Your Adsense Link 728 X 15

Những Tâm Hồn Cao Thượng - Tập 8 - Phần 02

Posted by Kenny Phạm 20/7/10 0 nhận xét
Lễ kỷ niệm hạnh phúc

Thông thường, sau khi một mình dùng xong bữa cơm tối, bà vẫn ngồi yên bên chiếc bàn ăn mà không vội vã đi vào những khu vực khác của ngôi nhà khi chúng dường như vắng lặng hơn lúc đêm về.
Hãy suy ngẫm về hạnh phúc mà bạn đang có... (Charles Dickens)
Bà nhớ lại trước đây mọi người thường chạy ùa vào đó sau mỗi bữa ăn - bọn trẻ thì chạy lên phòng, còn Peter thì xem chương trình tin tức yêu thích của ông trên ti vi.
Bà luôn có rất nhiều việc phải làm, và đôi khi bọn trẻ dường như chẳng chịu khôn lớn để ít ra bà cũng có chút ít thời gian dành cho riêng mình. Thời gian cho riêng bà. Ôi, giờ thì bà có nhiều thời gian, khoảng thời gian rất lớn chỉ để lấp đầy khoảng trống rất nhỏ trong cuộc sống của bà. Nhất là sau khi Peter ra đi.
Hai người đã lên kế hoạch sẽ cùng đi du lịch một số nơi sau khi bọn trẻ trưởng thành, thế nhưng Peter lại thực hiện một chuyến đi khác. Bà có thể đánh đổi bất kì điều gì để có thể sống lại những tháng ngày tuyệt vời xưa kia, nhưng dĩ nhiên điều đó là không thể. Dù đã làm những công việc tình nguyện, việc nhà và thỉnh thoảng còn làm bánh để bán, nhưng bà vẫn luôn nhớ sự huyên náo ngày nào và hẳn bà sẽ rất hạnh phúc khi được nghe lại những giọng nói ấm ức của các con giữa mỗi trận ẩu đả.
“Mẹ, nó lấy áo của con mà không xin phép gì cả” hay “Mẹ, anh ấy không để cho con học.” Mẹ, mẹ, mẹ. Thỉnh thoảng bà cũng muốn cho chúng một trận, còn bây giờ bà chỉ muốn được ôm chúng vào lòng và giữ chúng thật chặt. Nhìn mấy đứa nhỏ ngoài phố bà lại thấy lòng thật buồn, nhớ làm sao những giây phút mà vòng tay của mình cũng đầy ắp tình yêu thương.
Đêm nay bà cảm thấy mình thật ngớ ngẩn. Bà đã nói với Charlotte, người hàng xóm vừa tạt qua thăm bà trước đó, rằng hôm nay là kỷ niệm lần thứ 40 ngày cưới của bà và họ đã bàn về một buổi lễ thật đặc biệt. Đúng là một bà già lẩm cẩm. Sau khi Charlotte về, bà đã làm một chiếc bánh sô-cô-la mà Peter rất thích và đặt nó trong tủ lạnh, chỉ còn chờ được mang lên bàn ăn.
