04: Bạn Trẻ Và Kỹ Năng Sống
26/7/10
0
nhận xét
Hình ảnh của Tuấn trở nên khác lạ so với trước đó. Chỉ cần nghe bất kì ai phản ứng ý kiến nào của mình, tóc Tuấn liền dựng ngược, mắt nảy lửa và cơ thể nóng bừng bừng đến lạ kì. Ngay cả mẹ Tuấn cũng không tưởng tượng con mình lại như thế.
Chuyện hôm qua thật sự có gì đâu, mẹ Tuấn chỉ hỏi sao bây giờ không thấy Nhân ghé qua hở con thì Tuấn đùng đùng nổi giận. “Kệ con đó, mẹ nói làm gì... Tui không muốn bất kì ai nhắc đến cái tên ấy...!” Cả nhà sửng sốt, mẹ Tuấn buồn và nước mắt lăn trên khuôn mặt già nua...
Không ai hiểu Tuấn đang bị khủng hoảng tâm lý. Áp lực của công việc khi hai hợp đồng buôn tơ bị thua lỗ nặng cùng với mối tình vun vén ba năm trời đã sụp đổ chỉ vì một chút sai lầm... Tuấn quyết định tự tử sau một tuần không ngủ được và không nói bất kì lời nào dù chỉ là lời trăn trối... Lúc này, khi những người xung quanh hiểu ra Tuấn bị khủng hoảng tinh thần thì đã quá muộn.
Cơ chế khủng hoảng
Áp lực của cuộc sống và công việc đã gây nên không ít những áp lực tâm lý hay gánh nặng tinh thần trong cuộc đời của mỗi người. Có những áp lực con người có thể kiểm soát và vượt qua được nhưng cũng có những áp lực con người khó hoặc không thể kiểm soát được vì sức mình có hạn. Khi không thể “chung sống” hay kiểm soát áp lực, con người dễ dàng bị khủng hoảng.
Có những kiểu khủng hoảng xảy ra như một quy luật trong lứa tuổi, nó rơi vào những giai đoạn đặc thù của đời sống con người. Đó là những “cột mốc”, những khoảng thời gian mà trong thế giới nội tâm của con người có những biến đổi rất lạ kì nên con người dễ dàng nảy sinh những phản ứng hụt hẫng.
Mặt khác, cũng trong giai đoạn đó, trước những tác động của điều kiện xung quanh, con người dễ có những suy luận, suy diễn nên sự hụt hẫng về mặt tâm lý nảy sinh và khủng hoảng tâm lý xảy ra như một hệ quả tất yếu. Khó có thể quên những giai đoạn khủng hoảng tâm lý ở tuổi lên ba, tuổi dậy thì, người cao tuổi...
Thế nhưng, những khủng hoảng này, xét ở một góc nhìn nào đó không gây ra những tác động tai hại quá nghiêm trọng cho con người. Điều căn bản là những thành viên trong gia đình phải hiểu, thông cảm và chia sẻ.
Những giai đoạn khủng hoảng có thể làm con người ta không kiềm chế được chính mình và đi đến những quyết định dại dột, sai lầm, những hành động này thường thấy ở giai đoạn tuổi vị thành niên đến trung niên. Trước sự phát triển của cái tôi, sự đặt ra hay sự kỳ vọng quá mức của bản thân, trước những thách thức khó có thể chinh phục trong cuộc đời, khủng hoảng tinh thần có thể xuất hiện.
Có những vấn đề rất đơn giản trong cuộc sống như bị cha mẹ la mắng, người quản lý phê bình thẳng thắn... thế là khủng hoảng; có những vấn đề phức tạp hơn như những thất bại trong làm ăn xảy ra liên tục, người yêu nói lời chia tay, phát hiện ra mọi người ít quan tâm, thương yêu mình... cũng dẫn tới khủng hoảng.
Những biểu hiện khủng hoảng thường khá đa dạng và phong phú như: bực bội liên tục, cáu gắt thường xuyên, mất niềm tin vào người khác, cảm thấy năng lượng mất hẳn... Hơn thế nữa, rối loạn về mặt sinh lý cũng như sự thay đổi rất đột ngột trong cung cách ứng xử, hành vi, thói quen là những điều khá nguy hiểm.
