Your Adsense Link 728 X 15

P03: Tại ông... báo Cười! - Làm chủ gia đình

Posted by Kenny Phạm 6/7/10 0 nhận xét
Tôi có hai thằng con trai, đứa lớn đang học lớp 9, đứa nhỏ mới học lớp 7. Cả hai đứa giống tôi từ hình dáng đến tính tình, nhất là tụi nó mê báo TTC  y hệt tôi!
Lần nào cũng vậy, hễ có báo TTC là ba cha con chùm nhum lại xem và cùng cười một lượt. Vừa rồi, có “hàng” TTC mới nhưng tôi bận công việc (tiếp khách xa tới nhà chơi) nên hai đứa nhỏ tha hồ “mần thịt” tờ báo trước!
Tui ngồi tiếp khách nhà trên mà nghe rõ mồn một tiếng hai anh em tụi nhỏ cười giòn tan... Thú thiệt là tui cũng có... bậm gan gửi chơi mấy bài cho báo, nên càng nghe tụi nó cười tui càng nôn nóng hơn, nhưng đành để tụi nó xem trước, dằn cái “ganh” của mình xuống (mình là cha mà!).
Hồi lâu, tôi nghe anh em nó nói cái gì là lạ:
- Nhỏ này tóc dài mà eo lớn! Còn nhỏ này tóc ngắn mà eo nhỏ... Sai rồi!!!
- Nhỏ này chân dài! Nhỏ đó chân ngắn mà bự, hổng phải!!!... Nhỏ này nè!...
- Ê! Trật rồi! Cái mông này to, mông đó nhỏ...
Tôi đang thắc mắc trong bụng thì nghe tiếng bà xã tôi la lớn, rồi tiếng xô ghế ngã... Hóa ra bà xã tôi nghe hai thằng nhỏ nói bậy liền đứng dậy cầm cái chổi lông gà vụt cho mỗi đứa một roi đau điếng. Thằng nhỏ chạy ra ngoài khóc, còn thằng anh thì tay cầm tờ báo, tay ôm bụng cười lăn lộn.
Truy thì mới rõ trong tờ TTC (số 262 ra ngày 1-5-2004) ở trang “Tiệm tạp hóa H.C.N”, mục Thách đố, họa sĩ CEL có vẽ 10 cái hình và 30 cái bóng của Linda Kiều. Hai thằng con tôi, cố nhìn từng chi tiết nhỏ để so sánh và tìm cho ra những cặp hình nào giống nhau nhất, chứ có nói gì bậy bạ đâu! Thế mà chúng phải chịu đòn thật oan uổng!
Bắt đền... TTC mới được!
NGUYỄN VĂN THẮM (Đồng Nai)
===========================
Làm chủ gia đình
Ngày tôi sắp làm đám cưới, nghe bạn bè xúi, tôi liền đi coi bói. Tính tôi không mê tín, nhưng nghe thằng bạn hăm cũng ớn: “Mày mà hổng nhờ thầy coi, hổng khéo con vợ mày ngồi lên đầu mày đó!”.
Sau khi phân tích đủ điều về duyên số hai đứa, ông thầy mách cho tôi một mánh nhỏ để nắm quyền làm chủ gia đình, khỏi sợ ai cỡi lên đầu, lên cổ.
Ông thầy ghé tai tôi dặn nhỏ... Tôi gật đầu, thật không ngờ để làm chủ được gia đình cần thực hiện một việc quá đơn giản.
Ngày rước dâu, từ trên xe hoa xuống, tôi ôm eo nàng nhẹ bước. Còn khoảng năm trăm mét đường bờ ruộng nữa thì tới nhà, bỗng nàng bứt khỏi tay tôi vượt lên! Tôi vội níu tay nàng: “Em bị sao vậy?”. “Em đau bụng quá!”, nàng đáp vội rồi chạy tiếp. Tôi lập tức tăng tốc đuổi theo nàng.
Hai chúng tôi bỏ hết hai họ phía sau, chỉ văng vẳng nghe: “Chắc bữa trưa bị ngộ độc thức ăn, Tào Tháo đuổi rồi!”. Vào đến sân tưởng nàng quẹo ra... ao cá vồ, ai dè nàng xô cửa vào buồng cô dâu, đến bên chiếc giường cưới ngồi phịch xuống. Lúc đó tôi mới sực nhớ tới lời thầy bói, liền chạy tới đầu giường định ngồi xuống thì nàng, nhanh như cắt, xô phắt tôi qua một bên, chiếm ngay chỗ tôi định ngồi! Hai chúng tôi nhìn nhau sửng sốt. Tim tôi đập thình thịch và tai tôi nghe rõ tiếng thở hổn hển do cuộc chạy thi nước rút của nàng.
Đêm tân hôn đến trong lúc má sát vai kề, tôi mới thủ thỉ hỏi nàng:
- Sao hồi nãy em chạy vội thế?
Nàng cười khì thật thà:
- Mấy bữa trước em đi coi bói, thầy dặn muốn làm chủ gia đình thì khi cô dâu chú rể về tới nhà, cô dâu phải là người đầu tiên ngồi vào vị trí đầu giường cưới.
Nghe xong tôi cười phá ra...
BÍ BO (Nam Định)
===========================
Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn?
Ở một tổ dân phố nọ, bà con được kêu gọi phải lắp đặt hệ thống nước máy gấp. Dân cư ở đây suốt mấy chục năm qua đều xài nước giếng khoan, nhưng thời gian gần đây do nguồn nước bị ô nhiễm, sức khỏe của bà con bị ảnh hưởng.
Theo đề nghị của bà con, bác tổ trưởng dân phố đã tình nguyện nhận nhiệm vụ “lên thành xuống quận” để làm khế ước và “rước” thợ về làm. Thợ về, từng nhóm một, hết thợ cắt bê-tông, đến thợ đặt ống nước, và sau cùng là thợ san lấp mặt bằng. Dù hợp đồng với đơn vị thi công đã có chữ ký rành rành, nhưng các ông thợ vẫn thay phiên nhau viện lý do.
Đầu tiên, thợ khoan cắt làm được một đoạn thì bảo lưỡi cưa hỏng rồi, te rẹt dọn đồ, bảo về lấy lưỡi khác, thay vì có thể cho người phóng xe máy mươi mười lăm phút để lấy đồ nghề. Bác tổ trưởng hiểu ý ngay, đành bấm bụng nói: “Thôi, mấy chú ráng, các em ở đây chở các chú về công ty lấy đồ, với lại bà con sẽ bồi dưỡng mà!”. Đoạn sau nói nhỏ hơn, nhưng “Eureka!” ngay. Các ông thợ vui vẻ ra mặt, và lưỡi cưa lại... tự bình phục chạy xoèn xoẹt, không có biểu hiện nào bị hỏng cả. Tất nhiên sau đó, các ông được “hậu tạ” chu đáo, không chỉ cà phê, thuốc lá, ăn trưa, mà cả phong bì nữa.
Thứ hai, ông thợ đặt ống nước đến. Các ông đo đo nghía nghía một hồi, rồi bảo: “Dư rồi, hợp đồng ghi chỉ làm 99 thước mà đo thấy tới 101 thước, phải về trển xin ý kiến”. Thấy các ông ngoe nguẩy thu xếp đồ nghề, bác tổ trưởng dịu giọng: “Các chú coi, trên công ty đã về đo rồi, chính xác là 99 thước. Các chú cố giúp cho bà con nhờ. Mà có dôi dư chút đỉnh thì bà con cũng không để các chú bị thiệt đâu!”. Câu nói này quả là thần dược. Các ông lại lôi đồ nghề ra, và quả thật chỉ có 99 thước. Hai thước tưởng tượng được xóa bằng mấy cái phong bì.
Thứ ba, thợ san lấp xuống. Ôi thôi đường sá bầy hầy vô kể, đất cát tung tóe, bụi mịt mù. Các thợ làm một chập thì bảo: “Hết xi-măng rồi. Ở đây bê-tông dày quá, vượt kế hoạch, anh em lấy đâu đắp vào đây?”. Câu hỏi mà cũng là mệnh lệnh, bác tổ trưởng lại cười rất tươi: “Thì trăm sự cũng nhờ các chú, chứ thế này thì ban điều hành chúng tôi bị bà con rầy chết! Mà các chú yên tâm đi, có gì chúng tôi nói lại với anh X. trên công ty cho. Chỗ tôi với ảnh là bạn bè cả mà!”. Câu này cũng công hiệu thật, còn hơn thuốc tiên nữa. Các thợ làm có siêng năng hơn, nhưng vẫn ra chiều quăng ném lắm, cho đến khi có mấy hộp cơm nóng hổi cùng những ly cà phê mát lạnh đem tới, và vui nhất là lúc mấy ổng được gửi những lời cảm ơn nồng nhiệt bằng mấy tờ giấy xanh xanh.
Ôi! Người ta nói chẳng sai: “Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn!”. Nếu bác tổ trưởng không biết đi trước cái bước ngàn vàng ấy, không “tùy cơ ứng biến”, mà “linh động” thì... trâu chậm uống nước đục (mà không có nước lấy đâu ra nước đục!?).
MÃ HI NHI (TP.HCM)


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Popular Posts

Blogger news

About




Powered by  MyPagerank.Net

Academics Blogs
Bookmark and Share

Blog Archive