Your Adsense Link 728 X 15

P10: Nơi Nào Có Ý Chí, Nơi Đó Có Con Đường - Tập 1

Posted by Kenny Phạm 21/7/10 0 nhận xét
Một huyền thoại sống

“Thật khôi hài, trước đây tôi đua để sống, giờ tôi chỉ muốn sống để đua.” Lance Armstrong, tay đua người Mỹ 7 lần liên tiếp vô địch vòng đua danh giá nhất thế giới Tour de France, sinh ngày 18/09/1971 tại Plano, Texas, Hoa Kỳ.
Sự nghiệp thể thao và thành tích thi đấu xuất sắc của Lance Armstrong là niềm khao khát của nhiều vận động viên đua xe đạp lẫn các môn thể thao khác. Nhưng trở thành huyền thoại sống như anh có lẽ chỉ có một vài người.
Liên tiếp bốn năm 2003, 2004, 2005, 2006, Lance được Kênh truyền hình thể thao ESPN trao tặng giải thưởng Vận Động Viên Xuất Sắc Nhất của năm. Từ năm 2002 đến 2005, Liên minh Báo chí Hoa Kỳ bầu chọn anh là Nam Vận Động Viên Xuất Sắc Nhất Của Năm. Đài BBC cũng từng trao Giải thưởng Người Nước ngoài Nổi tiếng Nhất năm 2003 cho anh.
Nhưng danh hiệu lớn hơn cả là sự “chiếm hữu” cả tên gọi cuộc đua vòng quanh nước Pháp “Tour de Lance” (Cuộc đua của riêng Lance) mà truyền hình, báo chí và người hâm mộ thân ái dành cho anh. Thật vậy, liên tiếp từ năm 1999 đến 2005, Lance Armstrong liên tục mặc áo vàng chung cuộc của cả 7 cuộc tranh tài được mệnh danh là khắc nghiệt nhất hành tinh này.
Đối với một người bình thường, đạt được kỳ tích trên đã là khó. Riêng với Lance Armstrong, điều đó còn khó khăn gấp bội.
Vì sao?
Lance Armstrong bắt đầu sự nghiệp thể thao là một vận động viên ba môn phối hợp (chạy – bơi – đua xe đạp). Mười bốn tuổi, anh đã tham gia tranh tài cùng các vận động viên đàn anh. Ba năm sau đó, ở tuổi mười bảy, anh xuất hiện trên trang bìa Tạp chí Triathlete đồng thời nhận được lời mời tham gia Đội tuyển Trẻ Quốc gia (Mỹ) bộ môn đua xe đạp.
Tuy nhiên, anh chỉ tham dự các giải nghiệp dư. Sau khi đoạt chức vô địch cuộc đua xe đạp nghiệp dư toàn nước Mỹ năm 1991 và về thứ 14 trong kỳ Olympics Barcelona 1992, Armstrong quyết định chuyển sang thi đấu chuyên nghiệp. Tại vòng đua Clasica San Sebastian, cuộc đua đẳng cấp chuyên nghiệp lần đầu tiên của mình, anh cán đích … cuối cùng. Tuy nhiên, một năm sau đó, anh độc diễn trên đường đua Oslo, Na Uy và đoạt chức vô địch thế giới đầu tiên. Chiến thắng của anh ấn tượng đến độ anh được nhà vua Na Uy mời vào cung yết kiến, nhưng lúc đầu anh từ chối vì mẹ anh không có tên trong thiệp mời. Vào phút cuối,  nhà vua đã mời cả hai mẹ con anh vào cung thăm hỏi và khoản đãi.
Anh tiếp tục thành công ở Đội đua Motorola, nơi anh thắng một số chặng của Tour de France vào các năm 1993 và 1995. Cũng trong năm 1995, anh đoạt chức vô địch Giải đua xe đạp Ngoại hạng Mỹ, về nhất giải Tour DuPont, Pháp (sau khi chấp nhận vị trí hạng nhì năm trước đó, 1994). Năm 1996, anh lại về nhất Tour DuPont và xếp hạng 9 trong số các tay đua xuất sắc nhất thế giới. Tuy nhiên, cuối năm 1996, anh bỏ Tour de France và đạt thành tích đáng thất vọng trong cuộc tranh tài Olympics Atlanta 1996 ngay tại đất Mỹ, quê hương anh.
Thành tích kém cỏi bất ngờ này là dấu hiệu của một tai họa sắp sửa giáng xuống cuộc đời anh. Nhưng đồng thời, đó cũng là sự khởi đầu của một huyền thoại.
Ngày 02 tháng 10 năm 1996, Armstrong được chẩn đoán bị ung thư tinh hoàn giai đoạn ba, đã di căn lên phổi và não. Các bác sĩ bảo rằng anh chỉ còn 40% cơ hội sống sót. Thực ra, sau này, khi anh đã khỏi bệnh, một trong các bác sĩ của anh nói lại rằng khi đó cơ hội sống của anh chỉ ở mức 3%. Họ nói thế vì xem đó như một liệu pháp tâm lý nhằm tăng thêm hy vọng cho anh mà thôi.
