Your Adsense Link 728 X 15

Những Tâm Hồn Cao Thượng - Tập 8 - Phần 07

Posted by Kenny Phạm 20/7/10 0 nhận xét
Trong từng đường may

Điện đã được phát hiện bởi những người Hy Lạp cổ đại, thế mà mãi đến mùa hè năm 1948 nó mới tìm được đường đến trang trại của cha mẹ vợ tôi. Đó là khi chiếc xe tải của Hợp tác xã Điện lực Nông thôn quận Cam đến con đường Grimes Lake để trồng cột và kéo dây.
Những cử chỉ yêu thương cao quý được thực hiện bởi những người có thói quen làm những việc tốt nho nhỏ. (Khuyết danh)
Mẹ vợ tôi, bà Ruby, đang ngồi trước hiên nhà để bóc đậu trong lúc những người thợ trồng trụ điện xuống đất. Tối hôm đó, bà hỏi ông Howard - bố vợ tôi, xem ông nghĩ sao nếu bà mua một cái máy may điện. Chiếc máy may đạp chân của bà đã bị hỏng, nó là nạn nhân của hai đứa con trai “thích khám phá” của bà vì chúng đã “khai tử” cái bàn đạp máy may sớm như vậy.
Ngày hôm sau, hai ông bà lái xe đến Trung tâm máy may Singer ở Bedford và mua một chiếc máy may điện hiệu Singer mới toanh, có dụng cụ dùng để thùa khuyết áo, có vỏ bọc và còn có thêm một cái ghế. Giá của nó là 240 đô la, đó là số tiền họ kiếm được từ việc bán cả một xe tải đầy lợn cho một xí nghiệp thịt hộp ở New Solsberry.
Bà bắt tay vào việc may đồ cho mấy cậu con trai của mình. Sau bữa ăn tối, khi bàn ăn đã được dọn sạch sẽ và chén đĩa cũng đã rửa xong, bà lại cắm cúi bên chiếc máy may, cố may thật nhiều quần áo cho các con và cho những người hàng xóm. Bà đã may hàng ngàn chiếc váy đầm, áo sơ mi và quần đùi.
Cả quần áo búp bê, quần áo cho vợ của vị mục sư trong thị trấn, những bộ váy khiêu vũ, và cả những bộ áo cưới. Mũi kim của chiếc máy may hiệu Singer đã nhấc lên xuống cả triệu lần. Cả gia đình thường thiếp đi dưới những chiếc chăn bông do chính tay bà làm, và được ru ngủ bởi tiếng rền rền của chiếc máy Singer.
Bọn trẻ lớn lên và dọn ra ở riêng. Những đứa cháu lần lượt ra đời, có tám đứa tất cả. Chiếc máy may Singer lại may những bộ đồ sản phụ, đồ trẻ em, áo dài dành cho lễ rửa tội và chăn bông cho những chiếc nôi. Đến năm 1987, bà gọi điện cho chúng tôi, giọng hết sức chán nản. Sau ba mươi chín năm, chiếc máy may Singer của bà đã trở nên ì ạch. Vì thế bà mang nó đến cho ông Gardner ở thị trấn bên cạnh.
Ông ấy đã sửa qua nhiều máy may nhưng không thể phục hồi được chiếc máy của bà. Ông gửi nó đến tận Chicago. Một tháng sau, chiếc máy được gửi trả lại với một mảnh giấy gắn kèm ở sợi dây. Mảnh giấy ghi: Đã lỗi thời. Không còn bộ phận thay thế. 
Ngày hôm sau, tôi đến một cửa hàng bán máy may để mua một chiếc mới. Chiếc máy cũ của bà được làm bằng kim loại, còn những cái máy mới toàn được làm bằng nhựa và có cả thiết bị điện tử để tính toán và giá thì chỉ ngang với chiếc xe hơi đầu tiên của bà. Họ phân loại chúng theo cách sử dụng. Tại nơi trưng bày còn một chiếc máy Singer đầu đen đời 1948 bằng kim loại.
“Cái này còn chạy không vậy?”, tôi hỏi người bán hàng.
“Tôi không biết nữa”, ông ấy trả lời. “Để tôi thử cắm điện xem sao.” Ông ấy cắm điện. Chiếc máy rền lên như được sống lại.
“Nó không phải để bán đâu”, ông ta bảo tôi. “Nó chỉ để trưng bày thôi. Quanh đây không còn nhiều những cái máy Singer cũ đầu đen như thế này nữa đâu.”
Thế là tôi kể cho ông ấy nghe về mẹ vợ tôi - về cách bà đã tự kiếm sống và bận bịu may vá như thế nào, về việc bà đã lấy công chỉ có sáu đô la cho một chiếc váy chỉ vì những người nhờ bà may đều không có nhiều tiền, về việc bà nhiều lần không lấy một đồng của khách, và rằng bà đã đam mê công việc may vá như thế nào.
Sau cùng, ông ấy đã bán cho tôi chiếc máy với giá hai mươi lăm đô la.
Vào dịp cuối tuần sau đó, chúng tôi chở chiếc máy xuống nhà bà. Bà đang ngồi trước hiên, chăm chú đợi chiếc xe của chúng tôi rẽ qua góc đường đầy sỏi. Bà bước ra và đứng cạnh chiếc xe lúc chúng tôi mở thùng đựng hành lý. Khi nhìn kỹ thấy chiếc máy may đầu đen đời 1948, bà nở một nụ cười khiến khuôn mặt càng lộ ra những nếp nhăn.
“Nó giống hệt cái máy cũ của mẹ”, bà nói nhỏ.
Chúng tôi khiêng cái máy vào nhà và gắn nó vào cái vỏ cũ. Hoàn toàn vừa khít. Chúng tôi cắm điện vào. Khi nghe được tiếng máy kêu, bà đã vỗ tay sung sướng.
Cái máy vẫn còn chạy tốt. Bà vẫn lấy công sáu đô la cho mỗi chiếc váy đầm - trừ khi đó là một chiếc váy cô dâu, vì khi ấy bà phải khâu nó bằng tay. Bạn sẽ phải trả mười lăm đô la cho việc đó, nhưng chỉ khi bạn có khả năng thôi.
Mới đây, bà ra Bắc để thăm đứa cháu gái Rachael của bà. Rachael đã cho bà xem con búp bê Barbie của nó, rồi nhờ bà may vài bộ quần áo cho Barbie. Ngay đêm đầu tiên trở về nhà, bà đã cắm cúi bên chiếc máy đầu đen đời 1948 của mình để may những chiếc áo đầm cho Rachael và cho búp bê của con bé. Bà may đến tận khuya.
Sáng hôm sau, bà lái xe xuống phố và gửi một gói hàng ra Bắc. Ba ngày sau, chuông điện thoại nhà bà reo vang. Rachael gọi điện cho bà chỉ để nói: “Cháu cám ơn bà”, “Cháu yêu bà lắm” và “Chừng nào cháu mới được gặp lại bà?”.
Trong hai lần khác, tôi và vợ cũng tìm thấy những chiếc máy may Singer đầu đen đời 1948 ở các cửa hàng đồ cổ. Chúng tôi đã mua chúng và chuyển đến cho mẹ. Bà còn phải may rất nhiều thứ, và chúng tôi không muốn bà không có máy để dùng trước khi bà không còn đồ để may.
Không phải lúc nào tôi cũng hoan nghênh mọi thứ mới mẻ xuất hiện trên đường, dù vậy tôi vẫn biết ơn việc nguồn điện đã tìm đến con đường Grimes Lake vào năm 1948. Tôi cũng biết ơn người đàn bà đã ngồi may trong đêm khuya, người đã gửi gắm tình yêu của mình trong từng đường may.
- Philip Gulley
JACK CANFIELD & MARK VICTOR HANSEN

Sinh nhật đáng nhớ

Là một đứa trẻ sinh trưởng ở vùng núi Ozark thuộc bang Missouri vào thập niên 1930, tôi đã không biết rằng gia đình mình nghèo – thật vậy, mới 4 tuổi, tôi thật sự không biết thế nào là nghèo. Nhưng tôi biết rõ ràng rằng mình đã phát chán vì cứ phải ăn cháo bột yến mạch và cứ phải chịu những cơn lạnh cóng người.
Cách tốt nhất để đáp lại lòng tốt là hãy tử tế với những người khác. (Martha Kinney)
Một ngày nọ, chúng tôi nghe thấy một tiếng gõ cửa lớn và dứt khoát. Tôi bám lấy váy mẹ khi mẹ ra mở cửa cho một người trông giống như một gã khổng lồ trong bộ quần áo rộng thùng thình. Khuôn mặt ông ấy sạm đen vì nắng gió còn mái tóc thì dài và lại được cắt tỉa nham nhở. Ánh mắt của ông trông khá sắc bén. 
“Bà là vợ của Leonard Presson?” Đó gần như là một lời đề nghị xác nhận thông tin hơn là một câu hỏi.
“Vâng”, giọng mẹ lạc đi và đầy hoảng sợ. “Nhưng chồng tôi đi săn rồi.”
Gã khổng lồ quay lại và vẫy hai đứa bé trai đang ngồi trong chiếc xe ngựa đỗ ngay sát cửa. “Vâng, chúng tôi biết gia đình bà từ miền Tây xa xôi trở về đã không kịp trồng vụ mùa, nên chúng tôi mang thức ăn đến để giúp nhà ta vượt qua lúc này.”
Trong khi ông nói thì hai đứa bé trai dỡ xuống những bao tải bột mì, ngũ cốc, đường, nhiều loại đồ hộp và thịt hun khói. Mẹ bế tôi lên và đứng dựa vào tường. “Chúng tôi không thể trả tiền...”, mẹ mở lời.
“Bà Eva, bà đã ra đi trong một thời gian dài.” Khuôn mặt nghiêm nghị của ông giãn ra. “Đây là thời kỳ khó khăn – mọi người trở về nhà bởi vì họ đã mất hết mọi thứ do phá sản.” Ông lại vẫy tay ra hiệu cho hai đứa trẻ quay trở lại chiếc xe ngựa giờ đã trống rỗng. “Gia đình nhớ hãy đến nhà thờ vào Chủ nhật tới nhé.”
Nói rồi ông nhảy lên xe ngựa và nắm lấy dây cương. “Mùa đông tới, bà sẽ giúp  mang lại lương thực cho những người khác nhé.” Có cái gì đó giống như một nụ cười đã xua tan đi vẻ ngoài u sầu của ông ấy. “Chúng tôi giúp mọi người biết tự chăm sóc bản thân mình.”
Tối hôm đó, chúng tôi đã mở tiệc, và chúng tôi cũng đã đến nhà thờ vào ngày Chủ nhật. Cha mẹ tôi đã được chào đón nồng nhiệt bởi những người mà tôi chưa hề được biết.
Đông qua, và khi xuân đến, những ngọn đồi và thung lũng tạo nên thế giới riêng của tôi đã sinh động trở lại cùng với những hứa hẹn cho một cuộc sống mới. Mùa màng đã được gieo trồng và chăm nom cẩn thận. Trong suốt mùa hè, chúng tôi đóng hộp để bảo quản trái cây và rau xanh. Một vụ mùa bội thu. 
Một ngày giá lạnh tháng 12, cũng là sinh nhật lần thứ năm của tôi, cha và hai anh của tôi chất thức ăn đầy xe ngựa và cả gia đình chúng tôi cùng leo lên rồi đánh xe tới một ngôi nhà đã bị bỏ hoang ở bên kia thung lũng. Tôi thu mình vào trong chăn và ngồi bên cạnh mẹ.  “Đây là món quà sinh nhật quan trọng nhất đối với con”, mẹ thì thầm. “Mẹ mong rằng mai kia con sẽ nhớ nó”.
Từ chỗ ngồi thuận lợi trên cao của xe ngựa, tôi nhìn thấy cha và các anh đang lặp lại đúng cảnh mà tôi đã từng được chứng kiến một năm về trước. Tôi muốn nhảy xuống và chạy ngay tới chỗ những đứa trẻ như tôi trước đây, đang níu lấy váy mẹ của mình. Đêm đó, khi cầu nguyện, tôi đã có một cảm giác thật ấm áp, vì lí do gì tôi cũng không biết nữa. Nhưng từ trong tim mình, tôi có thể thấy những đứa trẻ đó, tôi biết rằng chúng sẽ ngủ ngon - và tôi cũng vậy.
Thời gian cứ chầm chậm trôi qua đối với một bé gái sinh trưởng vào những năm đầu thập niên 1930 ở vùng đồi núi phía nam Missouri. Khi lớn hơn, tôi cũng đã giúp mọi người chuẩn bị phần lương thực sẽ được xe ngựa chuyển tới những gia đình đã trở về nhà để tránh sự tê liệt của cuộc khủng hoảng kinh tế.
Tôi còn được gặp lại “người khổng lồ”, người đã đến nhà chúng tôi vào ngày mùa đông rét mướt đó. Ông ấy chính là cha của một cô bé mà sau này đã trở thành “người bạn thân nhất của tôi”. Thậm chí khi chúng tôi trưởng thành và rời vùng núi ấy để tạo dựng cuộc sống ở chốn thị thành, chúng tôi vẫn trao đổi thư từ và thường gặp nhau tại những buổi họp mặt gia đình ở quê nhà Ozarks.
Mẹ tôi đã nói đúng. Vào sinh nhật lần thứ 5 của mình, tôi đã nhận được một món quà quan trọng nhất trong đời. Tôi không bao giờ quên được lòng tốt cũng như sự hào phóng của những con người giản dị nhưng sâu sắc, những người đã tin rằng họ thực sự là người phải giúp đỡ những người anh em của mình.
Nguyện ước của mẹ tôi đã nhiều lần được đáp lại. Trong suốt sáu mươi năm qua, dù kỷ niệm ngày 4 tháng 12 ở bất cứ nơi đâu và như thế nào đi chăng nữa thì chủ đề trong ngày sinh nhật của tôi vẫn là hành động tử tế mà tôi đã chứng kiến trong sinh nhật lần thứ 5 của mình. Nó thật sự là một sinh nhật đáng nhớ.
- Elizabeth Leopard
JACK CANFIELD & MARK VICTOR HANSEN

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Popular Posts

Blogger news

About




Powered by  MyPagerank.Net

Academics Blogs
Bookmark and Share

Blog Archive