Your Adsense Link 728 X 15

P03: Chân bay lên trời

Posted by Kenny Phạm 6/7/10 0 nhận xét
Vy ước bơi được qua dòng sông trước nhà như những đứa con trai, những đứa con gái khoẻ khoắn trong làng. Nhưng nhìn lại mình, trong giấc mơ cũng như  vào mỗi chiều ngồi buồn hiu hắt trước hiên nhà, lúc nào Vy cũng thấy hai cái chân cà quặt cà quẹo. Có đến một ngàn lần, Vy đã gào lên: “Má ơi, tìm mua cho con hai cái chân!”.
Là lúc má tất bật chạy đến: “Sao vậy con, giận má rồi phải không? Thôi giỏi, leo lên lưng má cõng vô nhà nằm, má kể chuyện cổ tích cho nghe”. Ấy là lúc Vy lên chín, lên mười. Còn bây giờ, bước vào tuổi mười sáu mười bảy, Vy không gào lên đòi má tìm mua chân cho mình nữa mà ngày nào cũng ngồi mặt khó đăm đăm trước hiên nhà. Vy thèm biết bao chuyện được tung tăng tới trường như các bạn, được một lần nghịch ngợm leo lên chiếc xuồng tròng trành của má, được té nước làm ướt người thầy Bản hay neo xuồng trước bến sông nhà. Cho thầy hết nói những lời rối rắm. Tự hành hạ mình chi cho khổ vậy, khối người tật nguyền như em nhưng họ đâu có hay gắt gỏng với má, đâu có hay cộc cằn với đám học trò của má, má muốn sinh ra em lành lặn chứ đâu phải như vầy…
Chuông đồng hồ gõ mười một tiếng, đám học trò của má lục tục ra về. Nói “đám” cho đông vui chứ chúng chỉ còn năm đứa. Các em đang học lớp ba trường làng. Chúng đến trường buổi chiều, buổi sáng đến nhà Vy học thêm môn toán. Thằng Bình chạy vụt ra khỏi nhà như một cánh chim, không kịp chào Vy một tiếng. Con Bê lấm la lấm lét nhìn Vy:
- Thưa chị Vy em về!
Không đoái hoài đến chuyện lễ nghĩa của con nhỏ, Vy gằn giọng:
- Ngày mai mày nói thằng Bình đừng đến đây học nữa nghe chưa, khi nó bước ra khỏi cửa nhà này, ít nhất là thấy tao đang ngồi đây chứ, phải chào chứ, đừng thấy tao tật nguyền rồi làm tới!
Mặt con Bê tái xanh, nó dạ lí nhí trong miệng rồi chạy biến. Mấy đứa còn lại riu ríu cúi đầu bước qua. Má đứng sau lưng Vy tự bao giờ:
- Sao vậy con, mắc gì mà phải khó khăn với bọn trẻ như vậy. Con làm riết rồi má con mình lấy gì mà sống, tiền đưa đò ngang của má không đủ đâu vào đâu…
- Chứ má thấy không, đến thằng con nít hỉ mũi chưa sạch mà còn xem thường con như vậy…
- Ấy là tại con tự kỷ quá đấy thôi! Con làm quá, bọn trẻ sợ con như sợ một bà chằng chứ đâu có nể trọng gì!
Vy bỗng thấy mình chơi vơi:
- Phải mà, tại con tật nguyền, suốt ngày ngồi một chỗ, không làm được gì cho má nên má cũng coi con không ra gì.
Má vuốt bờ vai con gái tròn trịa, mềm mại của Vy:
- Thôi được rồi, nếu má có lỡ lời, cho má xin lỗi. Bây giờ má đẩy con vô nhà ăn cơm nghe?
Vy lớn tiếng:
- Con không ăn! Má có đói thì ăn một mình đi! Con là một bà chằng đó! Con ghét má! Con hận má!