Ngày 02 tháng 10 sau đó trở thành ngày kỷ niệm hàng năm của cả Armstrong lẫn Hãng giày Nike (nhà tài trợ trang phục thi đấu cho Lance).  Nike tuyên bố dành 1 đô la trong mỗi đôi giày size 10//2 mà hãng này bán được để tặng cho Quỹ Lance Armstrong, được sáng lập vào năm 1997.
Kỳ lạ thay, sau cuộc phẫu thuật cắt đi tinh hoàn phải và hai vùng tổn thương ở não cùng với một đợt hóa trị liệu do Đại học Y khoa Indiana thực hiện, Lance dường như khỏi bệnh. Những tưởng một liều hóa trị tiêu chuẩn cũng đủ kết thúc cuộc đời trên lưng ngựa sắt của anh vì các tác dụng phụ do thuốc gây ra làm suy giảm nghiêm trọng chức năng bình thường của phổi. Đằng này anh phải hấp thụ một liều hóa chất tấn công mạnh hơn gấp nhiều lần, có thể hủy hoại hoàn toàn hai lá phổi của anh, nhưng anh lại không hề hấn gì.
Trong quá trình hồi phục, Lance quay lại luyện tập, đội Cofidis lúc này đã hủy hợp đồng với anh. Nhưng sau đó không lâu, anh đầu quân cho đội Bưu điện Mỹ (United States Postal Service Pro Cycling Team), một đội mới thành lập. Và, năm 1998, chưa đầy hai năm sau ngày tai họa ập đến, anh đánh dấu sự trở lại đường đua của mình bằng vị trí thứ tư ở cuộc đua Vuelta a Espana, Tây Ban Nha. Kể từ giây phút đó, Armstrong đã ghi dấu thành tích đáng tự hào nhất của mình là chiến thắng căn bệnh ung thư.
Ngày 18 tháng 10 năm 2001, năm năm sau ngày bị phát hiện ung thư, Lance Armstrong nhận được một phiếu khám chữa bệnh hoàn toàn “sạch”. Anh đã chiến thắng bệnh tật; hay nói cách khác, bệnh tật đã không thể đánh bại anh.
Tour de “Lance”
Sự hồi sinh thực sự của Armstrong đến vào năm 1999, khi anh đoạt chức vô địch Tour de France lần thứ nhất, bỏ xa người về nhì đến hơn 6 phút. Rồi lần thứ hai, thứ ba, cho đến chiếc áo vàng chung cuộc lần thứ 7 (liên tiếp) vào năm 2005, hầu như anh luôn giữ khoảng cách với người về nhì như thế, trừ năm 2003 là 1’01” trước Jan Ulrich (Đức) và năm 2005 là 4’40” trước Ivan Basso.
Ngoài thành tích 7 lần vô địch tổng sắp, Lance còn là người về nhất ở 22 chặng khác của Tour de France. (1993-1, 1995-1, 1999-4, 2000-1, 2001-4, 2002-4, 2003-1, 2004-5, 2005-1). Bên cạnh đó, anh đạt thành tích 11 chiến thắng ở các chặng đua tính giờ của Tour de France; đội của anh cũng từng thắng 3 lần đua tính giờ trong các năm 2003 – 2004 –2005.
Trong chiến thắng Tour de France năm 2004, Armstrong đã về nhất 5 chặng và trở thành người đầu tiên kể từ 1948 (sau tay đua Gino Bartali) thắng cả 3 chặng leo đèo liên tục (chặng 15-16-17).
Vinh quang lần thứ 7 vào năm 2005 của Armstrong đến với anh vào ngày 24 tháng 7. Đội đua của anh dưới màu áo Kênh truyền hình Discovery đã chiến thắng trong cuộc đua tính giờ đồng đội. Riêng anh chỉ thắng một chặng tính giờ cá nhân. Ngay từ đầu cuộc đua lần này, anh luôn bị Jan Ulrich bám đuổi quyết liệt. Nhưng vào dãy Al-pơ (Alps) và rặng Py-rê-nê (Pyrenees), anh đã trả lời đối thủ một cách xác đáng, ngay cả khi không có đồng đội nào hỗ trợ bên cạnh. Và, Armstrong đã vượt qua đích đến trong sự reo hò cuồng nhiệt của người dân Paris và khách du lịch quốc tế. Anh lập kỷ lục của mọi thời đại: lần thứ 7 liên tiếp vô địch Tour de France.
Lance Armstrong đã tuyên bố giã từ sự nghiệp thi đấu ngay chiến thắng lần thứ 7 này để dành thời gian cho gia đình, cho Trung tâm Lance Armstrong (chuyên hỗ trợ các bệnh nhân ung thư), và sẽ làm huấn luyện viên để dìu dắt các thế hệ sau tiếp tục  chinh phục những cung đường mới.
LANCE ARMSTRONG
Nguồn: Nơi nào có ý chí nơi đó có con đường - First News và NXB Tổng hợp TPHCM phối hợp ấn hành

