P05: Vào hang
14/7/10
0
nhận xét
Chỉ có hai bà già tóc bạc như tóc bạch kim là hàng xóm của Loan, hai vợ chồng Loan và đứa con tám tuổi, ông tài xế, một người thợ chụp hình. Rộng rinh.
Vừa nổ máy, trên bờ có người kêu réo, nhà đò quên đem theo cơm ăn trưa, quay lại lấy. Chạy được một quãng ngắn, phải ngừng để gỡ rong bám vào chân vịt, chiếc đò có Linh đã đi sau lại còn bị chậm. Chiếc đông người đã chạy trước, mất dấu. Ở đằng trước đó, chắc Trường đang ngồi một góc, lặng lẽ ngắm nghía cảnh vật bằng cặp mắt kính năm độ.
Hai bên bờ sông xanh mát mắt những bụi tre và các sườn núi. Từng bầy trâu phì phì ngụp lặn giữa dòng nước trong xanh. Trong đám trâu đen, nổi bật mấy con trâu trắng hồng hồng. Có thể Trường đang nheo mắt, bấm máy luôn tay. Chụp để coi chơi. Mỗi dịp đi chơi đâu đó, máy của Trường hầu như chỉ có những tấm ảnh không có người, hoặc những người lạ hoắc ở tại chỗ ấy. Khi về, trong lúc mọi người khoe nhau những tấm hình cười tươi roi rói, nghiêng đầu kéo áo, thì Trường chỉ trưng ra những tấm ảnh chụp cây cối cỏ hoa dọc đường.
Ở trên đò nhìn xuống càng thấy nước sông xanh đến lạ lùng, có chỗ còn nhìn thấy cả rừng rong ngoe nguẩy theo luồng nước. Trường chắc đã dám chụp ảnh luôn mặt nước rồi đấy, mặc dù biết, tráng rửa xong chỉ thấy loang loáng, chẳng nhìn cái nào ra cái nào.
Màu nước xanh lạ mắt lôi cuốn đến độ Linh phải nghiêng người cho mấy ngón tay vào nhúng thử. Mát lắm. Mát như nước chai để trong tủ lạnh. Thế là chợt nhớ, không biết hai cha con ở nhà có chịu khó nấu nước đổ vào chai để uống không, hay lại đi mua nước đóng chai cho tốn tiền. Tối nay, phải gọi về nhắc nhở mới xong.
Chuyến đi này quá xa, kéo dài suốt một tuần lễ. Loan có ông bà nội qua coi nhà giùm nên mới đi được đủ cả vợ chồng. Còn lại, ai cũng đi lẻ. Mấy cô cậu chưa có gia đình nói đùa “cuộc lữ hành của những người độc thân”. Chỉ riêng Trường, lúc nào cũng đi chơi một mình, với cái máy chụp hình đắt tiền. Người bảo, tại vợ Trường kênh kiệu, không thèm đi chơi chung với cơ quan của chồng. Kẻ lại cho rằng, vợ Trường đảm đang, chăm chút con cái cho chồng rảnh rang du lịch khắp nơi.
Linh cũng có lần đi chơi không kèm theo hai cha con. Lần đó, họ chui vào hang núi lửa. Dù đã được dặn trước nên đem theo đèn pin, nhưng đâu phải ai cũng có. Trường khoe cái đèn nhỏ xíu, quắt queo như cây lạp xưởng thịt nạc. Ánh sáng chiếu xa vừa bằng cái trứng cút.
Lúc hướng dẫn viên phân phối ba cái đèn pin to như miệng tô, mọi người còn bảo nhau chắc là để vào trong đó soi bắt mấy con dơi, chỉ đến khi lò dò leo xuống mới bắt đầu kêu thét vì tối quá. Tối như ban đêm trong nhà thình lình bị cúp điện. Xòe tay ra trước mặt không thấy. Không biết mình đang đi khúc giữa hay ở sau cùng. Những ánh đèn chỉ đủ rọi lờ mờ đường đi gồ gề, còn sự trơn trợt thì người ta tự mình nhận ra được ngay bởi những tiếng kêu hoảng hốt. Đường trong hang chỗ rộng chỗ hẹp, có chỗ thấp hẳn xuống, đành phải bò bốn chân. Hụp đầu xuống và quờ quạng hai tay trước mặt, đó là do nghe truyền từ trên xuống, chứ thật ra không thấy nóc hang đâu hết. Tối đen thùi lùi.
