Your Adsense Link 728 X 15

Những Tâm Hồn Cao Thượng - Tập 8 - Phần 06

Posted by Kenny Phạm 20/7/10 2 nhận xét
Gia đình giàu có

Tôi sẽ không bao giờ quên được lễ Phục sinh năm 1946. Năm đó tôi 14 tuổi, em gái Ocy của tôi 12 tuổi, còn chị Darlene 16 tuổi. Chúng tôi ở cùng với mẹ, và bốn mẹ con chúng tôi rất hiểu cảnh tự lo liệu là như thế nào. Bố tôi đã mất năm năm trước, chẳng để lại cho mẹ tôi tài sản gì ngoài bảy đứa con đang độ tuổi ăn học.
Cũng vào khoảng năm 1946, các chị của tôi đi lấy chồng, và các anh tôi cũng thoát ly khỏi gia đình. Một tháng trước ngày lễ Phục sinh, vị mục sư ở nhà thờ chúng tôi vẫn thường đi lễ thông báo rằng năm nay nhà thờ sẽ tổ chức một ngày lễ quyên góp đặc biệt để giúp một gia đình đang gặp khó khăn. Ông kêu gọi mọi người nên dành dụm ít tiền và dang tay giúp đỡ.
Khi về đến nhà, chúng tôi bàn với nhau xem mình có thể làm được gì. Chúng tôi quyết định mua 25 ký khoai tây để dành ăn cả tháng. Như thế chúng tôi sẽ tiết kiệm được 20 đô la tiền chợ để làm tiền quyên góp. Sau đó, chúng tôi thấy rằng nếu hạn chế tối đa việc sử dụng đèn điện và không nghe đài thì chúng tôi còn tiết kiệm được thêm khoản tiền điện của tháng đó nữa.
Chị Darlene nhận việc quét sân, lau nhà cho nhiều người, và cả hai chị em tôi cùng nhận trông trẻ cho bất kỳ ai có nhu cầu. Chỉ với 15 xu là chị em tôi đã có thể mua đủ vải bông để may ba miếng nhấc nồi rồi đem bán được một đô la. Chúng tôi đã kiếm được 20 đô la nhờ vào việc làm đồ nhấc nồi. Đó là một trong những tháng tuyệt nhất trong cuộc đời của mẹ con chúng tôi.
Mỗi ngày chúng tôi đều đếm xem mình đã dành dụm được bao nhiêu tiền. Ban đêm, chúng tôi cứ ngồi trong bóng tối và bàn tán xem gia đình nghèo khó kia sẽ vui sướng thế nào khi nhận được số tiền mà nhà thờ sẽ góp tặng họ. Giáo xứ có khoảng tám mươi người, vì vậy chúng tôi tính toán rằng chắc chắn số tiền cả giáo xứ quyên góp được sẽ phải gấp hai mươi lần số tiền chúng tôi dự tính trao tặng. Chủ nhật nào mục sư cũng nhắc mọi người nhớ tiết kiệm ít tiền cho đợt quyên góp.
Vào đêm trước lễ Phục sinh, chúng tôi nôn nao đến mức gần như không thể ngủ được. Chúng tôi không hề quan tâm đến chuyện mình không có quần áo mới để mặc vào dịp lễ Phục sinh, mà chỉ quan tâm đến việc cả nhà đã dành dụm được những bảy mươi đô la cho đợt quyên góp. Chúng tôi háo hức chờ đợi đến lúc được đến nhà thờ!
Sáng Chủ nhật đó, trời mưa như trút nước. Tuy không có dù che, lại ở cách xa nhà thờ hơn một dặm, nhưng mấy mẹ con tôi chẳng ngại gì chuyện mình sẽ bị ướt. Chị Darlene nhét miếng bìa cứng vào giày để bít mấy cái lỗ thủng. Nước vào miếng bìa bị rã, và bàn chân của chị cũng ướt sũng.
Nhưng rồi chúng tôi cũng yên vị trong nhà thờ, lòng đầy tự hào. Tôi nghe các bạn trạc tuổi mình bình phẩm gì đó về mấy bộ váy cũ chị em tôi đang mặc. Tôi ngắm nhìn họ trong những bộ quần áo mới, nhưng tôi vẫn cảm thấy mình là người giàu có.
Khi đợt quyên góp diễn ra, chúng tôi đang ngồi ở hàng ghế thứ hai từ trên đếm xuống. Mẹ cho vào thùng quyên góp một tờ mười đô la, còn chị em tôi mỗi người đóng góp một tờ hai mươi đô la.
Chúng tôi ca hát suốt trên đoạn đường trở về nhà. Vào giờ cơm trưa, mẹ dành cho chị em tôi một sự ngạc nhiên. Mẹ đã mua sẵn mười hai quả trứng, và chúng tôi đã luộc trứng để ăn kèm với khoai tây chiên! Chiều tối hôm ấy, vị mục sư đi xe đến nhà chúng tôi. Mẹ ra cửa nói chuyện với ông một lát, và sau đó trở vào nhà với một chiếc phong bì trên tay. Chúng tôi hỏi đó là gì, nhưng mẹ chẳng nói lời nào. Mẹ mở phong bì, một xấp tiền rơi ra. Có tất cả ba tờ hai mươi đô la mới cứng, một tờ mười đô la và mười bảy tờ một đô la.
