P05: Nơi Nào Có Ý Chí, Nơi Đó Có Con Đường - Tập 1
21/7/10
0
nhận xét
Thương hiệu lớn từ một ý tưởng nhỏ
Có những người mang đến cho bạn những điều tốt đẹp nhất theo cách mà tự bản thân bạn có lẽ chưa bao giờ nhận biết một cách đầy đủ. Mẹ tôi, Ruby Lloyd Wilson, là một trong những người như thế.
Hầu như ai cũng gọi mẹ tôi bằng cái tên thân mật là Doll. Khi tôi được chín tháng tuổi, cha tôi qua đời, để lại mẹ tôi đang tuổi đôi mươi với đứa con còn chưa biết nói. Tôi lớn lên trong cảnh túng thiếu triền miên, lắm khi chúng tôi phải sống qua ngày với vài cân đậu sấy khô trong cả tuần lễ liền. Tuy nhiên, lương thực dẫu có thiếu thốn nhưng tình yêu và sự hy sinh của mẹ đối với tôi thì bao la vô bờ bến. Hàng đêm, mẹ ôm tôi vào lòng, thì thầm dạy bảo bằng những lời đã thay đổi cuộc đời tôi sau này: “Kemmons này, lớn lên chắc chắn con sẽ làm nên những điều vĩ đại. Con là người có thể đạt được mọi thứ con muốn nếu con toàn tâm toàn ý và đủ kiên trì để đạt được điều đó!”.
Năm mười bốn tuổi, tôi bị tai nạn giao thông và bác sĩ bảo tôi sẽ không bao giờ có thể đi lại được nữa. Mẹ tôi lúc ấy phải nghỉ làm để vào bệnh viện chăm sóc tôi. Ngày nào cũng vậy, bằng giọng nói dịu dàng thấm đượm tình yêu thương, mẹ bảo tôi rằng dù các bác sĩ có nói gì đi nữa, chắc chắn tôi sẽ đi lại được, miễn là tôi thực sự có ý chí. Mẹ đã truyền cho tôi niềm tin tuyệt đối vào khả năng bình phục của mình. Và một năm sau, tôi lại đến trường, trên chính đôi chân của mình.
Vào thời kỳ Đại Khủng hoảng Kinh tế (1929 - 1933), như hàng triệu người khác, mẹ tôi mất việc làm. Năm ấy, tôi mười bảy tuổi, và đi ngược lại ước vọng của mẹ tôi, tôi bỏ học đi làm để kiếm sống cho cả hai mẹ con. Chính vào giây phút đó, tôi nhận ra sứ mạng của đời mình. Tôi phải thành đạt vì mẹ tôi. Tôi tự hứa với lòng mình sẽ không bao giờ rơi vào cảnh nghèo một lần nữa.
Năm tháng trôi qua, tôi gặt hái được một số thành công trong kinh doanh. Nhưng bước ngoặt thực sự xảy ra vào năm 1951 khi tôi cùng vợ và năm con đang đi nghỉ mát. Lúc đó, tôi rất thất vọng với cái khách sạn hạng hai dành cho những gia đình du lịch như chúng tôi và rất giận dữ khi biết rằng chúng tôi phải trả thêm 2 đô la cho mỗi đứa trẻ. Cái giá đó quá đắt đối với một gia đình có mức thu nhập trung bình ở Mỹ. Thế là tôi quyết định kinh doanh khách sạn, nhưng không theo cách của họ. Tôi bảo vợ rằng tôi sẽ mở nhà trọ gia đình với một thương hiệu mà mọi người có thể nghĩ ngay rằng chúng tôi không bao giờ thu phí đối với trẻ con. Tôi ước tính mở khoảng 400 nhà trọ như vậy trên toàn quốc, cứ mỗi quãng đường 150 dặm sẽ có một nhà trọ. Sau đó, vô số người tiên đoán rằng tôi sẽ thất bại vì thực tế là vào thời buổi ấy, ý tưởng này chưa có ai nghĩ tới.