Năm ngoái, mấy cậu con trai đều gọi điện thoại về, chúng cười nói và bàn về một buổi lễ kỷ niệm 40 năm thật linh đình và còn tính xem bọn chúng sẽ tổ chức như thế nào, nhưng bây giờ thì chẳng còn gì để tổ chức. Thật vậy, chẳng có ai gọi điện về cả. Người ta không thể mừng lễ kỷ niệm ngày cưới khi chỉ còn một trong hai người. Ít ra thì đó là những gì bà đã nói với Charlotte, và Charlotte đã chắt lưỡi cảm thông và tỏ ra rất buồn.
Bà cảm thấy tủi thân à? Thôi nào, bà tự trách mình, hãy ăn một miếng bánh thật lớn và thết đãi chú chó Max một ít nữa. Hẳn là đọc được suy nghĩ của bà, nó bắt đầu sủa vang. Con Max già thật tội nghiệp. Nó là con chó của Peter, đêm nào cũng chờ ở cửa cho đến lúc ông về. Đến tận bây giờ, có vài đêm nó vẫn chờ nơi cánh cửa không bao giờ mở, chồm dậy và sủa vang khi nghe bất kỳ tiếng động nhỏ nào.
Tối nay cũng vậy. Nó đang sủa cái gì thế nhỉ? Chắc nó nghĩ là nó sở hữu cả con phố này, và thậm chí là cả thế giới này nữa hay sao ấy. Nhưng dĩ nhiên là bất kỳ điều gì trong khu này đều thuộc lãnh địa của nó. Đêm nay có một cái gì đó đã đánh động nó. Vì vậy bà đi về phía cửa sổ để xem có chuyện gì. Chỉ là một chiếc xe thôi mà.
Bà mắng nó: “Làm ơn đi Max, chúng ta đâu phải là người duy nhất sống ở con phố này”. Có thể một người hàng xóm khác là bà Boris có khách đến chơi. Bà ấy có một gia đình đông đúc, và mấy đứa con rất thường ghé về thăm bố mẹ.
Nhưng Max vẫn tiếp tục sủa, và bà nghĩ là bà cũng nghe thấy một tiếng động ở cửa. Bà chẳng bao giờ thấy sợ bóng đêm hay những điều bí ẩn, vì thế bà cứ bước lại, mở toang cánh cửa và nói: “Nhìn đi, Max - có ai đâu - ôi, trời ơi!”. Chúng đang đứng ở đó, cả ba đứa con trai của bà. Chúng la lên: “Ngạc nhiên chưa, ngạc nhiên chưa” và bất ngờ ôm hôn bà tới tấp -  những đứa con của bà đã trở về nhà.
“Mẹ không nghĩ là các con còn nhớ ngày này. Hơn nữa, cha các con...” Giọng bà lạc đi trong làn nước mắt.
“Mẹ”, giọng của Josh vang lên, “đối với chúng con thì mẹ và cha luôn ở nơi đây, luôn ở trong trái tim và tâm trí chúng con, và buổi lễ kỷ niệm nào cũng là một ngày đặc biệt đối với anh em con”. Hai đứa kia gật đầu, và bây giờ thì nước mắt đang chảy dài trên khuôn mặt bà. “À, mẹ này, bánh đâu rồi mẹ?”, Chuck lên tiếng hỏi. “Bọn con muốn ăn mừng.” Bất chợt bà mỉm cười và chạy ngay vào bếp, thầm cám ơn thế lực siêu nhiên nào đấy đã xui khiến bà làm chiếc bánh cho ngày hôm nay và đã ban cho bà ba đứa con trai tuyệt vời.
- Evelyn Marder Levin
JACK CANFIELD & MARK VICTOR HANSEN

