P04: Khoảng cách thế hệ - có chăng?
7/7/10
0
nhận xét
Khoảng cách này hoàn toàn có thể rút ngắn hay thậm chí xóa bỏ khi người ta đối xử với nhau với sự hiểu biết. Nhưng không phải lên lớp kêu gọi sự hi sinh của các bên mà thực hiện điều đó được.
Đọc qua một số tham luận tại diễn đàn liên quan đến vấn đề do Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM tổ chức, tôi thấy có những cách suy nghĩ không giúp ta giải quyết vấn đề. Đầu tiên là lẫn lộn hiện tượng và bản chất. Có người đo khoảng cách bằng số tuổi. Có người nghĩ rằng ba, bốn thế hệ ở chung một nhà là rút ngắn khoảng cách và thề quyết sẽ đem cha mẹ về nuôi khi lập gia đình riêng. Đó thường là ước muốn đầy thiện chí (nhưng có thực tế không?) của các bạn gái. Còn có bạn trai thì bức xúc với chuyện mỗi thành viên trong gia đình lại thích một chương trình tivi khác nhau. Rồi cũng có bậc đàn anh quơ đũa cả nắm rằng thế hệ trẻ chạy theo lối sống thực dụng của kinh tế thị trường (tội nghiệp, cứ trăm dâu đổ đầu tằm), còn đàn anh thì giữ đạo đức cách mạng. Và điều này tạo ra khoảng cách (thật ra nếu sống thực dụng thì người trẻ đâu có tham gia diễn đàn).
Nên nhớ khoảng cách đây là khoảng cách tâm lý và khi sự bất đồng trở thành một vấn đề nan giải, chứ sự khác biệt về tư tưởng giữa các cá nhân, nhóm hay thế hệ là bình thường. Chỉ khi nào một tầng lớp bên trên như cha anh cậy quyền lực của mình để ép buộc, áp đặt ý kiến của mình, đặc biệt với suy nghĩ rằng chỉ có mình là đúng và sẽ phản ứng mạnh khi người khác không nghe mình. Và cấp dưới chịu hết nổi phản ứng lại mạnh mẽ hoặc tránh xa. Đây là biểu hiện của sự ít hiểu biết và thiếu cơ hội tiếp xúc với điều mới lạ.
Cách đây 12 năm, nhân dịp sang Mỹ tôi có thăm một gia đình bà con. Đây là một gia đình ghép theo kiểu VN. Chủ hộ là cặp vợ chồng độ tuổi 40 với một con trai 12-13, một gái 7 tuổi, cộng thêm bà nội các cháu lúc ấy vừa ngoài 70 và bác trai các cháu là một người đàn ông độc thân. Cú sốc đầu tiên của tôi là sáu chiếc tivi cho năm người: bà nội một chiếc, vợ chồng chủ hộ một là dĩ nhiên rồi, nhưng hai đứa nhỏ cũng mỗi đứa một chiếc vì ở phòng riêng. Bé gái thì mê truyện cổ tích và bị anh chê là quá con nít. Cậu ta thì chơi game và thích chương trình của tuổi choai choai. Thật ra khoảng cách tâm lý giữa hai cháu được anh chàng choai choai này xem là không nhỏ. Nhớ tới cảnh gia đình sum họp dưới ánh đèn trong Quốc văn giáo khoa thư (với câu đầu mà tôi nhớ mãi: Cơm nước xong trời vừa tối...) tôi tự nhủ "thế này còn đâu là gia đình VN?". Thật ra gia đình này rất hạnh phúc. Bà chị bà con tôi hồi ở VN rất khó tính. Các con chị thường than phiền về điều này, nhưng nay thì hiểu biết hơn, họ chỉ cười và cả nàng dâu cũng chăm sóc chị rất tốt. Bé gái thì nũng nịu với bà nội bằng một ngôn ngữ lai căng. Anh chàng choai choai thì mới bước vào tuổi khủng hoảng, vào bàn ăn lầm lầm lì lì không nói chuyện, ăn thật nhanh rồi rút về phòng riêng. Nhưng có sao đâu, mọi người mỉm cười thông cảm. Cháu rất thương nội mà không nói ra. Giờ đây đang học đại học ở xa, tuần nào cháu cũng điện về thăm bà nội bằng thứ tiếng Việt lưu loát. Đáng để ý nhất là sự thay đổi của bà chị già trong môi trường mà người ta biết tương đối hóa ý kiến riêng của mình và nhất là đối xử với nhau bằng sự hiểu biết. Đó là chấp nhận người khác là khác với mình.
Riêng tôi cũng ngộ ra rằng đoàn kết thương yêu nhau không phải lúc nào cũng sống chùm nhum với nhau, và xem tivi chung không nhất thiết biểu hiện sự đoàn kết. Giờ đây chiếc tivi giống như một đồ dùng riêng như chiếc đồng hồ chẳng hạn.
Đối xử với nhau với sự hiểu biết, là biết cái gì đây?
Đó là biết tâm lý con người nói chung và đặc điểm tâm lý và nhu cầu của từng lứa tuổi nói riêng. Trẻ thích sôi nổi ồn ào, già thì cần sự trầm tĩnh. Thôi thì ta tạo cho nhau điều kiện để thỏa mãn nhu cầu. Ta thông cảm lắng nghe ông bà kể chuyện xưa. Tuy nhiên, có hai xu hướng tự nhiên khiến cho khoảng cách có thể nới rộng. Đó là người trẻ thì luôn dễ tìm đến cái mới, còn người già thì bảo vệ cái hiện có và đã qua nhiều hơn. Với hai môi trường sống khác nhau, sự tiếp nhận thông tin khác nhau với tốc độ chuyển biến cực nhanh của xã hội, nhịp sống của đôi bên càng cách biệt. Ở đây người già phải cố gắng luôn ý thức về xu hướng bảo thủ của mình, luôn học hỏi để thích nghi với một xã hội không ngừng đổi mới. Mà thật vậy, trong một xã hội "học mãi học hoài", nhất là trong những ngành khoa học để làm việc với con người, người ta phải luôn ý thức về bản thân để cư xử đúng mức. Các phương pháp giúp đỡ rất nhiều. Biết rằng người lớn hay áp đặt ý kiến của mình mà quên rằng trẻ em thì khác ta, trong các khóa học người ta bắt mình sắm vai trẻ em thì nhớ xu hướng chủ quan của mình ngay. "Thấu cảm" nghĩa là khả năng đặt mình vào vị trí của người khác, là một kỹ năng sống quan trọng mà người lớn cũng phải học chứ không riêng gì trẻ em. Phương Tây có câu: "Phải biết đặt chân mình vào đôi giày của người khác".
Tâm lý và nhu cầu của người già cũng được nghiên cứu nhiều hơn nếu họ được giúp đỡ để sống vui, sống tích cực, nhờ đó cũng bớt "trở tính" hơn. Có bạn nói phương Tây không có tinh thần gia đình và đem bỏ cha mẹ ở viện dưỡng lão. Bạn nên tìm hiểu sâu hơn để tránh những khẳng định hồ đồ. Người già phương Tây ngày nay, với các chính sách xã hội hỗ trợ, còn hoạt động, thích sống riêng, độc lập. Ở VN cũng có những người già như vậy rồi. Thăm hỏi, luôn sẵn sàng có nhau cũng là cách biểu hiện tình gia đình của một số người. Người già có khi thích sống với bạn bè hơn.
Để kết luận, với sự hiểu biết ngày nay, khoảng cách thế hệ không là một vấn đề nếu như một bạn đã kêu gọi ở diễn đàn: mọi người đều phải học. Đúng vậy, hồi ở trường tôi gặp nhiều người lớn bỏ tiền để học các khóa về truyền thông giao tiếp, hôn nhân gia đình... Nhờ vậy có người lớn tuổi mà rất "trẻ", có người ít tuổi mà đã già.
Ở phương Tây, nơi mà khái niệm "khoảng cách thế hệ" ra đời, cuộc cách mạng giới trẻ 1968 đã xóa bỏ khoảng cách. Mà ngày nay đề cao giá trị của tuổi trẻ mới là "sành điệu" cơ mà! Được biết không ít lãnh tụ quốc gia tiến bộ của họ ngày nay trưởng thành từ giới trẻ này. Xã hội dân chủ, không phong kiến góp phần rút ngắn khoảng cách.
NGUYỄN THỊ OANH ( Tuổi Trẻ Online )
0 nhận xét:
Đăng nhận xét