Your Adsense Link 728 X 15

Từ Những Điều Bình Dị Phần 03 - Hạt Giống Tâm Hồn - Tập 4

Posted by Kenny Phạm 20/7/10 0 nhận xét
Lỗi lầm và sự biết ơn
Niềm vui và tình người sẽ thật sự bền vững khi bạn biết quan tâm đến người khác như đã từng quan tâm đến bản thân mình.
- Khuyết danh

Hai người bạn cùng đi qua sa mạc. Trong chuyến đi, giữa hai người có xảy ra một cuộc tranh luận, và một người nổi nóng, không kiềm chế được mình đã nặng lời miệt thị người kia. Cảm thấy bị xúc phạm, nhưng anh không nói gì, chỉ viết lên cát: “Hôm nay người bạn tốt nhất của tôi đã làm làm khác đi những gì tôi nghĩ.”
Họ đi tiếp, tìm thấy một ốc đảo, và quyết định đi bơi. Người bị miệt thị lúc nãy bây giờ bị sa lầy và lún dần xuống, và người bạn kia đã tìm cách cứu anh. Thoát khỏi vũng lầy, anh lấy một miếng kim loại khắc lên đá: “Hôm nay người bạn tốt nhất của tôi đã cứu sống tôi.”
Người kia hỏi: “Tại sao khi tôi xúc phạm anh, anh viết lên cát, còn bây giờ anh lại khắc lên đá?”
Anh ta trả lời: “Những điều viết lên cát sẽ mau chóng xóa nhòa theo thời gian, nhưng không ai có thể xóa được những điều tốt đẹp đã được ghi tạc trên đá, trong lòng người.”
Vậy mỗi chúng ta hãy học cách viết những nỗi đau buồn, thù hận lên cát và khắc ghi những ân nghĩa lên đá.
TUỆ NƯƠNG - Theo The Secrets of Life

Ba mươi năm cho một giấc mơ!
Được đắm mình trong ánh mặt trời chính là mơ ước lớn nhất của tôi.Tôi không thể với tới những tia nắng huyền diệu đó nhưng tôi có thể chiêm ngưỡng chúng, tin vào sự kỳ diệu của chúng và vươn tới chúng đến cùng.
- Louisa May Alcott

