Your Adsense Link 728 X 15

P02: Nghị lực sống - Vừ Chông Pao

Posted by Kenny Phạm 8/7/10 0 nhận xét
Lê Hồng Sơn sinh năm 1979 giữa quê nghèo xã Phú Gia, huyện miền núi Hương Khê (Hà Tĩnh). Bất hạnh đến với Sơn ngay từ khi mới lọt lòng mẹ: hai cánh tay không có cơ bắp, hai bàn tay rủ xuống như dính liền nhau trước ngực.
Còn hai chân cũng khòng khoeo dị tật. Nhưng như có một phép lạ, từ nhỏ Sơn đã biết làm nghề mộc để tạo cho mình một cuộc sống tự lập trên đôi chân tật nguyền bé bỏng. Năm 1991 Sơn đoạt giải nhất “Cuộc thi khéo tay” huyện Hương Khê; năm 1992 Sơn lại đoạt giải nhất toàn quốc “Hội thi nghề mộc trại hè trẻ em nghèo vượt khó” tại Hà Nội. Ngày 1-10-1998 Chủ tịch nước Trần Đức Lương gửi thư khen: “Ý chí của cháu là tấm gương đáng để các bạn trẻ VN noi theo”.
Dưới những cành cọ lấp lóa nắng chói, mái nhà tranh của gia đình Sơn hiện lên trên đồi đất trắng như cát trắng. Mẹ Sơn đang đội khăn tang cho chồng. Bà nội Sơn đã 94 tuổi. Còn Sơn thì thấp nhỏ như chú bé lên mười.
Những ngày thơ ấu
Mẹ Sơn không giấu nổi những giọt nước mắt mặn xót khi kể lại cho tôi nghe những ngày ấu thơ của Sơn. Chị nói: “Tôi bị cảm biến chứng lúc mang thai cháu được bốn tháng, rồi bị ngã trong lúc làm cỏ lúa giữa đồng nắng khô... Sinh con ra là đã khóc. Những ngày bồng con đi hết viện gần, viện xa khác nào như bồng cục lửa trên tay. Hết tiền vay mượn, đến khi bán cả gian rưỡi cái nhà cọc của ông bà để lại tiếp tục bồng con đi viện vẫn không chữa nổi. Vợ chồng lại quay về chụm cái lều cọ để ở. Mãi sáu năm sau cháu mới biết đi”. Để cho con đi được, người mẹ ngày nào cũng trải chăn bông ra giường rồi mẹ một đầu, bố một đầu tập từng bước đi đầy cực nhọc cho con.
Lên 8 tuổi, Sơn đòi mẹ cho đi học. Hồi đó nghe bạn gọi “Sơn ơi đi học” là Sơn mừng lắm. Nhưng việc đi học của Sơn là cả một kỳ công, vì trên bàn chân dị tật của Sơn những ngón chân bé tẹo cũng không được bình thường. Nhiều đêm trằn trọc Sơn không khóc mà nước mắt ướt đầm cả gối. Việc dùng hai chân cặp bút để viết đã không thành, Sơn dùng thanh tre buộc vào chân rồi kẹp bút ở giữa cũng rất khó khăn vì cái chân tật hay bị tê. Làm đủ kiểu, cuối cùng Sơn reo lên khi cải tiến được cách cầm bút. Đó là một cọng sắt úp vào mặt trên bàn chân. Trên cọng sắt có lỗ tròn bỏ bút qua thẳng với hướng kẹp của ngón chân, và một vòng dây cao su buộc lại. Từ đó Sơn liên miên ngồi viết. Lúc học lớp 1 Sơn đã có ý thức tạo lập cuộc sống cho mình.
Hồi đó, năm nào gia đình cũng thiếu đói sáu tháng nên có cảnh chia cơm đọi (bát) cho từng người. Riêng Sơn bao giờ cũng dành nửa bát cơm cho đàn gà của mình. Mùa gặt nào Sơn cũng đi nhặt từng hạt lúa rơi vãi ngoài đường về cho mẹ. Ngày học, còn đêm Sơn thắp đèn dầu đục đẽo, học nghề. Sơn còn nhớ do nhà quá nghèo nên sau buổi học ở trường về Sơn phải giữ em. Vì không bế được em, Sơn nghĩ cách đóng một cái xe con, cho em ngồi trong rồi dùng dây buộc vào tay kéo đi khắp xóm đồi. Cũng từ đó Sơn bắt đầu thích làm nghề mộc. Năm học lớp 3 Sơn đã làm được mâm thờ ngũ quả, tran chè, mâm ăn cơm đem bán khắp chợ Hương Khê, mỗi năm cũng được vài trăm chiếc. Sau