Your Adsense Link 728 X 15

13: Hạnh Phúc Không Khó Tìm - Tập 1

Posted by Kenny Phạm 22/7/10 1 nhận xét
Biết “giữ mình” trước áp lực của tiền bạc
“Không nhất thiết cứ phải có thật nhiều tiền bạc, chỉ cần say mê với một thú vui tinh thần nào đó, bạn cũng đã tìm thấy được nhiều hạnh phúc.”
 Albert Camus

Trong ba năm qua, năm nào tôi cũng làm việc suốt sáu tháng liên tục với khách hàng của mình, đó là chưa kể khoảng thời gian nhất định mà tôi dành ra trong mỗi tuần để biên soạn cho xong một quyển sách nào đó.
Một hôm, thấy tôi bận rộn quá, con gái tôi hỏi: “Mẹ ơi! Vì sao mẹ lại viết sách?”. “Vì mẹ yêu thích công việc này, con ạ!” - Tôi đáp - “Mẹ nghĩ rằng, qua công việc này, mẹ sẽ làm cho bản thân mình và những người khác thêm yêu cuộc sống, cảm thấy hạnh phúc hơn, nhiều hy vọng hơn vào tương lai… Vả lại, khoản thu nhập từ việc xuất bản sách cũng đủ để mẹ đóng học phí cho con, mua một căn nhà to hơn và xây một cái bể bơi hay sắm bất cứ thứ gì mình thích.”
“Mẹ thật sự mong có những thứ như vậy sao?” - Con tôi hỏi lại. Câu hỏi của con khiến tôi thấy mình phải suy nghĩ về vấn đề tiền bạc một cách nghiêm túc hơn.
“Không, con ạ! Gia đình mình vẫn có thể hạnh phúc nếu phải sống trong một căn nhà nhỏ, con vẫn có thể đến trường học bình thường và chúng ta cũng không nhất thiết phải có bể bơi trong nhà!”
Thế nhưng, thật bất ngờ, con tôi lại nói: “Không, mẹ ạ! Con thích có một ngôi nhà to đẹp hơn, và con cũng thích nhà mình có cả bể bơi nữa!”.
Thế đấy, đến cả cô con gái bé bỏng của tôi cũng đã có những ý nghĩ như của một người lớn. Chao ôi, tham vọng của loài người! Một khi chúng ta có tiền rồi, chúng ta vẫn muốn có nhiều hơn nữa. Ít có ai cảm thấy hài lòng với những gì mình đang nắm giữ trong tay. Ngay cả tỷ phú John D. Rockefeller, một người thuộc hàng giàu nhất nước Mỹ, sinh thời khi được hỏi: “Điều gì làm cho ông cảm thấy hạnh phúc?”, ông ta đã trả lời rằng: “Có thêm một đô la nữa!”.
Một nghiên cứu thú vị mà tôi dẫn ra dưới đây sẽ cho chúng ta thấy vì sao Rockefeller lại có câu trả lời hết sức “ấn tượng” như thế. Không phải chỉ riêng ông ta mới trả lời như vậy đâu! Nhóm nghiên cứu đã khảo sát nhiều người có mức thu nhập khác nhau với cùng một câu hỏi: “Ông/bà cần bao nhiêu tiền mỗi tháng để có thể sống hạnh phúc hơn?”