Your Adsense Link 728 X 15

P02: Học làm người qua sinh hoạt ngoại khóa

Posted by Kenny Phạm 7/7/10 2 nhận xét
Học làm người qua sinh hoạt ngoại khóa 
Cách đây 50 năm tôi bạo gan tự xin đi du học ở Mỹ. Không ngờ tôi được chọn không vì học lực mà vì tính tự lập. Cách ghép hai danh sách các trường cấp học bổng cho SV du học hoàn toàn hú họa: nhiều bạn tôi rơi vào các đại học nổi tiếng, có bạn được vào các trường dành cho nữ “quí tộc”.
Riêng tôi rơi vào một trường nhỏ xíu nằm ở một thành phố khỉ ho cò gáy (La Crosse) ở bang Wisconsin đầy tuyết. Đầu tiên đây là một trường sư phạm nhỏ đào tạo giáo viên phổ thông. Đến năm 1949-1950, trường được mở rộng cho mọi thành phần và thêm nhiều phân khoa như khoa học tự nhiên, xã hội học, sử học, nghệ thuật...
Khi tôi đến trường chỉ có vài trăm sinh viên, nhưng đến nay đây là một đại học có tiếng trong vùng, được đánh giá cao bởi các ngành giáo dục học, nghệ thuật, điều dưỡng...
Tôi đến vào đầu hè để theo khóa hè nhằm rút ngắn thời gian. Ngày đầu tiên tôi gặp tiến sĩ  Mary C. phụ trách SV. Sau đó tôi mới biết bà là trưởng khoa xã hội học và là một trong các giáo sư lỗi lạc nhất của trường. Bà làm tư vấn học tập cho tôi vì mỗi giảng viên được chỉ định theo dõi, tư vấn cho từ 5-10 SV. Bà nói với tôi: “Em được học bổng toàn phần nhưng chủ trương của nhà trường là tất cả phải làm việc để hưởng tiền túi của mình”. Chúng tôi được chỉ định làm việc bán thời gian ở thư viện, bệnh viện hay các cơ sở khác của trường. Bà đã nói về một hệ giáo dục toàn diện mà sau này tôi nghe cả trăm lần trên lớp học và nhấn mạnh trường rất quan tâm giáo dục chúng tôi qua các sinh hoạt ngoại khóa. Và tôi là người từ xa, đến từ một nước đang phát triển cần nhân tài nên phải tích cực tham gia. Nói vậy tôi nghe vậy chứ chưa hiểu lắm. Mãi về sau này tôi mới thấy các sinh hoạt ngoại khóa ở một đại học Mỹ quan trọng như thế nào.
Một SV Mỹ và tôi được chỉ định về làm ở phòng bông băng tại bệnh viện. Hồi đó người ta chưa bỏ đi các băng, gạc đã sử dụng mà giặt lại rồi hấp để tiệt trùng. Nhiệm vụ của chúng tôi là làm phẳng và xếp các miếng vải gạc đã giặt, cột thành gói nhỏ cho vào nồi hấp. Sau một thời gian, để được tăng lương tôi được đổi lên lầu hai phục vụ cho người bệnh ăn. Không ngờ mỗi ngày đút ăn cho 10 cụ bà sắp chết tôi bị xuống tinh thần, ăn ngủ không được. Do đó năm sau với vốn tiếng Anh khá hơn, tôi chuyển qua thư viện. Mấy tuần lễ đầu tiên là lau bụi cả trăm quyển sách và các kệ sách (hồi đó chưa có máy hút bụi nhỏ). Bước tiếp theo là xếp lại trên kệ đúng số thứ tự các sách bạn đọc trả. Rồi phụ trách quầy cho mượn sách, làm phiếu, phân loại... Dĩ nhiên, tôi phải học đánh máy đúng qui cách. Hồi đó, ở VN đánh máy được 10 ngón cũng “le” lắm. Nhưng không ngờ nhờ đó tôi đã thành lập hàng chục thư viện lớn nhỏ trong quá trình hoạt động của tôi sau này. Giờ đây thư viện đã được vi tính hóa, sách thường được phân loại sẵn. Nhưng công việc này đã để lại cho tôi cái thú vui với sách, kỹ năng đọc và tổng hợp nhanh, điều mà chỉ học ở lớp không thể nào có được.