Nghe có phái đoàn khám bệnh nhân đạo nước ngoài đến khám ngoài bệnh viện huyện, má cho bọn trẻ nghỉ học một buổi rồi bươn bả ra đi từ sáng sớm. Má mong gặp một thầy thuốc nào đó biết cách chữa bệnh bại liệt bẩm sinh cho Vy. Cũng nóng lòng như má, Vy ở nhà lăn xe đi ra đi vào chờ tin má. Cứ vậy, bao nhiêu năm qua, từ ngày Vy lọt lòng đến giờ, má cứ rong ruổi đi tìm thầy thuốc cho Vy. Còn Vy thì cứ ước ao, một phép màu nhỏ nhoi giữa bao nhiêu phép màu trong những câu chuyện cổ tích má kể. Nhưng ai cũng nói bệnh của Vy là vô phương cứu chữa. Nghe nói vô phương, ba Vy sợ quá, khăn gói bỏ lên Sài Gòn lấy vợ khác. Má Vy buồn tủi nuôi con một mình bằng nghề dạy học. Họa vô đơn chí, có một ngày không mấy đẹp trời, ông hiệu trưởng trường làng gọi má Vy đến. Thế là cô giáo Thoa mất việc. Thời gian cô chăm sóc đứa con tật nguyền đã lấn át thời gian dành cho học trò ở trường - điều mà ông hiệu trưởng không bao giờ chấp nhận. Má buồn, khóc suốt một tuần. Mới đầu đưa đò ngang sống tạm, sau đó má mở lớp dạy thêm ở nhà. Bà con xóm làng thương hoàn cảnh hai mẹ con cho con em mình đến học. Ban đầu lớp được trên dưới ba mươi em, sau rơi rụng dần còn năm đứa  con nhà nghèo nhất xóm. Số nghỉ học do không có tiền đóng thì  ít mà do sợ chị Vy khó khăn, dữ dằn thì nhiều. Má buồn buồn nói với Vy: “Vậy là chốt lại rồi, năm đứa nhỏ này không bao giờ bỏ má con mình đâu”. Vy thắc mắc: “Nhà tụi nó nghèo vậy, má thu tiền mỗi đứa bao nhiêu một tháng?”. Má cười cười: “Miễn sao mình sống được thôi, con!”.
Cũng có lúc Vy thấy mình không phải với má, với mấy đứa nhỏ nhưng chỉ hối hận được một chút rồi mọi thứ lại sôi trào lên. Đã có lần Vy ném vỡ chiếc tủ kính, vật dụng đắt giá nhất trong nhà. Vy soi mình trong đó, một con bé xinh xinh dần hiện ra với gương mặt buồn buồn. Mắt nó to và đen, môi nó hồng và thắm, tóc nó dài suôn mượt với đủ kiểu má tết cho hàng ngày nhưng nó không đi được. Nhìn chúng bạn tíu tít qua sông; lên chợ huyện học hành, mua sắm… nó bực bội, sẵn ly nước đang uống trong tay, ném mạnh vào chiếc tủ kính. Con bé xinh đẹp trong gương vỡ tan tành…
Nắng trưa tròn bóng, má trở về trên chiếc xuồng của thầy Bản. Lại thầy Bản, Vy ghét người đồng nghiệp trường làng này của má. Thầy  tuổi bốn mươi, độc thân, vui tính, cười đẹp mà sao Vy vẫn ghét. Thầy vừa kéo dây neo xuồng vừa cười thật tươi với Vy:
- Chào cô công chúa ngủ trong rừng! Chờ má có lâu không?
Vy nhăn mày, nghếch mặt lên trời:
- Thầy đưa má em đi lâu quá mà còn hỏi…
Rồi Vy săm soi nhìn má từ dưới xuồng bước lên:
- Xuồng nhà mình đâu mà má phải quá giang xuồng thầy Bản?
- À, nó bị bong lớp dầu chai, má để nó lại chỗ ông Sáu Xị, nhờ ổng làm dùm. Con ăn cơm chưa?
Vy không trả lời. Cô giáo Thoa ái ngại nhìn thầy Bản:
- Sẵn bữa, mời thầy ăn cơm với má con tui cho vui?
- Thôi được rồi, tui phải về nhà chuẩn bị cho tiết hội giảng chiều nay, ông hiệu trưởng trường mình ngày càng khó tính, cô không nhớ sao. Chào Vy, thầy về nghe!
Ăn hết chén cơm thứ nhất, má không nói gì. Với vẻ mặt tươi tắn, má nhìn Vy cười cười, vậy là có điều sắp nói. Vy sẽ sàng chưa dám hỏi má. Xới chén cơm thứ hai, má hắng giọng:
- Có quyền hy vọng rồi con ạ!
Vy nghe trống ngực đập thình thình:
- Gặp thầy rồi phải không má?