. Kết quả cho thấy, những người hiện có mức thu nhập 20 ngàn đô la/tháng thì nói là cần 30 ngàn đô, những người thu nhập 30 ngàn đô thì muốn là 50 ngàn đô, còn những người có mức thu nhập 100 ngàn đô thì bảo họ cần tới 200 ngàn đô mỗi tháng mới cảm thấy hạnh phúc được! Theo một kết quả nghiên cứu khác vào năm 1957, phần lớn người được hỏi đều trả lời rằng, họ cần có thêm tiền để có thể sống hạnh phúc hơn. Sau đó, một cuộc nghiên cứu được tiến hành vào năm 1992, số người trả lời rằng “họ cần thêm tiền để có thể sống hạnh phúc hơn” đã tăng thêm 30% so với cuộc khảo sát năm 1957. Điều đáng chú ý là, cuộc sống ở những năm 90 đã có nhiều tiến bộ và tiện nghi vượt xa năm 1957, tuy thế, tham vọng về tiền bạc của con người chẳng những không hề giảm bớt mà ngày càng tăng lên.
Những nhu cầu tối thiểu của con người trong cuộc sống là thực phẩm, áo quần, nhà ở, dịch vụ chăm sóc sức khỏe… Nếu những nhu cầu tối thiểu này không được đáp ứng, chúng ta sẽ không thể sống bình thường được. Tuy nhiên, khi đời sống xã hội ngày càng phát triển, mức sống tăng lên, thì chi phí cho những nhu cầu này cũng tăng theo. Đó cũng là lý do tại sao nhiều người có thu nhập hằng tháng cao lại vẫn cần có thêm nhiều tiền để thỏa mãn những nhu cầu tối thiểu của mình. Tuy nhiên, một điều đáng lưu ý là, dù mức sống xã hội có khác nhau ở nhiều nơi, mức thu nhập có cách biệt giữa các quốc gia thì con người vẫn có thể cảm thấy hạnh phúc, chứ không nhất thiết phải đạt đến một mức sống bình quân chung của toàn thế giới. Sự thật là, nhiều người sống tại châu Phi hay các nước đang phát triển vẫn cảm nhận được hạnh phúc cuộc sống chứ không cứ phải là người nước Mỹ, Thụy Điển, Na Uy hay Phần Lan… thì mới có được một cuộc sống mãn nguyện. Như vậy, mối quan hệ giữa tiền bạc và hạnh phúc không phải bao giờ cũng tỷ lệ thuận với nhau như phần đông chúng ta vẫn nghĩ lâu nay! Tôi đã đọc được ở đâu đó một tác giả viết đại ý rằng: “Tiền bạc cũng giống như không khí ta cần để thở. Nếu thiếu không khí, ta sẽ không sống được, nhưng nếu có quá nhiều thì cũng chẳng ích gì!”. Vậy thì, chẳng có lý do gì mà chúng ta lại tìm mọi cách để thu lấy không khí cho riêng mình, vì người khác cũng cần nó để thở. Và mọi người ai cũng cần một lượng không khí nhất định để sống.
Hạnh phúc của bạn không tùy thuộc vào công việc bạn đang làm có kiếm được nhiều tiền hay không, mà điều quan trọng là công việc ấy có đem lại cho bạn niềm vui và giúp bạn nhận ra ý nghĩa cuộc sống hay không. Với tôi, công việc đã thật sự giúp tôi thực hiện được lý tưởng sống của mình. Nếu mục đích đời tôi chỉ là làm sao để kiếm được càng nhiều tiền càng tốt, thì có lẽ tôi chẳng bao giờ tiếp tục viết sách, vì tôi có thể làm những công việc khác với thu nhập cao hơn rất nhiều lần. 