Nguyên lý để vượt qua
Ngay cả mức độ khủng hoảng cũng thật đa dạng và phong phú. Có những khủng hoảng tạm thời, có những khủng hoảng kéo dài, có khủng hoảng ở mức nhẹ và con người vẫn có thể tái lập lại trật tự suy nghĩ sau một thời gian nhưng có những khủng hoảng con người không kiểm soát được và dẫn đến những quyết định sai lầm...
Số liệu thống kế trên thế giới đã chứng minh rằng, khủng hoảng tâm lý dường như không chừa một ai cả và những người càng nhạy cảm càng có nguy cơ bị khủng hoảng. Không những thế, những cá nhân càng tham vọng càng dễ bị khủng hoảng tâm lý. Dù bạn là ai, bạn sống như thế nào nhưng nếu cuộc sống của bạn không cân bằng thì chắc chắn bạn sẽ “rước” khủng hoảng vào lòng mình.
Nếu như mỗi cá nhân đều có thói quen chịu đựng áp lực, đủ bản lĩnh để đối đầu với khó khăn và hạn chế một cách tối đa những phản ứng tiêu cực, những hẫng hụt tâm lý phát sinh trong thế giới nội tại thì việc bị khủng hoảng sẽ phần nào được hạn chế. Nhưng làm được điều này liệu có dễ dàng?
Trong những lần tham vấn cho các doanh nhân và những bạn trẻ lập nghiệp, tình yêu và áp lực kinh tế là những điều dễ gây ra khủng hoảng nhất. Những mong muốn chinh phục thương trường, khát khao về doanh số, doanh thu... dễ làm cho các bạn trẻ rơi vào khủng hoảng. Thống kê gần đây ở nhiều nước trên thế giới cho thấy khủng hoảng tâm lý xảy ra ở giai đoạn 25 - 35 tuổi của các doanh nhân không phải ít.
Cũng vì nguyên nhân này, trong năm 2007 ở Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... không ít vụ tự tử thương tâm đã xảy ra. Những người trong cuộc đã để lại “hậu thư” rằng mình không thể kiểm soát được tình hình hiện tại (nợ nần, thua lỗ, tình phụ...) nên đành phải ra đi. Chính vì không có nguồn động viên, không người chia sẻ và đặc biệt là thiếu niềm tin nên khủng hoảng tâm lý phát sinh và nhiều người đã tìm đến cái chết để kết thúc cuộc đời.
Không thể chối bỏ khủng hoảng và không thể ngăn cấm khủng hoảng hay nói cách khác, khủng hoảng có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Vì vậy, chúng ta phải kiểm soát chính mình ngay từ những công việc và những thói quen nhỏ. Không gây sức ép tinh thần cho mình một cách quá đáng, biết chấp nhận những thất bại, biết xua đi những nỗi lo âu, biết thoát khỏi trạng thái tâm hồn u tối... bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn.
Một trong những thói quen tâm lý rất quan trọng, đó là phải biết đối diện với sự thật và biết sẻ chia. Những nghiên cứu tâm lý cũng khẳng định rằng, nếu bạn càng sống nội tâm hoặc càng cố tình che giấu thì nguy cơ bị khủng hoảng càng cao... Trong quá trình lập nghiệp, mỗi bạn trẻ phải nhận thức rằng cuộc sống luôn có những thách thức và nếu được đối diện với những thách thức thì không có gì phải sợ hãi.
Không ôm cuồng vọng chinh phục thế giới, vậy tại sao bạn phải buồn bã, tại sao phải tiêu cực nhìn cuộc đời bằng những cái nhìn không tỉnh táo?
Hãy tập cho mình một thói quen rất bình dị, bạn sẽ thấy mình rất vui vẻ, lạc quan và giàu nghị lực để sống, làm việc và yêu thương.
HUỲNH VĂN SƠN
Giải tỏa căng thẳng của bạn gái trẻ
Nhu cầu được khẳng định mình, trở thành người thành đạt, muốn mình là “đinh” trong mắt mọi người... đang tồn tại trong cách sống của nhiều bạn trẻ thuộc thế hệ 8X. Thế nhưng, do đặt ra mục tiêu quá lớn nên nhiều bạn đã bị rơi vào chiếc bẫy stress do chính mình đặt ra.
