Your Adsense Link 728 X 15

P15: Vì Sao Họ Thành Công - Tập 1

Posted by Kenny Phạm 22/7/10 0 nhận xét
Thay cho lời kết

Thật diễm phúc khi tôi được làm đứa con gái bé bỏng dưới đôi cánh vĩ đại của Thomas J. Watson Jr. - “Nhà tư bản thành công nhất thế giới” - như Tạp chí Fortune có lần chạy tít trên trang bìa của họ. Tuy vậy, chúng tôi không hề hư hỏng như người ta tưởng tượng.
Thật ra, mẹ chỉ mua quần áo mới cho chúng tôi mỗi năm một lần và một đôi giày mới vào mùa thu. Chúng tôi ít khi nhận được những món quà mình yêu thích vào dịp lễ Giáng sinh và tiền tiêu vặt của chúng tôi cũng rất khiêm tốn.
Cha tôi luôn đối xử tốt với mọi người, dù họ là các nhà lãnh đạo của chính phủ hoặc các huấn luyện viên trượt tuyết Thụy Sĩ. Ông là người có óc tò mò cao độ và ham học hỏi. Có lần ông cho tôi một cây đàn cla-vi-co tuyệt đẹp và dụ tôi học piano. Tôi ghét học piano và càng ghét cay ghét đắng vụ “hối lộ” ấy hơn nữa. Cha tôi không quan tâm chuyện ông có tới năm đứa con gái và một cậu con trai - ông đối xử với chị em gái chúng tôi như con trai vậy. Hơn mười tuổi, tôi và chị Olive đồng sở hữu một chiếc xe gắn máy. Chúng tôi tung tăng khắp vùng Greenwich, Connecticut và cày xới bãi cỏ các nhà hàng xóm. Cha tôi rất khoái chí với lũ con gái hoang dã của ông.
Tự do tuổi thơ thật thích. Cha mẹ tôi không ở bên chúng tôi nhiều, chúng tôi tự trông nom chăm sóc lẫn nhau. Tôi là con giữa, vị trí tốt nhất trong một gia đình đông con. Tôi có thể nghịch ngợm phá phách mà không bị ăn đòn và còn được cha thương nhất. Khi còn bé, tôi thường được cha cho đi khắp thế giới theo các chuyến công tác của ông. Tôi nghĩ ông thích tôi vì tôi hay tranh luận với ông. Những người quyền cao chức trọng thường rất cao ngạo và hay bắt nạt kẻ khác. Tôi thường bảo sinh viên của tôi rằng không gì có thể làm người hay bắt nạt kẻ khác cảm thấy thích thú hơn là bị chặn đứng và gặp kẻ dám đương đầu lại với mình. Đó là chìa khóa thành công trong kinh doanh – biết cách không để uy quyền của người khác khuất phục mình.
Tôi nhớ có lần tôi mời John Sculley và vợ ông đến giới thiệu với cha tôi vào một buổi ăn trưa tại khu nhà nghỉ của gia đình chúng tôi trên bờ biển Maine. Trong lúc chúng tôi đang ngồi ngắm biển thì bỗng có một chiếc phi cơ nhỏ màu đỏ lao vút qua để lại một vệt khói trắng dài trên bầu trời xanh thẳm. Rồi nó bắt đầu nhào lộn theo hình xoắn ốc ngay trên đầu chúng tôi. John hoảng hốt hỏi tôi: “Có chuyện gì thế? Ai thế?”. Tôi đáp: “Ồ, cha tôi đấy! Ông ấy đang muốn chứng tỏ rằng mình vẫn còn đáng nể lắm”.
