Your Adsense Link 728 X 15

Người Việt - Phẩm Chất Và Thói Hư Tật Xấu 03

Posted by Kenny Phạm 26/7/10 0 nhận xét
THIẾU MỘT THÓI QUEN
SUY NGHĨ CHÍNH XÁC


Nguyễn Công Hoan trong hồi ký Đời viết văn của tôi (1971) có nhiều đoạn tự thú khá trắng trợn. Đại khái ông kể là lúc ra học tiểu học ở Hà Nội cần giấy khai sinh,nhưng ngại về làng bên Bắc Ninh làm tận gốc, liền nhờ ông chủ nhà trọ làm hộ. Ông này bảo hai người bạn làm chứng, rồi kiếm cành cau với vài hào bạc đưa lý trưởng Hàng Trống. Vài ngày sau, ông Kép Tư Bền trong văn chương tương lai có ngay tấm giấy khai sinh và nghiễm nhiên thành người sinh ở Hà Nội.

Câu chuyện được kể ra chỉ cốt để khoe một sự khinh bạc bất cần đời, không quan tâm tới các con số, không muốn và không có nhu cầu hiểu biết về chính mình cũng như hoàn cảnh quanh mình. Song từ đây, người ta bắt gặp mầm mống của nhiều thói xấu khác như kiểu tư duy chín bỏ làm mười, bất chấp chuẩn mực, không coi cái gì là thiêng liêng, dối trá tùy tiện, xem thường pháp luật.

Ngày nay chúng ta còn bắt gặp nó trong những tin tức đầy rẫy trên báo chí. Nhiều làng làm giả hồ sơ thần tích để xin cấp bằng di sản văn hóa. Nhiều chi tiết ở các vụ án có dấu hiệu bị làm lệch. Hết thể thao khai man tuổi đấu thủ lại đến bóng đá trọng tài bắt thiên vị.Sự cẩu thả lúc này đã biến thành gian manh càn rỡ chà đạp lên dư luận xã hội.

Tình trạng không có cái gì chính xác cũng được nhà nghiên cứu người Pháp Pierre Gourou (1900—1999) miêu tả khá kỹ khi đi sâu vào nhiều làng mạc lấy tài liệu cho cuốn Người nông dân châu thổ Bắc Kỳ (viết năm 1936 và bản dịch ra tiếng Việt in ở Hà Nội 2003).Theo cách miêu tả của Gou rou, ở nhiều tỉnh đồng bằng sông Hồng“ chỉ cần đưa một ít tiền cho chức dịch là có thể nhận được một bản khai sinh hoàn toàn theo ý thích ,trong đó ngày tháng năm sinh được ghi phù hợp với nguyện vọng của người xin“. Sự phổ biến của các hiện tượng tương tự buộc người ta phải kết luận rằng đây là một biểu hiện của trình độ tư duy và một quan niệm sống. Còn hai tác giả người Pháp khác là Pierre Huard và Maurice Durand trong Hiểu biết về Việt Nam (1954) thì cắt nghĩa sở dĩ có hiện tượng này,một phần vì xã hội Việt xưa chưa biết tới đồng hồ và khái niệm về thời gian “chỉ được kinh qua chứ không được đo “.Sự lẫn lộn giữa lịch sử và huyền thoại trở thành đương nhiên. Và sự tồn tại dai dẳng của kiểu tư duy tiền Descartes thường thấy ở phương Đông có thêm một ví dụ sống động.

Nên biết rằng ngay các vua chúa cũng không bao giờ biết cả nước có bao nhiêu dân, quan chức các cấp không cần biết một làng mà họ thu thuế có bao nhiêu xuất đinh, còn các xã thì bao giờ cũng cố giấu bớt số người phải nộp thuế để trốn thuế được chừng nào hay chừng ấy. Lúc này thói quen đùa bỡn đã đóng vai một nhân tố cản trở sự trưởng thành của xã hội.