Vào đầu thập niên 50, tại một thị trấn nhỏ ở miền Nam California, một cô bé mười tuổi thường xuyên đến thư viện đọc sách. Trong khi chờ người thủ thư già đóng dấu hẹn ngày trả sách, cô bé thường nhìn rất lâu vào danh mục sách mới đặt trên kệ.
Cô ngạc nhiên thích thú nhận ra công việc thật tuyệt vời của những người cầm bút, và thật vinh dự làm sao khi tác phẩm của họ được đặt trên mọi kệ sách, nơi mà cả thế giới có thể ngắm nhìn.
Một ngày đẹp trời nọ, cô bé thổ lộ niềm mơ ước của mình với người thủ thư già:
- Bác ạ, khi lớn lên, cháu sẽ trở thành một nhà văn. Cháu sắp sửa viết sách đấy.
Người thủ thư già ngước nhìn cô bé với ánh mắt khích lệ và nụ cười động viên. Bà đáp lại:
- Khi nào cháu viết sách xong thì hãy mang đến đây cho bác. Bác sẽ trưng bày chúng ở đây, ngay trên quầy sách này.
Cô bé hứa với bà thủ thư rằng một ngày không xa, cô sẽ hoàn thành tác phẩm đầu tay của mình.
Tám năm sau, cô bé đã tìm ra một tia sáng cho ước mơ của mình. Cô nhận công việc viết những mẩu tin nhỏ cho một tờ báo địa phương với khoản thu nhập 1,5 đôla cho mỗi tin như thế. Tuy nhiên, khoản thu nhập ít ỏi này chẳng là gì so với niềm vui khi cô thấy những bài viết của mình được đăng trên báo.
Còn một quyển sách ư? Phải mất khá nhiều thời gian mới làm được.
Một thời gian sau, cô làm biên tập cho bản tin của một trường trung học, lập gia đình và bắt đầu một cuộc sống mới. Thế nhưng nỗi khát khao được viết, được sáng tác vẫn luôn cháy bỏng trong cô. Những lúc rảnh rỗi, ngoài việc chăm sóc con cái, cô nhận thêm việc phụ trách mục tin tức giáo dục tại một tờ tuần báo.
Tuy vậy, vẫn chưa có cuốn sách nào ra đời.
Rồi cô chuyển sang làm chính thức cho một tờ nhật báo lớn trong khi vẫn cộng tác với các tạp chí. Công việc càng lúc càng trở nên bận rộn.
Cuối cùng, khi tin rằng mình đã tìm được đề tài tâm đắc, cô bắt tay vào viết. Cùng một lúc, cô gửi tác phẩm của mình đến hai nhà xuất bản. Một thời gian sau, cô nhận được phản hồi. Nhà xuất bản đánh giá cao ý tưởng của cô nhưng lại cho rằng tác phẩm của cô chưa đủ hay để có thể in thành sách. Cô buồn rầu ném xấp bản thảo vào một xó.
Nhưng vài năm sau, giấc mộng văn chương ngày xưa lại trở về, ngày càng mãnh liệt hơn. Sau nhiều đêm trăn trở, suy tư về cuộc sống, về hạnh phúc và khổ đau, cô quyết định bắt tay vào viết một tác phẩm mới, đồng thời chỉnh sửa lại tác phẩm đầu tay của mình. Rất tự tin, cô gửi cả hai bản thảo tới nhà xuất bản và thật bất ngờ, không lâu sau, cả hai đều được in thành sách.
Thế nhưng, phải mất đến hơn một năm sau, cô mới nhận được thùng sách biếu dành cho tác giả. Cô xé toang nắp thùng, lòng hồi hộp khi sắp được nhìn thấy đứa con tinh thần của mình. Và cô òa khóc. Cô đã phải đợi quá lâu để có thể nhìn thấy giấc mơ của mình thành hiện thực. Rồi cô chợt nhớ đến lời đề nghị của người thủ thư già ngày trước.
Khi cô quay trở về thư viện thì người thủ thư già đã không còn nữa. Cô viết cho người quản lý thư viện một lá thư, kể rõ với ông rằng những lời động viên của người thủ thư già ngày xưa đã tác động đến cô mạnh mẽ như thế nào. Cô còn viết rằng cô sẽ tham dự buổi họp mặt cựu học sinh trường cũ và mong ông vui lòng nhận những quyển sách của cô.
Ngày họp mặt đã đến, cô hết sức ngạc nhiên khi trông thấy một thư viện mới rất khang trang được xây cạnh ngôi trường cũ. Từ phòng đọc sách có thể nhìn thấy lớp học, nơi cô từng đánh vật với các con số, công thức, định lý... Và sách của cô được đặt trang trọng trên chiếc kệ ngày xưa kèm theo lời giới thiệu. Cô ôm ghì lấy người quản lý thư viện để bày tỏ lòng biết ơn. Họ cùng chụp một bức ảnh bên ngoài thư viện để biết rằng mọi giấc mơ đều có thể trở thành hiện thực, mọi lời hứa đều có thể làm được cho dù có phải mất đến ba mươi năm hoặc lâu hơn nữa.
Có những ước mơ mãi mãi chỉ là ước mơ, có những ước mơ sẽ trở thành hiện thực. Đâu là sự khác biệt.
FIRST NEWS - Theo The Inpiration Stories

Mẹ đang nghe con nói đây!
Đôi lúc, khi nỗi buồn dâng trào và sự xoa dịu của thời gian trở nên quá chậm chạp, một tâm hồn đau khổ có thể tìm kiếm niềm an ủi trong một điều gì đó hữu hình hơn.
- Khuyết danh

