có lúc gặp cuộc khủng hoảng như vậy, nó làm cho nghề của mình  nghiêng về phía này hay phía khác, làm cho thuật thương thuyết  từ trước của mình đổi mới hẳn.
Bạn sẽ hỏi tôi: “Nhưng tôi không hiểu ý ông muốn khuyên tôi  điều gì. Ông bảo tôi phải có chừng, đừng quá cương quyết, cố chấp  rồi đồng thời ông lại nhắc tôi đừng có thái độ thỏa hiệp, thế là  nghĩa làm sao?”
Đó là câu hỏi từ xưa người ta vẫn thường đặt ra: làm sao có  thể dung hòa thái độ cương quyết và thái độ thích ứng với hoàn  cảnh. Chỉ có mỗi một cách trả lời là phải luyện cả hai đức đó. Phải  hành động tuỳ theo hoàn cảnh chung quanh mà vẫn trung thực  với chính mình, cố giữ đường lối của mình.
Có gặp một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đặc biệt mới  phải đương đầu với sự thử thách chủ yếu đó. Lúc đó phải xét kĩ  vấn đề tuỳ theo sự quan trọng của nó, và quyết định của ta sẽ ảnh  hưởng tới tương lai trong nghề của ta.
Nhưng tôi nghĩ cần khuyên bạn ở đây một lời thực tế. Đừng  nóng nảy, đừng doạ dẫm; trong việc kinh doanh, đừng bao giờ có  thái độ ấy.
Người nào làm ăn lớn thì thế nào cũng có lúc gặp một tình  trạng bối rối. Lúc đó cần nhất là phải can đảm về tinh thần. Hễ  đại đởm thì sẽ có cái đà để tăng năng lực của mình lên và làm  giảm năng lực của những kẻ cạnh tranh với mình.
Bạn có thể chắc chắn rằng trong đời làm ăn, bạn sẽ nhiều lần  gặp cảnh bối rối về tài chính. Chúng ta ở trong một thời kinh tế đã  thịnh vượng và phát triển từ lâu, thế nào rồi cũng thay đổi, sẽ tới  hồi kinh tế suy sụp làm điên đảo giới kinh doanh.
Muốn đương đầu với một cuộc khủng hoảng như vậy, trước  hết phải xét kĩ mọi sự kiện rồi để ý tới những sự thẩm định sai  lầm của người khác. Trong các trường hợp đặc biệt, người nào có  trí óc uyển chuyển, lanh lợi sẽ không lúng túng vì biết tạo ra những khí giới và phương tiện để thích ứng với mọi giai đoạn của  tình thế.
Người khôn, biết quyền biến, gặp một tình thế bất thường thì  hành động một cách bất thường.
Nhưng xét cho kĩ thì những thời khủng hoảng ít khi xảy ra  lắm. Cái nguy cơ thường xuyên chính là những cuộc khủng hoảng  tinh thần của chính ta.
Nếu ta không biết nhìn vào phía sau cái vẻ mặt bề ngoài của  người khác trong khi họ làm việc thì không làm sao ta hiểu được  tại sao có nhiều người thao thức suốt đêm, lo sợ những tai nạn  tưởng tượng có lẽ không bao giờ xảy ra.
Những người đó không biết giữ sự bình tĩnh, họ thiếu một  thứ can đảm nào đó thành thử bị óc tưởng tượng của chính mình  quấy phá.
Chính hạng người đó vội vàng bán tháo những món rất tốt vì  họ không đủ can đảm để giữ giá, thành thử làm lợi cho người mua.  Người mua không đáng trách mà người bán thì đáng thương.  Người nào đó can đảm hành động theo óc lí luận của mình thì nhất  định sẽ thắng.
Làm sao trừ được trong óc ta cái sợ sệt không có đối tượng -  cái sợ sệt một phần ở tiềm thức, một phần ở ý thức - day dứt ta đó?
Chỉ có cách cố ý gắng sức dùng nghị lực và trí tuệ mới diệt  được nó.
Tôi chỉ có thể mách bạn được một phương thuốc. Khi hiện tại  làm cho bạn lo âu, thì bạn nhớ lại những lúc lo lắng nhất đã qua.  Như vậy, óc bạn không phải chỉ bị một nỗi sợ sệt mà bị tới hai nỗi  sợ sệt xâm chiếm, mà nỗi sợ sệt hồi trước mạnh hơn sẽ lấn nỗi sợ  sệt hiện nay.
Bạn sẽ tự phụ: “Không có gì ghê gớm hơn cuộc khủng hoảng  thời đó mà mình cũng đã thắng nổi và chẳng làm sao cả. Vậy thì  có lí gì mình không vượt nổi tình thế hiện nay, kém gay go, kém  nguy hiểm hơn xưa nhiều”.
Nhờ cách đó mà ta rèn được một nghị lực thắng nổi mọi trở  ngại.
Người nào chống được những cuộc khủng hoảng nội tâm đó  sẽ không còn ngại gì dông tố ở ngoài đời.
Người can đảm không bỏ lỡ một cơ hội nào cả. Đức can đảm  cũng như tài trí, có thể phát triển tới cực độ nếu cơ thể ta khoẻ  mạnh.
Tôi đã nói rằng sự can đảm về tinh thần hiếm hơn sự can  đảm về thể chất. Nó quá hiếm, cực kỳ hiếm nữa. Người có can đảm  giữ vững ý kiến của mình là một biệt lệ chứ không phải là một  thông lệ.
Người ta thường cho rằng tính táo bạo, dám đưa ra một lời  phán đoán dứt khoát, thường làm hại cho ta, ta nên nịnh hót, a  dua, chiều đời, nếu thấy ý kiến của mình không được người khác  tha thứ, chấp nhận thì, đừng tuyên bố ra, như vậy có lợi hơn.
Lời đó có đúng không?
Tôi sẽ trả lời dứt khoát rằng thà chịu nghèo còn hơn là thành  công mà mất tư cách con người.
Tôi không chấp nhận rằng tinh thần nô lệ, ti tiện cần thiết  trong công việc kinh doanh. Không bao giờ nó đưa tới một sự  thành công thực sự cả.
Cương quyết nhưng không ương ngạnh, vui tính nhưng  không kỳ khôi, mềm mỏng nhưng không nhu nhược, có tinh thần  kinh doanh nhưng không hấp tấp, lộn xộn, đó là những đức nó cứu  ta khi gặp vận rủi.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Popular Posts

Blogger news

About




Powered by  MyPagerank.Net

Academics Blogs
Bookmark and Share

Blog Archive