Một vài hiện tượng khác được Pierre Gourou ghi nhận cũng khá đắt giá. Ông bảo đến một làng khi cần hỏi về lai lịch của làng, người ta chỉ nhận được những câu trả lời rất mơ hồ; nếu như muốn có một sự chính xác thì câu sau thường lại mâu thuẫn với câu trước. Gần như không làng nào có ý niệm chắc chắn về sự thành lập của làng mình, đi đâu cũng chỉ thấy người ta thề sống thề chết là làng mình có từ cổ xưa, đâu như từ thời Hùng Vương, tức là đã có từ hơn bốn ngàn năm trước. Sự thiếu hiểu biết và nói chung là thiếu ý niệm chính xác về thời gian không ngăn cản người ta sử dụng độ lùi của thời gian để khoe mẽ. Gourou chỉ hết ngạc nhiên khi biết rằng một dòng họ có vài ba người thăng quan tiến chức thì thường thuê ngay một nhà nho có tên tuổi viết lại gia phả nhà mình, mà nhà nho ấy thì nghĩ rằng ông ta có nghĩa vụ thêm thắt vào cuốn gia phả ấy cho nó đẹp thêm, và không ai thấy phải thắc mắc về hành động đó cả. Thói quen thiếu chính xác trong suy nghĩ đến đây tìm được biến tướng mới là tô vẽ lịch sử, viết lại lịch sử thế nào cũng xong, miễn là đề cao được mình, do đó có lợi.


CẠN NGHĨ,NGẮN HƠI,DỄ THỎA MÃN

Không chỉ tinh tế khi tả thức ăn mà trong Hà Nội băm sáu phố phường (in trên Ngày nay từ 1940 ), Thạch Lam còn khéo ghi nhận cái thói quen dễ dãi cẩu thả của người mình trong cách làm thức ăn. Như trong câu chuyện về mấy bát mằn thắn. Trong khi bát mì của mấy chú khách (tức đám Hoa kiều ) đầy đặn thì người mình chỉ giỏi giả lễ bà chúa mường. Bát mằn thắn của các ông chủ người Việt có đủ cả rau thơm, xá xíu, đôi khi mấy miếng dồi và một phần chia tám quả trứng vịt, song mằn thắn bột thì thô, nhân là một tí thịt bạc nhạc, nước rất nhiều nhưng nhạt.

Cho đến những năm cuối thế kỷ XX đầu XXI này nhiều người đi nước ngoài còn chứng kiến kiểu làm ăn tương tự. Như ở Paris , một nhà báo kể với tôi là chả có cửa hàng ăn nào của người Việt đậu được lâu. Lúc mới khai trương cũng rôm rả. Nhưng chỉ một hai năm là chất lượng kém hẳn đi và người ăn bỏ hết sang các hiệu khác.

Người ta bắt gặp ở đây một quan niệm sống tầm thường dễ dãi, không bao giờ duy trì được sự liên tục có trước có sau tức không đạt tới một trình độ chuyên nghiệp ổn định.

Một thói xấu khác của các nhà hàng buôn bán người mình được Thạch Lam ghi nhận là thói dễ thỏa mãn. Ông lấy ví dụ như mấy hiệu kẹo lạc kẹo vừng Cự Hương, Ngọc Anh. Lúc đầu còn chịu khó làm thật ngon để chiều khách, sau ngủ yên trên danh vọng. Hình như dân mình động giàu là ra mặt vênh váo và bắt đầu làm ăn chểnh mảng - tác giả Gió đầu mùa khái quát. Và ông hồn nhiên tự hỏi “Ồ, sao sự cố gắng ở nước này không được lâu bền nhỉ ! “.

Người xưa có câu “Nhân bần trí đoản”, với nghĩa người nghèo hèn,kẻ hiểu biết nông cạn thì không còn đáng để ai đếm xỉa tới nữa.