đó, Sơn đi xem mẫu mã giường, tủ của thợ Nam Hà đóng rồi về làm thử. Thật khó tin khi nghe kể chuyện Sơn làm cả đồ mộc cao cấp bằng chính hai bàn chân tật nguyền bé xíu. Mẹ Sơn kể: “Mùa hè trời nắng nóng, nhìn con đưa hai cái chân còng queo lên điều khiển cái cưa xẻ gỗ mà thương đứt ruột. Khi đi cháu phải nghiêng cả hai bàn chân, còn khi sinh hoạt, làm lụng thì tất cả công việc lại bắt đầu từ hai bàn chân đi nghiêng ấy: viết, xâu kim, đơm khuy, ăn uống, nấu nướng, giặt giũ đến đục đẽo, cưa xẻ, chạm trổ... Mãi tới khi ông Đoàn Văn Đạt - cơ sở bánh kẹo Nguyên Hương ở Hải Hưng - nghe chuyện vào thăm và tặng cháu một máy bào, máy cưa thì cháu mới khỏe ra đôi chút”. Chiếc giường hộp đầu tiên Sơn làm bán được 230.000 đồng, gần bằng chiếc giường của thợ Nam Hà - 300.000 đồng, lúc Sơn 16 tuổi.
Vào đời
Có tận mắt nhìn thấy Sơn dùng cái chân tật nguyền nâng cả cái dùi đục nặng khoảng 3kg lên để dội vào cán đục cho lưỡi đục ăn sâu vào thớ gỗ thì mới tin lời Sơn nói: “Cháu đã đục là chắc ăn, không thua kém thợ khỏe mạnh, lành nghề. Kể cả đóng đinh, chưa bao giờ cháu đóng hỏng hoặc làm bay một chiếc đinh dù chiếc đinh đó đóng vào gỗ trai, gỗ gụ. Trong nghề cũng có cái phải làm đi làm lại mới được. Làm xong mới biết việc ấy quả là khó khăn. Nhưng khó mấy cũng phải làm. Làm để nuôi sống nghị lực”.
Năm 1993, Sơn bắt đầu rời nhà đi kiếm sống. Sơn luôn nung nấu một ý nghĩ: “Phải tự lập để sống, không phụ thuộc vào người khác. Lợi dụng người khác để tồn tại là điều rất khổ tâm”. Xa quê, Sơn đi làm lưu động theo đơn đặt hàng của một số trường học. Sau đó Sơn làm đơn xin vào Trung tâm Xúc tiến việc làm tỉnh Hà Tĩnh. Ở đây Sơn gặp nhiều bạn trẻ có hoàn cảnh còn éo le hơn mình: bạn Phạm Văn Sĩ phải đi bằng cả hai chân hai tay; Hoàng Việt Dũng tàn tật hết cả mọi tứ chi. Sơn nghĩ: “Thì ra xã hội còn có nhiều người tủi khổ hơn mình. Mình sẽ làm một cái gì đó để chia sẻ nỗi buồn của họ”. Và Sơn đã thực hiện được phần nào mong muốn ấy khi tự mình vừa làm nghề kiếm sống, vừa đào tạo được mười bạn tật nguyền khác trở thành thợ lành nghề. Nhưng công việc ở Trung tâm Xúc tiến việc làm cũng không được ổn định. Sơn lần đến thị trấn Cày, tình hình vẫn thế. Để có việc thường xuyên, Sơn cùng các bạn tật nguyền mạnh dạn xây dựng “dự án tổ hợp mộc thanh niên tật nguyền tỉnh Hà Tĩnh”. Dự án làm xong năm 1999. Tỉnh Hà Tĩnh đã cho đất ở thị xã. Cái khó hiện nay là phải có thêm một số vốn để làm nhà, dựng xưởng thì “tổ hợp mộc thanh niên tật nguyền” này mới có thể bắt đầu hoạt động. Sơn nói: “Hồi đi học cháu đã nhận làm hàng trăm bộ bàn ghế và tủ cho các trường học. Có thời gian cháu nuôi mười thợ trong nhà. Có tuần phải thuê cả đôi thợ cưa. Bây giờ nếu xưởng được mở chắc không đến nỗi”. Nói đoạn Sơn mở rương lấy cho tôi xem hàng ngàn bức thư của các bạn trẻ khắp các tỉnh trong cả nước gửi về hỏi thăm, động viên và xin kết bạn cùng Sơn.            
============================================
Trên những bản người Mông cheo leo của huyện biên giới Kỳ Sơn (Nghệ An) người ta thường gọi ông là "thủ lĩnh". Năm nay ông đã 75 tuổi nhưng vẫn làm phó chủ tịch danh dự của MTTQ tỉnh Nghệ An, vẫn tình nguyện đi bản xa cai nghiện, giúp dân.                                                         
Ông Vừ Chông Pao có vóc dáng như một đô vật, cao 1m80, nặng hơn 85kg. Trên khuôn mặt vạm vỡ, đôi mắt của ông bé xíu, trông có vẻ dữ. Nhưng khi ông nói câu đầu tiên, tôi cảm giác ánh mắt của ông ẩn chứa nhiều tình cảm chân thật của người miền núi.
Mang thuốc phiện tặng Thủ tướng.
Trong buổi chiều giữa bản Sơn Hà, xã Tà Cạ, tôi nghe ông kể những chuyện đời giống những giai thoại. Hồi đang làm chủ tịch huyện Kỳ Sơn (1969-1989 và là đại biểu Quốc hội khóa VIII) ông mang 4kg thuốc phiện ra Hà Nội làm "quà"... Ông kể: “Hồi ấy, Nhà nước chủ trương thu mua thuốc phiện làm dược liệu. Trong ba năm ta vận động dân bản bán cho nhà nước 43 tấn thuốc phiện nhựa. Thấy kết quả tốt ta cũng mừng nên bảo mấy anh tài chính phải làm một cái quà cho Thủ tướng chứ. Tính toán mãi, thấy ở miền sơn cước này không có đặc sản gì ngoài thuốc phiện nên ta mua 4kg mang ra Hà Nội tặng Thủ tướng. Hôm xe rời thị trấn Mướng Xén 200km thì công an thổi còi, ách xe lại kiểm tra. Thấy bịch thuốc phiện họ đòi giữ cả ta, cả thuốc. Ta bảo, không phải hàng của tôi đâu. Quà tặng Thủ tướng đấy. Các anh giữ cũng được nhưng phải giữ cho khéo. Nếu để hao hụt là ta bắt bồi thường đấy. Công an thấy lạ, gọi điện thoại đi nhiều nơi. Sáng hôm sau ta thấy công an trả cả người cả thuốc nguyên vẹn". Lần ấy, ông Pao được nguyên cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng tiếp tại phòng riêng.
- Làm sao ông tặng được món "quà" ấy cho Thủ tướng? - tôi tò mò.
- Nghe ta nói lý do tặng quà, Thủ tướng mỉm cười rồi cho cán bộ văn phòng khẩn trương cất quà đi. Giờ nghĩ lại thấy cứ buồn cười. Ai lại cả gan mang hàng quốc cấm ra tặng Thủ tướng, may mà Thủ tướng tha tội chết. Lần đó, Thủ tướng nhận ta làm anh em kết nghĩa đấy.
Năm 1963 ông Pao được Chính phủ mời ra dự lễ kỷ niệm Quốc khánh 2-9 tại Thủ đô Hà Nội. Ông vinh dự được gặp Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch. Hôm ấy, sau khi nghe Bác Hồ hỏi: "Kỳ Sơn, Nghệ An có chuyện gì mới?". Cả đoàn chưa ai thưa chuyện thì ông Pao đứng dậy, xin nói:
- Thưa Bác, ở Kỳ Sơn bọn phỉ xưng vua "châu phà" (vua trời) nhiều lắm.
- Nếu họ xưng vua thì các chú thế nào? - bác hỏi.
- Thưa Bác, người Mông nổi loạn làm phỉ. Cán bộ truyên truyền mãi mà họ không nghe. Họ cứ cầm súng bắn dân, bắn bộ đội rất dã man. Nếu bắt được ta phải bỏ tù rồi tử hình thôi.
Bác liền đưa tay về phía đoàn khách Nghệ An, nói:
- Các chú làm như vậy là không được. Các chú nên xác định rõ kẻ thù là ai, bạn mình là ai. Bọn đế quốc muốn biến nước ta làm nô lệ nên lừa dân làm phỉ, làm bia đỡ đạn cho chúng. Kẻ thù chính là đế quốc. Bạn của ta là đồng bào các dân tộc Việt Nam. Các chú đừng biến bạn thành thù. Nếu biến bạn thành thù thì các chú đánh suốt đời cũng không hết giặc.
Về lại Kỳ Sơn, ông Pao mở hội nghị mời già làng trưởng bản họp liên tục ba ngày. Ông truyền lại từng lời của Bác cho mọi người hiểu rồi soạn bản tiếng Mông kêu gọi phỉ ra hàng. Dân thì nghe nhưng phỉ chống lại. Ông Pao tính chuyện, trước hết phải vận động những gia đình cán bộ có người nhà đi làm phỉ sau đó lấy đà vận động tiếp. Vùng ông Pao "thí điểm" là rừng phỉ ở Mường Lống. Người ông Pao nhắm tới đầu tiên là Y Lầu - chủ tịch Hội phụ nữ xã Mường Lống. Găp Y Lầu, ông nói:
- Y Lầu ạ, chồng chị là Lì Vả Chình khét tiếng làm phỉ. Nó đánh bộ đội ta “tích cực” lắm. Là cán bộ xã, chị làm sao gọi chồng ra hàng cho bằng được mới xứng đáng là chủ tịch Hội phụ nữ chứ. Ra hàng mà mang theo cả súng thì càng tốt nhé.
- Trước đây ta thường gói cơm trong khăn quấn trên đầu, bỏ thịt gà trong bao tượng cột ngang bụng đem cho chồng ăn, bây giờ phải đi vận động thấy khó lắm - Y Lầu nói.
- Chị lựa chọn lời nói cho Lì Vả Chinh biết bộ đội có 600 quân, nếu không ra hàng thì sẽ bị bắn chết hết. Vì thế Y Lầu sẽ mất chồng.
Lần thứ nhất lặn lội vào vùng rừng Hồi Đun, Y Lầu nghe chồng bảo: “Ta theo châu phà.Châu phà là vua trời của người Mông. Ta không về đâu”. Lần thứ hai Y Lầu đấu tranh: “Vua trời mà đốt cháy cả bản, bắn cả bộ đội. Ta nghe Bác Hồ nói, nếu ai ra hàng thì được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước đấy". Lần ba Y Lầu vừa vào thì thấy Lì Vả Chinh gọi thêm hàng chục tên phỉ khác ra hàng. Số ngoan cố còn lại cũng lần lượt ra đầu thú khi bộ đội đánh mạnh vào hang Phả Phìa và động Phồng Phên - những căn cứ phỉ nổi tiếng ở Kỳ Sơn.
Ông Pao luôn nhận mình là người "ít học, không có bằng cấp" nhưng suốt 20 năm làm chủ tịch huyện, ông không để xẩy một sai sót gì. Ông còn nhớ "nhiều lúc ngồi trong ôtô chuẩn bị đi họp rồi mà còn có nhiều người đến đưa văn bản xin chữ ký, ta nói - ký thì ta ký, còn làm sai là anh em chịu nhé". Nói đoạn ông mở tủ lấy cho tôi xem chiếc áo đại cán đính rất nhiều danh hiệu được tặng bên cạnh huy chương kháng chiến chống Pháp, Huân chương kháng chiến chống Mỹ...
Gặp Tổng bí thư... xin xe con
Tháng 4-2004, Ông Pao viết thư gửi Tổng bí thư Nông Đức Mạnh. Bức thư có đoạn: "Trước đây làm đại biểu Quốc hội, ra Hà Nội họp là được gặp anh. Hơn mười năm nay không được ra Hà Nội đi tham quan nên tôi chỉ thấy anh qua tivi thôi...". Ông kể, nhận được thư, anh Mạnh trả lời ngay, anh nói: "Xin mời đồng chí ra thăm Hà Nội". Cuộc gặp này, Tổng bí thư cho ta hai giờ ngồi nói chuyện tại phòng làm việc. Ta không giấu giếm những khó khăn của huyện biên giới Kỳ Sơn. Anh Mạnh khuyên: "Tuy đồng chí đã có tuổi nhưng còn sức thì gắng làm việc giúp địa phương". Nói xong, anh Mạnh cho 3 triệu đồng về mua quần áo, chăn màn và mua ba cái xe đạp cho con đi học. Biết ta còn thiếu cái mũ, anh Mạnh bảo chú văn phòng lấy cho cái mũ của Phi Đen tặng hồi anh đi thăm Cu Ba. Thấy Tổng bí thư chân tình quá, ta mới dám đề xuất một chuyện:
- Những lúc về xuôi đi họp, tôi phải ngồi xe khách chen chúc, mệt lắm. Vả lại con em Kỳ Sơn bây giớ tái nghiện từ 70-80% nên tôi muốn giúp dân bản cai nghiện như từng cai nghiện ở bản Khe Tang, xã Chiêu Lưu. Ngặt nỗi không có xe nên tôi muốn xin anh một cái xe con có được không?
