Your Adsense Link 728 X 15

08: Bạn Trẻ Và Kỹ Năng Sống

Posted by Kenny Phạm 26/7/10 0 nhận xét
Con đường để có quyết định hợp lý



Mỗi sáng khi thức giấc, bạn đều phải tự quyết định một việc nào đó: Đi làm hay ở nhà? Lên lớp hay đi thư viện? Chơi thể thao hay đi khiêu vũ?... Tối đến, bạn phải trăn trở với những suy nghĩ nên đi uống cà phê hay ở nhà học bài, nên tập thể dục thể thao hay ngủ sớm?

Đó là những vấn đề khá bình thường trong cuộc sống và chúng ta dễ dàng đưa ra quyết định. Tuy nhiên, trong thực tế còn có nhiều vấn đề hệ trọng khác đòi hỏi chúng ta phải suy nghĩ, cân nhắc trước khi ra quyết định để không phải hối tiếc với lựa chọn của mình.

Mấu chốt của quyết định là sự cân nhắc

Một quyết định đúng đắn hay sai lầm đều có thể ảnh hưởng đến tương lai và cuộc sống của mỗi chúng ta. Cân nhắc để lựa chọn một trong nhiều phương án trước vấn đề nào đó để không phải lãnh hậu quả đáng buồn thật sự là một điều khó khăn. Anh K., giám đốc một công ty chuyên tổ chức các sự kiện kể lại một tình huống khá trớ trêu. Đó là lần anh tổ chức chương trình hội thảo hai ngày tại Nha Trang.

Khi mọi khâu chuẩn bị đã hoàn tất, anh sắp lên đường thì người yêu bị bệnh rất nặng. Đây quả thực là thời điểm khó khăn: Bỏ dở chương trình quan trọng mà anh tốn công sức một thời gian dài chuẩn bị hay ở lại chăm sóc người yêu trong thời điểm nguy cấp này? Anh tâm sự: “Nhìn bạn gái ngủ vùi trên giường bệnh mà muốn chảy nước mắt, nhưng nếu thiếu tôi, chương trình sẽ phải hoãn lại và bao nhiêu khách mời sẽ ra sao? Uy tín của công ty sẽ như thế nào?

Cuối cùng, tôi đã quyết định đi công tác trước ánh mắt ngỡ ngàng của bạn bè và cả những người thân ở hành lang bệnh viện”. Anh K. cho biết, anh quyết định như vậy vì anh nhận ra rằng nếu thiếu anh, người yêu vẫn sẽ được chăm sóc tốt vì còn có bạn bè, gia đình và các bác sĩ. Anh quyết tâm hoàn thành công việc thật tốt và sau chuyến công tác, anh đã dành toàn bộ thời gian ở bên cạnh người yêu. Nhìn sự chăm sóc tận tình của anh bên giường bệnh, mọi người cũng hiểu sự lựa chọn của anh là bất khả kháng.

Cuộc sống cho thấy việc ra quyết định có ý nghĩa rất quan trọng trong cuộc đời. Giữa nhiều giải pháp, bạn chọn điều này chứ không phải điều kia, nghĩa là ra quyết định và bạn phải chịu trách nhiệm với sự lựa chọn của mình. Một quyết định tốt không những giúp bạn đạt được mục đích trong công việc cũng như cuộc sống riêng tư mà còn giúp bạn tránh được những sai lầm hoặc những hậu quả không tốt. Nhận ra được điều này và thực hiện nó một cách nghiêm túc, sáng suốt, bạn sẽ cảm thấy mình trưởng thành và sâu sắc hơn.

Có những vấn đề quá rõ ràng để chúng ta lựa chọn trước khi đưa ra quyết định. Tuy nhiên, có những vấn đề lại trở nên mơ hồ để có thể đi đến quyết định cuối cùng? Đó có thể là những vấn đề bạn chưa nắm hết được các luồng thông tin, hoặc đó là vấn đề bạn không am hiểu tường tận… Là một nữ sinh viên có nhan sắc nên Th. quyết tâm tìm cho mình một hoàng tử điển trai, giàu sang và có địa vị trong xã hội.

Sau một vài lần gặp gỡ thông qua bạn bè, Th. đã quyết định chấp nhận lời cầu hôn của K. - một giám đốc trẻ đúng như các tiêu chí mà cô đặt ra. Tuy nhiên, với quyết định vội vàng và thiếu thời gian tìm hiểu cũng như quá tin tưởng vào quyết định của mình mà sau này Th. đã hối hận vì cưới một ông chồng độc đoán và ghen tuông.

Nếu Th. không nhìn nhận người chồng thông qua vẻ bề ngoài, thiên về vật chất mà không chú trọng đến vẻ đẹp của nhân cách và yếu tố tinh thần, cũng như không nhìn nhận người đàn ông mình chọn chỉ dưới góc độ là người yêu chứ không phải một người chồng và một người cha sau này thì sự hối tiếc chắc chắn đã không xảy ra.