- Má chưa được trực tiếp gặp thầy nhưng người ta giới thiệu thầy cho má. Má đã nói chuyện với thầy qua điện thoại. Thầy nói bệnh con phải ăn uống, tẩm bổ một thời gian cho đủ sức rồi thầy về nước mổ cho…
- Sao lại mổ, má?
- Mổ để sắp xếp xương thịt lại đó mà, thầy nói con bị teo cơ dạng gì gì đó mà má quên mất. Dạng này, ở bên Mỹ, thầy chữa được cho mấy người.
- Rồi người ta đi lại bình thường được hết hả má?
- Chứ sao, nếu không thì chữa làm gì!
- Thầy là bác sĩ Việt kiều hả má?
- Không phải bác sĩ, mà là giáo sư bác sĩ, có vậy thầy mới chữa được bệnh khó như bệnh của con chứ. Thầy cũng là một thành viên trong đoàn khám bệnh nhân đạo, lần này thầy mắc mổ cho một bệnh nhân ở Mỹ nên không về nước được.
Cuối cùng thì giáo sư bác sĩ Henry Tùng ở bên trời Tây cũng gửi cho má con Vy lá thư đầu tiên. Thư nói nhiều về căn bệnh của Vy và hướng chữa trị. Bác sĩ hứa đúng một năm sẽ theo đoàn khám bệnh nhân đạo quay về Việt Nam mổ cho Vy. Trong thời gian chờ đợi, bác sĩ cho toa mua thuốc uống, cho thực đơn tẩm bổ và lưu ý bệnh nhân phải sống yêu đời, vui vẻ. Tinh thần lạc quan, thư thái của bệnh nhân trước phẫu thuật cũng là liều thuốc hiệu nghiệm không kém so với bao nhiêu thứ thuốc phối hợp mà bác sĩ đã ghi trong toa. Đọc xong thư, Vy phấn chấn hẳn lên. Rồi bất chợt Vy lật tới lật lui lá thư tràn chữ đầy hai trang giấy lớn:
- Má ơi, thư gửi từ Mỹ mà sao không có bao thư?
- Có chứ sao không. Nhưng để cho tiện và ít tốn kém, giáo sư bác sĩ bỏ thư gửi má con mình vô chung bì thư với thư gửi một người bạn cũng là bác sĩ làm việc ở bệnh viện huyện nhà mình, ông bác sĩ này cũng quen với má.
- Ủa, vậy giáo sư bác sĩ  Tùng là người quê mình hả má?
- Ừ, chắc vậy.
- Mà ổng là con ai má biết không?
- Làm sao má biết được, giáo sư bác sĩ lớn tuổi hơn má nhiều, với lại nghe đâu ổng đi nước ngoài sống hồi lúc… hai, ba tuổi…
Nói xong, má vội vàng bước vào nhà với bọn trẻ đang làm toán. Không cáu gắt như mọi hôm với lý do tại sao má bỏ ngang câu chuyện, Vy lăn xe ra trước hiên nhà. Cô ngước nhìn trời, dường như hôm nay mây xanh hơn, bầu trời cao rộng hơn, đàn vịt lội dưới bến sông trắng lấp lóa một màu…
Vy tập cho bọn học trò của má hát để dự hội diễn văn nghệ trường làng. Bọn trẻ đã ngày càng thân thiện với Vy hơn khi thấy gần cả năm nay, cô chịu chơi với chúng, giúp má dạy chúng học thuộc bảng cửu chương. Khi thầy viết bảng bụi phấn rơi rơi, có hạt bụi nào rơi trên bục giảng, có hạt bụi nào rơi trên tóc thầy…
- Thằng Lá hát kiểu gì mà cái đầu lắc lắc, hai chân nhún nhảy như chim chuyền cành vậy?
- Lên sân khấu phải làm cái này, làm cái kia mới giống ca sĩ chớ chị!
- Không được, em hát nhớ ơn thầy cô thì phải hát đàng hoàng!
- Vậy chớ sao hồi đó, em thấy chị lớn tiếng với cô giáo hoài? Cô giáo kêu làm gì, chị cũng cằn nhằn, cự nự. Chị không ngoan làm mặt cô giáo buồn muốn khóc…
Con Bê nịnh nọt:
- Mày xạo nghen Lá, chị Vy đâu có cô giáo mà lớn tiếng với nhỏ tiếng.