Mẹ cất lại số tiền đó vào phong bì. Cả nhà không ai nói gì mà chỉ ngồi nhìn trân trân xuống đất. Mới đây còn thấy mình là người giàu có, giờ chúng tôi mới hiểu ra mình là người nghèo khổ. Ba chị em tôi đã có một cuộc sống quá hạnh phúc đến nỗi chúng tôi còn thấy tội nghiệp cho những ai không có được bố mẹ như mẹ và người bố đã quá cố của chúng tôi, không có được gia đình đông anh chị em như chúng tôi và không được mấy đứa trẻ khác ghé thăm thường xuyên như vậy.
Chúng tôi nghĩ rằng việc chị em dùng chung cái đĩa bạc rồi tìm xem mình có cái muỗng hay cái nĩa nào không cũng vui lắm chứ. Nhà chỉ có hai con dao nên chúng tôi cứ phải chuyền tay nhau trong bữa ăn. Tôi biết nhà mình không có nhiều thứ như những người khác, nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ là gia đình mình nghèo.
Thế mà vào ngày lễ Phục sinh đó, tôi mới biết là nhà mình như vậy. Vị mục sư đã mang đến cho chúng tôi số tiền dành tặng gia đình nghèo, nên chắc chắn là nhà tôi nghèo, tôi thầm nghĩ. Tôi không thích mình bị coi là nghèo. Tôi nhìn lại chiếc váy đầm, nhìn lại đôi giày đã mòn của mình và cảm thấy vô cùng xấu hổ – thậm chí tôi còn không muốn trở lại nhà thờ nữa. Mọi người ở đó hẳn đã biết nhà tôi nghèo rồi.
Tôi nghĩ đến trường học của mình. Tôi là học sinh lớp chín, lớp tôi có trên một trăm học sinh và tôi vẫn luôn đứng đầu lớp. Tôi tự hỏi không biết mấy đứa bạn ở trường có biết nhà tôi nghèo hay không. Tôi quyết định sẽ bỏ học vì tôi cũng đã học xong lớp tám rồi. Thời đó thì chỉ cần có thế thôi. 
Chúng tôi ngồi lặng im thật lâu. Trời tối, và cả nhà chúng tôi đi ngủ. Suốt cả tuần, mấy chị em tôi cứ cắp sách tới trường rồi về nhà mà chẳng ai nói gì nhiều. Cuối cùng, vào ngày thứ Bảy, mẹ hỏi chúng tôi muốn làm gì với số tiền ấy. Người nghèo dùng tiền để làm gì đây? Chúng tôi không biết. Chúng tôi chưa bao giờ biết là mình nghèo. Chúng tôi không muốn đi lễ vào Chủ nhật nữa, nhưng mẹ bảo chúng tôi phải đi.
Dù hôm ấy trời nắng đẹp, nhưng trên đường đi chúng tôi chẳng ai nói với ai lời nào. Mẹ bắt đầu hát, nhưng chẳng đứa nào hưởng ứng, và mẹ cũng chỉ hát mãi có một câu.
Buổi lễ hôm ấy có một nhà truyền giáo đến diễn thuyết. Ông kể về những ngôi nhà thờ ở châu Phi được xây bằng gạch phơi khô ngoài nắng, nhưng họ cần có tiền để mua vật liệu lợp mái nhà. Ông bảo số tiền một trăm đô la là đủ để lợp mái nhà cho một nhà thờ.
Vị mục sư nói thêm: “Lẽ nào tất cả chúng ta ở đây không thể hy sinh chút ít để giúp đỡ những con người nghèo khó ấy sao?”. Mẹ con tôi đưa mắt nhìn nhau và lần đầu tiên trong suốt tuần lễ ấy, nụ cười lại chớm nở trên môi chúng tôi. Mẹ lần tay trong ví và lấy ra chiếc phong bì. Mẹ đưa nó cho chị Darlene. Darlene chuyền cho tôi, tôi lại đưa tiếp cho Ocy. Ocy để phong bì vào thùng quyên góp.
Sau khi đếm xong số tiền quyên góp, vị mục sư thông báo rằng số tiền có được đã vượt con số một trăm đô la một chút. Nhà truyền giáo rất phấn khởi. Ông đã không nghĩ rằng sẽ quyên được số tiền lớn như thế từ nhà thờ nhỏ bé của chúng tôi. Ông bảo, “Hẳn trong nhà thờ này có một số người rất giàu có”. Chúng tôi cảm thấy bất ngờ quá đỗi! Chính gia đình tôi đã đóng góp 87 đô la trong số tiền “hơn một trăm đô la một chút” ấy.
Chúng tôi là gia đình giàu có trong nhà thờ! Chẳng phải nhà truyền giáo đã nói như thế sao? Từ đó trở đi, tôi không bao giờ cảm thấy mình là kẻ nghèo khó nữa.
- Eddie Ogan
JACK CANFIELD & MARK VICTOR HANSEN