Do đó, khi nhận định về một vấn đề gì, không thể chỉ nhìn nhận từ một góc độ mà phải tiếp cận vấn đề theo nhiều góc độ để thấy rõ được tất cả những mặt mạnh cũng như mặt yếu, những bất lợi cũng như thuận lợi và trên cơ sở đó đưa ra quyết định cuối cùng. Lúc bấy giờ, quyết định sẽ có cơ sở khoa học và sự vững chãi một cách thật sự.

HUỲNH VĂN SƠN

Nghệ thuật ra quyết định



Trong những trường hợp đó, để tránh đưa ra một quyết định chủ quan, nóng vội và sai lầm, các bạn cần chú ý đến bốn bước sau:

1. Hiểu vấn đề cần quyết định: Bạn phải quyết định điều gì? Vấn đề nào có thể gây ra sự rắc rối thì bạn nên tập trung giải quyết nó.

2. Nhận định các giải pháp: Những lựa chọn của bạn là gì? Bạn chắc chắn mình giải quyết được vấn đề? Bạn có thể tham khảo ý kiến từ người khác như bố mẹ, thầy cô, bạn bè hoặc những người bạn thấy tin tưởng; lắng nghe những ý kiến đó và phân tích trên cơ sở thực tế của bản thân.

3. Đưa ra các lý lẽ tán thành hay phản đối sau khi đã cân nhắc, đánh giá, so sánh, tham khảo ý kiến người khác, đồng thời xác định hậu quả và kết quả có thể đạt được cho mỗi lựa chọn.

4. Quyết định đâu là giải pháp tốt nhất và thực hiện theo giải pháp đó.

Việc tuân theo bốn bước này trước khi đưa ra quyết định sẽ giúp bạn có một cái nhìn toàn diện cũng như thu thập được những thông tin, ý kiến hữu ích giúp ta hiểu ra vấn đề trước khi quyết định.

Thật ra, để đưa ra một quyết định tốt không phải là điều dễ dàng. Khá nhiều học sinh cấp ba băn khoăn trước vấn đề chọn ngành nào, trường đại học nào. Đây là một trong những quyết định quan trọng ảnh hưởng đến cuộc đời của mỗi con người, nhưng khá nhiều bạn đã chọn lầm để rồi sau đó phải hối tiếc.

Bạn Phương Anh, sinh viên trường đại học Y, đã phải bỏ học giữa chừng khi nhận ra mình không phù hợp với ngành này sau hai năm theo học. Bạn đã quyết định một việc hệ trọng nhưng lại không dựa trên sở thích, năng lực của bản thân mà lại phụ thuộc vào nguyện vọng của cha mẹ. Khi nhận ra mình quyết định sai thì bạn đã lãng phí mất hai năm và tốn khá nhiều tiền của. Nhưng Phương Anh đã quyết tâm bắt đầu lại để làm theo sở thích của mình: Bỏ trường Y để theo đuổi ngành dịch thuật trước sự chống đối rất quyết liệt từ phía gia đình.

Khi ra quyết định, bạn phải lường trước những gì xảy ra sau đó, thậm chí bạn phải chấp nhận cả sự mạo hiểm, rủi ro. Một quyết định tốt nhưng thực hiện tồi hoặc ngược lại sẽ gây hậu quả rất lớn cho bản thân và xã hội. Một quyết định sai chúng ta có thể sửa chữa, nhưng nó để lại rất nhiều hệ lụy, lãng phí và nhiều vấn đề khác nảy sinh.

Trong thực tế, có những tình huống buộc chúng ta phải quyết định “trong chốc lát”, lúc này bạn cần có bản lĩnh cũng như năng lực đưa ra quyết định. Né tránh các quyết định dường như lúc nào cũng dễ dàng hơn. Nhưng tự đưa ra quyết định cho riêng mình là cách bạn tự chịu trách nhiệm với cuộc sống và thành công của mình. Đó cũng chính là tính cách cơ bản cần phải có của người trưởng thành. Ra quyết định không chỉ là sự khẳng định mà còn là điều cơ bản để thể hiện trí tuệ, ý chí của chính mình trong cuộc sống.

Mục tiêu cuộc đời luôn ở phía trước, nhưng để đạt được mục tiêu đó, bạn phải có những quyết định sáng suốt ngay thời điểm hiện tại. Do đó, để đưa ra một quyết định đúng đắn và hiệu quả, bạn phải có sự cân nhắc kỹ lưỡng, tiếp cận vấn đề dưới nhiều góc độ và quan trọng là những quyết định ấy không chỉ đáp ứng cho hiện tại mà còn phải hướng đến tương lai. Một quyết định đúng đắn, hợp lý phải dựa trên sự cân nhắc của cả lý trí và sự khát khao cảm xúc.

Đầu tư cho một quyết định là đầu tư cho cả một tương lai. Cho dù đó là tương lai gần hay tương lai xa thì vẫn là một nhiệm vụ có sức nặng thật tuyệt vời đối với mỗi người chúng ta trong cuộc sống.

HUỲNH VĂN SƠN

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Popular Posts

Blogger news

About




Powered by  MyPagerank.Net

Academics Blogs
Bookmark and Share

Blog Archive