- Dám cá không? Không có cô giáo làm sao chỉ biết đọc biết viết?
Thằng Bình tròn mắt, há hốc miệng:
- Ừ há, cô giáo của chị Vy cũng là cô giáo Thoa giống như tụi mình.
Vy ngớ ra, ừ, má cũng là cô giáo của mình, mà sao lâu nay không nghĩ đến.
- Chị Vy ơi, con Bé Ba hát trật nhịp mà cứ hét hoài.
Con Ổi mắng vốn đúng lúc, Vy vội vàng quay sang lấp liếm:
- Ừ, vậy hả, thôi mấy đứa đừng chửi nó tội nghiệp, chiều nay tan học về, Bé Ba ghé qua, chị dạy em hát lại một mình cho chắc nghe. Bây giờ sắp tới giờ học ở trường rồi, mấy em về há!
Quên chuyện đang lao xao, bọn trẻ ngoan ngoãn:
- Dạ, tụi em về… Nhưng mà chị Vy ơi, ngày mai diễn, bông cầm tay hát lấy đâu ra?
- Để chị nhờ người hái cho mấy đứa mớ bông lục bình tím ngoài ngã ba sông.
- Thôi, tụi em chèo xuồng ra hái cũng được.
- Không được, nguy hiểm lắm, chuyện này để chị nhờ người lớn làm.
Đứng trong bếp xới nồi cơm vừa chín tới, cô giáo Thoa nghe con gái đối đáp với đám học trò nhỏ mà mừng ứa nước mắt. Cả năm nay, Vy thấp thỏm chờ một phép màu từ ông giáo sư bác sĩ bên kia nửa vòng trái đất. Còn với cô giáo Thoa, phép màu đã đến tự lâu rồi. Đến từ cái đêm mưa mà bỗng dưng con gái ôm choàng hông cô bảo, má ơi, làm hồ sơ xin cho con học lớp năm bổ túc. Con nói sao, con chịu đến trường rồi à? Không mắc cỡ vì phải đi xe lăn sao? Không, con không ngại nữa, mai mốt giáo sư bác sĩ Tùng về chữa bệnh, con sẽ lại đi được, sẽ phải học thêm lên để làm cô giáo trường làng như má. Nhưng những bài học má dạy, con còn nhớ không? Nhớ chứ, má không thấy con giúp má dạy bọn trẻ học toán sao. Con chưa đến trường ngày nào nhưng má dạy con kỹ càng lắm, làm sao con quên được. Má không thấy mọi người khen con viết chữ đẹp sao? Ừ, vậy thì má tin, má sẽ lo hồ sơ xin học cho con. Ừ, má còn phải dạy con làm nữ công gia chánh nữa. Con sẽ biết may vá quần áo và nấu ăn như má. Ơi trời, nghe con gái nói mà cô giáo Thoa tưởng như trong mơ.
Buổi chiều trời âm u. Sông oàm oạp vỗ sóng lớn. Vy ngồi tư lự trước hiên nhà. Cô nhớ là mình đang chờ Bé Ba đi học về để dạy nó hát lại nhưng sao lòng buồn như chấu cắn. Vì sao vậy? À, tại trời buồn nên cô buồn. Không phải. À, tại má đang hát Từ phu tướng trong nhà. Mà cũng không phải. Vy xòe mười ngón tay tính. Đúng rồi, đã hơn một năm, sao không thấy giáo sư bác sĩ Tùng về nước, toàn những lá thư. Thư đọc vui, chan chứa ân tình nhưng chờ đợi hoài đâm sốt ruột. Vy chỉ muốn được gặp giáo sư bác sĩ để ông gõ chiếc đũa thần lên hai cái chân què quặt đáng ghét.
- Má!
Má thôi hát, bước ra:
- Gì, con?
- Sao lâu quá không thấy bác sĩ về, hơn một năm rồi?
- À, chắc bác sĩ bận, con đọc thư biết rồi mà!
- Con không biết, má hẹn hò với ổng làm sao…
- Vy lại cáu gắt với má rồi, bác sĩ đã hứa thì sẽ về thôi mà.
- Má!
- Gì?
- Có khi nào…
Má bước đến vuốt tóc Vy:
- Không, con không được nghi ngờ.
Vy gạt tay má, cô quay lại nhìn vào mắt má:
- Má, con thấy không ổn trong chuyện hứa hẹn này, thư bác sĩ gửi con sao toàn nói chuyện chung chung...