Tôi thấy kỳ cục khi cha có ý hơn thua với John, người thực sự nắm trong tay tiềm lực kinh tế cao hơn vào thời đó. Dĩ nhiên đó chỉ là một pha biểu diễn nhưng tôi tin mục đích thực sự của cha tôi là muốn chứng tỏ cho John rằng dù Tập đoàn Apple rất to lớn nhưng IBM cũng có những con người đầy tinh thần mạo hiểm. Có lẽ cha tôi phải chịu đựng mặc cảm tự ti trong suốt cuộc đời ông. Ông luôn tin rằng có nhiều người thông minh và tài giỏi hơn ông. Tôi nghĩ rằng nơi duy nhất ông cảm thấy tự tin là trong buồng lái máy bay. Ở tuổi năm mươi lăm, ông là một học viên lớn tuổi nhất ở trường dạy lái máy bay phản lực. Lúc sáu mươi lăm, ông học lái trực thăng và sau cùng là lái máy bay nhào lộn! Đối với ông, bay lượn là tự do. Ông nhận thấy cuộc sống văn phòng rất gò bó và ông chỉ có thể thoát ra bằng cách bay thật xa hoặc dong buồm đi nửa vòng trái đất theo hải trình mà Thuyền trưởng Cook đã đi mấy thế kỷ trước.
Cha tôi muốn trở thành phi công nhưng ông tôi, nhà sáng lập IBM không bao giờ cho phép ông làm điều đó. Cha tôi vào IBM và khổ sở với từng giây phút bị giam lỏng ở đó trong thời gian đầu. Khi ông thành công hơn, tôi biết ông phấn khích trước những thử thách khi điều hành một công ty lớn, nhưng từ tận đáy lòng, ông vẫn ước mơ được bay bổng trên không. Vào năm cuối đời, khi bác sĩ bảo ông không thể bay được nữa thì khát vọng sống của ông cũng không còn. Ông nhẹ dạ cả tin nhưng đáng yêu, hài hước nhưng không khoan dung. Tôi nghĩ ông không có lấy một phút bình yên trong tâm hồn để có thể thư giãn, để nhìn lại cuộc đời hay chỉ đơn giản là để cảm thấy hài lòng về sự nghiệp của mình.
Cha tôi tự cho mình là một CEO, nhưng với tôi việc đó còn phải tranh luận tiếp. Dù công việc của cả đời ông là điều hành Tập đoàn IBM, nhưng những ước mơ của ông còn lớn hơn và những sở thích của ông phản ánh khía cạnh này trong tính cách của ông. Ông là người không thể ngồi yên, một phẩm chất cơ bản của đa số những người tôi phỏng vấn, cũng như không thể giam hãm ước mơ của mình trong bốn bức tường chật hẹp. Mối quan tâm của ông về nền hòa bình thế giới và việc giải giáp vũ khí hạt nhân phản ánh ở sự gắn bó của ông với SALT (SALT – Strategic Arms Limitation Talks - Các cuộc đàm phán về việc hạn chế vũ khí chiến lược - ND) và ở mối quan hệ cấp đại sứ với Nga. Ông mở một học viện nghiên cứu ở Đại học Brown - Học viện Watson về nghiên cứu Quốc tế - là tổ chức có tôn chỉ duy nhất là làm giảm nhẹ các mối xung đột trên thế giới. Dù đã cố gắng hết mình nhưng chưa bao giờ ông cảm thấy an tâm. Đó là điều làm ông khác biệt so với các tổng giám đốc điều hành khác, hay các doanh nhân và các nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa mà tôi đã phỏng vấn. Ông chưa bao giờ là một nhà chính trị và ông thường gặp khó khăn trong việc bày tỏ chính kiến của mình đối với các vấn đề thời cuộc. Niềm say mê công việc của ông mang tính nhất thời và tùy thuộc vào việc nó có đem lại cho ông sự thách thức hay không. Có lẽ đó là lý do làm ông cảm thấy đam mê hơn với các sở thích của mình: lái máy bay và giong thuyền trên biển.
Rất lâu trước khi tôi có ý định viết quyển sách này, tôi đã phỏng vấn cha tôi. Khi đó ông đã ở vào những năm cuối đời và đang chống chọi với thần chết. Cuộc phỏng vấn tuy ngắn ngủi nhưng tôi tin rằng cha tôi đã nói hết được những điều quan trọng.
Những lời bộc bạch của Thomas J. Watson Jr.
Người cha kính yêu của tôi
Trong nhiều năm, cha điều hành Tập đoàn IBM và chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của nó trên khắp năm mươi bang của Mỹ cũng như các chi nhánh ở nước ngoài. Cha xem nó là cuộc đời cha và nó cũng choán hết toàn bộ thời gian của cha. Cha làm cho IBM từ lúc rời không quân cho đến khi nghỉ hưu ở tuổi năm mươi sau một cơn nhồi máu cơ tim. Ngày nay cha vẫn tham gia trong một vài công ty này nọ rồi thì quanh quẩn với những chiếc thuyền buồm và máy bay của cha. Trong cha vẫn còn máu phiêu lưu mạo hiểm và đang có kế hoạch làm một cuộc hành trình vòng quanh thế giới trên biển.
Lúc nhỏ, cha không suy nghĩ gì nhiều. Thực sự cha cũng không nghĩ lớn lên cha sẽ kiếm được bao nhiêu tiền. Cha không phải là một học sinh giỏi, cha thường không làm bài tập về nhà và cũng không tập trung nghe giảng ở lớp. Cha không tự tin lắm và ông con thường rất tức giận vì cha. Có lần cha lấy trộm một chiếc ô tô trên phố và lái vào ga-ra nhà mình làm ông giận điên người. Cha phải mất sáu năm mới học xong đại học (Đại học Brown). Điều duy nhất cha thích là lái máy bay. Cha gia nhập không quân khi chiến tranh đã kết thúc và quyết định trở thành một phi công nhưng ông con không đồng ý. Ông cương quyết bắt cha phải vào IBM và cha buộc phải nghe theo.
Những năm đầu, cha rất chán nản. Cha phải đi khắp mọi miền đất nước để gặp hết người này đến người khác. Cha thực sự không hình dung được công việc ra sao cả. Ông con và cha cứ tranh cãi với nhau suốt. Đó là lý do cha vẫn cứ tiếp tục theo đuổi trò bay lượn trên không và dong buồm trên biển để tìm chút thư giãn giữa những áp lực của công việc. Hồi tưởng lại, cha nghĩ ông con biết rõ điều gì tốt đối với cha. Ông đã có lý khi buộc cha vào làm IBM nhưng lúc đó cha chưa nhận ra được tâm ý của ông. Cha chỉ muốn làm những điều cha thích nhưng không được đáp ứng nhiều lắm.
Nếu được chọn lại lần nữa, có lẽ cha cũng không thay đổi gì. Nghĩ lại, cha thích cuộc sống đã qua nhưng trong thâm tâm cha luôn tự hỏi rằng liệu mọi việc có tốt hơn không nếu cha được tự do làm những gì cha muốn. Cha không tài cán gì ngoại trừ việc lái máy bay, và đó là lý do cha luôn thích máy bay. Cha tin rằng con sẽ thích những gì mà con tinh thông về nó. Cha thích nói chuyện kinh doanh khi còn ở IBM nhưng cha ít quan tâm đến những công việc hàng ngày ở đó.
Thần tượng của cha là các nhà phiêu lưu mạo hiểm như Thuyền trưởng Cook (người khám phá ra New Zealand và châu Úc Thế kỷ XVIII), như anh em nhà Wright (hai ông tổ của ngành hàng không). Cha luôn yêu mến Lindbergh (Charles Lindbergh, phi công người Mỹ đầu tiên một mình lái máy bay vượt Đại Tây Dương từ New York đi Paris vào ngày 21/05/1927) và những người biết sống cho những giấc mơ của họ. Các chiến công hiển hách trong lịch sử luôn hấp dẫn cha. Cha nghĩ rằng cha thích khám phá những nơi chưa ai đặt chân tới. Thám hiểm Bắc Cực là một giấc mơ lớn mà cha đã hoàn tất, thật là tuyệt vời.
