Your Adsense Link 728 X 15

08: Hạnh Phúc Không Khó Tìm - Tập 1

Posted by Kenny Phạm 22/7/10 0 nhận xét
Bạn có là người quá cầu toàn?
"Xuất sắc không có nghĩa là phải hoàn hảo.”
 Henry James

Marsha nhờ tôi giúp cô học cách làm thế nào để sống hạnh phúc hơn. Cô ấy làm việc với một cường độ khá cao, luôn đặt ra những yêu cầu cao đối với bản thân cũng như với các đồng nghiệp. Cô không bao giờ tha thứ cho bất cứ một sai sót nào, dù nhỏ, của bản thân hay của đồng nghiệp.
Cô tự trách mắng mình mỗi khi phạm phải một sai lầm nào đó, hay không phối hợp ăn ý với đồng nghiệp trong công việc để cho ra kết quả tốt nhất. Lúc nào cô cũng muốn làm được mọi thứ một cách hoàn hảo. Thế nhưng, dần dần các đồng nghiệp bắt đầu tìm cách xa lánh cô, không còn muốn làm việc cùng cô, dù họ biết cô là một người có năng lực.
Chỉ vì tính cầu toàn ấy mà Marsha luôn phải sống trong trạng thái căng thẳng, buồn bực. Tính cầu toàn là kẻ phá hoại ghê gớm đối với cuộc sống hạnh phúc của mỗi người. Nó làm cho chúng ta không bao giờ cảm thấy thỏa mãn với những gì không hoàn hảo tuyệt đối. Nhưng thực chất, chính nó đang làm cho chúng ta đi những bước lùi. Thay vì sáng suốt nhận ra khuyết điểm của mình để rồi khắc phục mà tiến lên, thì tính cầu toàn chỉ khiến chúng ta tự cay nghiệt với chính mình và với người khác. Những người có tính cầu toàn luôn bị sa lầy trong những ý nghĩ hết sức tiêu cực, chẳng hạn như: mình là kẻ thất bại, không có năng lực, mình chẳng bao giờ làm được điều gì hoàn hảo cả…  Thế là một loạt hành động sai lầm chắc chắn sẽ xuất hiện tiếp nối những ý nghĩ tiêu cực ấy. Vì vậy, những người có tính cầu toàn thường ít cảm thấy hạnh phúc so với người khác, ít mạnh khỏe, ít mãn nguyện hơn trong các mối quan hệ, và thậm chí, kiếm được ít tiền hơn so với những đồng nghiệp khác cùng làm một công việc như họ.
Tôi đã giúp Marsha thấy rằng, đằng sau tính cầu toàn của cô ấy là cả một khát vọng mạnh mẽ muốn vươn tới sự xuất sắc trong công việc. Thế nhưng, sự xuất sắc, muốn đạt được, thì phải dựa trên kinh nghiệm từ những khiếm khuyết, thất bại. Thay vì trách mắng chính mình và người khác mỗi khi phạm phải sai lầm, cô ấy chỉ cần tự hỏi: “Mình phải làm gì để tránh khỏi những sai lầm như thế này một lần nữa? Mình có thể học được điều gì từ sự việc đã qua để ngày càng trở nên xuất sắc hơn?”. Nếu cô ấy biết tự đặt ra cho mình tiêu chuẩn “vươn tới tầm xuất sắc”- chứ không phải là có được sự hoàn hảo - thì cô ấy sẽ học hỏi được những bài học quý giá từ thất bại mà không phải là sự trách móc bản thân. Marsha bắt đầu cảm thấy mãn nguyện hơn về những gì cô ấy đã làm được. Thay vì tiếc nuối về những sai lầm trước đây thì nay cô ấy cố gắng làm tốt hơn, để ngày càng tạo ra kết quả xuất sắc hơn. Chẳng bao lâu, đồng nghiệp nhận thấy sự thay đổi ở cô và họ đã quay trở lại hợp tác làm việc cùng cô. Không khí trong công ty trở nên vui vẻ và nhẹ nhàng hơn trước rất nhiều. Marsha cảm thấy hạnh phúc hơn và giúp những người xung quanh cô cũng được hạnh phúc hơn.       
Trong cuốn “Hạnh phúc là sự lựa chọn”, tác giả Barry Neil Kaufman đã đưa ra một “sơ đồ các khiếm khuyết” của chúng ta. Có năm loại khiếm khuyết. Phía Bắc, chúng ta hãy học hỏi từ những khiếm khuyết của chính mình. Phía Tây - khiếm khuyết của người khác. Phía Đông - khiếm khuyết của thầy cô giáo của mình. Phía Nam, phải biết chấp nhận những khiếm khuyết nêu trên ở các vị trí của nó. Và cuối cùng, ở giữa sơ đồ, chúng ta hãy luôn nhận thức rằng, chính nhờ rút ra bài học từ các khiếm khuyết kể trên mà chúng ta mới vươn tới sự xuất sắc! 
Lâu nay bạn nhìn nhận ra sao về những sai lầm, khiếm khuyết của chính mình và của người khác? Bạn có biết rút ra bài học từ những khiếm khuyết ấy không? Đừng bao giờ có thái độ quá cầu toàn, song hãy luôn nỗ lực vươn lên tầm xuất sắc. Nếu bạn biết cách cho phép mình sai lầm, để rồi học hỏi từ những sai lầm đó, thì bạn sẽ ngày càng trở nên xuất sắc hơn và cảm nhận được nhiều hơn những niềm hạnh phúc trong cuộc sống của mình.
Nguồn: Hạnh phúc không khó tìm   - First News và NXB Tổng hợp TPHCM