Không có gì đáng ngạc nhiên, mẹ tôi lại là người ủng hộ tôi mạnh mẽ nhất. Mẹ bắt đầu ngồi vào bàn, tự tay vẽ các bản thiết kế phòng ốc cho một trăm căn nhà trọ đầu tiên. Cũng như mọi chuyện kinh doanh khác, chúng tôi phải đương đầu với vô vàn thách thức. Nhiều năm liền, khoản tiền thưởng cuối năm cho nhân viên được thay thế bằng giấy nhận nợ. Nhưng những lời dạy dỗ của mẹ tôi lúc nào cũng in đậm trong trí óc tôi. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ thất bại. Và quả đúng như vậy, mười lăm năm sau, chúng tôi đã nắm trong tay một hệ thống khách sạn rộng lớn nhất thế giới và là một trong những thương hiệu thành công nhất trong ngành. Đó là chuỗi khách sạn Holiday Inn.
Có thể bạn không được sinh ra trong những điều kiện tốt nhất, nhưng nếu bạn nhận ra một sứ mạng đáng để bạn phấn đấu và nếu bạn tin tưởng ở chính mình, không gì có thể ngăn cản bạn đi tới thành công.
KEMMONS WILSON
“Khó khăn không làm vơi ý chí. Nếu bạn gặp phải một bức tường chắn ngang, đừng bỏ cuộc. Hãy tìm mọi cách vượt qua nó, hoặc nhảy lên, hoặc đập vỡ nó ra để tiếp tục tiến về phía trước.” - Michael Jordan |
Nguồn: Nơi nào có ý chí nơi đó có con đường - First News và NXB Tổng hợp TPHCM phối hợp ấn hành
Chinh phục đường đua thế giới bằng đôi chân từng bị tê liệt
Tuy chỉ cao 1m56 và nặng chưa đầy 60 ki-lô-gam nhưng cô nhanh như một tia chớp. Những người xem Wilma thi đấu vào những năm cuối thập niên 1950 đến đầu thập niên 1960 đều được cảnh báo rằng: Đừng chớp mắt, kẻo bạn không theo kịp tốc độ cô ấy!
Tại Olympics Rome 1960, Rudolph trở thành “người phụ nữ nhanh nhất thế giới” và là nữ vận động viên người Mỹ đầu tiên đoạt ba huy chương vàng trong một kỳ thế vận hội. Cô chiến thắng ở cả ba cự ly 100m, 200m và tiếp sức 4 x 100m.
Ở cự ly 100m, cô lập kỷ lục thế giới với 11,3 giây trong đợt chạy bán kết và sau đó chiến thắng trong đợt chạy chung kết ở 3m cuối cùng với kỷ lục thế giới mới 11 giây. Tuy nhiên, do tốc độ gió trên sân lúc đó là 2,75m/giây, vượt mức cho phép, nên kỷ lục đó không được công nhận. Ở cự ly 200m, cô phá kỷ lục Olympic ngay đợt chạy đầu tiên với thành tích 23,2 giây và chiến thắng ở đợt chạy chung kết với thành tích 24 giây. Ở cuộc chạy tiếp sức 4 x 100, dù xuất phát chậm nhưng Rudolph cũng đủ về trước đội tuyển Đức vừa đúng một bước chân và các cô gái đến từ bang Tennessee, Mỹ đã giành huy chương vàng với thành tích 44,5 giây sau khi phá kỷ lục thế giới ở đợt chạy bán kết ngay trước đó với thành tích 44,4 giây.
Các cuộc trình diễn của Rudolph tại các kỳ Olympic (cô từng đoạt huy chương đồng năm 16 tuổi trong cuộc chạy tiếp sức tại Thế vận hội Melbourne năm 1956) thật là ngoạn mục. Nhưng câu chuyện về việc làm thế nào cô đoạt được ba huy chương vàng tại một kỳ Olympic mới thật sự là một huyền thoại.
Vào ngày 23/06/1940, tại thành phố St. Bethlehem, bang Tennessee, một đứa trẻ sinh non chào đời với cân nặng 1,1 kg. Phần lớn thời thơ ấu của cô bé gắn chặt với chiếc giường nhỏ. Cô bị chứng viêm phổi nặng ở cả hai lá phổi, bị sởi và sau đó mắc bệnh bại liệt do nhiễm khuẩn. Sau khi chân trái bị tê liệt, cô được nẹp chân bằng kim loại vào năm sáu tuổi.