Giúp đỡ lẫn nhau

Mười tám tuổi, tôi rời nhà mình ở Brooklyn, New York để đến học Sử học tại Đại học Leeds ở Yorkshire, Anh quốc. Đó là khoảng thời gian lý thú nhưng cũng đầy khó khăn trong cuộc đời tôi vì lúc ấy tôi vừa phải cố gắng thích nghi với môi trường sống xa lạ, vừa phải học cách đương đầu với nỗi đau mất cha - một biến cố vừa mới xảy ra mà tôi vẫn chưa thể chấp nhận được.
Một ngày nọ khi đi chợ, trong lúc đang phân vân chẳng biết nên chọn mua bó hoa nào để tô điểm cho căn phòng trọ tuy tiện nghi nhưng buồn tẻ của mình, tôi chợt để ý thấy một ông cụ đang lúng túng xoay xở vì vừa phải chống gậy vừa phải ôm cả một túi táo. Tôi bèn chạy vội đến và đỡ hộ túi táo để ông có thể lấy lại thăng bằng. 
“Cảm ơn cháu yêu”, ông nói với chất giọng đặc trưng của miền Yorkshire mà tôi nghe chẳng bao giờ chán. “Ta không sao đâu, cháu đừng lo”, ông vừa nói vừa nhìn tôi mỉm cười, nụ cười ấy không chỉ thể hiện qua khóe môi mà còn qua đôi mắt xanh sáng hấp háy của ông nữa. 
“ Cháu có thể đi cùng ông không?”, tôi hỏi dò. “Cháu chỉ muốn chắc rằng mấy quả táo đó không bị biến thành nước sốt táo sớm hơn bình thường thôi.”
Ông cụ bật cười và nói: “Cháu đang sống xa nhà phải không cô bé? Cháu từ Mỹ đến à?”.
“Dạ phải, nhà cháu ở New York. Trên đường đi cháu sẽ kể cho ông nghe về nơi đó.”
Thế là tôi bắt đầu trở thành bạn của ông Burns. Nụ cười cũng như sự nhiệt tình của ông chẳng bao lâu đã trở nên rất có ý nghĩa đối với tôi.
Khi chúng tôi cùng đi, hình ảnh ông Burns (tôi luôn gọi ông như thế và chưa bao giờ tôi biết tên thật của ông) tì cả người vào cây gậy to chắc, nhiều mấu của mình khiến tôi liên tưởng đến cây gậy quyền trong kinh thánh. Khi về đến nhà ông, tôi giúp ông bày những thứ ông vừa mua được lên bàn và nằng nặc xin được giúp ông pha “trà” – có nghĩa là bữa ăn của ông. Tôi thầm hiểu sự phản đối yếu ớt của ông chính là lời cám ơn cho sự giúp đỡ của tôi.
Sau khi pha trà xong, tôi hỏi ông xem liệu tôi có thể quay lại thăm ông lần nữa không. Tôi nghĩ mình thỉnh thoảng nên ghé thăm để xem ông có cần gì không. Ông nháy mắt và mỉm cười trả lời: “Trước lời đề nghị của một tiểu thư tốt bụng như cháu, làm sao ta có thể từ chối được”.
Ngày hôm sau tôi lại đến, cũng khoảng vào giờ hôm trước để có thể giúp ông chuẩn bị bữa ăn tối. Với tôi, cây gậy to kia chính là lời nhắc nhở thầm lặng rằng ông đã rất yếu, và mặc dù chẳng bao giờ mở lời nhờ vả, song ông cũng không từ chối sự giúp đỡ. Chính vào tối hôm đó, hai ông cháu tôi đã có một buổi trò chuyện thân tình “từ trái tim đến trái tim”.
Ông Burns hỏi thăm việc học của tôi, những dự định tương lai và chủ yếu là ông hỏi thăm về gia đình tôi. Tôi kể cho ông biết là bố tôi vừa mới qua đời, song không nói nhiều lắm về mối quan hệ giữa hai bố con tôi. Khi nghe xong câu chuyện của tôi ông chỉ về phía hai khung ảnh đặt cuối bàn cạnh chiếc ghế nơi ông ngồi. Đó là hình chụp hai người phụ nữ khác nhau. Một người rõ ràng là lớn tuổi hơn người còn lại, nhưng hai người lại giống nhau đến kinh ngạc.
“Đó là Mary, vợ bác”, ông nói và chỉ tay vào ảnh của người phụ nữ lớn tuổi hơn. “Bà ấy qua đời đã được sáu năm rồi. Và kia là Alice. Con bé từng là một y tá rất giỏi. Mất con bé là một cú sốc quá sức chịu đựng đối với Mary vợ ta.”
Đáp lại câu chuyện của ông là những giọt nước mắt của tôi, những giọt nước mắt mà trước đây tôi đã không thể khóc thương cho chính nỗi đau của mình. Tôi khóc cho bà Mary. Tôi khóc cho Alice. Tôi khóc cho ông Burns. Và tôi còn khóc thương cho người bố mà tôi đã không kịp nói lời vĩnh biệt.
Mỗi tuần, tôi đến thăm ông Burns hai lần, luôn luôn vào cùng một thời điểm. Mỗi lần tôi đến, ông Burns đều ngồi trên chiếc ghế của mình, còn cây gậy của ông thì được dựng tựa vào tường. Ông Burns có một chiếc ti vi trắng đen nhỏ, nhưng rõ ràng ông vẫn thích đọc sách và nghe máy hát đĩa để giải trí hơn. Dường như ông rất vui mỗi khi tôi đến chơi.
Mặc dù đã tự nhủ rằng mình thật vui sướng khi được giúp đỡ người khác, nhưng tôi còn hạnh phúc hơn khi gặp được một người mà mình có thể tâm sự được mọi tâm tư, tình cảm, những điều mà cho tới lúc đó tôi hầu như không dám thú nhận cả với chính mình.
Trong lúc tôi pha trà, câu chuyện lại bắt đầu. Tôi kể cho ông Burns biết rằng tôi cảm thấy ăn năn biết dường nào khi đã bất hòa với bố mình đến độ không nói chuyện với ông trong suốt hai tuần trước ngày ông mất. Tôi sẽ không bao giờ có được cơ hội xin bố tha thứ. Và bố tôi cũng chẳng bao giờ còn có cơ hội để làm điều đó với tôi.
Mặc dù ông Burns cũng có tham gia vào câu chuyện, nhưng ông đã nhường phần lớn thời gian cho tôi. Chủ yếu là tôi nói, còn ông chỉ là người nghe. Nhưng cách ông lắng nghe thật lạ! Ông không chỉ chăm chú lắng nghe những gì tôi nói mà dường như ông rất hiểu tôi, chú ý đến tất cả những gì tôi kể, và ông còn nói thêm vào những chi tiết được đúc kết từ kinh nghiệm cũng như từ trí tưởng tượng của chính mình để hiểu chính xác hơn những điều tôi nói.
Sau đó khoảng một tháng, tôi quyết định đến thăm ông vào một ngày nghỉ. Tôi đã không gọi điện báo trước cho ông vì hình thức xã giao đó có vẻ như không cần thiết đối với mối quan hệ của ông cháu tôi. Từ xa, tôi đã nhìn thấy bóng ông đang làm vườn, ông khom người một cách dễ dàng và đứng lên cũng rất thoải mái. Tôi lặng người vì kinh ngạc. Phải chăng đây chính là người đàn ông phải chống cây gậy to tướng để đi mà tôi biết hôm nào?
Bất chợt ông nhìn về phía tôi. Vì nhận thấy sự ngạc nhiên của tôi trước chuyển biến lạ lùng của ông, nên ông vẫy tôi lại gần, trông ông rất lúng túng. Tôi không nói gì nhưng vẫn đồng ý vào nhà. 
“Xem nào, tiểu thư! Lần này để ta pha trà mời cháu nhé.”
“Sao thế ạ?”, tôi hỏi. “Cháu đã nghĩ là...”
“Ta biết con đang nghĩ những gì, cháu yêu à. Khi lần đầu tiên con gặp ta ở chợ..., à,  là lúc ta vừa bị trặc cổ chân trước đó mấy ngày. Do ta vấp phải một hòn đá trong lúc làm vườn đấy mà. Ta lúc nào cũng giống như một gã khờ vụng về.”
“Nhưng... ông đã đi lại bình thường... từ bao giờ thế?” Không hiểu sao lúc ấy, ánh mắt ông cùng một lúc lại ánh lên nét vui vẻ pha lẫn ăn năn. “À, ta nghĩ rằng đó chính là ngay sau ngày ông cháu ta gặp nhau lần đầu tiên.”
“Nhưng tại sao?”, tôi hỏi ông, lòng thật sự hoang mang. Từ trước đến giờ, chắc không phải là ông đã giả vờ ốm yếu để tôi phải đến giúp ông pha trà đâu.
“Lần thứ hai khi cháu đến đây, ta đã thấy cháu rất buồn. Cháu cảm thấy rất cô đơn, buồn chán về chuyện cha cháu và về mọi thứ. Ta đã nghĩ rằng, vậy thì, ta có thể để cho một cô bé như cháu tựa đầu vào đôi vai già nua của ta. Nhưng ta cũng biết cháu luôn tự nói với bản thân mình rằng cháu đến đây thăm ta là vì ta chứ không phải vì bản thân cháu. Liệu cháu có còn quay lại nữa không nếu như cháu biết rằng ta vẫn khỏe mạnh? Và ta còn biết rằng cháu thật sự rất cần một ai đó để tâm sự. Một người nào đó đã lớn tuổi, thậm chí còn lớn tuổi hơn cả bố của cháu. Một người biết cách lắng nghe.”
“ Thế còn cây gậy?”
“À, đó là một cây gậy đẹp. Ta dùng nó mỗi khi đi ra bãi đất hoang ngoài kia. Thôi, ông cháu mình cùng ra ngoài đó đi.”
Vậy đấy. Ông Burns, người mà tôi muốn giúp đỡ lại là người giúp đỡ tôi. Ông đã dùng thời gian của mình làm quà tặng cho tôi, ban tặng sự quan tâm và tình yêu thương cho một cô bé đang cần đến tất cả những điều đó.
- Marlena Thompson
JACK CANFIELD & MARK VICTOR HANSEN

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Popular Posts

Blogger news

About




Powered by  MyPagerank.Net

Academics Blogs
Bookmark and Share

Blog Archive