Vào năm học, bà Mary khuyên thế nào cũng phải học các môn tự chọn: “Em nên học các môn như thủ công mỹ nghệ, âm nhạc và tổ chức đời sống gia đình cho vui và để mở mang” (giáo dục toàn diện mà!). Tôi vào ban hợp xướng của trường và để chuẩn bị đêm hội quốc tế, thầy nhạc đã đệm violon cho tôi solo bài Đêm đông sau 6-7 lần tập dượt. Giờ đây tôi hát không ra hơi nhưng ít ra đã biết đọc nốt nhạc và hát đúng nhịp. Đi trình diễn đây đó cũng tạo cho tôi thói quen dạn dĩ. Còn từ lớp thủ công tôi làm được một chân đèn bằng men, vài món nữ trang bằng đồng rất vụng về nhưng từ đó tôi học được cách phối màu, trang trí nội thất. Vui nhất là môn kinh tế gia đình: không chỉ dạy vệ sinh, cắt may, nấu nướng mà còn cả cách tiếp đãi khách. Bài thực tập là một buổi dạ tiệc khá long trọng. Bà giáo nói: “Oanh nó ở xa, cần học hỏi nhiều, cô cho nó làm bà chủ nhà”. Các bạn khác kẻ đi chợ, người nấu ăn, kẻ dọn dẹp trang trí. Chúng tôi phải ngồi lại lên kế hoạch từ số khách mời là ai, làm món gì cho phù hợp, dọn bàn và trang trí đúng cách, đặt khách ngồi đúng chỗ, tiếp khách khi mới đến... Giờ đây, tôi không mặn mà với nữ công gia chánh chút nào nhưng học được phép giao tiếp của phương Tây, rất có ích cho công việc của tôi hôm nay.
Lên giữa năm thứ hai tôi đã chọn ngành xã hội học mà người phụ trách là giáo sư Mary C., người đã tạo một dấu ấn to lớn trên con người khoa học của tôi. Nhưng kỷ niệm vui nhất của tôi là tiến sĩ Celestrine H.- trưởng khoa Anh văn. Chúng tôi gắn bó với nhau ở lớp và các môn văn chương Anh... Bà còn phụ trách tạp chí của trường tên Touchstone (là một thứ đá để thử vàng bạc). Các bạn sinh viên quốc tế khác học tiếng Anh hơi khó nên bà chọn tôi để “thêm màu sắc” cho tạp chí và hướng dẫn tôi viết bài về châu Á, VN, người phụ nữ phương Đông... Thực tế công tôi một, công bà ba vì phải sửa chữa hiệu đính từng chữ, từng câu cho ra một bài báo của đại học. Tôi học viết báo từ đó. Một năm báo được giải thưởng nhờ một bài của tôi với sự gọt giũa của bà. Mừng quá bà thừa thắng xông lên. Bà cho tôi đi nói chuyện ở các hội đoàn. Một hôm, đột nhiên tôi bị hoảng trước một cử tọa toàn quí bà sang trọng của thành phố. Bỗng nhiên giữa các bà tôi thấy bà giáo của tôi nét mặt lo lắng, môi đang chép chép những lời mà tôi đã quên vì bà đã dượt cho tôi nhiều lần. Buồn cười quá tôi hết sợ và tiếp tục. Năm thứ hai có một môn bắt buộc là speech (nói chuyện trước công chúng). Ở môn này không những chúng tôi học triển khai nội dung, sắp xếp bố cục mà phải biết trình bày sao cho hấp dẫn và xuất hiện thế nào cho ấn tượng. Người dạy chúng tôi là một phụ nữ đẹp duyên dáng, ăn mặc đúng mốt và tự tin. Tôi còn nhớ mấy chữ bà nhắc đi nhắc lại “một tư thế tự tin và duyên dáng”. Không ngờ sau năm 1975, NVH Thanh niên nhờ tôi dạy về thuật hùng biện. Dù không tin ở sự độc thoại nhưng tôi đã “rút tuồng bụng” từ mấy chục năm trước để mở mấy lớp về lý thuyết và thực hành nói chuyện trước công chúng.