Từ trường hợp... đến vấn đề chung
Chỉ mới 30 tuổi nhưng Thanh (quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh) đã có hơn ba lần mở công ty. Lần thứ nhất là một công ty nho nhỏ chuyên buôn bán linh kiện vi tính. “Máu” làm giàu đã khiến Thanh cho quá nhiều “gia vị” ảo vào sản phẩm của mình. Công ty bị phá sản do một khách hàng phản ánh.
Đến khi mở công ty tư vấn đào tạo cho doanh nghiệp, Thanh lao đao vì trụ sở không ổn định, đối tác lần lượt bỏ rơi nên mọi thứ đều đội nón ra đi. Lần thứ ba, Thanh lập công ty tư vấn tài chính, nhưng tình hình “cá lớn nuốt cá bé” làm Thanh tiếp tục trắng tay… Chiến lược làm giàu bị phá sản, Thanh đến phòng tư vấn sức khỏe trong tâm trạng căng thẳng đến tột độ... Bác sĩ xác định Thanh đã bị stress thật sự khi cô luôn mất ngủ, căng thẳng thần kinh, cáu gắt, không kiềm chế chính mình, xử lý vụng về, chán ngấy chuyện yêu đương...
Thủy - sinh viên năm thứ hai của một trường đại học tại thành phố Hồ Chí Minh - luôn khao khát vươn lên và lo lắng sau khi ra trường phải có việc làm tốt để bằng chúng bạn. Cô học cùng lúc hai trường đại học, đi làm bán thời gian cho hai công ty, buổi tối nhận dạy thêm, rồi còn đi học thêm các lớp kỹ năng giao tiếp. Thu nhập của Thủy đủ trang trải cho cuộc sống sinh viên nhưng cô luôn sống trong tâm trạng lo lắng.
Thủy trở nên lầm lì, ít nói, không dám bộc bạch cùng ai và cũng không có ai để bày tỏ những tâm sự của mình. Một buổi tối, do tắm muộn nên Thủy bị ngất. Gia đình đã phải nhờ chuyên gia tâm lý để giải tỏa những ấm ức trong lòng Thủy.
Điểm tựa để giải quyết vấn đề
Khát vọng vươn lên của các bạn trẻ thế hệ 8X đi cùng với những thách thức về sức khỏe, chưa đủ kinh nghiệm kiểm soát bản thân nên ở lứa tuổi này, stress là căn bệnh phổ biến. Tuy nhiên, nếu những xúc cảm vượt quá ngưỡng không được thoát ra hay quá giới hạn thì chính nó sẽ quay lại áp đảo con người.
Khi các bạn trẻ, nhất là bạn gái trẻ, không chế ngự những cảm xúc của mình, stress càng dễ đến và trở thành người đồng hành hơn bao giờ hết. Đặt cho mình một mục tiêu quá lớn, muốn nhảy cóc hoặc đánh đổi bằng mọi thứ để đạt được mục tiêu sẽ là con đường ngắn nhất dẫn đến stress.
Mục tiêu cuộc đời được xây dựng dựa trên khát vọng của bản thân vẫn chưa đủ, mà còn phải dựa trên thực lực của chính mình cũng như điều kiện và hoàn cảnh thực tế. Không thể không có mục tiêu sống để phấn đấu, nhưng nếu tự gây áp lực để hành xác mình, để gửi thân mình cho stress thì mục đích sống lúc này sẽ trở nên vô nghĩa khi sức khỏe không còn.
Việc loại bỏ stress không khó nếu bạn biết kiềm chế mình ngay lúc đặt ra mục tiêu sống. Trả lời câu hỏi: “Tôi cần gì, tôi có thế mạnh gì, tôi làm điều này sẽ gặp những trở ngại nào, tôi có thể làm được việc này thành công bao nhiêu phần trăm, tôi sẽ mất gì khi thực hiện nó” sẽ giúp bạn ứng phó với stress.
Hãy tranh thủ thời gian rảnh rỗi để thảo luận với chính mình về đề tài “Với tôi, hạnh phúc là gì”, bạn sẽ cảm thấy mục tiêu mình đặt ra thật nhẹ nhàng và trong tầm tay với.
HUỲNH VĂN SƠN
0 nhận xét:
Đăng nhận xét