Má nắm chặt tay Vy:
- Con đừng nói vậy…
Bỗng dưng mọi thứ trong Vy tan nhanh như bong bóng xà phòng, mắt má không dám nhìn cô đã nói hết mọi điều. Vy giật mạnh tay ra:
- Má lừa con phải không? Con ghét má! Ghét hai cái chân què!
Vy ôm mặt khóc, đôi bờ vai tròn run run, làn gió thổi thốc tháo từ dưới sông lên làm tóc Vy bay rối rắm. Má cuống quýt vỗ về Vy:
- Không, không phải, con không được nghĩ như vậy…
Có tiếng ai đó kêu cứu ngoài sông. Bờ sông vắng lạnh lùng. Cảm xúc bị cắt ngang đột ngột, cô giáo Thoa chạy băng băng ra chiếc xuồng cột ở mép sông… Dòng người bu đen bu đỏ một khúc sông khi hai đứa trẻ được đưa về. Ngồi trong hàng hiên, Vy rướn người nhìn. Ấy là con Bé Ba với thằng Bình. Chúng nó ướt bệt bạt với mớ quần áo học trò dính sát vào da thịt.
- Không sao, không sao, tụi nó còn thở mà, nhanh lên, nhanh lên!
Vy đấm thật mạnh vào hai chân mình, tại sao cứ bất động hoài vậy. Bọn trẻ đi đâu mà nên nỗi. Hai đứa tan học về, lén lấy xuồng bơi ra ngã ba sông hái bông lục bình chuẩn bị cho tiết mục hội diễn ngày mai. Người lớn xôn xao. Ủa, còn cô giáo Thoa, cô giáo Thoa đâu rồi. Ông Tám Chài nói, tội nghiệp, mặt sông vắng hoe, chỉ có mình tui, sức già không bơi giữa sóng lớn được nên đành kêu cứu rát họng, may nhờ có cô giáo chèo xuồng ra kịp. Cổ lặn hụp giữa dòng nước mấy lần mới túm được tóc hai đứa nó. Còn chiếc xuồng của tụi nó đâu. Có ai đó thắc mắc. Tụi nó chèo vô vòng nước xoáy, xuồng chìm, cứu được người là may. Ủa, còn cô giáo Thoa, cô giáo Thoa đâu rồi. Tiếng thằng Bình nói yếu ớt:
-Còn… còn… thằng Lá ngoài kia…
Lập tức vài chiếc xuồng nhắm ngã ba sông lao tới. Xuồng của thầy Bản bơi sau nhưng mà cuống quýt…
Nằm thắc thỏm trong đêm dài vô tận, Vy muốn trái đất nổ một cái bùm cho tất cả thành tro bụi. Má đâu rồi, bây giờ má với thằng Lá ở đâu. Khi chiều, thầy Bản đã đưa Vy đi gọi má suốt một quãng sông dài. Má đã ra đi với thằng Lá rồi, người làng nói vậy. Chỉ mong xác má với xác thằng Lá còn vướng víu ở khúc sông nào để vớt lên thôi. Chuyện buồn đau xảy ra quá bất ngờ với làng, mọi người cứ nhìn nhau lắc đầu, mắt đỏ hoe, sông ầm ào dậy sóng. Đêm, thầy Bản ở lại với Vy. Thầy tìm mọi lời an ủi, động viên Vy. Thôi ngồi thất thần trên giường một lúc, Vy lại nằm xuống thở dốc. Cô nghe lồng ngực mình nặng trịch. Nhắm mắt lại thì thấy trắng xóa một màu sông, thấy má với thằng Lá lóp ngóp giữa bao làn sóng dữ. Cô gọi má nhưng không mở miệng được vì ai đó đã cắm vào giữa hai bờ môi cô một bông lục bình tím ngắt… Vy, Vy, thầy Bản gọi. Em sốt cao rồi, thầy đỡ em dậy uống thuốc nghen. Vy, Vy, thầy Bản gọi, tại sao hai cái chân của em bay lên trời vậy. Ừ, cho nó bay lên trời đi, em không cần nó  nữa. Cả năm nay, không buồn bực vì nó, không nặng lòng vì nó nên em đã thấy cuộc đời dễ thương khi có má, có đám học trò ngây thơ của má mà em đâu có biết.