Nhưng bấy nhiêu chưa “toàn diện” đến đâu. Trường rất quan tâm đến rèn luyện kỹ năng giao tiếp với người khác phái. Cuối năm trường lại tổ chức ba đến bốn kỳ dạ hội khiêu vũ với các trường nam trong vùng. Lần đó các bạn của tôi rất thích thú hồi hộp vì là một cuộc “blind date”. Đó là cuộc “hẹn hò mù”, nghĩa là bạn sẽ rút thăm để gặp một chàng trai không hề quen biết mà suốt buổi phải trò chuyện, uống rượu, khiêu vũ với anh ta. Giờ đây chuyện ấy đối với cả thiếu nữ VN không có gì mà ầm ĩ. Nhưng cách đây nửa thế kỷ không phải chuyện nhỏ. Môn giáo dục thể chất có dạy kỹ các vũ điệu cổ điển như valse, tango... nhưng có lẽ vì bị vướng mắc lời dặn “không được nhảy đầm!” của cha tôi nên tôi học hoài không được. Cho nên trước biến cố này tôi sợ khiếp vía. Có vài bạn Mỹ ở nông thôn ra nên cũng sợ lắm. Chúng tôi bàn nhau sẽ trốn. Nhưng trước đêm dạ hội bà Mary lên tận phòng tôi, cười mím chi nói: “Không chết đâu mà sợ, cái gì cũng phải tập cho quen. Cô cũng sẽ có mặt mà”. Các bạn nội trú tối thứ bảy hay đi nhảy ở các night club. Họ kéo tôi đi vài lần nhưng tôi rất sợ cái bầu không khí mù mịt khói, hơi bia và xoay qua xoay lại là đụng nhau. Bà giáo thường nói “lâu lâu cũng nên đi cho biết”.
Tôi học rất nhiều ở lớp học nhưng các ấn tượng ngoài lớp học đã theo tôi mãi mãi. Và giờ đây tôi hiểu ra thế nào là giáo dục toàn diện và ý nghĩa của sinh hoạt ngoại khóa trong giáo dục đại học. Có bạn trẻ hỏi: “Sao cái gì chị cũng biết hết vậy?”, đó là do tôi may mắn cái gì cũng được học.
Tháng 4-1999, tôi trở về thăm trường. Bà thầy ruột tổ xã hội học đã đi nơi khác hay chết rồi cũng không chừng vì nhiều thầy cô tôi đã qua đời. Nhưng bà thầy Anh văn còn. Bà 94 tuổi, mới bị gãy chân nên chống gậy đến đón tôi. Bà khóc và nói: “Mấy chục năm không có tin em, cô nói với các cô thầy chắc là Oanh nó chết trong bom đạn rồi”. Ngày hôm sau trường mời tôi đi nói chuyện với các khoa công tác xã hội, quốc tế, sử học. Bà đang ho sù sụ mà vẫn theo nghe tôi. Bà theo dõi từng lời như hồi tôi còn nhỏ nhưng giờ đây chắc bà đã yên tâm hơn với người học trò già của mình.
Quên sao được công ơn của những người cùng với cha mẹ mình góp phần vào sự hoàn thiện nhân cách của mình. Không chỉ tôn sư trọng đạo mà tình thầy trò là cái gì đó theo ta suốt đời. Còn cha tôi chưa kịp xem cái văn bằng nhưng đã nhận ra sự thay đổi nơi tôi ngay ở cái bàn ăn vì tôi đã biết dọn dẹp, kỹ lưỡng, đối xử với mọi người khác đi. Khi tôi đi thì chỉ biết ăn rồi chơi, quét nhà, giặt quần áo cũng không biết. Cha tôi khá hài lòng với tấm bằng tốt nghiệp ở trường đời.  
========================
Lương tâm 
Cách đây vài năm, ông Ladinsky - nhà xã hội học luật pháp Mỹ - có tới thăm và thuyết trình tại TP.HCM.
Ông nói: "Luôn hoàn chỉnh luật và thi hành pháp luật là điều cần thiết, nhưng nên nhớ rằng luật là bệ chắn cuối cùng. Điều cơ bản hơn là giáo dục công dân sao cho họ có một tâm thế sẵn sàng tuân thủ luật. Làm sao để trừng phạt, chế tài chỉ dành cho một thiểu số bất trị".
Điều giúp cho cá nhân biết tôn trọng lợi ích chung, biết thể hiện sự tự do của mình mà không vi phạm sự tự do của người khác là lương tâm. Thấp hơn lương tâm là sự biết điều, sự tự trọng.
Sự rối loạn giao thông cho thấy một điều đáng buồn là ở thành phố ta có một số người mà hai điều tối thiểu cuối cùng trên họ cũng không có... Nhường nhịn một chút để chờ (tôn trọng lợi ích chung), để chính mình đỡ mất giờ hơn (để tìm lợi ích riêng) mà họ cũng không làm được. Đây không phải chuyện lớn nhưng sự thiếu tư cách và thậm chí "rừng rú" của một số cá nhân là một câu hỏi đặt ra cho hiệu quả quản lý và giáo dục.
