P03: Đường còn dài, còn dài... (tiếp theo)
6/7/10
0
nhận xét
Những người đi ngang qua nhìn bọn tôi đầy vẻ hiếu kì. Tôi nghĩ họ bị thu hút bởi bộ dạng cái bang của hai thằng đồng hành.
Đến Hà Tĩnh, ba thằng được một trải nghiệm ẩm thực khó quên ở một “nhà hàng” ngay bên đường. Đừng tưởng bở đó là “rét-tau-rần”! “Nhà hàng” ở đây đơn giản chỉ có nghĩa là một cái nhà bán hàng. Chấm hết.
Nhà hàng quảng cáo bán bún sườn, nhưng khi ba vị khách đường xa bước vào, chủ quán chạy ra cáo lỗi chỉ còn bún lòng. Ok, thì bún lòng. Chúng tôi ngồi ngay trước mặt bếp chính kiêm chủ quán. Thì trong nhà hàng cũng chỉ có một cái bàn dài này thôi. Chị chủ quán kiêm bếp chính dùng tay không bốc ba bốc bún, ném xoạch vào tô, tiếp tục dùng tay đó bốc lòng heo luộc sơ, ném vào tô, rồi múc nước sôi rưới vào. Công đoạn cuối cùng là vẩy lên thành quả ba vốc mì chính tổ bố - vẫn bằng cái tay đó. Động tác dứt khoát, lanh lẹ như đang phù phép. Ba thằng ngồi há mỏ ra nhìn.
Tôi lợm giọng không ăn nổi khi thấy vết máu từ mớ lòng còn loang loang trong tô. Lão Sói không nói không rằng ngồi ăn sạch tô bún. Thằng Damien thì lùa được mấy đũa. Tôi đã bảo thằng này không biết sợ thứ gì mà. Một lần nữa, tôi khẳng định được danh hiệu “tiểu thư nhất bọn”. Lão Sói nói lão đang tìm một đoạn đường vắng vẻ nào đó để tống cổ tôi xuống. Thằng Damien nói không sao, hãy cho em nó thêm một cơ hội. Em nó chỉ mới hai mươi tuổi, thời gian và hoàn cảnh sẽ đào tạo em nó thành người.
Đi một đoạn thì thấy một ông chạy xe đạp ngược chiều chở hai thùng xốp chữ nhật đằng sau, rung chuông rao bán cà rem đá. Lão Sói tức tốc dừng xe, bảo lâu rồi chưa được ăn lại thứ cà rem này. Thằng Damien từ chối thử, nằm lại ngủ trong cabin. Chắc nó đã bắt đầu thấy lợm khi nhớ tới món bún lòng ban nãy.
Tôi và lão Sói mỗi thằng cầm hai tay hai cây kem, mút lấy mút để. Vui miệng, tôi đọc lại cho lão nghe bài đồng dao hồi nhỏ mấy đứa xóm tôi hay gào réo mỗi khi ông bán cà rem đi ngang qua.
‘Cà rem kem sữa
Ở giữa đậu nành
Xung quanh cứt chó
Ăn vô trúng gió
Tổ cha thằng bán cà rem!’
Hai thằng ôm bụng cười rũ rượi. May mà lúc đó ông bán cà rem đã đi xa rồi. Lão Sói cũng đóng góp cho chương trình bằng cách đọc một bài đồng dao khác chuyên dùng để chế nhạo những đứa hay bắt chước, tuy nhiên cũng có dính líu đến nghề bán cà rem.
‘Bắt chước bắt chước con bò
Đem về cho má mày xem
Má mày bán cà rem…’
Tôi và lão Sói vừa ngồi nhai nát hai cái que tre vừa đăm chiêu suy nghĩ xem tại sao tụi con nít hay móc máy nghề bán cà rem dữ vậy. Cuối cùng hai thằng thống nhất với nhau đó là do một thứ phức cảm tạm gọi tên là “phức cảm cà rem”: thèm ăn mà không có tiền mua nên chửi ông bán cà rem cho bõ ghét.
Tôi hỏi hồi còn nhỏ Sói có biết bài đồng dao ‘Làm quen con chó leng keng’ không? Lão nói lão chưa nghe bao giờ. Tôi đọc luôn.
‘Làm quen con chó leng keng
Con chó thổi kèn
Con chó làm quen’.
Sói cười sặc sụa. Đã là chó mà còn là chó leng keng nữa thì thật là ê chề. Lão hỏi bài này đọc trong trường hợp nào. Tôi đáp là ví dụ như có một đứa bị cả bọn tẩy chay. Rồi đứa đó mon men tới xin chơi lại thì cả bọn sẽ đọc nhai nhải bài đồng dao này để chế nhạo nó.
Ngay từ lúc còn nhỏ, hòa ý của người ta đã bị khước từ, chế nhạo. Hèn chi khi lớn lên, chúng ta sống trong một thế giới bị chia cắt, manh mún đến dường này.