Cuộc bộ hành và sứ mệnh cao cả

“Không như những người  khác, tôi tin rằng số phận không tạo ra tôi, mà chính tôi mới là người tạo ra số phận của mình.”Với hành trang là năm ngày lương thực đi đường, một quyển Kinh Thánh (Bibble), một  cuốn sách có tựa đề Hành hương (The Pilgrim’s Progress), cùng với một chiếc rìu làm vũ khí tự vệ và một tấm chăn, Legson Kayira hăm hở bắt đầu cuộc hành trình của đời mình.
Cậu sẽ phải vượt qua một chặng đường dài từ Nyasaland (Cộng hòa Malawi ngày nay), nơi bộ tộc cậu đang sinh sống, ngược lên phía Bắc rồi đi về hướng Đông tới Cairo (Thủ đô Ai Cập) để lên tàu sang Mỹ tìm kiếm một tấm bằng đại học.
Đó là vào tháng 10 năm 1958, lúc cậu gần 17 tuổi. Cha mẹ cậu mù chữ nên chẳng biết nước Mỹ ở đâu và xa gần thế nào. Họ chỉ biết cầu chúc cho cậu thượng lộ bình an.
Với Legson, chuyến đi này bắt nguồn từ một ước mơ – dù đối với nhiều người đó chỉ là một sự điên rồ – một ước mơ đã khiến cậu nung nấu quyết tâm được đi học. Cậu muốn mình giống thần tượng Abraham Lincoln của cậu, một con người đi lên từ nghèo khổ rồi trở thành Tổng thống Mỹ và đấu tranh không mệt mỏi cho phong trào giải phóng nô lệ. Rồi cậu cũng muốn  mình giống Booker T. Washington, người dám đứng lên phá bỏ xích xiềng nô lệ, trở thành nhà cải cách, nhà giáo dục vĩ đại, người đã mang lại niềm tin và phẩm giá cho cả nhân dân Mỹ.
Như các thần tượng của mình, Legson cũng muốn phục vụ nhân loại, cậu muốn làm một điều gì đó thật khác biệt cho thế giới này. Để nhận rõ mục đích của mình, cậu cần phải học, và học tại một trường hạng nhất. Vì vậy, cách tốt nhất là đến Mỹ.
Hãy khoan nghĩ đến việc Legson không một xu dính túi và bằng cách nào cậu có đủ  tiền mua vé tàu đi Mỹ.
Hãy khoan bàn chuyện cậu không hề có ý niệm gì về một trường đại học khi bước chân xuống tàu, và ngay cả nếu có, cậu cũng không biết mình có được chấp nhận vào học hay không.
Cũng đừng tự hỏi làm thế nào Legson có thể vượt 5.000 km xuyên qua lãnh địa của hàng trăm bộ tộc nói hơn năm mươi thứ tiếng khác nhau mà chẳng có thứ tiếng nào quen thuộc với cậu.
Các bạn đừng bận tâm đến những câu hỏi ấy, bởi đó là những điều Legson phải làm và đã làm được. Trong suy nghĩ của cậu lúc đó không có gì ngoài khát vọng được đặt chân lên vùng đất mà cậu nghĩ có thể thay đổi số phận của mình.
Không phải lúc nào cậu cũng kiên định như thế. Khi còn nhỏ, đôi lần cậu lấy cái nghèo của mình để biện hộ cho sự thua kém trong việc học và những thất bại của bản thân. Cậu từng tự nhủ rằng “Mình chỉ là một đứa con nhà nghèo, biết làm sao bây giờ!”.
Như nhiều đứa trẻ khác trong làng, thật dễ hiểu khi Legson cũng cho rằng học hành đối với một đứa con nít Karongo tỉnh lẻ chỉ tổ phí thời gian. Nhưng sau khi đọc những quyển sách do các nhà truyền giáo trao tặng, cậu phát hiện ra thế giới còn có một Abraham Lincoln và một Booker T. Washington. Câu chuyện về hai bậc vĩ nhân này đã vén đám mây mờ đang che phủ cuộc đời cậu và rằng trước hết cậu cần phải học. Thế là cậu nung nấu ý định đi Cairo từ đó.