Một bài học ý nghĩa hơn

Nhiệt tình, thân thiện, lôi cuốn, có tài. Đó là Julie, một trong những sinh viên tôi luôn yêu quý trong thời gian giảng dạy về chuyên đề “Sự phát triển của nhân loại” ở trường Đại học Nebraska. Em là một người rất thú vị và là một sinh viên mẫu mực.
Tôi nhớ mãi một ngày thu tháng Chín năm 1976, Julie đến gặp tôi khi tiết học vừa kết thúc. Trong khi đa số những sinh viên khác vội chạy ra khỏi lớp để tận hưởng khí trời mát dịu hoặc đến khu nhà nghỉ của hội sinh viên để giao lưu với nhau thì Julie vẫn nán lại hỏi tôi về kỳ thi tuần tới.
Rõ ràng là cô sinh viên này học hành rất nghiêm túc. Một vài sinh viên khác tình cờ nghe được những câu hỏi của Julie cũng dừng lại tham gia vào câu chuyện của chúng tôi. Chính tính cách cởi mở của Julie đã cuốn hút mọi người đến với em.
Nhưng Julie đã không bao giờ tham dự được giờ thi đó. Một ngày sau buổi trò chuyện của chúng tôi, cô bé đã bị một chiếc xe tải cỡ lớn đâm phải khi đang đạp xe băng qua giao lộ gần trường. Tôi sững sờ khi nghe tin Julie đang nằm hôn mê trong bệnh viện đối diện trường - nơi mà chỉ vài giờ trước đó em còn cười đùa, tán gẫu với bạn bè và dự tính cho tương lai của mình.
Chỉ ít phút trước tai nạn ấy, Julie và mẹ em còn nói chuyện qua điện thoại rất vui vẻ như thường lệ. Mẹ em nhớ lại lần trò chuyện cuối cùng giữa hai mẹ con: “Julie nhiệt tình lắm! Con bé thấy cửa hiệu gần trường có bán bộ quần áo mà nó rất thích mặc vào một dịp đặc biệt nào đó, và tôi bảo con bé cứ mua đi. Con bé không đi học bằng xe hơi vì cứ hay quên chỗ đỗ xe trong trường mãi. Thế là con bé nhảy lên xe đạp để đi mua bộ quần áo đó. Nơi xảy ra tai nạn chỉ cách khu tập thể nữ con bé đang ở một quãng ngắn mà thôi.”
Mọi suy nghĩ trong tôi gào thét vì thương tiếc Julie: “Julie ơi, em không thể chết được! Em là sinh viên mà bất cứ giáo viên nào cũng mơ ước có trong lớp của mình, là đứa con mơ ước của các bậc cha mẹ. Em còn rất nhiều điều để cống hiến, còn rất nhiều lý do để sống”.
Các cô y tá lặng lẽ ra vào phòng của Julie. Bố mẹ cô bé đứng lặng yên cạnh bên em trong sự tuyệt vọng. Sau đó bác sĩ bước vào phòng, ông hắng giọng và nói với bố mẹ cùng hai em trai của Julie: “Julie chỉ còn sống được vài giờ đồng hồ nữa thôi!”. Rồi ông thẳng thắn hỏi: “Gia đình ta có định hiến tặng một số bộ phận trên cơ thể của Julie không?”.
Cùng lúc đó, ở tiểu bang lân cận, Mary đang cúi mình về phía trước, cố gắng căng mắt để nhìn căn phòng khách nhỏ, bề bộn của mình được rõ hơn. Mắt cô dõi theo mọi cử động của đứa con đáng yêu vừa tròn hai tuổi của mình. Người mẹ rất mực yêu thương con này đang lưu mọi kỷ niệm để một mai khi không còn nhìn thấy con được nữa, cô có thể hồi tưởng lại chúng. Mary sắp bị mù.
Cách đó vài tiểu bang, John sắp kết thúc sáu giờ đồng hồ với chiếc máy điều trị thẩm tách. Tuy cơ thể bất động của anh đang được nối với “quả thận nhân tạo”, nhưng ông bố trẻ này vẫn đọc truyện cho hai cậu con trai của mình nghe. Bác sĩ đã đưa ra một chẩn đoán ác nghiệt rằng anh chỉ còn sống được thêm vài tuần nữa. Hy vọng sống duy nhất của anh giờ đây là được ghép thận.