Không đâu thấy rõ sự ngắn hơi và dễ thỏa mãn như trong hoạt động của người làm nghệ thuật ở Việt Nam. Làng tranh Đông Hồ quê gốc tôi có nhiều nghệ nhân có tác phẩm để đời. Nhưng tên tuổi tác giả những bức tranh đó thì không ai biết. Đại khái đó là những ông thợ tài hoa nhưng cẩu thả, lúc vợ ốm con đau hoặc thua bạc cần tiền thì vẽ vội mấy bức mang bán cho các nhà giàu trong làng, và không có ý niệm gì về bản quyền trên tranh. Cũng giống như các cửa hàng kẹo bánh của Thach Lam “không biết rằng hàng của mình ngon hơn hàng khác “, các nghệ nhân đó cũng không thể nghĩ rằng lẽ ra tên tuổi mình có thể còn mãi với lịch sử mỹ thuật. Chính họ tước đi khả năng đó ở họ.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa thời cổ văn xuôi Trung quốc chỉ có biền văn, chưa có tự sự. Tự sự Trung quốc là học được từ Ấn Độ qua du nhập sách Phật. Nhưng khi đã nắm được rồi thì người Trung Hoa đưa nghệ thuật này lên đến đỉnh điểm. Những bộ tiểu thuyết như Hồng lâu mộng Kim bình mai có độ dài và trình độ kết cấu không thua kém gì những thiên tự sự đồ sộ nhất của phương Tây. Trong khi đó các tác phẩm tự sự của người Việt chỉ theo dõi con người trong những khoảng thời gian ngắn. Không tìm đâu ra loại tác phẩm có khả năng bao quát cuộc sống nhân vật trong thời gian dài,dựng lại lịch sử cả mấy thế hệ như truyện Tàu. Các cuốn tiểu thuyết hiện đại thường kém về kết cấu toàn cục. Cố lắm chỉ được vài chương đầu. Càng về cuối càng hỏng.

Manh mún nhỏ lẻ không chỉ là cách làm ruộng đi buôn mà cũng là cách người Việt làm nghệ thuật. Chúng ta chỉ có những tác phẩm nhỏ nhỏ xinh xinh, chùa Một Cột chẳng hạn chỉ tồn tại như một ý niệm hơn là một công trình thực tế. Nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng có lần bảo với tôi : Tượng Phật bà nghìn mắt nghìn tay của chùa Bút Tháp đẹp thật, nhưng lưng tượng thì chỉ được làm dối dá cốt cho xong chuyện.

Trong truyện ngắn Đất xóm chùa( in trên Văn Nghệ số 42 năm 1993), nhà văn Đoàn Lê để cho một nhân vật phát biểu tạt ngang : “Khốn nạn, cái vạt đất tí hin bị bỏ quên sau mấy lũy tre, mơ ước hào hoa nhất chỉ là nồi cơm Thạch Sanh cả làng ăn không hết, chuyện tinh tướng bốc giời nhất cũng chỉ chuyện củ khoai to bằng cái đình …..Cứ ra cái điều !”


SỰ LẠC LÕNG CỦA LOẠI NHÂN VẬT TỰ NHẬN THỨC

Một anh chàng ngủ mê, bị anh em cạo trọc đầu khiêng lên chùa. Anh ta trở dậy nhìn quanh và sờ tay lên đầu mình tự hỏi “ Ta hay sư ? ta ơi có phải là ta không hở ta ? “.Về nhà, chó thấy anh đầu trọc xô ra cắn. Anh ta chắc mình nay không phải là mình, liền bỏ nhà đi biệt. Đó là nội dung của truyện tiếu lâm Ta hay sư.

Nhân vật xưng tôi trong Người bạn cũ của Thạch Lam từng là một thanh niên ham hố hoạt động xã hội nay thoái chí quay về đời sống gia đình. Một buổi tối tôi đối diện với một người đồng chí cũ ( chữ trong nguyên bản 1937). Gặp cảnh thất thế, người này muốn trông chờ ở tôi sự giúp đỡ, tôi đã từ chối. Thông thường sau những cuộc gặp gỡ như vậy cái còn lại trong con người có học là những hối hận. Nhưng ở đây nhân vật không chìm trong xúc cảm mà chỉ cúi đầu suy nghĩ. Tôi ôn lại quá khứ để đối lập với ngày hôm nay của mình. “ Rồi tôi băn khoăn tự hỏi xem trong hai cái hình ảnh ấy, hình ảnh người thiếu niên hăng hái và hình ảnh người trưởng giả an nhàn cái hình ảnh nào thật là của tôi? Tôi không dám trả lời “.