“Tôi dành phần lớn thời gian suy nghĩ làm thế nào để thoát khỏi mớ sắt thép đó”, cô kể. "Khi bạn sống trong một gia đình lớn và tuyệt vời, bạn sẽ luôn có cách đạt được mục tiêu của mình.”
Rudolph là con thứ 20 trong một gia đình nghèo có tất cả 22 mặt con (cha cô có hai đời vợ). Mặc dù không phải lúc nào toàn thể anh chị em cô cũng có mặt tại nhà cùng một lúc, nhưng luôn có “những cặp mắt” theo dõi không cho cô tự ý tháo “xiềng xích” ra. Các anh chị cô thay phiên nhau xoa bóp chân cho cô mỗi ngày. Mỗi tuần một lần, bà Blanche mẹ cô, một công nhân nhà máy, chở cô đến bệnh viện Nashville cách nhà 150 cây số để tập vật lý trị liệu.
Nhiều năm điều trị cùng với ý chí mạnh mẽ muốn trở thành “một đứa trẻ bình thường” đã có kết quả. Bất kể những cơn ho thắt ngực, bệnh sởi và thủy đậu, vào năm chín tuổi Rudolph được tháo kiềng chân và trở thành một vận động viên bóng rổ có triển vọng. Ở giải bóng rổ cấp trung học, Rudolph chơi trong đội tuyển nữ học sinh Mỹ gốc Phi, cô được C. C. Gray, huấn luyện viên của cô đặt biệt danh là "Skeeter" (tạm dịch: pháo thủ).
Rồi Rudolph trở thành cầu thủ bóng rổ nhà nghề đẳng cấp liên bang, lập kỷ lục ghi 49 điểm trong một trận đấu. Sau đó, Ed Temple xuất hiện.
Temple là huấn luyện viên trưởng môn điền kinh của bang Tennessee. Lúc đó ông đề nghị Gray giúp lập một đội điền kinh nữ và tìm hộ ông một vận động viên chạy nước rút tốt. Và Wilma đã được chọn.
“Không hiểu sao tôi lại chạy nhanh như vậy, tôi vào sân, và chạy, thế thôi”. Cô có một khả năng bẩm sinh mà chính cô cũng không thể giải thích được. Cô thích chạy và quyết định tham gia các buổi tập của huấn luyện viên Temple, một giáo sư xã hội học tự nguyện làm huấn luyện viên không lương. Hàng ngày, ông đưa đón các cô học trò nhỏ đến một sân tập gồ ghề, bụi bặm, không vạch vôi bằng chính chiếc xe của mình.
Temple là một huấn luyện viên rất nghiêm khắc. Ông thường phạt các cô chạy một vòng sân cho mỗi phút đi trễ. Rudolph đã từng chạy 30 vòng như thế trong một lần ngủ nướng đến trễ 30 phút. Cô còn nhớ như in, ngày hôm sau cô đến sớm 30 phút ngồi chờ bên đường chạy.
Đoàn kết và tinh thần đồng đội là tôn chỉ của Temple. Ông từng lưu ý các phóng viên vây quanh Rudolph khi cô nhận chiếc huy chương vàng cự ly tiếp sức rằng bên cạnh cô còn có ba nhà vô địch khác nữa.
Rudolph cũng không quên đồng đội của mình. Rằng cô thích chạy tiếp sức vì cô được đứng chung với họ trên đường chạy. Nhưng mặc kệ, giới báo chí và người hâm mộ vẫn cứ vây lấy mỗi mình cô.
Báo chí thời đó gọi cô là “Viên ngọc trai đen” hay “Linh dương đen”. Kể từ sau Olympics Rome 1960, trong các cuộc đua tài tại Hy Lạp, Anh, Hà Lan, Đức, giới hâm mộ chỉ hò hét và chờ đợi xem nữ vận động viên Rudolph xinh xắn, dễ thương của họ thi đấu mà thôi.
Tờ Sports Illustrated tường thuật rằng cảnh sát có vũ trang đã được huy động để giữ trật tự trong lần cô thi đấu tại Cologne. Ở Berlin, các fan của cô đã lấy cắp cả giày thi đấu và đấm thùm thụp vào chiếc xe buýt chở cô cho tới khi cô vẫy tay chào lại họ.
“Cô ấy đã mang về cho nước Mỹ nhiều hơn những gì cô ấy được nhận từ nước Mỹ”, Temple nói.
Vâng, cô không chỉ làm rạng danh nước Mỹ. Bằng phong cách khoan thai, nhỏ nhẹ của mình, cô đã mở đường cho các vận động viên Mỹ gốc Phi khác sau cô, cả nam lẫn nữ, tiến lên và giành chiến thắng.
Sau khi cô chiến thắng trở về từ Rome, Thống đốc Tennessee, Buford Ellington, người được mệnh danh là “kẻ phân biệt chủng tộc cực đoan”, dự định tổ chức một cuộc đón tiếp cô thật rầm rộ, nhưng Rudolph đã từ chối tham dự.
Cuộc đón rước và bữa tiệc mừng chiến thắng dành cho Rudolph là ngày hội hòa nhập đầu tiên giữa cộng đồng da trắng và da màu được tổ chức ở Clarksville, quê nhà của cô.
Rudolph có sức ảnh hưởng đặc biệt lớn đối với nữ vận động viên Mỹ gốc Phi lừng danh nhất Florence Griffith Joyner, người phụ nữ thứ hai giành được ba huy chương vàng trong một kỳ thế vận hội (1988).
“Thật hào hứng khi xem cô ấy chạy”, Rudolph nói. “Mỗi lần nhìn Florence Griffith Joyner chạy, tôi cứ ngỡ như đang thấy lại chính mình.”
Bob Kersee, huấn luyện viên và là chồng của nữ vận động viên Jackie Joyner-Kersee, nói rằng Rudolph là người có ảnh hưởng lớn nhất đối với các nữ vận động viên Mỹ gốc Phi mà ông từng biết.
Cuộc sống bên ngoài đường chạy của Rudolph cũng thành công không kém. Cô có bốn con và sau này làm huấn luyện viên điền kinh tại Đại học Indiana's DePauw trước khi làm đại sứ thiện chí của Mỹ tại Cộng hòa Tây Phi thuộc Pháp (French West Africa). Cô nói rằng thành tích lớn nhất của cô là sáng lập ra tổ chức Wilma Rudolph Foundation, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên hỗ trợ cho các hoạt động thể thao nghiệp dư tại các cộng đồng dân cư.
“Tôi nói với các em rằng trước tiên và quan trọng nhất là phải tự tin và hãy là chính mình. Tôi luôn nhắc nhở các em rằng không có vinh quang nào đến nếu không có sự tranh đấu gian khổ của bản thân.”
Nhiều danh hiệu cao quý vẫn tiếp tục đến với Rudolph. Tên tuổi cô được lưu danh vào Nhà lưu niệm các Vận động viên Da đen Xuất sắc nhất vào năm 1973, và Nhà lưu niệm các Vận động viên điền kinh quốc gia năm 1974. Hiệp hội Bóng rổ nhà nghề Mỹ đã làm một bộ phim về cuộc đời và sự nghiệp của cô, với tựa đề "Wilma".
Rudolph qua đời vì căn bệnh ung thư não ở tuổi 54 vào ngày 12/11/1994 tại quê nhà Nashville. Sự thanh thoát và trầm tĩnh đến lạ thường của Rudolph là điểm làm mọi người nhớ về cô nhiều nhất. Bill Mulliken, đồng đội của Rudolph trong cuộc thi chạy tiếp sức tại Olympics Rome 1960 nói: “Chị ấy rất đẹp và dễ thương, và là người chạy nhanh nhất trong bọn chúng tôi!”.
WILMA RUDOLPH
“Những người bình thường vẫn có thể gặt hái được những thành quả phi thường, bởi họ không hề có khái niệm “điểm dừng”. Một trong những tính cách thiết yếu của người thành công là lòng quyết tâm cao độ.” - George Allen |
Nguồn: Nơi nào có ý chí nơi đó có con đường - First News và NXB Tổng hợp TPHCM phối hợp ấn hành
0 nhận xét:
Đăng nhận xét