Your Adsense Link 728 X 15

05: Phút Nhìn Lại Mình

Posted by Kenny Phạm 24/7/10 0 nhận xét
Và nhờ thế, những ưu phiền và lo lắng của bạn sẽ giảm đi

Trước đây, chàng trai hầu như quên mất điều này. Để được thanh thản hơn, anh cần phải biết nhìn thẳng vào những điều tồi tệ của sự việc cho đến khi nhận ra được mặt tích cực của nó. Cách đơn giản nhất để thực hiện được điều này là im lặng lắng nghe sự khôn ngoan bên trong mình mách bảo.
Vì thế, anh nhìn lại vấn đề theo một quan điểm khác. Rồi anh chợt cảm thấy khá thoải mái và không còn bị ám ảnh bởi cuộc họp ngày mai nữa. Anh trở nên lạc quan và tự tin.
Sáng hôm sau, chính chàng trai cũng phải ngạc nhiên trước sự tỉnh táo của mình trong cuộc họp. Trong khi đó, hai người cộng sự của anh lại không giấu được vẻ uể oải và thiếu tập trung. Anh tự nhủ, nếu họ quan tâm đến bí quyết thư giãn của anh thì anh sẵn sàng chia sẻ ngay, nhưng hình như họ chỉ muốn được quay về nhà sớm.
Đối với anh, đây quả là một khám phá mới trong cách suy nghĩ. Thường thì anh cũng hay nghe nói đến tác dụng tích cực của một thái độ đúng đắn. Nhưng anh không tin lắm và hay cảm thấy khó chịu khi nghe ai đó phát biểu: “Khi cánh cửa hạnh phúc đóng lại, một cánh cửa khác mở ra. Người ta thường chỉ chú ý vào cánh cửa đang đóng mà không thấy được cái khác đang mở”. Giờ thì anh đã nghiệm ra được phần nào ẩn ý của câu nói này. Xác định được cho mình một thái độ đúng đắn trước hoàn cảnh là một việc làm rất có giá trị. Và anh đã làm được điều đó.
Giờ đây anh không còn nghi ngờ gì nữa về giá trị của một phút tự quan tâm đến mình. Nhờ đó mà anh đã khơi dậy được phần khôn ngoan tiềm ẩn bên trong, để cho nó dẫn đường và đưa anh đến với những quyết định sáng suốt. Anh tự nhủ từ nay sẽ không bỏ qua bất kỳ cơ hội nào để sử dụng một phút dành cho bản thân.V
ào một buổi sáng đẹp trời, như thường lệ, chàng trai thức dậy và bước vào phòng tắm. Việc đầu tiên của anh là với lấy chiếc máy cạo râu. Khi lưỡi cạo chạy qua vùng quai hàm, anh chợt thấy những đốm đỏ lốm đốm trên da. Trước đây, cũng đã có vài lần anh bị thế nhưng anh đã cố tình lờ đi, coi đó chỉ là chuyện nhỏ. Song thỉnh thoảng, vùng da đó cũng làm anh thấy ngứa ngáy và khó chịu.
Hôm nay cũng vậy, anh định cho qua và không để ý đến nữa.
Nhưng rồi, anh tạm ngừng việc cạo râu và tự nói với mình: “Bỏ qua không phải là cách tốt nhất mà mình có thể làm cho bản thân”. Anh đã biết rõ là mình cần phải làm gì. Đúng hơn là anh đã từng nghĩ đến giải pháp này rất nhiều lần, nhưng chưa bao giờ thực hiện.