Tuy chỉ được diễn tả qua mấy dòng ngắn, song con người trong Ta hay sư đã có đời sống tinh thần phức tạp. Anh ta quá tỉnh táo. Công cuộc tự nhận thức ở đây bị đẩy tới cùng, kể cả dẫn tới việc bỏ nhà ra đi tức triệt tiêu luôn sự tồn tại. Trong văn học trung đại, chả thấy ai có lối nghĩ tương tự. Khi đối diện với mình, Kiều chỉ thấy tự xót thương Khi tỉnh rượu lúc tàn canh — Một mình mình lại thương mình xót xa. Người phụ nữ trong Hồ Xuân Hương giả định một sự nghiệp Ví đây đổi phận làm trai được – Thì sự anh hùng há bấy nhiêu. Đó là những ám ảnh khẳng định cá nhân, nhưng dẫn ngay đến hành động chứ không qua giai đoạn tự nhận thức.

Sở dĩ đôi khi ta có cảm tưởng đoạn tiếu lâm Ta hay sư như được nhập từ đâu về chứ không phải sản phẩm thuần Việt chính là bởi sự lạc lõng đó của nhân vật. Con người đươc Thạch Lam miêu tả ở Người bạn cũ cũng rơi vào một tình trạng lạc lõng tương tự. Các nhân vật từ Xuân tóc đỏ trong Vũ Trọng Phụng tới những Điền, Hộ… trong Nam Cao đã bắt đầu có quan hệ với chính mình. Song đó là những nhân vật của sự suy nghĩ nói chung, chứ không phải tự nhận thức, không ai trong họ tính chuyện tìm con người thực của mình.

Có thể cắt nghĩa sự lạc lõng và trước hết sự thiếu vắng của loại nhân vật nói trên trong cộng đồng người Việt bằng nhiều yếu tố : hoàn cảnh sinh sống khó khăn, cuộc sống luôn lôi người ta vào hành động hơn là để người ta ngồi đối diện với mình, suy nghĩ về những vấn đề trừu tượng, chứ đừng nói là ngồi vân vi mình là ai, mình hay hay dở thế nào. Tình hình này kéo dài tới xã hội đương đại. Tố Hữu trong Chào xuân 71, có hai câu đề từ, một là của Goethe Phải hành động một là của Lenin Nên ước mơ. Còn có thể kể ra bao nhiêu truyện ngắn bài thơ khác và bao cuộc chuyện trò tâm sự hàng ngày của con người, trong đó người ta chỉ bảo nhau nên hành động gấp gấp, hành động ngay đi, đừng suy nghĩ làm gì, cả ước mơ cũng không cần suy nghĩ. Và không chỉ ca ngợi hành động mà các nhà trí thức hàng đầu còn tìm ra đủ lý do để bác bỏ việc tự nhận thức. Với Chế Lan Viên câu hỏi ta là ai không chỉ vô nghĩa mà còn có tội, ngược lại khi tự hỏi mình ta vì ai là người ta đã tạo ra tiền đề để làm giàu thêm cho sự sống.

Sống bằng cảm hứng đã thành một phong cách thời đại. Nhiều trận bóng đá quốc tế, đêm trước công chúng vừa đổ ra đường phung phí những lời thúc đẩy động viên, hôm sau đã ỉu xìu lặng ngắt. Và bóng đá chúng ta chỉ có những thành công mang nhiều tính chất ăn may nhờ phong độ chốc lát của mình, mà đẳng cấp thì hàng chục năm đi qua vẫn giậm chân tại chỗ. Tại sao ư, một phần là tại không có ai ngồi tỉnh táo tự hỏi Ta là ai, như nhân vật hồi nào của Thạch Lam.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Popular Posts

Blogger news

About




Powered by  MyPagerank.Net

Academics Blogs
Bookmark and Share

Blog Archive