Một chuyên gia về tài chính, bà Suze Orman, đã nói một câu mà tôi thấy thật chí lý: “Hạnh phúc không phải là ở chỗ chúng ta có bao nhiêu tiền, cũng không phải ở những gì tươi đẹp đã trôi qua trong quá khứ hay những hy vọng hão huyền vào tương lai. Hạnh phúc thật sự của ta là ở chỗ ta sống với hiện tại ta đang có như thế nào”.
Làm trong ngành xuất bản nên tôi cũng tham gia vào kinh doanh. Trong hơn 30 năm qua, tôi đã thấy sự lên xuống thất thường của doanh thu và biết rằng nguy cơ rủi ro, thua lỗ có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Vì vậy, tôi hoàn toàn đồng ý với những gì bà Suze Orman nói - Hạnh phúc không phải là ở tiền bạc ta nắm trong tay, mà ở những cảm nhận ta có được qua từng ngày sống của mình!
Nhờ nhận thức đúng đắn đó mà ngay cả trong những thời điểm khó khăn nhất, tôi cũng chưa bao giờ phải khổ sở, lo lắng vì chuyện tiền bạc. Khi công việc kinh doanh không được thuận lợi, doanh thu giảm sút, nhà xuất bản đứng trước nguy cơ phá sản, tôi cùng chồng và các đồng nghiệp đã đem hết tất cả khả năng, nỗ lực để xoay chuyển tình thế. Chúng tôi dồn tâm trí cho công việc nhiều hơn, khuyến khích nhân viên cấp dưới làm việc có hiệu quả hơn, cố gắng thu hồi nợ từ các đại lý phát hành, mọi chi tiêu cho sinh hoạt văn phòng cũng được tiết kiệm tối đa. Nhờ đó, chúng tôi đã vượt qua được thời kỳ khủng hoảng. Tôi lại có thể yên lòng để say mê theo đuổi công việc viết sách. Cách đây hơn 200 năm, nhà văn Charles Dickens đã nói: “Nếu chi phí hết 19 đồng trong tổng số 20 đồng thu nhập hàng tháng, bạn là người hạnh phúc và giàu có. Nhưng nếu thu nhập hàng tháng là 50 đồng, mà chi phí sinh hoạt lên tới 53 đồng, bạn sẽ trở nên bất hạnh và nghèo khổ”.
Sống trong nợ nần thì khó mà cảm thấy hạnh phúc được. Nhưng nếu cứ hùng hục làm việc bất kể ngày đêm để theo đuổi giàu sang và danh vọng thì chúng ta cũng sẽ chẳng bao giờ hiểu được giá trị của hạnh phúc đích thực. Tiền bạc tuy không mua được hạnh phúc, nhưng nó giúp ta không lâm vào cảnh túng thiếu, nợ nần, nghĩa là tránh được nỗi lo lắng về tài chính; và khi cần, nó có thể giúp ta chia sẻ, tương trợ cho những ai đang gặp hoàn cảnh khó khăn, khổ sở. Chính điều này mới mang lại cho ta cảm giác hạnh phúc. Điều quan trọng nhất là chúng ta phải nhận ra được ranh giới và sự khác biệt giữa muốn và cần. Chúng ta cần tiền bạc, chứ không phải lúc nào cũng muốn tiền bạc. Sự khác biệt giữa hai điều này rất khó nhận ra, và chỉ những người luôn biết giữ mình mới có thể nhận ra được! Mà khi đã có được một thái độ đối với tiền bạc như vậy rồi, chắc chắn cuộc đời ta sẽ được thanh thản, mãn nguyện!
Nguồn: Hạnh phúc không khó tìm   - First News và NXB Tổng hợp TPHCM