Sau năm ngày cuốc bộ khó khăn trên vùng đồi núi gồ ghề đầy đá tai mèo thuộc châu Phi hoang dã, Legson chỉ đi được vỏn vẹn 50 km trong khi lương thực mang theo đã cạn, nước uống đã hết và không tiền bạc trong tay. Hoàn thành chặng đường 4.950 km còn lại quả là chuyện không tưởng. Nhưng quay về đồng nghĩa với bỏ cuộc, là cam phận với cuộc sống nghèo khó và dốt nát. Thế rồi, cậu tự hứa với lòng mình: “Mình sẽ cố gắng đến hơi thở cuối cùng chứ nhất định không bao giờ dừng bước nếu chưa đến được nước Mỹ”. Và cậu lại tiếp tục lên đường.
Có những đoạn đường cậu đi cùng với người lạ, nhưng phần lớn thời gian - cậu làm kẻ lữ hành đơn độc. Đến mỗi ngôi làng mới, cậu thăm dò kỹ lưỡng trước khi tiến vào vì không biết họ sẽ có thái độ thân thiện hay thù địch đối với cậu. Đôi khi, cậu cũng kiếm được việc làm và một chỗ trú ngụ qua đêm. Còn thì cậu thường xuyên ngủ dưới trăng sao.
Cậu tìm kiếm trái rừng và bất cứ loại cây cỏ nào có thể ăn được để sống qua ngày. Cậu trở nên gầy gò và ốm yếu dần theo cuộc hành trình. Đó là chưa kể một trận sốt rét thập tử nhất sinh mà cậu đã trải qua. Trời quả không phụ lòng người, cậu được vài người tốt bụng dùng thảo dược cứu chữa và cho trú lại cho đến khi hết cơn bạo bệnh. Kiệt sức và xuống tinh thần trầm trọng, một lần nữa cậu lại muốn quay về. Cậu lấy lý lẽ rằng quay về sẽ tốt hơn tiếp tục cuộc hành trình xuẩn ngốc, thậm chí là liều mạng này.
Nhưng, Legson đã lật lại những trang sách mà cậu vẫn luôn mang bên mình. Những dòng chữ quen thuộc làm cậu tin tưởng trở lại vào mục đích của mình. Thế là cậu lại tiếp tục.
Ngày 19/01/1960, tức mười lăm tháng sau khi bắt đầu chuyến bộ hành thiên lý của mình, Legson đi được gần 1.600 km và đến Kampala, thủ đô Uganda. Cậu bây giờ đã mạnh mẽ hơn về vóc dáng và khôn ngoan hơn trong cách sinh tồn. Cậu ở lại Kampala sáu tháng và làm đủ thứ nghề. Có điều đặc biệt là, cậu luôn dành từng phút rỗi rãi để vào thư viện và đọc ngấu nghiến mọi thứ.
Ở thư viện, tình cờ cậu bắt gặp một thư mục nói về các trường đại học Mỹ. Hình ảnh một ngôi trường nguy nga bề thế nhưng thân thiện in hình trên nền trời trong xanh, thanh thoát với những đài phun nước và những thảm cỏ được cắt tỉa khéo léo, lại được bao quanh bởi núi non hùng vĩ làm cậu thấy nhớ những đỉnh núi cao vời, uy nghi nơi quê nhà Nyasaland.
Đại học Skagit Valley ở vùng núi Vernon, bang Washington, đã trở thành hình ảnh thực tế đầu tiên trên con đường đi tìm tương lai tưởng như vô vọng của Legson. Ngay lập tức cậu viết đơn gửi hiệu trưởng nhà trường, trình bày hoàn cảnh của mình và xin một suất học bổng. Cùng lúc, cậu cũng cố gắng vét cạn túi tiền hạn hẹp của mình để gửi đơn đến vài trường khác vì sợ rằng trường Skagit không chấp nhận đơn của cậu.