Rồi hai bọn tôi thống nhất với nhau, thế giới của bọn con nít là một thế giới xài “luật rừng” thứ thiệt. Tẩy chay, kết bè kết phái, sỉ nhục người khác, ỷ mạnh hiếp yếu, ỷ lớn hiếp nhỏ, ỷ giàu hiếp nghèo… chuyện gì cũng có. Chẳng qua là tụi nó chưa biết gọi tên những chuyện tụi nó làm mà thôi.
Khi “hội đồng khoa học” vẫn còn đang mải mê phân tách về bản chất của thế giới trẻ con thông qua đồng dao thì đột nhiên lão Sói la lên “Chết mẹ!”. Nàng Francessca đang từ từ trôi trên đường, một cách thiếu kiểm soát. Giả như thằng Damien có ý định cướp xe bỏ đi, nó cũng không thể chạy với vận tốc như vậy được.
Lão Sói nhào theo chiếc xe, thò tay qua cửa số tắt chìa khóa, thở hồng hộc. Thằng Damien ngơ ngác tỉnh dậy trong tiếng chửi thề lẫn tiếng cười điên loạn của tôi và lão Sói. Hóa ra nó ngủ ngầy ngật, gạt nhằm thắng xe. Đường đang thoai thoải dốc, cái xe cứ trôi đi như thế.
‘Tao nghĩ không sớm thì muộn, tao sẽ mất mạng ở đây vì một tai nạn dở hơi nào đó kiểu như vầy!’ - Thằng Damien thở dài.
=========================
Ngang Hà Nam, lão Sói tấp vào ăn sáng, rửa xe “để vào thủ đô cho le lói với người ta”. Nàng Francessca rũ hết gió bụi đường trường, giờ xinh đẹp hẳn ra. Sau đó, lão nhấn ga phóng như bay trên đường cao tốc. Trời mưa lất phất.
Lão Sói chán Hà Nội. Lão từng làm việc ba năm ở ngoài này, hồi vừa mới tốt nghiệp. Giờ lão quyết định sẽ bỏ tụi tôi lại đó và phóng về Phù Lãng thăm nàng Sonija của lão.
Tôi biết Sonija. Đó là “bí danh” lão Sói gọi người yêu cũ – một nữ họa sĩ trung niên rất xinh đẹp. Nhìn chị ta, không ai nghĩ lại đi mê một thằng cha bèo nhèo và thua mình đến năm tuổi như Sói. Nhưng họ không đến với nhau.
Sau khi Sói chuyển về Sài Gòn, Sonija lấy một nhiếp ảnh gia người Nhật, về Bắc Ninh xây nhà vườn tận hưởng thú điền viên. Được ít lâu thì họ chia tay, anh chồng về nước, nàng vẫn sống ở đó một mình. Mỗi lần Sói ra thăm, nàng đối đãi với Sói không khác ngày xưa. Tôi nghĩ hơn cả tình yêu, Sói và Sonija còn có một thứ tình tri kỉ.
Thằng Damien lần đầu tiên ra Hà Nội. Một tháng nay nó chỉ lê lết ở khu Đề Thám Sài Gòn rồi vào tới miền Trung thì gặp tụi tôi. Tôi bảo nó cứ chơi bời thỏa thích đi, có gì sẽ liên lạc qua email sau. Nó vui vẻ gật đầu, nói rằng nếu tụi mày muốn bỏ tao lại một mình ở thành phố này, tao cũng không phản đối. Sói cười to đáp yên tâm, tụi tao sẽ không nỡ xa mày đâu, dù có mày trên xe chật như quỷ.
Còn tôi, chia tay hai thằng bạn quý, tôi bắt xe ôm đến nhà Trân.
Trân là bạn gái thân nhất của tôi thời cấp ba. Hai đứa tôi học cùng lớp còn Chiêu Anh là bạn của Trân, học lớp bên cạnh. Khi tôi và Chiêu Anh yêu nhau, ba đứa tự dưng lại càng thêm khắng khít.
Tôi và Trân thân nhau không phải kiểu một cặp bạn thân khác phái thông thường. Hơn thế nữa, đó là một thứ tình bằng hữu đúng nghĩa! Nó vừa có sự nhạy cảm, chu toàn của một đứa con gái vừa cứng rắn, lì lợm, có chơi có chịu như một thằng con trai. Bất cứ chuyện gì tôi cũng có thể nói được với nó. Hai đứa chơi với nhau ăn ý đến độ có lúc tôi phải suy nghĩ: hoặc tôi, hoặc nó có vấn đề về “tâm-lý-giới-tính”. Hoặc là cả hai, mỗi đứa một tí.
Thi đại học, tôi và Chiêu Anh chọn Sài Gòn còn Trân nộp đơn ra Hà Nội, mặc kệ cho hai đứa bọn tôi lải nhải là ra đó xa lắm, buồn lắm, làm sao gặp nhau được. Sau mới biết cô nàng nằng nặc ra đây vì lỡ mê một chú phóng viên ảnh lớn hơn chục tuổi, sắp lấy vợ. Nhắc lại chuyện này vẫn không thể nào không lắc đầu thở dài mà rằng: ôi tình yêu mãnh liệt dại khờ của những cô bé mười tám tuổi!