Tất cả chúng ta đều biết nỗi hồi hộp âu lo như thế nào của người nhận điện thoại vào lúc nửa đêm. Đêm hôm ấy, người tôi gần như giật bắn khi bừng tỉnh giấc vì tiếng chuông điện thoại réo vang trong đêm. Bao suy diễn về những điều bất trắc ập đến trong cái đầu vẫn chưa tỉnh ngủ của tôi khi tôi nhấc ống nghe lên: “A lô!”.
Tim tôi đập thình thịch, nắm tay cầm ống nghe của tôi như căng ra, tôi đưa mắt nhìn chồng mình, cũng vừa mở mắt.
- Mẹ phải không?
Tôi gần như không nghe được tiếng thì thào bên kia đầu dây. Nhưng đầu óc tôi lập tức nghĩ ngay đến con gái mình. Khi âm thanh tuyệt vọng nức nở của người con gái trẻ bên kia ống nghe trở nên rõ hơn, tôi chụp lấy tay chồng mình và bóp chặt.
- Mẹ, con biết là khuya lắm rồi. Nhưng đừng... con xin mẹ đừng nói gì hết. Mẹ cứ để con nói xong đã. Con biết mẹ sẽ hỏi, vâng, con đang say rượu. Con đã lái xe ra khỏi phần đường chính đến mấy dặm và...
Tôi hít một hơi thật sâu, buông tay chồng mình ra và bóp mạnh vào trán. Tôi vẫn chưa ra khỏi cơn say ngủ. Tôi cố tập trung tinh thần, tìm cách chống lại trạng thái hoảng sợ. Có điều gì nhầm lẫn ở đây.
- Và con thấy sợ lắm. Trong đầu con lúc nào cũng nghĩ là mẹ sẽ rất đau lòng nếu nhận được tin rằng con đã chết. Mẹ ơi, con muốn... con muốn về nhà. Con biết con đã sai khi bỏ nhà đi. Con biết mẹ đã lo lắng cho con đến nhường nào. Lẽ ra con phải gọi cho mẹ mấy ngày trước, nhưng con sợ. Con sợ lắm mẹ ơi!
Tiếng khóc nức nở của cơn xúc động mạnh không ngừng tuôn qua ống nghe và rót vào tim tôi. Ngay lập tức tôi hình dung trong đầu khuôn mặt con gái tôi và tâm trí tôi dường như đã tỉnh táo hẳn.
- Tôi nghĩ là...
- Đừng. Mẹ đừng giận con. Con xin mẹ! Mẹ cứ để con nói hết đã! Con xin mẹ! - Giọng người con gái vang lên khẩn thiết, tuyệt vọng.
Tôi ngưng nói và cố nghĩ xem phải nói điều gì. Trước khi tôi kịp tiếp tục, giọng bên kia đã vang lên:
- Con đã có thai, mẹ ơi! Lẽ ra con không nên uống rượu say đến thế... nhất là lúc này, nhưng con sợ, mẹ ạ! Con sợ lắm!
Giọng nói ngưng bặt và tôi cắn chặt môi. Tôi biết là mắt mình đã đẫm lệ. Chồng tôi thì thào: "Ai vậy em?". Tôi lắc đầu. Anh rời khỏi phòng và chỉ mấy giây sau anh quay lại, tai đang áp vào cái điện thoại "mẹ bồng con" ở phòng ngoài.
Cô gái hẳn nghe thấy tiếng lách cách trên đường dây, cô nói tiếp:
- Mẹ vẫn nghe con nói phải không mẹ? Con xin mẹ đừng cúp máy! Con cần mẹ. Con đang cô đơn lắm.
Tôi nắm chặt ống nghe và nhìn chồng cầu cứu.
- Không, mẹ vẫn nghe con. Mẹ không cúp máy đâu - Tôi trả lời.