Vài ngày sau, anh đến bệnh viện và sau 45 phút, anh trở về nhà với tâm trạng thoải mái và hết sức hài lòng về những gì mình vừa làm được cho bản thân. Bác sĩ đã chẩn đoán và kê đơn thuốc cho anh. Chẳng bao lâu nữa, những đốm mẩn ngứa trên mặt anh sẽ hoàn toàn biến mất. Sau đó, anh còn phát hiện chứng dị ứng trên da là do loại dầu gội anh đang dùng gây ra, vì nó có chứa một thành phần gây kích ứng. Thì ra mẹ anh, do bị ảnh hưởng bởi chiến dịch quảng cáo loại dầu gội này trên tivi nên đã mua về. Dĩ nhiên, anh khuyên mẹ thôi không mua loại dầu gội đó nữa. 
Qua việc nhỏ này, anh tự trách mình đã không biết chăm sóc bản thân sớm hơn và thường xuyên hơn. Một điều khác khiến anh thấy hối hận, là trong nhiều tình huống khá quan trọng, anh đã quên dành ra cho mình một phút để lắng nghe mình.
Cần phải nghiêm khắc với bản thân và nỗ lực hơn để thay đổi – đó là những gì anh tự hứa với mình, sau tất cả những chuyện đã xảy ra. Cách tốt nhất là phải liên tục sử dụng phút nhìn lại mình, dành cho riêng mình cố gắng lặp lại nhiều lần trong một thời gian cho đến khi trở thành thói quen. Rồi thói quen đó sẽ trở thành một nguyên tắc hữu ích cho cuộc sống của anh.
Những ngày tiếp theo, anh không ngừng sử dụng một phút tự quan tâm, ít nhất là vài lần trong một ngày. Qua đó, anh dần hiểu bản thân mình hơn, về những việc mình làm và cả những điều mình suy nghĩ.
Cũng có những lúc việc ngừng lại để suy nghĩ và lắng nghe bản thân của anh diễn ra lâu hơn. Nhưng điều đó cũng không ảnh hưởng gì đến kết quả. Khả năng xét đoán tình huống của anh ngày càng trở nên nhanh nhạy, các quyết định đưa ra nhờ thế cũng chuẩn xác hơn.
Dần dần, anh khám phá ra được rất nhiều cách quan tâm đến bản thân khác nhau. Chúng giúp anh nhận ra được nhiều điều mới mẻ trong cuộc sống.
Sau một tháng, anh đã trở nên khác đi. Quan trọng nhất là bây giờ anh đã cảm thấy vui vẻ hơn so với trước kia.
Nhưng… dù đã hết sức cố gắng, anh vẫn chưa thật sự biến việc sử dụng một phút thành thói quen, như anh mong muốn. Trong nhiều tình huống, anh đã không nhớ đến phương pháp một phút và cư xử khá nông nổi.
Anh chợt nghĩ đến câu chuyện về ngày đầu tiên đi học của một cậu bé. Khi cậu vừa về tới nhà, vì rất quan tâm và lo lắng cho cậu nên bố mẹ cậu đã hỏi ngay: “Ngày đầu con có phải học nhiều không?”. Cậu bé vô tư trả lời: “Không ạ! Ngày mai con còn phải quay lại đó để học nữa mà”.
Giờ đây, tâm trạng của anh đang rất giống với tâm trạng của cậu bé đó. Mỗi ngày, anh vẫn phải cố gắng học đi học lại bài học một phút, học để chăm sóc bản thân tốt hơn. Nhưng dù sao đi nữa thì anh cũng không được nản lòng. Đã biết đó là một bài học hữu ích thì không thể không áp dụng. Điều tốt nhất anh có thể làm bây giờ là phải tự nhắc nhở mình thường xuyên sử dụng đến nó.
Chỉ có điều… mãi đến giờ, anh vẫn chưa thể hiểu được tại sao việc bỏ ra một phút để quan tâm đến bản thân lại tạo ra nhiều chuyển biến tốt cho cuộc sống của anh đến vậy.
Nguồn: Phút nhìn lại mình  - First News và NXB Tổng hợp TPHCM 

Và nhờ thế, những ưu phiền và lo lắng của bạn sẽ giảm đi (tt)
Khi bản thân bạn được quan tâm đúng mức. Bạn sẽ loại bỏ được sự không hài lòng với bản thân, và với người khác. Bạn sẽ làm việc tốt hơn và bắt đầu có thể quan tâm đến người khác một cách tự nhiên nhất.

Ông lại tiếp tục:  Cháu không cảm thấy bực mình vì đã làm được những việc có ý nghĩa cho bản thân. Cháu cảm thấy mình được đối xử tốt. Cuộc sống nhờ thế mà trở nên dễ chịu và cân bằng.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi những người khác nhận ra sự thay đổi của cháu – rằng cháu ít nóng giận hơn. Rồi cháu cũng sẽ học được cách không đổ lỗi cho người khác về những gì thuộc trách nhiệm của mình – trách nhiệm trước những hành vi của mình và trách nhiệm tự quan tâm đến bản thân.
Anh thừa nhận:
- Đây quả là một bài học lớn với cháu. Nhưng chú này, tại sao việc bỏ ra một phút lại đơn giản thế? Càng khó hiểu và khó tin hơn khi chính sự đơn giản đó lại có ảnh hưởng lớn đến con người và cuộc sống?
- Thật ra, phương pháp một phút tự quan tâm không phải là mới mà người ta đã nói đến nó từ lâu lắm rồi. Chỉ có điều, trong cuộc sống hiện đại ta phải nhìn nhận nó khác đi một chút. Cháu biết đấy, chúng ta đang sống trong thời đại mà mỗi giây phút cũng trở nên cực kỳ có giá trị. Chúng ta đang tham dự một cuộc chạy đua với thời gian mà.
Con người, dù sống trong những thời đại khác nhau, chịu ảnh hưởng của các nền văn hóa khác biệt cũng đều biết đến sức mạnh của sự tự nhận thức. Ai trong chúng ta cũng mang trong mình một khả năng tự nhận thức, nhưng đáng tiếc là không mấy ai sử dụng đến. Khả năng đó chỉ được phát huy khi chúng ta giữ cho tâm hồn mình tĩnh lặng. Trong nguyên tắc tự quan tâm thì một phút là khoảng thời gian chúng ta bắt đầu dừng lại và quan sát kỹ con người mình.
Với một phút ấy, chúng ta bắt đầu ý thức hơn về những hành động và suy nghĩ của mình. Mình đang làm gì?  Mình đang nghĩ gì? Nói đúng hơn là chúng ta đang quan sát và phân tích chính mình, chứ không phải ai khác.
Chàng trai chợt hiểu:
- Vậy là, khi chúng ta nhìn vào mình… vào những gì mình làm… đó là lúc ta đang nắm giữ cơ hội thay đổi hành động của mình, đúng không chú?
- Gần như vậy. Đúng hơn là chúng ta đang có cơ hội chọn lựa hành động, cách cư xử và thái độ của mình. Ta cũng có thể lựa chọn, hoặc thay đổi, hoặc không. Quan trọng nhất ở đây là, chỉ trong một phút, ta đã biết được mình đang ở đâu, làm gì và suy nghĩ thế nào. Nghe thì có vẻ đơn giản đấy, nhưng trong cuộc sống hối hả, bộn bề hiện nay, chẳng mấy ai lại có thể biết được mình đang làm gì và vì cái gì – cho đến khi muốn thay đổi mọi việc thì đã quá muộn.
Sau khi tự nhìn nhận, chúng ta sẽ quyết định là nên bắt đầu một cách cư xử mới hay vẫn tiếp tục đi theo hướng đã chọn; chúng ta bắt đầu quan tâm đến mình. Nhưng tất cả chỉ là sự khởi đầu.
- Đó có phải là một quá trình nhận thức lâu dài trong chúng ta không? Hay những điều chú nói từ đầu tới giờ chỉ là một phút khởi đầu cho quá trình đó?
- Đúng vậy. Một phút nhìn lại chính là chiếc chìa khóa giúp cháu mở ra cánh cửa khác để bước vào một thế giới rộng lớn hơn.
- Thế giới nào vậy chú?
- Thế giới ẩn sâu bên trong con người cháu, thế giới nội tâm – thế giới của cái tôi phức tạp. Người ta có thể gọi thế giới đó bằng nhiều tên khác nhau. Riêng chú, chú cho đó là cái tôi hoàn thiện bên trong mỗi người. Nhưng dù có gọi nó là gì đi nữa thì cháu cũng đang tạo ra cho mình sức mạnh rất lớn, một khi biết im lặng và lắng nghe tiếng nói từ bên trong.
Chàng trai tò mò:
- Thật sự thì cái tôi hoàn thiện bên trong chú thể hiện điều gì?
- Trong tinh thần chúng ta luôn tồn tại một phần gọi là tiếng nói nội tâm. Trong những hoàn cảnh cụ thể, nó lên tiếng mách bảo chúng ta nên làm gì và làm như thế nào là tốt nhất. Tuy nhiên, trong thời đại này, nhiều người – trong đó có cả chú cháu mình – lại thường đi quá nhanh, bỏ qua cả tiếng gọi bên trong đó. Chúng ta làm ngơ mọi dấu hiệu cảnh báo của cơ thể, rằng chúng ta đang cư xử không đúng, đang đi sai đường… Tiếng nói đó kêu gọi chúng ta hãy trở về với con đường đúng mà mình đã chọn. Mà muốn làm được thế, chúng ta phải có thời gian dừng lại, xem xét và lắng nghe lời mách bảo khôn ngoan. Rồi chúng ta sẽ tìm ra được điều gì là tốt nhất cho mình.
Sức mạnh bắt nguồn từ đó đấy cháu ạ. Đó là lý do vì sao nguyên tắc này trở nên có giá trị - chỉ một việc đơn giản là bỏ ra một phút để lắng nghe tiếng nói bên trong mình. Và từ một phút đó, chúng ta bắt đầu hiểu và tôn trọng mình hơn.
Chúng ta có rất nhiều cơ hội, trong bất kỳ lúc nào, để thể hiện tình yêu bản thân và sự quý mến người khác. Điều chúng ta cần làm là nắm bắt chúng.
Chàng trai chăm chú lắng nghe. Ông bác sĩ rất vui vì vẻ thoải mái của anh. Ông nhận ra anh không còn nhìn sự việc bằng cái nhìn nghiêm trọng như trước nữa.
Chàng trai nói:
- Cháu chợt nhớ đến câu chuyện này. Trong một cơn lũ, có một người đàn ông bị kẹt trên mái nhà. Nước lũ cứ tiếp tục dâng cao nên ông ta không thể thoát được. Rất nhiều người đi qua có ý muốn cứu ông nhưng ông từ chối. Ông ta nói với với họ: “Tôi là một người tốt. Vì thế, tôi tin rằng Chúa sẽ không bỏ rơi tôi. Ngài sẽ cứu tôi”.
Nhưng thật không may cho ông ta, sau một ngày ngồi chờ phép màu, cuối cùng ông ta đã bị chìm trong nước lũ.
Khi lên tới Thiên đường, ông đến gặp Chúa và phàn nàn về cái chết hẩm hiu của mình: “Thưa Ngài, tại sao Ngài không cứu lấy con?”. Chúa trả lời: “Ta đã gởi đến cho con một thanh gỗ lớn, sau đó là hai cái thuyền và cuối cùng là một chiếc máy bay trực thăng. Như vậy vẫn chưa đủ sao?”. Rồi Chúa nhún nhẹ vai và tự nói: “Với một số người thì có lẽ họ chẳng biết bao nhiêu là đủ”.
Ông bác sĩ thật sự thích thú với câu chuyện.
- Hay thật! Quả đúng là khi chúng ta không biết tự lo cho mình thì dù có bao nhiêu người đứng ra lo lắng cho ta đi nữa thì cũng bằng thừa. Chúng ta không bao giờ thấy đủ cả. Và cũng không bao giờ thấy hài lòng.
Anh tán thành:
- Đúng thế. Cháu phải thừa nhận là từ khi biết tự lập, cháu mới bắt đầu khám phá và thể hiện được những điều tốt đẹp bên trong mình.
- Không chỉ có thế. Khi chúng ta thể hiện bản chất tốt đẹp của mình thì đồng thời chúng ta cũng tác động đến…
- Những người khác và khiến họ cũng có khuynh hướng thể hiện cái tôi tốt đẹp bên trong họ? – Chàng trai tiếp lời.
- Cháu nắm vấn đề khá đấy! Quan tâm đến bản thân còn là cách tốt nhất mà chú có thể làm để giúp người khác. Chú đã nhận ra được điều này và thấy nó rất có ý nghĩa. Không bao giờ và cũng không có ai là người thua cuộc hay thất bại cả, khi chúng ta biết tự trọng và sống với yêu thương. Nhưng thôi, chúng ta hãy khoan nói đến chuyện này.
Anh ngồi im lặng một hồi lâu để nhớ lại tất cả những điều mà hai người đã trao đổi với nhau. Rồi anh quay sang nói với vị bác sĩ:
- Cháu cảm ơn chú rất nhiều vì đã sẵn lòng chỉ bảo cháu. Mà không, những điều chú chia sẻ với cháu còn giá trị hơn thế nhiều, chú đã giúp cháu tìm ra được sự khôn ngoan và sáng suốt ẩn chứa trong mình. Bây giờ thì cháu đã biết là cần phải cân bằng giữa việc quan tâm đến bản thân với việc quan tâm đến người khác.
Chợt lóe lên một ý nghĩ, chàng trai liền hỏi ông:
- Cháu tự hỏi là không biết có khi nào chú nghĩ đến việc ghi lại vắn tắt những bài học đó hay không?
- À, có chứ. Ngay từ đầu, khi mới học được bài học về  phút nhìn lại mình, chú đã phải ghi lại những ý tưởng của mình để có thể thỉnh thoảng lấy ra xem lại. Nhưng lý do chủ yếu là, chú xem nó như một bản nhắc nhở. Mỗi khi có chuyện gì phiền muộn hay tức giận, chú đều lấy nó ra xem lại. Sau đó, chú luôn lấy lại được tinh thần và sự cân bằng.
Chú cũng muốn cháu hiểu rằng ngay bản thân chú không phải lúc nào cũng có thể nhớ đến những nguyên tắc này, dù biết là nó rất hiệu quả. Dĩ nhiên là sau đó, chú cũng hơi giận mình. Nhưng không sao. Chỉ cần ta nhớ rằng bí quyết và sức mạnh nằm trong hành động.
Chàng trai trẻ hiểu ẩn ý của ông:
- Cháu sẽ cố gắng, chú ạ!
Rồi anh yêu cầu: 
- Chú có thể cho cháu xem bản tóm tắt của chú được không?
- Dĩ nhiên.
Nguồn: Phút nhìn lại mình  - First News và NXB Tổng hợp TPHCM

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Popular Posts

Blogger news

About




Powered by  MyPagerank.Net

Academics Blogs
Bookmark and Share

Blog Archive