Cha đã phạm rất nhiều sai lầm vì sự ngu dốt, vì tính nóng giận, và vì nhiều điều khác nữa. Đó là lý do nhiều người điên đầu vì những thất bại triền miên của cha. Tuy nhiên, nếu không sai lầm có lẽ cha sẽ không bao giờ biết cố gắng trong chuyện gì cả. Cha nghĩ sợ hãi là một động cơ vĩ đại cho hành động. Hãy luôn cố gắng và con sẽ quen thuộc với nó, có vấp ngã thì con mới cứng cỏi hơn được.
Khi mới vào làm IBM, cha có một cố vấn vĩ đại, ông thực sự làm cho cha cảm thấy có thể làm được việc nên cha đã cố gắng hơn. Cố vấn thực sự có vai trò rất quan trọng và cha đang cố gắng làm một nhà cố vấn hữu dụng cho các bạn trẻ. Cha muốn nói với lớp trẻ mới vào đời hôm nay rằng hãy dám nghĩ dám làm. Hãy đột phá những cái mới dù tận cùng có thể không phải là thành công. Hãy sẵn sàng nắm bắt cơ hội và chấp nhận mạo hiểm. Cha tin cha đã nhiều lần mạo hiểm. Cha từng làm ông con xanh mặt khi bảo ông cổ phần hóa IBM. Ông con chưa bao giờ muốn vay tiền ngài Morgan (ông chủ nhà băng nổi tiếng thời đó của Mỹ và cả thế giới - ND) nhưng cuối cùng cha đã thuyết phục được ông. Ông con nghĩ rằng cha hoàn toàn sai nhưng ông vẫn cho cha một cơ hội. Rõ ràng là mọi việc đã trở nên tốt đẹp. Sáng lập ra một công ty không phải là chuyện dễ nhưng cha tin rằng cha có thể làm việc đó tốt hơn ông. Thực sự nhiều năm dài cha không tin vào bản thân mình nên chính điều đó đã gây ra nhiều rắc rối trong tâm tính cha. Cuộc đời đi theo từng bước chân của con, đôi khi con bước sai nhịp và con phải điều chỉnh lại. Riêng cha, cha đã phải làm lại khá nhiều lần.
Định nghĩa của cha về thành công à? Ồ -  khó đấy. Cha nghĩ  thành công là làm một công việc đúng đắn, có ý nghĩa; là tạo ra tầm ảnh hưởng; là sở hữu một công ty riêng như lớp trẻ hiện nay đang làm. Cũng có thể thành công là việc nuôi dạy con cái nên người. Đó luôn là một câu hỏi khó trả lời đối với cha.
Cha nhớ khi xây ngôi nhà này để chúng ta dọn về Vermont, nửa chừng chúng ta hết tiền và cha nghĩ: “Mình đúng là ngốc khi nghĩ rằng mình có thể làm được việc này”. Nhưng cuối cùng cha đã hoàn thành nó. Con có nhớ những năm tháng đẹp nhất chúng ta từng có với nhau? Cha thích mang con theo trên những tầng mây, đi thật xa khỏi IBM và cha cảm thấy thật hạnh phúc khi ở bên các con. Thành công nghĩa là có một nơi để gia đình chúng ta quây quần bên nhau và tận hưởng thú vui trượt tuyết. Đó mới thật sự là điều mà cha luôn yêu thích.
THOMAS J. WATSON JR. Nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị IBM
Nguồn: Vì sao họ thành công ? - First News và NXB Trẻ TPHCM

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Popular Posts

Blogger news

About




Powered by  MyPagerank.Net

Academics Blogs
Bookmark and Share

Blog Archive