Vy, Vy… Không, má đang gọi Vy, không phải giọng của thầy Bản. Má. Vy hét lên rồi nhảy ra khỏi giường… Phép màu chói lòa mắt Vy. Má về! Má về thật rồi! Vy  ôm má cứng vòng tay yêu thương. Má về! Vy hét lên như trẻ thơ. Thằng Lá thất thần đứng lớ ngớ bên cạnh. Như là mơ. Má ơi, má với thằng Lá đi đâu suốt buổi chiều... Đến khi được thầy Bản bế lên xe lăn, Vy mới hết bàng hoàng. Vậy là má về thật. Hàng xóm đến hỏi thăm tíu tít ngoài hiên nhà. Má thằng Lá ôm nó vào lòng, khóc thành tiếng. Thầy Bản pha cho má một ly chanh nóng. Nghe cô giáo kể chuyện từ cõi chết trở về, mọi người lại xôn xao. Trời, hay quá hén, hên quá hén. Té ra là thằng Lá nắm được cái rễ cây bần nên cứ bấu chặt, chờ cô giáo ra cứu. Bận quay về, nước sông chảy ngược xiết quá nên cô giáo đành cho xuồng trôi xuôi dòng xuống mé kinh Tẻ, chờ nước ròng mới dám quay ngược lại. Lụi hụi vậy mà cũng quá nửa đêm. Thôi, lạy trời ăn mừng, cuối cùng, thầy trò cũng thắng được con nước lớn.
Khách khứa về hết rồi mà Vy cứ trằn trọc, không sao ngủ được. Má cũng bị sốt như Vy, nằm quấn mền, nhắm mắt bên cạnh.
- Má, sao má nhắm mắt hoài vậy?
- Má không dám nhìn con, má có lỗi với con! Xin lỗi về những bức thư mà má và thầy Bản…
Vy lăn qua, ôm chặt má:
- Không, má ơi, má đừng nói nữa… Má đừng trôi theo sông nữa nghen má!
- Má hứa, má sẽ theo đuổi đến cùng mục đích tìm thầy chữa bệnh cho con, biết đâu sẽ có lúc má con mình tìm được giáo sư bác sĩ Henry Tùng như là mơ ước.
Vy đưa tay che miệng má:
- Không, con không cần hai cái chân nữa, con chỉ cần má Thoa, chỉ cần cô giáo Thoa dạy học trò muốn trả học phí bằng gì cũng được…
Nước mắt cô giáo Thoa lăn dài trên má, vậy là cuối cùng con gái cô cũng ngộ ra. Không hẳn vì chuyện mưu sinh mà cô phải gắn với năm đứa học trò nghèo để lấy học phí bằng trái bầu, trái bí, con cá, con tôm… Cô nghiện tiếng trẻ ê a quanh mình như nghiện được làm mẹ vào ngày bác sĩ bảo rằng trong cô đã có một con người được kết thành thai…
Vy sờ trán cô giáo đang nóng hâm hấp, môi má cô giáo khô ran:
- Má, má có khó chịu lắm không, con nhờ người kêu thầy Bản nghen?
Cô giáo Thoa lắc đầu. Má không muốn thầy Bản lui tới nhà mình lúc  giữa đêm, nhà không có đàn ông, mang tiếng. Nhưng thầy là người lo lắng cho má con mình từ đầu đến cuối. Con không ghét thầy nữa sao. Vy ậm ừ trước câu hỏi bất ngờ của má. Vy ghét thầy vì tội thầy đồng lõa với má trong mọi chuyện liên quan đến đôi chân tật nguyền của Vy. Hết thương hại hỏi thăm rồi lại cho cái này cái kia. Cuối cùng còn bày trò gạt gẫm bằng chuyện giả làm ông giáo sư bác sĩ nào đó bên trời Tây để viết hàng đống thư cho Vy. Một tội phải ghét nữa là, Vy sợ nhà mình có thêm người đàn ông, ngộ nhỡ rồi người đàn ông ấy cũng sợ khó như ba. Nhưng tai ương qua rồi, Vy thấy thầy Bản thương cô giáo Thoa thiệt lòng, chắc không phải sợ khó như cái ông kia ở trên Sài Gòn…
THU TRÂN ( TuoiTre )

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Popular Posts

Blogger news

About




Powered by  MyPagerank.Net

Academics Blogs
Bookmark and Share

Blog Archive