- Con biết đúng ra con phải kể với mẹ. Nhưng khi mẹ con mình nói chuyện với nhau, mẹ luôn bảo con phải thế này, phải thế kia. Con đã đọc những điều mẹ khuyên bảo trong các quyển sách mẹ mua cho con. Vậy mà mẹ vẫn cứ nói. Điều con cần là mẹ hãy lắng nghe con. Chẳng bao giờ mẹ để cho con nói những gì con suy nghĩ và cảm nhận. Như thể mẹ cho rằng cảm xúc của con chẳng quan trọng chút nào. Vì mẹ cho rằng mẹ là mẹ của con nên mẹ đã biết hết mọi câu trả lời. Nhưng có những lúc con không cần câu trả lời. Con chỉ muốn ai đó lắng nghe con nói thôi.
Tôi chợt thấy cổ họng đắng chát khi liếc mắt nhìn vào quyển cẩm nang “Cách nói chuyện với con trẻ” nằm lăn lóc trên bàn.
- Mẹ đang nghe con đây, con nói đi! - Giọng tôi thì thào.
- Mẹ biết không! – Giọng nói bên kia đầu dây tiếp tục – Con đã đưa xe trở lại phần đường chính sau khi đã tự chủ lại. Con bắt đầu nghĩ đến đứa bé trong bụng con và nghĩ là mình có trách nhiệm phải chăm sóc nó. Rồi con nhìn thấy buồng điện thoại công cộng và nhớ lại những gì mẹ thường giảng cho con về việc say rượu và lái xe. Vì thế con gọi taxi. Con muốn về nhà.
- Tốt lắm, con yêu – Tôi nói mà thấy trống ngực đã bớt đập. Chồng tôi đến gần hơn, ngồi xuống bên cạnh và đưa tay nắm lấy bàn tay tôi. Tôi biết như thế là tôi đã làm đúng
- Nhưng mẹ ơi, con nghĩ là con vẫn có thể lái xe về nhà.
- Đừng con! – Tôi chợt gắt lên. Người tôi lại căng ra và tôi bóp chặt bàn tay của chồng - Mẹ xin con đấy! Hãy ráng chờ thêm một chút nữa. Con đừng cúp máy khi chưa thấy taxi đến, nghe con.
- Mẹ ơi, con chỉ muốn nhanh chóng về nhà thôi!
- Mẹ biết. Nhưng con hãy cứ làm như mẹ dặn. Hãy ráng chờ taxi đến, nghe con!
Tôi lắng nghe giây phút im lặng và nỗi sợ trong tôi dâng lên. Khi không nghe thấy tiếng động gì bên kia đầu dây, tôi cắn chặt môi và nhắm mắt lại. Bằng mọi cách tôi phải ngăn không để con bé lái xe về nhà. Chỉ khi nghe vọng lại từ bên kia tiếng hỏi của người tài xế taxi tôi mới cảm thấy yên tâm.
- Taxi đến rồi. Con về nhà đây, mẹ ạ!
Có tiếng treo máy và điện thoại im bặt.
Rời khỏi giường trong lúc nước mắt vẫn còn đọng trên mi, tôi nhẹ bước đến phòng cô con gái 16 tuổi và đứng ở đấy. Đêm giăng đầy sự tĩnh mịch. Chồng tôi nhẹ bước đến phía sau. Anh nhìn tôi một lúc rồi hỏi:
- Em có nghĩ là cô bé lúc nãy biết mình quay lộn số điện thoại không?
Tôi nhìn con gái đang ngủ, khẽ đáp:
- Không, có lẽ không đâu anh ạ.
Tôi lặng người đi vì xúc động. Biết bao lần tôi đã không lắng nghe. Vẫn chưa muộn. Tôi chợt nhận ra rằng không có sách vở nào hướng dẫn chúng tôi cách lắng nghe mọi người xung quanh và làm thế nào để đồng cảm được với những trăn trở, nỗi đau của con người. Đôi khi biết lắng nghe không chỉ giúp xoa dịu những vết thương mà còn có thể cứu được một đời người.
FIRST NEWS - Theo The Stories of Life

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Popular Posts

Blogger news

About




Powered by  MyPagerank.Net

Academics Blogs
Bookmark and Share

Blog Archive