Nhưng quan trọng và cơ bản hơn nữa là tìm hiểu nguyên nhân của sự nhiễu loạn xã hội ngày nay với tệ nạn ma túy, mại dâm, hiếp dâm, lạm dụng tình dục trẻ em và các tội phạm hình sự xảy ra. Những kẽ hở trong quản lý, sự thiếu trách nhiệm, hay làm ngơ hoặc trầm trọng hơn là bảo kê cho cái xấu không còn là một điều giấu giếm nữa. Bằng giả, buôn lậu, bán đề thi, mua bằng cấp... cũng thuộc cùng một phạm trù. Và bất cứ một người dân yêu nước nào cũng phải góp phần giải quyết vấn đề dầu sôi lửa bỏng này của đất nước. Ở đây ông tiến sĩ đã làm lộ đề hay anh công an khu vực làm ngơ cho tội phạm vì lợi ích riêng cũng chịu trách nhiệm như nhau. Và có khi phải đặt vấn đề ở cấp cao hơn là vì sao lương tâm đã bị đánh mất? Lương tâm là cái mà chỉ loài người mới có, cái giúp từng cá nhân phân biệt phải trái và tự mình biết kiềm chế lấy mình.
Có người nói đùa là họ bị "đứt dây thần kinh mắc cỡ". Tôi xin ví nó như cái thắng của chiếc xe. Nếu thắng đã hư hay đứt thì hàng ngàn cái bệ chắn là luật pháp cũng không ngăn chặn nổi.
Xu thế chung là khi có sự vi phạm thì cho là vì người dân không hiểu luật và cố nhồi nhét giáo dục pháp luật. Đó là bọc cho họ cái vỏ bên ngoài, nhưng khi lương tâm không còn thì cái vỏ ấy bị phá vỡ như chơi. Muốn chống sự bạo hành và lạm dụng tình dục trẻ em, nhiều cuộc hội thảo được tổ chức xung quanh chủ đề luật pháp đã giả thiết rằng người ta xâm hại trẻ em vì người ta không hiểu luật. Theo tôi, nguyên nhân chính là người ta đã mất tính người vì từ nhỏ người ta không được giáo dục để trân trọng, yêu quí con người và nhân phẩm, nhất là trẻ em. Vì thế mà tập huấn về quyền trẻ em rất nhiều mà trẻ vẫn là nạn nhân của bạo lực.
Muốn ngăn chặn thanh thiếu niên sa vào ma túy thì lại giáo dục pháp luật. Tốt chứ, nhưng có đủ không? Thật ra muốn cho các em tránh ma túy thì cơ bản hơn là tạo cho các em một cuộc sống gia đình hạnh phúc, an toàn. Làm sao cho các em được thỏa mãn các nhu cầu về tình thương, tình cảm, một đời sống văn hóa tinh thần phong phú, một nghị lực để nói "không" với cái xấu, những đam mê lành mạnh như nghệ thuật, thể thao... Tạo cho các em những tập thể đồng lứa sống lành mạnh mà các em thương yêu, gắn bó.
Cái nhìn nông cạn, máy móc về bản chất con người khiến các biện pháp tìm đến thường mang tính ép buộc từ bên ngoài: cấm đoán, cách ly, nhốt, tập trung thay vì phát huy và củng cố cái thiện sẵn có từ bên trong mỗi người. Tạo môi trường lành mạnh để trẻ lớn lên lành mạnh.
Phải chăng vì các nhà khoa học xã hội cơ bản như đạo đức học, tâm lý học, xã hội học, giáo dục học... đã "nghỉ giải lao" một thời gian hơi dài? Và câu hỏi nóng sốt nhất chưa được trả lời: "Vì đâu lương tâm bị đánh mất để xã hội bị nhiễu loạn đến mức này?".
Chữa cháy rất cần, nhưng ngay từ giờ phút này phải bắt tay xây dựng những ngôi nhà kiên cố. 

NGUYỄN THỊ OANH ( Tuổi Trẻ Online )

2 nhận xét:

Nặc danh nói...

e de laj comment dc muk, sao a tieu quy noi ko dc ta

Nặc danh nói...

Đẹp quá, những bài học cuộc sống.

Đăng nhận xét

Popular Posts

Blogger news

About




Powered by  MyPagerank.Net

Academics Blogs
Bookmark and Share

Blog Archive