Bạn có luôn luôn đúng?
“Cuộc sống hiện tại chính là những hạt giống tốt để những bông hoa hạnh phúc của ngày mai tươi nở.”  
Margaret Lindsey

Có một thời, phương châm sống của gia đình chúng tôi là: “Thà chết chứ không chịu nhượng bộ”. Và bản thân tôi đã từng sống cứng nhắc theo phương châm đó, ít nhất là cho tới khi mối quan hệ đạt được tới mức độ thân tình.
Còn nếu như mối quan hệ chưa đủ thân thiết, thì tôi sẽ chẳng bao giờ chịu nhượng bộ cho đến khi chứng minh được là tôi đúng.
Nếu tôi có lỡ lời làm người khác bị tổn thương, nếu tôi có hơi nặng lời làm người khác khó chịu, thậm chí tôi tìm cách lấn át người khác, thì cũng chẳng thành vấn đề, miễn là tôi phải giành được phần thắng.
Rồi một lần nọ, có người hỏi tôi: “Bạn cứ cố gắng chứng minh mình đúng để làm gì? Giữa việc chứng minh mình đúng với việc sống hạnh phúc, cái nào quan trọng hơn?”. Câu hỏi đó khiến tôi cảm thấy hết sức bực mình. Tôi tự nhủ, mình sẽ hạnh phúc hơn khi làm cho người khác nhận thấy rằng, tôi vẫn luôn luôn đúng, còn người khác thì quá sai lầm khi nghĩ như vậy.
Nhưng dần dần, tôi nghiệm lại và nhận ra lâu nay mình ứng xử như vậy thật là sai trái! Thật chẳng khôn ngoan chút nào khi cứ cố gắng chứng minh cho người khác thấy rằng mình luôn đúng. Khi làm như vậy, bản thân mình sẽ được gì? Mình có thể đúng, nhưng kết quả là mình ngày càng cô độc, ít bạn, dễ có khả năng mất việc làm, thiếu vắng tình yêu thương, hay ít nhất nó cũng làm cho mình ít cảm thấy hạnh phúc.
Luôn muốn chứng minh mình đúng, cũng có nghĩa bạn là người hiếu thắng. Với bạn, nhất định người khác phải thua. Tuy nhiên, khi đã thắng rồi, điều đó cũng chẳng làm cho bạn khỏe mạnh hơn, cảm thấy hạnh phúc hơn trong công việc, chẳng làm cho gia đình bạn giàu có hơn… Và nếu xét ở ý nghĩa sâu xa hơn, việc luôn chú ý đến cái đúng sẽ làm cho chúng ta luôn có nhu cầu phải thắng người khác, phải phát hiện cái sai của người khác. Lúc nào chúng ta cũng thích tranh luận. Trong mọi vấn đề lớn nhỏ, chúng ta đều muốn tranh luận để giành phần thắng.
Thế thì, làm sao để hạn chế tật thích tranh luận, thích tỏ ra mình đúng? Tự bản thân mỗi người phải biết cam kết với chính mình rằng, mình sẽ cư xử với người khác bằng tấm lòng yêu thương, bằng sự nhẫn nại, lắng nghe và đôi khi là phải biết chấp nhận cả những cái mình cho là không đúng. Không phải mọi cái sai của người khác đều là có hại! Có những cái sai vì trình độ nhận thức còn non nớt, có những cái sai do hồn nhiên và quá vô tư, có những cái sai do cẩu thả, có những cái sai vì chưa tìm rõ nguyên nhân, có những cái sai do chứng cứ đã bị một kẻ khác ngụy tạo… và còn rất nhiều nguyên nhân khác nữa mà chúng ta không thể nào liệt kê ra hết. Do vậy, một khi chúng ta thấy rằng, ngay cả bản thân mình cũng chưa có khả năng nhận thức đúng đắn hết mọi điều, thì tại sao ta lại tìm cách moi móc, bắt bẻ những cái sai của người khác. Đành rằng, chúng ta có trách nhiệm, bằng cách nào đó, chỉnh sửa cái sai của những người xung quanh để tránh gây ra những tổn hại cho bản thân hoặc cho xã hội, nhưng lúc nào cũng tìm mọi cách “vạch lá tìm sâu” là điều không nên.