Linh diện đôi giày bít mũi, bảy phân nhưng không có quai gài sau, nên vừa lọt vào bóng tối đã bước lên ngay một đống gì cứng ngắc. Linh lảo đảo, chống tay vào vách hang xù xì, ẩm ướt. Một bàn tay rắn rỏi nắm ngang khủy tay Linh khi Linh vừa kêu xong “Ui da”. Linh đứng ngay người được liền nhờ cái đỡ rất kịp thời ấy, và nhìn thấy bàn tay còn lại có ánh đèn pin nhỏ xíu, tròn vo. “Cảm ơn. Cảm ơn nghe”. Đáp lại là mấy tiếng ậm ừ như muốn nói không có chi. Từ lúc đó cho đến khi nực nội ngộp thở mò mẫm vòng lại cửa hang, bàn tay ấy cứ nương nhẹ phía sau tay áo ngắn của Linh, cẩn trọng như các ông quí tộc dìu các bà quí phái trong vũ hội linh đình. Cái hang không dài, chỉ chừng trăm thước, nhưng có rất nhiều tiếng thét kinh hoàng dọc theo vách hang. Linh không kêu, vì thỉnh thoảng giọng đàn ông ồm ồm lại nhắc “khum xuống”, “cục đất phía tay phải”, “chỗ này bằng phẳng”. Linh không bị vấp lần nào nữa, mặc dầu chỉ có ánh đèn nhỏ le lói. Ở những chỗ gặp nhiều đèn chiếu tới, Linh còn nhìn thấy cả mũi giầy người đang dắt mình. Kiểu giầy đặc biệt, được kết bởi những sợi da đan nhau như chiếc rổ. Trường thường xuyên mang loại giầy rọ ấy. Ai chê, Trường bảo “Cho nó mát cái chân”.
Vừa ra đến chỗ đủ sáng thấy đường đi, bàn tay ấy vội buông Linh ra ngay, nhanh như lúc mới chạm vào trong bóng tối. Mọi người nhìn rõ mặt nhau, cười hỉ hả, đua nhau kể lại nỗi hồi hộp lo sợ, lúc bị tối om trong hang. Linh kín đáo nhìn những người đứng sau lưng mình. Không ai có đôi giày nào giống như cái rổ cả.
Dọc đường về, ai nấy im tiếng vì ngủ, hình như Trường cũng đang gật gù ở phía cuối xe. Linh không ngủ được. Cây cối hai bên đường chạy thụt lùi như trong đầu Linh đang quay lại đoạn phim trong hang lúc nãy. Thì ra Trường đã đi sát ngay đằng sau mình? Hay là do tình cờ đẩy qua đẩy lại người này người nọ mà tới?
Trường là một người đàn ông đẹp, theo kiểu các nhân vật trong tiểu thuyết lãng mạn. Mình dây, rất cao và rất gầy guộc, trông Trường vừa yếu đuối vừa rất nhiều nam tính. Phụ nữ thường thích đàn ông có dáng cao ráo. Chiều cao tạo cho họ cái vẻ vững chãi, sẵn sàng che chở, dễ làm chỗ dựa nương.
Trường ít nói, những lúc mọi người bàn tán này nọ thì Trường cắm cúi đọc báo. Mái tóc bồng bềnh nghệ sĩ, quần áo sạch sẽ, mấy cô gái trẻ mới về nhận việc bao giờ cũng chú ý đến Trường trước tiên. Rồi hỏi dò cho chắc ăn. Rồi tiếc rẻ “Ủa! Ổng có vợ rồi sao! Uổng ơi là uổng!”.
Với tất cả phụ nữ trong cơ quan, Trường không xa cách cũng không thân mật. Lớn tuổi hơn gọi chị, nhỏ hơn gọi cô. Ai nhờ giúp việc gì thì sẵn sàng nhưng chưa bao giờ tự nguyện giúp ai cả. Ví dụ, ở nhà để xe, nếu có cô nào xe bị chết máy, Trường đi qua mà cô ấy không kêu nhờ giúp, Trường sẽ cứ đi thẳng, chẳng đoái hoài.
Cứ xét cái cách sống ấy, thì việc Trường dắt Linh vượt qua gần hết đường hang khó đi ấy, có là chuyện bất thường hay không? Nếu là ai khác, Trường có đưa tay ra đỡ không? Ra khỏi bóng tối, Trường lẩn ngay vào đám đông, không để cho Linh kịp cảm ơn lần nữa. Lúc ai nấy giành nhau kể lể, Linh im lặng, coi như mình không chen được miệng với họ. Chẳng lẽ, kể ra rằng Trường đã nắm tay Linh mà không ai thấy? Chẳng lẽ hỏi “Hồi nãy ông nào dắt tui đi vậy?”. Mà thật ra, có đúng là Trường không? Linh không dám chắc lắm. Nhưng chắc rằng, lúc đó không ai thấy, không ai biết chuyện đó cả. Cũng có thể, họ cho rằng, chuyện ấy có gì lạ đâu. Nắm tay để giúp đỡ chứ đâu phải lợi dụng. Linh tự trấn an mình như thế. Nhưng cái cảm giác được che chở, được an toàn, được đối xử tử tế ân cần trong bóng tối kia thì khó diễn tả lắm thôi. Về nhà, Linh càng không kể cho chồng nghe. Linh chỉ lắc đầu, rụt vai “Tối kinh khủng. Đi một lần với người ta cho biết”.
Lần này lại đi vào hang. Linh đã có kinh nghiệm, mang theo trong hành lý một đôi giày vải, gót xẹp lép.
Chiếc đò chở Linh bắt kịp chiếc đông người khi tới cửa hang. Thật giống y như cái hang xưa. Vừa vào bên trong hang là thế giới chia ra hai phía đối lập nhau. Sau lưng vẫn sáng lòa, thoáng đãng còn phía trước mặt thì tối đen ngột ngạt. Nhà đò thắp đèn măng-sông, yêu cầu du khách dồn qua một chiếc cho gọn, vừa có đủ người chèo tay, vừa dễ nghe thuyết minh. Nước sông trở nên đen kịt vì hang tối. Bỗng giữa bao tiếng suýt xoa trầm trồ cảnh tượng hang lạ, Linh kêu to:
- Dột!
Hướng dẫn viên trợn mắt:
- Chị hên lắm đó! Em làm ở đây ba năm mà chưa thấy ai bị nước rơi trúng người. Có truyền thuyết nói rằng, nếu lãnh đủ chín mươi chín giọt là được thành tiên đó.
Ai nấy ồ à kinh ngạc, mong muốn. Linh hỏi, hồi hộp:
- Một giọt có được cái gì không?
- Đạt được mong ước.
- Hai giọt?
- Tiền vô như nước.
- Ba giọt?
- Sinh con theo ý muốn.
Mọi người cười vang vang khắp hang.
- Thôi không ham thứ đó. Bể kế hoạch, mất tiên tiến!
Trường nói:
- Khoan. Chớ vội mừng. Cô Linh thật ra chỉ có được nửa giọt thôi! Cái giọt hồi nãy cô bị dột cùng lúc với tôi. Nó văng trúng vai bên phải tôi, còn cô lại bị bên trái. Lúc cô hỏi anh này, tôi lại bị một giọt nữa, ngay đỉnh đầu.
- Sao không la lên?
- La làm chi. Biết nước gì đâu. Sạch hay dơ. Hay là nước miếng của ai bắn trúng không chừng.
Bà già hớt tóc tém lên tiếng.
- Chú gì đừng nói chơi mắc tội. Tui mới được một giọt tại lỗ mũi đây nè. Mát lạnh hà. Nước này là nước trời, quí hiếm lắm, làm sao mà dơ được. Hay chú đổi chỗ cho tui. Tui còn mong được thêm mấy giọt nữa đây.
Vì vậy, khi đến chỗ đò cặp vô vách đá để lên xem hang khô, hai bà già rủ nhau ngồi lại dưới đò. Một cái đèn phải để lại cho hai bà. Nhưng chỉ cái đèn còn lại cũng đủ soi sáng đường đi. Hang cao rộng không ngờ, lại có nhiều ngóc ngách đi lên đi xuống, hoàn toàn không giống cái hang tối tăm hồi đó. Khác nhất là ở chỗ, đường đi có các bậc thang lát gạch đá như ở công viên, rất dễ bước, và rải rác góc này góc nọ có gắn bóng đèn. Ánh sáng không nhiều, không đủ để chụp hình nhưng vẫn thấy rõ từng người, giống như đang ở trong một gian nhà rộng mênh mông mà thắp đèn dầu.
Thăng lấy cây đèn pin Trường đang đeo trước ngực, để ra xa, nheo mắt chế diễu.
- Cái này mà cũng dám gọi là đèn. Coi nè, còn thua con đom đóm. Quăng cho rồi.
Trường giựt lại, tắt mở liên tục để chứng minh.
- Ậy. Đừng chê nó. Hồi xưa, nó từng lập nên công trạng, tại không ai biết đó thôi.
- Cứu người hoạn nạn chứ gì?
- Nói chính xác là một người đẹp đã có thời rất đẹp.
Linh đứng trong nhóm đang chắc lưỡi kinh ngạc bởi khối thạch nhũ lấp lánh lốm đốm như có dát kim cương nên nghe thấy hết. Vậy ra, Trường vẫn còn nhớ như mình. Trường lại đem cái đèn quý giá ấy theo để lặp lại một lần dẫn dắt nữa hay sao.
Có lẽ, cả hai đều không ngờ trong hang có sẵn đèn, đủ đầy ánh sáng. Mạnh ai nấy đi ngắm nghía, không phải sờ soạng dắt díu gì hết. Mải coi ngó săm soi cảnh lạ, Linh không biết nãy giờ Trường có đi sau lưng mình không. Trường không hay nói, không hút thuốc lá, không xức nước hoa, đôi giày đan rổ xẹp gót chẳng phát ra tiếng thình thịch. Chẳng có cách nào nhận ra. Chẳng có gì đặc biệt.
Linh tự nháy mắt với mình. Không có gì đặc biệt, lại càng hay. Đi du lịch để được nghỉ ngơi cho khỏe khoắn, chứ đâu phải là dịp để trốn vợ, trốn chồng đi nắm tay kẻ khác lén lút trong bóng tối. Lần này thì xin chừa luôn nhé. Mai mốt đi đâu có hang hốc, Linh sẽ ở nhà.
Trong khi mọi người túm tụm chờ đến lượt “chụp một tấm” bên tảng đá lấp lánh, Trường hí húi rọi đèn, bốc một nắm cát cho vào bịch nilông “Thử coi ra ngoài trời, nó có còn chiếu sáng không. Đem về làm kỷ niệm luôn”. Rồi lấy máy ra bấm đủ chỗ. Đèn lóe sáng phía đám đông đang chờ đợi được chụp với tảng đá kim cương. Đèn làm giật mình hướng dẫn viên với cái quần ống thấp ống cao. Trường chụp luôn ông thợ chụp hình đang khom lưng đếm một hai ba.
Mọi người chụp hình xong, í ới gọi nhau vào sâu bên trong nữa. Linh cũng vẫn cái tật cà kê nên đi sau cùng. Trường gọi.
- Cô Linh. Cho nhờ chút xíu. Chụp giùm tôi cảnh này.
Trường bấm đèn soi vào một cột đá lóng lánh, ra vẻ như đang tìm tòi nghiên cứu gì đó.
- Rồi. Cô đứng chỗ này. Bấm cái nút màu xám lớn nhất, là xong.
Linh lùi lại, ngắm rất cẩn thận, cố gắng để Trường không bị mất chân mất đầu. Nếu đủ ánh sáng, Trường sẽ có một tấm ảnh thật tự nhiên, thật lạ so với cả đoàn. Trường đang đi tìm cái đẹp? Hay đang phục chế kỷ niệm chỉ có hai người biết trong cái hang tối om xưa?
Rồi Linh la hoảng ngay sau khi đèn tắt phụp.
- Chết cha. Quên. Chụp có cái đằng sau lưng không à.
Trường cười mỉm.
- Ý tôi tính vậy mà. Thấy cái mặt không hay đâu. Tấm này chắc chắn phải đẹp. Hồi nãy tôi được hơn một giọt nước trời cho. Linh còn nhớ không?
Câu nói cuối cùng sao có vẻ như dò hỏi, như chất chứa ý tứ tăm tối. Tăm tối và dễ sợ như những hang động Linh đã chui vào. Linh không trả lời, bước vội vã về phía đám đông.
Khi đã bắt kịp mọi người, thở phào an toàn, Linh len lén đưa mắt tìm Trường. Cái dáng cao lêu đêu đang xoay trở tìm góc độ trong những khối đá hình thù kỳ thú. Đèn lóe lên loang loáng.
LƯU THỊ LƯƠNG ( Theo TuoiTre )
0 nhận xét:
Đăng nhận xét