Tổng bí thư vui vẻ nhận lời. Cuối năm 2004 nghe tin lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã mua cho chủ tịch huyện và ông Pao một chiếc xe mới để hai người đi chung nhưng chờ mãi không thấy nên ông Pao lại viết thư gửi Tổng bí thư. Ông viết: "Tháng 4-2004 hai anh em ngồi nói chuyện, anh có hứa cho tôi một cái phương tiện nhưng có hay không thì cho tôi biết". Sau lá thư ấy ông Pao nhận được chiếc xe của dự án xóa bỏ cây thuốc phiện. Hiện ông đã chuyển chiếc xe về MTTQ huyện, khi cần ông nhờ lái xe chở đi.
Ông Pao là người đầu tiên và là người duy nhất ở Kỳ Sơn xung phong đi cai nghiện cho dân bản Khe Tang - bản có 57 hộ nhưng có tới 47 người nghiện (lúc đó cả huyện có trên 3.000 con nghiện). Kế hoạch cai nghiện của ông bắt đầu từ năm 2002 bằng cách vận động tất cả đối tượng nghiện tự giác cai. Buổi lễ cai cũng là buổi tập trung bàn đèn, kim tiêm để hủy trước sự chứng kiến của người nghiện, người thân và những tổ chức từ thiện trực tiếp chăm sóc và cai. Sau cai, ông Pao đích thân đi mua giống heo và đi dào từng cây chuối mang về cho các đối tượng cai nghiện trồng. Hồi ấy ông Pao còn đạp xe đi gần 20km về khe Tang rồi ở lại đó cai xong một đợt 2-3 tháng mới về nhà.
Trưa ngày 10-6-2005, tại bản Khe Tang, tôi chứng kiến cảnh gặp nhau tay bắt mặt mừng giữa ông Pao và những người đã đoạn tuyệt với ma túy. Ông Moong Văn Nam khoe: “Chính nhờ ông Pao chữa cho tôi mà thoát khỏi nạn nghiện”. Ông Hoa Phò Thải thấy chúng tôi đến liền ngừng tay thái cây chuối trước cửa nhà sàn, hồ hởi: “Lúc đầu tôi không chịu cai nhưng nhờ ông Pao vận động nay tôi đã trở thành người “sạch” ma túy. Khỏe cái người lắm”. Những người này đã trở thành cộng tác viên cho ông Pao đi tuyên truyền cho nhiều người khác trong Khe Tang cùng quyết tâm cai nghiện. Kết quả đã có 30/47 con nghiện cai thành công.
Gửi vợ
Cô Lầu Ìn Xì 35 tuổi, vợ ba mới cưới của ông Pao, thấy khách lạ đến liền ngừng tay thêu áo Mông, vào buồng bê ra một đại xoài Kỳ Sơn tiếp khách. Ông Pao giới thiệu: “Vợ đấy. Nó là hội phó Hội phụ nữ xã Huồi Tụ, là đảng viên xịn đấy. Ta ưng nó từ những lần đi cai nghiện nhưng phải chờ anh em ngoài huyện hỏi thăm thử nó có ưng ta không thì mới được cưới làm vợ”. Vợ đầu của ông (mất năm 1989) đã sinh cho ông sáu người con. Ông lấy vợ hai được ba năm thì người vợ này cũng qua đời ở tuổi 45. Ông kể: “Lúc ấy có một cô giáo người Lào ở thủ đô Viên Chăn, 50 tuổi về thăm huyện Kỳ Sơn để lộ chuyện chồng mất nên anh em trong huyện ủng hộ ta lắm. Nhưng sau đó con cháu ta không đồng ý vì sợ ta đi theo vợ về Viên Chăn thì làng bản không có ai làm cách mạng”.
Nhìn sang Lầu Ìn Xì, ông Pao nói: “Bà này mới toanh chưa có con cái chi. Tuy trẻ hơn ta gần 40 tuổi nhưng không cầu kỳ lắm. Mặc dù vậy nếu đi tỉnh họp thì ta phải gửi vợ về quê ngoại cho chắc ăn (cười) chứ gần huyện các chú ấy hay chọc lắm”. Còn Lầu Ìn Xì khoe: “Mới đây em gái ông Pao từ bên Mỹ gửi thư mời ông Pao sang bên ấy chơi nhưng chồng em trả lời: “Ta là già làng không thể bỏ bản làng mà đi được. Nếu có ta đi phải trình Chính phủ đã chứ”. 

VŨ TOÀN ( Tuoi Tre )

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Popular Posts

Blogger news

About




Powered by  MyPagerank.Net

Academics Blogs
Bookmark and Share

Blog Archive