Nhưng Legson không cần phải làm thế. Vì quá ấn tượng trước quyết tâm của cậu nên ngài hiệu trưởng trường Skagit không những cho phép Legson nhập học mà còn cấp cho cậu một suất học bổng và giới thiệu cho cậu một việc làm thêm để kiếm tiền trang trải chi phí ăn ở.
Một phần khát vọng của Legson đã trở thành hiện thực. Nhưng con đường của Legson vẫn còn rất nhiều chướng ngại phía trước. Theo luật pháp Mỹ, cậu phải có hộ chiếu và thị thực nhập cảnh. Nhưng để có hộ chiếu, cậu phải xuất trình giấy khai sinh. Khó khăn hơn nữa, để được cấp thị thực, cậu cần phải có một tấm vé khứ hồi khi đến Mỹ. Một lần nữa cậu lại cần đến bút và giấy. Cậu viết thư cho các nhà truyền giáo, những người đã dạy dỗ cậu từ tấm bé. Cuối cùng, mọi chuyện cũng được lo liệu ổn thỏa, trừ tấm vé máy bay khứ hồi để được cấp thị thực vào Mỹ.
Không hề nao núng, Legson tiếp tục cuộc hành trình đi Cairo với niềm tin rằng thế nào cậu cũng kiếm được đủ số tiền cần thiết cho việc này. Cậu tự tin đến mức vét hết những đồng xu cuối cùng tậu một đôi giày mới để không phải đi chân đất qua cổng trường Skagit Valley.
Ngày tháng trôi qua, tin tức về cuộc hành trình dũng cảm của cậu bắt đầu lan rộng. Vào lúc cậu đến Khartoum (Thủ đô của Sudan) và rơi vào tình cảnh rỗng túi và kiệt sức, thì huyền thoại Legson Kayira đã tạo ra một nhịp cầu nối lục địa châu Phi với Vernon, Washington.
Sinh viên trường Skagit Valley cùng sự đóng góp của người dân địa phương đã gửi đến cậu 650 đô la để mua vé khứ hồi sang Mỹ. Khi biết tin này, Legson đã bật khóc vì lòng biết ơn và nỗi vui mừng trước tấm lòng của các vị ân nhân của mình.
Tháng 12 năm 1960, sau cuộc hành trình dài hơn hai năm, cuối cùng Legson Kayira cũng đã đặt chân lên đất Mỹ. Cậu hãnh diện bước vào ngưỡng cửa Đại học Skagit Valley với hai quyển sách báu ôm chặt trong tay.
Câu chuyện về Legson chưa kết thúc ở đó. Sau khi tốt nghiệp đại học, cậu học lên nữa và trở thành giáo sư Chính trị học của Đại học Cambridge nước Anh, đồng thời là một tác giả có uy tín trên thế giới.
Như hai thần tượng của mình - Abraham Lincoln và Booker T. Washington - Legson Kayira đã vươn lên từ một khởi đầu vô cùng khó khăn và đã hoán cải thành công số phận của mình. Legson đã tạo nên một sự khác biệt và thực sự trở thành ngọn đèn soi sáng cho những người đi sau tiếp bước theo.
LEGSON KAYIRA
Nguồn: Nơi nào có ý chí nơi đó có con đường - First News và NXB Tổng hợp TPHCM phối hợp ấn hành

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Popular Posts

Blogger news

About




Powered by  MyPagerank.Net

Academics Blogs
Bookmark and Share

Blog Archive