Cùng thời điểm đó ở bệnh viện Lincoln, tiểu bang Nebraska này đây, bố và mẹ của Julie đã kiệt sức vì đau buồn, và họ đang cân nhắc để trả lời dứt khoát câu hỏi của bác sĩ. Đứa con gái có nước da hơi ngăm, có đôi mắt nâu của họ từng có lần nói rằng nếu cô bé chết, cô bé muốn hiến tặng các bộ phận trên cơ thể của mình. Hai vợ chồng nhìn nhau trong giây lát, nỗi đau đớn trong lòng  hiện rõ trong đôi mắt của họ. Rồi họ quay sang vị bác sĩ đáp: “Vâng! Lúc còn sống, Julie luôn biết sẻ chia với người khác. Và chắc con bé cũng vẫn muốn chia sẻ ngay cả khi mình lìa xa thế giới này”.
Chỉ trong vòng hai mươi bốn tiếng đồng hồ, Mary hay tin cô sẽ nhận được đôi mắt của Julie; còn John thì được báo rằng hãy chuẩn bị cho ca phẫu thuật ghép thận. Những bộ phận khác của Julie còn mang lại sự sống cho nhiều bệnh nhân nữa.
Mẹ của Julie, giờ đã bước vào độ tuổi 70, kể lại: “Julie mất ngay sau sinh nhật lần thứ hai mươi của mình – cách đây cũng hai mươi bốn năm rồi. Con bé đã để lại cho chúng tôi những kỷ niệm rất tuyệt vời”.
Bà còn nhấn mạnh: “Không gì, chắc chắn là không gì đau lòng bằng cái chết của con mình. Vì tim ta cứ còn đau mãi. Đau vào mỗi dịp sinh nhật của con, mỗi kỳ nghỉ hè, mỗi giai đoạn quan trọng như:  "Thời điểm mà lẽ ra con mình sẽ tốt nghiệp, thời điểm mà con mình sẽ lập gia đình, thời điểm mà lẽ ra nó sẽ sinh con”.
Hít thở thật chậm rãi và thong thả, mẹ của Julie nói tiếp: “Nhưng cuộc sống của Julie là món quà tặng cho chúng tôi. Chúng tôi cảm thấy được an ủi vì biết rằng sau khi chết, con bé vẫn tặng món quà của sự sống và ánh sáng cho người khác. Và hơn bất cứ điều gì khác, chỉ cần nhớ rằng mình đã thực hiện được những mong ước của Julie cũng đã giúp gia đình chúng tôi bớt đau khổ rất nhiều khi đối mặt với cái chết của con”.
Giọng dịu lại, mẹ của Julie nói: “Thầy, bạn bè và các thầy cô khác là một phần quan trọng trong cuộc sống của Julie. Những điều thầy dạy đã ảnh hưởng rất sâu sắc đến con bé, và thầy cũng giúp chúng tôi nhớ rằng tình yêu mình dành cho Julie và tình yêu mà con bé dành cho mọi người vẫn luôn sống mãi đến tận hôm nay!”.
Là một trong những người thầy của Julie, tôi từng nghĩ rằng mình đã đóng góp một phần nhỏ vào việc dạy em cách sống ở đời. Nhưng chính em – và gia đình của em – vẫn đang dạy cho tôi một bài học có ý nghĩa còn lớn lao hơn nữa: Chúng ta phải chết như thế nào.
- Barbara Russell Chesser
JACK CANFIELD & MARK VICTOR HANSEN

2 nhận xét:

Nặc danh nói...

It's a pity you don't have a donate button!
I'd without a doubt donate to this outstanding blog! I suppose for now i'll settle for bookmarking and adding your RSS
feed to my Google account. I look forward to fresh updates and will talk about this blog with my Facebook group.
Talk soon!
Here is my weblog : epl transfer news chelsea

Nặc danh nói...

Pretty section of content. I just stumbled upon your site and in
accession capital to assert that I acquire in fact enjoyed account your blog
posts. Any way I will be subscribing to your feeds and even I achievement you access consistently
quickly.
My blog post : perfumes

Đăng nhận xét

Popular Posts

Blogger news

About




Powered by  MyPagerank.Net

Academics Blogs
Bookmark and Share

Blog Archive