Tôi bấm chuông căn nhà lớn trong ngõ nhỏ. Bố mẹ nó là dân buôn gỗ giàu nứt đố đổ vách ở Buôn Mê, nên tôi có thể hình dung được hoàn cảnh nó sống ở ngoài này. Nó mở cửa, nhìn tôi nháy mắt, cười nham nhở thay cho câu chào “Welcome to Hanoi”.
Trân dẫn tôi băng qua phòng khách rộng, lên gác, đưa tôi vào một căn phòng có cửa sổ mở ra giếng trời. Mọi thứ trong phòng đều sạch sẽ tinh tươm như sẵn sàng đón khách.
‘Mày ở phòng này’.
‘Tao còn có sự lựa chọn nào nữa?’.
‘Toilet tầng một. Tuy nhiên tao nghĩ phòng đó hơi chật’ - Nó đáp tỉnh queo.
Tôi quăng túi xuống sàn, ngả lăn ra chiếc giường êm ái thơm nức mùi nước xả. Từ hôm bắt đầu chuyến hành trình tới giờ, tôi mới lại có được cái cảm giác này. Trân lấy trong tủ ra một cái khăn lông trắng muốt, thảy ngay mặt tôi, bịt mũi.
‘Tao không muốn làm mày quê nhưng tao nghĩ mày nên đi tắm trước đi rồi làm gì thì làm, N ạ!’.
Tôi bật cười ha hả. Nó sẽ thấy rằng tôi còn sạch chán, nếu như nó gặp lão Sói và thằng Damien.
=========================
Trân cằn nhằn chuyện tôi bỏ học. ‘Mẹ mày sẽ đổ bệnh vì mày!’ - Nó hăm dọa. ‘Mày tưởng tao đợi mày nói mới biết chuyện đó chắc?!’. Tôi chán ngán đề tài này quá mức.
‘Mày tưởng mày viết vài bài giới thiệu sách, đăng vài truyện ngắn, lãnh vài trăm một triệu mỗi tháng là hay lắm rồi hả? Mày nghĩ đó là nghề nghiệp vững chắc trong tương lai của mày đó hả? Ai sẽ thuê mày làm việc, nếu mày chưa tốt nghiệp?’.
…
‘Thôi, cứ giả sử là có ai đó thuê mày đi. Sao mày không tính đến chuyện một ngày, vì bảo vệ lòng tự trọng của mình, mày đục vào mặt thằng sếp chẳng hạn. Và a lê hấp, mày lại bắt đầu cuộc hành trình đi tìm chỗ làm việc khác. Tất nhiên, chỗ đó phải vui lòng nhận những thằng chưa tốt nghiệp’.
…
‘Đó là trong tình huống tươi sáng nhất: mày vẫn có thể làm việc với chút tài lẻ viết lách của mày mà không cần tấm bằng đại học. Còn tao chưa đề cập đến việc mày phải làm những công việc chân tay khác mà cái thằng tiểu thư cỡ mày không đời nào làm được’.
‘Theo tao hiểu thì mày đang giải thích cho tao về sự quan trọng của bằng cấp?’.
‘Đáng tiếc là vậy. Nó không chỉ để ba má mày tự hào vì có thằng con học đại học đàng hoàng như con người ta, hay để mày cầm đi xin việc. Quan trọng hơn cả, nó còn là cơ sở để mày cảm thấy tự tin hơn với cuộc đời, sống đàng hoàng thẳng thớm không xu nịnh không hèn hạ, mở rộng phạm vi đấu tranh’.
‘Tất cả những điều mày vừa nói, tao cũng biết’ - Tôi thở dài.
‘Vậy tại sao mày vẫn quyết định như vậy?’.
‘Nó như là mày đang đứng trên thành cầu, ví dụ cầu Chánh Hưng đi’ - Tôi cố tìm một cách giải thích dễ hiểu nhất.
‘Tao không biết cầu Chánh Hưng’ - Nó gạt phắt đi.
‘Ờ, thì một cây cầu chết tiệt nào đó mày biết. Mày đang đứng trên thành cầu rất cao và đang suy nghĩ xem có nên nhảy xuống hay không. Rồi mày sẽ nhảy, hoặc không nhảy’.
‘Tao cũng chẳng có lý do gì để leo lên thành cầu đứng suy nghĩ hết!’.
‘Còn tao thì có. Tao đã leo lên thành cầu rồi, tao đứng ngắm nhìn xe cộ qua lại một hồi, chưa quyết định được có nhảy hay không. Xong tự nhiên tao thấy mình đang rơi. Có thể do tao tự nhảy, hay trượt chân, hay có thằng cà chớn nào đó xô tao. Nhưng tóm lại là khi có ý thức trở lại thì tao thấy mình đã rớt xuống nước rồi’.
‘Thằng hâm. Mày đâu có biết bơi!’.
‘Ờ, đúng là tao vẫn chưa biết bơi’.
‘Đồ cái thứ không biết bơi còn bày đặt leo lên đứng lắt lẻo trên thành cầu!’.
====================
NGUYỄN THIÊN NGÂN ( TuoiTre)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét