Your Adsense Link 728 X 15

P05: Hạnh phúc - phải lựa chọn

Posted by Kenny Phạm 7/7/10 0 nhận xét
Hạnh phúc đến hay không đến, sao lại chọn? Hạnh phúc thật sự không từ trên trời rơi xuống mà phụ thuộc vào những giá trị sống mà ta chọn. Ta phải chọn vì trong xã hội ta hiện nay có quá nhiều thứ bị nhầm lẫn là hạnh phúc hay nguồn hạnh phúc. Đó là tiền bạc, của cải, quyền lực… mà thiên hạ đổ xô đi tìm kiếm.
Nhưng sự ham mê vật chất không bao giờ có điểm dừng và hậu quả tất yếu là căng thẳng, stress, các bệnh tim mạch… Đó là chưa nói đến tội ác, sự tuyệt vọng của con người; dẫn đến tự tử, những cuộc giết chóc lẫn nhau. Sau nhiều thập niên quay cuồng theo hướng này phương Tây quay về với nếp sống phương Đông để tập thiền, yoga, tĩnh tâm, chiêm niệm…
Xã hội VN mới bước vào kinh tế thị trường mà các biểu hiện tâm lý xã hội tiêu cực của nó đã bắt đầu tác động mạnh mẽ đến cuộc sống hằng ngày. Giới trẻ ngoài tác động của các phương tiện truyền thông, quảng cáo, nếp sống ăn chơi đua đòi, còn phải chịu một áp lực từ phía gia đình buộc phải chọn những nghề hái ra tiền và một sự thành đạt dựa trên những giá trị vật chất.
Điều đáng lưu ý và đáng tiếc là thành đạt bị nhầm lẫn với hạnh phúc, bởi lẽ lắm kẻ giàu có, quyền thế, nhà cao cửa rộng mà không hạnh phúc; lắm gia đình thành đạt về nghề nghiệp, vị trí xã hội mà rạn nứt.
Do đó cần xác định lại hạnh phúc là gì? Đó là làm được điều ta ước mơ, ưa thích, nhất là phù hợp với bản tính, năng khiếu. Có người làm bác sĩ, kỹ sư nhưng cũng có người yêu nghệ thuật. Cũng có người thích làm y tá, giáo viên, bảo mẫu, công nhân… Thế giới cần đủ loại người để tạo hạnh phúc cho các thành viên của nó. Đem lại hạnh phúc cho tha nhân cũng là tạo hạnh phúc riêng cho mình.
Tiền là rất cần, thời trang rất đẹp, nhưng chết vì nó thì quá uổng. Hạnh phúc là những niềm vui nho nhỏ đến với ta ngày hôm nay, vào giờ phút này, như một cảnh đẹp, một bản nhạc hay, một người bạn mới và trên hết là một việc làm có ích cho người khác. Cao nhất là đạt tới mục đích sống đẹp mà ta đề ra.
Hạnh phúc đòi hỏi phải dám nói “không” với những gì không phù hợp, kể cả công việc khi nó khiến ta quay cuồng, căng thẳng, mất sáng suốt, bệnh hoạn. Phải dừng lại, nhìn vào bản thân, để có một ý thức cao nhất về mình, để làm chủ những cảm xúc và tư tưởng của mình. Mà đó chính là những điều kiện để đạt đến ý thức về giá trị bản thân.
Hạnh phúc là một sự lựa chọn, mà đó là điều không dễ. Hạnh phúc và sự quí trọng bản thân là hai mặt của một vấn đề. Chúng gắn liền với nhau và tương tác lẫn nhau.
Chúc bạn sáng suốt để tìm được hạnh phúc thật!               
===================================
Cô gái đi ngược dòng chảy 
Giữa thập niên 80, Bangkok là một thành phố tiêu xài, các cô gái ăn diện rất đúng mốt, có khi đi làm mà giống như đi dạ hội.
Giữa thập niên 90, các cô có đơn giản hơn, nhưng lần này tôi về tỉnh Chiang Mai và đi thăm làng mạc. Hơn thế nữa đây là một Thái Lan đang trải qua cơn khủng hoảng kinh tế và đại dịch AIDS. Tôi đã phát hiện một Thái Lan khác, ít nhất là đối với tôi.
Trung tuần tháng sáu vừa qua, tôi tham gia một đoàn các nhà nghiên cứu và hoạt động về HIV/AIDS để đi thăm một số dự án cộng đồng. Một trong số dự án đó là nhóm thanh niên phòng chống AIDS ở quận San Kampaeng thuộc tỉnh Chiang Mai, cách thành phố Chiang Mai chừng một tiếng rưỡi xe hơi.
Năm 1994, một cô gái địa phương sau nửa đời người sống và lao động ở Bangkok đã quyết định trở về quê để làm cái gì đó cho xã hội, nhất là cho và thông qua giới trẻ. Cô gái tập hợp 20 người tình nguyện và đề nghị họ nêu ra những vấn đề bức bách nhất của cộng đồng, tìm những giải pháp trong tầm tay. Các bạn đưa ra nào là thiếu sân chơi, nào là nạn ma túy và HIV/AIDS... Ở quận này nhiều thanh niên di dân đi làm xây dựng và một số nghề khác ở các thành phố lớn. Họ bị nhiễm HIV, lây qua cho vợ và khi hết làm việc được thì trở về gia đình chờ chết. Giờ đây họ đã chết gần hết, để lại những người vợ trẻ ở độ tuổi 30-40 cũng bị nhiễm và những đứa con có đứa bị nhiễm có đứa không.
Từ 20 người ban đầu nay nhóm đã có 30 người tình nguyện nòng cốt, qui tụ được 300 thanh niên từ bản làng gồm độ 6.000 dân. Họ tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao, làm vệ sinh môi trường, giúp người già, các hội thảo về ma túy, HIV/AIDS, kỹ năng sống. Qua câu chuyện, người nữ thủ lĩnh cứ nhắc đi nhắc lại nhiều lần: “Chúng tôi không thuyết giảng theo kiểu từ trên xuống hay cho những lời khuyên đạo đức mà để thanh niên tự thảo luận một cách thoải mái, tự do. Chỉ đưa ra một điều kiện là khi tới trụ sở (một phòng họp đơn sơ bằng nhà tiền chế) không hút ma túy”.
Hoạt động của nhóm nhấn mạnh đến ba kỹ năng sống: rèn luyện sự tự tin, phân tích xã hội và sự tự trọng. Các kỹ năng này giúp thanh niên biết tự chọn lựa và tự quyết định trước cái xấu.
Họ nhấn mạnh đến cái gọi là “phê bình văn hóa” - nghĩa là nhìn thẳng vào các giá trị văn hóa tiêu cực của xã hội để tự điều chỉnh. Chẳng hạn như tệ trọng nam khinh nữ trong lĩnh vực HIV. Khi người đàn ông ngã bệnh, cả gia đình gồm cha mẹ và vợ con họ dồn hết tiền của, sức lực để chăm sóc họ.
Khi người vợ ngã bệnh thì nguồn lực gia đình đã cạn kiệt. Tệ hại hơn khi người vợ (do chồng lây qua) đau trước thì người chồng trốn mất.
Hoạt động của nhóm thanh niên đã từng bước tác động tới cộng đồng. Phụ huynh lúc đầu e ngại khi nghe rằng con em họ tham gia các lớp giáo dục giới tính...
Được thăm viếng thường xuyên và giải thích rõ, giờ đây họ không những yên tâm mà còn ủng hộ triệt để. Chính quyền địa phương ban đầu cũng không tin là nhóm thanh niên sẽ thành công, nay đã tích cực tạo mọi điều kiện và còn hỗ trợ kinh phí.
Quận có một lớp mẫu giáo. Có vài em thuộc gia đình nhiễm HIV. Cha mẹ các em khác không cho con mình đi học nữa. Thường thì nhà trường cho các nạn nhân nghỉ học và giảm học sinh là không đủ kinh phí hoạt động. Nhưng nhóm thanh niên đã làm ngược lại. Họ chạy vạy tìm nguồn tài trợ để lớp học tiếp tục với sĩ số học sinh thấp. Sau cùng được giải thích kỹ, cha mẹ các trẻ bình thường  đã cho con mình đi học lại.
Ở Thái Lan hiện nay, các đối tượng được giáo dục HIV gồm cả các em nhỏ. Khía cạnh lây lan được trình bày một cách nhẹ nhàng và khía cạnh không cô lập mà yêu thương, đùm bọc trẻ có cha mẹ bị lây nhiễm được nhấn mạnh.
Điều làm tôi thắc mắc là người nữ thủ lĩnh này là ai mà rành rẽ về các vấn đề phát triển xã hội và giáo dục thanh niên? Cô ta là ai mà trở về làng làm việc khi nói tiếng Anh lưu loát và trả lời các câu hỏi của đoàn tham quan (gồm các nhà khoa học và nhà hoạt động đầy kinh nghiệm) một cách thuyết phục và tự tin? Tôi tự hỏi hay đây là một chuyên gia “giả dạng thường dân”?
Đáng lưu ý nhất là trang phục của cô. Chiếc áo rộng lùng thùng, chiếc quần nông dân bằng vải ú rộng thênh thang (một thứ chỉ còn thấy ở vùng sâu, vùng xa). Thêm vào đó là chiếc khăn rằn quấn cổ. Tôi biết ở một quận thuộc Chiang Mai, thành phố thứ hai của Thái Lan, đây là một chuyện không bình thường mà là có chủ đích. Mà thật vậy, cô nữ thủ lĩnh cứ thường nhấn mạnh đến bản sắc dân tộc, tiềm năng văn hóa bản xứ trong giải quyết các vấn đề xã hội ngày nay.
Sau buổi họp, tôi nói đùa: “Cô giống như một du kích quân cách mạng!”. Cô cười: “Hiện nay chúng tôi đang tổ chức nhiều khóa tập huấn cho thanh niên Thái và tôi mong sẽ có ngày họp mặt với thanh niên các nước châu Á khác. Niềm tin lớn nhất của tôi là sức mạnh của tuổi trẻ để đổi mới xã hội”.
Được biết nữ thủ lĩnh này của tôi 33 tuổi, chỉ tốt nghiệp cấp III rồi đi làm ở Bangkok. Cô nói: “Dù mình có năng lực, xin việc ở đâu họ cũng đòi bằng cử nhân. Tôi về quê giúp thanh niên và theo học truyền thông đại chúng với Đại học Mở trong chương trình giáo dục từ xa”.
Trong đó có người hỏi: “Thường thì người ta rời nông thôn ra thành phố, còn cô sao làm ngược lại?”. Cô cho biết tình thương yêu gắn bó với xóm giếng đồng ruộng hiện nay là sức mạnh thúc đẩy cô hoạt động. Tìm về dân tộc phải xuất phát từ xác tín của từng cá nhân, nếu không những nỗ lực hình thức rùm beng không có hiệu quả.
Mừng cho đất nước Thái Lan có được sức mạnh mới từ trong nhân dân, từ người trẻ. 

NGUYỄN THỊ OANH ( Tuổi Trẻ Online )

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Popular Posts

Blogger news

About




Powered by  MyPagerank.Net

Academics Blogs
Bookmark and Share

Blog Archive