Lợi ích của việc kết bạn theo nhóm
“Không có ngôi nhà nào bằng ngôi nhà của những người thân yêu.”
David Whyte

Mỗi tháng một lần, vào buổi chiều thứ Năm của tuần lễ cuối cùng trong tháng, tôi đến gặp gỡ một nhóm bạn bao gồm những người thích đọc sách, không phân biệt lứa tuổi, giới tính, tại nhà sách Borders, California. Mọi người đến đây, ngồi bên ly cà phê để chia sẻ niềm say mê đọc sách của mình với những người khác, nói về những điều họ tâm đắc trong những cuốn sách đã đọc, nhất là những cuốn sách mới được phát hành trong thời gian gần đây.
Nhóm chúng tôi đã duy trì được truyền thống tốt đẹp này qua rất nhiều năm. Hầu như buổi gặp gỡ nào cũng khiến tôi cảm thấy vô cùng thú vị và học hỏi được nhiều điều bổ ích. Vẫn là những người bạn ấy nhưng câu chuyện của họ thì lại chẳng bao giờ cũ.  
Con người không thể sống đơn độc. Lịch sử nhân loại đã cho chúng ta thấy, loài người đã biết tự tổ chức thành những cộng đồng nhỏ và chung sống với nhau. Tuy nhiên, ngày nay, sự phân chia thành các gia đình hạt nhân ngày càng có xu hướng tăng lên. Với nhiều người, cuộc sống của gia đình riêng luôn được đặt lên hàng đầu; các thành viên trong gia đình chỉ gồm hai thế hệ: cha mẹ và con cái. Chúng ta ít có cơ hội trò chuyện với những người hàng xóm hay những người quen biết trong khu phố, vì ai ai cũng bận rộn suốt ngày vì công việc, có một ít thời gian rảnh rỗi vào buổi tối thì chủ yếu dành cho các bữa ăn hoặc giải trí gia đình. Đôi khi, chúng ta cảm thấy cuộc sống thật đơn điệu vì chúng ta phải sống và làm việc một mình trong một khoảng thời gian tương đối dài trong ngày. 
Cuộc sống khép kín đó khiến cho nhu cầu giao tiếp của chúng ta càng nhiều hơn. Tôi không thể nào quên được hình ảnh của một bà cụ mà tôi đã gặp trong một nhà dưỡng lão cách đây mấy năm. “Những người bạn của tôi đâu rồi?” - Bà cụ thều thào trong nước mắt - “Lúc nào tôi cũng mong có những người bạn nhưng cuộc sống ở đây mỗi ngày một buồn tẻ, vắng vẻ. Những người già cùng tuổi với tôi đã lần lượt đi xa hết...”. Bà cụ vừa nắm chặt lấy tay tôi vừa nói: “Cháu còn trẻ tuổi nên chưa hiểu hết đâu, những người già như bà rất cần có người để trò chuyện…”. 
Mỗi người chúng ta  đều cần có một nhóm bạn, một tổ chức nào đó mà chúng ta là thành viên. Theo một kết quả nghiên cứu, hạnh phúc của chúng ta sẽ tăng lên khi chúng ta được sống trong mối tương tác với những người khác.
Vấn đề ở đây không phải là nhóm bạn mà chúng ta chơi chung thuộc thành phần giai cấp nào, ở thành phố hay thôn quê, giàu có hay không, mà vấn đề đáng quan tâm là những người bạn trong nhóm đều phải chân thành, có cùng sở thích, quan điểm, chí hướng, để có thể chia sẻ với nhau những chuyện buồn vui, những cảm xúc đời thường. Có một người biết lắng nghe và chia sẻ, nhất là khi người đó lại cùng một mối quan tâm, sở thích với bạn, bạn sẽ thấy cuộc sống thú vị hơn rất nhiều! 
Nhóm bạn mà tôi gặp gỡ hàng tháng tại nhà sách, đã giúp tôi có dịp cùng cảm nhận và chia sẻ niềm đam mê đọc sách với mọi người. Chúng tôi đều không phải là những cây bút phê bình chuyên nghiệp, nhưng bạn sẽ cảm thấy vô cùng bất ngờ về những ý tưởng, nhận xét, cảm nhận của các thành viên trong nhóm về những cuốn sách họ đã đọc. Đó chính là nét khác biệt lớn so với việc nằm ở nhà đọc sách một mình. Một trong những cách để làm phong phú thêm cuộc sống tinh thần là bạn hãy tìm cho mình một nhóm bạn tốt, có cùng sở thích, cùng những mối quan tâm trong cuộc sống. Ngày nay, khi mà con người rất dễ rơi vào trạng thái cô đơn thì việc kết bạn theo nhóm là một điều cần thiết để chúng ta có thể tìm thấy niềm vui trong cuộc sống từ mối quan hệ cộng đồng.
Nguồn: Hạnh phúc không khó tìm   - First News và NXB Tổng hợp TPHCM

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

những bài viễt như thế này rất bổ ích=hay và thú vị

Đăng nhận xét

Popular Posts

Blogger news

About




Powered by  MyPagerank.Net

Academics Blogs
Bookmark and Share

Blog Archive