Giúp người khác nhận ra và sửa chữa lỗi lầm là điều không dễ dàng chút nào. Chúng ta phải luôn tự hỏi điều gì là quan trọng trước khi tìm cách góp ý phù hợp. Cần biết nhẫn nại lắng nghe mới có thể tìm thấy câu trả lời khiến người khác thỏa mãn mà bản thân mình cũng hài lòng. Trong mọi mối quan hệ của con người, để tạo ra một môi trường sống tốt đẹp, lành mạnh và êm ấm luôn là điều rất khó, còn gây ra xung đột, mâu thuẫn, ghen ghét lẫn nhau thì thật là dễ!
Có hai người bạn cùng tham gia vào một kế hoạch kinh doanh. Thế nhưng, mỗi người lại có một ý tưởng khác nhau và người nào cũng nhất định cho rằng ý tưởng của mình là đúng còn người kia là sai. Tôi đành phải hỏi cả hai người về điều mà họ quan tâm nhất khi cùng tham gia kinh doanh với nhau là gì. Từng người bắt đầu nói với tôi về những dự định, những điều họ ấp ủ cho kế hoạch kinh doanh sắp tới, những hoạt động cụ thể mà họ sẽ tiến hành ngay khi bắt đầu công việc. Sau khi lắng nghe cả hai người, tôi bảo với họ rằng: “Ý tưởng của hai bạn đều rất tốt, khả năng thành công là khá cao. Thế nhưng, nếu bạn nào cũng chỉ tìm cách bảo vệ chủ kiến riêng của mình thì chắc chắn kế hoạch của cả hai sẽ thất bại. Các bạn phải xác định điều gì là quan trọng để cả hai sẽ cùng hợp sức làm nên thành công. Vì một lẽ, điều chúng ta quan tâm ở đây là hiệu quả kinh doanh chứ không phải là ý tưởng của ai đúng hơn”. Nếu người nào cũng khăng khăng cho rằng ý tưởng của mình là tốt hơn ý tưởng của người khác, thì cả hai sẽ chẳng bao giờ có thể góp sức cùng nhau để làm nên điều gì cả.
Một khi chúng ta biết nhìn nhận mọi vấn đề tương tự trong cuộc sống với một cái nhìn như vậy, chúng ta sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn lên rất nhiều. Chúng ta ít khi phải bực bội vì sự sai sót của người khác, chúng ta cũng không làm cho những người xung quanh lánh xa mình chỉ vì họ… ngại nghe những lời bắt bẻ, chỉ trích của chúng ta. 
Những điều tốt đẹp ta cư xử với người khác trong ngày hôm nay, sẽ là hạt giống để hoa hạnh phúc nở rộ ở ngày mai. Đừng bao giờ quên điều đó. Đừng bao giờ tự mình gieo những hạt giống xấu, kém phẩm chất để rồi ngày mai sẽ phải gặt hái những hậu quả không mong đợi từ những điều mình đã làm.
Nguồn: Hạnh phúc không khó tìm   - First News và NXB Tổng hợp TPHCM

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Popular Posts

Blogger news

About




Powered by  MyPagerank.Net

Academics Blogs
Bookmark and Share

Blog Archive